Về mất của ông Hai thử khi bao tin nhà mình bị tay đốt

TÌM HIỂU CHUNG

Tác giả

Về mất của ông Hai thử khi bao tin nhà mình bị tay đốt

Kim Lân

  • Tên khai sinh: Nguyễn Văn Tài
  • Sinh năm 1920, mất năm 2007
  • Quê quán: huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh
  • Kim Lân là cây bút chuyên truyện ngắn, viết không nhiều nhưng các tác phẩm đều rất đặc sắc
    - Ông thường viết về cuộc sống sinh hoạt ở làng quê, về cảnh ngộ người nông dân đồng bằng Bắc Bộ
    - Ông tỏ ra am hiểu sâu sắc cuộc sống tâm hồn, tình cảm người nông dân
    - Kim Lân có biệt tài miêu tả tâm lý nhân vật trong việc xây dựng tình huống, tạo sức hấp dẫn của truyện và thể hiện chủ đề truyện.

Tác phẩm

Hoàn cảnh sáng tác

Năm 1948 - Giai đoạn đầu kháng chiến chống Pháp khi Đảng, Cách Mạng kêu gọi người nông dân đi tản cư và đứng lên chống Pháp.

Đề tài

Truyện viết về đời sống tâm hồn, tình cảm, thái độ của người nông dân với làng, nước, với cuộc kháng chiến trong giai đoạn đầu kháng chiến chống Pháp.

Chủ đề

Khẳng định, ca ngợi vẻ đẹp tình yêu làng, yêu nước, tình cảm gắn bó với cách mạng, kháng chiến của người nông dân. Đồng thời cho thấy những nhận thức sâu sắc và mới mẻ của người nông dân về cách mạng, về kháng chiến.

Tình huống truyện

   - Là một sự việc cụ thể, (nếu không có nó thì không có tình huống sau)

   - Nhằm khắc họa nhân vật và chủ đề tác phẩm

   - Là tình huống bất ngờ, thử thách tình yêu làng, yêu nước, tình cảm với cách mạng, kháng chiến của ông Hai.

   - Khắc họa tình cảm đối với làng, nước, với cách mạng, với kháng chiến của ông Hai

   - Những nhận thức mới mẻ, sâu sắc của ông Hai về cách mạng, về kháng chiến

Bố cục
  • Phần 1 (Từ đầu đến “ruột gan ông lão cứ múa cả lên, vui quá!”): Tâm trạng, tình cảm của ông Hai với làng, với kháng chiến trước khi nghe tin làng Việt gian.
  • Phần 2 (Tiếp đến “cũng vợi được đi đôi phần"): Tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng mình theo giặc
  • Phần 3 (Còn lại): Tâm trạng ông Hai khi tin làng mình theo giặc được cải chính

NỘI DUNG

Về mất của ông Hai thử khi bao tin nhà mình bị tay đốt

Nguồn ảnh: sưu tầm Internet

1. Diễn biến tâm trạng và hành động của ông Hai trước khi nghe tin làng Chợ Dầu Việt gian theo giặc

  • Hoàn cảnh: Ông Hai là người nông dân làng Chợ Dầu, theo tiếng gọi của cụ Hồ và cuộc kháng chiến, ông đưa cả gia đình đi tản cư.
  • Giờ đây, ở nơi tản cư, ông thường xuyên nhớ làng, nhớ nhất là những ngày cùng dân làng kháng chiến:

   - Ông nhớ cái cảm giác, cảm xúc của ông khi ấy: vui, thấy mình như trẻ ra

   - Khi sống lại cảm xúc ấy, nhớ lại những ngày ấy, ông thấy lòng mình náo nức hẳn lên

   - Ông muốn về làng cùng anh em kháng chiến

Có thể thấy, Kim Lân như đọc thấu tâm trạng của ông Hai để thốt lên “Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá” (bằng lòng thấu hiểu sâu sắc). Qua đó thể hiện: ông Hai là người yêu làng, tự hào làng ông là làng kháng chiến; đồng thời ông có tinh thần kháng chiến rất cao.

  • Ông thường xuyên lên phòng thông tin tuyên truyền để theo dõi tin tức cách mạng \( \rightarrow \) Ông rất quan tâm đến kháng chiến
  • Ông thể hiện niềm vui của mình qua những chi tiết:

   - Cảm nhận về thời tiết: Nắng rất to: nung thằng Tây ở trong cái lô cốt

   - Việc hôm nay có một anh dân quân đọc rất to, ông nghe không sót một từ nào

   - Rất nhiều tin chiến thắng từ quân ta

   - Đoạn độc thoại nội tâm của ông:

       + “Đấy, cứ kêu chúng nó trẻ con mãi đi, liệu đã bằng chúng nó chưa?”

