Triệu Quang Phục được nhân dân gọi là gì

Năm 541, Triệu Quang Phục tham gia cuộc khởi nghĩa của Lý Nam Đế [Lý Bí] được trao chức Tả tướng quân. Tháng 5 năm 545, quân Lương do Dương Phiêu và Trần Bá Tiênchỉ huy lại sang đánh Vạn Xuân. Lý Nam Đế thua trận, lui vào động Khuất Lạo. Trước khi mất, Lý Nam Đế trao lại binh quyền cho Triệu Quang Phục. Nhận sự ủy thác, Triệu Quang Phục đem quân về xây dựng căn cứ ở đầm Dạ Trạch [bãi Màn Trò, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên]. Sự kiện này trongĐại Việt sử ký toàn thưcó ghi “Triệu Quang Phục cầm cự với Trần Bá Tiên, chưa phân thắng bại. Nhưng quân của Bá Tiên rất đông, Quang Phục liệu thế không chống nổi bèn lui về giữ đầm Dạ Trạch. Đầm này ở huyện Chu Diên, chu vi không biết bao nhiêu dặm, cỏ cây um tùm, bụi rậm che kín, ở giữa có nền đất cao có thể ở được, bốn mặt bùn lầy, người ngựa khó đi, chỉ có dùng thuyền độc mộc nhỏ chống sào đi lướt trên cỏ nước mới có thể đến được. Nhưng nếu không quen biết đường lối thì lạc, không biết là đâu, lỡ rơi xuống nước liền bị rắn độc cắn chết”.

Triệu Việt Vương trong tranh dân gian Đông Hồ.

Giáo sư Sử học Lê Văn Lan nghiên cứu bài vị của Vua Triệu Việt Vương tại Đền hóa Dạ Trạch [Khoái Châu, Hưng Yên]. Ảnh:HỮU TÍNH

Có được căn cứ địa hiểm trở, Triệu Quang Phục đã sử dụng lối du kích, ngày ngày ông đều cùng quân sĩ luyện tập. Ban ngày tắt hết khói lửa, im hơi lặng tiếng như không có người, đêm đến dùng thuyền độc mộc đem quân tập kích bất ngờ vào các doanh trại và các cuộc hành binh của quân Lương.Đại Việt sử ký toàn thưviết: “Quang Phục thuộc đường đi lối lại, đem hơn 2 vạn người vào đóng ở nền đất trong đầm, ban ngày tuyệt không để lộ khói lửa và dấu người, ban đêm dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh doanh trại của quân Bá Tiên, giết và bắt sống rất nhiều, lấy được lương thực để làm kế cầm cự lâu dài. Bá Tiên theo hút mà đánh, nhưng không đánh được. Người trong nước gọi là Dạ Trạch vương”. Lối đánh này mang lại hiệu quả cao, làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, làm cho uy thế của Triệu Quang Phục ngày càng lừng lẫy, người dân tôn ông là Dạ Trạch vương.

Triệu Quang Phục xưng vương lấy hiệu là Triệu Việt Vương, tiếp tục cùng bách tính Vạn Xuân dựng nước và giữ nước. Nhân cơ hội nhà Lương suy yếu, Triệu Việt Vương mở một loạt cuộc tấn công vào quân Lương và thu về toàn thắng.Đại Việt sử ký toàn thưghi: “Vua tung quân ra đánh. Sàn chống cự, thua chết. Quân Lương tan vỡ chạy về Bắc. Nước ta được yên. Vua vào thành Long Biên ở. Như thế chỉ trong vòng 8 năm [542-550], Lý Bí, Triệu Quang Phục đã hai lần đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi, giành lại quyền tự chủ trên toàn đất nước. Nhà nước Vạn Xuân trải qua những năm tháng gian nan nhất, tưởng như bị tiêu diệt hoàn toàn, lại được độc lập và có điều kiện tiếp tục dựng xây”.

Năm 557, Lý Phật Tử, người họ hàng của Lý Nam Đế, từ động Dã Năng kéo quân về gây chiến với Triệu Việt Vương. Sau nhiều lần đánh nhau bất phân thắng bại, hai bên giảng hòa, chia nhau đất đai, lấy bãi Quần Thần [vùng Thượng Cát, Hạ Cát, thuộc Từ Liêm, Hà Nội] làm địa giới. Lý Phật Tử chủ động xin kếthônmối thông gia với Triệu Quang Phục.Đại Việt sử ký toàn thưcó chép: “Vua nghĩ rằng Phật Tử là người họ của Lý Nam Đế, không nỡ cự tuyệt, bèn chia địa giới ở bãi Quần Thần cho ở phía Tây của nước, [Phật Tử] dời đến thành Ô Diên [xã ấy có đền thờ thần Bát Lang, tức là đền thờ Nhã Lang vậy]”. Triệu Quang Phục đã gả con gái là Cảo Nương cho Nhã Lang là con trai của Lý Phật Tử để tỏ tình hòa hiếu với nhau.

