Thục phán an dương vương là ai

1. Vén màn huyền thoại An Dương Vương
1.1. Nguồn gốc Thục Phán - An Dương Vương Vấn đề nguồn gốc Thục Phán - An Dương Vương và sự ra đời của nước Âu Lạc là một trong những vấn đề cốt lõi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam. Vì vậy nó đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học cả trong và ngoài nước từ hàng trăm năm nay. Trong quá trình nghiên cứu các học giả đều ghi nhận: Nước Âu Lạc kế tiếp nước Văn Lang và An Dương Vương kế ngôi Vua Hùng là những sự kiện, nhân vật lịch sử có thật. Song cho đến nay, xung quanh vấn đề nguồn gốc Thục Phán - An Dương Vương và sự ra đời của nhà nước Âu Lạc vẫn có nhiều ý kiến khác nhau.     

1.2. Những  tài liệu lịch sử nói về  Thục Phán -– An Dương Vương

 Những tài liệu cổ xưa nhất ở Trung Quốc như  Giao Châu Ngoại vực ký, Quảng Châu ký đều ghi An Dương Vương là “Thục Vương Tử” [Con Vua Thục].

Sách Hậu Hán thư khi chép về quận Giao Chỉ cũng chú thích: “Đấy là nước cũ của An Dương Vương….”. Một số sách cổ khác ở Trung Quốc cũng ghi rằng An Dương Vương là con vua Thục, nhưng không cho biết xuất xứ cụ thể của vua Thục và Vua Thục là ai, vị trí của nước Thục ở đâu?


Một số bộ sử sách cổ xưa của Việt Nam như Việt sử lược [Thế kỷ XIV] cũng có một câu về nguồn gốc của An Dương Vương là: “Cuối đời Chu, Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi mà lên thay. Phán đắp thành ở Việt Thường [Cổ Loa - Đông Anh] xưng hiệu là An Dương Vương, không thông hiếu với nhà Chu”.
- Đến thế kỷ XV, khi biên soạn Đại việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên dựa vào sách Lĩnh Nam chích quái chép về An Dương Vương rõ hơn và tách thành một kỷ gọi là “Kỷ nhà Thục”, ông viết rằng: “An Dương Vương họ Thục, tên húy là Phán, người Ba Thục, ở ngôi 50 năm, [258-2008 TCN] đóng đô ở Phong Khê [nay là thành Cổ Loa]. Cũng có thuyết cho rằng gia đình Thục Phán là hậu duệ của các vua Khai Minh nước Thục thời  Chiến Quốc, chạy về phía Nam để tránh bạo loạn vào cuối thời Chiến Quốc và khi nhà Tần nổi lên. Thục Chế đã đến vùng lãnh thổ của người Âu Việt [甌越] [nay là đông nam Quảng Tây, tây nam Quảng Đông, Trung Quốc và đông bắc Việt Nam] gây dựng lực lượng quân sự tại đây. Tuy nhiên, thuyết này bị nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ. Khoảng cách từ Tứ Xuyên tới miền Bắc Việt Nam là khoảng 3000 km và khoảng thời gian từ khi nước Thục bị Tần diệt [316 TCN] đến khi An Dương Vương lên ngôi ở Việt Nam [257 TCN] là gần 60 năm. Nếu hậu duệ nước Thục lưu vong đến đây thì cũng phải là lớp con cháu họ.

1.3. Sách “Ngược dòng lịch sử” của GS. Trần Quốc Vượng

Sách “Ngược dòng lịch sử” của GS. Trần Quốc Vượng cho rằng sau khi nước Thục bị Tần diệt, con nhỏ vua Thục là Thục Chế được lập lên ngôi,  lưu vong về phía Đông Nam. Tuy nhiên, qua nhiều thế hệ Thục Chế vẫn phải lẩn trốn trước sự truy nã của Tần và không có cơ hội khôi phục nước Thục cũ. Cuối cùng tới con Thục Chế là Thục Phán thì hình thành quốc gia nằm ở phía Bắc Lạc Việt của họ Hồng Bàng. Như vậy, cả hai thuyết đều có chỗ đúng và có thể ghép lại thành một diễn biến xâu chuỗi: “Ông nội Thục Phán là Thục Chế ở ngôi 50 năm.  Trong thời gian làm vua, Thục Chế đã nhiều lần  xâm  lược nước Văn Lang.

