Tham luận xây dựng cơ quan văn hóa trường học

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, ngành giáo dục đào tạo nước ta đã đầu tư nhiều tiền của, trí tuệ để tìm một hướng đi thích hợp nhằm đưa chất lượng đào tạo ở Việt Nam đạt trình độ ngang tầm khu vực và thế giới. Nhưng, suy cho cùng, cải cách giáo dục chỉ thành công khi chúng ta xây dựng được một nền văn hóa học đường chuẩn mực và lành mạnh, bởi mọi ước mơ, ý tưởng cải cách phải được thực hiện trong một môi trường đào tạo cụ thể, một không gian văn hóa học đường cụ thể.

“Văn hóa học đường” là một môi trường rất quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ sống có hoài bão, có lý tưởng cao đẹp, góp phần thực hiện cột đỡ “học để làm người” của giáo dục. Vì vậy, các nhà trường tiểu học luôn xác định việc xây dựng văn hóa học đường là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng mặt trái của xã hội mà ứng xử một cách thiếu văn hóa, kém hiểu biết, gây ảnh hưởng đến tinh thần và môi trường văn hóa giáo dục tốt đẹp trong trường học như nói xấu người khác, dối trá, nói tục, chửi thề, cãi vã, đánh nhau giữa học sinh với học sinh, vô lễ với giáo viên.

Trước thực trạng đó, xây dựng văn hóa ứng xử học đường trong trường tiểu học càng trở thành việc làm hết sức quan trọng, giáo dục cho học sinh tinh thần tôn trọng lẽ phải, tôn trọng những người xung quanh mình, dũng cảm nhận lỗi và sửa lỗi, trung thực trong học tập và thi cử, chân thành trong mọi mối quan hệ,… Tất cả những phẩm chất ấy góp phần vào việc hình thành nhân cách trong sáng, hướng thiện ở học sinh. Đây cũng chính là một biện pháp hữu hiệu nhằm xóa bỏ hiện trạng bạo lực học đường nhức nhối hiện nay. Xây dựng văn hóa ứng xử học đường chính là xây dựng môi trường học tập văn minh, lịch sự đúng với câu nói “Tiên học lễ - Hậu học văn” mà giáo dục Việt Nam luôn hướng đến.

“Văn hóa học đường” là một môi trường hoạt động đặc biệt của con người, mang tính xã hội và lịch sử. Có thể nhận thấy văn hóa học đường bao gồm một tập hợp những mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời, giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể, hoặc cá nhân với thiết chế xã hội...

2. Thực trạng văn hóa học đường

Đối với học đường, xây dựng môi trường văn hoá là một trong những vấn đề được quan tâm. Thực tế ở nhiều trường tiểu học hiện nay vấn đề về cảnh quan [vị trí, không gian xanh, tính mỹ quan trong quy họach xây dựng…] lớp học còn có nhiều bất cập. Nhiều trường học quy hoạch xây dựng còn nhiều bất hợp lý: Không gian chật hẹp, đặt giữa các khu dân cư đông đúc, ồn ào… Việc học sinh hưởng thụ các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao còn khó khăn, thậm chí có trường còn thiếu khu giáo dục thể chất, địa điểm sinh hoạt văn hoá, vui chơi giải trí,…

Ngày nay đất nước ta đã và đang hội nhập quốc tế mạnh mẽ, khi chúng ta mở cửa hợp tác kinh tế, hợp tác song phương, chúng ta thu được những thành quả to lớn, nhưng cũng có những ảnh hưởng đến lối sống của thế hệ trẻ, khi hội nhập quốc tế chúng ta đón nhận những làn gió mát, nhưng cũng có gió độc len lỏi lùa theo. Đang trong lộ trình thực hiện chương trình GDPT 2018, các Nhà trường tiểu học và toàn xã hội đang nỗ lực thực hiện để đạt mục tiêu chương trình đây là thuận lợi để học sinh được sáng tạo, được tiếp cận với ngoại ngữ, tin học; có sức khoẻ tốt, tinh thần cầu thị trong học tập, cộng với sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin hiện đại, nên khả năng tiếp nhận cái mới nhanh và linh hoạt, thích nghi kịp thời với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại, khả năng ứng dụng những kiến thức học vào thực tiễn cao. Đa số các em biết quý trọng thầy cô, đoàn kết với bạn bè, sống có nề nếp kỷ cương, không ngừng phấn đấu vươn nên trong học tập và trong cuộc sống. Vì vậy, các em đã gặt hái được nhiều thành công nhiều lĩnh vực học tập, văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao.

