Họ Mạc là gì

Khu di tích vương triều nhà Mạc tại Hải Phòng - Ảnh: P.X.D.

>> Kỳ 1: Bỗng dưng ngàn người đổi họ
>> Kỳ 2: Đỗ mà không phải Đỗ
>> Kỳ 3: Đinh Nokia, Đinh Samsung, Đinh Motorola...

Trong đó, điển hình là việc con cháu nhà Mạc phải đổi họ sau khi triều đại này sụp đổ. Họ Mạc đổi thành 40 họ. Bây giờ con cháu dòng họ này đã ly tán khắp nơi, nhưng nếu muốn tìm hiểu gốc rễ phải về Hải Phòng.

Đổi họ để thoát hiểm

Trong cái nắng hè như thiêu như đốt, chúng tôi tìm về làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Đây là nơi phát tích vương triều nhà Mạc, kéo dài 65 năm của thế kỷ 16. Đường từ thành phố cảng về làng khá xa và quanh co. Một vùng quê văn vật mở ra trước mắt chúng tôi.

Cô Nguyễn Thị Chung, hướng dẫn viên khu di tích lịch sử quốc gia vương triều nhà Mạc, ân cần giới thiệu:

“Vai trò của triều Mạc trong giai đoạn trị vì đã được các nhà sử học nhìn nhận lại. Mới đây đã có cuộc hội thảo khoa học về nhà Mạc vào ngày 21-6 thu hút nhiều nhà nghiên cứu tham gia. Điều đáng nói là do một biến cố lịch sử kinh hoàng mà con cháu họ Mạc đã phải đổi họ để tồn tại”.

Biến cố ấy chính là cuộc thảm sát khủng khiếp, khiến họ Mạc tan đàn xẻ nghé suốt mấy trăm năm và kiên nhẫn chờ đợi một cuộc trùng phùng.

Tài liệu của khu di tích quốc gia vương triều nhà Mạc cho biết khi nhà Mạc suy vong, Trịnh Tùng chiếm Thăng Long, phát động chiến dịch tàn sát thảm khốc con cháu dòng họ vừa sa cơ thất thế.

Vua Mạc Mục Tông [tức Mạc Hậu Hợp] bị truy đuổi gắt gao phải xuống tóc giả làm nhà sư trốn trong chùa, nhưng rồi cũng phải ra hàng. Trịnh Tùng đã cho treo sống ba ngày rồi mới xử trảm, lấy đinh đóng vào hai mắt, sau đó đem thủ cấp về dâng nộp vua Lê, khiến ai nấy đều kinh hãi.

Trong một ngày, hơn 60 người họ Mạc bị thảm sát, thây phơi đầy đồng. Nhiều thân vương chịu không nổi không khí khủng bố quá nặng nề đã tự sát hoặc dấy binh tạo phản.

Tình cảnh họ Mạc lúc ấy thật vô cùng bi đát, tưởng không tìm được lối thoát. Con cháu họ Mạc lánh nạn khắp nơi, mai danh ẩn tích sống qua ngày. Nhưng chúa Trịnh vẫn không buông tha, cuộc truy sát trả thù vẫn không hề chấm dứt. Làng Cổ Trai của họ Mạc gần như bị san phẳng.

“Bỏ chân không bỏ đầu”

Cũng theo tài liệu của khu di tích này, trong bước đường cùng, họ Mạc đã đi đến một quyết định táo bạo và cực kỳ hệ trọng: đổi họ để qua cơn nguy biến.

Nhưng đổi như thế nào khi con cháu họ Mạc đã phiêu tán khắp nơi? Đổi họ nhưng phải làm sao giữ gìn gốc tích để đời sau còn biết cội nguồn tìm về.

Trong cơn nguy cấp, họ Mạc đã tìm thấy phương lược khá vẹn toàn, để dẫu có qua hàng trăm năm vẫn nhận lại được họ gốc của mình. Cách đổi họ này được xem là diệu kế: “khử túc bất khử thủ”, nghĩa là: “bỏ chân không bỏ đầu”.

Theo đó, Mạc trong chữ Hán có bộ “thảo đầu”. Họ Mạc đã đổi thành hàng chục họ khác bằng cách lấy họ Lê, Hoàng, Phạm, Thái, Nguyễn, Đoàn, Lều, Bế, Ma, Hà, Vũ, Thạch... và ghi thêm “bộ thảo” trên đầu các chữ Lê, Hoàng, Phạm, Thái... để làm dấu đó là họ Mạc.

