Triết tạch là ai

NƠI ĐÀO TẠO CHO NƯỚC NHÀ NHIỀU BẬC “MINH TRIẾT”

TRẦN NGHĨA

PGS. Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Trong chùm câu đối về Văn miếu - Quốc tử giám in trong tập sách Câu đối Thăng Long - Hà Nội do Nguyễn Văn Thịnh chủ biên, Nhà xuất bản Hà Nội vừa cho ra mắt bạn đọc nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội ta thấy ở trang 502, thuộc phần Nhà Bái đường, có đôi câu đối số 31 rất đáng chú ý sau đây:

育英才而使能國子監高懸模楷

養明哲以繼治昇龍京長聚精華

Dục anh tài nhi sử năng, Quốc tử giám cao huyền mô khải;

Dưỡng minh triết dĩ kế trị, Thăng Long kinh trường tụ tinh hoa.

[Đào tạo nhân tài mà sử dụng năng lực, trường Quốc tử giám treo cao khuôn mẫu;

Bồi dưỡng minh triết để tiếp nối trị bình, kinh đô Thăng Long tụ mãi tinh hoa].

Đúng là như vậy ! Quốc tử giám Thăng Long được thành lập vào năm 1076 thời Lý Nhân Tông, nghĩa là chỉ 66 năm sau khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư [Ninh Bình] ra đất “Rồng bay” [Hà Nội] và kể từ đấy, ngôi trường Đại học đầu tiên này của Việt Nam đã không ngừng cung cấp cho đất nước nhiều nhân tài, trong đó có những bậc đáng gọi là “minh triết”.

Nhưng trước hết, hãy nói một chút “minh triết” là gì, một vấn đề đang mang tính thời sự.

Năm 1960, Lương Kim Định [1915-1997] viết bài tiểu luận Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây, cho rằng tư duy triết lý phương Đông mang những đặc điểm của “tư duy minh triết”, còn tư duy triết lý phương Tây thì thiên về kiểu “tư duy triết học”. Ít lâu sau, François Jullien, một triết gia người Pháp cho in cuốn Minh triết phương Đông và triết học phương Tây[1], có chung quan điểm với họ Lương: đem “minh triết” đối sánh với “triết học”.

Từ khi Trung tâm nghiên cứu văn hóa minh triết [thuộc Liên hiệp các Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam] ra đời [năm 2008], khái niệm “minh triết” nhiều lần được đưa ra thảo luận dưới hình thức toạ đàm hoặc hội thảo khoa học, nhưng kết quả đến nay vẫn chưa đi tới tiếng nói chung[2]. Đơn cử một vài trường hợp tiêu biểu:

- “Minh triết chính là năng lực để sống, để tồn tại, để phát triển” [Nguyễn Khắc Mai: Minh triết, một giá trị văn hóa của nhân loại đang phục hưng, A.6][3].

- “Minh triết là biết sống khôn ngoan và hẳn hoi” [Hoàng Ngọc Hiến: Luận bàn về những vấn đề minh triết, A.13].

- “Theo tôi, minh triết là một trạng thái hợp lý của đời sống, diễn tả theo một cách khác thì nó nằm ở giữa chân lý và phi lý” [Trần Sáng: Minh triết của đời thường, C.139].

- “Trong ý nghĩa nào đó thì minh triết là tính chất của tinh thần, tâm hồn và trí tuệ của dân tộc được trầm tích trong chiều sâu nhất của văn hóa, và tới lượt mình, minh triết là hạt nhân toả năng lượng nuôi sống nền văn hoá dân tộc” [Hà Văn Thùy: Trở về cội nguồn minh triết Việt, A.125].

Và còn nhiều cách hiểu khác nữa, như “minh triết chỉ có ở tầng lớp bác học” hoặc ngược lại, “minh triết chỉ có ở lớp người bình dân”; “minh triết là cái bất biến” hoặc ngược lại “minh triết là cái khả biến” v.v…, ở đây không dẫn ra hết được. Thậm chí có người còn bảo định nghĩa “minh triết là gì” là một việc rất khó. Một câu nói hóm hỉnh của một học giả: “Tìm cách định nghĩa minh triết, đó là bằng chứng của sự thiếu minh triết”[4]. Hoặc: “Trong suy nghĩ của nhiều người, tìm cội nguồn minh triết dường như vô kế khả thi” [Hà Văn Thùy: Trở về cội nguồn minh triết Việt, A.125]. Hay: “Minh triết không là gì. Minh triết không có lịch sử” [Giáp Văn Dương, A.33]...

Thật ra thì “minh triết” không phải là một khái niệm “không có lịch sử”. Việc tìm cội nguồn của hai chữ “minh triết” cũng chưa hẳn là “vô kế khả thi”.

Hãy xét trước hết về mặt văn tự. Nhìn lại quá trình hình thành và diễn biến của chữ Hán, ta thấy “minh triết” nguyên là một từ ghép gồm “minh” và “triết”, xuất hiện khá sớm trong văn tự phương Đông. Trong “giáp cốt văn”, một thứ chữ khắc trên mai rùa và xương thú được chế tác vào đời nhà Thương [1600 - 1300 TCN] ta thấy đã có chữ “minh” rồi. Chữ này được viết theo kiểu hội ý: bên phải là chữ nhật [mặt trời], bên trái là chữ nguyệt [mặt trăng], đều được viết theo kiểu tượng hình [tượng hình văn tự]. Nhật và nguyệt hợp thành minh , nghĩa là “sáng láng”, “sáng suốt”. Bộ nhật đôi khi cũng được thay bằng chữ quýnh là “cửa sổ” - như vậy minh là bên cửa sổ ngắm trăng. Đến giai đoạn “kim văn” tức văn tự khắc trên dụng cụ đồng thau, chữ minh được viết dưới dạng , ở đây bộ nhật chuyển sang bên trái, bộ nguyệt chuyển sang bên phải, nghĩa chữ vẫn như cũ. Cách viết theo trật tự bộ thủ này được duy trì cho đến ngày nay: [khải thư][5].