Học sinh Nhà trường học tập với sự hỗ trợ của máy tính

Nhưng bên cạnh đó cũng có một bộ phận nhỏ các em ứng xử một cách chưa đúng chuẩn mực, chưa chủ động, tích cực trong học tập. Vẫn có những em không thể làm đủ lễ nghi với thầy cô, làm biến tướng các nghi lễ, thiếu sự tôn trọng với thầy cô, coi thường việc học. Ví dụ như: Cách chào của các em khi gặp thầy cô, có em vừa đi thậm chí là chạy ù ù qua thầy cô vừa chào; Có những em dù được thầy cô quan tâm rất nhiều nhưng việc học bài và làm bài luôn không đầy đủ, trong giờ học thường xuyên mất trật tự; Hoặc trong mỗi quan hệ giữa bạn bè với nhau những em đó cũng chưa có sự đoàn kết, nhường nhịn;… Văn hóa ứng xử, giao tiếp với  nhau chưa tốt, dùng các từ “lóng”,  ngại giao tiếp với thầy cô, không biết nói cảm ơn, xin lỗi đúng lúc thậm chí còn đánh nhau khi có vai chạm nhỏ. Ý thức tham gia các hoạt động tập thể chưa tốt như nói chuyện trong giờ hoạt động tập thể, chưa tích cực tham gia hoạt động. Điều đó chứng tỏ văn hóa giao tiêp của học sinh còn hạn chế. Đây là bộ phận học sinh luôn được Nhà trường và các thầy cô dành sự quan tâm đặc biệt.

3. Giải pháp

Với chủ trương cải cách giáo dục theo hướng lấy người học là trung tâm và một trong những mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là giúp người học biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội; có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú; nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại. Chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nề nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt. Để đạt được mục tiêu ấy, việc xây dựng văn hóa học đường, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh trong các nhà trường là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và càng quan trọng hơn trong các trường Tiểu học – Bậc học nền tảng. Đối với trường Tiểu học xã Giao Lạc, huyện Giao Thủy xác định Văn hóa nhà trường làm nên nét riêng, diện mạo của nhà trường. Việc xây dựng văn hóa nhà trường là một yếu tố quan trọng góp phần đổi mới giao dục, bước đầu hỗ trợ tích cực cho nhà trường nâng cao chất lượng qua một số giải pháp cụ thể sau:

3.1 Xây dựng Văn hóa học đường từ văn hóa môi trường.

Nhiều người quan niệm rằng không gian văn hóa học đường được hình thành và thiết lập ở ngay trong lớp học. Nhiều trường tiểu học thường chỉ tập trung vào việc dạy và học, rèn luyện kiến thức. Nhưng đối với trường Tiểu học Giao Lạc ngoài lớp học thì thư viện, câu lạc bộ, giờ học ngoại khóa, thể dục thể thao hoặc thậm chí những giờ nghỉ giải lao cũng là lúc rất cần thiết phải xây dựng một trật tự văn hóa học đường.

