Mâu thuẫn giữa lợi ích của nhà quản trị doanh nghiệp và cổ đông

Lơ là quản trị tốt, nhiều doanh nghiệp lớn lao đao

Nhiều doanh nghiệp lớn đang đối mặt với những bất ổn tiềm ấn trong nội bộ, khi lợi ích của các cổ đông không được hài hòa. Thực tế này đang phát đi cảnh báo đỏ về chất lượng quản trị trong nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Vinaconex đang đối mặt với những bất ổn tiềm tàng do mâu thuẫn giữa  các cổ đông 

Quản trị doanh nghiệp tốt bị lơ là

Những tác động tiêu cực tới hoạt động của Trung Nguyên sau vụ ly hôn đình đám giữa vợ chồng Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ chưa thực sự lắng xuống, giới chuyên gia về quản trị doanh nghiệp tiếp tục chứng kiến những bất ổn tiềm tàng nổi lên do mâu thuẫn giữa các cổ đông của Vinaconex sau khi doanh nghiệp này thoái xong phần vốn nhà nước.

“Tôi cảm thấy tiếc, vì những mâu thuẫn nội bộ, cách ứng xử thiếu chuẩn mực của các cổ đông lớn đang làm yếu đi không ít doanh nghiệp vốn có tuổi đời và thương hiệu tốt. Nếu quản trị doanh nghiệp tốt được coi trọng, mâu thuẫn sẽ không xảy ra, hoặc có cách xử lý mà không ảnh hưởng lớn tới lợi ích chung của công ty, của các cổ đông”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương [CIEM] phân tích.

Thực tế, các cổ đông khi tham gia đầu tư vào một công ty có thể có mục tiêu, quan điểm khác nhau, từ đó dẫn đến sự kỳ vọng khác nhau về chiến lược phát triển của công ty hay khác biệt trong một quyết định đầu tư dự án cụ thể. Sự khác biệt này càng rõ giữa các cổ đông lớn, những cổ đông có đại diện trong HĐQT như trường hợp Vinaconex. Thậm chí, với trường hợp của Trung Nguyên, sự khác biệt nảy sinh giữa hai vợ chồng, cũng là hai cổ đông lớn, cùng tham gia điều hành.

Trên nguyên tắc của quản trị tốt, các bên liên quan, nhất là cổ đông khi thảo luận, quyết định các vấn đề liên quan đến công ty, sẽ phải hành xử vì lợi ích chung của công ty thay vì bảo vệ lợi ích của bên cổ đông cụ thể nào. Khi đó, các mâu thuẫn do sự khác biệt về mục tiêu, lợi ích sẽ được các bên cùng xử lý trên cơ sở lấy lợi ích chung làm nguyên tắc làm việc.

Nhìn lại một số trường hợp mâu thuẫn trong quản trị doanh nghiệp nổi lên thời gian qua, có thể thấy nguyên tắc này không được tuân thủ. Nhiều cổ đông lớn đã đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của công ty, của các cổ đông khác trong các quyết định liên quan đến chiến lược phát triển, trong các quyết định điều hành. Thậm chí, có nhóm cổ đông lớn tìm cách có càng nhiều “người của mình” tham gia vào HĐQT càng tốt, để có tiếng nói phục vụ lợi ích của mình.

Hệ quả, mâu thuẫn nội bộ bị đẩy cao, lợi ích của công ty và của đại đa số cổ đông bị tổn hại.

Đạo đức lãnh đạo chưa được coi trọng

Lý do ông Hiếu quan tâm tới quản trị doanh nghiệp vì đang nhận nhiệm vụ chắp bút cho Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp. Trong lần sửa đổi này, Ban soạn thảo đặt mục tiêu nâng cấp quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam.

“Sau 20 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp, quản trị tốt vẫn đang là thứ xa xỉ với số đông doanh nghiệp Việt thì thật đáng lo”, ông Hiếu thẳng thắn. Năm 2019, Việt Nam tiếp tục đứng ở thứ hạng thấp về Thẻ điểm quản trị ASEAN, với mức điểm 42/120, đứng dưới cả Indonesia, Philippines. Vấn đề đáng lo hơn là quản trị thực tế trong doanh nghiệp đang kém hơn các quy định, nghĩa là việc tuân thủ thực sự có vấn đề.

