Miệt thứ ở đâu

“Con rạch Cái Thia chảy về Tắc Cậu/Con sáo qua sông con sáo đậu hiên nhà. Trời tháng tư, em mặc áo hoa cà. Qua ngõ nhà anh, em kéo nghiêng vành nón. Giả bộ vô tình làm rớt cánh bằng lăng”.

1.Ngẫu hứng cất giọng lên câu vọng cổ, ông quay sang tôi: “Cái Thia là con rạch nào, biết không?”. Gắn bó với vùng đất Tây Ninh, ông Út Dũng [tức Trung tướng Nguyễn Minh Dũng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng - Bộ Công an], rất mê vọng cổ. Mỗi khi xe đi qua những địa danh được nhắc đến trong một số bài vọng cổ, ông thường nghêu ngao cất giọng.

Con rạch nằm dọc theo tuyến quốc lộ từ ngã ba Minh Lương về hướng phà Tắc Cậu thật ra ông có lạ lẫm gì. Không trả lời câu hỏi của ông, chỉ tay về phía con rạch nằm phía tay trái, tôi gỏn gọn: “Nó đang bị bức tử, anh ạ!”.

Thời điểm đó, con rạch Cái Thia bị lấn chiếm để cất nhà, cất cơ sở kinh doanh, dòng chảy bị thu hẹp. Nước dưới rạch đen ngòm do nước thải trực tiếp tuôn xuống. Lo một ngày không xa, rạch Cái Thia chỉ còn trong lời ca tiếng hát. Chính quyền tỉnh định bỏ tiền ra để khôi phục, tiếc là không còn kịp nữa. Tận mắt nhìn thấy, ánh mắt ông Út Dũng đượm buồn…

Chợ nổi ở Miệt Thứ. Ảnh: Huỳnh Lãnh

Ai về Miệt Thứ mà không một lần đi qua con rạch từng đi vào lịch sử của vùng đất Rạch Giá – Kiên Giang. Dù sao cũng cảm ơn Linh Châu - tác giả bài vọng cổ “Hoa tím bằng lăng”. Nhờ tác phẩm này mà thế hệ sau này biết thêm một địa danh – một vùng đất gắn với Miệt Thứ.

“Nhớ lại hôm nào em kéo nghiêng vành nón, giả bộ vô tình làm rớt cánh bằng lăng. Đêm hành quân vành trăng sáng long lanh, nhớ con rạch Cái Thia chảy về Tắc Cậu. Em mơ ước ngày đất lành chim đậu, con sáo qua sông con sáo đậu hiên nhà…”.

2.Hơn 6 năm trước, từ bờ Châu Thành sang Miệt Thứ, khách lữ hành đều phải lụy phà Tắc Cậu. Phà nhỏ rời bến, khách được dịp biết thêm cù lao - địa hình rất đặc thù của vùng sông nước. Cù lao nổi lên, nằm giữa đã tách dòng sông Cái đoạn này thành hai dòng Cái Lớn và Cái Bé. Từ bên bờ thuộc địa phận huyện Châu Thành, chúng tôi vượt con rạch Lộc Tắc như xé đôi cù lao Vĩnh Hòa Phú trù phú. Chỉ khoảng 200m luồn qua, phía trước mặt chúng tôi đã là dòng Cái Lớn.

Trong cách gọi tên sông, “Cái” được hiểu là con sông lớn nhất vùng, tương đồng với nghĩa “sông mẹ”. Ở các tỉnh Nam bộ, người dân cũng chẳng lạ lẫm với những tên sông Cái Mép; Cái Tàu, Cái Vùng, Cái Cối,...

Mảnh đất đầu tiên của Miệt Thứ sau khi phà vượt sông Cái Lớn có tên là Xẻo Rô. Ngót 60 năm trước, chiến công tiêu diệt chi khu Kiên An được xem là trận diệt chi khu đầu tiên của quân dân Nam Bộ. Trận này rất có ý nghĩa, bởi nó đã cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân miền Nam...