Theo tài liệu “Việc cải đổi danh tính họ Mạc” của tác giả Hoàng Lê, tại các địa phương Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình có họ Hoàng mang bộ “thảo đầu” trên chữ Hoàng thì đó chính là họ Mạc.

Tượng tự là họ Thái [Nghệ An], Phạm [Nam Định], Lều, Thạch [Hà Nội], Hà, Vũ [Thái Bình], Hoa [Hải Phòng], Bế, Ma [Cao Bằng], Đoàn [Bắc Giang], Nguyễn [Hà Nội, Thái Bình]...

Cũng theo tác giả Hoàng Lê, họ Mạc còn đổi họ bằng cách giữ chữ Đăng trong Mạc Đăng Dung, vua Thái tổ của triều Mạc, làm chữ lót, hình thành nên các họ như: Lê Đăng, Hoàng Đăng, Phạm Đăng, Phan Đăng, Thạch Đăng, Bùi Đăng... đều là họ Mạc.

Ông Mạc Như Thiết, tộc trưởng họ Mạc ở làng Cổ Trai, cho biết truy cứu gia phả các dòng họ đã tìm thấy ít nhất 40 họ gốc là họ Mạc. Vì vậy chủ tịch hội đồng Mạc tộc VN là ông Thái Khắc Việt, phó chủ tịch là ông Hoàng Văn Kế. Họ Thái và họ Hoàng của hai vị này đều là họ Mạc.

Tôi xin phép vào thăm hậu đường khu di tích. Bên cạnh bàn thờ các đời vua Mạc có thanh bảo đao nổi tiếng của Mạc Đăng Dung trang trọng bày trong tủ kính, nghe nói khi chưa gỉ sét nặng đến 30kg.

Vậy mà tương truyền Mạc Đăng Dung thời trẻ đã dùng cây đao này ra Thăng Long thi võ đỗ đầu, rồi cùng nó xông pha trận tiền. Khi vua Lê chúa Trịnh thắng thế, cây đao báu này lại theo hậu duệ nhà Mạc lưu lạc nhiều nơi, cuối cùng mới được về lại cội nguồn.

Ông Mạc Như Thiết [phải] - tộc trưởng họ Mạc - kể câu chuyện “một họ thành 40 họ” - Ảnh: P.X.D.

40 họ tìm về một họ

Chúng tôi lại đến thăm từ đường họ Mạc ở làng Cổ Trai. Ông Mạc Như Thiết vừa pha trà vừa ôn tồn trò chuyện. Ông Thiết kể họ Mạc không chỉ bị “tru di tam tộc” mà bị truy sát đến cửu tộc.

Họ Mạc buộc lòng ly tán khắp nơi, lên Cao Bằng, Thái Nguyên, vào tận Quảng Nam, Quảng Ngãi và phải thay tên đổi họ mới mong sống được.

Vậy họ Mạc ở làng Cổ Trai có phải đổi họ hay không? Vị trưởng tộc ngoài 70 tuổi cho biết: “Phải giữ chứ để sau này con cháu các nơi còn biết về nhận lại gốc tích, nếu không còn gì mà nhận họ.

Các cụ tiền bối bấy giờ nhận định tai ương rồi cũng phải qua, nên cố gắng bằng mọi cách phải giữ lấy họ mình. Kể cũng lạ, chúng tôi vẫn giữ được họ, đúng hơn là phải đổi sang họ Trần để tạm yên, đến khi tình hình lắng xuống thì lại trở về họ Mạc”.

Tôi hỏi vị trưởng tộc: “Các nơi về nhận họ như thế nào?”. Ông Mạc Như Thiết đáp: “Sau này hậu duệ họ Mạc cứ theo gia phả mà về nhận họ. Cũng có trường hợp không có gia phả vì anh biết đấy, thời phong kiến kinh khủng lắm.

Nhiều khi không cần phải xét xử gì đâu, thấy có vẻ khả nghi là con cháu họ Mạc thì xử tội ngay, nên nhiều người không dám ghi họ thật vào gia phả. Nhưng các cụ khi phiêu bạt cũng luôn truyền miệng dặn lại người đời sau gốc tích của mình để con cháu biết đường tìm kiếm cội rễ.

