Grab và taxi truyền thống có cùng thị trường liên quan không

Cái bắt tay của "những người cùng khổ"

Tại đại hội cổ đông thường niên 2018 của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghiệp và vận tải [Tracodi], doanh nghiệp [DN] này chia sẻ kế hoạch sáp nhập Vinataxi với Savico Taxi nhằm hướng tới mục tiêu doanh thu 85 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 8 tỉ đồng dựa trên số xe trung bình là 330 xe.

Vinataxi là công ty liên doanh giữa Tracodi và Tecobest [Hồng Kông] được thành lập năm 1992. Đến năm 2003, đối tác nước ngoài chuyển quyền quản lý vốn tại Vinataxi cho ComfortDelGro, một trong những đơn vị dẫn đầu ngành kinh doanh vận tải tại Singapore. Đây cũng là đơn vị đang liên doanh với Savico trong lĩnh vực taxi.

Taxi truyền thống muốn bắt tay nhau thời 'hậu Grab thâu tóm Uber'
Ban lãnh đạo Tracodi cho biết DN nắm 30% vốn tại Vinataxi và trong thời gian qua bị ảnh hưởng doanh thu từ việc cạnh tranh với Grab. Bằng chứng là dù chiếm thị phần lớn thứ 3 tại TP.HCM nhưng kết thúc năm 2017, doanh thu Vinataxi đóng góp cho Tracodi giảm mạnh, chỉ thực hiện được 49,8% kế hoạch, đạt 48,7 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế là 1,23 tỉ đồng, chỉ đạt 9,87%. Trong năm nay, hãng taxi này đặt kế hoạch tăng trưởng gấp 6 lần năm trước trên cơ sở sáp nhập thành công với ComfortDelGro Savico Taxi.

Điều đáng nói, ComfortDelGro Savico Taxi là DN vừa thông báo tạm ngừng hoạt động vào cuối tháng 3 vì liên tiếp gặp khó khăn trong vài năm trở lại đây. Cụ thể, sau gần 10 năm đi vào hoạt động, liên doanh này phải cơ cấu lại đoàn xe và cải thiện chất lượng phục vụ để duy trì tỷ lệ khai thác xấp xỉ 90% nên chi phí tăng cao. Khi vừa có lợi nhuận để bù đắp lỗ lũy kế trước đó thì lại chịu sự cạnh tranh thị phần gay gắt từ Grab và Uber.

Tính đến cuối năm 2016, liên doanh taxi này chỉ thu về 3,3 tỉ đồng lợi nhuận, trong khi năm trước đó đạt gần 7 tỉ đồng.

Tận dụng điểm yếu của đối thủ 

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, khi có cạnh tranh, taxi truyền thống đã  bộc lộ những nhược điểm mà trước đó người tiêu dùng không có gì so sánh hoặc nhận ra nhưng phải cam chịu. Nhưng khi taxi công nghệ ra đời, việc sử dụng ứng dụng minh bạch, giá rẻ là một tiến bộ đã nhận được sự hưởng ứng của người dùng. Đây cũng là điều cần phát huy. 

Doanh thu Vinasun giảm mạnh do cạnh tranh từ Grab
Trong tình hình đó, các taxi truyền thống với mô hình kinh doanh, cơ chế quản lý cũ sẽ chắc chắn không thể cạnh tranh. Có những DN cải tiến, vận dụng công nghệ thông tin để đổi mới dịch vụ, cũng có những DN tìm cách liên doanh để tăng quy mô. “Tuy nhiên quy mô có lớn hơn mà vẫn giữ các nhược điểm cũ thì khó khăn vẫn sẽ hoàn khó khăn, thậm chí ôm lỗ nặng hơn nhiều. Hợp nhất tăng sức mạnh phải dẫn đến đổi mới công nghệ. Vận dụng công nghệ và hiện đại hóa phương thức kinh doanh mới là giải pháp”, ông Doanh lưu ý.

Thực tế, ngay sau khi có sự xuất hiện của Grab và Uber, các “ông lớn” trong ngành vận tải truyền thống như Vinasun, Mai Linh cũng có bước chuyển mình đáng kể bằng cách vận dụng ứng dụng công nghệ hiện đại, cải thiện chất lượng phục vụ của tài xế, không tăng giá cước theo giá xăng. Tuy nhiên kết quả mang lại vẫn chưa có nhiều khả quan.

