Lê xuân giang là ai

Ngoài Lê Xuân Giang, các đồng phạm với bị cáo này gồm Lê Văn Tú [Tổng giám đốc Công ty CP Liên Kết Việt] bị tuyên mức án 17 năm tù, Nguyễn Thị Thủy [Phó tổng giám đốc Công ty CP Liên Kết Việt] lĩnh án 18 năm tù.

Nhóm bị cáo là nhân viên phát triển thị trường của Công ty CP Liên Kết Việt gồm Lê Thanh Sơn và Trịnh Xuân Sáng đều bị tuyên mức án 16 năm tù; Nguyễn Xuân Trường 14 năm tù và Vũ Thị Hồng Dung 13 năm tù.

Hội đồng xét xử [HĐXX] nhận định, vụ án mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, với hàng chục nghìn bị hại. Trong quá trình truy tố, Viện kiểm sát nhân dân [VKSND] tối cao và Tòa án nhân dân [TAND] TP.Hà Nội cũng đã nhiều lần trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.

Đến nay, đã xác định được hơn 6.000 bị hại. Sau khi rà soát, loại bỏ số bị trùng lặp, còn khoảng hơn 5.800 người, với tổng số thiệt hại khoảng hơn 2.100 tỉ đồng.

Trong vụ án này, các bị cáo đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tâm lý hám lợi của các bị hại để tuyên truyền sai sự thật, thông qua đó thực hiện hành vi lừa đảo có tổ chức, xâm hại đến tài sản đặc biệt lớn của nhiều người; gây mất đoàn kết, rạn nứt nhiều gia đình... Hành vi đó đã xâm phạm đến tài sản của người khác, trật tự trị an của xã hội, làm giảm lòng tin vào cơ quan Nhà nước.

HĐXX cáo buộc, hành vi của các bị cáo thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức. Các bị cáo nhiều lần lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đều thuộc trường hợp phạm tội 2 lần trở lên.

Trong vụ án này, bị cáo Lê Xuân Giang là chủ mưu, cầm đầu, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của nhiều người, phải chịu trách nhiệm chính.

Bị cáo Nguyễn Thị Thủy được xác định chiếm hưởng cá nhân hơn 38 tỉ đồng, quá trình điều tra, xét xử tại tòa chưa thực sự ăn năn, hối cải.

Cũng theo HĐXX, về cơ bản, tất cả các bị cáo đều thành khẩn khai báo, nhưng xuyên suốt trong giai đoạn tiền khởi tố, điều tra, xét xử, chưa thực sự thấy các bị cáo thể hiện thái độ ăn năn, hối lỗi.

HĐXX nhận thấy cần xử phạt tù không thời hạn với bị cáo Lê Xuân Giang như VKS đề nghị. HĐXX cũng nhận thấy, việc bị cáo Giang chuyển tài sản cho người sống với Giang như vợ chồng là tẩu tán tài sản, nên tuyên hợp đồng chuyển nhượng này vô hiệu.

Trước đó, tại kết luận điều tra và cáo trạng đều xác định, Công ty BQP và Công ty CP Liên Kết Việt đều do Lê Xuân Giang thành lập, điều hành hoạt động.

Lợi dụng Công ty CP Liên Kết Việt được cấp giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp với hàng hóa do Công ty BQP sản xuất, các bị cáo Lê Xuân Giang, Lê Văn Tú, Nguyễn Thị Thủy, Lê Thanh Sơn, Trịnh Xuân Sáng, Vũ Thị Hồng Dung và Nguyễn Xuân Trường đã sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối, tạo dựng, cung cấp thông tin sai lệch cho các bị hại, để tạo lòng tin về hoạt động kinh doanh của Công ty CP Liên Kết Việt, Công ty BQP.

Bị cáo Lê Xuân Giang và đồng phạm đã sử dụng những thủ đoạn gian dối, trái pháp luật để lôi kéo các bị hại bỏ tiền tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp của Công ty CP Liên Kết Việt, nhằm được hưởng hoa hồng, tiền thưởng cao, do chế độ trả thưởng, các chương trình khuyến mại trái pháp luật do các bị cáo đặt ra.

Bị cáo Lê Xuân Giang và đồng phạm trả thưởng theo mô hình kim tự tháp, lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước, mà không phải từ hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp, với số tiền thưởng, hoa hồng hứa hẹn sẽ trả cho các nạn nhân lên tới 65% tổng số tiền thu được của các bị hại.

Các bị cáo đưa vào triển khai liên tục trên toàn hệ thống kinh doanh đa cấp 15 chương trình thi đua khuyến mại, kích cầu, chạy song hành với việc chi hoa hồng. Các bị cáo mở các đại lý, văn phòng ở các tỉnh, thành để lôi kéo người tham gia vào mạng lưới.

Với cách thức, phương pháp, thủ đoạn như trên, sau 1 năm hoạt động, đến tháng 11.2015, bị cáo Lê Xuân Giang và đồng phạm đã mở rộng mạng lưới, phát triển được 34 chi nhánh, văn phòng đại diện tại 27 tỉnh, thành; lôi kéo hơn 68.000 bị hại tại 49 tỉnh, thành tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp.

