Lí luận văn học về bài thơ đồng chí

Đề bài: Bài thơ “Đồng chí’ của Chính Hữu là tác phẩm thể hiện một cách chân thực, đầy xúc động về tình đồng chí thiêng liêng của người chiến sĩ. Hãy làm rõ nhận xét đó.

Bài làm 1

Mùa xuân năm 1948, vào thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chính Hữu đã cho ra đời một tác phẩm mang tên Đồng chí. Bài thơ mang đến tình cảm sâu sắc về tình đồng chí, đồng đội thắm thiết, hiện lên qua những hình ảnh chân thực, giản dị, cao đẹp.

Đồng là cùng, chí là chí hướng. Nhan đề đã làm bật lên tư tưởng chung chí hướng của các anh Vệ quốc quân. Cụm từ tuy quen thuộc, bình dị nhưng đầy ý nghĩa. Nó thể hiện sự tôn trọng, cái nhìn của những người lính với nhau, tình bằng hữu, sự yêu thương mà họ dành cho nhau, cho những người anh em không chung dòng máu nhưng qũý hơn cả ruột thịt.

Mở đầu với bảy câu thơ tự do đã tái hiện sự hình thành và cơ sở của tình đồng chí. Hai câu đầu là “Quê hương anh” và “Làng tôi”, hai khái niệm chỉ chung một phạm trù, đều nói về nguồn gốc của những người lính. Họ đến từ đâu? Họ làm nghề gì? Anh thì ở vùng đất ven biển “nước mặn đồng chua”, cái thứ đất nhiễm phèn khó mà làm ăn, sinh sống được. Khác với anh, “tôi” ở đồi núi, trung du, cái nơi đất bị đá ong hoá, khó mà canh tác. Thế nhưng, giống với anh, “tôi” cũng là nông dân, những con người có cuộc sống nghèo nàn, bình dị, khốn khổ. Tất cả mang nét tương đồng về cảnh ngộ xuất thân, sự đồng cảm giai cấp của những người lính cách mạng. “Anh với tôi đôi người xạ lạ”, ở đây tác giả nói đến từ đôi chứ không phải là hai, mặc dù nghĩa giống nhưng nó đem lại một sắc thái vô cùng ý nghĩa. “Đôi” là cái gì đó gắn kết luôn bên nhau và nếu tách rời thì cả hai sẽ không tồn tại, vậy mà tôi ở đây lại là xa lạ. Mặc dù là không quen đấy, xa lạ đấy nhưng có điều gì đó mách bảo họ rằng họ rất giống nhau, “tự phương trời” “chẳng hẹn” mà đến, định mệrih sắp đặt cho họ lại gần nhau, những con người không những cùng cảnh ngộ mà còn chung lí trí, chung niềm tin chung và cả mục đích sống. “Súng bên súng” là cùng nhiệm vụ, một nhiệm vụ cao cả bảo vệ Tổ quốc, giữ chắc nòng súng vì đất nước, dân tộc, vì đồng chí. “Đầu sát bên đầu”, tiểu đối ẩn dụ rất thực chỉ suy nghĩ và lí tưởng của những con người đang đứng gần nhau là một, họ cùng suy nghĩ, cùng hướng tới một niềm tin, vì vậy họ ở đây. Thế là từ đôi “xa lạ” giờ họ đã gắn kết với nhau hơn, càng ngày càng gần. “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”, tình đồng chí đã nảy nở từ những điều bình dị nhất, sự chia sẻ một cách chân chất và vụng về của những người lính nhưng chan chứa bên trong là cả một lòng yêu thương, quan tâm. Bảy câu thơ nhưng duy nhất một từ “chung” này thôi cũng nói lên tất cả: chung cảnh ngộ, chung chí hướng, chung khó khăn gian lao, chung niềm tin, chung khát vọng,… Vậy là từ “anh” và “tôi” trên hai dòng thơ khác nhau, đã xích gần lại trong một dòng, từ “đôi người xa lạ” bỗng trở thành đôi tri kỉ. Một sự hoà nhập tự nhiên vô thức, sự gắn kết bởi một lẽ thiêng liêng, bởi một tinh thần cao cả, đó là tình đồng chí. Đúc kết ở dòng bảy, chỉ với hai tiếng “Đồng chí!” này cùng dấu chấm than, ngắn gọn nhưng vô cùng súc tích và đặc biệt, nó như một nốt nhấn, nổi bật cùng bản đàn, như một lời phát hiện, một lời khẳng định, một sự thông báo, thốt lên trong niềm sung sướng. Câu thơ vừa cắt đôi bài thơ vừa gắn kết bài thơ lại một cách hoàn hảo, nó là nút thắt trên một dòng sông dài để rồi khi thả ra, con nước cuốn theo cảm xúc tuôn trào mạnh mẽ, ào ạt đầy khí huyết, mở ra một ỷ mới, bừng sáng ngọn lửa trong cả bài thơ.