Năm 571, Lý Phật Tử bất ngờ tiến quân đánh úp. Quân Triệu Việt Vương thua chạy về phía cửa sông Đáy, cùng đường ông phải tự tử tại cửa biển Đại Nha [khu vực Độc Bộ, Nghĩa Hưng, Nam Định]. Người đời sau lập nhiều đền thờ ông. Hiện nay, trong đền Hóa Dạ Trạch ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, ngoài thờ Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân, cònphối thờ Triệu Quang Phục. Tại xã An Vĩ, huyện Khoái Châu có một đền thờ riêng Dạ Trạch vương và các vị tướng phù giúp ông đánh giặc. Đây là ngôi đền duy nhất ở tỉnh Hưng Yên thờ vua Triệu và đang được nâng cấp. Hằng năm, ngày 12-8 âm lịch-ngày Triệu Quang Phục tế cờ ra trận đánh giặc, người dân lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ tới vị thành hoàng của làng.

Lịch sử đã lùi xa, những gì còn lại về thân thế của Triệu Việt Vương đáng để hậu thế kính ngưỡng và cảm phục vị anh hùng dân tộc.

MINH ĐẠO

Qua gần 10 tham luận được trình bày trực tiếp tại hội thảo, các đại biểu cung cấp nhiều thông tin khoa học có giá trị góp phần làm rõ cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của danh nhân Triệu Quang Phục. Trên cơ sở những luận cứ, kiến giải khoa học, hội thảo đã đề ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản có liên quan tới danh nhân Triệu Quang Phục ở Hưng Yên cũng như tại các địa phương khác.

Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích đăng một số ý kiến tại hội thảo ý nghĩa này.

* GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam:

Thay đổi cục diện chiến tranh và giành lại quyền làm chủ đất nước

Nhận thấy vai trò của mình đã hết và trong hàng ngũ tướng sĩ còn lại sau trận thất bại ở hồ Điển Triệt cũng không mấy ai còn phó thác niềm tin và tính mệnh vào mình nữa, tại động Khuất Lão, Lý Bí đã công khai quyết định giao lại toàn bộ binh quyền của nhà nước Vạn Xuân cho viên tướng trẻ tuổi và tài năng là Triệu Quang Phục. Đây là cuộc “bàn giao thế hệ”, một cuộc “chia tay” đúng lúc, cần thiết và đặc biệt có ý nghĩa. Vì chính nó là cơ sở hình thành tầm nhìn mới với những kế sách vượt ra khỏi những tính toán tù túng, bế tắc trước đây, tạo thành nguồn xung lực mới cho cuộc đối đầu một mất một còn với quân xâm lược phương Bắc của nhà nước Vạn Xuân. Triệu Quang Phục đã thay mặt Lý Nam Đế, thay mặt triều đình Vạn Xuân và bộ chỉ huy kháng chiến lãnh đạo và tổ chức cuộc kháng chiến cứu nước chuyển sang một giai đoạn lịch sử mới.

GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Triệu Việt Vương không chỉ giữ vững căn cứ Dạ Trạch, mà còn liên tục tập kích các doanh trại và các cuộc hành binh của quân Lương, mở rộng phạm vi kiểm soát ra các vùng xung quanh. Quân Lương càng ngày càng bị co lại cố thủ trong các thành lũy kiên cố. Nhân cơ hội lực lượng nhà Lương suy yếu và bất lực không nắm được Giao Châu, tướng tài, quân giỏi ở Giao Châu cũng bị rút về Trung Quốc, Triệu Việt Vương đã nắm lấy thời cơ có một không hai này, thúc đẩy cuộc kháng chiến phát triển lên đến cao trào. Chỉ trong vòng 8 năm tính từ đầu năm 542 cho đến đầu năm 550, Lý Bí và Triệu Quang Phục đã hai lần tổ chức đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương ra khỏi bờ cõi, giành lại quyền tự chủ trên toàn đất nước. Nhà nước Vạn Xuân trải qua những năm tháng gian nan nhất, có lúc tưởng như đã bị tiêu diệt hoàn toàn, lại được hồi sinh và vươn lên với sức mạnh lạ kỳ, giành lại nền độc lập, tiếp tục xây dựng và phát triển.