Miệt Thứ, đó là tên chung chỉ vùng đất thuộc các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng [Kiên Giang]. Theo mô tả của nhiều nhà nghiên cứu, nếu xuôi ghe, tàu theo sông Cái Lớn, Miệt Thứ là vùng đất nằm bên tay trái khi chạy ra hướng vịnh Rạch Giá, tiếp tục rẽ trái xuống tới huyện U Minh [Cà Mau]. Vẫn tính từ sông Cái Lớn, đó là vùng đất trải dài trên 30 cây số tới trung tâm huyện An Minh, rộng chừng 15 km tính từ bờ biển vào đất liền. Trên vùng đất đó, lần lượt có những con rạch mang tên giống như dân Nam bộ đặt ngôi thứ cho con cháu trong nhà, bắt đầu từ thứ Hai...

Nhà văn, học giả Sơn Nam [1926-2008] cho biết: “Đại Nam Nhất Thống Chí” có ghi đó là vùng “Lâm Sác”, là vùng “Thập Câu”. Nhiều người hiểu,“Thập Câu” là 10 con rạch chảy song song từ vùng đất thấp U Minh Thượng ra biển. Theo “Ông già Nam bộ” Sơn Nam gọi là “thập” nhưng thực tế, dân địa phương lần hồi khai thác và khám phá thêm. Như giữa con rạch Thứ Chín và Thứ Mười, họ đào thêm, thành con rạch... Thứ Chín Rưỡi; tương tự như thế mà có Thứ Sáu Rưỡi, Thứ Bảy Rưỡi. Không nằm giữa những con kênh đó thì mang tên khác, cũng rất tự nhiên, dễ nhớ, như rạch Xẻo Vẹt, Xẻo Ngát, Chà Và giả, Chà Và thiệt, rạch Ổ Heo, rạch Nằm Bếp, rạch Kim Quy…

Khi xe vừa ra khỏi thị trấn Thứ Ba một đoạn, đến địa phận xã Đông Thái, cùng huyện An Biên, chúng tôi thấy có cầu Xẻo Bướm, bắc qua con rạch cùng tên. “Dưới sông bao bướm nổi trôi/Trên cầu bao kẻ đứng ngồi tiếc than”. Khi tôi đang còn thắc mắc, ngờ ngợ, thậm chí ngỡ rằng mình nhìn nhầm, thì có người đã đọc câu vè vui thế.

Xưa, có một gia đình nọ có người cha già sống với cô con gái đã tới tuổi cập kê. Cô gái hay lén cha ban đêm qua bên kia cầu đi chơi suốt đêm, bị cha rầy la hoài mà cô con gái không nghe. Một hôm người cha quá tức giận, phán rằng: "Mày mà còn sang đấy chơi nữa là tao sẽ xẻo!". Cô con gái sợ quá nên trốn biệt chẳng dám về nhà. Người cha ngày đêm trông ngóng để rồi sau đó chết dần mòn... Từ đó, dân chúng đặt cây cầu này tên như thế.

Cấy lúa ở Miệt Thứ. Ảnh Huỳnh Lãnh

Cũng lại có một giải thích khác: “Xẻo” là một đoạn kinh, rạch nhỏ được người dân đào thông từ sông, rạch lớn cho ghe, xuồng vào tận nhà, hoặc ruộng, vườn của mình. Lúc đào, người ta thấy có nhiều bướm bay từ các bụi cây cỏ dại hai bên nên đặt thành xẻo bướm, riết rồi thành danh. Ở huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh có cầu Rạch Chim bắc ngang rạch cùng tên; ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng có cầu Tắc Bướm; ở Cà Mau có cầu Vàm Bướm; ở Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế có cầu Khe Bướm; miệt Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có cầu Xẻo Môn...