Sức mạnh và biểu hiện cụ thể của tình đồng chí đã được thể hiện trong mười câu thơ tiếp theo. Ba câu thơ đầu chỉ có “anh” mà không có “tôi”, anh đã thật sự hiểu tôi, tin tưởng tôi và chia sẻ mọi thứ. “Tôi” cũng thông cảm và thực sự quan tâm tới anh, tôi kể về anh, về người đồng chí của tôi. Với người nông dân nghèo, con trâu, căn nhà, ruộng nương là toàn bộ cơ nghiệp. Đó là những thứ cả đời họ phấn đấu, giữ gìn và bảo vệ, nói cách khác, chúng rất cần thiết và quan trọng với họ thế nhưng họ đã gác lại tất cả để ra trận, để đến với lí tưởng cao đẹp hơn. Họ “mặc kệ” cho gió lung lay, cho thiến nhiên tàn phá. Cụm từ “mặc kệ” được sử dụng vô cùng đắt giá, nó bình dị trong cuộc sống hằng ngày nến thể hiện sự chân thực, chất phác của những người lính. Họ đi mà vô cùng dứt khoát, không nuối tiếc, không đau khổ, không vấn vương, hết sức ngang tàng. Tuy vậy, vốn là những con người tình cảm, họ không thể giấu đi nỗi nhớ nhà cũng như lặng thinh trước sự mong ngóng ở quê hương. Thế nhưng sức mạnh của tình yêu nước lớn lao đã giúp họ trở nên mạnh mẽ, hi sinh bản thân và những xúc cảm để đến với lí tưởng cao đẹp. Giếng nước, gốc đa – một hình ảnh hoán dụ gợi về quê hương, về người thân nơi hậu phương. Tuy vậy từ “nhớ” màng đến phép nhân hoá, hình ảnh lại trở thành ẩn dụ những kỉ niệm, những buổi hò hẹn, những khoảnh khắc khó quên của cuộc chia tay, khi mà cả quê nhà dõi theo từng bước chân các chiến sĩ của họ. Vậy là quê hương nhớ người lính mà thực chất người lính nhớ quê hương. Khi ra trận, người lính không bị ràng buộc bởi vật chất mà ràng buộc bởi tinh thần. Ôi! Những con người sâu sắc đầy tình cảm! Với anh và “tôi”, họ chung nhau những gian nan, đau đớn của cơn sốt rét, họ nhìn thấu và thương nhau từ những chi tiết nhỏ, họ cùng thiếu, cùng rách và tiếp tục những nét tương đồng từ áo quần tới cảm giác. Mọi thứ đều vô cùng khó khăn, khổ sở. Tuy vậy, họ không cô đơn và vượt qua mọi gian nan, thử thách bởi họ là đồng chí. Tác giả đã dẫn hàng loạt những hình ảnh chân thực, cô đọng đầy xúc động, những cặp đôi câu sóng đôi, tiểu đối đối ứng với nhau. Điều đáng chú ý là người bạn luồn được đưa lên trước, nói “anh” rồi mới nói “tôi”, luôn là như vậy. Dù lạnh, dù khổ, dù đau nhưng họ,vẫn quên đi để động viên lẫn nhau, tạo cho nhau sức mạnh để vượt qua khó khăn, truyền cho nhau hơi ấm. “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”, một sự hoà nhập vô cùng sâu sẵc, không một lời nói thốt ra nhưng dường như như cả hai bên đều hiểu, đều cảm nhận được. Một cử chỉ nhẹ nhàng nhưng chân thành, cảm động, chứa chan yêu thương, không phải một cái bắt tay thông thường mà là cái bắt tay truyền sức sống, niềm tin để cổ vũ nhau.

