Quyền được chết nhân đạo là gì

Nguyễn Thị Thanh Loan,

Sinh viên K15502C, ĐH Kinh tế-Luật, ĐH Quốc gia TP. HCM.

 “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”- trích Điều 19 Hiến Pháp 2013. Trong khi sống được coi là một quyền cơ bản và quan trọng nhất của con người, đây cũng là một trong những nội dung quan trọng của Nhân quyền, thì chết vẫn đang còn là một vấn đề gây tranh cãi không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Có nước ủng hộ nhưng cũng có nước phản đối hợp pháp hóa “quyền được chết”. Tôi tin rằng, khi chúng ta nhìn nhận vấn đề này ở góc độ nhân đạo thì việc hợp pháp hóa “quyền được chết”sẽ bớt đi không ít tiêu cực xung quanh nó.

Từ khóa: quyền được chết, an tử, trợ tử, nhân đạo.

1. Từ câu chuyện của Karen Ann Quinlan…

Phán quyết của Tòa án tối cao New Jersey vào ngày 31 tháng 3 năm 1976 về việc cho phép ngưng máy trợ sinh của Karen Ann Quinlan đã để lại dấu ấn to lớn trong lịch sử phát triển “quyền được chết” tại nước Mỹ. Karen Ann Quinlan là một phụ nữ người Mỹ 21 tuổi bị kích ngất đến độ hôn mê vì uống rượu trộn chung với thuốc an thần.Cô được cứu sống nhờ máy trợ sinh nhưng não cô đã chết.Từ đó cô sống trong tình trạng thực vật dai dẳng.Cha mẹ của cô cho rằng cô đã chết nên nhiều lần xin án lệnh của tòa để ngưng các phương tiện trợ sinh nhưng các bác sĩ vẫn cho rằng cô chưa chết. Cuối cùng thì tòa án tối cao New Jersey ra phán quyết cho phép ngưng máy trợ sinh, nhưng tim và phổi của cô vẫn hoạt động tới tận mười năm sau, lúc đó cô mới thật sự chết trong nhà dưỡng lão vì bệnh sưng phổi.Sự kiện này đã khơi dậy lên vấn đề “quyền được chết” rằng người sống có được quyền quyết định cái chết của mình, có quyền chấp nhận hay từ chối điều trị trong giai đoạn vô phương cứu chữa

2. Đến những tiếp cận đầu tiên về “quyền được chết” tại Mỹ

Về sau, ngày 01 tháng 10 năm 1976, California trở thành bang đầu tiên của Mỹ  thông qua đạo luật California’s Natural Death Act[1] cho phép cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên đang trong tình trạng tỉnh tảo có quyền ký vào một văn bản “tuyên bố” [a declaration], trước sự chứng kiến của 2 người có đủ tư cách, bày tỏ ý muốn về phương thức điều trị sẽ được áp dụng khi họ không còn tỉnh táo nhằm được “chết tự nhiên” như không kéo dài sự sống bằng phương tiện nhân tạo trong trường hợp mắc bệnh nan y. Đến ngày 22 tháng 7 năm 1990, tại bang New York có ban hành luật New York’s Health Care Proxy Law[2] có hiệu lực vào ngày 18 tháng 01 năm 1991, cho phép cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có quyền ký vào 1 văn bản ủy quyền cho người nào đó đại diện cho họ trong lúc không thể đưa ra quyết định nào về việc điều trị y tế của họ, trước sự chứng kiến của 2 người có đủ tư cách. Tuy nhiên có rất nhiều người không bao giờ ký vào văn bản ủy quyền đó cho nên đạo luật New York’s Family Health Care Decisions Act[3] ra đời và được thống đốc bang New York David Paterson phê chuẩn vào ngày 16 tháng 3 năm 2010, có hiệu lực vào ngày 01 tháng 6 năm 2010, cho phép thành viên trong gia đình hay bạn thân của bệnh nhân có thể đưa ra quyết định về phương thức điều trị y tế cho bệnh nhân

