Nguyên nhân gây thiếu vitamin b12

Vitamin B12 là một loại vitamin thiết yếu cho cơ thể. Thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến nhiều vấn đề, đặc biệt liên quan đến thần kinh. Trong bài viết này, cùng YouMed tìm hiểu về tình trạng thiếu vitamin B12 gây bệnh gì, triệu chứng và cách điều trị nhé! 

Tác dụng của vitamin B12

Vitamin B12, còn được gọi là cobalamin, là một loại vitamin tan trong nước. Vitamin B12 có liên quan đến các quá trình thiết yếu khác nhau của cơ thể. Ví dụ như:

  • Cơ thể của bạn sử dụng vitamin B12 để tạo ra DNA và tạo ra các tế bào hồng cầu mới, cũng như sản xuất năng lượng.
  • Vitamin B12 giúp não và hệ thần kinh của bạn hoạt động bình thường. Do đó, nó có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và trí nhớ của bạn.
Nguyên nhân gây thiếu vitamin b12
Vitamin B12 có liên quan đến các quá trình thiết yếu khác nhau của cơ thể

Chính vì vậy, thiếu hụt vitamin B12 có thể gây suy nhược sức khỏe và dẫn đến một vài căn bệnh.

Triệu chứng thiếu vitamin B12

Phụ nữ trưởng thành cần 2,4 mcg vitamin B12 mỗi ngày. Nhu cầu này tăng lên 2,8 mcg/ngày trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Đàn ông trưởng thành có thể đáp ứng nhu cầu của họ bằng cách tiêu thụ 2,6 mcg vitamin B12 mỗi ngày.

Thiếu vitamin B12 thường không xuất hiện triệu chứng ngay lập tức. Bởi vì thông thường, vitamin B12 thừa được dự trữ trong gan và chỉ một lượng nhỏ bị đào thải qua nước tiểu, mồ hôi hoặc phân. Nếu bạn không bổ sung đủ vitamin B12 mỗi ngày, gan sẽ phóng thích chúng từ kho dự trữ. Đến khi cạn kiệt vitamin B12, cơ thể mới bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.

Vậy, thiếu vitamin B12 gây bệnh gì?

Một khi phát hiện tình trạng thiếu vitamin B12, cơ thể của bạn sẽ bị suy nhược. Do đó, bạn nên chú ý các triệu chứng thiếu vitamin B12 như sau:

Da nhợt nhạt hoặc vàng da

Những người bị thiếu vitamin B12 thường trông nhợt nhạt, hoặc vàng da. Điều này xảy ra là do thiếu vitamin B12, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hồng cầu của cơ thể, các tế bào hồng cầu không thể phân chia. Điều này gây ra thiếu máu nguyên bào khổng lồ, trong đó các tế bào hồng cầu được tạo ra lớn và dễ vỡ. Một khi vỡ, chúng gây ra tình trạng dư thừa bilirubin, khiến da và mắt của bạn có màu vàng.

Nguyên nhân gây thiếu vitamin b12
Thiếu vitamin B12 gây ra thiếu máu nguyên bào khổng lồ, dẫn đến mệt mỏi

Suy nhược, mệt mỏi, khó thở và chóng mặt

Đây là các triệu chứng phổ biến của thiếu vitamin B12. Chúng xảy ra do cơ thể bạn không đủ vitamin B12 để tạo ra hồng cầu, giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Điều này là lý do khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và yếu ớt.

Cảm giác châm chích ở bàn tay, chân

Một trong những tác dụng phụ nghiêm trọng hơn của việc thiếu hụt vitamin B12 trong thời gian dài là tổn thương thần kinh. Vì vitamin B12 là một phần trong quá trình tạo ra bao myelin, giúp bảo vệ dây thần kinh hoạt động bình thường. Dấu hiệu phổ biến của tình trạng tổn thương thần kinh là cảm giác kim châm ở bàn tay và bàn chân của bạn.