Trở lại với tên gọi Miệt Thứ, học giả, nhà giáo, nhà báo quê ở Bến Tre Bùi Đức Tịnh [1923-2008] một lần cắt nghĩa: “Thứ” là danh từ dùng riêng trong vùng Rạch Giá - Cà Mau để gọi những con rạch đổ ra vịnh Thái Lan bắt đầu từ khi vực gần sông Cái Lớn xuống đến Khánh Lâm [Cà Mau]. Khi nhắc đến địa danh Thứ Chín, ông lưu ý cần phân biệt vùng có những con rạch đến thứ chín tại khu vực Thới Bình, Huyện Sử [tên một ngôi chợ] với “Miệt Thứ” thuộc quận Năm Căn ngày trước. Đó thuộc vùng U Minh Hạ, có 12 con kinh đưa vào rừng lấy củi, ăn ong [lấy mật ong], được gọi theo thứ tự từ kinh 1 đến kinh 12.

3.Hồi trước, con gái xứ khác mà theo chồng Miệt Thứ thì thôi, rầu…thúi ruột. Không phải chỉ vì do đường đi trắc trở, mà còn là vì... nghèo. Vùng đất này, ra hướng biển thì gặp phải sự nhiễm mặn gay gắt quanh năm; còn đi sâu vào hướng rừng U Minh Thượng thì gặp cảnh phèn chua; mùa khô, mặt ruộng nứt nẻ có khi đi lọt cả bàn chân xuống...

"...Má ơi! Đừng gả con xa...Chim kêu vượn hú, chứ chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?...Em yêu anh nên đành xa xứ, xuôi ghe chèo Miệt Thứ - Cà Mau. Đêm đêm ra đứng hàng ba. Trông về quê mẹ lệ sa buồn buồn. Sương khuya ướt đẫm giàn bầu. Em về Miệt Thứ bỏ sầu cho ai?”.

Đó là phận gái khi về làm dâu Miệt Thứ, được Hà Phương gởi gắm trong nhạc phẩm “Em về Miệt Thứ". Giờ thì Miệt Thứ không còn u u, minh minh nữa, không còn là vùng xa xôi, cách trở nữa. Dân cư Miệt Thứ giờ đã đông đúc lên, nghèo nàn, bệnh tật đã lùi vào quá khứ,... “Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/Xuống sông sợ đỉa lên rừng sợ ma”; hay “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh” - sự nguy hiểm, hoang dã, khắc nghiệt ấychỉ còn trong chuyện kể.

Thứ Ba, Thứ Mười Một - trung tâm huyện lỵ của An Biên và An Minh giờ là trung tâm giao thương kinh tế của cả Miệt Thứ. Chợ Thứ Ba, Thứ Bảy, Thứ Chín, Thứ Mười Một,… giờ luôn tấp nập, nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Các bến sông cạnh chợ quê ở Miệt Thứ, giờ ghe xuồng, vỏ lãi đậu kín. Quốc lộ 63 xuyên qua Miệt Thứ, có tên mới - đường hành lang ven biển phía Nam. Con đường rất đẹp, thông thương một mạch từ bờ biển Tây Nam của ta sang tận Campuchia và Thái Lan. Với người dân Miệt Thứ, điều sướng nhất là được di chuyển bon bon trên đường mới; chiếc cầu vượt sông Cái Lớn, Cái Bé 6 năm nay đã thay thế phà Xẻo Rô – Tắc Cậu. Trên nhiều cung đường khác của Miệt Thứ, người dân đã hết phải mòn mỏi cảnh lụy phà, lụy đò dọc, đò ngang...

Với những người khách phương xa đến Miệt Thứ, ai cũng sướng khi được trải nghiệm cảm giác trực tiếp ngồi trên những chiếc vỏ lãi, len lỏi vào những con rạch nhỏ hai bên toàn cây dừa nước, thưởng thức những món ăn dân dã đồng quê, có cả con mắm lóc, mắm sặc đậm đà. Đặc sắc hơn là những du khách được may mắn nán lại rừng U Minh Thượng, nghe hương tràm ngan ngát, trắng đêm bên ly rượu gạo, ngâm với trái giác cùng chút vị mật ong rừng, nghe chuyện xưa, chuyện nay của Miệt Thứ…

Thái Bình


Trong bài ca "Em về miệt thứ", tác giả Hà Phương dùng ca dao để tả nỗi lòng của cô gái Tiền giang theo chồng về miệt thứ Cà mâu.