Chữ “triết” thì mãi đến “kim văn” đời Thương - Chu [1300 - 256 TCN] mới thấy có. Chữ “triết” lúc này gồm chữ “sở” là “xứ sở” và chữ “tâm” là “lòng người” hợp lại mà thành: . “Triết” như vậy có nghĩa là chỗ ở của tâm. Đến giai đoạn “tiểu triện”, loại chữ thông dụng vào đời nhà Tần nên còn gọi là ‘Tần triện”, chữ “triết” được viết thành , gồm chữ “chiết” là “gãy” kết hợp với chữ “khẩu” là “miệng”. “Triết” ở đây biểu thị tài năng, có thể dùng lời lẽ thuyết phục được người khác. Từ “lệ thư”, loại chữ thông dụng vào đời nhà Hán, chính xác hơn là từ cuối Tần đến Tam quốc, chữ “triết” được chính thức viết thành “chiết” + “khẩu”, dạng chữ dùng mãi cho tới ngày nay. Theo cuốn tự điển cổ nhất Trung Quốc, Nhĩ Nhã, thì chữ “triết” thời cổ còn được viết là 吉吉hoặc , gồm hai hoặc ba chữ cát ghép lại, và “cát” lúc đầu viết là , biểu thị bằng một cái đài tế thần, trên đó bày một miếng ngọc khuê, chỉ sự tốt đẹp, vui vẻ. Hai hoặc ba chữ “cát” chụm lại, nói lên sự tốt đẹp hay vui vẻ đến tột bậc. Căn cứ vào cách thể hiện này, Nhĩ nhã giải thích “triết” là “trí” .

Về cứ liệu thư tịch, ta thấy hai chữ “minh” và “triết” lần đầu được sử dụng sóng đôi với nhau trong Kinh Thi, một bộ tổng tập thơ ca thuộc loại cổ nhất Trung Quốc, thành sách trước năm 544 TCN. Lúc này, nhà Chu cử Ngô Quý Trác đến nước Lỗ để xem nhạc, được triều đình nước Lỗ đem “Thi tam bách” ra hát cho Quý Trác nghe [Tả truyện, Tương Công năm thứ 29]. Liên quan đến “minh triết” là bài thơ Chưng dân trong phần Đại nhã của Kinh Thi. Bài thơ này do một người có tên là Cát Phủ làm ra để tặng cho Sơn Trọng Phủ nhân dịp ông này được Chu Tuyên Vương [827 - 782 TCN] cử đến trông coi việc xây thành ở đất Tề. Bài thơ gồm 8 chương, mỗi chương có 8 câu. Đây là chương thứ IV:

"Túc túc vương mệnh

Trọng Sơn Phủ tương chi

Bang quốc nhược bĩ

Trọng Sơn Phủ minh chi

Ký minh thả triết

Dĩ bảo kỳ thân

Túc dạ phỉ giải

Dĩ sự nhất nhân"

[Mệnh lệnh uy nghiêm của vua,

Được Trọng Sơn Phủ thực hiện.

Vận nước nhà yên hay nguy,

Chỉ Trọng Sơn Phủ biết rõ hơn cả.

Ông là người đã sáng suốt, lại ứng xử khôn khéo,

Làm theo đạo nghĩa để gìn giữ bản thân.

Sớm tối ông không hề lười biếng,

Để phụng sự một người, ấy là vua nhà Chu.]

Chữ “minh” trong câu “Ký minh thả triết” được Chu Hy chú giải là “sáng suốt về nghĩa lý”; còn chữ “triết” trong câu trên được chú giải là “thấu đáo về một việc gì”. Chữ “bảo thân”, theo Chu Hy, nên hiểu là xuôi thuận theo đạo nghĩa mà giữ thân, không chạy theo cái lợi, tránh né việc khó, tạm bợ để được yên thân. Chu Hy nói Khổng Tử đọc Kinh Thi, đến bài Chưng dân, có khen rằng “Người làm bài thơ này hẳn đã hiểu đạo lắm”. Mạnh Tử cũng từng dẫn bài thơ trên để luận chứng về thuyết “tính thiện” của ông [Mạnh Tử. Vạn chương hạ].

Hai câu thơ “Ký minh thả triết, dĩ bảo kỳ thân” sau đó được dồn nén lại thành câu thành ngữ “minh triết bảo thân”, với hàm nghĩa tốt. Chẳng hạn Khổng Dĩnh Đạt [574 - 648], nhà kinh học đời Đường cho rằng: “Đã có thể hiểu rõ thiện ác, phân biệt đúng sai, từ đó mà lựa chọn cái an, loại bỏ cái nguy, bảo toàn thân mình, không bị tai họa hoặc thất bại”. Bạch Cư Dị [772 - 848] trong bài Đỗ Hựu trí sĩ chế cũng từng viết: “Ông Đỗ Hựu tận tuỵ thờ vua, minh triết bảo thân, khi tiến khi thoái, trước sau không rời đạo lý”[7].

Kinh Thư [nguyên tên là Thượng Thư, một bộ sách do chính tay Khổng Tử biên tập, cũng có mấy chỗ đề cập tới “minh triết”:

- “Duệ triết văn minh = văn minh trí tuệ” [Thư. Thuấn Điển].

- “Tri chi viết minh triết = hiểu biết sự việc, gọi là minh triết” [Thư. Duyệt mệnh thượng].

