Trần ngọc chính là ai

Thứ hai,08/05/2006 00:00

Xem với cỡ chữ

Quản lý kiến trúc - quy hoạch xây dựng là một trong những nhiệm vụ cốt lõi của ngành Xây dựng và cũng là một lĩnh vực mà xã hội quan tâm đặc biệt bởi nó có mối liên quan sâu rộng, mật thiết với đời sống xã hội. Nhân dịp chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X thành công tốt đẹp, kỷ niệm 48 năm ngày truyền thống ngành Xây dựng Việt Nam, 31 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và Quốc tế Lao động 1/5, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng về công tác này.

Thưa Thứ trưởng, sự nghiệp đổi mới đã cho chúng ta một thực tiễn rất sinh động, đấy là tiến trình đô thị hóa. Và như vậy, công tác quản lý và phát triển đô thị cũng đã được nâng lên một tầm cao mới. Thứ trưởng có thể cho biết đôi điều cảm nhận về trọng trách này của ngành Xây dựng?
- Tổ chức nghiên cứu xác lập mô hình quản lý đô thị ở Việt Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Xây dựng. Theo đó, bao gồm những nội dung: Phát triển đô thị, lập quy hoạch, duyệt quy hoạch, quản lý quy hoạch. Phát triển đô thị, nhà ở và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội là một nhu cầu thiết yếu của xã hội, của mỗi người dân nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống. Phát triển đô thị ở đây bao gồm cả quy hoạch nông thôn, để nông thôn Việt Nam thực sự có một cuộc sống nền nếp, văn minh, hiện đại. Theo tiêu chí của một đất nước phát triển thì tốc độ đô thị hóa thường đạt 60%, thậm chí có một số nước là 90%. Việt Nam hiện nay mới chỉ đạt 26%. Dự báo trong vòng 15 - 20 năm nữa chúng ta sẽ có 1/2 dân số sống trong đô thị. Như vậy, nhiều đô thị được phát triển và chúng ta cũng sẽ có rất nhiều đô thị mới mọc lên để phục vụ nhu cầu sinh sống của người dân. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa thực sự rất quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia, bởi đây là khu vực có sự đóng góp tăng trưởng GDP rất lớn. Vì vậy, phát triển đô thị là một vấn đề lớn của đất nước, và nó không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành Xây dựng nữa. Thực tế đó đòi hỏi ngành Xây dựng phải có một tầm nhìn chiến lược, sâu rộng, khâu nối lại tất cả các chương trình phát triển của nhiều bộ, ngành khác để xây dựng được một chương trình phát triển đô thị tổng thể cho đất nước.

Luật Xây dựng ra đời đã có một sự tác động mạnh mẽ tới công tác quản lý Nhà nước của Ngành tại các địa phương, Thứ trưởng có thể cho biết sự chuyển biến tích cực đó?
- Có thể khẳng định Luật Xây dựng ra đời đã tạo được một hệ thống pháp lý để quản lý điều hành toàn bộ hoạt động xây dựng của đất nước. Từ khi Luật Xây dựng có hiệu lực, công tác quy hoạch xây dựng đã được chú trọng hơn tại các cấp quản lý của địa phương. Nhiều lãnh đạo địa phương đã nhận thức rất rõ nếu không có quy hoạch xây dựng và quy hoạch không đi trước một bước thì việc phát triển kinh tế xã hội tại địa phương mình sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn. Để có sự thông suốt trong tư tưởng và nhận thức về công tác quy hoạch xây dựng như vậy quả thực là điều không hề đơn giản. Đây có thể được coi là một thành công lớn bước đầu của chúng ta. Bởi từ sự thông suốt đó, đã có nhiều địa phương trong cả nước tập trung bỏ vốn đầu tư mời gọi các chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia công tác lập quy hoạch cho địa phương mình. Công tác lập quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch đã thực sự được nâng lên một tầm cao mới.

