Trường fpt ở đâu

Khối Giáo dục FPT [FPT Education] hiện gồm các đơn vị đào tạo: Trung học Phổ thông, Cao đẳng, Đại học, Liên kết Quốc tế, Phát triển Sinh viên Quốc tế, Viện Quản trị Kinh doanh, Viện Nghiên cứu Công nghệ. Ngoài ra, còn có Công ty Sáng tạo FPT Toàn cầu, các Ban chức năng và các dự án ươm tạo.

Được Tập đoàn FPT đầu tư 100% vốn, chính thức thành lập ngày 8/9/2006 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học FPT trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam do một doanh nghiệp đứng ra thành lập. Trường Đại học FPT đã ra đời với định hướng tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần tiếp sức và đồng hành cùng sự phát triển của ngành CNTT nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Tính đến đầu năm 2015, Trường Đại học FPT đã có trên 6.000 sinh viên hiện đang theo học và gần 2.500 sinh viên đã tốt nghiệp. Trường có các cơ sở đào tạo tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, campus chính của trường có diện tích 30ha được đặt tại Khu CNC Hòa Lạc.

Một góc trong khuôn viên của Trường Đại học FPT Hòa Lạc.

Xem thêm một số hình ảnh về Trường Đại học FPT Hòa Lạc tại đây.

Các Biểu tổng hợp thông tin công khai của Đại học FPT năm học 2014-2015, xem tại đây.

Xem thông tin Sổ Cấp Bằng Đại học của Trường Đại học FPT các năm tại đây.

Danh sách giảng viên cơ hữu Trường Đại học FPT, xem tại đây.

      2. Đại học trực tuyến FUNiX

FUNiX – trường đại học trực tuyến đầu tiên của Việt Nam chính thức ra mắt ngày 13/10 tại Hà Nội và khai giảng khóa đầu tiên ngày 20/11.

FUNiX cung cấp bằng Cử nhân Công nghệ thông tin, các chứng chỉ nghề nghiệp và kỹ năng mềm. Điểm đặc biệt ở FUNiX là sự tham gia của các mentor [người hướng dẫn] – là các chuyên gia CNTT uy tín của Việt Nam như Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tinh Vân Group Hoàng Tô, nguyên Tổng giám đốc FPT Software Nguyễn Thành Lâm, Giám đốc công nghệ Công ty cổ phần NTQ Solution Tô Hải Sơn…

Khóa đầu tiên của FUNiX có gần 50 sinh viên thuộc 6 quốc gia gồm Việt Nam, Mỹ, Nhật, Pháp, Australia và Philippines.

    3. Trường Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic [FPoly]

FPT Polytechnic – Hệ cao đẳng thực hành thuộc Trường Đại học FPT, được thành lập tháng 7/2010. FPT Polytechnic hướng tới mô hình giáo dục kiểu mới dựa trên sức mạnh của công nghệ thông tin với phương châm đào tạo “Thực học – Thực nghiệp”, đào tạo thông qua dự án thật.

Sau hơn 4 năm thành lập và phát triển, FPT Polytechnic đã khẳng định là đơn vị đào tạo chất lượng với hơn 6.500 sinh viên cùng 5 cơ sở đào tạo trên toàn quốc, đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, riêng TP. HCM có hai cơ sở. Mục tiêu của trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho những ngành nghề thiết yếu, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

FPT Polytechnic hiện có trên 6.500 sinh viên với 5 cơ sở đào tạo trên toàn quốc.

    4. Trường THPT FPT [FSchool]

Được thành lập năm 2013, Trường THPT FPT là hệ phổ thông chất lượng cao trực thuộc Trường Đại học FPT, hoạt động theo mô hình nội trú, có trụ sở đặt tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc, Hà Nội.

