Phân tịch nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ

QPTD -Thứ Hai, 14/09/2020, 09:10 [GMT+7]

Về quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”

Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng ghi rõ: “tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn”; trong đó, “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” là mối quan hệ cơ bản, bao trùm nhất, quyết định vận mệnh và sự tồn tại, phát triển của cách mạng nước ta.

1.“Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” - quan hệ đặc trưng bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa; trong đó có Việt Nam. Với sự ra đời của Nhà nước Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở thế kỷ XX, hình thức tổ chức nhà nước cùng cơ cấu xã hội ở các nước theo chế độ xã hội này gồm ba thành phần chính: Đảng Cộng sản, Nhà nước và Nhân dân. Ba thành phần này có quan hệ biện chứng, thống nhất với nhau; trong đó, Đảng Cộng sản giữ vai trò lãnh đạo; Nhà nước đại diện cao nhất của quốc thể thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại; Nhân dân làm chủ trong thực hiện đường lối lãnh đạo, bầu cử lập ra hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước và thụ hưởng thành quả lãnh đạo, v.v. Ở nước ta, ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, kế thừa giá trị truyền thống dân tộc và xác định: “Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ra để lãnh đạo quần chúng lao khổ làm giai cấp đấu tranh để tiêu trừ tư bản đế quốc chủ nghĩa, làm cho thực hiện xã hội cộng sản”1. Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 06/01/1946, Chính phủ lâm thời tổ chức Tổng tuyển cử toàn dân theo nguyên tắc “phổ thông đầu phiếu”, bầu ra Quốc hội - cơ quan lập pháp đầu tiên, đánh dấu bước ngoặt ra đời của Nhà nước kiểu mới. Kể từ đó, xã hội Việt Nam hội tụ đủ ba thành phần chính là: Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I, ngày 09/11/1946đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên; trong đó xác định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn dân Việt Nam,...”2 và những quy định về quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ,... của các cơ quan, các chức danh trong bộ máy nhà nước, quy định về việc sửa đổi Hiến pháp, v.v. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn thiết lập và giải quyết tốt mối quan hệ: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”; vì thế, đã thay đổi vận mệnh đất nước, dân tộc, con người Việt Nam; đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Hiện Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, với mức thu nhập [năm 2019] bình quân gần 3.000 USD/người/năm; tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế, trở thành một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động của cộng đồng quốc tế; đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

2. Thực chất quan hệ: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” ở nước ta. Đây là mối quan hệ biện chứng giữa ba thành phần chủ yếu trong xã hội; vị trí, vai trò và sự tác động ảnh hưởng của mỗi thành phần có sự khác nhau, nhưng cùng thống nhất ở mục tiêu là thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Trong đó, quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, là quan hệ giữa chủ thể lãnh đạo và người triển khai, tổ chức sự lãnh đạo. Để bảo vệ, giữ vững thành quả cách mạng và thay mặt Nhân dân quản lý, điều hành, duy trì sự vận động, phát triển tiến bộ xã hội cùng với thực hiện chức năng của một nhà nước độc lập ngang hàng với tất cả các nhà nước khác, Đảng lãnh đạo Nhân dân lập nên hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước và chính quyền từ Trung ương đến địa phương, cơ sở [gọi tắt là Nhà nước]. Thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng và Nhà nước để thể chế hóa, triển khai, tổ chức Nhân dân thực hiện thắng lợi mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với phương thức đó cùng những thành quả đạt được trong hơn 90 năm qua, Đảng ta luôn được Nhân dân tin, theo và thừa nhận vai trò cầm quyền. Thực hiện thể chế “nhất nguyên” - Đảng nắm giữ, sử dụng quyền lực Nhà nước, lãnh đạo Nhà nước và toàn dân thực hiện mục tiêu của Đảng. Dù vậy, Đảng không “nhà nước hóa”, “hành chính hóa”, không bao biện, làm thay công việc của Nhà nước, không đứng trên, hay đứng ngoài Nhà nước, mà là một bộ phận của hệ thống chính trị; mỗi tổ chức, cán bộ, đảng viên của Đảng đều phải gương mẫu chấp hành và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật. Từ khi thiết lập Nhà nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn nhất quán xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; có hệ thống bộ máy trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát và Nhà nước thống nhất các quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai tổ chức thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng. Theo đó, công tác xây dựng, ban hành pháp luật được Quốc hội thực hiện với quy trình chặt chẽ, phát huy dân chủ, theo sát sự vận động, phát triển của thực tiễn, ngày càng hoàn thiện và bao quát khá đầy đủ các lĩnh vực đời sống xã hội. Hoạt động điều hành của Chính phủ và hệ thống chính quyền các cấp bảo đảm linh hoạt, năng động, sáng tạo thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được tăng cường, độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc được giữ vững; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Công tác tư pháp ngày càng khẳng định vị thế trong duy trì và bảo vệ nghiêm Hiến pháp, pháp luật. Với phương châm: bình đẳng “không có vùng cấm” trong thực thi pháp luật, những năm qua, lĩnh vực này đã điều tra, xét xử nhiều vụ án; trong đó, nhiều đại án với những cán bộ cấp cao vi phạm bị xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần củng cố, giữ vững niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Quan hệ: Đảng - Nhân dân là quan hệ giữa chủ thể lãnh đạo và người trực tiếp quyết định kết quả lãnh đạo, thụ hưởng thành quả lãnh đạo. Kế thừa và vận dụng các quan điểm về vai trò, sức mạnh của quần chúng: “đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “cách mạng là sự nghiệp quần chúng”, “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”,... Đảng ta xác định: “Đảng gắn bó chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân”3. Để thực hiện mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”, toàn bộ hoạt động của Đảng đều xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; thường xuyên quán triệt và thực hiện tốt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Vì thế, giữ gìn, củng cố mối quan hệ gắn bó máu thịt với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng luôn là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Đảng. Nhân dân - người trực tiếp thực hiện, chuyển hóa đường lối của Đảng thành hiện thực; đồng thời, là người thụ hưởng thành quả những đường lối đó. Bởi vậy, Nhân dân là người làm nên lịch sử và là chủ nhân thực sự của đất nước; chất lượng đời sống của Nhân dân và sự phát triển tiến bộ xã hội của đất nước là kiểm chứng thực tiễn chính xác nhất, nhằm bổ sung, phát triển năng lực toàn diện của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta.