Ông Lê Đăng Doanh nhìn nhận có thể do mô hình công nghệ được vận dụng chưa đủ mạnh, chưa đủ thuyết phục người dùng. Các ứng dụng của taxi mới chỉ đơn thuần là đặt xe, công khai giá cước. Trong khi ứng dụng của Grab là kết nối xe, không sở hữu nên giảm chi phí, giá cước rẻ hơn, lại có nhiều ưu đãi. Rẻ hơn người dùng chọn là điều dễ hiểu.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa chỉ ra điểm yếu cơ bản của taxi công nghệ. Đó là không sở hữu xe, tài xế nên đội ngũ nhân lực của Grab không chuyên nghiệp, mức độ an toàn không cao bằng lực lượng tài xế đã được tuyển chọn, đào tạo bài bản của taxi truyền thống. Điểm yếu thứ hai là cũng do sử dụng công nghệ, giá cước của Grab biến động liên tục, thất thường, trong những giờ cao điểm đẩy cao hơn nhiều so với taxi truyền thống, điều này ít nhiều gây khó chịu cho người dùng.

“Cạnh tranh với taxi công nghệ thì điều đầu tiên là phải có hệ thống công nghệ hiện đại, ít nhất là tương tự. Các hãng taxi truyền thống có thể lợi dụng những điểm yếu của Grab để tạo lợi thế cho mình bằng cách đánh mạnh vào chất lượng dịch vụ, nâng cao độ an toàn để đạt được mức độ hài lòng cao nhất từ phía hành khách”, ông Nghĩa gợi ý.

Tin liên quan

Grab vừa có một năm 2017 phát triển bùng nổ và trở thành ông vua mới nổi trên thị trường taxi công nghệ

Thương vụ sáp nhập đình đám

Grab đã thu mua toàn bộ hoạt động kết nối di chuyển và giao nhận thức ăn của Uber tại Đông Nam Á, tích hợp các hoạt động này vào nền tảng di chuyển và công nghệ tài chính hàng đầu của Grab. Theo đó, Grab sẽ tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần trong Grab, tương ứng với thị phần của mỗi công ty.

Lãnh đạo Grab cho biết, đây là thương vụ M&A có quy mô lớn nhất được thực hiện bởi một công ty công nghệ Đông Nam Á từ trước tới nay. Sau một năm tăng trưởng và mở rộng nhanh chóng, đến nay, Grab đã thực sự trở thành “ông vua” mới nổi trên thị trường taxi công nghệ. Hiện Grab đang phục vụ 5 triệu khách hàng tại khu vực Đông Nam Á. Ứng dụng Grab đã được tải xuống trên 90 triệu thiết bị di động, cho phép người dùng tiếp cận vào mạng lưới giao thông đường bộ và đại lý lớn nhất khu vực với hơn 5 triệu đối tác tài xế và đại lý.

Chỉ riêng trong năm 2017, số lượt tải ứng dụng Grab đã tăng gấp 2,5 lần; số lượng đối tác tài xế tăng gấp 4 lần; số thành phố mà Grab có mặt tăng gấp 5 lần. Con số này được dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng trong năm 2018, nhất là khi Grab đang nhận được sự hậu thuẫn từ hai công ty đặt xe công nghệ lớn nhất thế giới [Didi Chuxing và Uber], bên cạnh nhà đầu tư hàng đầu thế giới SoftBank. Cả ba công ty này đều đang giữ cổ phần trong Grab và đều cam kết sẽ tiếp tục đầu tư, hướng đến thành công tiếp theo tại thị trường Đông Nam Á.

Lo ngại Grab độc quyền

Tuy nhiên, việc Grab thâu tóm Uber đang dấy lên những lo ngại từ thị trường. Khi Uber từ một đối thủ trở thành công ty thành viên, Grab có thế độc quyền trên thị trường taxi công nghệ. Ông Nguyễn Công Hùng, đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, nguy cơ Grab độc quyền mảng kết nối di chuyển taxi là rất cao, có thể độc quyền về giá cước, độc quyền về mức chiết khấu đưa ra với tài xế. Bên cạnh đó, khi sự cạnh tranh giữa các đối thủ cùng dịch vụ taxi công nghệ không còn cao, các chính sách khuyến mại, ưu đãi có thể sẽ ít dần đi, người tiêu dùng không còn được hưởng lợi nhiều.

“Cần xem lại vị trí thống lĩnh thị trường của Grab”, đó là kiến nghị của ông Trương Đình Quý, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tại Hội thảo lấy ý kiến danh mục rà soát điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải tổ chức mới đây.