Mục tiêu của Trường THPT FPT là tạo dựng môi trường giúp học sinh phát triển cá nhân toàn diện, xác định được đam mê, chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng, thái độ ứng xử, nền tảng văn hóa và trên hết là tinh thần tự lập cần thiết cho giai đoạn học tập đại học và chính thức trưởng thành sau này.

Học sinh FSchool trong Lễ Nhập trường đầu tiên, tháng 8/2013.

     5. Khối Phát triển sinh viên quốc tế [FGO]

Khối Phát triển sinh viên quốc tế [FPT University Global Office] được thành lập năm 2013 với mục tiêu nâng cao tỷ trọng sinh viên nước ngoài du học tại Đại học FPT nói riêng và Việt Nam nói chung; tạo thêm nhiều hơn cơ hội để sinh viên FPT đặt chân đến các quốc gia trên thế giới theo các chương trình hợp tác.

Đến đầu năm 2015, FGO đã xây dựng được mạng lưới hợp tác liên kết đào tạo với trên 60 đối tác hiện diện tại hơn 20 nước thuộc châu Âu, châu Á, châu Mỹ… Hằng năm, hàng trăm sinh viên quốc tế từ Nhật, Đức, Pháp, Bồ Đào Nha, Thái Lan, Myanmar, Brunei… đến học tập tại Đại học FPT theo các chương trình trao đổi sinh viên, giao lưu văn hóa và theo học các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn.

Tháng 3/2014, với việc thành lập trường ĐH Victoria-FPT tại Myanmar, FGO góp phần đưa Đại học FPT trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam triển khai hợp tác quốc tế theo phương án xuất khẩu giáo dục. Chiến lược tăng cường sự hiện diện của Khối Giáo dục FPT trên thế giới cũng đang được FE  đẩy mạnh triển khai, hứa hẹn nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.

Sinh viên quốc tế trong Lễ Khai giảng tháng 9/2013. Hằng năm, Viện Đào tạo Quốc tế có hàng trăm sinh viên quốc tế đến theo học các chương trình ngắn hạn và dài hạn.

     6. Khối Đào tạo Liên kết quốc tế [FAI]

Khối Đào tạo Liên kết quốc tế [FAI – FPT Academy International] được cấu thành từ bốn đơn vị: FPT Aptech [Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế], FPT Arena [Trung tâm đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện], FPT Greenwich [chương trình cử nhân quốc tế FPT Greenwich] và FPT Jetking [Học viện đào tạo Phần cứng máy tính và Mạng]. FAI gồm hai mảng chính, gồm Đào tạo hướng nghiệp và Đào tạo Đại học.

  • FPT Aptech ra đời năm 1999. Tính đến đầu 2015, FPT Aptech có 3 cơ sở tại Hà Nội và TP. HCM, đồng thời giữ vai trò sáng lập và điều phối trên 30 cơ sở Đào tạo Lập trình viên Quốc tế trực thuộc Hệ thống Aptech Việt Nam.
Sinh viên FPT – Aptech tại Hội thao 13/9 – một chương trình hằng năm kỷ niệm ngày sinh nhật Tập đoàn FPT.
  • Được thành lập năm 2004, FPT Arena là cơ sở đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện [Multimedia] đầu tiên và cũng là nơi đầu tiên triển khai chương trình AMSP của Arena Ấn Độ tại Việt Nam. Tính đến nay, FPT Arena có 3 trung tâm tại Hà Nội và TP. HCM với gần 10.000 học viên đã và đang theo học.
Học viên của FPT Arena trong một chương trình thiện nguyện trao tủ sách Tủ sách “FPT Chắp cánh ước mơ” tại Hòa Bình trung tuần tháng 3/2015.
  • FPT Greenwich được thành lập năm 2008, trên cơ sở chuyển giao chương trình của trường Đại học Greenwich, Vương Quốc Anh tại Đại học FPT. Chương trình Chuyển tiếp Đại học FPT Greenwich [Top-up + 2] là tên chương trình đào tạo của FPT Greenwich, đây được coi là tiền đề cho các chương trình đào tạo khác sau này của Khối Giáo dục FPT như B2B [Bridge to Bachelor – Chương trình học văn bằng 2 về quản trị kinh doanh], FATG [Chương trình Cử nhân Top-up], B2G [Chương trình đào tạo Cử nhân đại học ngành Quản trị kinh doanh].
Sinh viên FPT – Greenwich nhận Bằng Đại học tại trường Đại học Greenwich, Vương Quốc Anh.
  • FPT Jetking thành lập năm 2011 trên cơ sở liên kết giữa Trường Đại học FPT và Học viện Jetking của Ấn Độ, chuyên đào tạo Phần cứng máy tính và Mạng. Đối tượng đào tạo của FPT Jetking không phân biệt lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, từ học sinh, sinh viên đến những người đang đi làm trong các công ty, doanh nghiệp, tất cả những ai quan tâm, có niềm đam mê phần cứng và mạng.
Học viên tại FPT Jetking.