       + “Khiếp thật, tinh những người tài giỏi cả”

       + “Cứ thế, chỗ này giết một tí, chỗ kia giết một tí, cả súng ống cũng vậy, hôm nay dăm khẩu, ngày mai dăm khẩu, tích tiểu thành đại, làm gì mà rồi thằng Tây không bước sớm”

  • Ông tin tưởng vào thắng lợi nhanh chóng của cuộc kháng chiến “Làm gì mà thằng Tây không bước sớm”

Qua đó, người đọc thấy được Kim Lân lại như nhập thân vào ông lão để nói họ ông niềm vui lớn lao đang trào dâng “Ruột gan ông lão cứ múa cả lên, vui quá!”, thể hiện thái độ trân trọng, cảm phục, tự hào về lòng gan dạ, dũng cảm, tài giỏi trong chiến đấu của con người Việt Nam.

Tiểu kết

  • Ông Hai là người yêu làng, yêu nước, có tinh thần kháng chiến cao
  • Ông rất tự hào về làng kháng chiến của ông, về cuộc kháng chiến của dân tộc, về tinh thần kháng chiến của nhân dân
  • Ông rất tin tưởng vào thắng lợi nhanh chóng của kháng chiến, của cách mạng.

2. Diễn biến tâm trạng của ông Hai kể từ khi nghe tin làng ông Việt gian theo giặc

2.1. Khi nghe tin

  • Cảm thấy đau đớn, nhục nhã: Lặng lẽ đứng dậy ra về, giọng nói chua lanh lảnh của người đàn bà tản cư như lưỡi dao nhọn sắc cứa vào tim ông. “Cha mẹ tiên sư nhà chúng nó! Đói khổ ăn cắp ăn trộm bắt được người ta còn thương. Cái giống Việt gian bán nước thì cứ cho mỗi đứa một nhát !”
  • Thoáng lo sợ khi nghĩ đến bà chủ nhà – họ đều là những người nông dân Việt Nam yêu nước, thù giặc, thù bọn Việt gian bán nước.

2.2. Về đến nhà

  • Ông mệt mỏi, nằm vật ra giường
  • Ông tủi thân: nhìn lũ con, nước mắt trào ra, đó là nước mắt người cha thương con vì đó là những đứa trẻ vô tội nhưng nó lại là trẻ con của làng Việt gian, bởi vậy, nó có tội, cái tội của làng, bởi vậy mà ông Hai cũng đau đớn khi nghĩ đến cảnh chúng nó cũng bị rẻ rúm, hắt hủi.
  • Ông tức giận, uất hận: “nắm chặt hai tay lại, rít lên: Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này.” Đây là lời độc thoại của ông Hai, ông chì chiết, nhiếc móc “chúng bay” – những người ở lại làng làm kháng chiến.
  • Ông bình tĩnh suy xét lại:

   - Ông kiểm điểm lại từng người đang bám trụ kháng chiến, ông hoàn toàn tin tưởng ở họ, ông thấy họ là người có “tinh thần” – yêu nước, trung thành, hăng hái với kháng chiến => Họ không thể là Việt gian bán nước được.

   - Ông nhớ câu chuyện những người tản cư, ông rất hoang mang và đặt ra nhiều câu hỏi ông tự đặt ra, tự lý giải trong dòng độc thoại nội tâm, giằng xé gay gắt. Để rồi ông Hai buộc lòng phải tin những lời nói của người tản cư là đúng, ông phải tin làng ông Việt gian theo giặc; dựa vào những việc:

       + Chánh Bệu đúng là người làng

       + Nếu không có lửa thì làm sao có khói

       + Người dân tản cư cũng là người nông dân như ông, bao nhiêu việc phải làm, hơi đâu bịa chuyện

Tóm lại: Diễn biến tâm trạng ông Hai khắc họa rõ nét thông qua nghệ thuật độc thoại nội tâm. Ngay cả trong nỗi đau đớn, dằn vặt về “tội lớn” của làng, ông vẫn thể hiện tình yêu làng tha thiết. Ông đau – nỗi đau của làng, ông xấu hổ, nhục nhã vì danh dự làng kháng chiến bị bôi nhọ: Ông lo lắng, xót thương cho người dân làng Chợ Dầu.

2.3. Tới đêm hôm ấy

  • Không khí: yên lặng, căng thẳng, nặng nề đến ngột ngạt bao trùm lên gia đình ông Hai. Không ai nói gì hết, thậm chí không dám nhìn vào mặt nhau bởi vì ai cũng thấy buồn, xấu hổ về làng. Nữa là họ sợ chủ nhà đuổi đi, lo lắng cho cuộc sống của mình ngày mai.
  • Suốt đêm hôm ấy, ông Hai thấp thỏm lo sợ, đau đớn, xót xa đến nỗi không ngủ được. Điều ông lo sợ nhất là thái độ của bà chủ nhà.