Ba câu thơ cuối kể về kỉ niệm của tình đồng chí, qua đó trở thành một biểu tượng đẹp, vĩnh cửu, sống mãi trong mỗi người lính. “Đêm nay rừng hoang sương muối” đã mở ra một khoảng không rộng lớn, một khung cảnh lạnh lẽo và có phần cô đơn, hoang tàn. Thiên nhiên mang đến một thử thách vô cùng khắc nghiệt, đầy khó khăn. Tuy vậy màn sương lạnh và dày đặc trong những ngày mùa đông ở Việt Bắc không làm gục ngã được những người lính, bởi họ có đồng chí, họ “đứng cạnh bên nhau” và cùng “chờ giặc tới”. Đã “đứng cạnh” lại còn “bên nhau”, câu thơ tưởng như thừa mà lại không hề thừa, nó nhấn mạnh sự hiện thực, xích lại gần hơn những khoảng cách, kéo họ sát lại, vững chãi không gì có thể khuất phục và trong tư thế chủ động, họ “chờ giặc tới”. Hai câu thơ đối nhau thật chỉnh và như ca ngợi tình đồng chí đã sưởi ấm cho họ trong những đêm đông buốt giá. Thật cảm động và tuyệt vời, đặc biệt tuyệt vời ở hình ảnh “đầu súng trăng treo”. Một điểm nhấn mới, điểm nhấn mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt mang đến sự công phá lớn, điểm sáng của toàn bài thơ và hơn hết biểu tượng của tình đồng chí, một hình ảnh thực tế mà lãng mạn đã xuất hiện một cách đột ngột, trong cái chông chênh và tròng trành của trăng, nó hiện ra, rõ dần và trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Vầng trăng chạm vào nòng súng, súng như giá đỡ của trăng và gợi lên những liên tưởng của chiến tranh – hoà bình, gần – xa, chiến sĩ – thi sĩ, thực tại – mơ mộng. Tất cả hoà quyện lại, bổ sung cho nhau, mang đến một ý niệm vô cùng cao cả, đó là lí tưởng mà cầc chiến sĩ theo đuổi, cầm súng bảo vệ sự hoà bình. Câu thơ như điểm sáng của cả bài, mang tính hiện thực nhưng vô cùng sâu sắc, chỉ ba câu nhưng tạo nên một bức tranh toàn cảnh đầy đủ, hoàn chỉnh và tuyệt hảo, có hồn, có tình – tình đồng chí, đồng đội.

Bài thơ Đồng chí tái hiện hình ảnh “anh bộ đội Cụ Hồ” trong những buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Tác giả đã vô cùng xuất sắc và thành công vì đã đưa được vào lòng người những xúc cảm vô giá, những cảm nhận dạt dào về tình đồng chí, đồng đội.

Bùi Kim Minh Trang

[Trường PTDL Lương Thế Vinh]

Bài làm 2

Lịch sử nước ta gắn liền với những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Trong chiến tranh giữ nước, hình tượng người nông dân mặc áo lính đã đi vào thơ ca như một hình ảnh cao đẹp nhất. Một trong những bài thơ có giá trị đó là Đồng chí [1948] của Chính Hữu. Là một nhà thơ quân đội, tác giả hiểu rõ tình đồng đội cao quý của những người lính cách mạng có cùng lí tưởng để từ đó thể hiện tình đồng chí một cách chân thành và cảm động.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là nơi hội tụ của biết bao thanh niên gia nhập quân đội, chiến đấu cho một lí tưởng chung là bảo vệ chủ quyền, độc lập, tự do của dân tộc. Trong cuộc sống đầy gian khổ, một tình cảm mới mẻ đã nảy sinh và ngày càng trở nên sâu sắc, đó là tình đồng chí. Bài thơ mở đầu bằng những lời tâm sự chân tình:

“Quê hương anh nước mặn, đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau

Súng bên súng, đầu sát bên đầu,

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ

Đồng chí!”