     7. Viện Quản trị kinh doanh [FSB]

Viện Quản trị kinh doanh [FSB] được thành lập ngày 28 tháng 2 năm 2009, tiền thân là Khoa Quản trị Kinh doanh [HSB] – Đại học Quốc gia Hà Nội với hơn 15 năm kinh nghiệm đào tạo, tư vấn trong lĩnh vực Quản trị Kinh doanh và được công nhận là trường Kinh doanh tốt nhất Việt Nam bởi Eduniversal 3 năm liên tục từ năm 2008 đến năm 2010.

Đơn vị hướng tới đào tạo những nhà lãnh đạo, những doanh nhân không chỉ năng động, biết áp dụng hoàn hảo các kiến thức quản trị, mà còn biết tận dụng tối đa những tiện ích của công nghệ thông tin cũng như hiểu biết về xu thế phát triển công nghệ để đưa ra các quyết định có lợi cho doanh nghiệp của mình.

Chương trình đào tạo của Viện Quản trị Kinh doanh [FSB] thường xuyên có những buổi học dã ngoại xử lý tình huống kinh doanh thú vị.

     8. Viện nghiên cứu Công nghệ FPT [FTRI]

Nhận quyết định thành lập chính thức từ tháng 1/2010, Viện nghiên cứu Công nghệ FPT [FTRI]  được Tập đoàn FPT tài trợ 100% vốn và do Trường Đại học FPT trực tiếp quản lý.

Viện có các chức năng chính là nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ và đào tạo. Trong đó, Viện tập trung vào bốn hướng nghiên cứu gồm Ứng dụng CNTT; Năng lượng sạch và Tiết kiệm năng lượng; Công nghệ sinh học; và Công nghệ vũ trụ.

Bên cạnh nghiên cứu, FTRI còn có vai trò xây dựng các chương trình đào tạo và tổ chức chuyển giao tri thức, thông tin, công nghệ, sản phẩm thuộc lĩnh vực hoạt động nghiên cứu của Viện. Hiện, Viện là đơn vị triển khai chương trình đào tạo Thạc sỹ Kỹ thuật phần mềm [MSE].

Giáo sư Ngô Bảo Châu, Lãnh đạo Tập đoàn FPT và Trường Đại học FPT tại Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT.

     9. Công ty Sáng tạo công nghệ FPT toàn cầu [FTICO]

Trực thuộc ĐH FPT, Công ty Sáng tạo công nghệ FPT toàn cầu [FTICO] ra đời nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho ước mơ lập nghiệp của mỗi sinh viên FPT thành hiện thực. Bên cạnh hướng hoạt động như một công ty với sinh viên chính là nhân viên, FTICO cũng khuyến khích tinh thần khởi nghiệp ở sinh viên khi sẵn sàng cấp vốn cho những ý tưởng khởi nghiệp được đánh giá cao.