Thời chống Pháp, tôi đã chứng kiến nhiều người về đây tìm họ, nhất là mạn Cao Bằng, Lạng Sơn. Sau này thì nhiều nơi từ miền Trung, miền Nam, cả nước ngoài cũng về đây nhận họ. Mới đây khi giỗ tổ họ Mạc, có đến 2.000 đại biểu trong nước và nước ngoài về dự, ngồi chật cả sân lớn”.

Ông Thiết xác nhận có câu sấm Trạng Trình về chuyện trùng phùng hội ngộ của họ Mạc: “Đó là hai câu tiên tri được khắc ở nhà thờ họ Lều tại Thường Tín [Hà Nội] và lưu truyền trong dân gian: “Tứ bách niên tiền chung phục thủy / Thập tam thế hậu dị nhi đồng”.

Nghĩa là: bốn trăm năm trước cùng đồng lòng thờ một tổ, mười ba đời sau tuy khác họ nhưng vẫn chung một cội một nguồn.

Bây giờ thấy đúng vậy, con cháu nhà Mạc về nhận gốc ngày càng đông, có đến 40 họ, chung sức chung lòng lo toan mọi việc lớn nhỏ.

Như công trình di tích lịch sử quốc gia vương triều nhà Mạc được Nhà nước cấp kinh phí xây dựng 20 tỉ đồng, họ Mạc chúng tôi ở khắp nơi đóng góp thêm 80 tỉ đồng để hoàn thành. Đó là tấm lòng con cháu đối với công lao tiền nhân”.

Một kết thúc có hậu sau mấy trăm năm con cháu họ Mạc phải lao đao thay họ đổi tên.

______________________

Kỳ tới: Chuyện lạ họ Trần

PHẠM XUÂN DŨNG

DÒNG HỌ TRONG LỊCH SỬ, VIỆC PHỤC HỒI TÊN HỌ MẠC.

                                                                            GS.TSKH.Phan Mạc Đăng Nhật

I.Dòng họ trong lịch sử.

     Qua “thời đại dã man” loài người bước sang  “ thời đại văn minh”; từ đấy con người khác với loài vật là bắt đầu có tên họ [gia tính]. Thời cổ có nhiều cách đặt họ khác nhau. Ví dụ : phụ tử liên danh, mẫu tử liên danh, ở đây tên của người mẹ hay người cha đặt kèm tên con có giá trị như một thứ họ. Người Mơ nông ở Tây Nguyên chủ yếu là đặt tên theo  “mẫu tử liên danh”, mẹ và con nối liền tên với nhau. Ví dụ:

          Các cá nhân tên Yang có:

-Yang Kon Rung , [Yang con mẹ Rung]

-Yang Kon Dôk, [Yang con mẹ Dôk]

-Yang Kon Glu, [Yang con mẹ Glu]

-Yang Kon Bốt, [Yang con mẹ Bốt]

Bốn  người này phân biệt với nhau ở tên người mẹ: Rung, Dôk, Glu, Bốt,…Vậy tên mẹ  lấy làm họ của con.Người Tà ôi thời đại anh hùng ca chưa có họ. Họ đặt tên con theo tên số thứ tự: con cả là Amúi, con thứ hai là Abar,… con thứ chín là Akeas, con thứ mười là Achất.

Người Ba na vào thời đại anh hùng ca cũng chưa có họ.

Người Chăm đặt tên theo “cút”, đến thời Minh Mệnh bị đặt họ theo người Kinh.

Vào đầu thời Bắc thuộc, người Việt, về tên họ đại cục như trên: hoặc là mẫu tử liên danh, phụ tử liên danh, hoặc là đặt tên theo “cút”, hoặc là chỉ có tên không có họ.

Khi người Tàu đến cai trị nước ta, ép người Việt đồng loạt  dùng họ Tàu, đặt tên theo kiểu người Tàu, đó chỉ là vỏ ngôn ngữ, không phải các ông tổ các họ Việt là gốc Tàu hết. [1]

Khi đã có họ, các dân tộc/tộc người rất quý trọng họ, tìm mọi cách ghi nhớ, để đừng thất lạc, lẫn lộn dòng họ. Trong hoàn cảnh chưa có chữ, người Mơ nông ghi nhớ thuộc lòng gia phả bằng văn vần và họ thường tổ chức hát-kể gia phả dòng họ vào những dịp tụ tập đông người hoặc là khi có khách xa đến. Toàn bộ dân tộc Mơ nông Nam Tây Nguyên có 53 dòng họ, mỗi dòng họ do một bà mẹ đứng đầu. Vị cao tằng tổ là mẹ Chep, mẹ Chép sinh ra mẹ Chắp, mẹ Chắp sinh ra mẹ Chau, mẹ Chau sinh ra mẹ Grăn,….Tổng gia phả của 53 dòng họ được truyền miệng bằng văn vần “nao mpring”, đời này qua đời khác, trong một gia phả được gọi là “Kể dòng con cháu mẹ Chép”, in ra thành sách dày 547 trang khổ lớn [hai thứ tiếng], nếu một thứ tiếng dài 6915 dòng.[2]

