Tại sao có ngày ông công ông táo

Cúng ông công ông táo giờ nào đẹp

  • 1. Lễ cúng 23 tháng Chạp là gì?
  • 2. Cúng ông táo trước ngày 23 có được không
  • 3. Vì sao phải làm trước 12 giờ trưa 23 tháng Chạp?
  • 4. Đón ông Công ông Táo về ăn Tết

Tại sao phải cúng ông Công ông Táo trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp? và tìm hiểu về phong tục cúng ông Công ông Táo hay cách chuẩn bị cúng ông Táo về trời như nào.

1. Lễ cúng 23 tháng Chạp là gì?

Nghi lễ cúng ông Táo [23 tháng Chạp] – ba vị thần cai quản việc bếp núc để tổng kết mọi việc lớn nhỏ trong năm của mỗi nhà.

Ngày 23 tháng Chạp - ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán. Sau khi tiễn đưa ông Táo, mọi người bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, cắm hoa ở những nơi trang trọng.

Theo tục cổ truyền thì Táo quân gồm hai ông và một bà, tượng trưng là 3 cỗ "đầu rau" hay "chiếc kiềng 3 chân" ở nhà bếp.

Lễ vật cúng Táo quân gồm có: Hai mũ cánh chuồn dành cho các Táo ông, một mũ không có cánh chuồn dành cho Táo bà.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh – Giám đốc Trung tâm Lý học Đông phương, lễ cúng ngày 23 tháng Chạp, các gia đình thường cúng trên bàn thờ gia tiên với cách gọi nôm na là cúng ông Công, ông Táo. Tuy nhiên, đây là hai vị thần khác nhau. Ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà.

Ông Táo là 3 vị đầu rau [2 nam, 1 nữ] trông coi việc bếp núc trong gia đình. Lễ cúng 23 tháng Chạp là lễ tiễn chung ông Công, ông Táo về chầu trời, người dân thường gộp chung cúng trên bàn thờ là chưa đúng. Trong ngày này, ông Táo phải được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng trên bàn thờ chính trên nhà cùng với gia tiên mới đúng.

Về "phương tiện" để ông Công, ông Táo "chầu trời", ở miền Bắc thường cúng cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa long" - cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.

Ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta có thể làm lễ mặn [với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng...] hay lễ chay [với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc...] để tiễn Táo quân.

Theo các vị xuất gia, việc cúng này cần thành tâm và tùy theo gia cảnh. Lễ vật không nên quá câu nệ, có điều kiện thì làm mâm cơm canh, còn không thì thành tâm hoa quả là được. Không nên đốt nhiều vàng mã, quần áo hoặc sắm sanh ngựa, nhà, ô tô... vì vừa lãng phí mà cũng không thể hiện được cái tâm hướng thiện của mình.

2. Cúng ông táo trước ngày 23 có được không

Thông thường, lễ cúng Táo quân được thực hiện trước 12 giờ trưa [giờ Ngọ] ngày 23 tháng Chạp. Theo quan niệm dân gian là đến 12h trưa ngày 23 tháng Chạp là hạn chót các Táo về trời. Táo được tiễn sớm quá cũng được nhưng các gia đình rất hãn hữu làm như vậy vì cho rằng tiễn Táo sớm quá khiến Táo phải chờ đợi Thiên đình mở cửa để đón Táo.

Tham khảo ngày đẹp để làm lễ cúng ông Công ông Táo năm cuối năm 2021.

  • Ngày 21 tháng Chạp [tức 23/1/2022 dương lịch]: Ngày Bính Tý, niên mệnh Giản Hạ Thủy, Lục nhâm Lưu niên.
  • Ngày 23 tháng Chạp [tức 25/1/2022 dương lịch]: Ngày Mậu Dần, Hoàng Đạo, niên mệnh Thành Đầu Thổ, Lục nhâm Xích khẩu.

