Dương bạch mai là ai

Dương Bạch Mai [1905- 1964] quê ở Bà Rịa từng du học ở Pháp, tham gia Đảng Việt Nam Độc lập, rồi vào Đảng Cộng sản Pháp cùng với nhiều sinh viên, trong đó có Nguyễn Văn Tạo. Năm 1929, ông sang Moscou học Đại học Staline cùng khóa với các ông Bùi Văn Thủ, Hà Huy Tập, Trần Ngọc Danh. Năm 1932, ông về nước hoạt động tại Sài Gòn, cộng tác cho báo La Cloche Fêlée, La Lutte, Mai, Dân Quyền, với các ông Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm. Năm 1936-1937, ông đứng chung Sổ lao động của báo La Lutte cùng với Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Nguyễn Văn Tạo ứng cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn, nhân danh Mặt trận Vô sản thống nhất và đắc cử. Sau Đông Dương đại hội, Pháp khủng bố bắt giam các chiến sĩ cách mạng, ông bị cưỡng bức lưu trú tại Cần Thơ. Năm 1939 , ông lại bị bắt đầy ra Côn Đảo với các ông Bùi Văn Thủ, Nguyễn Văn Tạo, Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Nguyễn An Ninh. Đến năm 1943, ông được thả và bị quản thúc tại Tân Uyên [Biên Hòa].

Tháng 8. 1945, ta cướp chính quyền, ông là Thanh tra Chính trị miền Đông trong Lâm ủy Hành chính Nam Bộ. Năm 1946, ông là thành viên trong phái đoàn Việt Nam sang Pháp dự hội nghị Fonlainebleau, sau đó cùng ông Trần Ngọc Danh ở lại Pháp, đại diện cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Người tù đặc biệt của Thông đốc Somalis

Thống đốc Djibouti, thủ đô của xứ Somalis là ông Siriex nhận được lệnh khẩn cấp từ Paris dạy phải giữ lại một hành khách quan trọng đi trên tàu Vercors khi tàu này ghé bến Djibouti từ Marseille về Đông Dương. Dương Bạch Mai là đại biểu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris bị giải về Sài Gòn. Thống đốc Pual Henri Siriex thấy phân vân vì tháng 10. 1946, ông đã được lệnh đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng nghi lễ dành cho quốc khách khi chiến hạm Dumond d’ Urville ghé lại cảng Djibouti. Nay là tháng 4.1947, không đầy nửa năm mà tình hình xoay chiều ngược lại 180 độ. Một trung úy và hai cảnh binh xuống tàu Vercors áp giải đại diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp lên bờ. Tuy lệnh trên không nói rõ, ông Siriex vẫn dành cho Dương Bạch Mai mọi ưu ái. Vì ông nghĩ các vụ bắt bớ chính trị thường có những diễn tiến bất ngờ nên phải thận trọng. Trên bàn viết của ông còn bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng và lúc này còn nhiều đại biểu cộng sản trong chính phủ. Tuy chiến tranh đã nổ ra nhưng chưa có sự đoạn tuyệt ngoại giao giữa hai chính phủ và bằng chứng là tại Paris còn có một phái bộ của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoạt động bình thường mà Dương Bạch Mai là thành viên. Vả lại, chính phủ Ramadier còn nuôi hy vọng liên lạc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghĩ vậy nên thống đốc Djibouti không giam Dương Bạch Mai vào ngục đá mà mời tới ngụ tại nhà nghỉ mát Arta trên vùng núi đồi như là một chính khách bị quản thúc, có hai cảnh binh làm bạn đêm ngày.