- “Minh tác triết = minh cũng là triết” [Thư. Hồng phạm]. Theo Dương Hùng thì “triết” cũng là “trí” [đồng nghĩa với “tri”. Người vùng nước Tề, nước Tống gọi “tri” là “triết” [Dương Tử. Phương ngôn].

Một cuốn sách khác, Quản Tử, là tác phẩm do nhóm học giả Tắc Hạ ở nước Tề thác danh Quản Trọng [? - 645 TCN] biên soạn vào cuối thời Chiến quốc. Ở thiên Trụ hợp của sách này có câu: “Minh nãi triết, triết nãi minh [...], minh triết nãi đại hạnh = minh thì triết, triết thì minh [...], minh triết thì có hành vi và phẩm chất lớn”.

Với thực tế trên đây, Từ nguyên [bản in năm 1967] cũng như Từ hải [bản in năm 1999] đã có lý khi giải thích “minh triết” là “minh trí”, tức thấu hiểu đạo lý, nắm được bản chất, quy luật của sự việc để hành động có hiệu quả.

Ở Việt Nam, từ ghép “minh triết” chắc chắn đã được sử dụng từ sớm, đáng tiếc là chúng ta chưa có điều kiện sưu tầm qua kho thư tịch Hán Nôm. Nhưng căn cứ vào một số tư liệu mới phát hiện gần đây, có thể nói cách hiểu về từ “minh triết” của ta không khác mấy với cách hiểu của người Trung Quốc.

Ngoài đôi câu đối về Văn miếu - Quốc tử giám mà trên kia đã đề cập, ta còn thấy cụm từ “minh triết” và “minh triết bảo thân” xuất hiện trong một số văn bản khác, với lời lẽ cụ thể như sau:

- “Cung kính nhi sự thượng, như phong tòng hổ, vân tòng long;

Minh triết dĩ bảo thân, vật cứ vu lê, khốn vu thạch”.

[Cung kính thờ bề trên, như gió theo hổ, mây theo rồng;

Minh triết để giữ mình, không quàng vào dây, không vấp phải đá.]

Hai câu này trích từ bài Thiên quân thái nhiên phú [bài phú về cái tâm bình thản] của Ngô Thì Nhậm sáng tác dưới thời Lê - Trịnh.

- “Bất Thú Dương nhi Di Tề, bất hải đảo nhi Điền Hoành; bất duy thành bại thắng phụ chi cơ dĩ bất năng liệu, nhi thị phi đắc thất chi lý thả bất năng minh, thử khởi trung nghĩa minh triết chi sở vi tai !

[Các ngươi không vào núi Thú Dương mà làm Di Tề; không ra hải đảo mà làm Điền Hoành; không chỉ cái cơ thành bại thắng thua đã không nhìn rõ, mà cái lẽ phải trái được mất cũng không lần ra, lẽ nào người trung nghĩa minh triết mà lại hành động như thế].

Đoạn này trích từ tờ chiếu của vua Quang Trung hiểu dụ các quan văn võ triều Lê: Dụ cựu triều văn vũ chiếu, hiện được chép trong sách Hàn các anh hoa của Ngô Thì Nhậm.

Qua các dẫn chứng và luận giải trên đây, ta có thể đi tới kết luận mà không sợ xa với sự thật về hàm nghĩa của khái niệm “minh triết” như sau: “Minh triết” cũng như “minh trí”, một loại từ ghép, và hàm nghĩa của nó là “sáng suốt khôn ngoan”. “Sáng suốt” ở đây là nói về năng lực hiểu biết, nhận định, đánh giá. Hiểu biết đúng về mình, về người, về công việc... Nhận định, đánh giá chuẩn xác mặt đúng, mặt sai, mặt tốt, mặt xấu, mặt mạnh, mặt yếu... của đối tượng, đối tác... của mình. “Khôn ngoan” hay “trí tuệ” ở đây là nói về khả năng ứng xử linh hoạt, tối ưu... trước những lựa chọn khó khăn, những vấn đề nan giải... Và sự thành công chính là một kiểm chứng, một xác nhận có sức thuyết phục nhất về cái gọi là “minh triết” hay “minh trí”.

Có thể xác lập mấy tiêu chí như sau để nhận diện về “minh triết”:

• Sáng suốt trong nhận định.

• Khôn ngoan trong ứng xử.

• Vượt qua được rào cản, khảo nghiệm, thách thức để đi đến thắng lợi, thành công.

Những con người, tư tưởng, lời nói, việc làm... nào đạt được cả ba tiêu chí cơ bản đó [không thể thiếu một] mới khả dĩ gọi là “minh triết”.

Rõ ràng hàm nghĩa của từ ghép “minh triết” rộng hơn nhiều so với chữ “sage”, “sagesse” trong tiếng Pháp, hay “wise”, “wisdom” trong tiếng Anh. “Sagesse” hay “Wisdom” chỉ mới thể hiện được phần “triết” là “khôn ngoan trong ứng xử”. Còn phần “minh” - sáng suốt trong nhận định, thì lại thiếu vắng trong nội dung của “sagesse” và “wisdom”. Đem “minh triết” để dịch “sagesse” hay “wisdom”, giống như chuyện “gọt chân cho vừa giày” vậy.

Từ cách lý giải về “minh triết” như trên, ta có thể đi sâu tìm hiểu một số trí thức từng được đào tạo hoặc tham gia đào tạo tại Quốc tử giám Thăng Long[8] đã bằng vào sự “sáng suốt - khôn ngoan” của mình góp phần vào việc giải quyết những vấn đề trọng đại của đất nước như thế nào.