* PGS, TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó viện trưởng Viện Sử học:

Triệu Việt Vương, người kế tục Lý Nam Đế trong sự nghiệp chống ngoại xâm

Trong thời gian Lý Nam Đế ở động Khuất Lão, lực lượng kháng chiến của triều đình Vạn Xuân gồm có một bộ phận do Triệu Quang Phục chỉ huy, một bộ phận do Lý Thiên Bảo [anh Lý Nam Đế] chỉ huy, đóng quân ở đất Di, Lạo, tự xưng là Đào Lang vương, lập nước gọi là nước Dã Năng. Trên thực tế, từ năm 546 [khi Lý Nam Đế vào ở trong động Khuất Lão] cho đến khi xung đột với Lý Phật Tử [năm 557], thì Triệu Quang Phục trở thành người đứng đầu lực lượng kháng chiến của triều đình Vạn Xuân chống nhà Lương, nhà Trần [Trần Bá Tiên].

PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ,Phó viện trưởng Viện Sử học.

Triệu Quang Phục lui quân về đóng ở đầm Dạ Trạch từ tháng Giêng năm Đinh Mão [547] khi liệu sức không chống nổi đại quân của Trần Bá Tiên. Lực lượng của Triệu Quang Phục ở trong đầm Dạ Trạch có khoảng 2 vạn người, hoạt động tuyệt đối bí mật “ban ngày tuyệt không để lộ khói lửa và dấu người, ban đêm dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh doanh trại của Bá Tiên, giết và bắt sống rất nhiều, lấy được lương thực để làm kế cầm cự lâu dài. Bá Tiên theo hút mà đánh, nhưng không đánh được. Người trong nước gọi là Dạ Trạch Vương. Năm 548, Lý Nam Đế qua đời ở động Khuất Lão, Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử chiếm cứ đất Dã Năng; Triệu Quang Phục xưng là Triệu Việt Vương, tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Lương.

Năm Canh Ngọ [550], Trần Bá Tiên được vua Lương phong làm Thứ sử Giao Châu. Bá Tiên mưu tính cầm cự với quân của Triệu Việt Vương, đợi quân ta lương hết, quân mỏi mới tổ chức tấn công vào căn cứ. Khi ấy, nhà Lương có loạn Hầu Cảnh, Bá Tiên được triệu về dẹp loạn, nhân đấy cướp ngôi nhà Lương, lập nên nhà Trần. Ở Giao Châu, bộ tướng của Bá Tiên là Dương Sàn được ủy thác việc cầm quân chống nhau với Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương tung quân ra đánh, Dương Sàn bị thua chết, quân Lương tan vỡ, trốn chạy về nước. Trong khoảng thời gian từ năm 550 đến năm 557, đất nước bình yên, Triệu Việt Vương về đóng ở thành Long Biên.

Trước năm 548, anh của Lý Nam Đế là Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử yên vị ở động Dã Năng, không hề tổ chức một trận đánh nào với quân Lương. Công cuộc chống ngoại xâm đều do Triệu Quang Phục chủ trương. Sự nghiệp vẻ vang nhất của Triệu Quang Phục - Triệu Việt Vương gắn liền với công cuộc chống ngoại xâm, đặc biệt là từ khi ông được Lý Nam Đế ủy thác trách nhiệm to lớn khi Ngài thụ bệnh ở động Khuất Lão năm 546 đến khoảng 550 [khi xây dựng căn cứ kháng chiến ở đầm Dạ Trạch, tổ chức chống quân Lương, giết chết tướng nhà Lương là Dương Sàn, đuổi quân Lương về nước], bắt tay vào xây dựng nền thái bình, kế tục sự nghiệp của Lý Nam Đế. Cơ đồ tuy ngắn ngủi nhưng lịch sử đã ghi nhận những cống hiến vô cùng to lớn của Triệu Việt Vương - Triệu Quang Phục trong tiến trình phục hưng đất nước, khôi phục lại phẩm giá cao quý của dân tộc Việt Nam trước sự cai trị nô dịch của ngoại bang.