Paul Reynaud, kẻ thù của Dương Bạch Mai

Ngày 13.3.1947, trong cuộc họp tại Quốc hội, do Paul Reynaud chủ trì sóng gió đã nổi lên. Cánh hữu đả kích dữ dội chủ trương thương thuyết với Hồ Chí Minh, Paul Reynaud, nguyên Thủ tướng, là người chống thương thuyết ác liệt. Ông ta đứng lên đọc hai bản tư liệu tố cáo Việt Minh để "cho Quốc hội sáng con mắt ra". Dưới đây là bản tóm tắt hai bản tư liệu đó:

Khi Hồ Chí Minh tới Fontainebleau ông đem theo hai đại biểu: Dương Bạch Mai, từng sang Nga với cái tên Bourov và Trần Ngọc Danh, cũng có tên Nga là Blokov. Khi Hồ Chí Minh về nước thì hai người này ở lại Paris, văn phòng họ tọa lạc tại đường Sainte Anne. Họ có bốn tùy viên báo chí.

Đại úy quân Pháp Gordon, công tố viên tòa án quân sự thường trực Sài Gòn đã có hai văn bản về Dương Bạch Mai.

Sau khi Nhật đầu hàng, Việt Minh phong Dương Bạch Mai, Thanh tra chính trị miền Đông. Với chức vụ đó, Dương Bạch Mai là con ác thú lên cơn [nguyên văn: béte féroce déchainée]. Mai đã chỉ huy đánh phá chúng ta [thực dân Pháp -NH] trong tỉnh Bà Rịa và Long Thành. Mai bắt các người Pháp chủ đồn điền cao su làm con tin và sau đó ra lệnh thủ tiêu để cướp tài sản...

Trong khi Reynaud đọc thì dân biểu Legrendre chỉ lên tầng trên nói to:

- Tên đó có mặt tại đây, trên khán phòng thứ sáu.

Dân biểu Bougrain hét to:

- Đóng các cửa phòng họp! Ai phát thẻ cho tên đó vào đây? Đề nghị bắt ngay !

Đại biểu Piene Cot:

- Đã có lệnh bắt người ta chưa?

Dân biểu Flonmond Bonte:

- Có lệnh nào cho phép bắt người trong khu vực dành cho dân chúng? Phải tôn trọng tự do của nền Cộng hòa.

Chủ trì tuyên bố tạm ngưng một tiếng mười lăm phút.

Dương Bạch Mai vẫn bình tĩnh trong khi sóng gió nổi lên. Ông có quyền dự các phiên nhóm của Quốc hội với tư cách phóng viên báo chí của nước Việt Nam. Khi Quốc hội tái họp, ông vẫn ngồi ngay chỗ cũ. Trong khi ông thủ thế thì một người Pháp chồm tới, nói vào tai ông: "Ông cứ ngồi đây đừng bỏ đi đâu. Ở đây rất an toàn cho ông. Chốc nữa, tôi sẽ giúp ông ra khỏi nơi này". Người tốt bụng này là ai vậy? Không phải là đại biểu cộng sản mà là một tham biện từng làm Tỉnh trưởng ở thuộc địa. Tên ông là Jean Duplessis Kergomard, đã phục vụ lâu năm ở Đông Dương. Năm 1945, ông là Chánh văn phòng Cao ủy D’Argenlieu, nay về Pháp làm Tổng thư ký ủy ban Điều tra thái độ các tỉnh trưởng Pháp ở Đông Dương dưới thời chính phủ Vichy [của thống chế Pétain]. Lúc ở Sài Gòn, ông có biết Dương Bạch Mai. Ông quả quyết Mai không phải là "con ác thú lên cơn", trái lại là một phần tử ôn hòa trong những ngày đẫm máu tháng tám và tháng chín 1945. Một viên chức khác từng ở Đông Dương, ông Bousquet giúp ông Mai thoát ra bằng một cửa nhỏ. Kergomard yểm trợ ông Mai lên xe và đưa về tận văn phòng đường Sainte Anne.

Cuộc họp tiếp tục. Paul Reynaud lại đọc tư liệu tố cáo Việt Minh. Phó Thủ tướng Mairice Thorez và BỘ trưởng Quốc phòng Francois Billoux đứng lên, ngang nhiên rời phòng họp. Reynaud tố Dương Bạch Mai giết các chủ sở cao su Pháp và cướp tiền của nạn nhân, như xử các anh em Tortel và Quintemet lấy nữ trang trị giá 40.000 và nửa tấn ngà voi. Cuối cùng anh ta kết luận: "Những vụ giết người cướp của đều do Hồ Chí Minh chủ mưu, cho nên chúng ta không thể thương thuyết với ông ta".

