Nhà máy thủy điện Hòa Bình khởi công xây dựng

Nội dung chi tiết về phương án mở rộng Thủy điện Hòa Bình

Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng sẽ bổ sung nguồn điện dự phòng cho hệ thống điện Việt Nam và đã được khởi công xây dựng vào ngày 10/1/2021. Khi biết thông tin về dự án này, có ý kiến cho rằng: Khi mở rộng Thủy điện Hòa Bình “thì phải nâng cao đập dâng” và “câu hỏi đặt ra là lúc ấy vấn đề an toàn của đập đối với hạ du sẽ như thế nào?”. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin giới thiệu nội dung chi tiết về phương án kỹ thuật của dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng dưới đây để bạn đọc tham khảo.


Theo Quy hoạch Điện VII [điều chỉnh], dự án Nhà máy Thủy điện [NMTĐ] Hòa Bình mở rộng sẽ bổ sung nguồn điện dự phòng cho hệ thống điện Việt Nam, đã được khởi công xây dựng vào ngày 10/1/2021 với quy mô 2 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 240 MW, nâng tổng công suất toàn bộ nhà máy lên 2.400 MW, với 10 tổ máy.

Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình là loại công trình thủy điện đa mục tiêu, bao gồm: Chống lũ - phát điện - t­ưới tiêu - đảm bảo giao thông thủy. Công trình được đưa vào vận hành 8 tổ máy từ ngày 4/4/1994, cho đến nay Nhà máy luôn thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Thống kê tình hình vận hành của NMTĐ Hoà Bình trong vòng 17 năm gần đây cho thấy: Hàng năm Nhà máy phải xả lũ một lượng khá lớn từ tháng 6 đến tháng 9. Tuy nhiên, việc xả lũ [qua hệ thống đập tràn] từ tháng 6 đến tháng 9 hay việc xả nước phục vụ cấp nước cho vụ đông xuân hàng năm để sản xuất nông nghiệp với 11 vạn ha ruộng đất [bao gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam] mà không qua tua bin để phát điện là rất lãng phí. Do vậy, việc mở rộng NMTĐ Hoà Bình nhằm tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Bắc, đặc biệt là trong các giờ cao điểm, góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện [tăng công suất và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành, tăng độ tin cậy, an toàn của hệ thống…], góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống theo nguyên tắc đảm bảo vận hành ổn định, an toàn tuyệt đối cho công trình và hạ du.

Việc mở rộng thêm 2 tổ máy hoàn toàn không thay đổi kết cấu hiện trạng công trình Thủy điện Hòa Bình, đó là giữ nguyên hiện trạng đập dâng nước, đập tràn xả lũ, hiện trạng cửa lấy nước vào nhà máy, nhà máy ngầm. Không phải nâng cao đập dâng, giữ nguyên mực nước dâng bình thường [cao trình 117,0 m] và mực nước gia cường [cao trình 122,0 m] - nghĩa là toàn bộ dung tích hữu ích 6,062 tỷ m3 và dung tích toàn bộ hồ chứa 9,862 tỷ m3 không bị thay đổi; giữ nguyên dung tích phòng lũ cùng với hồ chứa Sơn La là 7 tỷ m3. Việc mở rộng thêm 2 tổ máy thông qua việc xây dựng thêm ở bờ phải đập dâng một hệ thống công trình gồm [1]:

- Công trình kênh dẫn vào.

- Công trình cửa lấy nước.

- Công trình đường hầm dẫn nước.

- Công trình Nhà máy Thủy điện.

- Công trình kênh xả ra từ Nhà máy Thủy điện.

Vị trí bố trí Nhà máy Thủy điện mở rộng nằm ở phía bờ phải, cách xa chân đập dâng nước khoảng 350 m. Sau một thời gian thi công hố móng Nhà máy mở rộng, trong các ngày 17, 20/10 và 6/11/2021 có hiện tượng sạt lở trong hố móng. Vị trí sạt trượt cách chân Tượng đài Bác Hồ 153 m, cách chân đập công trình thủy điện là 350 m. Công trình buộc phải ngừng thi công để đảm bảo an toàn cho công trình đập dâng và hạ du.

Sau khi xảy ra sự việc, Ban Quản lý Dự án Điện 1 [cơ quan quản lý dự án của EVN - chủ đầu tư] đã tổ chức họp với các bên liên quan tại công trường để triển khai các biện pháp hạn chế ảnh hưởng do sạt lở, đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công và các hạng mục công trình lân cận. Lãnh đạo EVN khẳng định: “Việc xảy ra sạt trượt tại hố móng Nhà máy - công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng không có ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu lân cận như đập chính Thủy điện Hòa Bình và Tượng đài Bác Hồ”.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chuyên môn: Bộ Công Thương, UBND tỉnh Hòa Bình cùng với EVN, tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công họp bàn các giải pháp, thống nhất chỉ đạo EVN và các bên liên quan xử lý khối sạt trượt đảm bảo an toàn cho các hạng mục và công trình xung quanh.