* PGS, TS Nguyễn Công Việt, Viện Nghiên cứu Hán Nôm:

Thêm thông tin xác định quê hương của Triệu Việt Vương

Vấn đề quê hương của Triệu Việt Vương nhìn chung tài liệu lịch sử đều ghi khá thống nhất là cha con Triệu Túc, Triệu Quang Phục là người Chu Diên, Triệu Túc xuất thân là Tù trưởng ở Chu Diên. Sơ lược về vị trí khu vực và quy mô cấp hành chính huyện Chu Diên vào thế kỷ thứ VI thì nó khá rộng bao gồm một phần đất Hải Dương và toàn bộ vùng đất Hưng Yên sau này. Thu nhỏ lại việc xác định quê hương của Triệu Việt Vương là một việc khó bởi chưa tìm thấy một chứng tích nào ghi cụ thể hơn rõ hơn. Tuy nhiên, có thể căn cứ từ logic lịch sử việc Triệu Việt Vương lui quân về đầm Dạ Trạch…, việc thờ cúng ngài từ trước đến này ở Đền Hóa thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch thì có thể cho ta giả thuyết đoán định về vấn đề này.

PGS, TS Nguyễn Công Việt, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Sử cũ ghi rõ ông rất thông thổ đầm Dạ Trạch. Thường là nơi chôn nhau cắt rốn sống từ nhỏ, chơi đùa mò mẫm khắp các xó xỉnh là điều tất yếu của trẻ nhỏ đến khi trưởng thành... Chính sự thông thạo đất đầm Dạ Trạch cùng tài thao lược đã cho Triệu Việt Vương bảo toàn được lực lượng, đồng thời tổ chức tập kích, đánh địch có kết quả, để sau đó mới có trận chiến quy mô hơn giết được Dương Sàn đuổi được quân Lương về Bắc.

Lịch sử Việt Nam với hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, biết bao cuộc kháng chiến vệ quốc oanh liệt và những cuộc khởi nghĩa kiên cường, giành độc lập tự chủ là những tấm gương sáng chói cho hậu thế noi theo. Tinh thần của Triệu Việt Vương và thân phụ Triệu Túc bên cạnh Lý Nam Đế của quốc gia Vạn Xuân bất diệt trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam.

Việc nghiên cứu địa danh Chu Diên trong lịch sử, xác định vị trí khu vực quy mô cấp hành chính huyện Chu Diên và vấn đề quê hương Triệu Việt Vương là những việc cần tiếp tục khảo sát nghiên cứu tìm tòi. Những tư liệu hiện vật từ khai quật khảo cổ học, những tài liệu thư tịch và hiện vật văn khắc Hán Nôm tản mạn tiềm ẩn trong dân gian liên quan đến triều Lý Nam Đế - Triệu Việt Vương rất cần được khai thác nghiên cứu. Hy vọng trong tương lai chúng ta sẽ có một gian trưng bày phong phú về hiện vật của chuyên đề này trong ngôi đền lớn tôn thờ người anh hùng của đất Hưng Yên nói riêng và cả dân tộc nói chung.

ThS. Đào Mạnh Huân, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên:

Sáng mãi trong tâm thức của nhân dân Hưng Yên

Đối với mảnh đất Hưng Yên, Triệu Việt Vương và căn cứ Dạ Trạch với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Lương là một trong những khúc tráng ca hào hùng trong truyền thống yêu nước, bảo vệ độc lập của nhân dân Hưng Yên.

Triệu Việt Vương đi vào tâm thức của nhân dân không chỉ vì những chiến công hiển hách trong lịch sử dân tộc và nhân cách cao cả mà còn vì cuộc đời và sự nghiệp của ông nhất là thời gian tổ chức kháng chiến tại đầm Dạ Trạch đã có sự gắn bó máu thịt, mật thiết với nhân dân.

ThS. Đào Mạnh Huân,Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 10 địa phương Triệu Việt Vương được tôn thờ làm Thành hoàng làng. Tại những di tích này, còn lưu giữ được thần tích ghi chép về cuộc đời, sự nghiệp, công lao to lớn của Triệu Việt Vương. Bên cạnh đó, trong rất nhiều thần tích về Đức thánh Chử Đồng Tử và Nhị vị phu nhân tại các di tích ở Hưng Yên có ghi về thân thế, sự nghiệp vẻ vang của Triệu Việt Vương. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên còn lưu giữ 29 đạo sắc phong từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn của các nhà nước phong kiến ban cho Triệu Việt Vương cùng một số sắc phong ban cho vợ và em của Triệu Việt Vương.