3. “Quyền được chết” ngày càng phức tạp hơn trên toàn thế giới

Trong nhiều năm qua, “quyền được chết” trên thế giới càng được thể hiện rõ hơn thông qua hoạt động “an tử” [euthanasia] và “trợ tử” [physician assisted suicide].  Từ điển thuật ngữ pháp lý nổi tiếng thế giới Black’s Law Dictionary định nghĩa “an tử” [euthanasia] là hành động lấy đi mạng sống của người đang phải trải qua căn bệnh vô phương cứu chữa nhằm giải thoát họ khỏi nỗi đau đớn như một sự thương xót[4] và “trợ tử” [physician-assisted suicide] được định nghĩa là hành động có chủ ý của bác sĩ trong việc cung cấp cho một người các phương tiện cũng như kiến thức y tế để giúp người đó tự tử[5]. “Trợ tử” [physician-assisted suicide] thì hợp pháp ở một số nước như Canada, Phần Lan, Thụy Sĩ,.. nhưng lại bất hợp pháp ở Colombia, Nga,Thổ Nhĩ Kỳ,..[6] Còn “an tử” [euthanasia] thì có quy định phức tạp hơn, ví dụ như Ấn Độ dựa trên cách thức thực hiện “an tử” để chia “an tử” [euthanasia] thành 2 loại là “an tử chủ động” [active euthanasia- an tử được thực hiện bởi một người thường là người hành nghề y, cung cấp phương tiện và trực tiếp lấy đi cái chết của người khác[7] , ví dụ như tiêm thuốc độc hoặc làm cho ngạt thở] và “an tử bị động” [passive euthanasia- an tử được thực hiện bằng cách từ chối cung cấp phương tiện duy trì sự sống hoặc tiếp tục điều trị để cố ý dẫn đến cái chết[8], ví dụ như ngừng điều trị hoặc ngừng cung cấp thức ăn nước uống]. Sở dĩ có sự phân loại này vì Ấn Độ quy định “an tử bị động” [passive euthanasia] là hợp pháp nhưng “an tử chủ động” [active euthanasia] lại bất hợp pháp[9]. Ngoài ra, khi dựa trên tính chất ý chí của người được “an tử” thì “an tử” [euthanasia] còn có thể được chia làm ba loại : “an tử tự nguyện” [voluntary euthanasia- an tử được thực hiện sau khi một người đang trong tình trạng nguy kịch có khả năng yêu cầu được chết[10]], “an tử không tự ý” [non-voluntary euthanasia-an tử được thực hiện khi một người đang trong tình trạng nguy kịch không có khả năng yêu cầu được chết[11], thường là do người đó đang bất tỉnh, còn quá nhỏ, đang mơ hồ hoặc chậm phát triển tâm thần[12]] và “an tử không tự nguyện” [involuntary euthanasia- an tử được thực hiện khi một người có khả năng yêu cầu được chết nhưng đã không làm vậy[13]]

4. Nên nhìn nhận “quyền được chết” ở khía cạnh nhân đạo

Theo tiến sĩ Dương Đức Hùng, trưởng Đơn vị phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch Quốc gia, bệnh viện Bạch Mai thì ở bất cứ chuyện gì, khi nhìn ở góc độ tốt nó sẽ tốt, nhìn ở góc độ xấu nó sẽ xấu và trong câu chuyện về “quyền được chết” thì chúng ta nên nhìn ở khía cạnh nhân đạo. Tôi cũng đồng ý với quan điểm trên.Theo từ điển tiếng Việt do GS.Hoàng Phê [chủ biên] thì “nhân” là lòng thương người, “đạo” là đường lối, nguyên tắc mà con người có bổn phận giữ gìn và tuân theo trong cuộc sống xã hội, “nhân đạo” là đạo đức thể hiện ở sự thương yêu, quý trọng và bảo vệ con người. Như vậy, có thể hiểu là khi hành vi của chúng ta là vì yêu thương con người thì sẽ được mọi người trong xã hội ủng hộ. Tình yêu thương con người tuy là vô hình nhưng sự hiện diện của nó lại là hữu hình, nó len lỏi vào từng góc nhỏ của cuộc sống thường nhật, mà biểu hiện giản dị, gần gũi nhất của tình yêu thương con người chính là tình yêu thương cha mẹ, anh chị, hay người thân trong gia đình, rộng ra là tình yêu thương những người xa lạ trong toàn xã hội.