Tổng số tiền bị cáo Giang và đồng phạm thu của bị hại là hơn 2.000 tỉ đồng, sau khi trừ đi số tiền Giang đã chi cho hoa hồng và các hoạt động khác… các bị cáo phải chịu trách nhiệm cho số tiền đã lừa đảo, chiếm đoạt là hơn 1.000 tỉ đồng.

“Chiêu bài” giúp đại tá “dỏm” Lê Xuân Giang lừa đảo hơn 68.000 người

Tin liên quan

Nếu mới tiếp xúc, mọi người rất dễ bị choáng ngợp bởi vẻ ngoài khá hoành tráng của Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam [Liên kết Việt]. Dáng người bệ vệ, khuôn mặt có chút dữ dằn cùng cách ăn nói to tát đã tạo cho Giang cái uy với người khác. Thêm vào đó, hầu như ở các sự kiện lớn, Giang đều mặc trang phục mang hàm Đại tá Quân đội khi xuất hiện khiến mọi người càng tin tưởng vào vị thế của anh ta.

Một số người cho biết, công ty của Giang có nhiều xe ôtô nhưng anh ta rất thích và hay đi nhất là một chiếc xe ôtô Ford cũ nhưng BKS 80B… Theo chúng tôi tìm hiểu, chiếc xe này Giang mua thanh lý lại của một đơn vị nhưng chưa chịu chuyển đổi BKS, nhằm lòe bịp thiên hạ cho càng giống quan chức Bộ Quốc phòng.

Lê Xuân Giang sinh năm 1971, quê ở Văn Giang [Hưng Yên]. Quả thực, Giang cũng từng là học viên một trường trung cấp dạy nghề của Bộ Quốc phòng và từng làm công tác quản lý tài chính trong một đơn vị của Quân đội. Nhưng anh ta chỉ ở trong quân ngũ một thời gian rất ngắn, sau đó ra ngoài làm nhân viên cho một số công ty tư nhân. 

Năm 2005, Giang thành lập Công ty cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP, sau đó thành lập thêm Công ty Quốc tế Hưng Việt. Ban đầu, các công ty này cũng hoạt động bình thường, Giang tổ chức sản xuất một số mặt hàng truyền thống kiểu như bóng đèn ion. Sau đó, Giang chuyển sang sản xuất các mặt hàng thực phẩm chức năng, máy khử độc Ozone, máy vật lý trị liệu… Đây cũng chính là các mặt hàng mà sau này bọn chúng đem ra làm hàng hóa kinh doanh đa cấp.

Đến năm 2014, sau khi được Bộ Công Thương cấp phép kinh doanh đa cấp, Giang đã đổi tên Công ty Quốc tế Hưng Việt thành Công ty Liên kết Việt. Đến khi các phương tiện truyền thông vào cuộc vạch mặt các hoạt động lừa đảo kinh doanh đa cấp của Liên kết Việt thì bọn Giang lại đã nhanh chóng đổi tên doanh nghiệp là Công ty Hưng Phú Group.

Lê Xuân Giang luôn xuất hiện trong trang phục Đại tá Quân đội khi tham dự các sự kiện. 

Thực ra, bản thân Giang cũng không hiểu nhiều lắm về hoạt động kinh doanh đa cấp. Chính vì thế, khi Công ty Liên kết Việt được cấp phép kinh doanh đa cấp, Giang đã phải thuê Nguyễn Thị Thủy, người vốn trước đây làm cho Công ty kinh doanh đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy, về làm Trưởng nhóm “Quản lý, phát triển kinh doanh của doanh nghiệp”. Thủy giới thiệu tiếp cho Giang 4 nhân viên kinh doanh khác đều có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. 

Được sự đồng ý của Giang, nhóm này đã tích cực triển khai các hoạt động phát triển kinh doanh đều quá đà hoặc không được phép theo quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Ngay cả 2 loại hợp đồng: hợp đồng bán hàng và hợp đồng nhà phân phối công ty này cũng không thực hiện đúng với mẫu đăng ký tại Sở Công Thương địa phương và Bộ Công Thương.

Theo quy định của Nghị định 42, các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chỉ được bán hàng hóa, chứ không được phép thu tiền của các nhà đầu tư. Công ty Liên kết Việt cũng quy định, mỗi nhà phân phối tham gia vào hệ thống bán hàng nộp tối thiểu 8,6 triệu đồng thì được một mã kinh doanh [mã hàng này được quyền mua 1 máy Ozone và 4 loại thực phẩm chức năng]. Thế nhưng, Công ty Liên kết Việt lại khuyến khích nhà phân phối nộp tiền vào mà không nhận hàng thì sẽ được nhận tiền hoa hồng cao hơn. 