Hằng năm, tại các di tích thờ Triệu Việt Vương, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội trước là tưởng nhớ tri ân và tôn vinh công ơn của vị vua đầm Dạ Trạch đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, sau là cảm tạ ân đức của thần đã giúp cho mưa thuận gió hòa, sản xuất được mùa, đời sống nhân dân no ấm, tránh mọi thiên tai với niềm tin thần sẽ tiếp tục che chở, bảo vệ nhân dân. Cùng với đó, Triệu Việt Vương còn là hiện thân của một vị thần đã che chở, bảo vệ nhân dân qua những thác ghềnh bão táp, những biến cố to lớn của lịch sử dân tộc. Đó là hình tượng của sự kết hợp từ một nhân vật lịch sử có thật với một vị thần linh ứng. Sự kết hợp giữa yếu tố thực - lịch sử với yếu tố hư - thần thánh hóa trong đó yếu tố thực - lịch sử là hồn cốt, được dân gian tôn kính, linh thiêng hóa, tạo dựng nên một Triệu Việt Vương cao cả và đẹp đẽ. Và chính những tâm thức đẹp đẽ và cao cả như thế đã góp phần tạo nên những truyền thống quý báu mà trên hết là truyền thống yêu nước, sống nhân nghĩa, thủy chung của nhân dân Hưng Yên sau này.

* Trung tướng Lương Đình Hồng, Chính ủy Học viện Quốc phòng:

Giữ đất hiểm, vận dụng cách đánh du kích, tiêu hao địch, từng bước xây dựng và phát triển lực lượng kháng chiến

Chủ trương của Triệu Quang Phục về việc chuyển từ cố thủ trong thành trì ở đồng bằng hoặc trung du, sang bám trụ ở vùng đầm lầy là nét mới nhất trong tư duy quân sự của toàn bộ quá trình kháng chiến chống ách đô hộ nhà Lương.

Trung tướng Lương Đình Hồng, Chính ủy Học viện Quốc phòng.

Thực tế lịch sử cho thấy, ở vùng đồng bằng Chu Diên tuy không có thế đất hiểm như ở miền đồi núi, nhưng ở đây có nhiều sông rạch chia cắt, nhiều đầm hồ lầy lội; cây cối, lau sậy um tùm, có lợi cho việc giấu quân, không có lợi cho việc hành binh của những đạo quân lớn. Địa thế như vậy buộc quân Lương phải phân tán, chia quân đánh nhỏ, làm mất sở trường đánh tập trung của chúng; ngược lại tạo điều kiện cho lực lượng kháng chiến của Triệu Quang Phục đánh du kích, tiêu diệt gọn từng bộ phận nhỏ, tiêu hao địch về chiến lược. Mặt khác, Chu Diên là nơi đông dân, trù phú, đất bản bộ của họ Triệu, do đó Triệu Quang Phục có nhiều thuận lợi khi huy động nhân vật lực và tổ chức đánh địch.

Đặc biệt, Dạ Trạch ở huyện Chu Diên [tức bãi Màn Trò, Khoái Châu, Hưng Yên] là một vùng đầm lầy ven sông Hồng, rộng mênh mông, lau sậy um tùm; ở giữa là một bãi phù sa rộng, có thể làm nơi sinh sống được. Đường đi vào rất kín đáo và khó khăn, chỉ có thể dùng thuyền độc mộc nhỏ chống bằng sào lướt đi trên cỏ mới có thể đến được; nếu không quen biết đường lối thì không biết đường vào, sa xuống nước thì bị rắn cắn chết... Theo sử cũ, Triệu Quang Phục đóng quân ở trên bãi đất nổi ấy, ngày ngày quân sĩ thay phiên nhau vừa luyện tập và sản xuất, tự túc lương ăn; ban ngày im hơi lặng tiếng như không có người, ban đêm nghĩa quân dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh úp trại giặc; giết và bắt được rất nhiều, lấy được lương thực, khí giới của địch để làm kế lâu dài...

Với kế sách “trì cửu chiến”, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh, đánh tiêu hao là chính, qua gần 4 năm giữ đất hiểm [dựa vào đầm Dạ Trạch] đánh du kích [dùng kỳ binh] để đánh giặc Lương, lực lượng kháng chiến của Triệu Quang Phục ngày một mạnh, quân Lương ngày một suy yếu, mỏi mệt; chiến lược “tốc quyết” [đánh nhanh thắng nhanh] của quân Lương bị đập tan. Còn quân của Triệu Quang Phục, với truyền thống giỏi bơi thuyền, đánh thủy, lại thông thuộc đường đi, nên chỉ bằng những lực lượng nhỏ được phân ra đánh chặn các ngả cũng có thể bẻ gãy các mũi tiến công của giặc, hoặc gặp khi tình thế bất lợi có thể nhanh chóng rút lui an toàn vào sâu căn cứ, khiến quân giặc không sao truy tìm được…