Theo ông Quý, hiện nay, chỉ riêng tại TP.HCM có hơn 21.000 xe ô tô sử dụng phần mềm kết nối vận tải của Grab, Uber, trong khi xe taxi truyền thống từ 11.000 xe giảm xuống còn 8.000 xe. Uber hiện đã sáp nhập vào Grab, do vậy, cần xem xét vị trí thống lĩnh thị trường của Grab để bảo đảm cạnh tranh công bằng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải khác, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

Thực tế, xe kết nối bằng phần mềm đang áp đảo thị trường taxi và bộc lộ một số vấn đề. Ông Nguyễn Công Hùng cho rằng, họ chủ động điều chỉnh xây dựng giá cước, thu tiền của hành khách và chủ động điều chỉnh các mức chiết khấu nên nếu có tình trạng độc quyền, giá cước sẽ nhảy múa, thậm chí có thể tăng gấp 3 - 4 lần.

Lái xe Grab cũng bày tỏ lo ngại về thu nhập có thể sụt giảm sút. Mới đây, vào tháng 1/2018, hàng trăm tài xế là đối tác của Grab đã kéo đến trụ sở của đơn vị này tại Cầu Giấy [Hà Nội] để đòi giảm chiết khấu từ 20% xuống 15%. Đối tác của Grab cho rằng, hãng nhiều lần tăng mức chiết khấu lên mà không hỏi ý kiến của họ khiến họ rất bức xúc, nhiều đối tác đã bỏ Grab sang với Uber.

Tuy nhiên, khi không còn cơ hội “nhảy” qua hãng khác bởi Uber và Grab giờ là một, tiếng nói của tài xế có thể phần nào bị hạn chế. Theo ông Quý, hiện tỷ lệ chiết khấu của Grab trên doanh thu của lái xe bình quân là 28,5%.

Sự kiện Grab thâu tóm Uber có ảnh hưởng đến câu chuyện cạnh tranh trên thị trường taxi. Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng [Bộ Công Thương] vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu Grab cung cấp tài liệu liên quan đến việc mua lại Uber trước ngày 3/4/2018 để có căn cứ xem xét, đánh giá việc mua lại theo quy định của pháp luật cạnh tranh.

Theo quy định, việc Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á thì doanh nghiệp phải gửi thông báo đến cơ quan quản lý cạnh tranh về vụ mua bán, để cơ quan chức năng xem xét về ảnh hưởng mức độ cạnh tranh trước và sau khi mua bán. Nếu không ảnh hưởng đến cạnh tranh hoặc ảnh hưởng không đáng kể, hoặc ảnh hưởng đáng kể, nhưng rơi vào một số trường hợp miễn trừ thì thương vụ mới được phép tiến hành.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế của VCCI cho biết, việc quản lý Grab không chỉ Việt Nam bị nhức đầu, mà chuyện này xảy ra ở nhiều nước khác. Nay khi Grab chiếm vị trí thống lĩnh, câu chuyện quản lý lại càng phải được lưu tâm hơn để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng.

Grab nói gì?

Trái với những lo ngại của thị trường, phía Grab lại khẳng định vị thế độc quyền của Grab sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng hơn.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam cho biết, việc có thêm nhiều đối tác tài xế tham gia vào nền tảng ứng dụng Grab, nhu cầu di chuyển của người dân sẽ dễ dàng được đáp ứng nhanh chóng hơn. Khách hàng sẽ được rút ngắn thời gian chờ xe, việc di chuyển cũng trở nên thuận tiện và tiết kiệm hơn trên một ứng dụng.

Về yêu cầu làm rõ thương vụ mua bán giữa Grab và Uber của Cục Quản lý cạnh tranh [Bộ Công Thương], CEO Grab Việt Nam cho rằng, Grab đã thực hiện các phân tích pháp lý một cách cẩn trọng và toàn diện cùng với các chuyên gia tư vấn pháp lý của mình trước khi tham gia ký kết và hoàn tất giao dịch mua lại hoạt động kinh doanh này nhằm đảm bảo rằng giao dịch được thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật nước sở tại, trong đó có cả pháp luật về cạnh tranh.

Tại Việt Nam, Grab cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý cạnh tranh nhằm giải đáp các thắc mắc liên quan đến giao dịch mua lại này khi có yêu cầu.                                    

Tham vọng của Grab sau khi thâu tóm Uber

Sau khi tiếp nhận Uber, Grab cũng tiếp nhận Uber Eats và ngay lập tức phát triển thành một công ty lớn trong lĩnh vực dịch vụ giao nhận thức ăn. Grab có tham vọng mở rộng dịch vụ GrabFood đến tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á trong quý 2/2018 và dịch vụ này cũng giúp thúc đẩy phát triển ví điện tử GrabPay

Hải Minh

Video liên quan

Chủ Đề