Thì ra đây là âm mưu của phe chủ chiến, đem vụ tố Dương Bạch Mai để đi tới kết luận là không thể thương thuyết với Việt Minh.

Dương Bạch Mai bị truy nã

Dương Bạch Mai mà Quốc hội Pháp làm xôm trò rốt cuộc có phải là "con ác thú lên cơn" như Paul Reynaud tố hay không? Xin giở hồ sơ mật ra xem:

Năm 1947 , Mai được 44 tuổi và có một quá trình hoạt động đa dạng. Ông xuất thân trong một gia đình tư sản Nam Kỳ, đã học bên Pháp và có lối sống của người Âu, giao du thân mật với người Pháp. Ông có bà con với tướng Nguyễn Văn Xuân tốt nghiệp trường Bách khoa Pháp, nhân vật tên tuổi trong giới có tinh thần tự trị. Dương Bạch Mai là một người hấp thụ văn hóa Pháp, ông bắt đầu làm công chức, sau đó sang làm ngân hàng. Có một hay hai năm làm nhân viên tập sự Quỹ Tiết kiệm ở Paris, sau đó tiếp thu chủ nghĩa Mác. Bỏ ngân hàng ông sang Nga học Đại học Staline với cái lên Nga Bourov. Trở về nước vào lúc Đông Dương Đại Hội, ông hoạt động mạnh và đắc cử Hội đồng thành phố trong Sở Lao động. Năm 1938 , thoái trào, ông bị Pháp bắt đầy ra Côn Đảo 7 năm. Cách mạng Tháng Tám, ông giữ chức Giám đốc Công an và sinh hoạt với nhóm Văn hóa Mác-xít. Nhân vật tích cực trong nhóm này là ông André Canac, thuyền trưởng Jean Chesneaux, sau là giáo sư Sorbonne; bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Mai Văn Bộ.. . Trong thời gian đảm trách ngành công an, ông Mai đã thả nhiều người Pháp bị bắt oan. Sau khi quân Pháp chiếm Sài Gòn, ông Mai lên miền Đông. Nơi đây xảy ra nhiều vụ giết các chủ sở cao su Pháp mà nhà chức trách quy trách nhiệm cho ông Mai, lúc đó ông giữ chức Thanh tra Chính trị miền Đông. Do hồ sơ của ông không có nhiều vấn đề nghiêm trọng nên chính phủ Pháp thông qua danh sách phái đoàn thương thuyết Việt Nam, trong đó có ông. Sau đó, ông là phó đoàn đại biểu Việt Nam ở Pháp mà trưởng đoàn là Trần Ngọc Danh.

Paul Reynaud đả kích ông Mai vì nghe lời em vợ là ông Gassier, kỹ sư trưởng Sở Cầu đường Đông Dương, có liên hệ mật thiết với các chủ sở cao su bị giết. Vụ tố cáo này do nhóm chủ chiến giật dây. Thực dân nhằm phá chủ trương thương thuyết với Việt Minh đứng đầu là Cao ủy D’ Argenlieu.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, lệnh truy nã từ Sài Gòn được gửi qua Paris. Khi cảnh sát tới văn phòng đường Sainte Anne bắt Dương Bạch Mai, tự Bourov thì con chim xanh đã bay tự bao giờ. Trốn có nghĩa là thú nhận? Hay là tìm nơi cất giấu tài liệu trước khi bị bắt? Theo điều tra thì được biết ông Mai đã xách hành lý ra ga vào lúc 22 giờ để đi Thioville. Mật thám đã khám giấy thông hành của ông. Từ đó có thể ông sang Bỉ. Đến Bruxelles thì mất dấu. Ông Mai đã mất tích về phía Đông. Báo chí Pháp viết là "Dương Bạch Mai đã chuồn, mang theo tất cả số nữ trang cướp của mấy chủ sở cao su bị hành quyết theo lệnh ông ta".