2. Các thuyết nói về Thục Phán


2.1. Lịch sử nước Thục ở Tứ  Xuyên  Bộ sử lâu đời nhất và gần thời An Dương Vương nhất là Sử ký Tư Mã Thiên chỉ nhắc tới nước Âu Lạc mà không nhắc tới An Dương Vương hay họ Thục. Việc nghiên cứu về Thục Phán - An Dương Vương, càng ngày càng được nhiều người quan tâm nhất là sau khi hòa bình lập lại ở Miền Bắc. Do đây là giai đoạn đầu tiên của thời kỳ dựng nước nên đã thu được một số kết quả mới, phát hiện thêm về tư liệu, từ đó một số giả thiết mới được đặt ra.

Quả thực sử có chép một quốc gia tên là Thục Quốc, ở Tây Nam Trung Hoa ngày nay.  Điều  này được Thường Cừ  năm 347 người đời Tấn viết trong Sách “Hoa Dương Quốc Chí” viết “Trải qua Hạ, Thương, Chu, Vũ Vương  phạt Trụ, cùng có nước Thục”. Nước Thục đó có lãnh thổ: Đông giáp nước Ba, nam giáp nước Việt, Bắc phân giới với Tần, Tây dựa Nga Ba” [vì vậy cư dân ở đây có thể là người Khương, Hoa Hạ và Việt]. Vị trí địa lý như vậy nên cư dân ở đây bao gồm người Khương, người Việt, người Hoa Hạ. Dòng họ Khai Minh làm vua nước Thục, truyền được 12 đời, đến năm 316 TCN đời Chu Thận Vương thì bị nhà Tần diệt, hậu duệ nước Thục chạy về phương Nam. Sử chép đến đây thì đứt đoạn, không nói gì tiếp.  Do đó, về sau nói Thục Phán là hậu duệ Khai Minh thị, cha Thục Phán là Khai Minh Thục Chế  chiếm lưu vực Diệp Du Thủy [tức thượng nguồn sông Hồng], xưng là An Tri Vương vua nước Tây Âu, sau truyền ngôi cho con là Phán, cũng chỉ là một giả thuyết, chép lại theo truyền thuyết của tộc dân Đại Y.


2.2. Thục Phán là hậu duệ của vương triều Khai Minh nước Thục
Như đã trình bày, rất nhiều ý kiến cho rằng Thục Phán là hậu duệ của vương triều nước Thục. Theo tài liệu khảo cứu mới được công bố về sự đánh chiếm nước Văn Lang của nhà  Thục  và niên  biểu triều đại An Dương Vương tóm tắt như sau: - Năm 316 TCN, tướng nước Tần là Tư Mã Thác diệt nước Thục. Vua Thục cuối cùng là Khai Minh đã bị giết ở Vũ Dương và Thái tử con Vua Thục cũng tự chết ở Bạch Lộc Sơn. - Năm  315 TCN, các quan đương triều nhà Thục thoát chết sống lưu vong đem theo một thứ phi của vua Thục đang có thai chạy qua nước Sở [nay là tỉnh Hồ Nam]. Sau đó lại bị nước Sở đánh, họ lại chạy xuống phía Nam theo sông Tường kha đến nước Tây Âu. Bà phi này sinh được con trai đặt tên là Thục Chế,gọi là Thục Vương Tử.                                         - Năm 313 TCN nước Tây Âu cho triều đình lưu vong này trú tại bộ Nam Cương, miền nam nước Tây Âu ở Hòa An, Cao Bằng ngày nay.                - Năm 282 TCN, Thục Chế trở thành Tù trưởng của bộ lạc Nam Cương lúc đó là 33 tuổi  và thu được một số bộ lạc xung quanh thành một [liên minh  bộ lạc].

- Thục Chế xưng là An Trị Vương, đóng đô ở Nam Bình, Thời gian này Thục Chế sinh con trai là Thục Phán [Thục Vương Tôn].


