Hướng dẫn khai giảng năm học mới

Ngày 5/9, các trường mầm non, phổ thông trên cả nước chính thức khai giảng năm học 2023-2024. Trước đó, các địa phương đều có hướng dẫn tổ chức khai giảng và triển khai một số hoạt động đầu năm học. Tinh thần chung, lễ khai giảng được yêu cầu tổ chức gọn nhẹ, trang trọng, ý nghĩa, phù hợp với điều kiện từng địa phương, nhà trường.

Hầu hết các trường, ngoài phần “lễ” sẽ tổ chức thêm phần “hội”, tạo không khí vui tươi, phấn khởi bước vào năm học mới. Tùy theo từng cấp học, trường học, vùng miền, phần "hội" sẽ có đặc thù riêng.

Kết hợp hài hòa giữa dạy chữ và dạy người

Hòa cùng không khí rộn ràng của hàng triệu học sinh cả nước, thầy và trò Trường THCS Tân Phú [huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang] vinh dự đón Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tham dự lễ khai giảng.

Chúc mừng thầy, trò Trường THCS Tân Phú bước vào năm học mới với niềm tin mới, thành tích mới, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, hiếu học là truyền thống rất quý báu và tự hào của quê hương Tiền Giang. Trường THCS Tân Phú cũng như nhiều trường học khác trong tỉnh đã rất nỗ lực khắc phục khó khăn, thi đua dạy tốt, học tốt rất đáng biểu dương.

Trong năm học mới 2023-2024, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành giáo dục tỉnh Tiền Giang cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ và thực hiện có hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tích cực chuyển đổi quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Trong đó, kết hợp hài hòa giữa dạy chữ và dạy người. Đặc biệt coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, khát vọng cống hiến cho các thế hệ học sinh. Phát triển giáo dục và đào tạo gắn kết mật thiết với xây dựng và thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người. Tăng cường giáo dục kỹ năng số để học sinh thích ứng với bối cảnh xã hội số, cuộc sống số. Ưu tiên, hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Bên cạnh đó, đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục gắn với chuyển đổi số. Thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả. Đồng thời, tăng cường tự chủ của các cơ sở giáo dục, coi đây là yếu tố then chốt và là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh.

Ngoài ra, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đặc biệt coi trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, phát triển đội ngũ giáo viên các cấp học, bậc học.

Khai giảng ngắn gọn, trang trọng

Hiệu trưởng Trường THCS Đền Lừ [Hà Nội] Trần Thị Thanh Vân gióng tiếng trống khai giảng năm học mới - Ảnh: VGP/PL

Cùng với học sinh cả nước, gần 2,3 triệu trẻ mầm non và học sinh phổ thông trên địa bàn Hà Nội đón lễ khai giảng, chính thức bước vào năm học mới 2023-2024.

Sáng nay, không khí nô nức, rộn ràng đã tràn ngập trên mọi các con phố dẫn tới các trường. Các em học sinh không khỏi háo hức được tham gia lễ tựu trường, chờ đợi các tiết mục văn nghệ đặc sắc.

Các nội dung triển khai trong chương trình chủ yếu là đón học sinh đầu cấp; nghi thức chào cờ; tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; đọc thư của Chủ tịch nước, diễn văn khai giảng và đánh trống khai trường.

Với tinh thần lấy học sinh làm trung tâm và không hình thức, nhiều năm nay, lễ khai giảng ở các trường học trên địa bàn Hà Nội đều được tổ chức ngắn gọn, trang trọng trong thời gian không quá 60 phút.

Phần lớn thời gian của ngày khai trường đều dành cho học sinh tham gia các hoạt động tập thể, văn nghệ. Hầu hết các trường dành tiết đầu tiên của năm học mới để dạy tiết học trong tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”. Đây cũng là hoạt động đã trở thành truyền thống ở nhiều trường học trên địa bàn Thủ đô.

Tại quận Hoàng Mai [Hà Nội], lễ khai giảng được tổ chức gọn, nhẹ như một ngày hội của các em học sinh sau 3 tháng hè. Năm nay, quận Hoàng Mai có 92 trường [59 trường công lập, 33 trường dân lập] với 1.765 lớp học, trong đó giáo dục mầm non gần 34.000 học sinh, tiểu học có hơn 42.000 học sinh, THCS có 24.000 học sinh.

Áp lực về trường lớp có giảm hơn năm học trước, nhưng sĩ số học sinh/lớp, số lớp, trường vẫn vượt các quy định của Bộ GD&ĐT.

Nói về mục tiêu năm học, bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cho biết: “Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên, nhưng ngành giáo dục Hoàng Mai vẫn quyết tâm vượt khó, phấn đấu giữa vững danh hiệu nhóm quận huyện lá cờ đầu giáo dục Thủ đô”.

Mới đây, quận Hoàng Mai đã đầu tư 309 tỷ đồng hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 9 trường mầm non là Linh Đàm, Định Công, Hoa Mai, Hoa Sữa, Tuổi thơ và các trường THCS Đại Kim, Hoàng Văn Thụ, Vĩnh Hưng, Lĩnh Nam; 8 trường được đầu tư mới trang thiết bị dạy học.

Chủ Đề