Thân em như chẽn lúa đòng đòng Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai nghĩa là gì

Thể loại

Ca dao

Chủ đề

Bày tỏ tình yêu chân chất, tinh tế và lòng tự hào đối với con người và quê hương, đất nước.

Nghệ thuật

Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người thường gợi nhiều hơn tả, hay nhắc đến tên núi, tên sông, tên vùng đất với những nét đặc sắc về hình thể, cảnh trí, lịch sử, văn hóa của từng địa danh.

NỘI DUNG

Bài ca dao số 1

- Ở đâu năm cửa, nàng ơi?

Sông nào sáu khúc nước chảy xuôi một dòng?

Sông nào bên đục bên trong?

Núi nào thắt cổ bồng mà có thánh sinh?

Đền nào thiêng nhất xứ Thanh?

Ở đâu lại có cái thành tiên xây?

...

- Thành Hà Nội năm cửa, chàng ơi!

Sông Lục Đầu sáu khúc nước chảy xuôi một dòng.

Nước sông Thương bên đục bên trong,

Núi đức thánh Tản thắt cổ bồng mà lại có thánh sinh.

Đền Sòng thiêng nhất tỉnh Thanh,

Ở trên tỉnh Lạng, có thành tiên xây.

Trong bài ca dao, chàng trai và cô gái hỏi - đáp về những địa danh, với những đặc điểm [của từng địa danh]:

  • Ở chặng hát đố của các cuộc hát đối đáp, đây là một hình thức để trai, gái thử tài nhau - đo độ hiểu biết kiến thức địa lí, lịch sử,...

        - Chàng trai hỏi một cách hóm hỉnh, bí hiểm, chọn được nét tiêu biểu của từng địa danh.

        - Cô gái cũng rất sắc sảo, đã nói được những nét đẹp riêng về thành quách, đền đài, sông núi của mỗi miền quê.

  • Địa danh được nhắc đến là địa danh ở vùng đồng bằng Bắc Bộ:

Tên địa danh

Đặc điểm

Năm cửa ô Hà Nội

Năm cửa ô của Hà Nội: Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Giấy, Ô Quan Chưởng, Ô Cầu Dền, Ô Đống Mác.

Thành Hà Nội

Có tên gọi là thành Thăng Long, xưa là một đô thị lớn, là kinh đô của cả nước dưới nhiều triều đại khác nhau. Sau thời Nguyễn, thành bị phá bỏ rất nhiều và thu hẹp lại chỉ còn thành Hà Nội. Thành Thăng Long xưa có rất nhiều cửa ô, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là 5 cửa ô Đống Mác, Cầu Dền, Cầu Giấy, Chợ Dừa và Ô Quan Chưởng. Sau các biến cố của thời gian, 5 cửa ô chỉ còn lại Ô Quan Chưởng đứng sừng sững cùng thời gian.

Sông Lục Đầu

Nơi giao nhau của 6 con sông: sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Môn, sông Thái Bình. Tên sông gợi nghĩ đến chiến thắng Vạn Kiếp lẫy lừng của Trần Hưng Đạo chống quân Mông – Nguyên xưa kia.

Sông Thương

Chảy qua Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương. Riêng đoạn chảy qua Bắc Giang thì nước chảy đôi dòng [bên đục bên trong].

Núi Đức Thánh Tản

Tức núi Tản Viên [Ba Vì]. Theo truyền thuyết, Sơn Tinh [tức thần Tản Viên, sau được tôn là Đức Thánh Tản] hóa phép khiến núi thắt cổ bồng để ngăn không cho Thủy Tin dâng nước lên.

Đền Sòng

Thuộc tỉnh Thanh Hoá, là nơi thờ Bà Chúa Liễu Hạnh [Thánh Mẫu Liễu Hạnh]. Lễ hội đền Sòng mở vào tháng 3 âm lịch, là một trong những lễ hội lớn ở miền Bắc.

Thành tiên xây

Tỉnh Lạng là Lạng Sơn, là một tỉnh nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, có một bức tường dài, cao được đắp lên để ngăn giặc [gọi là thành], nay gọi là Đoàn thành, một di tích lịch sử cấp quốc gia, tương truyền được tiên xây nên.