Ngày xưa mọi người quý trọng dòng họ như thế, ngay nay cũng vậy, có quan niệm, không có dòng họ là “lạc loài, vô tổ quán”, “vô trách nhiệm với tổ tiên”:

“Không có dòng họ là lạc loài, vô tổ quán. Quan hệ cuộc sống chỉ là quan hệ đối tác, cuộc sống chú trọng đến lợi và hại, nhằm phụng sự cho riêng mình, thiếu tình đoàn kết, thiếu tình cảm gia tộc và đồng bào, dẫn đến vô trách nhiệm với tổ tiên, trái phẩm chất đạo đức dân tộc Việt Nam”[3]

II.Tình huống đặc biệt của họ Mạc-buộc phải thay tên đổi họ, nói sự thật “để hòa giải với quá khứ”    

1.Bị truy sát hàng loạt, kể cả người vô can.

Từ năm 1592, nhà Mạc thất thủ Thăng Long, con cháu, họ hàng, đồng đội phải phân tán đi nhiều nơi. Nhà Lê- Trịnh được thể trả thù, tìm cách tiêu diệt họ Mạc, gọi là “truy sát” [đuổi theo mà giết], tình trạng thê thảm không bút giấy nào ghi hết. Sau đây chỉ kể ra sơ lược vài trường hợp tiêu biểu, được ghi rõ trong sử sách.

 “Ngày 23 tháng 3 năm Quý Tỵ [1593], Tiết chế Trịnh Tùng sai các tướng chia quân qua sông đánh phá, chém được hơn vài nghìn thủ cấp, bọn đảng ngụy tan chạy, các châu huyện đều dẹp yên cả”[4] Đây là cuộc đánh phá giết cả dân làng, không phải chiến đấu trận tiền.

 Sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục chép: “Thái tổ Dụ hoàng đế ta [Nguyễn Hoàng, theo lệnh Trịnh Tùng-P.Đ. N. ghi chú] kéo quân đến, sai dùng hỏa khí và hỏa pháo đánh, cả phá được lũy đất của giặc. quân giặc sợ hãi tan vỡ. quan quân đã thắng lợi, đuổi chém, đến có hàng vạn giặc, mà cắt lấy hai tai bên trái. Lại bắt được tướng giặc đem chém. Tiên Hưng và Kiến xương tạm yên”[5]  Nguyễn Hoàng ra lệnh đêm khuya, đốt sạch cả làng và cho quân bắt tất cả già trẻ gái trai trong làng Thần Hậu, tức xã Bạch Đằng, Hưng Hà/Đông Hưng, Thái Bình ngày nay, giết hết không sót một ai, vì người dân nơi đây đã ủng hộ nhà Mạc .

2 .Xóa mọi dấu tích để tiêu diệt vĩnh viễn họ Mạc

Ngoài việc thảm sát hàng vạn người, hàng hai nghìn người tức thời, tại chỗ, phong kiến Lê –Trịnh còn chủ tâm thiêu hủy nhà thờ và bia đá, để vĩnh viễn xóa mọi vết tích:

“Tổ tiên ta, nếp nhà hiếu nghĩa, nối dõi truyền đời, chẳng may khi nhà Mạc đang giữ ngôi vua thì xảy ra sự cố. Nhà Lê diệt Mạc, xóa bỏ mọi vết tích, họ Mạc đổi sang Trần. Gia phả thất truyền, ta nghe di ngôn chỉ đại lược, lập lại gia phả, phục hồi họ Mạc, ghi lại ngày giỗ, phần mộ khắc vào bia. Năm Giáp Thân lại bị 5 đạo quân đến đánh phá, chúng thiêu hủy cả từ đường và bia đá. Năm Mậu Tuất mới dựng bia này để truyền lại lâu dài”.[6]