Tuy yêu chồng nhưng sống giữa cảnh "chim kêu vượn hú, muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh tựa bánh canh" cô không khỏi chạnh lòng nhớ quê nhà và ba má.

Với giọng ca mềm mại nhưng lắng sâu, ca sĩ Hương Lan hạ hai câu cuối:

Sương khuya ướt đọng giàn bầu

Em về miệt thứ bỏ sầu cho ai?

Người nghe được truyền cảm nỗi sầu cô quạnh của cô gái Tiền giang theo chồng về miệt thứ hoang vu .

Quê Tiền giang của cô gái là vùng đã được khai phá vài đời trước, nay trở thành miệt ruộng, miệt vườn xanh tươi.

Miệt thứ của chồng cô là những vùng còn hoang dại ở Hậu giang, chưa có dấu chân người. Đó là những rừng nguyên sinh chỉ thích hợp với những loại ưa nước phèn nhiễm mặn như sác, gừa, đước, tràm... Ngoài ra còn có muỗi bay vo ve như tiếng huýt sáo, đỉa lội lềnh bềnh tựa bánh canh, chim kêu như ma quái đem tới điềm xấu, vượn hú nghe tuyệt vọng não lòng. Thêm nữa, những lưu dân tiên phong tới khai phá còn phải đối đầu với cá sấu và cọp [theo Gia định thành thông chí của Trịnh hoài Đức, dân Gia đỊnh dùng đòn xóc đánh cọp, đàn bà cũng chống cọp bằng liềm cắt cỏ].

Nhưng tại sao vùng đang khẩn hoang gọi là miệt thứ?

Từ này đã xưa, nay không còn dùng nên chúng tôi tra cứu cuốn "Đại nam quấc âm tự vị"  của Huỳnh tịnh Paulus Của, ấn hành tại Sài gòn năm 1895.

Theo cuốn này, thứ do từ quân thứ có nghĩa là nơi đóng binh.

Kế hoạch Quân thứ của Nguyễn cư Trinh

Quân thứ là hệ thống doanh trại quân đội trong kế sách "tằm ăn dâu" do Nguyễn cư Trinh đệ trình chúa Nguyễn phúc Khoát và được chúa chấp thuận cho thi hành.

Năm 1750, Nặc Nguyên ngả theo Xiêm và thông sứ với chúa Trịnh, mưu toan đồng loạt tấn công chúa Nguyễn. Chúa Phúc Khoát biết âm mưu này liền cử Nguyễn cư Trinh đem quân sang trừ diệt kẻ phản trắc.

Nguyễn cư Trinh nguyên là tuần vũ phủ Quảng ngãi có công dẹp được giặc Mọi Đá vách nên được chúa Phúc Khoát phong làm Điều khiển [như chức Tư lệnh] 5 dinh là Bình khang [Khánh hòa], Bình thuận [Phan rang], Trấn biên [Biên hòa], Phiên trấn [Gia định] và Long hồ [Mỹ tho].

Với khí thế như vũ bão, Nguyễn Cư Trinh và phụ tá Trương phúc Du tiến quân tới đâu là nơi đó đầu hàng, Nặc Nguyên phải chạy ra Phú quốc. Nhờ trung gian Mạc thiên Tứ, Nặc Nguyên xin nhượng xứ Lôi lạp [Gò công] và Tầm bôn [Tân an] để được tha tội và trở về Nam vang.

Chúa Nguyễn không nhận, muốn Cư Trinh tiếp tục đuổi đánh cho tới khi giết được Nặc Nguyên.

