Vai trò của phương pháp Bàn tay nặn bột

Chuyên đề:

VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP BÀN TAY NẶN BỘT

VÀO GIẢNG DẠY MÔN KHOA HỌC LỚP 5

I. MỤC TIÊU:

Khoa học là môn học về các sự vật, hiện tượng tự nhiên, về cơ thể và sức khỏe của con người.

Môn Khoa học ở cấp Tiểu học nhằm giúp học sinh đạt được:

1. Một số kiến thức ban đầu về:

- Sự trao đổi chất, nhu cầu dinh dưỡng và sự sinh sản, sự lớn lên của cơ thể người. Cách phòng tránh một số bệnh thông thường và bệnh truyền nhiễm.

- Sự trao đổi chất, sự sinh sản của thực vật, động vật.

- Đặc điểm và ứng dụng của một số chất, một số vật liệu, dạng năng lượng thường gặp trong đời sống và sản xuất.

2. Một số kĩ năng ban đầu:

- Ứng xử thích hợp trong một số tình huống có liên quan đến sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

- Quan sát và làm một số thí nghiệm, thực hành khoa học đơn giản, gần gũi với đời sống, sản xuất.

- Nêu thắc mắc, đặt câu hỏi trong quá trình học tập, biết tìm thông tin để giải đáp, diễn đạt những hiểu biết bằng lời nói, bài viết, hình vẽ, sơ đồ,…

- Phân tích, so sánh, rút ra những dấu hiệu chung và riêng của một số sự vật, hiện tượng đơn giản trong tự nhiên.

3. Một số thái độ và hành vi:

- Tự giác thực hiện các quy tắc vệ sinh, an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

- Ham hiểu biết khoa học, có ý thức vận dụng những kiến thức đã học vào đời sống.

- Yêu con người, thiên nhiên, đất nước, yêu cái đẹp.

- Tích cực tham gia bảo vệ môi trường xung quanh.

Với trình độ phát triển tư duy của học sinh lớp cuối cấp Tiểu học, chương trình môn Khoa học lớp 5 đã đưa vào những nội dung về tính chất, đặc điểm của các quá trình, hiện tượng trong tự nhiên, trong cơ thể người.

Việc hình thành cho học sinh một thế giới quan khoa học và niềm say mê khoa học, sáng tạo là một mục tiêu quan trọng của giáo dục hiện đại khi mà nền kinh tế tri thức đang dần dần chiếm ưu thế tại các quốc gia trên thế giới. “Bàn tay nặn bột” là một phương pháp dạy học tích cực, thích hợp cho việc giảng dạy các kiến thức tự nhiên khi học sinh đang ở giai đoạn bắt đầu tìm hiểu mạnh mẽ các kiến thức khoa học, hình thành các khái niệm cơ bản về khoa học.

Đây là một phương pháp dạy học mới, điều mà tất cả chúng ta băn khoăn đó là mình sẽ vận dụng phương pháp này vào việc giảng dạy như thế nào? Chính vì thế mà, với chút kiến thức ít ỏi mà chúng tôi được tiếp thu trong các đợt tập huấn Tập thể Tổ khối 5 mạnh dạn giới thiệu chuyên đề “ Vận dụng phương pháp Bàn tay nặn bột vào việc giảng dạy môn Khoa học lớp 5”.

II. NỘI DUNG:

Môn Khoa học đã tích hợp các nội dung của khoa học tự nhiên như vật lý, hóa học, sinh học với khoa học về sức khỏe con người. Môn học được xây dựng trên cơ sở tiếp nối những kiến thức về tự nhiên của môn Tự nhiên và Xã hội lớp 1 2, 3. Nội dung chương trình được cấu trúc đồng tâm, mở rộng và nâng cao theo 3 chủ đề:

- Con người và sức khỏe.

- Vật chất và năng lượng.

- Thực vật và động vật.

Riêng lớp 5 có thêm chủ đề Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên nhằm giúp học sinh hệ thống hóa lại những kiến thức các em đã được học về tự nhiên, xã hội và con người qua môn Tự nhiên và Xã hội các lớp 1, 2, 3; môn Khoa học lớp 4. Học sinh nhận ra được tự nhiên, con người và xã hội là một là một thể thống nhất, có mối quan hệ qua lại, trong đó con người với những hoạt động của mình vừa là cầu nối giữa tự nhiên và xã hội, vừa tác động mạnh mẽ đến tự nhiên và xã hội. Điều này không chỉ giúp cho việc tích hợp nội dung giáo dục môi trường, giáo dục dân số mà còn làm cho môn học có giá trị thực tế và hấp dẫn tới học sinh.