Các sự kiện trên đây là do phong kiến gây nên, xẩy ra 424 năm về trước, con cháu ngày nay không liên can. Nhưng phải nêu lại để có “những bài học tích cực”, để “hòa giải với quá khứ”. Chúng tôi đồng ý với ý kiến nhà sử học Dương Trung Quốc:

 “Nếu chúng ta dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật sẽ có những bài học tích cực, có tác dụng cả về khoa học và nhận thức xã hội hơn là che giấu, né tránh và nói sai sự thật lịch sử.…..nhìn thẳng vào sự thật lịch sử là cách hòa giải với quá khứ. Các cụ từng nói “dĩ bất biến ứng vạn biến” thì sự thật lịch sử chính là cái bất biến.”[7]

3.Việc thay đổi tên họ của họ Mạc.

Trước hoạn nạn khủng khiếp đó, không có cách nào khác là  ẩn tránh, phân tán đi nhiều nơi  và thay đổi tên họ, vì thế mà hiện nay con cháu họ Mạc có nhiều chi họ  cư trú ờ nhiều nơi và có nhiều tên họ.

3.1.Tính đến ngày 30-6-2000, Ban Liên lạc họ Mạc Hà Nội đã lập được danh sách 419 chi họ Mạc và chi họ gốc Mạc ở 26 tỉnh, thành phố:

Bắc Giang: 11 chi họ      Ninh Bình : 13 chi họ

Bắc Ninh: 5 chi họ          Nghệ An: 185 chi họ

Bình Định: 3 chi họ        Quảng Bình: 3 chi họ.

Bình Thuận: 2 chi họ     Quảng Nam: 5 chi họ

Cao Bằng: 17 chi họ      Quảng Ngãi: 4 chi họ

Đồng Nai:1 chi họ          Quảng Ninh: 3 chi họ

Hà Nam: 6 chi họ           Thái Bình: 29 chi họ

Hà Nội: 5 chi họ             Thái Nguyên: 4 chi họ

Hà Tây: 14 chi họ          Thanh Hóa: 18 chi họ

Hà Tĩnh: 31 chi họ         Tiền Giang: 1 chi họ

Hải Dương: 29 chi họ     Tuyên Quang: 5 chi họ

Hải Phòng: 8 chi họ        Vĩnh Phúc: 6 chi họ

Hưng Yên: 5 chi họ        Yên Bái: 1 chi họ

Nam Định: 12 chi họ[8]

3.2.Từ họ Mạc đã đổi ra nhiều họ. Cho đến nay chúng ta mới biết 51 tên họ khác nhau [có thể còn hơn nữa]. Đó là các họ sau:

  1. Bế                        18.Hồ Đăng                            35.Phan
  2. Bùi                       19,Hoa /Khoa                         36.Phùng
  3. Cao Thái               20.Huỳnh/Hoàng                     37.Phương
  4. Cát                       21.Hứa                                  38.Quách
  5. Chu                      22.Khổng Vũ                           39.Tạ
  6. Chữ                      23.Khương                              40.Thái
  7. Chương                24.Lê Đăng                              41.Thạch
  8. Diệp                     25.Lều                                    42. Thẩm
  9. Dương Mạc            26.Liêu                                   43.Tô
  10. Đào                      27.Lưu                                    44.Phạm
  11. Đặng                    28.Ma                                      45.Trần
  12. Đinh                     29.Mai                                     46.Trịnh
  13. Đoàn                    30.Màn                                    47.Trừ
  14. Đồng                    31.Mậu                                    48.Trương
  15. Đỗ                        32.Mông                                  49.Văn
  16. Hà                        33.Ngô                                     50.Vũ
  17. Hán                      34.Nguyễn                                51.Vương.

III.Ước nguyện và di huấn của tổ tiên [9]

Trong tình thế đau buồn bất khả kháng đó, tổ tiên chúng ta luôn dặn dò dạy bảo con cháu, biết ơn tổ tiên, tự hào và nối dõi truyền thống quang vinh, “phiệt duyệt gia thanh” của dòng họ. Đặc biệt các Ngài đau đớn vì phải phân ly, xóa tên họ, nên dặn dò nhắc nhở kiếm mọi cách để tìm về tổ tiên, “vấn tổ tầm tông”; con cháu gắng kết nối với nhau để biến dị thành đồng.