Không chỉ có lợi thế là công ty được điều hành bởi nhiều nhân sự cấp cao, dày dặn kinh nghiệm, FTICO còn có thế mạnh là điểm chuyển giao nhiều dự án của Tập đoàn FPT đến tay sinh viên FPT. Đặc biệt, sinh viên sẽ có cơ hội trải nghiệm những dự án phần mềm quy mô quốc tế.

Sinh viên Đại học FPT trongLễ trao chứng chỉ thực tập tại FTICO. Từ năm 2015, FTICO bắt đầu trở thành đơn vị đầu mối thực tập cho cả sinh viên ngành Kinh tế.

Ngoài 8 đơn vị thành viên trên, Khối Giáo dục FPT còn sở hữu một Trung tâm hướng tới đối tượng là các học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.

  • Trung tâm Hỗ trợ Học đường

Nhằm đẩy mạnh công nghệ thông tin vào trong giáo dục cũng như tạo ra những sân chơi trí tuệ dành cho các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trên cả nước, Khối Giáo dục FPT đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ Học đường. Trung tâm có trách nhiệm tổ chức, tạo ra các sân chơi về giáo dục, công nghệ, lĩnh vực tài chính, môi trường… dành cho học sinh phổ thông trên cả nước.

Trung tâm Hỗ trợ Học đường hoạt động xoay quanh các nội dung: ViOlympic Toán tiếng Anh và Toán tiếng Việt; Cuộc thi lập trình Alice; Business- cuộc thi về kiến thức kinh doanh, tài chính; Eco – cuộc thi tìm hiểu kiến thức vệ việc bảo vệ tài nguyên nước.

Học sinh tham gia cuộc thi tại Lễ Phát động cuộc thi “Giải toán qua Internet – ViOlympic”. Mỗi năm có khoảng 5 triệu trên tổng số 15 triệu học sinh toàn quốc tham gia ViOlympic.

Tiền thân của Trung tâm Hỗ trợ Học đường là Dự án ViOlympic [cuộc thi giải Toán cho học sinh], thành lập năm 2008. ViOlympic là cuộc thi cấp Quốc gia về Toán học [Giải toán bằng tiếng Việt và Giải toán bằng Tiếng Anh] của Bộ Giáo dục & FPT dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trên toàn quốc. Mỗi năm, số lượng học sinh đăng ký dự thi lên tới 5 triệu trên tổng số 15 triệu học sinh toàn quốc tham gia thi và học tập Toán online.

Alice – cuộc thi về lập trình tin học mô phỏng theo mô hình quốc tế do Trung tâm hỗ trợ học đường – Trường Đại học FPT tổ chức dành cho học sinh từ lớp 9 đến lớp 12. Trung tâm Hỗ trợ học đường đang hướng tới mục tiêu thu hút 30 tỉnh thành tham gia với 200 trường học và 1.500 học sinh tham gia thi đấu, 3.000 giáo viên được tập huấn với Alice và đưa đội tuyển Alice Việt Nam thi đấu quốc tế.

Cuộc thi Business: là cuộc thi khám phá kiến thức về chuyên ngành kinh doanh dành cho học sinh THPT ở Việt Nam. Cuộc thi cung cấp cho người tham gia những hiểu biết cơ bản trong hoạt động kinh doanh ngay từ trên ghế nhà trường, giúp học sinh sớm tìm ra thế mạnh bản thân và làm quen dần với các hoạt động kinh doanh đơn giản, từ đó xác định đúng hướng đi cho sự nghiệp trong tương lai.

Eco là cuộc thi tìm hiểu kiến thức về việc bảo vệ tài nguyên nước, phổ biến tại hơn 10 quốc gia trên thế giới. Cuộc thi thu hút sự quan tâm lớn trong cộng đồng học sinh Việt Nam ngay từ năm đầu tiên tổ chức. Đây là cơ hội để tiếp thu công nghệ mới về môi trường vào giao lưu kiến thức với học sinh các nước khác trong khu vực.

Video liên quan

Chủ Đề