Hình 1. Toàn cảnh công trình Thủy điện Hòa Bình nhìn từ thượng lưu.

Theo thông tin từ EVN, ngày 7/11/2021, đơn vị tư vấn thiết kế đã hoàn thiện hồ sơ thiết kế xử lý đào giảm tải đợt 1 [giai đoạn 1]. Để đảm bảo ổn định hố móng công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, EVN đã có văn bản báo cáo Bộ Công Thương số 6852/BC-EVN ngày 8/11/2021 về phương án xử lý theo hồ sơ thiết kế trên và sẽ thực hiện ngay sau khi được chấp thuận.

Tuy nhiên, vừa qua, sau sự cố sạt lở hố móng Nhà máy mở rộng có nhiều ý kiến trái chiều về việc mở rộng thêm 2 tổ máy liệu có hợp lý hay không? Có ý kiến lo ngại do hạn hán và biến đổi khí hậu thì việc thiếu nước tại hồ Hoà Bình liệu có đảm bảo hoạt động cho 8 tổ máy hiện hữu và thêm 2 tổ máy sắp tới mở rộng hay không? Thậm chí có ý kiến đòi xem xét lại việc mở rộng: “Liệu hồ Hoà Bình hiện hữu có cho phép tăng mực nước để thêm 2 tổ máy hay không? Nếu đập Hoà Bình không đảm bảo thì không thể dâng nước lên, mở rộng thêm 2 tổ máy” [2].

Chúng tôi cho rằng, các ý kiến này nêu ra chứng tỏ người đặt câu hỏi không hiểu rõ nội dung tại sao lại mở rộng thêm 2 tổ máy. Việc hàng năm phải xả lũ từ tháng 6 đến tháng 9 và cấp nước cho hạ lưu vào tháng giêng, tháng hai hàng năm phục vụ sản xuất nông nghiệp qua hệ thống đập tràn [mà không qua tổ máy phát điện] là lãng phí nguồn nước, do đó bổ sung 2 tổ máy này ngoài nhiệm vụ phủ đỉnh phụ tải còn một nhiệm vụ là để tận dụng nguồn nước xả để phát điện.

Với quy mô, giải pháp công trình trên, dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng hoàn toàn giữ nguyên cao trình đập dâng, không hề thay đổi hiện trạng Thủy điện Hòa Bình hiện hữu.

Lại có ý kiến cho rằng, nếu mở rộng Nhà máy thì mở rộng phía bờ trái, nơi trong tài liệu thiết kế kỹ thuật NMTĐ Hòa Bình trước đây do Liên Xô thiết kế bố trí âu thuyền, nhưng Việt Nam đã không xây dựng âu thuyền vì nhu cầu vận tải thủy qua đập không lớn và cho rằng đây là khuyến cáo của Tổng chuyên gia Liên Xô tại công trường - ông Pavel Bogachenko. Khi lựa chọn bố trí tuyến công trình Nhà máy thủy điện mở rộng ở bờ phải, hay bờ trái đập dâng, các chuyên gia tư vấn thiết kế đã tính toán cả hai phương án và nhìn vào hình 1 cho thấy phương án vị trí tuyến công trình bờ phải có nhiều ưu điểm hơn [phương án mở rộng Nhà máy ở bở trái, thi công sẽ phức tạp hơn rất nhiều so với vị trí tuyến công trình ở bờ phải, trong khi địa chất hai vị trí tương đương nhau].

Là người đã tham gia trực tiếp thiết kế hiện trường kênh dẫn dòng thi công công trình Thủy điện Hòa Bình [giai đoạn 1984 - 1985], tôi khẳng định rằng: Tư vấn thiết kế đã đúng khi chọn bờ phải để bố trí công trình mở rộng Nhà máy. Và điều này đã được Hội đồng Thẩm định các cấp thông qua.

Theo kết quả tính toán, phân tích kinh tế - tài chính của dự án, việc mở rộng thêm 2 tổ máy, ngoài việc bổ sung 480 MW công suất linh hoạt cho hệ thống, lợi ích kinh tế - tài chính của dự án mở rộng NMTĐ Hòa Bình với giá bán điện được kiến nghị áp dụng theo Biểu giá chi phí tránh được năm 2020 đều mang lại hiệu quả cao, giá trị hiệu quả trên chi phí [B/C] đạt tới 1,6 [1].

Thay lời kết:

Sau khi mở rộng thêm 2 tổ máy, hàng năm Nhà máy Thủy điện Hòa Bình sẽ có thêm 495 triệu kWh nhờ tận dụng nguồn nước mà Nhà máy trước đây đã xả lũ qua hệ thống đập tràn, đồng thời tăng thêm 480 MW cho dự phòng phủ đỉnh của hệ thống điện. Như vậy, lợi ích của việc mở rộng thêm 2 tổ máy là không thể bàn cãi.