2.4. Những ngày sau đó

  • Ông thấy xấu hổ, nhục nhã: không dám đi đâu, không dám gặp ai, tránh xa đám đông.
  • Lúc nào ông cũng nơm nớp lo sợ người ta để ý đến ông, gia đình ông, đặc biệt lo sợ trước lời cạnh khóe của mụ chủ nhà

2.5. Khi bà chủ nhà đánh tiếng đuổi gia đình ông

  • Ông Hai vô cùng hoang mang, buồn bã, lo lắng, không biết đi đâu về đâu. Vì không nơi đâu người ta chứa làng Việt gian
  • Ông thấy bế tắc, tuyệt vọng, “thật là tuyệt đường sinh sống”
  • Ông sợ hãi: nghĩ đến việc không thể trở lại thân kiếp nô lệ tăm tối, lầm than, nhục nhã ấy; khi nhớ đến quá khứ khi nảy ra suy nghĩ “Hay là quay về làng”. Ngay lập tức ông phản đối “không thể được” vì:

   - “Về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ”

   - “Về làng tức là làm nô lệ cho thằng Tây”

  • Ông bình tĩnh: nhận thức rất rõ được rằng ông có cuộc sống tự do như hôm nay nhờ Cách mạng, nhờ Cụ Hồ. Ông hiểu hơn ai hết giá trị của cuộc sống tự do mà cách mạng và cụ Hồ đem lại cho bố con ông nên đã quyết định “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”.

Điều đó cho thấy tình yêu làng ông Hai giờ đây gắn liền với Cách mạng, kháng chiến. Ở đây, ông Hai đặt tình yêu nước, tình yêu với Cách mạng, kháng chiến lên trên tình cảm với làng quê bé nhỏ của ông. Ông biết phân biệt đúng – sai, phải – trái, tốt – xấu trong hành động của làng. Đây là khám phá mới mẻ, sâu sắc của nhà văn Kim Lân về tình cảm, nhận thức người dân về làng, về nước, về cách mạng và về kháng chiến.

2.6. Cuộc đối thoại của ông Hai với thằng Húc

  • Những lúc rảnh rỗi, ông thủ thỉ tâm sự với con, đó là những lời gan ruột của ông – một người lấy danh dự làng quê làm danh dự chính mình:

   - Ông luôn nhớ quê, yêu quê bằng một tình yêu máu thịt; luôn giáo dục, nhắc nhở con về nguồn cội, tình yêu, sự gắn bó với làng

   - Ông bày tỏ lòng son sắt, chung thành với kháng chiến, cụ Hồ, biết ơn và trân trọng công lao của Cụ Hồ, Cách mạng với bố con ông

Ông nói với con, hỏi con những lời con nói ra cũng là nỗi lòng của ông, như để tự minh oan cho mình, giãi bày lòng mình và cũng giống như lời thề đinh ninh trong lòng ông về sự gắn bó, thủy chung, một lòng với cách mạng, cụ Hồ, kháng chiến; yêu làng tha thiết.

3. Tâm trạng của ông Hai khi cái tin làng Chợ Dầu Việt gian theo giặc được cải chính

Ông tươi vui, rạng rỡ thể hiện qua các hành động:

  • Mua quà về cho con.
  • Mọi ngày, ông không dám gặp ai thì bây giờ ông đi thẳng sang đình nhà bác Thứ, rồi đi khắp nơi khoe “Tây nó đốt nhà tôi rồi”, ông đi khắp nơi khoe với mọi người vì:

- Tây đốt nhà, đốt nhẵn, chứng tỏ: Làng ông không Việt gian theo giặc, khẳng định làng tuyệt đối không Việt gian qua hai từ "đốt nhẵn". Nhà là tài sản lớn nhất của gia đình ông nhưng ông không buồn khi nhà bị đốt.

- Danh dự, tiếng tăm của làng được phục hồi.

- Ông tự hào về tinh thần kháng chiến của làng.

Điều đó cho thấy, tình yêu và niềm tự hào về làng trở lại vẹn nguyên trong ông Hai. Ông sẵn sàng hy sinh tài sản, vật chất cho cách mạng, kháng chiến. Danh dự của làng là tất cả, ông đặt cược kháng chiến lên trên hết. Qua đó cũng cho thấy, ông Hai yêu làng, nước, tinh thần cách mạng, kháng chiến cao. Và đây cũng là tình cảm chung của tất cả người nông dân trong kháng chiến.

ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT

  • Tình huống truyện có ý nghĩa sâu sắc, độc đáo
  • Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật qua các lời độc thoại, độc thoại nội tâm, ngôn ngữ nhân vật cá thể hóa rõ nét – ngôn ngữ của người nông dân.