Nhà trường luôn xác định học đường là nơi để tiến hành dạy và học với sự tham gia của cơ sở vật chất trường học, cán bộ quản lý giáo dục, thầy, trò, chương trình, nội dung giáo dục… để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục đào tạo của trường mình. Do vậy, Nhà trường rất chú trọng nghiên cứu và cải tạo môi trường, cảnh quan sư phạm, cây xanh, hoa kiểng, nơi chỗ vui chơi, giải trí, sinh hoạt, hội họp, học tập, thực hành thí nghiệm, vệ sinh an toàn... Tổng quan toàn cảnh nhà trường từ cổng, hàng rào, bảng tên trường, bàn ghế học sinh, nhà làm việc, nhà vệ sinh… đều toát lên nét văn hóa của trường học. Nhưng điều đó không hẳn là cổng trường to hay nhỏ, hoa kiểng đẹp hay xấu, cây xanh nhiều hay ít…mà quan trọng là cách sắp xếp, bố cục các vật thể ấy trong nhà trường như thế  nào? nói lên điều gì? Những hàng cây biết nói, mỗi thân cây, gốc cây là những khẩu hiệu, những lời hay ý đẹp, những thông điệp… Văn hóa học đường tuy không phải là vật thể nhưng văn hóa học  đường thể hiện qua các vật thể ấy.

Hàng cây biết nói

Việc xây dựng và sử dụng hiệu quả “Thư viện thân thiện” theo mô hình Room to Read đã thổi một luồng cảm hứng mới, giúp học sinh đam mê đọc sách hơn. Thực tế qua vận hành cho thấy, thông qua mô hình “Thư viện thân thiện”, học sinh được tiếp cận kiến thức thông qua đọc sách vô cùng hiệu quả. Từ khi triển khai đưa tiết “Đọc sách thư viện” vào thời khóa biểu chính khóa, giáo viên đã hướng dẫn các em hàng ngày đến “Thư viện thân thiện” tìm hiểu các loại sách, đọc sách, truyện thực hiện đúng quy định. Mô hình này đã góp phần hình thành không chỉ cho cá nhân mà cho cả tập thể nét “văn hóa đọc” tích cực, đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc. Thông qua đó góp phần giúp học sinh có thái độ, hành vi chuẩn mực hơn trong học tập, cuộc sống.

 

 
 

Một số hình ảnh “Thư viện thân thiện” trường Tiểu học Giao Lạc

Nhiều năm liền trường Tiểu học Giao Lạc luôn quan tâm duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí và phát huy hiệu quả trường chuẩn Xanh – Sạch – Đẹp – An toàn cũng góp phần xây dựng Văn hóa học đường trong Nhà trường.

Với hệ thống thiết chế văn hóa cơ bản cần nguồn đầu tư lớn [Hội trường, Nhà đa năng, các phòng chức năng, phòng học…], Nhà trường luôn có kế hoạch xã hội hóa phù hợp, huy động sự chung tay của cấp Ủy đảng, chính quyền địa phương, cộng đồng xã hội. Có như vậy các em mới được hưởng thụ đầy đủ các hoạt động văn hoá - văn nghệ, thể dục thể thao vui chơi giải trí,…

Sân khấu phục vụ các hoạt động văn hóa – nghệ thuật cho học sinh

Dĩ nhiên trong tình hình hiện nay nhiều trường học còn khó khăn về cơ sở vật chất cũng là những cản ngại cho xây dựng văn hóa học đường. Khó khăn đó là khó khăn chung, trường Tiểu học Giao Lạc luôn luôn cố gắng tạo ra cảnh quan tốt nhất, phù hợp nhất với điều kiện của trường mình. Tục ngữ Việt Nam có câu “Nghèo cho sạch, rách cho thơm” cho thấy rằng không phải đợi đến khi nhà trường có cơ sở vật chất tươm tất, đầy đủ rồi mới xây dựng văn hóa môi trường. Điều quan trọng là chúng ta có quan tâm, có chú trọng đến hay không mà thôi.