Trước hết là trường hợp Nguyễn Trãi. Ông hiệu Ức Trai, sinh năm 1380[9] tại Thăng Long. Là cháu ngoại của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, một nhân vật quan trọng trong tôn thất nhà Trần, rất có thể Nguyễn Trãi đã được đưa vào học một thời gian tại Quốc tử giám [đời Trần gọi là Quốc học viện] trước khi thi đỗ Thái học sinh vào năm 1400 dưới triều nhà Hồ. Hồi này, cha ông là Nguyễn Phi Khanh được Hồ Quý Ly cất nhắc làm Đại lý Tự khanh Thị lang tòa Trung thư, Hàn lâm học sĩ, kiêm lĩnh chức Tư nghiệp Quốc tử giám [đời Trần - Hồ, Tư nghiệp tương đương Hiệu trưởng][10]. Một số bạn bè đỗ cùng khoa với Nguyễn Trãi như Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Nguyễn Thành sau đó đều lần lượt làm đến Quốc tử giám Tế tửu, Quốc tử giám Giáo thụ[11]. Riêng Nguyễn Trãi, đến năm 1442 đời Lê Thái Tông, với danh nghĩa Hàn lâm viện Thừa chỉ, cũng đã trực tiếp tham gia điều hành công việc ở Quốc tử giám Thăng Long[12].

Năm 1407, nhà Minh mượn cớ đưa Trần Thiêm Bình về nước, đem quân sang chiếm đóng Đại Việt, với mưu đồ tái lập “Giao Chỉ” thành quận huyện của Trung Quốc:

Vừa đây vì Hồ chính phiền hà,

Đến nỗi khiến nhân tâm oán phản.

Lũ giặc Minh mượn cớ hại dân,

Bọn gian nguỵ cam tâm bán nước ...

[Bình Ngô đại cáo]

Trước tình hình đó, với tư cách là một người “thức tự” [có học], Nguyễn Trãi tự lựa chọn cho mình con đường cứu nước cứu dân. Và việc làm đầu tiên là thoát khỏi chính sách “diệt chủng” của ngoại bang đối với các trí thức yêu nước bản địa lúc bấy giờ.

Như chúng ta biết, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, người sáng lập ra triều đại nhà Minh, xuất thân chỉ là một kẻ bần hàn, thất học. Vậy thì sức mạnh nào đã giúp họ Chu thành công rực rỡ trong việc thống nhất nước Trung Quốc, dần dần bước tới địa vị Hoàng đế Trung Hoa ? Một trong những nguyên nhân quan trọng là Chu Nguyên Chương đã biết dựa vào lực lượng văn nhân mưu sĩ, trí tuệ của thời đại. Đi đến đâu, điều Chu Nguyên Chương quan tâm bậc nhất vẫn là tập hợp các sĩ phu ở đó và lấy “hậu lễ” mà tiếp đãi họ. Chính vì thế họ Chu đã được tầng lớp này ủng hộ và hết sức phò giúp[13]. Có thể nói, hơn ai hết, Chu Nguyên Chương hiểu rõ vai trò vô cùng quan trọng của tầng lớp trí thức trong xã hội. Cũng vì hiểu rõ như vậy, cho nên sau khi ngồi vững trên ngôi Hoàng đế, để đề phòng mọi hậu hoạ có thể làm lung lay cái ngai vàng của bản thân cũng như con cháu mình, Chu Nguyên Chương đã quay lại thẳng tay thanh trừng tầng lớp sĩ phu trong nước, hàng chục vạn cái đầu thông tuệ đã oan ức rơi xuống. Chưa đủ, Chu Nguyên Chương còn tung mẻ lưới thanh trừng đến tận người văn sĩ cuối cùng. Người nào một khi đã được coi là có chút ít học thức, cũng đều bị cái triều đình quái gở đó ép ra làm quan cho bằng được, để rồi một thời gian ngắn sau sẽ nhận lấy cái chết thảm khốc do bất cứ “lỗi lầm” nào mà họ bị gán cho[14].

Đối với trí thức nước ta cũng vậy. Ngay sau khi đặt được ách thống trị trên đất Đại Việt, đưa nước ta trở lại chế độ quận huyện của Trung Quốc, điều mà Minh Thành Tổ - kẻ tiếp tục chính sách “ngu dân” của Minh Thái Tổ - lo đến trước tiên là làm thế nào tiêu diệt cho bằng hết mọi khả năng chống đối sự thống trị của ngoại bang trên đất “Giao Chỉ”. Ngay trong năm 1407, Minh Thành Tổ đã ra lệnh cho Trương Phụ phải lùng kiếm ở nước ta những người ẩn dật nơi rừng núi, những kẻ gọi là có tài đức, thông thạo Ngũ kinh, văn hay học rộng, am hiểu thư toán, nói năng hoạt bát, hiếu đễ, thạo nghề, thậm chí những người chỉ vì tướng mạo khôi ngô, gân sức cứng rắn cũng đều tóm hết đưa về Kim Lăng để “đào tạo”, mà thực ra là “an trí”, khiến nhân tài đất Việt “do vậy sạch không”[15].

Nhưng với Nguyễn Trãi thì sao ? Theo một nghiên cứu cho biết Ức Trai sau buổi chia tay đầy huyết lệ với người cha già tại biên giới Lạng Sơn, đã bị quân Minh đưa về giam lỏng ở Đông Quan [Thăng Long] để lôi kéo, mua chuộc. Ông sống trong ngôi nhà cũ của mình tại “góc thành Nam, lều một căn” trong một thời gian ngắn, rồi lợi dụng sự canh giữ còn lỏng lẻo lúc đầu của giặc, thoát ra khỏi hang ổ chúng, đi tìm một chân trời tự do hơn, để còn mưu việc trả mối “hận nước, thù nhà” và để giữ vẹn khí tiết của mình, quyết không cam tâm làm tay sai cho giặc[16]. Chính Ức Trai đã cho ta thấy con đường ông lựa chọn đó: Trị loạn chung đương học Quản Ninh [Tránh nạn, rốt cục nên theo Quản Ninh]. Và cuộc đời lưu lạc mười năm “Thập niên phiêu chuyển thán bồng bình” của Nguyễn Trãi cũng bắt đầu từ đấy:

Kể từ khi lưu lạc nơi tha hương,

Đếm đốt ngón tay, thanh minh đã qua mấy độ.