Cư Trinh dâng sớ xin chúa nhận điều kiện đầu hàng của Nặc Nguyên, viện những lẽ như sau:

"Từ xưa sở dĩ dùng đến binh chẳng qua là muốn giết đứa kỳ khôi, mở mang bờ cõi mà thôi. Nay Nặc Nguyên đã hối lỗi nạp đất xin hàng, nếu tìm mãi sự giả dối của nó thì nó sẽ chạy trốn. Thế mà từ Gia định tới thành La bích [thuộc Chân lạp] đường xá xa xôi không tiện đuổi đến cùng.

Muốn mở mang đất đai nên trước hết phải lấy 2 phủ này để củng cố mặt sau cho 2 doanh [Phiên trấn và Trấn biên]. Nếu bỏ gần cầu xa e rằng tình thế cách trở, quân dân không tiếp xúc, lấy được dễ mà giữ được thật khó.

Năm xưa mở mang đất Gia định, trước hết mở mang đất Hưng phú [Biên hòa] rồi đến Lộc dã [Đồng nai] khiến cho quân dân đông đủ rồi sau mới mở tới Sài côn [Sài gòn]. Đó là kế tằm ăn dâu vậy.

Nay đất cũ từ  Hưng phú tới Sài côn chỉ 2 ngày đường, dân cư còn chưa yên ổn, quân giữ vẫn chưa được đủ huống chi từ Sài côn tới Tầm bôn [Tân an] xa 6 ngày đường, đường địa rộng rãi, dân số đến vạn người, quân đóng giữ thật sự chưa đủ.

Thần xem người Côn man [người Chàm lưu vong] giỏi thuật bộ chiến, người Chân lạp cũng đã e sợ. Nên cho họ ở đất ấy để họ chống giữ, lấy người Man đánh người Man [Côn Man chống Chân lạp] cũng là đắc sách.

Vậy xin cho Chân lạp chuộc tội, lấy 2 phủ ấy ủy cho phiên thần xem xét tình thế, đặt thành trại đóng quân [quân thứ], chia cấp ruộng đất cho quân lính và nhân dân, vạch rõ biên giới cho lệ vào châu Định viễn để thu lấy toàn khu".

Bấy giờ chúa Nguyễn mới lập được 3 dinh [doanh] là Trấn biên [Biên hòa], Phiên trấn [Gia định] và Long hồ [Mỹ tho]. Trấn biên và Phiên trấn ngăn cách với Long hồ bởi phủ Lôi lạp [Gò công] và Tầm bôn [Tân an] thuộc chủ quyền của Chân lạp. Nay thu nhận Lôi lạp và Tầm bôn và sát nhập 2 phủ này vào châu Định viễn thuộc dinh Long hồ khiến trọn miền Đông từ đó thuộc chủ quyền của chúa Nguyễn.

Tổ chức hành chánh và quân sự bấy giờ song song với nhau: Biên hòa có huyện Phước long và dinh Trấn biên, Gia định có huyện Tân bình và dinh Phiên trấn, Mỹ tho có châu Định viễn và dinh Long hồ. Trấn thủ dinh là quan võ kiêm chỉ huy hành chánh.

Sau này tổng thống Ngô đình Diệm cũng đặt chức Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng và quận trưởng kiêm chi khu trưởng. 

Khai triển quân thứ

Khi Nguyễn cư Trinh làm tuần vũ phủ Quảng ngãi, giặc Mọi Đá Vách thường từ rừng sâu xuống đánh phá và cướp bóc dân chúng. Quan quân tới đánh dẹp, chúng rút vào rừng sâu rất khó đuổi theo. Khi quan quân rút về, chúng lại từ rừng sâu xuống cướp phá.

Để chấm dứt tình trạng bất ổn dai dẳng, Cư Trinh chia quân ra làm 6 đạo, mỗi đạo đóng quân tại một nơi hiểm yếu về quân sự nhưng có tiềm năng về nông nghiệp. Quân lính vừa giữ an ninh vừa khai hoang để tự túc. Mỗi đạo như vậy gọi là quân thứ.