“Tôi ở trong ban đánh giá Thẻ điểm quản trị ASEAN. Nếu đánh giá trên cơ sở quy định pháp lý, mức điểm của Việt Nam ngang với Indonesia, Thái Lan. Nhưng thực tế thực thi lại bị thấp hơn. Có những nội dung mà điều luật không thể với tới được,  mà quan trọng là sự lựa chọn của chính cổ đông trong doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.

Thực tế, Luật Doanh nghiệp đã quy định khá nhiều nội dung để thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện quản trị tốt, chuẩn mực, theo thông lệ quốc tế. Ví dụ như, sự có mặt của thành viên HĐQT độc lập, tính liên tục, kế thừa của HĐQT... Nếu tuân thủ đúng khung khổ này, sự thay đổi của cổ đông, kể cả cổ đông lớn, sẽ không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chất lượng thực sự của các điều khoản này không phụ thuộc vào chất lượng của văn bản luật. Trong khá nhiều trường hợp, thành viên HĐQT độc lập có đủ tiêu chí như quy định, nhưng lại không thực sự độc lập về tư duy, về hành động, thậm chí lại thiên về lợi ích của một nhóm cổ đông. Việc bầu HĐQT mới cũng vậy, có doanh nghiệp khi thay đổi cổ đông lớn đã thay đổi toàn bộ thành viên HĐQT, không có sự kế thừa, dẫn đến gián đoạn, thiếu liền mạch trong điều hành.

Ở nhiều nước, ngoài quy định của pháp luật, doanh nghiệp phải tuân thủ bộ quy tắc về đạo đức nghề nghiệp. Đây là kênh bổ trợ quan trọng của quản trị doanh nghiệp, kiểm soát hành vi và đạo đức của các thành viên Ban quản trị, Ban giám đốc...

“Nhưng, ở Việt Nam, công cụ này cũng khá xa lạ” , ông Hiếu thừa nhận. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là Việt Nam chưa có thị trường về thành viên HĐQT độc lập. Các hiệp hội nghề nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng các tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, các cổ đông cũng chưa để tâm đến yêu cầu này.

Thậm chí, Luật Doanh nghiệp đã quy định một quyền quan trọng để cổ đông bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, đó là người quản lý có thể bị khởi kiện nếu không thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty; không trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông... Nhưng, suốt 20 năm có Luật Doanh nghiệp, ông Hiếu mới biết có một vụ cổ đông kiện người quản lý doanh nghiệp vì thiếu cẩn trọng trong thực hiện nhiệm vụ và được tòa tuyên phải đến bù cho doanh nghiệp.

“Các quy định này cho phép cổ đông giám sát thành viên HĐQT, Ban giám đốc và cũng cho phép họ có phương án giải quyết văn minh nếu có mâu thuẫn, tránh gây thiệt hại trực tiếp đến doanh nghiệp. Đây cũng là lời tư vấn của tôi với các trường hợp có mâu thuẫn về lợi ích trong các cổ đông trong doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.

Thắt chặt yêu cầu về quản trị doanh nghiệpTrong Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, quy định mới về chuẩn mực trong quản trị doanh nghiệp, trách nhiệm của HĐQT, thành viên HĐQT, Ban giám đốc... được thiết kế hướng yêu cầu khắt khe hơn. Cụ thể, sẽ có những tiêu chí mới để chống kiêm nhiệm, chống những người có liên quan tham gia vào điều hành công ty...

Các quy định này có thể sẽ làm khó cho các doanh nghiệp, khi phải nâng cao chuẩn mực trong quản trị, nhưng về lâu dài sẽ tạo thói quen tốt trong thực thi quyền, trách nhiệm và đạo đức trong quản trị của doanh nghiệp Việt Nam.

Gỡ ‘nút thắt’ xung đột lợi ích và liên kết quản trị công ty

Trương Trọng Hiểu[*]

[TBKTSG] – Ngày càng có nhiều cuộc tranh cãi, bất đồng trong nội bộ công ty, nhất là các mâu thuẫn giữa cổ đông quản lý và cổ đông thường mà vụ việc ở Coteccons là một ví dụ. Những câu chuyện này thường được lý giải qua các minh chứng về xung đột lợi ích giữa các bên, nhất là khi thành viên quản lý của công ty này đồng thời là thành viên quản lý của công ty có lợi ích xung đột khác.