Trong văn học, giá trị nhân đạo là một phần không thể thiếu trong những tác phẩm nổi tiếng.Đại thi hào Nguyễn Du đã cụ thể hóa lòng nhân đạo của mình trong từng trang thơ viết về số phận của Kiều, tuy hành vi bán mình chuộc cha của Kiều bị xã hội lên án nhưng không thể phủ nhận tấm lòng của một người con dành cho cha mình. Hay “nhà văn của những người chân lấm, tay bùn” Ngô Tất Tố đã tạo nên một chị Dậu với lòng yêu chồng thương con tha thiết, dù hành vi bán con cứu chồng của chị cũng vấp phải sự phản đối gay gắt của xã hội nhưng phải đặt mình trong hoàn cảnh của chị, chúng ta sẽ thấy được tình yêu thương của chị. Theo lẽ thông thường, sống tốt thì ai cũng mong muốn nhưng sống trong sự bức ép của cái nghèo đến tột cùng đau khổ thì nên cho họ có tiếng nói riêng của mình như cho nàng Kiều chọn “bán mình chuộc cha” để cha già yếu không phải chịu cảnh đánh đập dã man và cho chị Dậu “bán con cứu chồng” đề chồng không phải chịu cảnh thống khổ của đòn roi trong khi ốm yếu. Tương tự như vậy, sống khỏe thì ai cũng mong muốn nhưng sống trong tình trạng vô phương cứu chữa thì nên có “quyền được chết” để người bệnh ra đi thanh thản bằng “an tử” hoặc “trợ tử”, như lời thỉnh cầu của bà Sebire [Pháp] : “Ngay cả thú vật, người ta cũng không để phải chịu đựng như tôi đang chịu đựng”.Chết chưa phải là điều đáng sợ nhất mà đáng sợ nhất chính là khoảng thời gian chờ chết, thời gian đó không chỉ người bệnh phải chịu đau đớn kéo dài mà cả người thân cũng kiệt quệ về tinh thần và vật chất. Không chỉ vậy, bệnh nhân cần chữa trị thì vô hạn trong khi nguồn nhân lực, quỹ y tế chữa trị thì có hạn, cho nên chúng ta cần cân nhắc thấu đáo để giúp đỡ những bệnh nhân còn có hy vọng cứu sống, những người đang tha thiết được sống thay vì những người không còn khả năng cứu sống.Cho nên việc giúp người bệnh thực hiện “quyền được chết” không chỉ thể hiện tinh thần nhân đạo cho bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân không còn khả năng sống sót mà cho cả bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân còn hy vọng chữa trị.Có thể thấy, những việc làm của nàng Kiều hay chị Dậu khiến xã hội rất khó chấp nhận nên hành vi “an tử” và “trợ tử” vấp phải sự phản đối của xã hội là điều dễ hiểu. Nhưng suy xét một cách thấu đáo ở khía cạnh nhân đạo thì xã hội cũng đã dần dần chấp nhận việc làm của nàng Kiều và chị Dậu, thì việc xã hội chấp nhận “an tử” và “trợ tự” cũng cần thời gian.

Trong luật học, khi xem xét trong mối quan hệ với Luật Nhân quyền quốc tế [NQQT] thì “quyền được chết” có sự gần gũi với hai quyền được ghi nhận trong Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị 1966 [ICCPR], Việt Nam ký năm 1982, đó là “quyền sống” và “quyền không bị tra tấn”.Khoản 1 Điều 6 ICCPR quy định “quyền sống” là “quyền cố hữu” của mọi người.Tuy nhiên, “quyền sống” mang tính tùy nghi hay bắt buộc? Nếu được coi là mang tính tùy nghi thì chủ thể của “quyền sống” sẽ có quyền lựa chọn hưởng thụ hoặc từ bỏ quyền.Do đó, “quyền được chết” sẽ có thể được chấp nhận và không đi ngược với luật NQQT.Còn nếu “quyền sống” được coi là mang tính bắt buộc, chủ thể của quyền sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc hưởng thụ quyền.Cho nên trong trường hợp này “quyền được chết”sẽ đi ngược lại với “quyền sống”, trái luật NQQT.Còn Điều 7 ICCPR quy định “quyền không bị tra tấn” như sau: “Không ai có thể bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm.Đặc biệt, không ai có thể bị sử dụng để làm thí nghiệm y học hoặc khoa học mà không có sự đồng ý tự nguyện của người đó”.Câu hỏi đặt ra là liệu hành vi tước đi sự sống của bệnh nhân trong tình trạng vô phương cứu chữa có được coi là hành vi tàn ác, vô nhân đạo đối với người đó? Và ai có khả năng thực hiện hành vi này mà không bị coi là vô nhân đạo? Nếu bệnh nhân trong tình trạng tỉnh táo thật sự thì mọi chuyện sẽ dễ dàng được giải quyết hơn, nhưng thực tế thì không như vậy, tùy theo góc nhìn của mỗi người về “quyền được chết” mà sẽ có câu trả lời cho hai câu hỏi này.