Dễ mất thăng bằng

Nếu không được điều trị sớm, tổn thương hệ thống thần kinh do thiếu hụt B12 có thể gây ra những thay đổi trong cách bạn di chuyển. Thậm chí, nó có thể ảnh hưởng đến sự thăng bằng, khiến bạn dễ bị ngã.

Viêm lưỡi

Lưỡi sưng, viêm, có những vết hằn dài có thể là dấu hiệu ban đầu của sự thiếu vitamin B12. Ngoài ra, một số người còn xuất hiện các triệu chứng răng miệng khác như: loét miệng, cảm giác kim châm lưỡi, nóng và ngứa trong miệng…

Nguyên nhân gây thiếu vitamin b12
Viêm lưỡi là dấu hiệu ban đầu của sự thiếu vitamin B12

Nhìn mờ

Trong một số trường hợp hiếm hoi, tổn thương hệ thần kinh do thiếu hụt B12 có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác. Điều này có thể dẫn đến thị lực bị mờ hoặc rối loạn. Mặc dù khá nguy hiểm, nhưng bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng cách bổ sung B12

Điều trị thiếu vitamin B12

Tùy theo nguyên nhân của bệnh mà bạn có thể sẽ nhận được sự điều trị khác nhau.

Nếu bạn bị thiếu máu ác tính hoặc khó hấp thụ vitamin B12, trước tiên bạn sẽ cần tiêm loại vitamin này. Sau đó, có thể bạn cần phải tiếp tục tiêm chúng, hoặc uống vitamin B12 liều cao, hoặc dùng qua đường mũi.

Người cao tuổi nếu bị thiếu vitamin B12 có thể sẽ phải bổ sung chúng hàng ngày. Hoặc dùng vitamin tổng hợp có chứa B12 cũng là một sự lựa chọn.

Đối với những người không thể bổ sung vitamin B12 từ sản phẩm động vật, bạn sẽ có các lựa chọn sau:

  • Dùng ngũ cốc tăng cường vitamin B12;
  • Sử dụng thực phẩm bổ sung;
  • Tiêm vitamin B12;
  • Uống vitamin B12.

Đối với hầu hết mọi người, thiếu vitamin B12 có thể điều trị được. Tuy nhiên, các tổn thương thần kinh xảy ra do sự thiếu hụt này có thể là vĩnh viễn. Do đó, quan trọng nhất là bạn cần có các biện pháp phòng ngừa thiếu vitamin B12. Dưới đây là một vài gợi ý dành cho bạn.

Phòng ngừa thiếu vitamin B12

Bổ sung vitamin B12 qua thực phẩm là một cách thiết thực để đảm bảo đủ vitamin. Các loại thực phẩm giàu vitamin B12 có thể kể đến như:

  • Các loại thịt: đặc biệt là thịt nội tạng và thịt đỏ như thịt bò;
  • Các loại cá và hải sản: đặc biệt là nghêu, cá ngừ, cá mồi và cá hồi;
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa: bao gồm sữa, pho mát và sữa chua;
  • Trứng: đặc biệt là lòng đỏ trứng;
  • Thực phẩm tăng cường: ngũ cốc ăn sáng, men dinh dưỡng cũng như một số loại sữa thực vật.
Nguyên nhân gây thiếu vitamin b12
Bổ sung vitamin B12 qua thực phẩm là một cách thiết thực để đảm bảo đủ vitamin

Ngoài ra, thực phẩm bổ sung cũng là cách để đáp ứng các nhu cầu vitamin B12 của bạn. Chúng đặc biệt hữu ích cho những người ăn chay hoặc ăn kiêng.

Tóm lại, nếu bạn đang có các triệu chứng thiếu vitamin B12, hãy đi đến ngay bác sĩ. Họ sẽ giúp bạn chẩn đoán và điều trị đúng cách. Bên cạnh đó, hãy chuẩn bị cho mình một chế độ ăn uống phù hợp để phòng ngừa thiếu loại vitamin quan trọng này bạn nhé!