Có thể nói, lập căn cứ kháng chiến ở đồng bằng, nhất là chủ trương dựa vào thế hiểm của đầm Dạ Trạch để tiến hành một cuộc chiến tranh du kích đánh lâu dài, dùng hình thức đánh nhỏ, đánh lén, đánh úp ban đêm, tiêu hao địch khiến cho quân Lương lâm vào tình trạng căng thẳng, mỏi mệt là một kế sách dụng binh hết sức mưu lược và sáng suốt của Triệu Quang Phục. Với kế sách đó, lực lượng kháng chiến của nước Vạn Xuân đã nhanh chóng chuyển từ cách đánh thụ động chờ đón đánh địch sang chủ động tổ chức tiến công quân xâm lược bằng nhiều trận có quy mô nhỏ, nhưng rất lợi hại. Có lẽ cũng vì thế mà Triệu Quang Phục được quân sĩ và nhân dân gọi là “Dạ Trạch Vương” [vua Đầm đêm]. Đây là một sự đổi thay quan trọng nhất trong nghệ thuật chỉ huy trận mạc của Triệu Việt Vương ở thế kỷ thứ VI, đồng thời cho thấy tầm nhìn chiến lược sắc sảo và những đóng góp quan trọng của ông cho đất nước.

* Trung tướng, PGS, TS Đỗ Viết Toản, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1:

Biểu tượng tài năng và võ học của quê hương Hưng Yên

Năm 546, Lý Nam Đế chính thức giao binh quyền cho Triệu Quang Phục, lúc này ông mới 22 tuổi. Trên cương vị tổng chỉ huy lực lượng kháng chiến, ông nhận thấy, việc công khai nghênh chiến với kẻ thù như trước không đem lại hiệu quả, lại là người thông thạo vùng sông nước Chu Diên, nên Triệu Quang Phục đã quyết định chuyển hướng chiến lược, thay đổi phương thức tác chiến từ phòng ngự, cố thủ, tập trung lực lượng quyết chiến với địch sang phương thức kháng chiến lâu dài, phân tán lực lượng, thực hiện đánh tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Trung tướng, PGS, TS Đỗ Viết Toản, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1.

Qua gần 4 năm chiến tranh [547-550], lực lượng nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, cuộc kháng chiến phát triển theo hướng ngày càng có lợi cho ta, địch càng đánh càng suy yếu và có nguy cơ dẫn tới thất bại. Điều này cho thấy Triệu Quang Phục là một nhà quân sự tài ba, lỗi lạc. Ông đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Lương đến thắng lợi hoàn toàn. Dưới tài thao lược của võ tướng Triệu Quang Phục, với tầm nhìn chiến lược từ chuyển đổi địa bàn kháng chiến về đầm Dạ Trạch, với phương pháp tác chiến linh hoạt, sáng tạo, quân và dân Vạn Xuân không những bảo tồn được lực lượng mà còn càng đánh càng mạnh, từng bước làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch. Đồng thời, sự nhanh nhạy nắm bắt thời cơ, quyết định mở cuộc phản công chiến lược của Triệu Quang Phục đã góp phần đánh bại hoàn toàn quân xâm lược. Thắng lợi của cuộc kháng chiến đã khẳng định ý chí giành và giữ vững quyền độc lập, tự chủ của nhân dân ta và tài thao lược của nhà chiến lược quân sự tài ba Triệu Quang Phục. Đây là một sự kiện có dấu ấn đặc biệt trong thế kỷ thứ VI cũng như lịch sử hàng ngàn năm chống Bắc thuộc của dân tộc ta. Thắng lợi này không chỉ nêu cao ý chí tự cường và tinh thần quyết chiến bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, mà còn chứng tỏ tài thao lược của võ tướng Triệu Quang Phục - người con của quê hương Hưng Yên anh hùng.

Tư tưởng chỉ đạo tác chiến, nghệ thuật quân sự, tài năng võ học của Triệu Quang Phục được các thế hệ người Việt Nam trân trọng, gìn giữ và vận dụng phát triển lên một tầm cao mới. Đó là đường lối chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; xây dựng địa bàn tác chiến chiến lược, khu vực phòng thủ tỉnh [thành phố]… Trong tương lai [nếu xảy ra chiến tranh], sẽ là một cuộc chiến tranh công nghệ cao, chúng ta phải đối phó với kẻ địch mạnh hơn ta về nhiều mặt. Vì vậy, những vấn đề rút ra từ cuộc kháng chiến về nghệ thuật quân sự, chỉ đạo tác chiến chiến lược của danh tướng Triệu Quang Phục vẫn còn nguyên giá trị, đòi hỏi mỗi chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu vận dụng linh hoạt, sáng tạo cho phù hợp với điều kiện, tình hình mới.