1. Chủ đề “Con người và sức khỏe”:

Với các nội dung chính:

- Sự sinh sản và phát triển của cơ thể người.

- Vệ sinh phòng bệnh.

- An toàn trong cuộc sống.

2. Chủ đề “Vật chất và năng lượng”:

Với các nội dung chính:

- Đặc điểm và ứng dụng của một số vật liệu thường dùng.

- Sự biến đổi của chất.

- Sử dụng năng lượng.

3. Chủ đề “Thực vật và năng lượng”:

Với các nội dung chính:

- Sự sinh sản của thực vật.

- Sự sinh sản của động vật.

4. Chủ đề “Môi trường và tài nguyên thiên nhiên”:

Nêu được một số ví dụ về môi trường và tài nguyên thiên nhiên và những tác động của tác động của con người đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

III. PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC:

Để giảng dạy tốt môn Khoa học, là người giáo viên, chúng ta phải vận dụng nhuần nhuyễn khéo léo các phương pháp dạy học, như: phương pháp quan sát, phương pháp thí nghiệm, trò chơi học tập, phương pháp đóng vai, phương pháp vấn đáp…

Ngày nay, ngoài những phương pháp “truyền thống” đó, chúng ta có thể vận dụng phương pháp Bàn tay nặn bột vào việc giảng dạy môn Khoa học lớp 5. Trong chuyên đề này, chúng tôi đi sâu vào phương pháp mới- phương pháp phương pháp Bàn tay nặn bột- mà chúng ta đang quan tâm.

Phương pháp Bàn tay nặn bột là phương pháp dạy học dựa trên cơ sở của sự tìm tòi- nghiên cứu, áp dụng cho việc dạy học các môn khoa học tự nhiên. Phương pháp này, dưới sự giúp đỡ của giáo viên, chính học sinh tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra để từ đó hình thành kiến thức cho mình.

Đứng trước một sự vật hiện tượng, học sinh có thể đặt ra các câu hỏi, các giả thuyết từ những hiểu biết ban đầu, tiến hành thực nghiệm nghiên cứu để kiểm chứng và đưa ra những kết luận phù hợp thông qua thảo luận, so sánh, phân tích, tổng hợp kiến thức.

Mục tiêu của phương pháp Bàn tay nặn bột là tạo nên tính tò mò, ham muốn khám phá và say mê khoa học của học sinh. Ngoài việc, chú trọng đến kiến thức khoa học, phương pháp Bàn tay nặn bột còn chú ý nhiều đến việc rèn luyện kỹ năng diễn đạt thông qua ngôn ngữ nói và viết cho học sinh.

Trong chương trình Khoa học lớp 5, chúng ta chỉ áp dụng phương pháp Bàn tay nặn bột vào một số bài nhất định, như: Thủy tinh, Cao su, Sự chuyển thể của chất, Hỗn hợp, Dung dịch, Sự biến đổi hóa học. Tùy điều kiện của trường, mỗi năm chúng ta có thể thực hiện phương pháp Bàn tay nặn bột vào một số bài. Những năm tiếp theo, chúng ta sẽ thực hiện tiếp. Và, trong một bài, chúng ta có thể chọn một hoạt động nào phù hợp với phương pháp Bàn tay nặn bột mà áp dụng phương pháp này. Không nhất thiết phải áp dụng phương pháp Bàn tay nặn bột cho tất cả các hoạt động.

IV. QUY TRÌNH THỰC HIỆN:

A. Kiểm tra bài cũ:

- GV gọi 2- 3 em hỏi những nội dung của tiết trước.

- Cho các em khác nhận xét.

- GV nhận xét, đánh giá.

B. Bài mới:

1. Giới thiệu bài:

Có nhiều cách để giới thiệu bài, như: giới thiệu bài trực tiếp, hoặc đặt vấn đề cho học sinh suy nghĩ - phán đoán nội dung khoa học, hoặc bằng những thí nghiệm do giáo viên đặt ra... tạo sự hứng khởi và thu hút sự chú ‎ của học sinh.

2. Phát triển bài:

Tùy theo nội dung bài, giáo viên có thể chia bài học thành 2- 3 hoạt động phù hợp.