Với trang phục học đường: Với giáo viên Nhà trường có quy định rõ ràng. Khi lên lớp thầy cô có trang phục nghiêm chỉnh, tươm tất thể hiện phong cách nhà giáo khi tiếp xúc với học sinh; Thứ 2 đầu tuần hay những ngày lễ đều sẽ có sự thống nhất trước về trang phục. Với học sinh cũng có quy định về trang phục cụ thể, quy định về mặc áo đồng phục trong tuần. Đồng phục của các em sử dụng loại vải dễ thấm hút mồ hôi, thoải mái, mát mẻ và dễ giặt. Áo đồng phục của học sinh thể hiện được sự đoàn kết, tinh thần tập thể của Nhà trường. Các em cùng nhau khoác lên chiếc áo đồng phục xua tan mọi khoảng cách, mọi giới hạn để cùng nhau hòa đồng trong cùng một môi trường. Nếu mọi người bình đẳng với nhau sẽ tạo nên sự phát triển ổn định trong tổ chức, góp phần tạo nên thương hiệu cho tổ chức.

Học sinh mặc đồng phục trong tiết chào cờ đầu tuần

       3.2 Xây dựng Văn hóa học đường từ văn hóa tổ chức, văn hóa ứng xử

Trường học là một tổ chức, văn hóa học đường là văn hóa tổ chức. Một tổ chức sau khi được hình thành, tồn tại và phát triển thì tự khắc nó sẽ dần dần hình thành nên những nề nếp, chuẩn mực, lễ nghi, niềm tin và giá trị. Đó là sợi dây vô hình gắn kết các thành viên trong tổ chức lại với nhau cùng phấn đấu cho những giá trị chung của tổ chức. Hiểu rõ điều đó, Trường Tiểu học Giao Lạc luôn đề cao bộ quy tắc ứng xử của tổ chức. Mỗi thành viên Nhà trường luôn phát huy và thực hiện tốt những nét văn hóa đó, từ cán bộ quản lí đến giáo viên, nhân viên nhà trường; Từ tổ chức trường cho đến tổ chức lớp. Đó là nghi lễ, đồng phục, không khí học tập trật tự, sinh hoạt nề nếp, đi học đúng giờ, hiểu biết, tôn trọng, đoàn kết nhau, cùng nhau bảo vệ không làm thiệt hại danh dự uy tín chung của nhà trường… Nhà trường cũng như các giáo viên luôn xác định rõ về các mối quan hệ giao tiếp, ứng xử mà bản thân mỗi thành viên là một chủ thể tham gia trực tiếp:

+ Mối quan hệ giữa lãnh đạo với giáo viên, nhân viên: lãnh đạo Nhà trường có năng lực tốt trong tổ chức các hoạt động giáo dục, có lòng vị tha, độ lượng, tôn trọng giáo viên, nhân viên xây dựng được bầu không khí lành mạnh trong tập thể nhà trường.

+ Mối quan hệ giữa các đồng nghiệp: Mỗi giáo viên Nhà trường luôn sử dụng ngôn ngữ đúng mực, trung thực, thân thiện, cầu thị, chia sẻ, hỗ trợ; tôn trọng sự khác biệt; bảo vệ uy tín, danh dự và nhân phẩm của đồng nghiệp, nhân viên. Không xúc phạm, vô cảm, gây mất đoàn kết.

+ Mối quan hệ giữa thầy, cô giáo với học sinh: Mỗi giáo viên Nhà trường xác định rõ đây là mối quan hệ quan trọng nhất trong văn hóa học đường, bởi vì thầy giáo là người dạy, người trực tiếp truyền đạt kiến thức cho học sinh. Thông qua những buổi học, sinh viên sẽ được đón nhận lượng thông tin cần thiết và bổ ích, những phương pháp tư duy khoa học để có thể từng bước tiến bộ trong quá trình tự học tập. Trong quá trình dạy và học trên lớp, thầy cô giáo không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn truyền đạt về đạo đức, về cách suy nghĩ và ứng xử để các em từng bước trưởng thành. Với đặc thù môi trường tiểu học, các em học sinh thường lấy thầy cô làm hình mẫu cho hành vi, thái độ của chính các em. Vì vậy tập thể giáo viên Nhà trường luôn dành rất nhiều sự quan tâm đến học sinh, tôn trọng học sinh, phát hiện được ưu điểm, nhược điểm người học để chỉ bảo… Thầy, cô luôn gương mẫu trước học sinh từ ngôn ngữ đến hành vi, thái độ… Với bộ phận các em học sinh chưa có những hành vi đúng chuẩn mực về học tập, ý thức đạo đức luôn được thầy cô quan tâm đặc biệt và trao đổi kết hợp thường xuyên với phụ huynh.