Dân nghèo không có ruộng được chiêu mộ tới khẩn hoang lập ấp chung quanh đồn trại. Được quân thứ bảo vệ, dân tin cậy nên tham gia khẩn hoang ngày càng đông. Di dân được huấn luyện thành dân binh làm lực lượng trừ bị cho quân thứ.

Giặc Mọi Đá Vách bị bao vây phải thương thuyết đầu hàng, Cư Trinh phủ dụ và giúp đỡ họ, từ đó an ninh được vãn hồi.

Do kết quả kế hoạch dùng quân thứ làm hạt nhân để phát triển, chúa Nguyễn phúc Khoát bổ nhiệm Nguyễn cư Trinh làm Điều khiển [Tư lệnh] 5 dinh từ Khánh hòa vào tới Mỹ tho.

Sau khi nhượng xứ Lôi lạp và Tầm bôn cho chúa Nguyễn, nội bộ Chân lạp rối loạn về việc nối ngôi Nặc Nguyên.

Qua trung gian Mạc thiên Tứ, Nặc Nhuận xin nhượng xứ Trà vang [nay là Trà vinh và Bến tre] và Ba thắc [nay là Sóc trăng và nam Bạc liêu] để được chúa Nguyễn cho nối ngôi.

Nội bộ Chân lạp lại rối loạn do Nặc Nhuận bị con rể giết để cướp ngôi. Cháu Nặc Nhuận là Nặc Tôn chạy sang Hà tiên nhờ Mạc thiên Tứ xin chúa Nguyễn giúp lên ngôi vua Chân lạp. Chúa ủy nhiệm Mạc thiên Tứ và Trương phúc Du giải quyết. Trương phúc Du cất quân sang dẹp loạn, Mạc thiên Tứ đưa Nặc Tôn về làm vua. Nặc Tôn dâng chúa Nguyễn xứ Tầm phong long để đền ơn.

Trọn miền Hậu giang từ đó thuộc chủ quyền chúa Nguyễn.

Nguyễn cư Trinh chia Hậu giang ra làm 5 đạo: Đông khẩu đạo [nay là Sa đéc], Tân châu đạo, Châu đốc đạo, Kiên giang đạo [nay là Rạch giá] và Long xuyên đạo [nay là Cà mâu]. Riêng Kiên giang và Long xuyên đạo được đặt trực thuộc trấn Hà tiên của Thiên Tứ.

Phần lớn dọc 2 bờ sông Tiền và Hậu giang bấy giờ còn hoang vu, Nguyễn cư Trinh cho lập đồn trại [quân thứ] và mộ dân từ Quảng ngãi và Phú yên vào để cùng binh lính khẩn hoang lập ấp. Việc khẩn hoang tại Kiên giang và Long xuyên đạo, Cư Trinh ủy nhiệm cho Thiên Tứ.

Áp dụng kế hoạch an ninh kết hợp với sản xuất, di dân được huấn luyện thành dân binh làm lực lượng trừ bị cho quân thứ.

Việc trấn giữ biên giới với Chân lạp về đường bộ, Cư Trinh giao cho người Côn Man [người Chàm lưu vong] đảm nhiệm. Người Côn Man lập đồn trại từ Tây ninh tới Hồng ngự. Tây ninh và Hồng ngự phân cách bởi vùng sình lầy Đồng tháp nên họ phải xuyên qua lãnh thổ Chân lạp mỗi khi liên lạc với nhau.

Ngày nay địa danh "miệt thứ" chỉ còn một vùng ở Cà mâu. Trong cuốn "Tìm hiểu đất Hậu giang", nhà văn Sơn Nam viết:

"Người dân từ Long xuyên, cù lao Ông Chưởng, đi theo kinh đào núi Sập đến Rạch giá rồi men theo bờ biển xuống phía nam đến miệt thứ , trên 10 con rạch chạy song song từ U Minh đổ ra vịnh Xiêm la".

Qua đoạn văn này, miệt thứ  đúng là một địa danh ở Cà mâu.