Xa nghìn dặm, mồ mả không quét dọn được,

Trải mười năm thân cựu đã hao mòn...

[Ức Trai thi tập: Thanh minh]

Nguyễn Trãi sống lánh trong dân, nhờ dân đùm bọc, che chở. Ông dành thời gian ẩn cư này để học tập, tự bồi dưỡng mình: “Mười năm đọc sách nghèo đến xương” [Ức Trai thi tập: Ký hữu]. Và cũng để suy ngẫm về phương lược cứu nước:

Còn một lòng âu việc nước,

Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung.

[Quốc âm thi tập: Thuật hứng 23]

Vậy là nhờ vào sự sáng suốt - khôn ngoan của mình, Nguyễn Trãi đã không rơi vào bẫy giặc, để cho giặc lợi dụng. Chẳng những thế, ông còn biến cái bất lợi thành thuận lợi: dùng mười năm lánh nạn để nâng cao kiến thức, nuôi chí phục thù, chờ đợi thời cơ ...

Để thực hiện hoài bão cứu nước cứu dân, Nguyễn Trãi cần có một minh chủ. Nhưng ta thấy ông không có mặt trong phong trào khởi nghĩa chống quân Minh của các vua Hậu Trần diễn ra trong thời gian từ 1407 đến 1413. Chắc vì Nguyễn Trãi dự cảm Trần Ngỗi, Trần Quý Khoáng không đủ tài đức để đương đầu với bọn Trương Phụ, Mộc Thạnh cáo già, đưa sự nghiệp khôi phục nhà Trần đến thắng lợi. Đấy cũng là cái hận lớn mà Đặng Dung, bề tôi của Trần Quý Khoáng từng than thở trong bài thơ Cảm hoài của mình:

"... Trí chủ hữu hoài phù địa trục,

Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.

Quốc thù vị phục, đầu tiên bạch,

Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma !"

Dịch thơ:

...Vai khiêng trái đất mong phò chúa,

Giáp gột sông trời khó vạch mây.

Thù trả chưa xong, đầu đã bạc,

Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày!

Trần Trọng Kim[17]

Mãi đến khoảng năm 1416 - 1417, Nguyễn Trãi mới xuất hiện ở Lam Sơn, đại bản doanh của nghĩa quân Lê Lợi, và rồi ông đã trao cho Bình Định Vương bản Bình Ngô sách như một món “quà” trí tuệ hiến dâng cho cuộc kháng chiến 10 năm chống quân Minh. Theo Ngô Thế Vinh, Bình Ngô sách “hiến mưu chước lớn, không nói đến việc đánh thành mà lại khéo nói đến việc đánh vào lòng người, cuối cùng nhân dân và đất đai của 15 đạo nước ta đều đem về cho ta cả” [Ức Trai di tập tự].

Qua việc kén chọn minh chủ như vừa nói, một lần nữa ta thấy Nguyễn Trãi là một trí thức vô cùng sáng suốt, khôn ngoan.

Sau Nguyễn Trãi, ta đi vào một trường hợp nữa, đó là Ngô Thì Nhậm. Ông tự Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên, sinh năm 1746 tại làng Tó [Tả Thanh Oai], huyện Thanh Trì, nay thuộc Hà Nội, Năm 1772, ông dự khảo thí ở Quốc tử giám Thăng Long, đỗ hạng ưu. Đến khoa thi năm Ất Mùi [1775], ông đỗ Tiến sĩ, từ đó đảm nhận nhiều chức vụ dưới triều Lê Cảnh Hưng.

Khi Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc để “phò Lê diệt Trịnh”, rồi tiếp đó, đánh bại quân Tôn Sĩ Nghị, lên ngôi Hoàng đế... đám trí thức Bắc Hà, trong đó có Ngô Thì Nhậm, bị đặt trước những lựa chọn thật không dễ. Đây là lúc xã hội nước ta phải tự “lột xác”, giũ bỏ những gì không còn cần thiết và thay vào đó bằng những cái thích thời, tạo điều kiện cho dân tộc tiếp tục đi lên phía trước.

Một số người muốn noi gương Bá Di - Thúc Tề, “phi kỳ quân bất sự, phi kỳ dân bất sử”, nếu không phải vua của mình thì mình không thờ, nếu không phải dân của mình thì mình không sai khiến[18]. Bởi lẽ là cựu thần nhà Lê, họ nhất quyết không cộng tác với triều Tây Sơn. Đó là Trần Danh Án, Bùi Huy Bích, Trần Công Xán, Phạm Quý Thích, Phạm Thái v.v…, những người chống Tây Sơn đến cùng.

Một số người khác lại muốn học cách xử thế của Y Doãn, “hà sự phi quân, hà sự phi dân; trị diệc tiến, loạn diệc tiến”, việc gì phải câu nệ là vua của mình hay không phải vua của mình, việc gì phải câu nệ là dân của mình hay không phải dân của mình; mà nước trị ta cũng tìm cách tiến lên, nước loạn ta cũng tìm cách tiến lên[19]. Không ngại mình là cựu thần nhà Lê, khi triều Tây Sơn được thiết lập, họ vẫn ra đóng góp. Đó là Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn v.v. kẻ trước người sau ra phục vụ cho tân triều.