Tiểu kết: Có thể thấy, cả cô gái và chàng trai đều có niềm tự hào và tình yêu tha thiết đối với quê hương, đất nước; thể hiện sự hiểu biết về kiến thức địa lí, lịch sử bằng hình thức đối đáp.

Bài ca dao số 2

Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ,

Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn,

Đài Nghiên, tháp Bút chưa mòn,

Hỏi ai gây dựng nên non nước này?

  • Câu ca đầu sử dụng cụm từ "rủ nhau":

        - Người rủ và người được rủ có quan hệ gần gũi, thân thiết.

        - Họ [người rủ và người được rủ] có chung mối quan tâm và cùng muốn làm một việc gì đó. Trong bài ca dao này là họ cùng muốn đến thăm Hồ Gươm, một thắng cảnh thiên nhiên, có giá trị lịch sử và văn hóa.

        - Ca dao có nhiều bài mở đầu bằng cụm từ này như: "Rủ nhau đi tắm hồ sen/ Nước trong bóng mát hương chen cạnh mình", "Rủ nhau đi cấy đi cày/ Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu" ,...

  • Bài ca gợi nhiều hơn tả, chỉ tả bằng cách liệt kê các địa danh, cảnh trí tiêu biểu nhất của hồ Hoàn Kiếm:

Tên địa danh

Đặc điểm

Chùa Ngọc Sơn

Công trình này nằm trên đảo Ngọc của hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội, được xây dựng từ thế kỷ 19, sau được đổi thành đền vì trong đền chỉ thờ thần Văn Xương Đế Quân [ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử], Quan Vũ và thờ Trần Hưng Đạo [vị anh hùng có công phá quân Nguyên - Mông].

Đài Nghiên

Công trình này được đặt ở trên đỉnh của cổng đầu tiên dẫn vào đền, được làm bằng đá xanh, đẽo tạc theo hình nửa quả đào, cắt ngang theo chiều dọc, khoét lõm, đặt trên ba con cóc.

Cầu Thê Húc

Nối từ Bờ Hồ ra hòn đảo nhỏ nơi có đền Ngọc Sơn, được sơn màu đỏ son, làm bằng gỗ, có nhiều trụ liên tiếp. Ý nghĩa tên của nó có nghĩa là "giọt ánh sáng đậu lại"  hay "Ngưng tụ hào quang“.

Tháp Bút

Kiến trúc này được xây bằng đá, dựng trên một cái gò đá, cao 9 mét, phía trên đỉnh là ngọn bút lông. Trên thân ba tầng giữa, Nguyễn Văn Siêu đã khắc theo chiều dọc ba chữ "Tả Thanh Thiên"  [Nghĩa là "Viết lên trời xanh"].


Có thể thấy, địa danh và cảnh trí gợi một Hồ Gươm, một Thăng Long đẹp, giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Cảnh đa dạng, có hồ, cầu, có đền, đài và tháp. Tất cả hợp thành một không gian thiên tạo và nhân tạo thơ mộng, thiêng liêng. Địa danh gợi lên âm vang lịch sử và văn hóa.
  • Bài ca dao sử dụng câu hỏi tu từ "Hỏi ai gây dựng nên non nước này?"

        - Câu hỏi rất tự nhiên, giàu âm điệu nhắn nhủ, tâm tình. Đây cũng là dòng thơ xúc động, sâu lắng nhất định trong bài ca, trực tiếp tác động vào tình cảm người đọc, người nghe.

        - Câu hỏi khẳng định và nhắc nhở về công lao xây dựng non nước của ông cha nhiều thế hệ. Cảnh Kiếm Hồ và những cảnh trí khác của Hồ Gươm trong bài được nâng lên tầm non nước, tượng trưng cho non nước.

        - Câu hỏi cũng nhắc nhở các thế hệ con cháu phải biết tiếp tục giữ gìn và dựng xây non nước cho xứng với truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc.

Tiểu kết: Bài ca thể hiện tình yêu, niềm tự hào về một Thăng Long đẹp, giàu truyền thống lịch sử và văn hóa; đồng thời nhắc nhở thế hệ con cháu phải giữ gìn và xây dựng đất nước.

Bài ca dao số 3

Đường vô xứ Huế quanh quanh,

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.

