Mục đích của thi đua là gì

Theo sáng kiến và chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 7-3-1948 Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc “Mục đích của thi đua là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”.

Bác Hồ thăm nông dân gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên [năm 1954]. Ảnh: Tư Liệu

Ngày 1-5-1948 lần đầu tiên Bác ra Lời kêu gọi thi đua yêu nước, “cùng toàn thể đồng bào yêu quý, nước ta kinh tế lạc hậu nhưng lòng yêu nước và ý chí quật cường chẳng kém ai, nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp thời người ta, thì chúng ta phải đi mau. Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái, trai, già, trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc thi đua yêu nước”[1].

Tiếp đến ngày 11-6-1948, Bác ra tiếp Lời kêu gọi thi đua ái quốc rất cụ thể:

“Mục đích của thi đua ái quốc là gì?

Diệt giặc đói khổ

Diệt giặc dốt nát

Diệt giặc ngoại xâm

Cách làm là dựa vào:

Lực lượng của dân

Tinh thần của dân

Để gây:

Hạnh phúc cho dân

Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh bất kỳ làm việc gì đều cần phải thi đua:

Làm cho mau - làm cho tốt - làm cho nhiều

... Kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc là:

Toàn dân ta sẽ đủ ăn, đủ mặc

Toàn dân sẽ biết đọc, biết viết

Toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực, khí giới để diệt giặc ngoại xâm.

Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập.

Thế là chúng ta thực hiện:

Dân tộc độc lập

Dân quyền tự do

Dân sinh hạnh phúc”

Để đi đến kết quả tốt đẹp đó tôi xin:

Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc, Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn, Đồng bào công thương thi đua mở mang doanh nghiệp, Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh, Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng.

Nói tóm lại, ai cũng thi đua cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc.

Phong trào sôi nổi, thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp các lĩnh vực và mọi tầng lớp Nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”[1].

Tết Kỷ Sửu - 1949, Bác Chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước:

Kháng chiến lại thêm một năm mới,

Thi đua ái quốc thêm tiến tới

Động viên lực lượng và tinh thần,

Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi.

Người người thi đua.

Ngành ngành thi đua.

Ngày ngày thi đua.

Ta nhất định thắng lợi.

Địch nhất định thua.

Thi đua trong lời Chúc Tết, được Bác nêu rất rõ, khái quát toàn diện, từ mỗi người đến mọi người [người, người] đến các ngành, các hội đoàn, các tầng lớp [ngành, ngành] và liên tục hàng ngày, xuyên suốt thời gian [ngày, ngày]. Cơ sở của những lời chúc này là dựa trên Lời kêu gọi thi đua ái quốc 11-6-1948.

Khi sơ kết nửa năm phong trào thi đua, Bác chỉ ra khuyết điểm về nhận thức và thực hành thi đua: “Còn nhiều nơi Nhân dân, mà trước hết là cán bộ chưa thật rõ ràng ý nghĩa của phong trào thi đua ái quốc... Tưởng lầm rằng, thi đua là việc khác với những công việc hàng ngày. Thật ra công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua”[2].

Bác đã chỉ ra đúng lúc, khơi dậy đúng lúc, chủ trương đúng lúc, hành động đúng lúc, phát huy đúng lúc nguồn sức mạnh vạn năng của mỗi người, của tổ chức, của toàn dân.

Là người đề xướng, là kiến trúc sư phong trào thi đua ái quốc và đưa phong trào vào quần chúng sâu rộng, Bác chăm lo, theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo, động viên, khích lệ, tổng kết phong trào theo từng thời kỳ, kịp thời biểu dương, khen thưởng, uốn nắn, điều chỉnh phong trào.