+ Mối quan hệ giữa Nhà trường[GV] với phụ huynh: Giống như mỗi quan hệ với học sinh, Nhà trường cũng rất coi trọng. Từ lãnh đạo, giáo viên và nhân viên Nhà trường luôn sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực, tôn trọng, lịch sự, đúng mực. Không xúc phạm, gây khó khăn, phiền hà.

Trong thời đại 4.0 hiện nay, các mối quan hệ này càng trở nên quan trọng, khi những nét văn hóa học đường đó dễ dàng lan tỏa ra cộng đồng xã hội, tạo được những hiệu ứng tích cực cho Nhà trường .

3.3. Xây dựng Văn hóa học đường từ việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục.

            Văn hóa giao tiếp không phải là cái gì đó rất xa xôi, khó thực hiện khi dạy cho học sinh. Dạy học sinh phải bắt đầu từ những điều thực tế, tình huống cụ thể. Nhà trường đã chỉ đạo việc tích hợp và lồng ghép chuẩn mực đạo đức thực tế phù hợp trong giao tiếp học đường,  mỗi giáo viên Nhà trường nhận rõ tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp giáo dục, thay đổi từ nhận thức, suy nghĩ đến việc làm, trong mỗi giờ học tăng cường tổ chức cho học sinh sắm vai, trải nghiệm tình huống - tìm giải pháp ứng xử - giao tiếp giúp các em chủ động, tích cực phát hiện kiến thức và có nhiều cơ hội được chia sẻ, được bày tỏ ý kiến cá nhân, được nói trước đám đông…góp phần không nhỏ giúp học sinh rèn luyện kĩ năng giao tiếp, sự mạnh dạn tự tin trong học tập, sinh hoạt. Giáo viên luôn tôn trọng ý kiến của học sinh, biết lắng nghe ý kiến của các em, có biện pháp khéo léo, tâm lý để các em ý thức được hành vi sai và chuyển đổi hành vi cho phù hợp.

            Ngoài ra, nhà trường còn tăng cường tổ chức hoạt động sinh hoạt chuyên đề, thảo luận theo chủ đề, trò chuyện cùng chuyên gia,..lôi cuốn học sinh tham gia và tạo cơ hội cho các em được học hỏi, phát triển khả năng giao tiếp……..

Học sinh thường xuyên được trải nghiệm thực tế

       3.4. Xây dựng Văn hóa học đường từ sự chung tay của gia đình và toàn xã hội

Để phối hợp tốt, có hiệu quả với PHHS, BGH nhà trường đã chỉ đạo GV làm tốt công tác truyên truyền, xây dựng quy định phối hợp với CMHS trong các buổi họp với CMHS, GV thường xuyên trao đổi các thông tin của HS đến PH, hướng dẫn PH cách hỗ trợ, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi sự biến đổi trong giao tiếp, cách cư xử, hành vi, thái độ,.. của con. Cha mẹ và người lớn trong gia đình làm gương cho con em, cần khuyến khích những thái độ, hành vi tốt trong giao tiếp của các con. Thiết lập cách giao tiếp trong gia đình phù hợp chuẩn mực đạo đức.

Ngoài những nỗ lực của nhà trường - gia đình thì quá trình giáo dục chỉ có kết quả sâu rộng khi có sự đồng bộ và linh hoạt [địa phương, nhà trường, gia đình,..]. Sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội sẽ góp phần xây dựng văn hóa học đường trong mỗi nhà trường đạt kết quả cao nhất.