>>>> Cách chọn giờ đẹp để làm lễ cúng ông Công ông Táo

3. Vì sao phải làm trước 12 giờ trưa 23 tháng Chạp?

Theo các chuyên gia văn hóa, tục lệ này bắt nguồn từ câu chuyện ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành sự tích “2 ông 1 bà” trong đó bao gồm thần đất, thần nhà và vị thần bếp núc. Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lại cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng.

Tục cúng ông Công ông Táo không phải là hủ tục mê tín dị đoan mà là một tín ngưỡng văn hóa dân gian hướng con người đến những điều thiện và giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Đặc biệt, đề cao và nhắc nhở mỗi cá nhân phải chăm lo, thu vén cho tổ ấm gia đình.

Theo quan niệm dân gian, 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp chính là thời điểm ông Công, ông Táo đã bay về chầu trời. Vì thế, việc cúng lễ cần tiến hành trước giờ này, nếu không, sẽ không kịp giờ để các thần lên thiên đình. Nếu để chiều hay thậm chí là tối ngày 23 mới cáo lễ tiễn đưa ông Công ông Táo về Trời, sợ rằng ông Công ông Táo sẽ không nhận được lễ vật tâm thành của gia chủ.

Tuy nhiên, theo thầy Thích Trí Thịnh, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng, giờ đây nhiều gia đình ai cũng phải đi làm, không thể nghỉ ở nhà để chuẩn bị lễ vào trước giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Vì thế, chúng ta vẫn có thể cúng sau 12 giờ ngày 23 tháng Chạp, thậm chí, có thể cúng vào chiều, tối cũng không sao, cần thành tâm. Nhưng trong ngày 23 tháng Chạp, giờ Ngọ [tức từ 11h tới 13h] là giờ tối linh thiêng, thích hợp nhất để cúng ông Công, ông Táo.

Tùy theo từng gia cảnh, bên cạnh vàng mã, mũ mão, cá chép phóng sinh, còn có thể làm lễ mặn [với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng...] hay lễ chay [với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc...] để cúng Táo Công.

Khi hương cháy hết 2/3 là có thể hóa vàng mã, phóng sinh cá chép để tiễn ông Công, ông Táo về trời.

4. Đón ông Công ông Táo về ăn Tết

Theo quan niệm dân gian Việt Nam, Ông Công, ông Táo lên trời báo cáo thỉnh thị Ngọc Hoàng trong 7 ngày [từ 23 - 30 tháng Chạp]. Những năm lịch âm không có ngày 30 thì làm lễ đón ông Công, ông Táo về vào ngày 29 tháng Chạp. Các gia đình ngày 30 Tết hoặc 29 Tết sẽ làm lễ rước ông Táo về nhà. Mời các bạn tham khảo bài văn khấn rước ông Táo về nhà cùng các lễ vật cần sắm.

Xem thêm

  • Sự tích ông Công ông Táo
  • Bản tin Tết 2022: Cúng ông Công ông Táo như nào cho đúng
  • Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa
  • Văn khấn cúng giao thừa ngoài trời năm 2022
  • Bài văn khấn cúng Lễ Tất niên cuối năm

Và còn rất nhiều bài viết hay về Tết âm lịch mời các bạn xem thêm trên chuyên mục Tết nguyên đán 2022 của VnDoc.

Tại sao lễ cúng ông Công ông Táo phải có cá chép?

Theo quan niệm dân gian, trong lễ cúng ông Công ông Táo không thể thiếu cá chép. Loài vật này sẽ hóa rồng, đưa ông Táo về trời và đem lại thành công, thịnh vượng cho gia chủ. Vậy tại sao lại chỉ thả cá chép mà không phải con vật nào khác?

Theo phong tục văn hóa cổ truyền của người Việt, cứ đến 23 tháng Chạp hàng năm là mọi gia đình làm mâm cúng tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. Họ tin rằng, Táo quân cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo những việc đã làm và chưa làm được trong năm vừa qua trình báo với Ngọc Hoàng. Sau đó, đến đêm giao thừa, các Táo mới trở lại trần gian tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình.


