Phân tích một số vấn de thực tế của chính sách tài khóa

Chính sách tài khoá và vấn đề đặt ra

[ĐCSVN] - Thời gian gần đây, tình hình tài khoá gặp không ít khó khăn, thách thức. Trước tình hình này, chính sách tài khoá đã có những điều chỉnh kịp thời nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, và đặc biệt đã tích cực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, doanh nghiệp.

Theo TS. Trần Văn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, việc điều chỉnh chính sách thu ở một số sắc thuế đã bù đắp sự giảm thu ngân sách nhà nước, trong khi vẫn tiếp tục thực hiện lộ trình giảm thuế đúng với cam kết theo các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 ước đạt trên 863 nghìn tỷ đồng, bằng 110,3% dự toán. Chi cân đối ngân sách nhà nước đạt 1.087,52 nghìn tỷ đồng, trong đó chi NSNN cho đầu tư phát triển cả năm đạt 124,9% dự toán, tập trung hoàn thành các công trình, dự án quan trọng. Trước những khó khăn của nền kinh tế nên mặc dù thu ngân sách tăng so với dự toán, Quốc hội vẫn quyết định giữ nguyên mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2014 là 5,3% GDP, bằng 224 nghìn tỷ đồng. Trong 7 tháng năm 2015 [tính đến ngày 15/7], theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách ước tính đạt 476,5 nghìn tỷ đồng, bằng 52,3% dự toán năm. Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2015 ước tính đạt 590,9 nghìn tỷ đồng, bằng 51,5% dự toán năm.

Tình hình tài khoá cơ bản ổn định

Năm 2014, công tác huy động vốn trong nước có nhiều thuận lợi do mặt bằng lãi suất huy động giảm, trái phiếu chính phủ đạt trên 248 nghìn tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2013. Chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng dần trở thành hiện thực. Đi đầu trong lĩnh vực này là ngành giao thông vận tải đã huy động được 194 nghìn tỷ vốn đầu tư từ khu vực tư nhân theo các hình thức hợp tác công - tư [PPP] đã được huy động trong thời gian qua, nhất là trong các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A, 14, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo Nghị quyết của Quốc hội và đã có trên 100 doanh nghiệp đăng ký tham gia thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa nhiều dự án trong tổng số hơn 50 dự án được ngành giao thông vận tải nghiên cứu triển khai theo hình thức PPP thuộc các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải và hàng không.

Ảnh minh hoạ [Nguồn: cus.vnu.edu.vn]

Năm 2014, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư công, đổi mới và quản lý đầu tư theo kế hoạch trung hạn. Vốn được huy động tập trung cho các công trình quan trọng và cấp thiết, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, khắc phụ tình trạng đầu tư dàn trải. Năm 2014 là năm thứ 3 thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trong đó có triển khai tái cơ cấu đầu tư đi đôi với việc tiếp tục giảm dần đầu tư công, giảm tỷ trọng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, hoàn thiện thể chế về đầu tư nhằm huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển được huy động và sử dụng ngày càng tốt. Các chính sách tài chính, tiền tệ tiếp tục phát huy tác dụng, tập trung vào việc duy trì lãi suất thấp đã tạo điều kiện thúc đẩy thu hút và giải ngân vốn đầu tư. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phối hợp thực hiện tốt việc tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch được giao. Đây cũng là một trong những điểm mấu chốt để đảm bảo tiến độ thực hiện của các dự án công trình, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và khối lượng thực hiện hoàn thành.

Ngoài ra, các địa phương trên cả nước đẩy mạnh huy động các nguồn lực và đa dạng hóa hình thức đầu tư, đồng thời tập trung chỉ đạo việc giải phóng mặt bằng, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia. Nhiều công trình hiện đại, quan trọng về giao thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị, hệ thống thông tin được đẩy nhanh tiến độ và đưa vào sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Tất cả các yếu tố trên đã góp phần nâng cao hiệu quả vốn đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Vấn đề nợ công đã dành được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội. Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội ngay trong năm 2013 đã tổ chức phiên họp giải trình về nợ công và có báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội và tháng 4 năm 2014 đã có báo cáo giám sát về nợ công gửi Quốc hội. Với 77.000 tỷ đồng vay mới để đảo nợ với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn đã góp phần giảm áp lực nợ quốc gia trong ngắn hạn. Tính đến cuối năm 2014, nợ công của Việt Nam, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, đảm bảo các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép .

