Thực trạng chính sách và pháp luật quản lý chất lượng không khí xung quanh

Loading Preview

Sorry, preview is currently unavailable. You can download the paper by clicking the button above.

Loading Preview

Sorry, preview is currently unavailable. You can download the paper by clicking the button above.

[TN&MT] - Ô nhiễm không khí tại Việt Nam thời gian qua đang có xu hướng gia tăng tại các đô thị và khu công công nghiệp. Tuy nhiên, chính sách pháp luật để kiểm soát ô nhiễm không khí hiện đang bộ nhiều “lỗ hổng”. Điều này đòi hỏi phải sớm có nhiều giải pháp mang tính đột phá tạo để giải quyết vấn đề này.

Chính sách chưa toàn diện, chồng chéo

Theo Báo cáo môi trường đô thị giai đoạn 2011 – 2015, chất lượng không khí tại các đô thị lớn, khu vực xung quanh các KCN, khu chế xuất chưa có nhiều cải thiện so với giai đoạn 2006-2010. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia trước hết chính sách pháp luật về quản lý chất lượng không khí còn chung chung, tản mạn và chưa có một văn bản toàn diện và tổng thể về BVMT không khí. Các quy định pháp luật về BVMT chủ yếu mới đưa ra yêu cầu các tổ chức, cá nhân, phương tiện giao thông phải xử lý khí thải đạt yêu cầu trước khi thải ra ngoài môi trường. Các quy định về chất lượng nhiên liệu, kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông, kiểm soát thải cố định…nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau. Chúng ta còn thiếu một số văn bản đề cập đến việc quản lý chất lượng không khí trong nhà, tiếng ồn, mùi… Đặc biệt, Tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cho biết: Chúng ta chưa có một văn bản dưới luật chuyên biệt, chi tiết về BVMT không khí nên vấn đề không được tiếp cận một cách tổng thể và toàn diện. Có thể nói BVMT không khí dường như bị xem nhẹ so với BVMT nước và quản lý chất thải rắn.

Đồng thời, việc phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành ở cấp Trung ương còn chồng chéo và để lại nhiều khoảng trống. Cụ thế, Bộ TN&MT chịu trách nhiệm chung về BVMT không khí nhưng chỉ kiểm soát các nguồn thải công nghiệp lớn. Đối với nguồn thải cố định khác, Bộ Công Thương được giao quản lý BVMT song cũng chỉ kiểm soát các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc, trong đó có các cơ sở phát sinh khí thải trọng điểm mà Bộ TN&MT kiểm soát nhưng lại không quản lý các cơ sở sản xuất ngoài quốc doanh….Sự phân tách trách nhiệm như vậy làm cho công tác BVMT chưa đạt kết quả cao nếu không có sự điều phối. Tương tự như vậy, tại các địa phương nguồn lực phục vụ cho công tác còn hạn chế. Và chưa có kế hoạch quản lý chất lượng không khí tại các địa phương.

Ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn đang có xu hướng gia tăng

Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường không khí còn thiếu tính đồng bộ, công tác quan trắc, kiểm kê nguồn khí thải còn hạn chế, thiếu các chương trình quan trắc tổng thể và định kỳ cho các khu vực nông thôn và làng nghề. Nhiều hoạt động kiểm soát ô nhiễm chưa được triển khai như kiểm soát chất lượng nhiên liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu, đào tạo, tập huấn, nghiên cứu và giáo dục nâng cao nhận thức về BVMT không khí. Ngoài ra, nguồn nhân lực và kinh phí cho hoạt động kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng vào công tác kiểm soát ô nhiễm không khí còn mờ nhạt, chỉ mang tính hình thức.

Cần phải có luật chuyên biệt về không khí

Nhìn nhận của nhiều chuyên gia cho rẳng muốn quản lý và cải thiện chất lượng không khí thì phải có cách tiếp cận toàn diện, tổng thể với nhiều giải pháp đồng bộ như: Quy hoạch sử dụng đất phù hợp, quản lý nhu cầu đi lại, quản lý chất lượng nhiên liệu, ứng phó với các sự cố môi trường không khí, quản lý theo khu vực đặc thù…

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng cho rằng: Để thực hiện các mục tiêu này, chúng ta cần phải xây dựng một văn bản luật chuyên biệt về BVMT không khí như nhiều nước trên thế giới. Luật này sẽ quy định rõ trách nhiệm và sự phối hợp của các bộ, ngành và các bên liên quan trong việc thực thi các biện pháp bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường không khí.