Các gia đình thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp là dựa trên sự tích cá chép vượt vũ môn và hóa rồng.

Trước những thắc mắc của nhiều người rằng, tại sao cúng ông Công ông Táo mọi người đều lựa chọn cá chép để thả? Có thể thay bằng con vật khác hay không? PV đã tham khảo ý kiến của một số nhà nghiên cứu văn hóa.

Giải thích về lý do cũng như ý nghĩa phóng sinh cá chép, ông Nguyễn Cung Hà Phó Chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm Lý thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người; Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu và ứng dụng văn hóa Á Đông cho biết: "Các gia đình thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp là dựa trên sự tích cá chép vượt vũ môn và hóa rồng. Trong tất cả các loài sống dưới nước chỉ có cá chép là có thể vượt qua vũ môn lên trời và hoá thành rồng được.

Tương truyền rằng, cá chép khi muốn trở thành con rồng phải qua 3 kỳ thi. Mỗi kỳ thi như vậy là lên gần trời hơn một chút, phải qua những ghềnh thác cao. Bài thứ nhất là phải búng đuôi qua một cái thác cao, hiểm trở. Khi cá chép búng qua được thì đuôi thay đổi, có sức mạnh hơn. Qua bài thứ 2, sóng gió mưa vần vũ dữ dội hơn nhưng cá chép vẫn vượt qua. Lúc này, một nửa mình cá chép đã hóa rồng. Sau khi búng qua được bài thi thứ 3 thì toàn thân cá chép hóa thành rồng".

Trao đổi thêm với PV, ông Nguyễn Hào Hùng nguyên là Cán bộ nghiên cứu Viện nghiên cứu Đông Nam Á và từng là Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á cho hay không thể thay thế cá chép bằng con vật nào khác trong ngày cúng ông Công ông Táo: "Cá chép là phương tiện đi lại duy nhất không thể thay thế để Táo quân về trời. Do đó, không thể thay cá chép bằng con vật khác. Huống hồ cá chép đã trở thành biểu tượng của văn hóa: Cá hóa long [hóa rồng], cá vượt vũ môn [tôn vinh sự học thành đạt], thể hiện sự từ bi của người Việt [phóng sinh] đẹp như thế dễ gì thay được".

Ngoài ra, cá chép còn đại diện cho sự phát triển và khả năng sinh sôi rất lớn. Điều này tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi, phát triển của người Việt xưa.

Còn theo chia sẻ của GS.TS Ngô Đức Thịnh [Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam], Tết ông Công ông Táo là một Tết riêng, nhưng thực chất nó lại mở đầu cho Tết Nguyên đán.

Theo quan niệm, ông Công ông Táo ở trong mỗi gian bếp của gia đình, do đó những việc tốt, xấu, hòa thuận hay không của gia đình đó ông Công ông Táo đều nắm rõ.

Giáo sư Đức Thịnh cho rằng ý nghĩa giáo dục của ngày này là mọi người sống như nào để khi Táo quân về chầu trời sẽ nói những điều tốt đẹp về gia đình đó. Từ đó các quan thần linh thổ địa sẽ phù hộ cho gia chủ.

Cũng theo sách Việt Nam phong tục, người Việt quan niệm ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình. Phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Bàn thờ thường đặt gần bếp, trên có bài vị thờ viết bằng chữ Hán. Hàng năm, đúng vào 23 tháng Chạp là ngày Táo Công lên chầu trời, có nơi gọi là "Tết ông Công". Lễ cúng có cá chép vì người Việt cho rằng cá này hóa rồng, đưa ông Táo về trời.