Ai vô xứ Huế thì vô...

  • Bài ca phác họa cảnh đường vào xứ Huế. Cảnh rất đẹp, có non xanh, nước biếc, sơn thủy hữu tình.
  • Bài ca này dù có nhiều chi tiết tả cảnh nhưng gợi vẫn nhiều hơn tả. Các định ngữ và cách so sánh truyền thống đã gợi lên những cảnh đẹp sông núi có đường nét, màu sắc sinh động của con đường vào xứ Huế.
  • Đại từ phiếm chỉ "ai" trong lời mời, lời nhắn gửi "Ai vô xứ Huế thì vô" - cũng như trong nhiều bài ca khác - thường có rất nhiều nghĩa. Nó có thể là số ít hoặc số nhiều, có thể chỉ người mà tác giả bài ca trực tiếp nhắn gửi hoặc hướng tới người chưa quen biết. Lời mời, lời nhắn gửi đó, một mặt, thể hiện tình yêu, lòng tự hào đối với cảnh đẹp xứ Huế, mặt khác như khơi lên, truyền thêm tình yêu, lòng tự hào về cảnh đẹp xứ Huế.

Tiểu kết: Bài ca dao ca ngợi vẻ đẹp, thể hiện tình yêu và niềm tự hào đối với xứ Huế.

Bài ca dao số 4

Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát,

Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng, bát ngát mênh mông.

Thân em như chẹn lúa đòng đòng,

Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.

  • Hai câu ca dao đầu miêu tả về cánh đồng lúa:

        - Hai câu ca dao khác lạ so với những câu ca dao truyền thống [thể thơ 6/8], được kéo dài 12 tiếng [được gọi là lục bát biến thể] để gợi sự dài rộng và to lớn của cánh đồng.

        - Các điệp ngữ, đảo ngữ và phép đối xứng [đứng bên ni đồng - đứng bên tê đồng, mênh mông bát ngát - bát ngát mênh mông ] và sử dụng từ ngữ địa phương [ni, tê]: nhìn ở phía nào cũng thấy cái mênh mông rộng lớn của cánh đồng. Cánh đồng không chỉ rộng lớn mà còn rất đẹp, trù phú, đầy sức sống.

  • Hai câu ca dao sau miêu tả vẻ đẹp của cô gái mới lớn:

        - Cô gái được so sánh như "chẽn lúa đòng đòng/ Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai". Cô gái với "chẽn lúa đòng đòng"  và "ngọn nắng hồng ban mai" có sự tương đồng ở nét trẻ trung phơi phới và sức sống đang xuân.

        - So với cánh đồng bao la, bát ngát, cô gái quả là nhỏ bé, mảnh mai. Nhưng chính bàn tay con người nhỏ bé đó đã làm ra cánh đồng "mênh mông bát ngát"  kia.

        - Ở hai dòng đầu, ta mới chỉ thấy cánh đồng bao la, chưa thấy cái hồn của cảnh. Đến hai dòng cuối, hồn của cảnh đã hiện lên. Đó chính là con người, là cô thôn nữ mảnh mai, nhiều duyên thầm và đầy sức sống.

Tiểu kết: Bài ca dao ngợi ca vẻ đẹp của cánh đồng lúa rộng lớn, đầy sức sống cũng như vẻ đẹp mảnh mai, trẻ trung, phơi phới, đầy sức sống của cô gái. Bài ca là tình cảm yêu quý, tự hào, lòng tin vào cuộc sống tốt đẹp nơi quê hương; thể hiện sự hài hòa giữa cảnh và người.

ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT

  • Ngoài thể thơ lục bát, ở chùm bài ca này còn có thể lục bát biến thể [bài 1: số tiếng không phải là 6 ở dòng lục, không phải là 8 ở dòng bát; bài 3: kết thúc là dòng lục, chứ không phải là dòng bát như thường thấy], thể thơ tự do [hai dòng đầu của bài 4].
  • Sử dụng kết cấu lời hỏi đáp, lời chào mời, lời nhắn gửi... không đi vào miêu tả chi tiết mà thường gợi nhiều hơn tả.
  • Có giọng điệu tha thiết, tự hào.

Video liên quan

Chủ Đề