“Hiện Việt Nam về BVMT chúng ta đã có những đạo luật chuyên biệt như BVMT, Luật Đa dạng sinh học… song chưa có các luật chuyên biệt về môi trường đất, nước, không khí. Chính vì vậy, thời gian tới, hệ thống pháp luật về BVMT cần sắp xếp lại, kiện toàn lại thông qua việc xây dựng Bộ Luật không khí”  - Tiến sĩ Thắng cho biết.

Phương tiện giao thông cộng với khí bụi đang làm cho ô nhiễm không khí tại nhiều nơi bị ô nhiễm

Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Đặng Văn Lợi, nguyên Cục trưởng Cục Thẩm định đánh giá tác động môi trường cho rằng cần phải t ăng cường các nguồn lực tài chính, đa dạng hóa các nguồn đầu tư, tăng cường kinh phí cho quản lý môi trường không khí, đặc biệt là hình thành hệ thống công cụ kinh tế như phí BVMT đối với khí thải, xây dựng cơ chế trao đổi hạn ngạch phát thải khí thải giữa các doanh nghiệp; Đẩy mạnh hoạt động quan trắc, kiểm kê khí thải, kiểm soát môi trường không khí tại các đô thị và các KCN. Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tích cực thực hiện Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên, môi trường quốc gia đến năm 2020, trong đó quan tâm đến các hệ thống quan trắc không khí, giám sát các nguồn khí thải công nghiệp lớn; xây dựng và ban hành quy định về chuẩn kết nối và yêu cầu kết nối số liệu trong hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, các địa phương và KCN.

Đồng thời, xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin về môi trường không khí đô thị, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động BVMT nói chung, môi trường không khí nói riêng; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng và doanh nghiệp trong quản lý chất lượng không khí; Tăng cường năng lực, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo về BVMT không khí. Ngoài ra cũng cần phải mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác kỹ thuật với các nước có kinh nghiệm và hỗ trợ nguồn lực trong BVMT không khí…

Thái Bình

25/01/2022

1. Các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí chủ yếu

    Ô nhiễm không khí [ÔNKK] là mối đe dọa lớn đối với môi trường, xã hội và sức khỏe con người. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, tình trạng môi trường không khí bị ô nhiễm đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Sau đây là các nguyên nhân chính:  

    Phát triển công nghiệp và sức ép lên môi trường: Nước ta đang trong giai đoạn công nghiệp hóa. Theo Báo cáo tình hình thành lập và phát triển khu công nghiệp [KCN], khu kinh tế năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020 sản xuất công nghiệp chiếm hơn 30% GDP quốc gia, liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 8,2% năm. Tính đến cuối năm 2020 trên phạm vi toàn quốc có 369 KCN, với tổng diện tích chiếm khoảng 114 nghìn ha, trong đó có 284 KCN đã đi vào hoạt động, tăng 72 KCN so với năm 2015; Có 698 cụm công nghiệp [CCN] đã đi vào hoạt động với tổng diện tích chiếm khoảng 22 nghìn ha.

    Việc tăng nhanh các dự án đầu tư nước ngoài tại KCN, thuộc lĩnh vực gia công, chế biến [giấy, dệt nhuộm, thuộc da, khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất, nhiệt điện...] tiềm ẩn khả năng gây ÔNMT.

    Đối với CCN, vẫn còn khoảng 60% số CCN đang hoạt động chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đồng nghĩa với việc các CCN này vẫn chưa có các biện pháp BVMT, đặt ra nhiều thách thức trong công tác BVMT trong thời gian tới.

    Ô nhiễm môi trường [ÔNMT] làng nghề: Theo báo cáo công tác BVMT năm 2020 của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 4.575 làng nghề, trong đó có 1.951 làng nghề được công nhận. Có tới 47 làng nghề bị ÔNMT rất nghiêm trọng, trong đó ở miền Bắc có 34 làng nghề, miền trung có 11 làng nghề và miền Nam có 2 làng nghề bị ÔNMT nghiêm trọng. Nói chung, công tác BVMT làng nghề chưa được quan tâm đúng mức.