Cũng theo nhà văn Sơn Nam, lưu dân ở Sóc trăng, Bạc liêu, Cà mâu và Rạch giá phần đông là người Tàu do Mạc Cửu và Mạc thiên Tứ mộ từ Triều châu, Phước kiến và Quảng đông. Tới nay họ đã đồng hóa thành người Việt, chỉ còn giữ một phần phong tục và tập quán.

Kế hoạch đồn điền của Nguyễn tri Phương

Kết quả kế hoạch quân thứ của Nguyễn cư Trinh là những xóm làng tập trung chung quanh các đồn gần sông Cái như Châu đốc, Tân châu, Đông khẩu [Sa đéc].

Kế hoạch này bị ngưng trệ vì cuộc chiến giữa chúa Nguyễn với Tây sơn và Xiêm.

Khi vua Gia long lên ngôi, kế hoạch quân thứ được tiếp tục, vùng Thủ thảo [rạch Long xuyên] và Lấp vò [Cường thành đạo] được thành lập.

Đời vua Minh mạng lập được vùng Chợ Thủ [Chiêu sái đồn].

Năm 1849 vua Tự Đức phong Nguyễn tri Phương làm Kinh lược đại sứ Nam kỳ.

Tri Phương trình vua và được vua chấp thuận kế hoạch đồn điền.

Đồn điền theo kế hoạch này không có nghĩa như ngày nay. Tương tự kế hoạch quân thứ, cũng lập đồn binh và mộ dân tới khẩn hoang chung quanh đồn nhưng binh và dân do cá nhân tự nguyện đứng ra tuyển mộ thay vì các quan địa phương tuyển mộ theo lệnh triều đình. 

Dân chúng từ Bình thuận ra Bắc được triều đình thông sức:

  1. Tuyển mộ người đồn điền: ai mộ được 50 người sẽ được tổ chức và huấn luyện thành một đội và người đứng mộ được bổ nhiệm chức "Xuất đội". Ai mộ được 500 người sẽ được bổ nhiệm chức "Chánh đội thí sai phó quản cơ" [thí sai là chức sắp được vào chính ngạch], số 500 người này được tổ chức và huấn luyện thành một cơ. Số đội và cơ tân tuyển này được ưu tiên bổ sung cho 2 tỉnh địa đầu là Hà tiên và An giang, còn dư chia cho kinh Vĩnh tế, Ba xuyên và Tịnh biên. Lính đồn điền vừa giữ an ninh vừa khẩn hoang như quân thứ.
    Sau khi đồn điền ổn định về an ninh và sản xuất , lính đồn điền được lập sổ bộ dân sự , Đội trở thành một ấp , Xuất đội được bổ nhiệm làm ấp trưởng ; Cơ trở thành một tổng và Quản cơ được bổ nhiệm làm tổng trưởng [chánh tổng].
  2. Mộ dân lập ấp: dân được khuyến khích vào Nam kỳ khẩn hoang nhưng phải tập hợp từ 10 người trở lên và muốn khai phá ở đâu đều được tự do. Chính sách này thuận tiện cho việc lập ấp. Trước đây dân họp thành nhóm lẻ tẻ và rải rác nên khó lập sổ bộ và thu thuế. 

Người Tàu cũng được phép mộ dân tới khẩn hoang. Ngoài ra còn người Thiên chúa giáo vào lánh nạn cấm đạo của triều đình.

Năm 1854 Nguyễn tri Phương trình về triều đình đã lập được 100 làng.

Qua 2 kế hoạch của Nguyễn cư Trinh và Nguyễn tri Phương chúng ta được biết Tiền nhân đã hoạch định cuộc khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ như thế nào.

Bùi Quý Chiến

[Đặc San Lâm Viên]

--------------------------------------------

THAM KHẢO

- Văn học Nam Hà của Nguyễn văn Sâm .

-Tìm hiểu đất Hậu giang của Sơn nam . 

- Đại nam quấc âm tự vị của Huỳnh tịnh Paulus Của .

Video liên quan

Chủ Đề