Trong số trí thức miền Bắc đi với Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm là một “ca” đặc biệt. Ông tuy lấy hiệu là “Hy Doãn”, tức muốn chọn Y Doãn làm thần tượng của mình, nhưng trên thực tế, ông sống khác. Điều này thể hiện khá rõ trong các bức thư ông viết cho bạn bè để thảo luận về chí hướng.

Trong thư viết cho Chuyết Sơn Ninh Tốn, Ngô Thì Nhậm khêu gợi chí tiến thủ của bạn, phân tích cho Chuyết Sơn thấy đây là lúc nên “hành” chứ không nên “tàng”, nên ra cứu nước giúp dân chứ không phải đặt mình ra ngoài thế cuộc: “Ông có đình “Mặc” [im lặng] mà tôi không thể lặng thinh; ông có ao “Dật” [an nhàn] mà tôi không thể thư thái [...] Gió mát ở trời, hang núi đều vang, đó là đình thì im mà núi chưa thể im; mây núi đi về, chim rừng qua lại, đó là ao thì an nhàn mà núi chưa thể thư thái” [Đáp Ninh Song An thư]. Kết quả, Ngô Thì Nhậm đã kéo được Chuyết Sơn ra hoạt động cùng mình.

Trong thư trả lời Tả Khê Nguyễn Nha, người đỗ cùng khoa với mình, Ngô Thì Nhậm khuyên bạn không nên trốn tránh mãi: “Phàm kẻ sĩ quân tử, việc làm như rồng như rắn, tùy cảnh mà yên; xuất hiện thì làm cho cả thiên hạ đều hay, ẩn tàng thì dạy bảo đám môn đệ. Đó là cách hành xử của các bậc hiền triết mà sách vở đều ghi chép rõ ràng. Nay đạo của vua Nghiêu hưng thịnh, bao dung cả Sào Phủ, Hứa Do [...] Đông Tây Nam Bắc đều vào khuôn phép, sao anh chẳng trở về làng cũ ? [...] Mong anh sớm chiều quay gót để cùng nhau tay nắm tay dạo bước đó đây” [Đáp niên khế Tả Khê Bá thư]. Cuối cùng, Tả Khê “đồng song” đã trở thành bạn “đồng liêu” với Ngô Thì Nhậm trong triều đình Tây Sơn.

Ngô Thì Nhậm lại tiếp tục bàn chuyện “hành tàng” cùng Chế khoa Trần Bá Lãm: “Đạo chỉ có một mà thôi: khi nên ra làm quan thì ra làm quan, khi nên nghỉ thì nghỉ. Người quân tử phải tìm chỗ đúng nhất của cái nghĩa này. Hiền Hầu [chỉ Trần Bá Lãm - TN] là người trong khoa bảng, tất nhiên tự mình có chủ kiến”. Riêng phần mình, Ngô Thì Nhậm nghĩ: “Ngày nay, cái mà Hiền Hầu bảo là “độc lập”, “trốn đời” thì lại khác thế. Hiền Hầu nói rằng “nghĩa phải bảo tồn nước cũ”, rằng “không thờ hai họ”, rồi đem cái đó khích động người mà mình nương tựa để làm vốn liếng nhờ cậy trong khi buồn bã sợ sệt. Thực khó biết con người mà Hiền Hầu nương tựa, có quả thật không cho Hiền Hầu là món hàng quý lạ đem bán rao ở chợ, cá lưới chim ná hay không ? Nếu vậy thì sợ lại càng sợ, buồn lại càng buồn, tôi e rằng sự tính toán của Hiền Hầu có phần lầm lỡ [Đáp Vân Canh chế khoa Trần Bá Lãm]. Và họ Ngô mong họ Trần “mau ứng mệnh vua, sớm tới thềm hòe để tay bắt mặt mừng, dù bao nhiêu tặng vật cũng chưa đẹp bằng” [id.].

Quả thật Ngô Thì Nhậm không thuộc số trí thức “trị diệc tiến, loạn diệc tiến”, thời nào cũng tìm cách làm cho mình có giá trị, lấy bản thân làm trung tâm. Mà hơn thế, họ Ngô đã cố gắng vượt lên chính mình để vươn tới cách hành xử rất thoáng, rất chủ động và hợp lẽ phải như Khổng Tử từng nói: “Khả dĩ sĩ tắc sĩ, khả dĩ chỉ tắc chỉ; khả dĩ cửu tắc cửu, khả dĩ tốc tắc tốc”, có nghĩa là khi ta thấy có thể ra làm quan để gánh vác việc nước thì ra làm quan để gánh vác việc nước, khi thấy không thể tiếp tục được nữa thì thôi; khi ta thấy có thể cộng tác lâu dài thì tiếp tục ở lại, khi thấy cần kết thúc nhanh chóng thì dứt khoát đội nón ra đi[20]. Và Ngô Thì Nhậm đã hành xử đúng như vậy:

Năm 1788, khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ 2, với mục đích diệt Vũ Văn Nhậm, nhân đó xuống lệnh tìm kiếm quan lại cũ của triều đình Lê - Trịnh để sử dụng, thì Ngô Thì Nhậm qua tiến cử của Trần Văn Kỷ, một danh sĩ Thuận Hóa, đã hồ hởi ra mắt Bắc Bình Vương, được vua Quang Trung phong ngay cho chức Tả Thị lang Bộ Lại, tước Tình Phái hầu, cùng Vũ Văn Ước coi tất cả quan lại văn võ của nhà Lê cũ ở đất Bắc. Từ đó, Ngô Thì Nhậm đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng, củng cố vương triều Tây Sơn, một triều đại hứa hẹn mang lại nhiều mới mẻ cho đất nước, cho dân tộc.