    Tình trạng đô thị hóa nhanh: Thực hiện công cuộc “Đổi mới” từ năm 1986 ở nước ta đã mở ra một thời kỳ đô thị hóa nhanh. Năm 1990, nước ta mới có 500 đô thị lớn nhỏ; năm 2000 đã có 649 đô thị, đến năm 2016 có  802 đô thị và đến năm 2020 đã tăng lên là 862 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt [Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh], 22 đô thị loại 1, 31 đô thị loại II, 48 đô thị III, 87 đô thị loại IV [thị xã] và trên 672 đô thị loại V [thị trấn]. Tỷ lệ dân số đô thị của nước ta năm 2016 là 36,7%, năm 2020 là 39,3%. Dự báo đến năm 2026 tỷ lệ dân số đô thị nước ta sẽ tăng lên 45%. Tỷ lệ đô thi hóa cao nhất là ở vùng Đông Nam Bộ [71,68%], thấp nhất là ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ [21,89%]. Các tỉnh/thành phố có tỷ lệ dân số đô thị cao bao gồm: TP. Hồ CHí Minh [83%], Đà Nẵng [78,6%], Bình Dương [84,23%] và Quảng Ninh 68,8%. Đô thị hóa ở nước ta hiện nay thấp hơn so với nhiều nước xung quanh, như: Trung Quốc [59%], Triều Tiên [61,2%], Lào [42%], Philippine [44,8%], Inđônêxia [54,7%], Malaixia [77%], Singapore [100%]. Quá trình đô thị hóa nhanh sẽ gây áp lực lớn về ÔNMT, tác động đến an ninh và an toàn xã hội.

    Phát triển giao thông vận tải: Cùng với công nghiệp hóa và đô thị hóa, ngành giao thông vận tải ở nước cũng đã phát triển rất nhanh chóng, gây ra nguồn thải ô nhiễm nhiễm không khí rất lớn, đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí đô thị. Đến cuối năm 2020 toàn quốc có tới 4.180.478 xe ô tô các loại và hơn 30 triệu xe mô tô, xe máy đang lưu hành. Công tác kiểm soát nguồn thải ô nhiễm từ GTVT còn rất hạn chế. Cho đến nay chỉ mới kiểm định khí thải đối với 1.736.188 xe ôtô động cơ xăng và 1.749.387 xe ôtô động cơ diesel đang lưu hành.

    Phát triển xây dựng: Khác biệt với nhiều nước phát triển trên thế giới, ở nước ta ngành xây dựng cũng là một nguồn gây ra ÔNMT không khí rất lớn. Hàng năm ở nước ta xây dựng hàng chục triệu m2 diện tích sàn nhà ở mới, hàng trăm km đường bộ, hàng chục chiếc cầu trung bình và lớn. Nhiều nơi các công trường xây dựng đang hoạt động, gây ra ÔNMT không khí xung quanh.

    Đốt chất thải và đốt rơm rạ: Hiện nay ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở rất nhiều phường xã vùng đồng bằng thường đốt chất thải sinh hoạt theo kiểu tự nhiên hoặc bằng các lò đốt công suất nhỏ, nhiệt độ đốt không đủ cao để đốt cháy vô cơ hóa các hóa chất độc hại, tác hại rất lớn đến sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, thời gian gần đây vào thời vụ thu hoạch nông nghiệp, chất lượng không khí tại một số địa phương có xu hướng suy giảm, đặc biệt xảy ra vào ban đêm, một trong những nguyên nhân chính là do hiện tượng đốt rơm rạ đang diễn ra phổ biến trong giai đoạn thu hoạch lúa, bụi mịn PM2.5 bắt đầu tăng từ khoảng 18h và đạt giá trị cực đại từ 21 giờ đến 01 giờ sáng hôm sau, vượt trị số tiêu chuẩn cho phép từ 2 - 5 lần.

2. Thực trạng môi trường không khí ở nước ta

    Theo Báo cáo Hiện trạng Môi trường Việt Nam giai đoạn 2016-2020 của Bộ TN&MT [1], trong giai đoạn vừa qua, ÔNKK ở nước ta tiếp tục là một trong các vấn đề nóng về môi trường. Môi trường không khí bị ô nhiễm chủ yếu là bụi [TSP, PM10, PM2.5], đặc biệt là ô nhiễm bụi ở các đô thị lớn, ở một số KCN, một số khu vực khai thác khoáng sản và ở một số làng nghề. Ô nhiễm bụi có xu hướng tăng dần từ năm 2015 - 2019 [ô nhiễm nhất] và được giảm bớt vào năm 2020 do thực hiện gián cách vì đại dịch Covid-19 [Hình 1]. Các thông số khí ô nhiễm như SO2, NO2, O3, CO, VOC… về cơ bản vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05: 2013/BTNMT. Chất lượng không khí ở các đô thị nhỏ và ở các vùng nông thôn vẫn được duy trì tương đối ổn định ở mức khá tốt và trung bình.