Khi tôi nhìn nhận “quyền được chết” ở góc độ nhân đạo thì khoản 1 Điều 6 ICCPR không còn mang tính bắt buộc nữa mà sẽ tùy nghi và “quyền được chết” sẽ có ý nghĩa như “quyền tự do cuối cùng của con người” [Luật sư Nguyễn Văn Hậu – phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM].Trong Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền  của cách mạng Pháp 1789 thì câu đầu tiên chính là “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và luôn luôn được tự do bình đẳng về quyền lợi”, có thể thấy nước Pháp đề cao sự tự do và bình đẳng có quyền của con người. Nên vào năm 2013 khi một đôi vợ chồng 86 tuổi người Pháp, Georgette và Bernard Cazes, trước khi tự sát tại một căn phòng khách sạn nổi tiếng đã để lại 2 di chúc, trong đó có 1 di chúc gửi đến các cơ quan chức năng với nguyện vọng hợp pháp hóa quyền được chết trong nước như một quyền tự do của con người, họ viết: “Chẳng phải tự do của tôi đang bị giới hạn bởi tự do của những người khác? Họ lấy quyền gì để ngăn một người muốn ra đi thanh thản khi đã trả đủ thuế, không còn nợ nần, đã làm việc suốt đời và tham gia các hoạt động tình nguyện” thì vào năm 2016, Pháp cũng đã có bước tiếp cận to lớn đến vấn đề “quyền được chết” khi thông qua quyền “Terminal sedation” [cho phép bác sĩ giúp bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu để tránh chịu sự đau đớn hành hạ trước khi chết][14]. Đất nước Việt Nam cũng chịu sự ảnh hưởng lớn từ nước Pháp, câu nói trong Tuyên ngôn trên của Pháp cũng được Bác Hồ trích lại trong Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, nên rất nhiều lần Bác Hồ tuyên bố “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Mà “Người mong muốn những gì dân tộc ta mong muốn” nên có thể thấy tự do và hạnh phúc chính là niềm mơ ước muôn thủa của người dân Việt Nam. Rút kinh nghiệm từ trường hợp của Georgette và Bernard Cazes đòi quyền tự do được chết thì cơ quan lập pháp Việt Nam cũng nên có những bước tiếp cận đầu tiên đến “quyền được chết” tại nước ta. Còn câu hỏi phát sinh từ Điều 7 ICCPR thì không ai khác ngoài bác sĩ chuyên môn sẽ thực hiện hành vi này, người đã theo suốt bệnh nhân trong thời gian dài chữa trị nên cũng sẽ phần nào hiểu được tâm tư nguyên vọng của bênh nhân.Để những việc này diễn ra suôn sẻ thì người bác sĩ đó phải vừa có tâm và vừa có tầm. Có tâm tức là bác sĩ phải giàu lòng nhân đạo, mà Bác Hồ là một tấm gương sáng cho mọi người noi theo,“Người luôn đặt mình trong cùng nỗi đau khổ của nhân loại”.Nếu một người bác sĩ có thể đau chung nỗi đau của bệnh nhân và cả gia đình bệnh nhân, thì chứng tỏ người bác sĩ đó có sự quan tâm lo lắng đến sức khỏe của bệnh nhân.Còn có tầm tức là người bác sĩ đó phải giỏi chuyên môn nghiệp vụ, đam mê học hỏi và trau dồi kiến thức y học trong và ngoài nước. Còn người nhà bệnh nhân cũng cần chủ động ký cam kết khi bác sĩ giúp người thân của họ thực hiện “quyền được chết” .Có như vậy thì vấn đề “quyền được chết” sẽ bớt đi những tiêu cực xung quanh nó.