Ở mỗi hoạt động, giáo viên cần xác định mục tiêu của hoạt động, và các nội dung tích hợp, lồng ghép [nếu có].

Bước 1: Tình huống xuất phát và câu hỏi nêu vấn đề:

- Là một tình huống do giáo viên chủ động đưa ra như là một cách dẫn nhập vào bài học.

- Câu hỏi nêu vấn đề là câu hỏi lớn của bài học.

- Câu hỏi phải phù hợp với trình độ học sinh, gây mâu thuẫn nhận thức và kích thích tính tò mò của học sinh.

- Giáo viên phải dùng câu hỏi mở, tuyệt đối không được dùng câu hỏi đóng.

Bước 2: Bộc lộ biểu tượng ban đầu:

- Giáo viên khuyến khích học sinh nêu những suy nghĩ, nhận thức ban đầu của mình về sự vật, hiện tượng mới.

- Giáo viên cho học sinh trình bày bằng nhiều hình thức: viết, vẽ, nói,...
- Giáo viên không nhất thiết phải chú ý tới các quan niệm đúng, cần phải chú trọng đến các quan niệm sai.

Bước 3: Đề xuất câu hỏi và phương án thí nghiệm:

3.1 Đề xuất câu hỏi.

- Từ những khác biệt và phong phú về biểu tượng ban đầu, GV giúp HS đề xuất câu hỏi.
- GV cần khéo léo chọn lựa một số biểu tượng ban đầu khác biệt trong lớp từ đó HS đặt câu hỏi liên quan đến bài học để giúp học sinh so sánh

3.2 Đề xuất phương án thực nghiệm nghiên cứu.

- Từ những câu hỏi của HS, GV nêu câu hỏi cho HS đề nghị các em đề xuất thực nghiệm để tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi đó.

- GV ghi chú lên bảng các đề xuất của HS để các ý kiến sau không trùng lặp.
- Khuyến khích HS tự đánh giá ý kiến nhau hơn là ý kiến của GV nhận xét.

Bước 4: Tiến hành thí nghiệm tìm tòi- nghiên cứu:

- Quan sát tranh vào mô hình và ưu tiên thực nghiệm trên vật thật.

- Từ những khác biệt và phong phú về biểu tượng ban đầu, GV giúp HS đề xuất câu hỏi.
- GV cần khéo léo chọn lựa một số biểu tượng ban đầu khác biệt trong lớp. Từ đó HS đặt câu hỏi liên quan đế bài học để giúp học sinh so sánh.

Bước 5: Kết luận, hợp thức hóa kiến thức:

Sau đó, là hình thức hoạt động khám phá tri thức. Học sinh trình bày, các em khác theo dõi nhận xét, bổ sung.

Cuối cùng, giáo viên nhận xét, bổ sung chốt ý chính, mở rộng [nếu có] và chuyển ý sang hoạt động tiếp theo.

3. Củng cố bài- nhận xét tiết dạy:

Hình thức củng cố bài bằng trò chơi học tập, hay hệ thống câu hỏi chặt chẽ giúp học sinh nhớ bài, và giúp giáo viên nắm bắt khả năng học sinh nhận thức tới đâu để kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy học thích hợp.

Giáo viên nhận xét tiết dạy, dặn dò bài sau.

V. Những thuận lợi & khó khăn trong quá trình giảng dạy:

1. Thuận lợi

- Được sự quan tâm giúp đỡ của Ban giám hiệu nhà trường cùng các Ban ngành đoàn thể.

- Giáo viên tổ khối 5 đã được tham gia các lớp tập huấn thay sách, nghiên cứu chương trình bồi dưỡng thường xuyên và học tập các lớp Mô đun.

- Phương tiện giảng dạy, tài liệu nghiên cứu khá đầy đủ.

- Đội ngũ GV khối 5 có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy.

2. Khó khăn

- Dụng cụ thí nghiệm hay chứng minh hầu như không có.

- Khả năng ứng xử của học sinh trong một số tình huống có liên quan đến sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng còn hạn chế.

- HS ít nêu thắc mắc, đặt câu hỏi trong quá trình học tập; khả năng diễn đạt những hiểu biết bằng lời nói, bài viết, hình vẽ, sơ đồ,… còn hạn chế nên một số HS chưa quan tâm đến môn môn học.