    ÔNKK đô thị: Tình trạng ô nhiễm bụi [TSP, PM10, PM2.5] đang xảy ra ở nhiều đô thị nước ta. Đặc biệt là các đô thị lớn, giá trị trung bình năm của bụi PM10, PM2.5 tại tất cả các trạm quan trắc không khí tự động của Hà Nội, giai đoạn 2018-2020 đều vượt trị số cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT từ 1,1 - 2,2 lần, cao nhất xảy ra vào năm 2019. Trong khi đó ở TP. Hồ Chí Minh và các đô thị khác ở miền Nam giá trị trung bình năm của bụi PM10, PM2.5 khá ổn định, mức biến thiên của chúng không đáng kể. Nhìn chung chất lượng không khí về bụi ở các đô thị miền Trung và miền Nam đều tốt hơn so với các đô thị ở miền Bắc. Chất lượng môi trường không khí ở các đô thị ven biển đều tốt hơn so với các đô thị trong vùng đất liền. Tại các đô thị lớn ở miền Bắc, như Hà Nội, số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí [AQI] ở mức kém và xấu chiếm khoảng 30,5% tổng số ngày quan trắc, trong đó có một số ngày có AQI suy giảm tới mức rất xấu [AQI = 201- 300]. Ở nước ta ô nhiễm bụi chịu tác động rõ rệt bởi các yếu tố khí hậu tạo nên quy luật diễn biến chất lượng không khí theo các mùa trong năm và theo giờ trong ngày. Ở miền Bắc ô nhiễm bụi lớn hơn xẩy ra vào mùa đông [từ thang 10 năm trước đến tháng 3 năm sau]. Đối với khu vực miền Nam, mức độ ô nhiễm bụi cũng giảm rõ rệt vào các tháng mùa mưa, và cao hơn vào mùa khô. Tuy nhiên, ở khu vực miền Trung quy luật này không thấy rõ rệt [Hình 2].

    Xét diễn biến trong ngày cho thấy, nồng độ bụi PM10, PM2.5 cực đại vào các giờ cao điểm giao thông và thấp nhất vào các giờ giữa trưa và ban đêm [Hình 3]. Theo kết quả quan trắc của hệ thống quan trắc môi trường không khí quốc gia giai đoạn 2015-2020 cho thấy, phần lớn các thông số ô nhiễm các khí SO2, NO2, CO, VOC và O3 trung bình năm tại các đô thị đều khá thấp, ít biến động và đều thấp hơn trị số giới hạn cho phép theo QCVN 05: 2013/BTNMT, phần lớn các giá trị nồng độ NO2 chỉ bằng 1/2 trị số TCCP [Hình 4].

    ÔNKK xung quanh các KCN và CCN: Tương tự như ở các đô thị lớn nước ta, nồng độ bụi TSP ở phần lớn các KCN, CCN đều vượt ngưỡng cho phép theo QCVN 05: 2013/BTNMT. Ô nhiễm bụi ở các KCN, CCN ở các tỉnh thành phía Bắc thường lớn hơn so với các KCN, CCN ở phía Nam, trong khi chênh lệch ô nhiễm bụi ở các KCN, CCN ở miền Trung và miền Nam là không nhiều. Xét về các ngành công nghiệp thì các ngành sản xuất điện than, công nghiệp sản xuấ và chế biến vật liệu xây dựng, hoạt động khai thác khoáng sản là các ngành phát sinh nhiều bụi nhất và gây ra ô nhiễm bụi nặng ở các vùng xung quanh. Ô nhiễm khí SO2 xung quanh các khu công nghiệp ở miền Bắc đều lớn hơn so với các KCN ở phía Nam. Ngược lại, nồng độ khí NO2 ở xung quanh các KCN ở miền Nam là lớn hơn so với các KCN ở phía Bắc. Tuy vậy, nồng độ khí SO2, NO2 ở gần hầu hết các KCN ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05: 2013/BTNMT. Nồng độ khí CO chủ yếu do hoạt động giao thông vận tải gây ra nên nó thường đạt trị số lớn nhất vào các giờ 7-9 giờ và 17-19 giờ trong ngày. Nồng độ khí O3 thường biến thiên theo bức xạ mặt trời trong ngày, nên nó thường có xu hướng tăng dần từ 7 giờ sáng , cực đại vào các giờ ban đêm [Hình 5].