Từ năm 1948 đến ngày Bác đi xa, Bác đã viết đến 45 bài về thi đua yêu nước. Hệ thống lại ta thấy đầy đủ mục đích, ý nghĩa, nội dung, hình thức tổ chức biện pháp thực hiện, kết quả, ưu khuyết điểm của phong trào thi đua ái quốc. Sau bài thơ Chúc Tết Kỷ Sửu - 1949, gần như hầu hết các bài thơ Chúc Tết, Bác đều chúc thi đua, nhấn mạnh vấn đề thi đua. 19 chữ thi đua hiện diện trong các bài thơ như: Kính chúc đồng bào năm mới / Mọi người càng thêm phấn khởi/ toàn dân xung phong thi đua [Chúc Tết Canh Dần - 1950], Toàn dân ta quyết một lòng/ Thi đua chuẩn bị phản công kịp thời [Chúc Tết Tân Mão - 1951], Chiến sĩ thi đua giết giặc/ Đồng bào thi tăng gia/ Năm mới thi đua mới/ Thắng lợi ắt về ta [Chúc Tết Nhâm Thìn - 1952], Thi đua học hành/ Tiến bộ mau lẹ/ [Thư gửi thiếu nhi]... chứng tỏ thi đua ái quốc thường trực trong Bác. Thi đua ái quốc là tư tưởng lớn của Bác “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”[3].

Một khi lòng yêu nước của mỗi người được khơi dậy đúng lúc thì chính Nhân dân là nhân tố, là nguồn sức mạnh tạo nên những thắng lợi to lớn cho dù hoàn cảnh, điều kiện lịch sử khó khăn đến mấy.

Như vậy, quan điểm của Hồ Chí Minh về mối quan hệ biện chứng giữa thi đua và yêu nước, yêu nước và thi đua. Yêu nước là nội dung của thi đua. Thi đua là mọi người, mọi nhà, mọi ngành gắng phát triển tài năng, sáng kiến của mình, làm nhanh, nhiều, tốt, rẻ, tăng năng suất, tiết kiệm nguyên, vật liệu, diệt được nhiều giặc. Đó là một cách yêu nước thiết thực và tích cực. Hiểu như vậy thì một người tự cho mình là yêu nước thì phải thi đua. Bởi vì, chỉ có qua thi đua với kết quả cụ thể mới bộc lộ và ngày càng bộc lộ tinh thần yêu nước.

Hồ Chí Minh chỉ rõ, yêu nước là một thứ của quý không thể cất giấu trong rương, trong hòm, mà phải được đưa ra trưng bày. Tinh thần yêu nước phải được thực hành vào việc kháng chiến, kiến quốc. Khi Nhân dân ta thực hiện kiến quốc, thì người dùng thuật ngữ “Thi đua xã hội chủ nghĩa” để chỉ phương pháp riêng của phương thức sản xuất XHCN nhằm nâng cao năng suất lao động xã hội và cải tiến sản xuất trên cơ sở tích cực và tính chủ động sáng tạo của quần chúng lao động. Thi đua XHCN xây dựng trên sự hợp tác theo tinh thần đồng chí và tương trợ lẫn nhau của những người lao động, phát huy khả năng sáng tạo của Nhân dân lao động.

Ở nước ta, thi đua XHCN là sự kế tục và phát triển phong trào thi đua yêu nước trong những năm kháng chiến. Hồ Chí Minh khẳng định “dưới chế độ tư bản thực dân và phong kiến không có phong trào thi đua yêu nước, vì giai cấp lao động không được gì mà ra sức thi đua làm giàu thêm cho bọn chủ, để rồi lại bị chúng áp bức, bóc lột thêm. Chỉ có dưới chế độ dân chủ Nhân dân và XHCN, dưới chế độ mà Nhân dân lao động làm chủ, thì mới có phong trào thi đua”[4].

Theo Hồ Chí Minh “trong xã hội chủ nghĩa của chúng ta bất cứ làm việc gì, nghề gì mà Đảng và Chính phủ giao cho đều làm tròn và làm vượt mức, làm xuất sắc đều là anh hùng”[5].