Quan hệ: Nhà nước - Nhân dân, là quan hệ giữa chủ nhân và “công bộc”. Hiến pháp hiện hành - đạo luật cao nhất của nước ta ghi rõ: “Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”4; Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Vì thế, “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân”5. Thực tế là, bộ máy nhà nước do Nhân dân lập ra để thay mặt Nhân dân quản lý, điều hành, duy trì mọi mặt hoạt động, thúc đẩy xã hội phát triển; thực hiện các chức năng đối nội, đối ngoại dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhà nước quản lý xã hội bằng Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ và thực hiện đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; tổ chức Nhân dân xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, sử dụng công cụ quyền lực được Nhân dân trao cho để trấn áp, trừng trị thích đáng những hành vi vi phạm pháp luật, phương hại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của Nhân dân, cản trở, xuyên tạc, phủ nhận, phá hoại,... sự nghiệp cách mạng ở nước ta. Về vấn đề này, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”6.

Như vậy, thực chất mối quan hệ: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” là cơ chế vận hành, quyết định hiệu quả sự vận động, phát triển của cách mạng Việt Nam. Mọi hoạt động lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đều vì Nhân dân và do Nhân dân ủy nhiệm: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.... Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”7.

3. Góp phần thực hiện tốt quan hệ: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” trong tình hình hiện nay. Nhận thức đúng và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết tốt quan hệ này là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng mọi tầng lớp nhân dân ta; trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức cho mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân nắm chắc bản chất quan hệ: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Chú trọng vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm xã hội,... của từng thành phần; từ đó, tích cực, tự giác thực hiện tốt quyền lợi, nghĩa vụ công dân, gắn với chức trách, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Nhân dân và xã hội giao phó.

Hai là, thường xuyên xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức; nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu, nhất là năng lực dự báo, hoạch định đường lối phù hợp với sự vận động, phát triển của thực tiễn. Sớm hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm trong sạch hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Ba là, xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, gắn với giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống bộ máy nhà nước. Thực hiện quản lý xã hội bằng Hiến pháp, pháp luật, không có vùng cấm trong thực thi pháp luật; bảo đảm mọi quyền lực Nhà nước thực sự thuộc về Nhân dân, mọi hoạt động của Nhà nước đều vì: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bốn là, bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực trong việc mở rộng dân chủ, đi đôi với giữ vững kỷ cương, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa để Nhân dân thực sự là chủ nhân của đất nước. Lợi ích, sức mạnh của đất nước đồng nhất với lợi ích, sức mạnh của Nhân dân. Sứ mệnh, vai trò của Đảng, Nhà nước là bảo vệ và phục vụ Nhân dân. Quyền lực của Đảng, Nhà nước là do Nhân dân ủy thác. Đảng viên và cán bộ, công chức, viên chức là con em của Nhân dân, được Nhân dân nuôi dưỡng phải thực sự là “công bộc”, “đầy tớ” trung thành của Nhân dân.

Năm là, tích cực, chủ động, nhạy bén nhận diện những thủ đoạn mới và kiên quyết đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu,... chống phá thành quả cách mạng cùng những quan điểm “tư bản hóa” Việt Nam, chia rẽ Đảng với Nhân dân, xuyên tạc, phá hoại quan hệ: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.

VĂN THẢNH – VĂN KIỀU*
_______________

* - Đại tá Nguyễn Văn Kiều, Khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Hậu cần.

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 1998, tr. 07.

2 - 60 năm Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb QĐND, H. 2005, tr. 217.

3 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 89.

4 - Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb CTQG, H. 2014, tr. 09.

5 - Sđd, tr. 11.

6 - Sđd, tr. 11.

7 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 232.

Video liên quan

Chủ Đề