3.1.Dạy con cháu đạo nghĩa trung, biết ơn tổ tiên

*Mộc chi hữu bản

Thủy chi hữu nguyên

Nhân chi ư tổ     

Diệc do thị dã[10]

Tạm dịch: Cây có gốc, Nước có nguồn, Người sinh từ tổ, Đều như vậy cả

*Cử mục tư­ tổ tông công đức

Tồn tâm vi hiếu tử hiền tôn.

Tạm dịch: Ngẩng đầu nghĩ công đức tổ tông. Giữ lòng làm con hiếu, cháu hiền

*Nghĩa tổ cao, huyền thiên địa bạch

Trung can quãng, đối quỷ thần tri

Tạm dịch: Nghĩa tổ cao dày, trời xanh đất trắng mới hay. Lòng trung sâu rộng, trước quỷ thần mới biết

* Kế tổ truyền tông quang hữu vĩnh

Liên đăng tục diện ánh vô biên

Tạm dịch: Kế tiếp tổ tông khiến xán lạn  vĩnh hằng. Nối thêm đèn nến để chiếu rọi vô biên

2.Tìm cách liên kết lại với nhau, phục hồi lại tên họ Mạc,

*Tứ bách niên tiền, chung phục thuỷ,

Thập tam thế hậu, dị nhi đồng.[11] 

Tạm dịch: Chung cục sẽ phục hồi lại, như bốn trăm năm trước. Sau mười ba thế hệ, phải biến khác nhau, thành ra đồng nhau. [Nhị Khê, Thư­ờng Tín, Hà Nội]

*Tam bách niên tiền, tiên tổ di m­ưu h­ưng đế nghiệp,

Thiên thu di­ hậu, tử tôn quyết sách định giang sơn.

Tạm dịch: Ba trăm năm trước, tổ tiên đã để lại cơ đồ dựng nghiệp đế, Thì nghìn năm sau con cháu ắt sẽ định sách lược giang san.

     3. 2.Nêu truyền thống hiển hách, oanh liệt để con cháu học tập và kế nghiệp

*Miêu duệ ức niên Long Động hậu

Văn ch­ương quán thế Lý Trần lai.

Tạm dich: Con cháu ức năm, nối tiếp theo Long Động. Văn chương đứng bậc nhất trên đời, như từ Lý Trần lại. [Quất Động, Th­ường Tín, Hà Nội]

*Long Động văn chương quang nhật nguyệt

       Cổ trai Đế nghiệp tráng Sơn Hà

Tạm dịch: Văn chương Long Động làm sáng thêm trăng trời. Đế nghiệp Cổ Trai làm mạnh thêm xã tắc. [Cổ Trai, Kiến Thuỵ, Hải Phòng]

*Phiệt duyệt gia thanh, Trần triều Mạc trạng nguyên chi hậu,

Nguyên lư­u thế phả, Đông Hải Thanh Hà quận dĩ lai.

Tạm dịch:  Tiếng nhà phiệt duyệt, đúng dòng dõi quan trạng nguyên, họ Mạc. Gia phả lưu truyền, chính gốc xứ Đông Hải, Thanh Hà, [Đông Xuân, Đông Hưng, Thái Bình]

Ghi chú: Tôi không đủ trình độ để hiểu hết sự thâm uyên của tổ tiên, nên dịch hẳn là chưa đạt. Vậy chân thành mong các cụ, cô bác, góp ý. Ý kiến xin gửi GS.TBT Phan Sỹ An, hoặc trực tiếp cho tôi.  Trân trọng cám ơn.        

3. 3.Các biện pháp cụ thể để thực hiện lời di huấn nói trên.

3.3.1.Khử túc bất khử thủ [bỏ chân không bỏ đầu]

Đây là nguyên tắc rất quan trọng để giúp con cháu, sau khi đã đổi họ, tìm lại được nhau. Cụ thể là họ chữ Mạc [莫] có bộ phận trên đầu tượng hình ngọn cỏ. được gọi là  “thảo đầu”, khi đổi họ thì họ mới phải cố giữ lại  “đầu”, nghĩa là tìm những họ mới có thảo đầu; một vài ví dụ : Hà [荷 ], Tô [蘇 ], Thái [蔡 ], Lê [蔾 ], …Hậu sinh sẽ lần theo thảo đầu để tìm họ.