- Khả năng phân tích, so sánh, rút ra những dấu hiệu chung và riêng của một số sự vật, hiện tượng đơn giản trong tự nhiên còn hạn chế.

Thông thường, một tiết dạy áp dụng “bàn tay nặn bột” thường từ 70 phút đến 90 phút trong khi một tiết dạy thông thường chỉ từ 35 đến 40 phút.

VI. Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học môn Khoa học:

Phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột” áp dụng vào giảng dạy đối với môn Khoa học lớp 4-5 và môn học Tự nhiên- xã hội lớp 2-3 đang được ngành giáo dục Tiểu học quan tâm. Song khi áp dụng phương pháp này vào giảng dạy vẫn còn không ít băn khoăn, trăn trở, đặc biệt là thời gian dành cho một tiết học.

Hôm nay, chúng tôi xin chia sẻ một số thủ thuật khi áp dụng “Bàn tay nặn bột” chỉ mất khoảng 45-50 phút cho một tiết học mà vẫn đạt kết quả khả quan để đồng nghiệp cùng chia sẻ.

Trong 5 bước của một tiết dạy thì bước 2 và bước 3 là mất nhiều thời gian và sự thành công của tiết dạy phụ thuộc rất nhiều ở hai bước này, Nếu người giáo viên xử lí không khéo thì giờ dạy sẽ lan man mất rất nhiều thời gian và không nồi bật được kiến thức trọng tâm của bài dạy.

Bước 2: Bộc lộ quan niệm ban đầu của học sinh:

Thông thường, bước này, giáo viên thường tiến hành qua 4 thao tác: làm việc cá nhân, trao đổi nhóm thống nhất, gắn bảng nhóm lên bảng lớp, học sinh đối chiếu tìm ra những quan điểm giống và khác nhau giữa các nhóm. Theo chúng tôi, giáo viên chỉ hướng dẫn học sinh qua 2 thao tác như sau:

1. Bộc lộ quan niệm:

- Hoc sinh trong nhóm vẫn ghi lại bằng lời hoặc hình vẽ các quan niệm của mình về vấn đề nghiên cứu đồng thời nhóm trưởng cũng ghi luôn những quan niệm của mình vào bảng nhóm. Sau đó, nhóm trưởng nêu nhanh những suy nghĩ của mình trong nhóm các thành viên khác theo dõi với kết quả của mình nếu thấy thiếu ý nào thì nêu lên và nhóm trưởng sẽ ghi bổ sung.

Với cách làm trên đã hạn chế được một phần thời gian đáng kể mà vẫn đảm bảo nguyên tắc tất cả học sinh đều được làm việc, không còn hiện tượng một học sinh phải ghi 2 lần gần như cùng một vấn đề: một lần ghi ý kiến cá nhân ở vở thực hành, một lần ghi ý kiến của cả tổ vào bảng nhóm.

Ví dụ: Ở bài “Dung dịch”, từng cá nhân bộc lộ quan niệm ban đầu của mình phát biểu. Chẳng hạn: Dung dịch có vị mặn. Dung dịch có hòa tan được chất rắn. Dung dịch có hòa tan được muối ăn... Nhóm trưởng tổng hợp ghi ý kiến của cả nhóm.

2. Trình bày quan niệm, so sánh đối chiếu:

Khi các nhóm gắn bảng lên bảng, giáo viên lướt thật nhanh xem nhóm nào có bộc lộ quan niệm đầy đủ nhất, sẽ yêu cầu nhóm trưởng của nhóm đó đọc to các quan niệm của nhóm mình còn đại diện các nhóm khác thì theo dõi vào bảng của nhóm mình nếu cùng quan điểm suy nghĩ thì dùng phấn màu cùng đánh số thứ tự 1, 2, 3...[Tất cả các nhóm đều đánh số thứ tự như nhau].

Chỉ cần một thao tác đánh số thứ tự rất đơn giản, giáo viên đã cho học sinh làm gộp được cả 3 thao tác của mỗi nhóm: Báo cáo quan niệm [không phải lần lượt từng nhóm đọc lên như cách dạy thông thường] mà chỉ cần một nhóm đọc các nhóm, các ý còn lại trong bảng nhóm chưa có số thứ tự là quan niệm khác nhau của nhóm còn lại.

Việc đánh số thứ tự như vậy cũng rất thuận tiện cho thầy cô ghi lại quan điểm của các em và định hướng cho các em đề xuất câu hỏi ở bước 3.