Đáng tiếc là sau khi Quang Trung mất, vua nối ngôi là Nguyễn Quang Toản mới lên 10 tuổi, mọi việc trong triều đình đều do Bùi Đắc Tuyên định đoạt. Sự độc quyền, độc đoán của họ Bùi đã làm cho triều đình Tây Sơn ngày một rệu rã, sinh ra lục đục, bè phái, các đại thần giết hại lẫn nhau... Ngô Thì Nhậm bấy giờ cảm thấy mình như “bóng nhạn cô đơn”. Ông quyết định bỏ Phú Xuân ra Thăng Long, lập Thiền viện Trúc Lâm ở phường Bích Câu để nghiên cứu Thiền học, muốn tiếp nối tinh thần Phật học của phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần thuở trước ...

Vậy là Ngô Thì Nhậm cuối đời đã không dừng lại ở tư tưởng Nho gia; ông còn cố gắng đi xa hơn nữa: “Nhự cổ hàm kim chi uẩn tạ, hội Tam giáo nhi đắc kỳ tông”, làm phong phú thêm sự hiểu biết của mình bằng các tri thức cổ kim, dung hợp cả Nho - Phật - Lão để thấy mục tiêu chung của Tam giáo không ngoài việc phục vụ cho con người, điều mà cha ông, Ngô Thì Sĩ từng suốt đời phấn đấu [Sắc vua Quang Trung gia phong cho Ngô Thì Sĩ]. Đây là lần bứt phá thứ ba, đầy ngoạn mục của Ngô Thì Nhậm, tiếp sau lần bứt phá đầu tiên - ra cộng tác với Tây Sơn, và lần bứt phá thứ hai - hành tàng theo kiểu Khổng Tử.

Ngô Thì Nhậm “minh triết” hơn các bạn bè của ông những một cái đầu !

x

xx

Với việc góp phần tạo ra những trí thức “minh triết” mà Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm là biểu tượng xuất sắc, Quốc tử giám có lý do để được tôn vinh, nhất là vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đề cao ngôi trường Đại học thời Trung đại, chúng ta ra sức phát huy truyền thống, tiếp bước cha ông, xây dựng nền giáo dục mới có khả năng cung cấp cho Tổ quốc nhiều nhà “tân minh triết” đủ sức đương đầu với các thách thức trong giai đoạn đổi mới hội nhập và phát triển bền vững hôm nay.

Chú thích:

[1]Nguyên Ngọc dịch và giới thiệu. Nxb. Đà Nẵng, 2003. Dịch giả đã phiên chuyển chữ “sage” trong tiêu đề nguyên tác [Un sage est sans idée. Ou ľ autre de la philosophie = Minh triết là vô ý. Hay một thể trạng khác của triết học] thành “minh triết”. Thật ra, chữ “sage” trong tiếng Pháp có nghĩa là “sự khôn ngoan”, “nhà hiền triết” [khi dùng làm danh từ, nghĩa giống như “wisdom” trong tiếng Anh]; “khôn ngoan”, “khôn khéo” [khi dùng làm tính từ, nghĩa giống như “wise” trong tiếng Anh]. Như vậy, “sage” dịch thành “minh triết”, còn có chỗ chưa thật thoả đáng. Vấn đề này sẽ được trình bày thêm ở phần cuối bài viết.

[2]Trung tâm nghiên cứu văn hóa minh triết đã tổ chức được hai cuộc Hội thảo khoa học: 1 cuộc ở Hà Nội vào ngày 22/9/2009 với chủ đề “Minh triết, giá trị văn hóa đang phục hưng”, gồm 18 bản tham luận, sau in thành kỷ yếu Minh triết giá trị văn hoá đang phục hưng, Hà Nội 09 - 2009 gọi tắt là A; 1 cuộc ở Huế vào ngày 24/11/2009 với chủ đề “Minh triết trong tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam - những vấn đề cơ bản”, gồm cả thảy 32 bản tham luận, sau in thành 2 tập kỷ yếu cùng mang chung tiêu đề Minh triết trong tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam - những vấn đề cơ bản, H. 2009. Tập I gồm 10 bản tham luận mang tính khái quát, gọi tắt tập này là B; Tập II gồm 22 bản tham luận mang tính cụ thể, gọi tắt tập này là C. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức được một số cuộc tọa đàm khoa học, trong đó có toạ đàm khoa học về “Minh triết Hồ Chí Minh” nhân tưởng niệm 120 năm sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 1810 - 2010, sau in thành kỷ yếu Minh triết Hồ Chí Minh, H. 24-05-2010.

[3]A. 6: “A” là ký hiệu viết tắt của tập kỷ yếu Hội thảo lần 1 do Trung tâm nghiên cứu văn hoá minh triết tổ chức tại Hà Nội; “6” là số trang do chúng tôi ghi theo thứ tự ở tập kỷ yếu. Cách chú thích này áp dụng chung cho các trường hợp tương tự trong bài viết.

[4]Dẫn theo Hoàng Ngọc Hiến: Luận bàn về những vấn đề minh triết, A.10.

[5]Lý Lạc Nghị: Hán tự diễn biến ngũ bách lệ, Bắc Kinh ngữ ngôn học viện xuất bản xã, in lần thứ 3, Bắc Kinh 1996, tr.220, chữ “Minh”. Ngoài bản chữ Hán, còn có cả bản in tiếng Anh, bản in tiếng Pháp, bản in tiếng Đức.

[6]Lý Lạc Nghị và Jim Waters: Hán tự tố nguyên [Tìm về cội nguồn chữ Hán], Nxb. Thế giới, H.1997, tr.780, chữ “Triết”.