Trong đêm 18 rạng 19.3, Quốc hội nhóm, Paul Reynaud lại nêu lên chuyện Dương Bạch Mai tẩu thoát và nhấn mạnh: "Dương Bạch Mai đã giết ít nhất là năm người Pháp và nhiều người Việt, bạn của nước Pháp. Hai tư liệu tôi đọc trước Quốc hội không phải là các bài báo mà là văn bản của Tòa án quân sự Sài Gòn. Dương Bạch Mai trốn có nghĩa là anh ta nhìn nhận có tội. Cần ký lệnh truy nã".

Nhưng đùng một cái, sáng ngày 19 , báo Franc-Tireur đăng bài phỏng vấn Dương Bạch Mai tại Paris. Thì ra đồng chí Bourov đã trở về Paris sau chuyến du hí bên nước Bỉ.

Sáng ngày 20, Cảnh sát tới văn phòng đường Sainte Anne thì gặp ngay đồng chí. Mai được đưa về Cảnh sát cuộc Marseille để xuống tàu giải về tòa án quân sự Sài Gòn. Tàu Vercors sắp sửa nhổ neo.

Cao ủy Bollaert can thiệp

Lúc Dương Bạch Mai bị bắt, Cao ủy D’ Argenlieu sắp bị thay thế. Từ ngày 3.3, Thủ tướng Ramadier đã ký bổ nhiệm người thay. Theo gợi ý của tướng Leclerc, Cao ủy Đông Dương phải là một chính khách, ông Emile Bollaert. Bollaert là thượng nghị sĩ, nguyên Thứ trưởng, xuất thân công chức cao cấp. Trước khi sang Việt Nam, ông Bollaert chờ nhận các chỉ thị về chủ trương của chính phủ về chiến tranh Việt Nam. Lúc đó, Ramadier có xu hướng thương thuyết với các chính đảng trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp. Chính phủ muốn tìm một giải pháp trung dung giữa hai phe chủ chiến và chủ hòa trong quốc hội. Nhưng cái khó là thương thuyết với ai đây?

Đúng lúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tiếng: "Nếu chính phủ Pháp chính thức tuyên bố nhìn nhận độc lập và thống nhất cho Việt Nam và bảo đảm thực hiện chính sách đó thì các vấn đề khác sẽ được giải quyết dễ dàng. Nước Pháp chỉ cần nói một tiếng để chấm dứt ngay các vụ thù nghịch, để tình hữu nghị và tin tưởng tái hiện. Nếu bất kể lòng mong mỏi, thành thực yêu chuộng hòa bình của chúng tôi, nước Pháp tiếp tục chiến tranh thì người Pháp sẽ mất hết tất cả mà không được gì, bởi chiến tranh chỉ đem lại hận thù của hai dân tộc. Chúng tôi yêu cầu chính phủ Pháp cho biết rõ ràng chính sách đối với Việt Nam".

Cùng trong ngày ấy, trưởng đoàn Trần Ngọc Danh tuyên bố sẵn sàng tiếp xúc chính phủ Pháp để tiếp tục các cuộc thương thuyết. Từ ngày 18, Chính phủ Hồ Chí Minh đã cải tổ để trấn an dư luận Pháp. Các phần tử ôn hòa được đưa vô chính phủ như ông Hoàng Minh Giám, trước ở trong đảng Xã hội Pháp SFIO, giờ là Bộ trưởng Ngoại giao.

Các chỉ thị giao cho Bollaert ngày 23.3, có xu hướng hòa giải. Cao ủy mới chủ trương thương thuyết với bất cứ ai, miễn là chịu ở trong Liên hiệp Pháp. Ngày 1.4.1947, Bollaert tới Sài Gòn, chọn Pierre Messmer từng là Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc Việt thay ông Sainteny và chủ trương thương thuyết với chính phủ Hồ Chí Minh. Bollaert chọn Giáo sư Mus làm cố vấn. Trong một tháng - tháng tư- Bollaert khuyến khích liên lạc với đối phương để xúc tiến thương thuyết.