4. Kết quả đạt được

Trong nhiều năm gần đây, việc chú trọng xây dựng văn hóa học đường được trường TH Giao Lạc đẩy mạnh, qua đó đã gặt hái được những kết quả nhất định:

Cảnh quan Nhà trường ngày càng Xanh - sạch - đẹp, vừa là nơi làm việc, học tập của giáo viên và học sinh, vừa trở thành nơi tham quan, học tập cho các trường bạn. Nhà trường đã được đón đoàn cán bộ quản lí các trường tiểu học của 10 huyện, thành phố về tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, tạo điểm nhấn về cảnh quan trường học.

Khuôn viên chung Nhà trường

Cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên trường Tiểu học Giao Lạc nhận thức được rằng nâng cao chất lượng văn hóa học đường là nhiệm vụ của tất cả mọi người: từ cán bộ quản lý tới giáo viên, nhân viên và học sinh. Từ thay đổi về nhận thức đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về văn hóa ứng xử, cải tiến nề nếp hoạt động, nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo nên hiệu quả giáo dục trong toàn trường; Các thầy cô luôn sáng tạo đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục học sinh, tạo một môi trường văn hóa học đường lành mạnh, thể hiện được giá trị cốt lõi trong văn hóa ứng xử: Nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực. Mỗi thầy cô thực sự là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo, khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu” luôn trở thành mục đích mà mỗi giáo viên nhà trường tích cực hướng tới. Năm học 2020-2021, 100% các thầy cô giáo trong trường đạt danh hiệu Lao động Tiên tiến, nhiều thầy cô được các cấp tặng giấy khen.

Việc chú trọng xây dựng văn hóa học đường đặc biệt có hiệu quả đối với học sinh nhà trường, 100 học sinh biết cách sống khỏe mạnh, ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh trường lớp, môi trường sống xung quanh. Biết kính trên nhường dưới, lễ phép với thầy cô, cha mẹ, người lớn tuổi; lịch sự với khách đến trường; thân thiện hòa đồng với bạn bè, đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập; trên 80% học sinh nhà trường hình thành và phát triển tốt các năng lực, phẩm chất; Đặc biệt 100% học sinh thực hiện tốt nội quy Nhà trường, học tập và sinh hoạt có nề nếp, mạnh dạn tự tin trong giao tiếp.

GV thường xuyên đổi mới phương pháp trong giảng dạy

Học sinh và giáo viên Nhà trường được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình, có thành tích tiêu biểu trong các phong trào, tạo nên môi trường văn hóa tốt, vì vậymỗi cá nhân đều được hưởng lợi từ những thành quả của các phong trào đó. Đội ngũ giáo viên, học sinh của Nhà trường trở thành những tuyên truyền viên, thường xuyên tuyên truyền đến các thầy cô giáo, các em học sinh những phương pháp nâng cao chất lượng văn hóa học đường tạo nên một môi trường văn hóa lành mạnh.

 

Một số hoạt động VH-NT, TDTT thường niên của Nhà trường

Nhà trường xây dựng được một môi trường văn hóa học đường được tạo dựng từ sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, sự kết hợp này chống lại những mầm bệnh, loại trừ được những biểu hiện văn hóa không lành mạnh nảy sinh từ bên trong, góp phần xây dựng môi trường văn hóa học đường ngày càng lành mạnh, thân thiện và trong sáng. Điều này càng có ý nghĩa và giá trị lớn hơn khi ngành giáo dục đang trong giai đoạn hội nhập, đổi mới hiện nay.

Nhà trường kết hợp chặt chẽ cùng phụ huynh trong xây dựng văn hóa học đường

5. Phương hướng giai đoạn tiếp theo

Nhà trường tiếp tục xác định nhiệm vụ “Xây dựng văn hóa ứng học đường giai đoạn đổi mới Giáo dục và Đào tạo” có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bồi dưỡng, phát triển nhân cách, đạo đức thế hệ trẻ, các sở, ngành đã tập trung thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp tình hình thực tiễn địa phương. Đặc biệt, ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp xây dựng, thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục; nâng cao năng lực ứng xử, giáo dục văn hóa ứng xử, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa học đường.

Video liên quan

Chủ Đề