Quy định của Nghị định 42 về tỷ lệ hoa hồng trả cho người bán hàng đa cấp không được vượt quá 40%, nhưng cái “bánh vẽ” mà Công ty Liên kết Việt đưa ra cho mọi người lên đến 65%. Đấy là chưa kể, thi thoảng, Công ty lại tổ chức hội nghị tôn vinh hoa hồng, thưởng cho các nhà phân phối có tỉ lệ hoa hồng cao nhất những phần thưởng cực kỳ giá trị như nhà chung cư, xe ôtô, xe máy….

Theo quy định, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp khi tổ chức sự kiện, hội thảo phải thông báo đến Sở Công Thương nơi tổ chức, nhưng hầu hết khi tổ chức sự kiện, Tông ty Liên kết Việt đều lờ đi quy định này. Mà các hội nghị, sự kiện lớn của Công ty Liên kết Việt thì hầu như tháng nào cũng được Giang và đám tay chân vẽ ra để quy tụ các nhà phân phối đến hòng khuyếch trương thanh thế. 

Nào là Đại hội Tôn vinh hoa hồng, hội nghị đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, hội nghị Thuyết trình về chính sách của Công ty… đều tổ chức cực kỳ hoành tráng ở những nơi như Thiên đường Bảo Sơn [Hà Nội], trụ sở chi nhánh ở Hải Phòng thu hút rất đông các nhà phân phối tham gia. 

Trong các sự kiện đó, Giang và đám tay chân đã tìm cách tạo ra vỏ bọc doanh nghiệp uy tín Bộ Quốc phòng cho mình. Thậm chí, đến những chiếc bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, theo điều tra của cơ quan Công an, cũng bị làm giả, không hề có trong hồ sơ lưu trữ của Ban Thi đua khen thưởng Trung ương. Chúng tôi được biết, Bộ Quốc phòng cũng đang tiến hành điều tra về việc giả mạo này của Giang và đồng bọn nhưng chưa có kết luận cuối cùng thì các đối tượng bị cơ quan CSĐT - Bộ Công an bắt giữ.

Nhưng rõ ràng, từ vỏ bọc và cách làm “bán trời không văn tự” của Giang và đồng bọn đã hút cực mạnh các nhà phân phối tham gia. Theo thống kê sơ bộ đến chiều 22-2, chỉ trong vòng 1 năm từ khi hoạt động, công ty Liên kết Việt đã thu hút được hơn 60 nghìn người tham gia làm nhà phân phối với khoảng 200 nghìn mã hàng [mỗi người có thể mua 1 hoặc nhiều mã hàng, càng mua nhiều càng được hứa hưởng hoa hồng cao]. Số tiền bọn Giang hút được từ các nhà phân phối là hơn 1.900 tỷ đồng. 

Ngay cả bản thân Giang khi bị bắt cũng phải thú nhận rằng, anh ta cũng không ngờ lượng người tham gia và tiền hút về được nhiều đến thế. Giang bị ngợp vì tiền về nhiều, bọn chúng cứ thế lao theo vòng xoáy kinh doanh lừa cho đến lúc không kiểm soát được và vỡ trận.

Trong số hơn 1.900 tỷ thu về được, bọn Giang đã sử dụng một phần nhỏ mua và sản xuất các sản phẩm, một phần chi trả tiền hoa hồng cho những người đầu tư trước để tạo uy tín và lực hút với chính họ và những người tiếp theo… Cho đến khi bị bắt, tiền trong tài khoản cũng như tài sản của Giang và Công ty không còn nhiều, vì thế khả năng chi trả lại tiền cho người bị hại của Công ty theo nhận định của cơ quan điều tra là rất khó.

Chỉ trong một năm, vòi bạch tuộc của Công ty Liên kết Việt đã vươn tới và thành lập trụ sở chính, chi nhánh, đại lý ở 27 tỉnh, thành, gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình, Đà Nẵng, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Ninh, Đắk Lắk, Quảng Nam, Kon Tum, Lạng Sơn, Nam Định, Ninh Bình. 

Theo các điều tra viên, những người tham gia bán hàng phân phối, hiện trở thành bị hại trong vụ án này gồm đủ thành phần trong xã hội, từ người trí thức đến người nông dân. Trong số những bị hại đã được ghi lời khai tại cơ quan CSĐT- Bộ Công an thì người mất tiền nhiều nhất là khoảng 3 tỷ đồng. 

Nhưng khổ nhất là những người nông dân nghèo, dù tiền của họ mất không nhiều so với những người khác, có người chỉ mua một mã hàng 8,6 triệu đồng, nhưng đó là tài sản họ đi vay mượn khắp nơi, trong khi tài sản trong cả nhà bán đi không thu được lại nổi số tiền đó. 

Hiện cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã ủy thác điều tra cho cơ quan CSĐT - Công an các địa phương mà Công ty Liên kết Việt đặt chi nhánh, đại lý. Đề nghị các bị hại nộp tiền vào chi nhánh, đại lý của địa phương nào thì đến trình báo tại cơ quan CSĐT địa phương đó để việc điều tra được tiến hành thuận lợi, đúng quy trình.

T. Hòa

Video liên quan

Chủ Đề