Chính trong tình thế đó mà hồ sơ Dương Bạch Mai được ông Bollaert không quan tâm tới. Làm lớn chuyện, không ích gì mà còn trở ngại cho cố gắng thương thuyết. Vả lại, đọc sơ qua các cáo trạng, ông Bollaert cho là mơ hồ, không đủ sức thuyết phục, ông đòi cung cấp thêm bằng chứng, cần có thời gian. Cho nên, ông điện sang yêu cầu tạm giữ Dương Bạch Mai tại Djibouti. Sự có mặt của ông Mai tại Sài Gòn trong lúc này không có lợi gì.

Thế là ông Mai mà Paul Reynaud tố là "con ác thú lên cơn" ở lì tại nhà nghỉ mát trên vùng đồi núi Erta như dân giàu có lên Đà Lạt tránh nóng hè oi bức miền nhiệt đới. Nhưng ông Mai vẫn nghĩ tới ngày bị giải về Sài Gòn và ra tòa án quân sự. Ông viết thư cho cô bạn là luật sư trẻ ở Paris - cô Marie Louise Jacquier - Cachin là ái nữ lãnh tụ Đảng cộng sản Pháp Marcel Cachin. Ông Mai đề nghị cô Cachin sang Djibouti gặp ông để cô làm lý đoán biện hộ cho ông. Nhưng chuyến đi đó bất thành vì nhà cầm quyền Djibouti không có thẩm quyền cho phép luật sư gặp ông Mai, quyền đó thuộc về Sở Tư pháp Sài Gòn . Cô Cachin đành phải chờ ông Mai được giải về Sài Gòn để sang làm lý đoán biện hộ.

Dương Bạch Mai được xử êm

Bộ trưởng chiến tranh Coste-Floret sang Đông Dương ngày 26.4.1947 . Ông là người chống thương thuyết với Hồ Chí Minh. Sang Việt Nam lần này, ông ta chỉ thị cho tướng Valluy thuyết phục Cao ủy Bollaert bỏ chủ trương thương thuyết với Hồ Chí Minh.

Valluy là tay háo thắng nên đưa ra điều kiện để ngưng bắn hết sức lố bịch như buộc đối phương giải giao 180 đại liên. 675 trung liên, 1.000 tiểu liên, 30.000 súng trường, các đại bác, bích kích pháo, máy vô tuyến... Tất cả khoảng 50% số vũ khí của Việt Minh, theo Sài Gòn ước lượng. Cùng với nhiều điều khoản khác hết sức vô lý, rõ ràng Valluy chỉ muốn đối phương đầu hàng.

Tất nhiên đối phương không trả lời Valuy, Bollaert liền nhờ giáo sư Mus tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 12.5, khi gặp Hồ Chủ tịch, Paul Mus đã nêu lên các điều kiện của Bộ Tham mưu Pháp. Hồ Chủ tịch đã trả lời một câu được ghi vào lịch sử: "Nếu chúng tôi chấp nhận những điều ấy chúng tôi là những kẻ hèn. Trong Liên hiệp Pháp mà giáo sư nói với tôi đó, không có chỗ nào dành cho những kẻ hèn" [nguyên văn: "Si nous acceptons cela, nous serions des lâches. Dans'l" Union Francaise, dont vous me parlez, il ne saurait y avoir de places pour les lâches].

Do bị tên háo thắng Valluy đầu độc, ông Bộ trưởng Chiến tranh Coste- Floret tuyên bố với báo Figaro về chuyến sang Việt Nam của ông ta: "Tôi nghĩ rằng không cần bàn về giải pháp quân sự ở Đông Dương. Các thành tựu của quân đội chúng ta thật toàn diện". Sự thật như thế nào? Valluy tăng cường quân lực cố thủ phía Bắc, rút quân từ Trung Bộ và Nam Bộ, hy sinh hai vùng này để tạo một thế mạnh giả tạo tại miền Bắc. Valluy còn nuôi tham vọng bao vây chiến khu Việt Bắc để chụp bắt Chính phủ Hồ Chí Minh. Valluy báo với Thủ tướng Pháp Ramadier về cuộc tấn công qui mô này. Thủ tướng Pháp đồng ý với điều kiện là chỉ tiến hành chiến dịch Lea này khi các thăm dò thương thuyết đều thất bại. Đúng vào lúc đó, Việt Minh lại cải tổ nội các, đưa các phần tử ôn hòa như ông Tạ Quang Bửu thay ông Võ Nguyên Giáp. Ông Bửu không phải là cộng sản mà là thủ lĩnh thanh niên có tinh thần quốc gia, rồi còn các ông Phan Kế Toại, một khâm sai đại thần trước kia, ông Hoàng Minh Giám...

