Tại sao nhà Lê số lại cho lập bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám

Trong 82 bia tiến sĩ hiện còn ở Văn Miếu, Hà Nội, tấm bia xưa nhất ghi danh những người thi đỗ khoa năm Nhâm Tuất, 1442, nhưng được dựng vào năm 1484.

Bia này do Phụng trực đại phu Hàn lâm viện Thừa chỉ Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung soạn, có câu văn nổi tiếng truyền tụng đến đời nay: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết".

Khoa thi được tổ chức thế nào?

Quá trình tổ chức cuộc thi được ghi lại đầy đủ trong chính tấm bia do Thân Nhân Trung soạn nói trên, có tiêu đề văn bia đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 [tức năm 1442].

Theo nội dung bài văn bia, sau khi đánh đuổi quân Minh, lên ngôi hoàng đế, vua Lê Thái Tổ tiến hành chiêu tập hiền tài, canh tân chính trị. Nhà vua xuống chiếu cho các nơi trong nước dựng nhà học để đào tạo nhân tài. Tại kinh đô có Quốc tử giám, ngoài các phủ có trường học.

Bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ảnh: TT.

Vua Thái Tổ đích thân chọn con cháu quan viên và thường dân tuấn tú vào làm học sinh ở các cục Nhập thị, Cận thị, Ngự tiền, cùng là giám sinh ở Quốc tử giám. Vua lại sai quan chuyên trách tuyển chọn con em các nhà lương thiện vào làm sinh đồ ở các trường phủ, cử thầy dạy dỗ, in kinh sách ban phát.

Việc tuyển chọn nhân tài, vua Thái Tổ từng đích thân ra đề thi văn sách, xét tài học của từng người mà bổ dụng. Tuy nhiên, khoa thi tiến sĩ chưa được tiến hành.

Đến đời vua Lê Thái Tông, năm Đại Bảo thứ 3 [1442], triều đình tổ chức khoa thi hội đầu tiên cho sĩ nhân cả nước.

Số người tham dự kỳ thi này đông đến 450 người. Qua bốn trường, lấy trúng cách được 33 người. Quan Hữu ti chuyên trách kê tên dâng lên, nhà vua sai chọn ngày ban cho vào sân rồng ứng đối, tức là vòng thi Đình.

Lúc ấy, chức danh Đề điệu [quan phụ trách toàn bộ công việc của cuộc thi] là Thượng thư Tả Bộc xạ Lê Văn Linh, Giám thị là Ngự sử đài Thị Ngự sử Triệu Thái.

Tổ chức cuộc thi còn có các chức danh gồm Tuần xước: Chịu trách nhiệm tuần tra canh gác trong ngoài trường thi; Thu quyển: Thu các quyển thi của thí sinh; Di phong: Rọc phách, niêm phong các quyển thi; Đằng lục: Sao chép bài thi của thí sinh [do thể lệ trường thi ngày trước không chấm trên bài thí sinh tự viết để tránh việc nhận ra nét chữ] và Đối độc: Đọc soát bản sao so với bản chính.

Ngày mùng 2/2 Âm lịch, vua Thái Tông ra ngự ở điện Hội Anh, đích thân ra đề thi văn sách. Ngày hôm sau, các viên Độc quyển là Hàn lâm viện Thừa chỉ Học sĩ kiêm Trung thư Quốc sử sự Nguyễn Trãi, Trung thư sảnh Trung thư Thị lang Nguyễn Mộng Tuân, Nội mật viện Tri viện sự Trình Thuấn Du, Quốc tử giám Bác sĩ Nguyễn Tử Tấn tiến hành chấm bài của các thí sinh.

Kết quả được đưa lên để nhà vua xét định thứ bậc cao thấp. Chung cuộc, vua cho Nguyễn Trực đỗ trạng nguyên, Nguyễn Như Đổ đỗ bảng nhãn, Lương Như Hộc đỗ thám hoa lang.

Còn lại, 7 người đỗ tiến sĩ, đứng đầu là Trần Văn Huy; 23 người đỗ phụ bảng [dưới tiến sĩ một bậc, sau gọi là đồng tiến sĩ xuất thân], đứng đầu là Ngô Sĩ Liên. Các danh hiệu những người đỗ đầu này là theo quy chế từ đời trước.