3.3.2. Để lại những di sản vật thể

3.3.2.1.Ở Phúc Thành, [Yên Thành, Nghệ An] còn lưu lại câu đối:

Phúc ấm Đại Đồng thực lại nhất thành Chân Cảm,

Gia đình Yên Lạc toàn bằng tiên tổ Chí Linh

Tương truyền tác giả là quan Địa sư Ngũ Phương tiên sinh, vốn là nhị bộ thượng thư, Mạc Mậu Giang, phải lánh nạn qua Thanh Hóa, [đổi tên là Phúc Thanh], Quỳnh Lưu, Vạn Phần [Diễn Châu], Thanh Chương [Nghệ An]. Ngài đã di tản qua nhiều nơi, ví dụ: Đại Đồng [Thanh Chương], Yên Lạc, Kẻ Gám [Yên Thành], gửi lại câu đối trong tâm thế, mang án truy sát trên vai, đã bị đuổi dài nghìn dặm, từ đất Kinh đến vùng Trại biên viễn Hoan Diễn, mà vẫn chưa yên. Tâm trạng bị giằng xé giữa một mặt phảỉ cho hậu duệ trăm năm sau biết được dấu vết, những nơi Ngài đã gửi lại các giọt máu cháu con, để tìm đến nhau; nhưng mặt khác không được lộ ra dưới những con mắt truy tầm của kẻ địch ác hiểm. Mâu thuẫn đó được xử lý trên kỹ thuật văn tự: có một số chữ, dưới bề mặt là các tính từ bình thường mà ẩn dấu các địa danh nơi đó con cháu đang sinh sống tạm ổn định, như Đại Đồng, Yên Lạc [Phúc Thành], Chân Cảm [Kẻ Gám-Yên Thành]. Điều quan trọng là quê tổ ở Chí Linh [Hải Dương].

3.3.2.2. Gia phả họ Nguyễn Hữu gốc Mạc ở Tiên Lữ, Vĩnh Phúc có ghi lại câu chuyện các cụ tổ, trước khi phân ly có cưa một chiếc đĩa cổ ra làm 4 phần, chia  các chi mỗi chi một phần để giữ làm tin, sau này qua đó nhận nhau.

IV. Sức sống của họ Mạc

. Nếu nói đến “sức sống của họ Mạc” thì theo GS Phan Huy Lê có mấy điểm sau đây cần nghiên cứu.

1.Con cháu họ Mạc nuôi ý chí chống Lê – Trịnh nhằm phục hưng nhà Mạc khá mạnh và khá lâu dài.

2. Không bao giờ đưa quân Minh hay quân Thanh vào bờ cõi, thực hiện lời căn dặn của Đà quốc công Mạc Ngọc Liễn: “…Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì bằng” [Đại Việt sử kỷ toàn thư, Q.XVII, 48b-49a].

Đặc biệt, GS đã đánh giá cao mưu trí đổi sang họ khác:

3. “Trong việc bảo tồn dòng họ Mạc, chúng ta thấy nổi bật lên một phương thức hết sức mưu trí của con cháu họ Mạc là đổi sang các dòng họ khác. Trong lịch sử, có họ vua khi bị phể truất buộc phải đổi sang họ khác như trường hợp họ Lý bị Trần Thủ Độ đổi sang họ Nguyễn. Cũng có trường hợp vì tránh liên quan đến tai họa chính trị, con cháu trực hệ của chi họ nào đó phải đổi sang họ khác để tránh tru di tam tộc hay tránh trả thù. Nhưng hậu duệ họ Mạc thì đổi sang rất nhiều họ khác như là một phương thức bảo tồn dòng họ. Riêng ở Vĩnh Phúc, trong hơn 10 chi họ Mạc lớn nhất ở đây cũng đổi sang các họ Nguyễn, Hoàng, Lê, Ngô, Trừ,…Nên coi đấy là một phương thức thông minh để bảo tồn con cháu của dòng họ, vừa có mặt là kết thân tộc với nhiều họ vừa đề phòng tránh nguy cơ bị truy lùng.”[12]

V.Kết thúc và đề nghị

1.Loài người khác muôn vật là từ cội nguồn đã  có họ và ai ai cũng lo giữ gìn tên họ của mình, không có họ là “lạc loài” “vô trách nhiệm với tổ tiên” [Phan Trung Kiên].  Riêng tên họ Mạc bị biến tướng thành hơn 51 tên họ khác, còn bản thân tên gốc thì hầu hết bị xóa mất khó mà nhận ra. Đó là một hiện tượng không bình thường, là một thiệt thòi và nhiều khi gây rắc rối, lộn xộn trong quan hệ và giao lưu xã hội. Phải bình thường hóa như trăm họ.