Nằm trong nỗ lực kéo Việt Minh vào vòng thương thuyết, tháng 8.1947, Cao ủy Bollaert dự định đọc bản tuyên bố kêu gọi Việt Minh cộng tác với người Pháp mà các ý lớn đã được Chính phủ Pháp thông qua.

Bollaert dự định đọc lời tuyên bố vào ngày 15.8 và để tạo uy thế, sẽ ra lệnh quân đội Pháp ngưng bắn trong một thời gian. Mục đích là lôi kéo không chỉ riêng Việt Minh mà nhiều đảng phái vào hiệp nghị theo kiểu hội nghị bàn tròn. Bảo Đại cũng được mời trong hội nghị bàn tròn này. Đây là sáng kiến trung dung của Bollaert, đi giữa hai xu hướng đối địch- Léon Blum chỉ muốn thương thuyết với Hồ Chí Minh còn Phong trào Cộng hòa Bình dân [MRP] thì muốn đưa Việt Nam trở về chế độ quân chủ với Cựu hoàng Bảo Đại. Đám thực dân muốn có một nước Việt Nam có Bảo Đại làm Quốc trưởng và Hồ Chí Minh làm Thủ tướng.

Valluy phá Bollaert và muốn chụp bắt đầu não Việt Minh

Valluy tin vào chiến thắng gần kề nên không tán thành chủ trương thương thuyết của Bollaert mà ra sức tạo uy thế cho Bảo Đại đẻ đánh bại uy thế Việt Minh. Ngày 24.7, Valluy triệu tập các tư lệnh hải, lục, không quân, nêu rõ chủ trương đánh vào đầu não Việt Minh để đâu đó chuẩn bị sẵn sàng. Sau đó, Valluy bay sang Paris tiếp xúc ba yếu nhân Georges Bidault, Pierre Henri Teitgen và Paul Coste-Floret để ba ông này can thiệp với Thủ tướng Ramadier, buộc triệu hồi Bollaert về và ra lệnh hoãn việc đọc lời tuyên bố tại Hà Đông.

Ngày 16 .8, một cuộc họp liên bộ mở ra tại Điện Matignon, có mặt Cao ủy Bollaert và Tổng Tư lệnh Valluy. Bài diễn văn của Bollaert được phân tích và sửa chữa, cắt bỏ những từ quan trọng như ngưng bắn, độc lập. Không có vấn đề đơn phương ngưng bắn, cũng không có vấn đề độc lập, mà vẫn dùng từ mơ hồ là tự do như trước. Bài diễn văn mất phần hấp dẫn, nhưng Bollaert vốn là công chức quen phục tùng đành chấp nhận những cắt xén, tuy biết có đọc cũng không ai thèm nghe.

Năm ngày trước đó, Việt Minh lại một lần nữa vươn lên trong thế ngoại giao. Ngày 11.8, tại Bangkok, Trần Văn Giàu, đại diện Chính phủ Việt Nam tại Đông Nam Á đã gặp bộ truởng Pháp Pierre Étienne Gilbelt để thông báo các điều kiện thương thuyết của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.Các điều kiện đó là thống nhất ba kỳ và Việt Nam độc lập trong Liên hiệp Pháp. Về quân sự, Việt Nam có quân đội với huấn luyện viên người Phápvà liên hệ chặt chẽ giữa các bộ tham mưu. Về ngoại giao, Việt Nam theo chính sách của Pháp trong Liên hiệp Pháp, có đại diện ở Trung Quốc và Thái Lan…