Đó là một lời trao gửi tâm tình của hai người lính xa quê trong đêm rừng cùng nhau phục kích quân giặc. Lời tâm sự ấy được tác giả diễn tả bằng những hình ảnh đẹp, ấm cúng. “Quê hương anh” và “Làng tôi”, cách gọi chứa đựng bao tình cảm gắn bó thiết tha. Câu thơ sử dụng thành ngữ “nước mặn đồng chua”, khiến người đọc liên tưởng đến một vùng đồng trũng ven biển, Cuộc sống người dân ở đây rất cực khổ, nghèo nàn. Còn làng tôi thì đất sỏi đá ở vùng đồi núi… Con người phải đổ bao mồ hôi nước mắt để có được bát cơm. Cả hai vùng quê nghèo nàn, khổ cực. Chỉ qua hai câu thơ, tác giả đã nêu rõ hoàn cảnh xuất thân của người chiến sĩ – những người nông dân nghèo khổ. Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, họ tạm xa con trâu, mảnh ruộng, mái nhà tranh để ra đi chiến đấu. Từ những mảnh đất đói nghèo, những con người xa lạ được đưa lại gần nhau, gắn bó với nhau. Bởi thế, từ “Anh với tôi đôi người xa lạ”, cả hai đều “Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau” thế mà gắn bó với nhau trong những sinh hoạt thiếu thốn của người lính. Sát cánh bên nhau chiến đấu, càng ngày họ càng cảm nhận sâu sắc về sự hoà hợp, gắn bó giữa đồng đội cùng chung lí tưởng và hành động:

“Súng bên súng, đầu sất bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”.

Câu thơ đã được Chính Hữu sử dụng cách nói lặp, nghệ thuật đối để diễn tả sự quấn quýt, gắn bó, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của những người lính trong chiến đấu. Ngày cùng chung nhiệm vụ chiến đấu, chia nhau gian khổ, hiểm nguy; đêm đắp chung một chiếc chăn đơn sơ, mộc mạc, họ đã trở thành một đôi bạn tri kỉ. Câu thơ mang đậm chất hiện thực của buổi đầu kháng chiến, với những cơ cực thiếu thốn và thử thách ghê gớm. Chính tình cảm gắn bó keo sơn của những người lính đã biến họ từ chỗ là những người xa lạ trở thành tri kỉ. Tinh đồng đội đã trở thành tình đồng chí thiêng liêng vô hạn. Đó là nền móng, là cơ sở vững chắc nhất hình thành nên tình đồng chí của những người lính cách mạng.

Trong sáu câu thơ đầu, nhà thơ đã cắt nghĩa, lí giải cho chúng ta những cơ sở vững chắc tạo nên tình đồng chí. Hai tiếng “Đồng chí” được tách ra thành một câu đặc biệt và chia bài thơ thành hai phần rõ rệt. Hai chữ “Đồng chí” đặt vào giữa mạch thơ chắc gọn như một nút thắt khép lại phần đầu của bài thơ và mở ra phần sau với những cảm nhận sâu sắc hơn về tình đồng chí. Nó như là một tiếng gọi thốt tự đáy lòng với bao tình cảm mến thương, trân trọng. Từ chỗ xa lạ đến quen nhau và giờ đây họ thành đồng chí của nhau, kề vai sát cánh chiến đấu để giải phóng quê hương, đất nước.

Đọc những câu thơ tiếp, ta hiểu hơn những suy nghĩ của tác giả về đồng đội:

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.”