Từ khi phát động phong trào thi đua yêu nước đến năm 2019, Đảng và Chính phủ đã phong tặng, truy tặng hơn 7.800 tập thể, trên 9.300 cá nhân danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, 1.300 tập thể và cá nhân Anh hùng Lao động, 140.000 mẹ Việt Nam Anh hùng và hàng vạn chiến sĩ thi đua.

Hiện tại, phong trào thi đua yêu nước vận dụng sáng tạo gắn kết với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” như các phong trào: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Xây dựng đô thị văn minh”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Vì an ninh Tổ quốc”, “Hiến máu nhân đạo - một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn một số mắc “bệnh thành tích”, “bệnh háo danh”, “chạy chức chạy quyền”, “chạy khen thưởng”... nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Phong trào thi đua tuy sâu rộng nhưng chưa toàn diện, còn tính hình thức, chưa gắn chặt với nhiệm vụ chính trị. Suy tôn, phong tặng còn dễ dãi, nể nang nên xảy ra tình trạng “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”.

Trong thi đua yêu nước, chúng ta phải làm đúng lời Bác dạy: Trong một quốc gia độc lập, bất luận ở đâu, vấn đề thưởng phạt phải phân minh, có thế dân mới yên, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công.

Ngày 4-3-2008, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 11-6 hàng năm là ngày Thi đua yêu nước, tức là ngày mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc 11-6-1948.

[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, sđd, T5, tr103. 104.

[2] Hồ Chí Minh, toàn tập, sđd, T5, tr16.

[3] Hồ Chí Minh, toàn tập, sđd, T7, tr407.

[4] Hồ Chí Minh, toàn tập, sđd, T11.

[5] Hồ Chí Minh, toàn tập, sđd, T15, tr228.

LÊ XUÂN ĐỨC

Thi đua cần có mục tiêu cụ thể, thiết thực

07/12/2015 14:03 CH Xem cỡ chữ

[Mic.gov.vn] -

Phát biểu chỉ đạo Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ tổ chức các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.



Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội Thu đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu chỉ đạo Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Đại hội Thi đua yêu nước lần này là một sự kiện có ý nghĩa chính trị xã hội quan trọng, được tổ chức đúng vào dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của năm 2015 và cả nhiệm kỳ 2010-2015, lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.


Phong trào thi đua đã bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị


Theo Tổng Bí thư, 5 năm qua, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức lớn. Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành quả quan trọng. Rõ nhất là nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, quy mô và tiềm lực được nâng lên; kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ khá và có chiều hướng phục hồi. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược được tập trung thực hiện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng nông thôn mới bước đầu đạt kết quả tích cực.


Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá, xã hội, y tế tiếp tục phát triển. An sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn và cơ bản được bảo đảm, đời sống của nhân dân được cải thiện. Bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu có những chuyển biến tích cực. Chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, hoà bình, ổn định được giữ vững.


Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; vị thế, uy tín quốc tế của nước ta được nâng cao. Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng.


Quan điểm và thể chế về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được bổ sung, hoàn thiện; hiệu lực và hiệu quả được nâng lên. Đã thể chế hoá kịp thời Cương lĩnh [bổ sung, phát triển năm 2011 của Đảng], xây dựng và ban hành Hiến pháp năm 2013 và nhiều đạo luật quan trọng. Những thành quả nêu trên tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn nữa trong giai đoạn mới.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh các phong trào thi đua đã bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị gắn với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và thi đua lập thành tích nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.


Có thể nói, 5 năm qua, ở ngành nào, cấp nào cũng có nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, bám sát vào nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành mình, đơn vị mình. Tiêu biểu là phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; "Dạy tốt, học tốt"; thi đua "Quyết thắng", "Vì an ninh Tổ quốc", "Dân vận khéo"; "Ngày vì người nghèo"; phong trào thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm quốc gia... Đặc biệt là phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", phong trào được các cấp, các ngành, các địa phương hưởng ứng mạnh mẽ, sâu rộng với nhiều cách làm hay, thiết thực, hiệu quả. Đến nay cả nước đã có hơn 1.200 xã và 10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân.