Vốn từ khoa thi Đinh Mùi năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 [1247], đời Trần Thái Tông đặt danh hiệu cho 3 người đỗ cao nhất [thuộc hàng Nhất giáp] là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa lang [sau gọi gọn là thám hoa].

Ngày mùng 3/3 tổ chức lễ xướng danh treo bảng, để tỏ cho kẻ sĩ thấy sự vẻ vang. Các vị tân khoa được ban áo mũ cân đai, cho dự yến trong vườn Quỳnh Lâm, là vườn phía sau điện Kính Thiên trong hoàng cung, nơi thường tổ chức các cuộc yến tiệc lớn.

Triều đình còn cấp ngựa cho các vị tân khoa vinh quy về quê để rõ lòng đặc biệt mến yêu. Theo bài văn bia của Đại học sĩ Thân Nhân Trung: "Kẻ sĩ và dân chúng Trường An đâu đâu cũng tụ tập đến xem, đều ca ngợi Thánh thượng chuộng Nho xưa nay hiếm thấy.

Ngày mùng 4/3, trạng nguyên Nguyễn Trực vào cung lạy chào dâng biểu tạ ơn. Đến ngày mùng 9, các vị tân khoa lại vào bệ kiến cáo từ, xin được vinh quy. Đó là khoa thi đầu tiên đời thánh triều được ơn vinh long trọng, đến nay kẻ sĩ vẫn còn tấm tắc ngợi ca. Từ đó về sau, thánh nối thần truyền, đều tuân theo lệ cũ".

Đổi danh hiệu, khắc bia tiến sĩ

Năm 1484, Bộ Lễ mới tâu vua Lê Thánh Tông xin tiến hành khắc bia đề họ tên thứ bậc người thi đỗ các khoa thi từ năm 1442 đến năm đó, để lưu danh về sau.

Bộ Lễ cũng xin đổi danh hiệu trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa lang thành tiến sĩ cập đệ. Người đỗ phụ bảng đổi gọi là đồng tiến sĩ xuất thân và được nhà vua chuẩn tấu.

Trạng nguyên khoa thi năm 1442, Nguyễn Trực [1417-1474], là người xã Bối Khê huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông [nay thuộc xã Tam Hưng huyện Thanh Oai, Hà Nội].

Ông làm quan trải qua các chức như: Thự trung thư lệnh, Tri tam quán sự, đặc thụ Hàn lâm viện Thừa chỉ kiêm Tế tửu Quốc tử giám, từng được cử đi sứ sang nhà Minh.

Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ [1424-1525], người xã Đại Lan, huyện Thanh Đàm [nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội]; sau trú quán tại làng Tử Dương huyện Thượng Phúc [nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội]. Ông làm quan Thượng thư Bộ Lại kiêm Tế tửu Quốc tử giám. Ông được cử 3 lần đi sứ sang nhà Minh.

Thám hoa Lương Như Hộc [1420-1501], người xã Hồng Liễu, huyện Trường Tân [nay là xã Tân Hưng thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương].

Ông làm quan đến chức Đô Ngự sử, hai lần được cử đi sứ sang nhà Minh, được về trí sĩ. Ông có công dạy nghề khắc ván in cho dân làng Hồng Liễu. Sau khi ông mất, dân làng tôn thờ làm thành hoàng.

Đứng đầu danh sách đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân là Ngô Sĩ Liên [không rõ năm sinh, năm mất] người xã Chúc Sơn, huyện Chương Đức [nay thuộc xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội].

Ông giữ các chức quan như Đô Ngự sử, Hữu Thị lang Bộ Lễ, Quốc tử giám Tư nghiệp, kiêm Sử quán Tu soạn. Là nhà viết sử nổi tiếng, ông đã biên soạn bộ sử lớn của đất nước là Đại Việt sử kí toàn thư, chép từ thời Hồng Bàng đến khi vua Lê Thái Tổ lên ngôi.

Vua Lý Thánh Tông lập Văn Miếu Năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho lập Văn Miếu với mong muốn phát triển hệ thống khoa cử ở nước ta.

Du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám [phố Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, TP Hà Nội] đều trầm trồ ngắm nhìn những tấm bia Tiến sĩ, gắn với con rùa bằng đá.

Tại sao bia đá lại được đặt trên lưng rùa?