Việc ra tòa để giải quyết xung đột là cách chọn sòng phẳng, tuy nhiên, sẽ tốt hơn nhiều nếu các bên có thể tránh được nguy cơ dẫn đến tranh chấp ngay từ ban đầu.

Từ mâu thuẫn Coteccons và Kusto, nhìn lại quyền cổ đông khi có tranh chấp nội bộ

Luật Doanh nghiệp năm 2014 mở rộng cơ chế nhiều người đại diện cho cả công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần [2]. Quy định cấm giám đốc công ty cổ phần đồng thời là giám đốc của doanh nghiệp khác được nhắc đến trong Luật Doanh nghiệp 2005 cũng được gỡ bỏ. Thậm chí, luật còn khẳng định thành viên HĐQT của công ty cổ phần có thể đồng thời là thành viên HĐQT của công ty cổ phần khác. Quy định này hiện nay cũng được nhắc lại trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

Tựu trung, tiếp cận hiện tại của luật đã mở ra cánh cửa hình thành nên cơ chế liên kết quản trị giữa các công ty [interlocking directorates]. Cơ chế này ít nhiều tạo thêm chất xúc tác cho câu chuyện “xung đột lợi ích” vốn đã rất phức tạp.

Vì vậy, chế định trách nhiệm người quản lý công ty được xây dựng và phát triển cũng nhằm để kiềm chế những mối nguy đó. So với phiên bản Luật Công ty đầu tiên, chế định này ở phiên bản luật hiện tại đã hoàn thiện hơn nhiều. Luật Doanh nghiệp hiện tại đặt ra trách nhiệm cẩn trọng, trung thành, trung thực, và vì lợi ích của doanh nghiệp.

Đây là quy định làm cơ sở cho việc giải quyết nhiều vướng mắc, như việc cổ đông quản lý nắm lợi thế thông tin trong việc thâu tóm hoặc bán tháo cổ phần, ký kết hợp đồng nợ, và thậm chí là cả các tình huống để công ty bị thâu tóm ngoài ý muốn.

Dù vậy, hiện thực hóa chế định này là việc không dễ. Không riêng gì Việt Nam, nhiều nước có lịch sử pháp luật công ty lâu đời cũng thường chứng chiến những sự vụ tranh tối tranh sáng. Cách thức tiếp cận trách nhiệm của người quản lý theo đó sẽ phản ánh mô hình lý thuyết mà pháp luật công ty của một quốc gia đang theo đuổi.

Với mô hình thiên về bảo vệ người quản lý [director primacy model], việc thực hiện các giao dịch có xung đột lợi ích không mặc nhiên được xem là vi phạm nếu nó diễn ra đúng quy trình, đảm bảo đúng tỷ lệ, thậm chí là đã chấp nhận hạn chế, biểu quyết.

Ngược lại, mô hình ưu tiên lợi ích của cổ đông [shareholder primacy model] đòi hỏi người quản lý trong các trường hợp phải lấy lợi ích của cổ đông làm đầu và đặt quyền lợi của chính mình làm thứ yếu. Các hoạt động của người quản lý làm ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông vì vậy đều không được chấp nhận.

Không có một mô hình lý thuyết nào ở trên được thể hiện rõ nét trong Luật Doanh nghiệp Việt Nam. Quy định hiện thời đang đặt ra yêu cầu người quản lý hành động vì lợi ích của… doanh nghiệp như đã nói. Một số nước thực ra cũng lựa chọn lợi ích của công ty thay vì lợi ích của cổ đông để đánh giá hành động của ban quản trị.

Nhưng dù gì thì ngoài việc chứng minh vi phạm của người quản lý, tiếp cận về mặt lý luận cũng có sự dao động trong lựa chọn phương án giải quyết hậu quả. Điển hình, với trường hợp người quản lý có các hoạt động hay ký hợp đồng mang nợ về công ty, có quan điểm cho rằng không công nhận giao dịch hay kiện đòi bên thụ hưởng là lựa chọn khả dĩ.

Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng việc truy đòi người quản lý mới là giải pháp hợp lý. Đặc biệt là trong các quyết định dẫn đến doanh nghiệp bị thâu tóm, việc đặt ra trách nhiệm của những người quản lý còn lại cùng tham gia biểu quyết cũng được đặt ra.