Còn hiện tượng sạt trượt trong quá trình thi công các công trình thủy lợi, thủy điện, giao thông trong điều kiện địa chất, địa hình phức tạp, kèm theo ảnh hưởng thiên tai, mưa lũ lớn kéo dài đã xảy ra ở nhiều nơi, trên thực tế EVN đã xử lý, khắc phục tốt hiện tượng này ở nhiều công trình thủy điện. Do vậy, với bề dày kinh nghiệm đã tham gia thiết kế và xây dựng rất nhiều công trình thủy điện trong cả nước của nhà thầu tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công, chắc chắn sự cố sạt hố móng NMTĐ Hòa Bình mở rộng sẽ sớm được khắc phục và đảm bảo đúng tiến độ thi công toàn bộ công trình.

Cuối cùng, người viết mong rằng, mỗi khi có sự cố xuất hiện không mong muốn, các nhà chuyên môn, các chuyên gia quan tâm đóng góp những ý kiến đúng, xác đáng nhằm khắc phục sự cố càng nhanh càng tốt để đem lại lợi ích cho công trình và cho cộng đồng./.

TS. NGUYỄN HUY HOẠCH - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC/PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo:

1. Nội dung chi tiết về phương án mở rộng Thủy điện Hòa Bình. TS. Nguyễn Huy Hoạch. NangluongVietNam online. 09:03 | 10/03/2021

2. Nhà máy thủy điện Hòa Bình: Vì sao thiếu nước vẫn xây thêm tổ máy? [VTC News Thứ Hai, 13/12/2021 12:18:00 +07:00

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình là công trình có giá trị lịch sử hết sức to lớn đối với nhân dân Việt Nam

Nhà máy Thủy điện Hoà Bình được xây dựng tại hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, trên dòng sông Đà thuộc miền bắc Việt Nam. Đây là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á từ năm 1994 đến nay. Nhà máy thủy điện Hòa Bình do Liên Xô giúp đỡ xây dựng và hướng dẫn vận hành. Công trình khởi công xây dựng ngày 6 tháng 11 năm 1979, khánh thành ngày 20 tháng 12 năm 1994. Công suất sản sinh điện năng theo thiết kế là 1.920 megawatt, gồm 12 cửa xả và 8 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 240 MW. Sản lượng điện hàng năm là 8,16 tỷ kilowatt giờ [KWh].

Công trình thủy điện Hoà Bình công suất lớn nhất Đông Nam Á thế kỷ 20

Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Sau hơn 30 năm vận hành, đến năm 2022, nhà máy đã cung cấp cho đất nước tổng sản lượng trên 250 tỷ kWh

Sau hơn 30 năm vận hành, đến năm 2022 nhà máy đã cung cấp cho đất nước tổng sản lượng trên 250 tỷ kWh, hàng năm đóng góp vào ngân sách Nhà nước của tỉnh hơn 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Nhà máy Thủy điện Hoà Bình tham gia tích cực và có hiệu quả trong việc chống lũ, bảo đảm an toàn cho đồng bằng Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội.

Nhà máy đặt ngầm trong lòng một quả đồi là nơi lắp đặt toàn bộ thiết bị chính, gồm 8 tổ máy phát điện, máy biến áp cường lực… cùng các công trình phụ trợ. Tám tổ máy tổng công suất 1.920 MW, mỗi tổ có công suất 240 MW

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã phát huy vai trò là công trình thủy điện chiến lược đa mục tiêu, tham gia điều tiết cắt lũ, giảm lũ hiệu quả cho hạ du. Việc vận hành, điều tiết hồ chứa với dung tích 9 tỷ m3 đã giúp vùng đồng bằng Bắc Bộ cơ bản không còn xảy ra tình trạng ngập lụt.

Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình- Công trình do Đảng và Nhà nước Liên Xô trước đây hỗ trợ xây dựng, là biểu tượng cho tình hữu nghị Việt Xô

Bên cạnh “sứ mệnh” chế ngự lũ, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình còn đóng vai trò quan trọng trong việc cấp nước chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, cải thiện giao thông thủy trên sông Đà, sông Hồng, tăng cường nguồn nước phục vụ nhu cầu dân sinh và các hoạt động sản xuất khác. Lượng nước xả từ hồ Hòa Bình phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhiều tỉnh, thành phố ở đồng bằng Bắc Bộ chiếm 65 - 70% tổng lượng xả từ tất cả hồ thủy điện lớn ở phía Bắc, giúp các phương tiện thủy trên sông Đà và sông Hồng lưu thông dễ dàng.

Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam [EVN] làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư hơn 9.220 tỷ đồng

Để tận dụng nguồn tài nguyên nước quý giá của các hồ thuỷ điện trên thượng nguồn, tạo ra nguồn năng lượng mới đóng góp cho sự phát triển đất nước, đầu năm 2021, dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng chính thức được khởi công, xây dựng thêm 2 tổ máy công suất 240 MB, nâng tổng công suất Nhà máy Thủy điện Hòa Bình lên 2.400 MB, bằng công suất thủy điện Sơn La.

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã phát huy vai trò là công trình thủy điện chiến lược đa mục tiêu, tham gia điều tiết cắt lũ, giảm lũ hiệu quả cho hạ du

Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam [EVN] làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư hơn 9.220 tỷ đồng. Đến thời điểm này, dự án đang được liên doanh các nhà thầu triển khai đồng bộ các hạng mục, mục tiêu đưa tổ máy số 1 phát điện vào quý II/2024; tổ máy số 2 phát điện và hoàn thành công trình vào quý IV/2024. Sản lượng phát điện bình quân 488,3 triệu kWh/năm.

Sản lượng điện hàng năm là 8,16 tỷ kilowatt giờ [KWh].

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2 là sự kế thừa, phát huy sáng tạo của thế hệ hôm nay tiếp nối những thế hệ đi trước trong việc tận dụng nguồn tài nguyên nước quý giá, tạo ra nguồn năng lượng mới đóng góp cho sự phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tượng đài Bác Hồ là điểm nhấn kiến trúc trên công trình thủy điện Hòa Bình, thu hút đông đảo du khách đến dâng hương, thăm quan

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình từng là Nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á từ năm 1994 cho đến khi kỉ lục này bị phá vỡ bởi Nhà máy thủy điện Sơn La, khánh thành vào năm 2012. Dù vậy, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình vẫn là công trình có giá trị lịch sử hết sức to lớn đối với nhân dân Việt Nam, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội và quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Công trình Thủy điện Hòa Bình là thành quả của chủ trương đúng đắn thực hiện mục tiêu “điện khí hóa” của Đảng và Nhà nước, thành quả ý chí tinh thần lao động sáng tạo, bền bỉ với nỗ lực cao độ của cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động và đội ngũ chuyên gia nước bạn đã làm nên những mốc son lịch sử mang dấu ấn thời đại. 

Các thông số chính của Nhà máy:

- Thủy điện Hòa Bình có thiết kế mực nước dâng bình thường cao 117 m;

- Mực nước gia cường: 120 m;

- Mực nước chết: 80m [các thông số trên đo độ cao so với mực nước biển];

- Diện tích hồ chứa: 208 km2.

- Dung tích toàn bộ hồ chứa: 9,45 tỉ mét khối nước;

- Công suất lắp máy: 1.920 MW, gồm 8 tổ máy;

- Điện lượng bình quân hằng năm: 8,6 tỉ KWh

- Đập thủy điện Hòa Bình có 12 cửa xả và 8 tổ máy phát điện;

- Mỗi tổ máy có công suất 240 MW;

- Vốn đầu tư: 1.904.783.458.926 đồng [150 triệu Đô la Mỹ] - Tỉ giá năm 1994.

Quá trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình: Thủy điện Hòa Bình được khởi công xây dựng ngày 06/11/1979 và khánh thành ngày 20/12/1994 [15 năm thi công xây dựng].

- Ngày 6 tháng 11 năm 1979: Giải phóng mặt bằng bên sông

- Ngày 12 tháng 01 năm 1983: Ngăn sông Đà đợt 1

- Ngày 09 tháng 01 năm 1986: Ngăn sông Đà đợt 2

- Ngày 30 tháng 12 năm 1988: Tổ máy số 1 hòa lưới điện quốc gia.

- Ngày 04 tháng 04 năm 1994: Tổ máy số 8 hòa lưới điện quốc gia.

- Ngày 20 tháng 12 năm 1994: Sau 15 năm xây dựng công trình, trong đó có 9 năm vừa quản lý vận hành vừa giám sát thi công các tổ máy, Nhà máy thủy điện Hoà Bình đã được khánh thành.

Trong quá trình xây dựng, các đơn vị thi công đã đào hơn 20 nghìn m3, đắp gần 27 nghìn m3 đất đá; khoan phun 205.000m; lắp đặt gần 47.000 tấn thiết bị và kết cấu kim loại.

Có thể nói, quá trình xây dựng Công trình thủy điện Hòa Bình là một quá trình hết sức vất vả, gian nan. Đã có hơn 30.000 cán bộ, công nhân; 5.000 chiến sĩ bộ đội công binh và 1.000 cán bộ quản lý, 750 chuyên gia Liên Xô tham gia vào quá trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

Video liên quan

Chủ Đề