Thứ trưởng có thể cho biết những kết quả đã đạt được trong thời gian qua của công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng?
- Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo quy hoạch các vùng đô thị lớn như vùng thủ đô Hà Nội và vùng TP.HCM. Nhiều vùng liên tỉnh khác cũng đang được khẩn trương lập quy hoạch xây dựng như: Vùng Đông Bắc, Tây Bắc, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng ĐBSCL, duyên hải Bắc bộ, Trung bộ, Nam Trung bộ, quy hoạch các vùng biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, quy hoạch đường Hồ Chí Minh… Ngoài ra Bộ còn chỉ đạo và tham gia xét duyệt nhiều vùng kinh tế trọng điểm khác như Khu kinh tế mở Chu Lai, vịnh Văn Phong, Dung Quất - Cam Ranh, đảo Phú Quốc, các khu kinh tế cửa khẩu… Công tác quy hoạch vùng tỉnh cũng được chú trọng, đến nay đã có 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lập xong quy hoạch vùng tỉnh. Dự kiến đến hết năm 2006, sẽ lập và phê duyệt xong toàn bộ quy hoạch vùng tỉnh. Bộ Xây dựng cũng đang đôn đốc triển khai điều chỉnh quy hoạch chung của 22/93 đô thị thành phố, thị xã cho phù hợp với yêu cầu phát triển mới. Đến thời điểm này đã có 589/622 thị trấn trong cả nước đã có quy hoạch, chiếm 95%.

Còn việc triển khai quy hoạch chi tiết như thế nào, thưa Thứ trưởng?
- Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 và 1/500 là công cụ quan trọng để quản lý xây dựng theo quy hoạch, chủ yếu được lập cho các khu trung tâm hành chính, khu dân cư hoặc các khu chức năng của đô thị. Tuy nhiên, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết trên cả nước vẫn thấp. Đặc biệt, diện tích lập quy hoạch chi tiết 1/500 còn ít, hầu hết gắn với dự án đầu tư xây dựng trực tiếp. Mặc dù vậy, trong 5 năm qua, quy hoạch các đô thị mới, khu đô thị mới, đô thị mở rộng đã từng bước nâng cao hiệu quả của công tác quản lý xây dựng. Hơn 1.000 khu đô thị mới, khu dân cư mới có quy hoạch chi tiết đã được triển khai trên cả nước. Tất cả được xây dựng đồng bộ cả về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo nên một hình ảnh đô thị mới hiện đại, góp phần tích cực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Một số nhận xét của Thứ trưởng về công tác quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn?
- Việc quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn đã được quan tâm, song do số lượng các xã trên địa bàn cả nước quá lớn, nên tính đến hết năm 2005 mới chỉ có khoảng 18% số xã có quy hoạch, mặc dù đã tăng thêm 10% so với năm 2004. Tuy nhiên cũng có nhiều địa phương đã quan tâm thỏa đáng tới công tác này, điển hình như An Giang đã có 91,5% số xã có quy hoạch, Kiên Giang đạt 85%, Cà Mau đạt 72,6%... Ngoài ra, chúng ta cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn triển khai quy hoạch phục vụ di dân tái định cư Thủy điện Sơn La và nhiều dự án quan trọng như: Công tác tôn nền vượt lũ, xây dựng nhà ở cho nhân dân vùng ĐBSCL, nhiều vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để ổn định chỗ ở cho nhân dân. Đây là một hành động thiết thực của ngành Xây dựng góp phần xóa đói giảm nghèo theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Thưa Thứ trưởng, cùng với sự tăng trưởng về số lượng, chất lượng sống của hệ thống đô thị Việt Nam cũng đã được tăng lên đáng kể?
- Đúng vậy! Hiện nay cả nước có 718 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 3 đô thị loại I, 14 đô thị loại II, 28 đô thị loại III, 50 đô thị loại IV, 622 đô thị loại V thị trấn. Công tác đầu tư nâng cấp đô thị được quan tâm chỉ đạo đặc biệt. Năm 2005, đã có 19 đô thị được xét nâng cấp, trong đó có 1 đô thị lên loại I, 2 đô thị lên loại II, 11 đô thị lên loại III, 5 đô thị lên loại IV. Cùng với số lượng, chất lượng các đô thị cũng được nâng lên rõ rệt. Chính quyền nhiều địa phương đã chủ động kêu gọi, huy động được nhiều vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xã hội của đô thị. Bộ Xây dựng cũng đang phối hợp với các địa phương và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới WB, Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sĩ SDC… để lập các Chiến lược phát triển đô thị CDS cho các thành phố với mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân trong các đô thị.