Và vấn đề đặt ra

Bên cạnh những kết quả đạt được năm 2014, điểm đáng chú ý trong chính sách tài khóa có lẽ là vấn đề nợ công, vốn đang có xu hướng tăng nhanh cả về quy mô và tốc độ [tăng từ 54,9% GDP năm 2011, đến năm 2015 là 64% GDP], chưa tính các khoản nợ thuộc trách nhiệm phải trả của ngân sách nhà nước như nợ quỹ hoàn thuế, nợ quỹ bảo hiểm xã hội, nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho các ngân hàng chính sách. Tốc độ tăng nợ công nhanh hơn tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trong khi tốc độ tăng GDP thấp ảnh hướng tới tính bền vững. Nghĩa vụ trả nợ và các khoản nợ phải trả hàng năm tăng nhanh dẫn đến phải vay đảo nợ với khối lượng lớn, năm sau cao hơn năm trước tạo áp lực cho cân đối, bố trí nguồn trả nợ hàng năm. Cơ cấu nợ công chưa hợp lý khi vốn vay trong nước ngắn hạn chiếm tỷ lệ cao, lãi suất vay khá cao nhưng lại được sử dụng cho các công trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội có thời hạn thu hồi vốn dài, dẫn đến áp lực trả nợ cho ngân sách nhà nước. Việc quản lý, sử dụng vốn vay cũng chưa thật sự đạt hiệu quả cao thể hiện qua nhiều dự án chậm tiến độ làm tăng tổng mức đầu tư, tăng chi phí lãi vay, kéo dài thời gian thu hồi vốn, tạo thêm gánh nặng trả nợ. Còn có vụ việc thất thoát, tham ô, tham nhũng, kể cả đối với nguồn vốn ODA lâu nay vốn được các nhà tài trợ quốc tế kiểm soát chặt chẽ.

Cơ cấu chi ngân sách nhà nước còn chưa hợp lý với tỷ trọng chi thường xuyên những năm gần đây có xu hướng tăng nhanh. Số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng tăng, cho thấy kết quả của quá trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên nhu cầu chi cho đảm bảo an sinh xã hội, chi hỗ trợ đối tượng chính sách, đối tượng nghèo tăng. Cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp chậm được đổi mới dẫn đến hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính ngân sách nhà nước trong khu vực sự nghiệp còn hạn chế, việc thực hiện lộ trình giá dịch vụ, xã hội hóa đối với các dịch vụ sự nghiệp công còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Những rủi ro của ngân sách nhà nước; chủ sở hữu là nhà nước, rủi ro của tài chính quốc gia từ khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn còn tiềm ẩn do tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp nhà nước quá khó khăn, rủi ro từ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ, các khoản Chính phủ vay về cho vay lại, vay ưu đãi có hỗ trợ lãi suất, trái phiếu doanh nghiệp... của doanh nghiệp nhà nước. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, xử lý nợ xấu thực hiện còn chậm so kế hoạch, mục tiêu đề ra, hoặc có cổ phần hoá nhưng chỉ mang tính hình thức, biểu tượng do tỷ lệ vốn nhà nước chiếm giữ còn quá cao, không thu hút được các nhà đầu tư chiến lược để thay đổi cơ bản về quản trị và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới vào phát triển doanh nghiệp…

Từ kinh nghiệm thực tế của chính sách tài khóa năm 2014, chính sách tài khóa năm 2015 hiện đang tập trung vào thực hiện mục tiêu sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc gia, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Để đạt được mục tiêu này chính sách tài khóa năm 2015 đang được điều hành theo hướng tạo nguồn thu vững chắc cho ngân sách qua việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Tăng cường quản lý thu, chi ngân sách thông qua kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận thuế, nợ đọng thuế và rà soát, cơ cấu lại, phân bổ các khoản chi ngân sách hợp lý hơn theo các thứ tự ưu tiên chi.

Trong lúc cân đối ngân sách tiếp tục căng thẳng, để đảm bảo chi tiêu ngân sách nhà nước chặt chẽ, các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định. Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công và không ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách nhà nước khi chưa có nguồn bảo đảm.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nợ công chặt chẽ, cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm chi phí vốn vay; bảo đảm nợ công trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội và thường xuyên theo dõi, đánh giá về an toàn nợ công theo Luật Quản lý nợ công. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định của Luật Đầu tư công có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nguồn lực Nhà nước giao quản lý, khai thác và sử dụng theo Luật sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ gắn với đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, các hình thức đầu tư, đẩy mạnh hình thức hợp tác PPP để huy động tối đa nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển…

Video liên quan

Chủ Đề