2.Hơn nữa trước kia, khi bắt buộc phải chủ trương thay đổi tên họ [gia tính], tổ tiên chúng ta thấy rõ đó là một điều đau lòng, nên đã di huấn lại là phải phục thủy, trong đó có việc phục thủy tên họ làm cho “dị” biến thành “đồng”, nhiều tên họ thành một.

3. Vả lại tình trạng trên là một “trọng án” của lịch sử, đã hơn 400 năm, đã đến lúc cần phải cới ra, không nên đeo mãi, như vậy là  hòa giải với quá khứ [Dương Trung Quốc]

4.Với ba lý do trên, thiết nghĩ, chúng ta và con cháu muôn đời sau, nhất thiết phải được trả lại tên họ Mạc. Kính mong các cụ, các gia đình, gia tộc, chi họ suy nghĩ và nhất trí ý kiến trên. Được như vậy thì xin bắt đầu ngay, từ các biện pháp giản đơn. Biện pháp có nhiều, tùy sáng kiến của bà con, sau đây là một số gợi ý:

          -Các bút danh, bí danh, ghép họ Mạc vào tên thường dùng, Ví dụ: Phan Mạc Đăng Nhật   hoặc Mạc Đăng Nhật.

        –Khi chết chuyển lại họ Mạc-“Tử vi Mạc”, ghi ở các mộ chí.

      -Các cháu sơ sinh từ nay khai sinh ghi họ Mạc. Nếu có khó khăn, đề nghị các vị trưởng tộc, các ban, các hội đồng họ Mạc các cấp làm việc chính quyền địa phương, trình bày rõ nguyên nhân lịch sử của vấn đề như nội dung bài này đã trình bày.

Công việc trên nên tự nguyện và không vội vàng.

-Trong các sinh hoạt tập thể của họ, cần có mục rút kinh nghiệm về nhiệm vụ phục hồi tên họ.

-Đề nghị Hội Đồng Mạc tộc Việt Nam có công văn khuyến nghị, gợi ý và hướng dẫn về các biện pháp trên đây, để hỗ trợ cho các gia đình và các cơ sở./.

                                    Hà Nội ngày 17 tháng 3 năm 2017

                                                      P.Đ.N.

[1] Xem Vũ Hiệp: Các họ tộc của người Việt xưa nay, tạp chí UNESCO nghiên cứu Văn hóa dòng họ Viêt Nam, số 1-2011,tr. 54.

Vũ Hiệp: Thống kê và khảo cứu về các họ tộc, tạp chí UNESCO nghiên cứu Văn hóa dòng họ Viêt Nam, số 1-2011,tr. 58.

[2] Sử thi Mơ nông-Kể dòng con cháu mẹ Chép, Người kể: Điểu Klung, Điểu Jach, Phiên âm và dịch thuật: Điểu Kau, sưu tầm: Trương Bi, viết đề dẫn: GS.TSKH Phan Đăng Nhật, Sở văn hóa thông tin Dak Lak xuất ban, 2003

[3] Trung tướng, anh hùng Phan Trung Kiên: Về vai trò dòng họ trong cách mạng Việt Nam. tạp chí UNESCO nghiên cứu Văn hóa dòng họ Viêt Nam, số 1-2011,tr. 31.

[4] Đại Việt sử ký toàn thư, tập III, NXB Khoa học xã hội, H. 1998, tr.182.

[5]  Khâm định Việt sử thong giám cương mục, tập hai, quyển 30, tái bản lần thứ nhất, H. 2007, NXB Giáo dục, tr.202

[6] Văn bia từ đường họ Mạc Tạ Xá, Hợp Tiến, Nam Sách, Hải Dương-Hợp biên thế phả họ Mạc, NXB văn hóa dân tộc, H. 2007, tr.354.

[7]  Dương Trung Quốc:Tuổi trẻ online/nhìn thẳng vào sự thật/ngày 24-2-2017

[8] Hợp biên thế phả họ Mạc, NXB văn hóa dân tộc, H. 2007, tr. 588

[9] Bi ký và câu đối ở mục này do TS Hoàng Lê thu thập

[10] Bi ký từ đường ở Lũng Động, Chí Linh-Hợp biên, tr. 247

[11] Bồng Hải, Yên Khánh, Ninh Bình 

[12] GS.VS Phan Huy Lê: Nhà Mạc và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc, NXB Vĩnh Phúc, 2013.  tr.21-22.

Video liên quan

Chủ Đề