    ÔNMT không khí làng nghề: Cho đến nay ÔNMT không khí làng nghề vẫn chưa được kiểm soát, công nghệ sản xuất lạc hậu, chưa có đầu tư thích đáng cho xử lý nguồn thải, nhiên liệu thường dùng là than chất lượng thấp. Vì vậy ô nhiễm không khí làng nghề trong những năm qua có chiều hướng gia tăng. Ở một số làng nghề bị ô nhiễm nặng về bụi, khí độc, hơi kim loại, ô nhiễm mùi và tiếng ồn.

    Chất lượng môi trường không khí nông thôn và các đô thị nhỏ: Nhìn chung chất lượng môi trường không khí ở các đô thị nhỏ và các vùng nông thôn còn tương đối tốt. Nồng độ các chất ÔNKK đều nằm trong ngưỡng cho phép của QCVN 05: 2013/BTNMT. Tuy vậy ở một số nơi đã bị ô nhiễm không khí cục bộ do đốt chất thải sinh hoạt không đúng kỹ thuật và đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch lúa.

             

    Hình 1. Diễn biến bụi lơ lửng [TSP] tại một số khu dân cư giai đoạn 2015-2019 

                         

Hình 2. Diễn biến theo tháng trong năm của bụi PM10, PM2.5 ở một số địa phương [Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và Khánh Hòa]

             

Hình 3. Diễn biến nồng độ bụi PM10, PM2.5 trong ngày của các trạm quan trắc không khí tự động ở Hà Nội

              

Hình 4. Diễn biến nồng độ khí NO2 trung bình năm của một số trạm đo chất lượng không khí tự động ở Hà Nội, Việt Trì, Huế, Đà Nẵng và Nha Trang

           

            Hình 5. Diễn biến nồng độ O3 trung bình giờ/ngày ở Việt Trì [Phú Thọ] và Hà Nội

3. Một số thách thức ÔNKK trong 5 năm tới

    Căn cứ vào dự báo phát triển kinh tế - xã hội [KT-XH] trong giai đoạn tiếp theo và Báo cáo Hiện trạng Môi trường Việt Nam giai đoạn 2016-2020, thách thức chủ yếu đối với ÔNMT không khí ở nước ta trong 5 năm tiếp theo tập trung vào các vấn đề sau đây:

    Thế giới cũng như nước ta sẽ vượt qua đại dịch Covid-19, 5 năm tới sẽ là những năm phục hồi phát triển KT-XH. Các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải sẽ tìm mọi cách để phục hồi và phát triển mạnh trong 5 năm tới, do đó sẽ gây áp lực rất lớn đối với môi trường không khí ở nước ta;

    Biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, sẽ phát sinh nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan làm cho ÔNKK càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế, gia tăng bệnh dịch và rủi ro về sức khỏe cộng đồng.

    Đánh giá hiện trạng ÔNMT không khí ở nước ta trong nhiều năm qua liên tục trầm trọng, đặc biệt là ô nhiễm bụi, bộc lộ rất nhiều yếu kém và thách thức về quản lý và kiểm soát các nguồn ÔNKK còn nhiều bất cập như: Văn bản pháp luật về quản lý môi trường không khí còn chưa hoàn thiện; chưa có luật không khí sạch; công nghệ sản xuất của nhiều ngành công nghiệp còn lạc hậu; nguồn lực đầu tư cho BVMT không khí còn hạn chế; quản lý nguồn thải ô nhiễm không khí còn chưa đáp ứng yêu cầu; ý thức BVMT không khí của mọi người còn nhiều hạn chế.