Nhưng có lẽ, sẽ ý nghĩa hơn nếu rủi ro có thể tạo ra các giao dịch có xung đột về mặt lợi ích được phòng ngừa từ sớm. Tựu trung, các nước thường yêu cầu người quản lý phải có được sự phê duyệt của cổ đông trong các tình huống này, ngay cả với một số quốc gia tiếp tục duy trì các quy tắc bảo đảm tính trung lập cho ban quản trị [board neutrality rules]. Tương tự, Luật Doanh nghiệp hiện cũng đòi hỏi người quản lý công ty [cổ phần] phải có ý kiến của HĐQT hoặc thậm chí là phải có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông [điều 162 Luật Doanh nghiệp].

Rõ ràng, mức độ căng thẳng sẽ tăng nếu cơ chế liên kết quản trị xuất hiện giữa các công ty là đối thủ cạnh tranh. Các chế định của pháp luật công ty vừa nêu ở trên cũng khó có thể lường hết rủi ro và hậu quả phải xử lý. Nhiều nước vì vậy dùng pháp luật cạnh tranh và cơ chế kiểm soát các thương vụ mua bán và sáp nhập [M&A] để giải quyết.

Điển hình, Ủy ban châu Âu cũng đã xác định mối liên hệ quản lý chéo là một trong những yếu tố cần phải xem xét khi đánh giá tác động của các vụ sáp nhập. Thực tế, trong vụ sáp nhập giữa Nestlé [Thụy Sỹ] và Perrier [Pháp] năm 1992, vì sức tác động của thương vụ đến cạnh tranh trên thị trường quá lớn, Ủy ban châu Âu yêu cầu hai công ty phải bán một phần tài sản của mình cho một bên thứ ba khác như một biện pháp khắc phục.

Đương nhiên, bên mua lại phần tài sản này sẽ là đối thủ cạnh tranh của cả Nestlé và Perrier nên yêu cầu được đặt ra là công ty đó không được có mối liên hệ về mặt cấu trúc, tài chính lẫn bộ máy quản lý với hai công ty trên và cả công ty mẹ, công ty con của hai công ty này.

Mỹ, Nhật Bản và hầu hết các quốc gia có tiếp nhận biện pháp khắc phục sáp nhập đều sử dụng các điều kiện này.

Đặc biệt, Nhật Bản còn xem liên kết quản trị là một dạng liên kết kinh doanh và kiểm soát chung với các hình thức sáp nhập công ty khác. Theo Ủy ban Thương mại lành mạnh Nhật Bản, một liên kết quản trị nằm trong phạm vi tầm soát nếu người quản lý, hay lao động, của công ty này nắm giữ phần lớn các vị trí quản lý trong công ty khác, hoặc họ đóng vai trò đại diện pháp lý cho cả hai công ty.

Ngoài ra, cơ quan này cũng có thể đánh giá mức độ liên kết quản trị giữa các công ty qua mối liên kết tài chính, thương mại và sở hữu chéo.

Nhưng ngược lại, điều này cũng cho thấy một liên kết quản trị cũng có thể được xem là chưa đến mức có tác động xấu đến cạnh tranh và bị cấm. Trong thương vụ Oji Holdings mua lại Chuetsu Pulp & Paper vào năm 2014, Nhật Bản đã đưa ra đánh giá về mối liên kết quả trị nhưng cuối cùng đã phê duyệt thương vụ với lý do Oji Holdings chỉ nắm giữ 20% quyền biểu quyết tại Chuetsu Pulp & Paper.

Đặc biệt, người quản lý đóng vai trò “kép” giữa hai công ty chỉ giới hạn một người, và là giám đốc ngoài [external director]. Các bên, để được phê duyệt thương vụ, cũng cam kết là sẽ không chia sẻ thông tin lẫn nhau.

Có điều, tiếp cận tương tự chưa xuất hiện trong pháp luật về kiểm soát sáp nhập ở Việt Nam.

[*]Trường ĐH Kinh tế – Luật [ĐHQG TPHCM].

[2]Đây là mô hình đã và đang áp dụng cho Công ty hợp danh. Theo đó, tất cả các thành viên hợp danh đều là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Video liên quan

Chủ Đề