[7]Câu “minh triết bảo thân” về sau có sự “chuyển nghĩa” theo hướng xấu [péjoratif]: “Ký minh thả triết dĩ bảo kỳ thân, ý nói người thông hiểu đạo lý thì biết tới chỗ yên ổn, tránh chỗ nguy hiểm, giỏi về việc bảo toàn bản thân mình. Khổng Tử nói: “Thiên hạ có đạo thì ra giúp đời, vô đạo thì đi ở ẩn” [Luận ngữ. Thái Bá] cũng với ý “minh triết bảo thân”. Sau trở thành thành ngữ, ý nói giữ gìn đạo trung dung, việc không liên quan đến mình thì gác bỏ để bảo toàn tính mệnh và lợi ích của mình”. Còn Từ hải thì viết: “Nay minh triết bảo thân phần nhiều dùng để chỉ thái độ xử thế của những người vì quá sợ tổn hại đến lợi ích của bản thân mà lẩn tránh việc đấu tranh theo nguyên tắc”.

[8]Quốc tử giám Thăng Long thành lập vào năm 1076 dưới triều Lý Nhân Tông, sau đó được duy trì qua nhiều thời đại với các tên gọi khác nhau như Quốc tử viện [1236], Quốc học viện [1253], Quốc tử giám [1428], Nhà thái học [1483]... Ban đầu là trường dạy cho con vua và các hoàng thân, nhưng sau đó diện chiêu sinh được nới rộng: con của các quan trong triều, thậm chí con của thường dân nhưng học hành xuất sắc cũng được chọn vào học ở Quốc tử giám [Lê Trọng Ngoạn, Ngô Văn Ban, Nguyễn Công Lý: Lược khảo và tra cứu về học chế ở Việt Nam từ 1945 về trước, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 1997, tr.159].

[9]Cũng có ý kiến cho rằng Nguyễn Trãi phải sinh trước 1374 là năm cha ông, Nguyễn Ứng Long đi thi. Như ta biết, trước khi Ứng Long đi thi, Trần Thị Thái đã có mang Nguyễn Trãi [Nguyễn Trãi toàn tập. Viện Sử học, Nxb. KHXH, H. 1969, tr.10].

[10]Nguyễn Trãi toàn tập, Sđd, tr.10.

[11]Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Bản kỷ toàn thư, Q 8. Bản dịch của Hoàng Văn Lâu, Nxb. KHXH, H. 1985, tr.200.

[12]Nguyễn Trãi toàn tập, Sđd, tr.17.

[13]Trung Quốc thông sử giản biên; Hoa Đông nhân dân xuất bản xã xuất bản, Thượng Hải 1951.

[14]Điển hình như trường hợp Giải Tấn [1369 - 1415], người Cát Thủy, Giang Tây, đỗ Tiến sĩ năm Hồng Vũ, vì phê bình Minh Thái Tổ là kẻ “hay thay đổi chính sách, giết hại quá nhiều người” mà bị họ Chu xem như cái gai trong mắt. Sau đó Giải Tấn tiếp tục làm nhiều việc trái ý các vua Minh, bị đuổi ra làm Tham nghị ở nước ta [Giao Chỉ]. Khi đến Ty, lại nói: “Giao Chỉ chia đặt quận huyện, không bằng để nguyên như cũ, phong tước chia đất cho các thổ hào để họ cai quản lẫn nhau. Còn [chia đặt quận huyện] thì dẫu có cái được cũng không bù lại cái mất; cái lợi không chữa được cái hại”. Vua Minh xem tờ tâu nổi giận, cho là Giải Tấn có ý tư vị họ Trần, bất lợi cho nước [Trung Quốc], xuống chiếu bắt giam ở vệ Cẩm y, rồi ốm chết [thực ra là bị giết chết - TN]. Về sự kiện này, Ngô Sĩ Liên có lời bình luận: “Minh Thái Tông [đúng ra phải là Minh Thành Tổ - TN] một khi đã manh tâm hiếu đại hỉ công, tham cướp được nước ta, Giải Tấn há lại không biết nói thế là chạm tới cơn giận dữ [của đấng bề trên] hay sao ? Đó chính là vì nước không nghĩ đến mình [...] Đến khi Thái Tổ ta [chỉ Lê Thái Tổ - TN] dẹp loạn trừ bạo, bắt được phong thư bọc sáp của Vương Thông nói rằng “... dẫu có lấy được [Giao Chỉ], cũng không thể giữ được”, thì bấy giờ lời nói của Giải Tấn mới ứng nghiệm” [Đại Việt sử ký toàn thư, Q 8. Bd. đã dẫn, tr.230-231].

[15]Đặng Xuân Bảng: Việt sử cương mục tiết yếu, Bd. của Hoàng Văn Lâu, Nxb. KHXH, H. 2000, tr.267.

[16]Vũ Thanh Hằng: Nguyễn Trãi cư trú tại đâu từ 1407 đến trước ngày tham gia cuộc khởi nghĩa Lê Lợi ? Xem Kỷ yếu Nguyễn Trãi [Tham luận Hội nghị khoa học về Nguyễn Trãi tại Tp. Hồ Chí Minh, tháng 7-1980]. Viện KHXH tại Tp. Hồ Chí Minh ấn hành, 1980, tr.107-120.

[17]Việt Nam sử lược, Nxb. Tân Việt in lần thứ năm, 1953, tr.198.

[18][19][20] Mạnh Tử. Công Tôn Sửu thượng./.

                                                                               [Tạp chí Hán Nôm, Số 5[102] 2010; Tr. 3-14]

Video liên quan

Chủ Đề