Bàidiễn văn của Bouaert ngày 10.9 tại Hà Đông là một thất bại thảm thương. Nhưng đối với chính phủ Pháp thì nó vô nghĩa, bởi Pháp đã chọn giải pháp Bảo Đại. Người đề ra giải pháp này là ông Pignon ngày 18.8,Bảo Đại từ Hồng Kông lên tiếng sẵn sàng thương thuyết với Pháp. Liền sau đó, Thủ tướng Ramadier cho phép Vauuy tiến hành cuộc hành quân đại qui mô, nhảy dù xuống Cao Bằng, Bắc Cạn chụp đầu não Việt Minh. Cuộc hành quân này không đem lại kết quả mong muốn.

Chặng chót cuộc hành trình gian khổ của Dương Bạch Mai

Hi vọng thương thuyết với Chủ tịch Hồ Chí Minh tan theo mây khói , Cao ủy Bollaert không còn ưu ái Dương Bạch Mai, tự Bourov. Tháng 10 , có lệnh áp giải Dương Bạch Mai về Sài Gòn. Thống đốc Djibouti đưa ông Mai về Sài Gòn.Trớ true thay, người áp giải ông Mai lại là đồng chí Canac trong nhóm mác-xít Sài Gòn mà ông Mai từng sinh hoạt.

Ông Mai được giam giữ trong khám Chí Hòa. Ông yêu cầu chính quyền Sài Gòn cho phép luật sư Cachin sang biện hộ cho ông. Cô luật sư cộng sản trẻ tuổi này ở Sài Gòn suốt năm tháng để tranh đấu cho đồng chí Mai. Cô đã gặp Cao ủy Bollaert và được tiếp tử tế. Cô tỏ ý hài lòng vì chế độ thực dân ở Sài Gòn khá hơn bên Bắc Phi, còn nhìn nhận quyền bào chữa trong các vụ án chính trị.

Một Hiệp hội các bạn của Dương Bạch Mai được thành lập tại Sài Gòn, trong đó có rất nhiều người Pháp cánh tả. Nhiều người làm giấy chứng nhận trong thời kỳ nắm quyền Giám đốc Công an Sài Gòn, ông Mai rất ôn hòa, đã trả tự do cho nhiều người Pháp bị bắt oan. Cô Cachin đã thuyết phục được Cao ủy Bollaert dẹp hồ sơ thiếu bằng cớ thuyết phục [nguyên văn: un dossier mal étayé]. Xong vụ kiện, cô Cachin bay về Paris vào tháng Giêng năm 1948. Biện lý Matrat, cấp bậc đại úy, chỉ tuyên án quản thúc ông Dương Bạch Mai tại Kontum. Hai tháng sau, ông Mai vượt ngục trở vô khu kháng chiến.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Mai kết thúc trong thầm lặng. Sức khỏe của ông suy yếu từ ngày ra Côn Đảo. Hoàn cảnh thiếu thốn trong chiến khu không cho phép ông gượng lại được. Một người gốc tư sản trí thức Nam Bộ, từng sống nhiều năm ở Pháp, khó thích nghi với cuộc sống chật vật lúc về già. Ông là một người cộng sản ôn hòa, chân chất. Ông rất nhớ quê hương Bà Rịa của ông. Có một thời gian ông hoạt động trong Hội Hữu nghị Việt-Xô và Hội Hữu nghị Việt-Pháp. Năm 1956, ông may mắn gặp lại các đồng chí Canac và Jean Deplessis Kergomard [người đã giúp ông thoát hiểm tại Quốc hội Pháp], lúc đó là đệ nhất cố vấn phái đoàn Tổng lãnh sự Pháp tại Hà Nội. Năm 1963, ông Mai từ trần, đám tang rất to, có Chủ tịch Hồ Chí Minh tới viếng.

Trong một lần dự giỗ của ông, có một vị lão thành tặng cho tôi quyển truyện ký của nhà báo, nhà văn Georges Chaffod, tựa là Simple historie du Camarede Bourov. Bài viết này căn cứ theo quyển sách trên.

Video liên quan

Chủ Đề