Bên cạnh những thành tựu đáng mừng đó, Thứ trưởng còn có những băn khoăn, suy nghĩ gì về những hạn chế đang tồn tại?
- Tôi đang trăn trở về tình trạng lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng nhất là quy hoạch chi tiết - hiện nay đang triển khai chậm, chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa, đã gây ra một số bất cập trong xây dựng và quản lý đô thị, gây lãng phí trong giải phóng mặt bằng cũng như tài sản xã hội. Chất lượng quy hoạch xây dựng còn chưa bám sát nhu cầu và biến động của thị trường, chưa phối hợp đồng bộ với quy hoạch ngành, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội ở từng địa phương. Ví dụ như việc bố trí nhiều bến cảng ở các vùng, các địa phương quá gần nhau mà chưa tính đến sự liên kết trong việc khai thác có hiệu quả hạ tầng kỹ thuật hiện có… Vốn đầu tư cho quy hoạch xây dựng còn hạn hẹp và thiếu tính cạnh tranh. Tôi cũng lo ngại về tình trạng xây dựng tự phát không theo quy hoạch dọc các đường phố, quốc lộ hiện nay, như quốc lộ 5, đường Láng - Hòa Lạc… Hơn nữa, do công tác thiết kế đô thị, kiến trúc đô thị chưa được chú trọng đúng tầm, nên kiến trúc đô thị còn lộn xộn, phát triển chưa có sự định hướng để tạo ra bản sắc. Mặt khác, sự tham gia của cộng đồng trong công tác lập quy hoạch còn hạn chế. Việc công bố công khai các đồ án được duyệt, đặc biệt là các đồ án chi tiết vẫn còn nặng về hình thức. Việc công khai các chỉ giới quy hoạch xây dựng và đưa các mốc giới quy hoạch ra ngoài thực địa bao gồm chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, ranh giới các vùng cấm xây dựng chưa được triển khai đồng bộ, nên chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của cộng đồng. Và một điều nữa là năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý quy hoạch tại các địa phương hiện nay còn hạn chế và thiếu. Một số địa phương phải bố trí cán bộ kiêm nhiệm, do vậy yêu cầu về chuyên môn chưa bảo đảm. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch còn chưa thường xuyên và chưa xử lý nghiêm những vi phạm…

Vậy theo Thứ trưởng, phải có những giải pháp khắc phục như thế nào?
- Như tôi đã nói, điều quan trọng trước tiên là phải tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và nhận thức của mọi người dân về công tác quy hoạch xây dựng đã được quy định trong Luật Xây dựng. Bên cạnh đó, phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác này. Để nâng cao hơn nữa chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng và đưa các đồ án quy hoạch xây dựng trở thành thực tế cuộc sống, tôi cho rằng chúng ta cần phải tập trung nhiều nguồn lực hơn cho các đồ án quy hoạch xây dựng mang tính chiến lược; thu hút nhiều nguồn vốn từ các tổ chức nước ngoài, các cá nhân, các thành phần kinh tế vào việc lập quy hoạch chi tiết, làm sao cho đến năm 2010, sẽ phủ kín quy hoạch chi tiết được 70 - 80% diện tích đô thị, bởi đây là công cụ quan trọng để quản lý xây dựng theo quy hoạch, góp phần vào sự phát triển bền vững của các đô thị Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn tin: Báo Xây dựng, số 34 + 35, ngày 27/4/2006

Video liên quan

Chủ Đề