 - Năm 261 TCN, Thục Chế chết sau khi làm vua được 20 năm [Thục Chế chết ở tuổi 55]. Sau khi Thục Chế chết, Thục Phán lên thay cha. Lúc này, nước Nam Cương có 9 chúa cùng muốn làm vua. Thục Phán là người tài  trí thông minh nên có thuyết 9 chúa tranh vua ở Cao Bằng ngày nay.
2.3. Nghiên cứu về nước Nam Cương và Thục Chế 
- Năm 1963 khi các nhà nghiên cứu dân tộc học phát hiện truyền thuyết “Cẩu chủa cheng Vùa”, “Chín chúa tranh vua” là câu truyện cổ rất phổ biến trong vùng đồng bào Tày, Cao Bằng.  Nội dung câu chuyện là khoảng cuối thời Hùng Vương, ở Phía Nam Trung Quốc có một nước tên là Nam Cương, bao gồm miền Tây tỉnh Quảng Tây [Trung Quốc] cả vùng Cao Bằng ngày nay, Nam Cương có 10 xứ Mường, trong đó một xứ Mường trung tâm là nơi Vua ở, đó là kinh đô Nam Bình [nay là Cao Bình, Hưng Đạo, Hoà An, Cao Bằng]. Còn 9 xứ mường xung quanh do chín chúa mường cai quản. Vùng đất Cao Bình xưa [nay thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng] nằm dọc theo hai bên bờ của sông Bằng Giang, nơi trung tâm của bồn địa Hòa An. Theo truyền thuyết, đây vốn là kinh đô của nước Nam Cương thời Thục Phán, khi ấy gọi là Nam Bình. Đó là nơi Thục Phán đã từng sinh sống, đắp đất xây thành luỹ để phòng thủ, bảo vệ dân làng trước giặc ngoại xâm. Thành Bản Phủ làm vương phủ, xây dựng vào năm 214 TCN.
Một truyền thuyết bằng thi ca của người Tày nói về bộ lạc Nam Cương  xưa, có lẽ giúp ta hiểu rõ hơn về Thục Phán và tại sao đặt quốc hiệu là Âu Lạc. Ớ phía Nam Trung Quốc, đầu sông Tả Giang, về gần nước Văn Lang, có bộ Nam Cương, hùng cứ một phương. Bộ lạc này do Thục Chế tức An Tri Vương đứng đầu, đóng đô ở Nam Bình do chín xứ hợp thành. Các  xứ  cứ ba năm triều cống một lần. Chín xứ ấy là: Thạch Lâm, Hà Quảng, Bảo Lạc, Thạch An, Phúc  Hoa, Thượng Lang, Quảng Nguyên, Thái Ninh, Quy Sơn. Người của bộ lạc Nam Cương và các xứ lân cận cũng là một dân tộc Việt mà Trung Quốc gọi là Quỳ Việt hay Tây Âu.  Sau này có sắc  dân  nguời Choang và nguời Tày, chính là hậu duệ của Tây Âu.                         
 3. Thục Phán thay cha làm  vua  nước Nam Cương
 3.1. Thục Phán và chín chúa  đua  tài Thục Phán tuy còn trẻ [20 tuổi] nhưng tỏ ra là người thông minh tài cán. Phán liền thách 9 chúa cùng nhau đấu võ, ai thắng sẽ được nhường ngôi vua. Kết quả đấu võ là bất phân thắng bại, nên không ai xứng đáng được nhường ngôi vua.   Thục Phán lại bày ra cuộc đua tài, ai giỏi nghề gì thì làm nghề đó, hẹn ba ngày ba đêm thì kết thúc, ai hoàn thành đúng hạn sẽ được làm vua.     Các chúa đã thách nhau:  Đi Trung Quốc lấy trống đồng, dùng cung bắn trụi hết lá đa, làm một nghìn bài thơ, nhổ mạ bãi Phiêng  Pha đem cấy ở cành đồng  Tổng Chúp, đóng thuyền rồng, đẽo đá làm quốc, nung vôi gạch để xây thành Vua, lấy lưỡi cày mài thành trăm chiếc kim. Thục Phán một mặt ký giao kèo để các chúa thi đấu với nhau, mặt khác  Thục Phán chọn chín cung nữ có đủ tài sắc, văn võ kiêm toàn, lẻn đi theo các chúa, dùng mỹ nhân kế để mê hoặc các chúa và làm thất bại cuộc đua tài của họ, khi sắp sửa thành công. Kết quả là các chúa thi nhau mất rất nhiều công sức mà không chúa nào thắng cuộc. Thục Phán vẫn giữ ngôi vua. Các chúa đều quy phục Thục Phán. Nước Nam Cương trở nên cường thịnh. Đến nay những tập tục, truyền thuyết dân gian tại Cổ loa và vùng xung quanh cũng phù hợp với cách lý giải về nguồn gốc Thục Phán - An Dương Vương là người Tày cổ giống như truyền thuyết “Chín chúa tranh Vua”. “Trong tâm thức dân gian vùng Cổ Loa luôn ghi nhớ nguồn gốc “người thượng du” một tù trưởng miền núi” của Vua Thục. Thậm chí truyền thuyết còn nói rõ quê gốc của Thục Phán - An Dương Vương là Cao Bằng. 