* GS, TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam:

Giá trị tín ngưỡng và phục dựng lễ hội Triệu Quang Phục trong xã hội hiện đại

Với công lao đóng góp vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước, mở mang bờ cõi ở các làng quê, chiến thắng giặc ngoại xâm để bảo vệ vẹn toàn nhà nước Vạn Xuân trong lịch sử dân tộc, Triệu Việt Vương đã được khẳng định công trạng trong chính sử, được cộng đồng dân tộc truyền tụng, tôn vinh, tri ân, thờ phụng và tổ chức nhiều lễ hội tưởng nhớ ở nhiều làng quê Việt Nam nhất, hơn nghìn năm qua.

GS, TS Bùi Quang Thanh,Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Xuất phát từ những căn cứ quan trọng, chúng tôi cho rằng, đã có đủ dữ liệu để khẩn trương xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng phụng thờ, sinh hoạt lễ hội truyền thống tôn vinh – tri ân Triệu Việt Vương tại xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; trên cơ sở đó, đề xuất các dự án thành phần, lựa chọn các phương án phù hợp với điều kiện xã hội cũng như đáp ứng nhu cầu của quảng đại quần chúng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên nói riêng và cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam nói chung.

Khẩn trương tiến hành triển khai việc hoàn thiện cơ sở vật chất tại quần thể di tích phụng thờ Triệu Việt Vương tại Dạ Trạch, đặc biệt là phạm vi nội thất, theo phương hướng xã hội hóa là chủ yếu và do chủ thể là cộng đồng dân chúng sở tại quyết định. Song hành với việc giải quyết nhiệm vụ căn cốt, cần khẩn trương tổ chức đội ngũ các nhà khoa học chuyên ngành, tập trung nghiên cứu chuyên sâu từ các dữ liệu văn hóa dân gian ở Dạ Trạch nói riêng và các làng thờ cúng Triệu Việt Vương nói chung, trong phạm vi các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình,…, tiến tới định hình những hình thức sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng và các nghi thức tế lễ, thờ cúng Triệu Việt Vương vừa mang tư cách Thành hoàng của làng Dạ Trạch, vừa giữ tầm vóc một trong những ông vua có công với dân với nước, được cộng đồng tự nguyện tri ân và tôn vinh, thờ phụng ở hàng trăm làng quê thuộc châu thổ Bắc Bộ hơn nghìn năm qua…

* Đồng chí Đoàn Văn Hòa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên:

Hiệu quả trong phát huy giá trị di sản tại địa phương

Trong những năm qua, tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm chăm lo đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có các di sản văn hóa liên quan tới Triệu Việt Vương. Đến nay, có 3 di tích thờ Triệu Việt Vương được xếp hạng di tích cấp quốc gia, 4 di tích được công nhận di tích cấp tỉnh. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Hưng Yên đã đầu tư gần 50 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo các di tích có liên quan đến Triệu Việt Vương. Trong đó gần 45 tỷ đồng đầu tư, tu bổ tôn tạo đền thờ Triệu Việt Vương tại xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu. Các cơ quan quản lý tích cực tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước cũng như của tỉnh, trước hết là Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn liên quan đến mọi tầng lớp nhân dân. Cùng với kiểm kê, tu bổ, phục hồi di tích, Hưng Yên đã làm tốt công tác kiểm kê khoa học di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, trò chơi dân gian… tại các di tích thờ Triệu Việt Vương và các nhân vật có liên quan được quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu. Với sự tham gia tích cực của các cơ quan quản lý chuyên môn và chính quyền các cấp, các lễ hội được tổ chức văn minh, tôn trọng giá trị truyền thống, thuần phong mỹ tục và những quy định trong quy chế tổ chức lễ hội.

Đồng chí Đoàn Văn Hòa,Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên.

Tỉnh Hưng Yên có kế hoạch hành động sớm nhằm bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa có liên quan tới Triệu Việt Vương. Trước đây, tại vị trí gần đền Dạ Trạch [Khoái Châu] có đền thờ Dạ Trạch Vương Triệu Quang Phục, sau bị thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn, dân làng đưa bài vị Dạ Trạch Vương vào phối thờ cùng với Chử Đồng Tử và Nhị vị phu nhân tại đền Hóa [xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu]. Để tỏ lòng thành kính, tôn vinh sự nghiệp và những cống hiến to lớn của Dạ Trạch Vương Triệu Quang Phục, vừa để phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu, giáo dục truyền thống cho các thế hệ, năm 2018, tỉnh Hưng Yên tiến hành khởi công phục dựng đền thờ Triệu Việt Vương trên nền cũ tại xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu.