Các đại biểu dự Đại hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình của tập thể, cá nhân trong lao động, sản xuất. Đã có hàng vạn đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích làm lợi cho Nhà nước và xã hội; nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng, có sức lan toả trong cả nước. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã góp phần không nhỏ vào việc giới thiệu, tuyên truyền, động viên, đẩy mạnh phong trào thi đua, cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo thêm động lực cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Nhiệm vụ trọng tâm


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trong thời gian tới, phong trào thi đua yêu nước cần tập trung vào thực hiện nhiệm vụ to lớn là động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nỗ lực phấn đấu thực hiện thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc độc lập của Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.


Trên tinh thần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên 5 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện.


Thứ nhất là tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, nhất là quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 34 ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị khoá XI về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Đưa công tác thi đua gắn với công việc hằng ngày của mỗi người như lời Bác Hồ dạy: "Đừng tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hằng ngày. Thật ra, công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua". Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần tăng cường chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, lấy kết quả công tác thi đua là một tiêu chí để đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý. Mỗi cán bộ, đảng viên phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân trong các phong trào thi đua.


Thứ hai là tổ chức các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Cùng với phong trào thi đua thường xuyên, cần phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề; tiếp tục đổi mới toàn diện, sáng tạo trong tổ chức các phong trào thi đua cả về nội dung và hình thức, phương thức tổ chức, tránh sự nhàm chán, tẻ nhạt. Đối với phong trào thi đua cần phải rộng rãi nhưng cũng phải làm rõ ai thi đua với ai, hạn chế tối đa những chênh lệch về năng lực và điều kiện phấn đấu trong thi đua; bảo đảm hài hoà ba lợi ích: Lợi ích của người lao động; lợi ích của tập thể, địa phương, đơn vị; lợi ích của xã hội.


Thứ ba là trong tổ chức triển khai các phong trào thi đua, cần chú ý đến việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhằm cổ vũ, động viên phong trào, tạo hiệu quả thiết thực. Công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo khen thưởng, đặc biệt quan tâm phát hiện nhân tố mới, tăng cường khen đột xuất; chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, những người lao động trực tiếp.


Thứ tư, thông qua các phong trào thi đua để phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần đánh giá, lựa chọn các điển hình tốt để nêu gương, học tập, tạo điều kiện để các điển hình phát huy được tác dụng và có sức lan toả rộng lớn trong xã hội.


Thứ năm, công tác thi đua, khen thưởng đòi hỏi phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhưng cũng cần phải có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và chuyên trách thi đua, khen thưởng làm nòng cốt theo hướng gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả. Đội ngũ những người làm công tác thi đua, khen thưởng cần có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua-khen thưởng, có bề dày kiến thức và kinh nghiệm, gắn bó với quần chúng và phong trào thi đua để tích cực tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền trong công tác thi đua, khen thưởng.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng với sự nỗ lực, phấn đấu, đoàn kết của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong cả nước, công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước trong thời gian tới nhất định sẽ có nhiều thành công mới, tạo động lực quan trọng, góp phần vào tiến trình đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.

Nguyễn Hoàng

[chinhphu.vn]

Lượt truy cập: 3410

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT[ 0]

Họ và tên:*

Email:*

Nội dung:*

Mã Captcha:

[Tích chọn để xác nhận bạn là bạn đọc, không phải là người máy tự động]

TIN KHÁC

  • Công tác thi đua, khen thưởng đạt nhiều kết quả thiết thực- 07/12/2015
  • Tập huấn công tác thi đua khen thưởng năm 2015- 24/08/2015
  • Nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TT&TT có bước phát triển vượt bậc- 24/07/2015
  • Bộ TT&TT phát động Phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020- 24/07/2015
  • Khai mạc Đại hội Thi đua yêu nước Bộ TT&TT giai đoạn 2011-2015- 24/07/2015

Xem theo ngày

    Video liên quan

    Chủ Đề