Chính vì thế, theo quan niệm dân gian, cá chép phải được thả trước giờ Ngọ [12h trưa ngày 23 tháng Chạp] mới kịp lên thiên đình. Nhiều gia đình thường lựa chọn sông, suối, hồ nước gần nhà để thả cá. Tuy nhiên, thả cá thế nào cho đúng ý nghĩa cũng là vấn đề được mọi người lưu tâm.


Ông Nguyễn Hào Hùng cho biết, không thể thay thế cá chép bằng con vật nào khác trong ngày cúng ông Công ông Táo.

Cùng vấn đề trên, chuyên gia phong thủy Mai Văn Sinh cho biết: "Trong những năm qua, việc thả cá chép được nhiều phương tiện truyền thông phản ánh như có người quăng cá, ném cá có cả túi nilon xuống nước như vậy không chỉ làm ô nhiễm môi trường mà còn sai ý nghĩa với phong tục cổ truyền thiêng liêng".

Theo ông Mai Văn Sinh, thả cá chép trong ngày cúng ông Công ông Táo, mọi người nên thả từ từ, nhẹ nhàng xuống sông hồ để cá có cơ hội sống, đó cũng là hành động thể hiện sự thành kính, thiêng liêng, mang lại những điều tốt lành cho bản thân, gia đình.

Cách chọn cá chép chuẩn nhất để cúng ông Công, ông Táo

Thật ra, việc cúng là tùy tâm, con số bao nhiêu không phải là bắt buộc mà tùy vào quan niệm, niềm tin của mỗi gia đình. Có người cho rằng việc cúng cá chép cũng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, một con cũng được, không có cá chép sống thì đĩa xôi mang hình cá chép, hay dùng cá chép bằng vàng mã cũng được. Có gia đình thường cúng một đôi vì thích sự cân đối, cân bằng.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn làm "chuẩn" theo truyền thuyết về sự tích ông Công ông Táo thì mua 3 con cá chép là phù hợp nhất. Phần lớn những gia đình duy trì tục thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp đều mua 3 con, dành cho 3 vị Táo quân.

Nên chọn cá chép giấy hay cá chép sống?

Nếu đã cúng cá chép giấy thì thôi cá chép sống và ngược lại. Cá chép sống dùng để cúng ông Công, ông Táo thường được chọn mua là cá chép đỏ.

Sau khi mua về nhà, nên thả vào một bát nước sạch, thả thêm 1 cọng rêu nhỏ vào bát nếu mua cá trước thời gian cúng lâu. Khi cúng bát [chậu] cá chép được để cạnh mâm cỗ cúng.

Chọn cá chép khỏe mạnh, đẹp thế nào?

Những con cá để dâng lên Táo Quân không nhất thiết phải là con cá to, miễn sao cá khỏe mạnh, không bị trầy xước, mất vảy là được. Để thử độ khỏe mạnh của cá, bạn có thể chạm nhẹ vào mặt nước chậu đựng cá, nếu thấy cá bơi nhanh, quẫy mạnh thì đó là con cá khỏe mạnh.

Nếu kỹ hơn, bạn có thể lật nhẹ mang cá lên để kiểm tra, nếu mang cá đỏ tươi nghĩa là đó là cá khỏe mạnh. Nếu mang cá màu đỏ thâm thì đó là con cá yếu, chỉ để một thời gian ngắn có thể chết.


Khi đi phóng sinh cá các bạn cần chọn những ao, hồ nước sạch, không gian rộng và không quá ô nhiễm.

Khi đi phóng sinh cá các bạn cần chọn những ao, hồ nước sạch, không gian rộng và không quá ô nhiễm. Khi thả, không đứng trên cao đổ xuống hay vứt cả túi cá xuống, làm như vậy cá có thể bị chết, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Cách đúng nhất để phóng sinh cá đó là chọn chỗ mép nước gần, nhẹ nhàng nghiêng bát hoặc túi để cá tự quẫy, bơi vào dòng nước.

Cập nhật: 18/01/2022 Tổng Hợp

Video liên quan

Chủ Đề