Mặc dù tỉnh Hưng Yên đã đạt được nhiều kết quả trong công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, tuy nhiên, công tác bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa trong tỉnh nói chung, liên quan đến danh nhân Triệu Việt Vương nói riêng vẫn còn tồn tại những bất cập, thời gian tới ngành sẽ tham mưu cho lãnh đạp tỉnh và các ban ngành chức năng tập trung tìm giải pháp khắc phục những tồn tại này.

* TS Hoàng Mạnh Thắng, Giám đốc Trung tâm thông tin và Nghiên cứu khoa học, Tổng biên tập Tạp chí Nhịp cầu Tri thức:

Đề xuất tổ chức lễ hội tại đền thờ Triệu Việt Vương ở Dạ Trạch

Hiện nay, đền Dạ Trạch Vương được đầu tư xây dựng trên nền cũ của ngôi miếu xưa. Do vậy, việc tổ chức sinh hoạt tín ngưỡng là một phần không thể thiếu đối với đền thờ Triệu Việt Vương. Qua quá trình khảo sát mình, tôi đề xuất ban tổ chức Lễ hội đền Dạ Trạch Vương có thể tham khảo để phục dựng lại nghi thức Lễ Tẩu mã tại đền Yên Trạch, nhằm tái hiện lại những hình ảnh của đội quân Triệu Việt Vương. Việc phục dựng này dựa trên căn cứ lịch sử và trong truyền thuyết. Để phục hồi nghi thức này, Dạ Trạch mời các nghệ nhân tại Yên Trạch trở về quê gốc bản quán để truyền lại những nghi lễ, lễ thức đã mang theo từ Dạ Trạch.

TS Hoàng Mạnh Thắng, Giám đốc Trung tâm thông tin và Nghiên cứu khoa học, Tổng biên tập Tạp chí Nhịp cầu Tri thức.

Tại đền hóa Dạ Trạch có truyền thống về nghi thức tế lễ quốc triều và tổ chức các hoạt động múa rồng, đánh cờ người, hát ca trù, trống quân. Trong lễ hội tưởng niệm Triệu Việt Vương, sẽ tổ chức tế lễ quốc triều và các động múa rồng, đánh cờ người, hát ca trù, trống quân với quy mô lớn hơn. Việc tổ chức cuộc thi múa rồng ở quy mô cấp tỉnh hoặc khu vực nhằm tái hiện lại hình ảnh cưỡi rồng của Chử Đồng Tử đã phù trợ cho Triệu Việt Vương khi đánh giặc. Cần xây dựng quy định về tiêu chí chấm và trao giải: Rồng được giải nhất [mang biểu tượng của thần Chử Đồng Tử] sẽ được rước vào đền Dạ Trạch Vương trong buổi tế vào ngày 15 - ngày kết thúc lễ hội.

Bên cạnh đó, các cuộc thi cờ, đặc biệt là cờ người cần được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mời kỳ thủ từ các địa phương đến tham gia tranh giải. Ban hành giải thể thao cấp tỉnh đối với cuộc thi cờ người hoặc các môn thi thể thao, văn nghệ truyền thống. Trong ngày hội, tổ chức cuộc thi hát trống quân, hát ca trù nhằm quảng bá di sản văn hóa đặc sắc của Dạ Trạch và vùng đất Khoái Châu, Hưng Yên.

Như vậy, việc phục dựng tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ Triệu Việt Vương với các nghi lễ truyền thống kết hợp với các hoạt động mới là rất thiết thực, thu hút được đông đảo nhân dân trên địa phương và khu vực tham gia. Trong dịp này, các đơn vị hoạt động du lịch của tỉnh sẽ giới thiệu, quảng bá tour du lịch văn hóa tâm linh, tạo điều kiện cho du khách khách tham quan đền Hóa Dạ Trạch, đền Đa Hòa, vườn nhãn sinh thái, làng nghề truyền thống và theo dòng sông Hồng tham quan quần thể di tích Phố Hiến. Tin tưởng rằng tương lai, đền Triệu Việt Vương cùng với đền Hóa Dạ Trạch, đền Đa Hòa sẽ trở thành địa điểm tham quan hấp dẫn, góp phần thúc đẩy ngành du lịch Hưng Yên ngày càng phát triển hơn nữa.

Nhóm phóng viên thực hiện

Video liên quan

Chủ Đề