3.2. Dấu tích cuộc thi tài chín chúa ở thành Bản Phủ vẫn  còn

 Thành Bản Phủ đến nay vẫn còn dấu tích khá rõ nét, thành được xây dựng ở một vị trí rất đẹp và quay mặt sang hướng Đông Nam, thành có hình chữ nhật, chiều dài hơn hơn 100 m, chiều rộng khoảng 70 m. Phía trước thành là Hồ sen rộng khoảng 7 ha và cánh đồng Cao Bình bằng phẳng; tiếp đó là cánh đồng Tổng Chúp, trước đó gọi là cánh đồng Tổng Quảng có nghĩa là cánh đồng rộng, sau cuộc đua tài của chúa Tiến Đạt chưa cấy hết [còn bằng cái nón] nên được gọi là cánh đồng Tổng Chúp. Gần chân thành là giếng ngọc [nay gọi là Bó Phủ] nước trong vắt quanh năm. Gần hồ sen là Đền Giao và Thiên Thanh tương truyền là nơi vua tế lễ trời đất. Bên phải và bên trái thành còn có vườn hoa [Đào Viên]. Cung Hoàng Hậu, nhân dân quen gọi là Đông Tầm và một bên là khu vực dành cho các cung nữ.  Phía trên khu đồi gọi là Thôm Dạng tức là khu vực nuôi voi, khu vực dành cho các em nhỏ gọi là Hồ nhi. Gần Bản Phủ là cây đa Cổ Thụ tương truyền là chúa Kim Đán đã dùng cung tên bắn gần trụi hết lá. Ra khỏi vòng thành ngoài, gần Đầu Gò hiện nay có một đôi guốc đá khổng lổ chưa kịp đục lỗ xỏ quai, đó là kết quả thi tài của chúa Văn Thắng; tiếp tục đi theo quốc lộ 4 khoảng 1 km ở bên phải đường có một quả đồi gọi là Khau Lừa tức đồi thuyền, theo truyền thuyết đó là con thuyền mà chúa Ngọc Tặng chưa kịp lật. Đối diện với Khau Lừa ở bên kia Sông Bằng là Thành Na Lữ [có đền Vua Lê, hàng năm cũng tổ chức lễ hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng]. Còn thiếu một cửa thành do cuộc đua tài của Thành Giáng bị bỏ dở… Còn các chúa làm thơ, mài kim.. đều bỏ dở vì khi cuộc thi gần đến thắng lợi thì nghe tiếng trống của Quang Thạc vang lên, các chúa tưởng Quang Thạc đã giành chiến thắng. Tuy nhiên, cả Quang Thạc cũng bị trúng mỹ nhân kế của Thục Phán nên để trống lăn xuống vực mà kêu ầm lên vang vọng cả núi rừng, nơi trống lăn gọi là Tổng Lằn.  

Video liên quan

Chủ Đề