Những người lính ra đi vì lí tưởng lớn lao. Giữa bổn phận với gia đình, trách nhiệm với người thân và sự nghiệp giải phóng dân tộc, người lính đã chọn con đường ra đi để đem lại ngày mai tươi sáng cho đất nước, quê hương. Hình ảnh “Gian nhà không”, “giếng nước”, “gốc đa” là hình ảnh thể hiện tình cảm sâu nặng của người lính đối với gia đình và quê hương. Những tình cảm ấy biến thành nỗi nhớ, thành động lực để chiến đấu và chiến thắng. Hai chữ “mặc kệ” đã diễn tả được ý chí, quyết tâm ra đi của những người lính và trăn trở khôn nguôi trong lòng họ. Những người lính có cùng chung một nỗi niềm tâm sự. Họ san sẻ cho nhau những lo lắng, suy nghĩ, trăn trở của mình. Vì thế họ càng gắn bó với nhau khăng khít:

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi.

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.”

Trong kháng chiến, gian khổ, đói rét, bệnh tật nhưng bằng tình đồng chí họ cùng giúp nhau vượt lên tất cả. Ai đã từng tham gia kháng chiến mới biết cái rét mướt của núi rừng và những trận sốt rét khi nóng khi lạnh như hành hạ, thử sức chịu đựng của con người. Càng trải qua gian khó họ càng biết trân trọng tình đồng chí. Cử chỉ đơn giản “tay nắm lấy bàn tay” thật xúc động, cái nắm tay để sẻ chia hơi ấm, sẻ chia cảm giác lạnh lẽo, Hình ảnh “miệng cười buốt giá” hoàn thiện hơn bứe chân dung về người chiến sĩ cách mạng, ở đây nhà thơ đã tô đậm những thiếu thốn, khó khăn về vật chất để khẳng định sự giàu có và vẻ đẹp tuyệt vời trong tâm hồn người lính. Bằng tinh thần lạc quan, ý chí kiến định, bản lĩnh, sự đoàn kết yêu thương gắn bó với nhau, những người lính đã vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình để hoàn thành nhiệm vụ. Tình đồng chí được Chính Hữu thể hiện là tình cảm giàu tính nhân văn, là vẻ đẹp của người chiến sĩ. Bằng những hình ảnh chọn lọc, chi tiết, nhịp thơ sâu lắng và một cấu trúc độc đáo, tác giả đã khắc hoạ một tình đồng chí giữa những người lính bền chặt, gắn bó.

Đỉnh cao của “tình đồng chí” là hình ảnh được vẽ bằng bút pháp lãng mạn bay bổng ở những câu thơ cuối:

“Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.”

Ánh trăng bao phủ khắp núi rừng tạo nên một không gian giàu chất thơ. Trong đêm sương muối lạnh tê người, những người lính hiên ngang trong tư thế chờ đợi kẻ thù, sẵn sàng chiến đấu, họ im lặng đứng bên nhau. Họ sát cánh bên nhau, truyền cho nhau hơi ấm của tình đồng đội, xua tan đi cái lạnh lẽo, giá buốt của rừng đêm, tiếp thêm sức mạnh cho nhau để hoàn thành nhiệm vụ cao cả. Hình ảnh “Đầu súng trăng treo” là hình ảnh giàu giá trị biểu tượng. Đó là hình ảnh kết tinh giá trị thẩm mĩ và tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm. Đó cũng là hình ảnh khép lại bài thơ, in dấu trong lòng người đọc về “tình đồng chí” thiêng liêng và cao cả.

Bài thơ Đồng chí là bức chân dung sống động về “anh bộ đội Cụ Hồ” thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Chính Hữu đã khắc hoạ hình ảnh người chiến sĩ với tình đồng chí thiêng lỉêng, đáng trân trọng. Tình cảm ấy đã tạo nên giá trị nhân văn và sức sống lâu bền cho bài thơ Đồng chí.

Phạm Quang Thái

[Trường THCS Lê Ngọc Hân]

Xem thêm “Nói với con”, Y Phương, Văn nghị luận,  Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Nghị luận., Truyện Kiều, Nguyễn Du, Văn nghị luận

Related

Tags:Chính Hữu · Đồng chí · Tập làm văn 9 · Văn nghị luận

Video liên quan

Chủ Đề