4. Kiến nghị các giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường không khí nước ta trong 5 năm tới

    Sau đây là đề xuất một số giải pháp chủ yếu để cải thiện chất lượng không khí đô thị và công nghiệp trong 5 năm tới:

    Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách và các quy định pháp luật để quản lý chất lượng môi trường không khí, như là xây dựng và ban hành Luật Không khí sạch. Căn cứ vào các điều quy định của Luật BVMT năm 2020 tiến hành xây dựng hoàn thiện và thực thi triệt để các chính sách pháp luật, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các quy định pháp luật về BVMT không khí trong 5 năm tiếp theo. Đặc biệt là triển khai hiệu quả Chỉ thị số 3/CT-TTg, ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ÔNKK.

    Thứ hai, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy quản lý môi trường không khí ở Trung ương và các địa phương, như là thành lập các phòng quản lý môi trường không khí thuộc Chi cục BVMT ở các tỉnh/thành, tăng cường lực lượng thanh tra, kiểm tramôi trường không khí. 

    Thứ ba, tăng cường kiểm soát, kiểm tra nguồn thải từ các phương tiện giao thông cơ giới. Tiến hành định kỳ kiểm tra theo quy định của quy chuẩn môi trường về khí thải đối với tất cả các phương tiện giao thông cơ giới [các loại xe ô tô, đặc biệt là các loại xe buýt, xe tải, xe ô tô chạy dầu, và các loại mô tô, xe máy], cấm lưu hành đối với tất cả các xe không đáp ứng yêu cầu về BVMT [bao gồm cả về rò rỉ hơi xăng dầu]; kiểm soát chặt chẽ các chất hữu cơ bay hơi [VOC], nhất là hơi xăng dầu ở đô thị, ở các cơ sở sản xuất, chế biến và sử dụng sơn, vec-ny, xăng dầu nằm trong đô thị; phun nước rửa đường vào các ngày trời nắng hanh khô; xây dựng quy hoạch giao thông đô thị thông minh; phát triển hệ thống giao thông đô thị công cộng, như là các dạng xe buýt, metro, đường xe điện trên cao...; khuyến khích hình thành các khu phố đi bộ, đi xe đạp; phát triển các loại xe cơ giới chạy bằng khí gas, khí hóa lỏng và xe chạy điện; bảo tồn mặt nước, phát triển trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh trong thành phố.

    Thứ tư, tập trung kiểm soát, kiểm tra và xử lý nghiêm ngặt các nguồn thải ô nhiễm bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng mới và sửa chữa các công trình nhà cửa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; phổ biến áp dụng các công nghệ xây dựng ít ô nhiễm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải bụi phát sinh từ vận chuyển nguyên vật liệu rời, đặc biệt là vận chuyển về ban đêm.

    ​Thứ năm, thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý đúng kỹ thuật vệ sinh 100% rác thải của đô thị; Giáo dục nhân dân giữ gìn vệ sinh đường phố, không xả rác ra đường, cống, rãnh.

    Thứ sáu, kiểm soát nguồn thải công nghiệp chặt chẽ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý bụi phát sinh từ sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp ở bên trong và xung quanh các khu vực đô thị.

    Thứ bảy, vận động nhân dân và áp dụng các chính sách ưu đãi để đạt được mục tiêu đến năm 2030 không còn bếp đun than ở các đô thị; đối với người dân ngoại thành áp dụng các công nghệ xử lý rơm rạ hợp lý, chấm dứt việc đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch nông nghiệp.

    Thứ tám, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và hướng dẫn thực hiện các quy định BVMT. Huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, mọi người dân, mọi cơ sở sản xuất, mọi tổ chức xã hội trong công tác BVMT không khí nói riêng và BVMT, nói chung.

    Thứ chín, ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí, đặc biệt là hệ thống quan trắc không khí tự động cố định ở các đô thị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ TN&MT, 2021. Báo cáo Hiện trạng Môi trường Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

2.  Phạm Ngọc Đăng. Đánh giá đúng hiện trạng và nguyên nhân ÔNKK đô thị nước ta để tìm ra các giải pháp cải thiện hữu hiệu. Tạp chí Kinh tế Môi trường, số 165- tháng 8/2020, trang 73-76.

3. Lê Hoài Nam, Nguyễn Hoài Đức. Tăng cường kiểm soát ÔNKK thúc đẩy KT - XH phát triển bền vững. Tạp chí Môi trường số 2, 2021, trang 16 - 19. 

GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng  

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam [VACNE]

[Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2022]

Video liên quan

Chủ Đề