Ví dụ: Ở bài “Dung dịch”, nếu cả hai nhóm đều có 3 ý kiến, mỗi nhóm có 2 ý kiến khác nhau. Giáo viên đối chiếu, ghi nhận, sẽ ít mất thời gian.

Bước 3: Đề xuất câu hỏi, giả thuyết và thiết kế phương án thực nghiệm:

Khó khăn nhất với giáo viên là làm sao định hướng cho học sinh đặt câu hỏi đúng trọng tâm. Trong thao tác này, thông thường giáo viên khuyến khích học sinh đề xuất câu hỏi tự do theo các suy nghĩ đã ghi ở vở thực hành hoặc ở bảng nhóm. Sẽ có hai trường hợp xảy ra: Một là học sinh đề xuất nhiều câu hỏi trùng lặp một nội dung hoặc lượng câu hỏi lan man không đúng trọng tâm. Hai là học sinh chỉ đề xuất được một hoặc hai câu hỏi thì không đủ lượng kiến thức cần khai thác mà giáo viên lại phải nêu câu hỏi thì không đảm bảo cách dạy học theo “Bàn tay nặn bột”.

Chúng tôi tiến hành hướng dẫn gợi mở cho học sinh cách đặt câu hỏi theo từng phần của bài học theo các số thứ tự đã đánh ở phần bộc lộ suy nghĩ ban đầu mà giáo viên ghi tóm tắt lên bảng. Vì có số thứ tự cụ thể nên các em dễ dàng tập trung suy nghĩ đặt câu hỏi cho từng phần từng ý rất đơn giản nhờ đó các em còn tự sửa nhận xét cho nhau cách đặt câu hỏi rõ ràng hơn. Hơn nữa, vì mỗi số đánh thứ tự chỉ được đặt một câu hỏi nên các em đặt câu hỏi trùng lặp như ở cách dạy trên.

Ví dụ: Ở bài “Dung dịch”, chúng tôi chia bảng thành hai phần để ghi nhanh câu hỏi cùng quan điểm ghi bên trái, câu hỏi có suy nghĩ khác bên phải:

1. Dung dịch có hòa tan với chất rắn không?

2. Dung dịch có hòa tan với muối không?

3. Dung dịch có hòa tan với đường không?

1. Dung dịch có vị mặn hay ngọt?

2.Dung dịch được tạo nên từ mấy chất?

Với cách ghi câu hỏi như trên, học sinh cũng dễ dàng đề xuất được các cách làm thí nghiệm để tìm tòi ra kết luận chính xác, mặt khác việc loại bỏ những câu hỏi chưa cần thiết cũng khá rõ ràng để tránh cho học sinh những nhầm lẫn không đáng có khi làm thí nghiệm.

VII. Đề xuất:

Tóm lại, trong dạy học Khoa học, học sinh chỉ học tập có kết quả cao khi chính các em chủ động chiếm lĩnh tri thức và tự rút ra bài học dưới sự tổ chức, dẫn dắt của GV.

Điều cốt lõi của phương pháp dạy học Khoa học là cần tổ chức để HS tự chiếm lĩnh kiến thức [dưới nhiều phương thức và mức độ khác nhau] một cách hứng thú, tích cực, chủ động.

  1. pháp “Bàn tay nặn bột” sẽ đạt hiệu quả cao khi học sinh chủ động tìm tòi giải quyết vấn đề đặt ra. Với sự theo dõi, định hướng, giúp đỡ của giáo viên , hoạt động học của học sinh diễn ra theo một tiến trình hợp lí, phù hợp với đòi hỏi phương pháp luận.

Tuy nhiên, cần kết hợp một cách nhuần nhuyễn các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Kết hợp như thế nào, mức độ kết hợp ra sao phải căn cứ vào mục tiêu, nội dung bài học, điều kiện cụ thể của nhà trường, đối tượng GV và HS. Và đặc biệt, cần hết sức quan tâm phát huy vốn hiểu biết của HS, rèn luyện kỹ năng ứng xử, quan sát, phân tích, tổng hợp ….. của các em, đồng thời chú trọng liên hệ nội dung bài học với tình hình địa phương, với môi trường sống xung quanh các em.

Rất mong đón nhận sự đóng góp chân thành của đồng nghiệp để chúng tôi dạy học tốt hơn. Xin chân thành cám ơn sự theo dõi của qu‎í thầy cô.

Video liên quan

Chủ Đề