5. Hợp pháp hóa “quyền được chết” – ban hành luật An tử tại Việt Nam trong một tương lai không xa…

Việc hợp pháp hóa “quyền được chết” chắc chắn không thể làm thỏa mãn hết ước nguyện của người dân, vì ước nguyện của mỗi người là không giống nhau.Do đó, điều mà nhà nước cần làm là làm cho “quyền được chết” không còn xa lạ với người dân, bằng cách tận dụng các phương tiện thông tin đại chúng để truyền bá mục đích nhân đạo của quyền này cho người dân có cái nhìn tích cực hơn. Nhà nước cũng cần ghi nhận “quyền được chết” là quyền nhân thân chính thức, quyền dân sự cơ bản trong đạo luật gốc là Bộ luật Dân sự và được cụ thể hóa trong một Luật chuyên ngành như Luật An tử. Khi ban hành Luật An tử thì nhà nước cũng cần phải có sự kết hợp sửa dổi, bổ sung các luật khác [Hình sự; Khám bệnh, chữa bệnh,…]cho phù hợp với quy định của Luật An tử, đảm bảo cho sự đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật. Điều quan trọng nhất là nhà nước cần phải quan tâm, lắng nghe phản hồi từ nhiều hướng khác nhau trong quá trình xây dựng Luật An tử [ý kiến của các chuyên gia trong các lĩnh vực, của người dân,…] để có sự điều chỉnh kịp thời và phù hợp.

Như vậy, tôi tin rằng việc hợp pháp hóa “quyền được chết” ở Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian, thời gian để nhà nước có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất và người dân có được sự hiểu biết nhất định về quyền này. “Quyền được chết” – Luật An tử cần thiết phải có những “bước đi” đầu tiên ở Việt Nam trong một tương lai không xa.Dẫu những  “bước đi” này sẽ gặp phải nhiều sai sót nhưng nếu chúng ta không thử nghiệm thì sẽ không có cái gọi là sự phát triển./.

[1] //bit.ly/californianaturaldeathact, [truy cập ngày 9-3-2017]

[2] //bit.ly/newyorkhealthcareproxylaw, [truy cập ngày 9-3-2017]

[3] //bit.ly/NEWYORKFHCDA, [truy cập ngày 9-3-2017]

[4] Black’s Law Dictionary [10 th edition, 2014], trang  672

[5] Black’s Law Dictionary, above n 4, trang 1662

[6] //euthanasia.procon.org/view.resource.php?resourceID=000136 , [truy cập ngày 17-02-2017]

[7] Black’s Law Dictionary, above n 4, trang 672

[8] Black’s Law Dictionary, above n 4, trang 673.

[9]//www.thehindu.com/news/national/India-joins-select-nations-in-legalising-quotpassive euthanasiaquot/article14938022.ece , [truy cập ngày 17-02-2017]

[10] Black’s Law Dictionary, above n 4, trang  673

[11] Black’s Law Dictionary, above n 4, trang 672

[12] PJ Downey “Euthanasia: Life Death and the Law” [1995] NZLJ 88, trang 90

[13] Black’s Law Dictionary, above n 4, trang 672

[14] //www.lifesitenews.com/opinion/frances-new-end-of-life-law-more-extreme-than-belgiums , [truy cập ngày 11-3-2017]

Tài liệu tham khảo:

  1. Vũ Công Giao- Nguyễn Minh Tâm, Quyền an tử theo Luật Nhân quyền quốc tế, pháp luật ở một số quốc gia và gợi mở cho Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2016.
  2. Nguyễn Mai Chi, Quyền an tử- Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2014.
  3. //luanvan.co/luan-van/luat-dan-su-viet-nam-van-de-quyen-duoc-chet-an-tu-8968/#, [ngày truy cập 23-02-2017]

Chủ Đề