Trong khuôn viên của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám có một khu vườn từ Khuê Văn Các đến cửa Đại Thành, gọi là vườn bia đá Tiến sĩ. Sát bờ hồ Thiên Quang Tỉnh là lối đi và những dãy bia đá trang nghiêm, cổ kính dựng thành hai khu Đông và Tây. Mỗi khu chứa hai dãy bia đá, tất cả gồm 82 tấm bia ghi tên họ quê quán của những người đã đỗ Tiến sĩ triều Lê.

Cổng chính Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Chú rùa cõng trên mình tấm bia Tiến sĩ, nó đã trở thành biểu tượng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. GS Phan Huy Lê cho biết: Hình ảnh con rùa vốn rất gần gũi trong đời sống người Việt Nam. Trong các bàn thờ thờ Thành hoàng làng hình ảnh con rùa và con hạc thường uy nghi đứng hai bên như một vật biểu linh cho tinh thần, sức mạnh của dân tộc. Có lẽ vì thế vua quan thời Lê cũng đã lấy hình tượng con rùa để gắn liền với bia Tiến sĩ.

Cũng theo GS Phan Huy Lê, trong quan niệm của người Á Đông, rùa được xem là biểu tượng của vũ trụ. Mai rùa tượng trưng cho bầu trời, còn bụng rùa tượng trưng cho mặt đất. Ở nước ta, con rùa có vị trí rất đặc biệt từ thời An Dương Vương xây thành ốc Cổ Loa tại Đông Anh, Hà Nội. Xưa kia, An Dương Vương cho quân lính xây thành nhiều lần, nhưng cứ xây xong thành lại bị đổ mà không biết nguyên do gì. Sau này thần rùa Kim Quy xuất hiện đã giúp cho An Dương Vương xây dựng thành công thành Cổ Loa. Sau này rùa thần trao cho An Dương Vương một chiếc nỏ thần có thể bắn một lần trăm phát, đánh trăm trận trăm thắng.

Rùa đá đội bia Tiến sĩ bị du khách sờ nhẵn đầu.

Theo truyền thuyết kể về Lê Lợi sau khi đánh thắng giặc Minh nhờ thanh kiếm thần, một hôm đi dạo thuyền chơi trên hồ Tả Vọng, Long vương đã cho rùa thần lên đòi lại kiếm. Từ đó hồ Tả Vọng có tên là hồ Hoàn Kiếm. Như vậy, việc đặt bia Tiến sĩ trên lưng rùa không chỉ thể hiện cho sự trường tồn bất diệt của thời gian mà nó còn có ý nghĩa linh thiêng.

Đá làm bia được lấy từ Thanh Hóa

Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thọ cho biết, việc chạm khắc bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được thực hiện rất công phu, có giá trị lớn về nghệ thuật điêu khắc. Công việc thường do các quan Thượng thư, Tham tri bộ Lễ đích thân trông nom. Việc chọn đá, tuyển thợ khắc do bộ Công đảm nhiệm. Loại đá thanh [đá vôi mịn] có kết cấu vững chắc, có sức chịu đựng phong hóa, dùng tạc bia chủ yếu được lấy từ núi đá làng An Hoạch, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Đá ở núi đá này nổi tiếng từ lâu đời đã được dùng vào các công trình điêu khắc bia, khánh tượng đời Lý. Người đương thời đã từng ca ngợi: "Ở phía Tây Nam của huyện Đông Sơn có một quả núi lớn và cao gọi là núi An Hoạch, sẵn nhiều đá đẹp là tài sản quý giá của nhà nước. Loại đá này óng ánh như thạch lam, chất biếc xanh như khói nhạt. Sau này người ta tạc đá ấy làm khí cụ như tạc thành khánh đá, đánh lên tiếng ngân muôn dặm; hoặc dùng làm bia để lại muôn đời" [Chu Văn Thường - An Hoạch sơn Báo ân tự bi ký].

Du khách nước ngoài rất quan tâm tới bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Có giả thiết rằng, từ núi đá An Hoạch vua quan nhà Lê đã cho lính dùng ngựa để vận chuyển đá ra bờ sông Mã đóng thuyền chở về Thăng Long. Từ bờ sông Mã, quân lính sẽ ngược về sông Hồng, chuyển đá về Văn Miếu để dựng bia.

Kiến Thức [Theo Kiến Thức]

Video liên quan

Chủ Đề