Đất phù sa cổ tập trung ở đâu

Đất phù sa có 41.002 ha, chiếm 8,11% diện tích đất tự nhiên, gồm 7 loại đất là: Đất phù sa được bồi hàng năm, đất phù sa không được bồi hàng năm, đất phù sa glây, đất phù sa có tầng loang lổ đá vàng, đất phù sa úng nước, đất phù sa phủ trên nền cát biển và đất phù sa ngòi suối.

1. Đất phù sa được bồi hàng năm [Dystric Fluvisols]: Có diện tích 2.661 ha, chiếm 0,53% diện tích đất tự nhiên, phân bố ở Phú Lộc, Phong Điền và một số ít ở thành phố Huế. Đất được hình thành do lắng đọng phù sa sông, nhưng do các sông ở Thừa Thiên Huế đều có vận tốc dòng chảy lớn, nên lắng đọng được các sản phẩm thô, vì vậy đất có thành phần cơ giới nhẹ, hình thái phẫu diện tương đối đồng nhất về thành phần cơ giới và màu sắc. Một vài nơi cũng gặp hiện tượng phân hóa về thành phần cơ giới, nhưng không phải do quá trình rửa trôi mà do các lớp bồi tích ở từng đợt lũ khác nhau. Đất có phản ứng chua vừa, hàm lượng mùn ở tầng mặt trung bình [1-1,5%], đạm tổng số và lân tổng số trung bình, lân dễ tiêu nghèo, độ no bazơ trung bình [50-60%].

Như vậy, loại đất này có độ phì tự nhiên khá, lại có những ưu điểm như: thành phần cơ giới nhẹ, đất tơi xốp, tầng đất dày, thoát nước tốt, nên thích hợp với nhiều loại cây trồng như: ngô, đậu, lạc, rau màu..., tuy vậy, do địa hình thấp nên lưu ý khi bố trí cây trồng phải lựa chọn thời vụ để tránh mùa ngập lụt.

2. Đất phù sa không được bồi hàng năm [Dystric Fluvisols]: Diện tích có 20.635 ha, chiếm 4,1% tổng điện tích tự nhiên, phân bố ở các huyện Phú Lộc, Hương Trà, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy [nay là Thị xã Hương Thủy] và một ít ở thành phố Huế. Đất cũng có nguồn gốc hình thành như đất phù sa được bồi hàng năm nhưng do phân bố ở xa sông hoặc ở địa hình cao, nên rất ít được bồi đắp phù sa. Hình thái phẫu diện đã có sự phân hóa, thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến sét. Đất có phản ứng chua; hàm lượng mùn từ trung bình - hơi nghèo [0,9 - 1,5%], đạm tổng số trung bình [0,08 - 0,1%], lân tổng số khá [0,1 - 0,12%], lân dễ tiêu trung bình, độ no bazơ thấp - trung bình [40 - 55%]. Như vậy, đất có độ phì tự nhiên khá, có thể bố trí nhiều công thức luân canh cây trồng khác nhau và có thể cho năng suất khá.

3. Đất phù sa glây [Gleyic Fluvisols]: Có diện tích 5.955 ha, chiếm 1,18% diện tích tự nhiên, phân bố ở các huyện Phú Lộc, Hương Trà, Phú Vang, Quảng Điền và Phong Điền. Đất cũng được hình thành do quá trình lắng đọng phù sa, nhưng phân bố ở địa hình thấp, khó thoát nước. Đất có thành phần cơ giới nặng, tỷ lệ sét vật lý cao, chặt, bí, trong đất các quá trình khử xảy ra mãnh liệt, hình thái phẫu diện thường có màu xanh ánh thép nguội, dính dẻo, glây trong toàn phẫu diện, màu xám xanh có xen lẫn những vệt vàng. Đất có phản ứng chua vừa [pHKCl dao động từ 4,4 - 4,8], mùn ở tầng mặt khá cao [2 - 3%], đạm, lân tổng số và cation trao đổi đều thuộc loại khá. Đây là vùng đất trọng điểm lúa của tỉnh, có khả năng cho năng suất cao, tuy vậy cần bón vôi khử chua cho đất và tìm cách giảm quá trình khử để hạn chế quá trình glây làm xấu tính chất của đất.

4. Đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng [Dystric Plinthosols]: Diện tích 4.846 ha, chiếm 0,96% diện tích tự nhiên của tỉnh, phân bố ở thành phố Huế và các huyện: Hương Trà, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc và Hương Thủy [nay là Thị xã Hương Thủy]. Đất cũng có nguồn gốc hình thành như các loại đất cùng nhóm, nhưng phân bố ở địa hình vàm cao hoặc cao, có chế độ nước không đều trong năm, mùa mưa cũng bị ngập nhưng mùa khô đất bị thiếu nước nghiêm trọng. Vì vậy trong đất xảy ra 2 quá trình: quá trình khử và quá trình oxy hóa; mùa mưa ngập nước thì quá trình khử xảy ra mạnh, mùa khô thì quá trình oxy hóa xảy ra, Fe2+ bị oxy hóa thành Fe3+ tạo ra những vệt loang lổ đỏ vàng trong phẫu diện đất. Đất có khả năng thoát nước tốt, quá trình rửa trôi trọng lực trong phẫu diện đất xảy ra mạnh, thành phần cơ giới trung bình, có phản ứng chua vừa đến ít chua [pHKCl 4,6 - 5,5], hàm lượng mùn trung bình [1,5 - 2%], đạm tổng số khá, lân tổng số trung bình, lân dễ tiêu nghèo.

Loại đất này hiện đang sử dụng với nhiều phương thức khác nhau nhưng phần lớn là trồng lúa, một số khá lớn diện tích chỉ sản xuất được 1 vụ lúa do thiếu nước. Nếu giải quyết được vấn đề tưới thì có thể mở rộng diện tích bằng con đường tăng vụ từ 1 vụ thành 2 - 3 vụ trong năm.

5. Đất phù sa phủ trên nền cát biển [Areni Dystric Fluvisols]: Diện tích 4.115 ha chiếm 0,81% diện tích tự nhiên của tỉnh, phân bố ở vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng phù sa với dải cát biển hoặc cồn cát trắng vàng, có nhiều ở các huyện Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc. Đất hình thành do quá trình bồi lắng của phù sa trên nền cát biển. Độ dày của lớp phù sa phụ thuộc rất nhiều vào khả năng bồi đắp của hệ thống sông và địa hình của vùng cát trước khi bồi đắp. Thành phần cơ giới đất tầng mặt từ thịt nhẹ đến thịt trung bình, dưới lớp phù sa là cát trắng xám hoặc cát vàng nhạt; đất có phản ứng chua vừa đến ít chua; tầng mặt có hàm lượng mùn trung bình [1 - 1,5%], nghèo đạm, nghèo lân tổng số cũng như dễ tiêu. Đây là loại đất có ý nghĩa cho các vùng cát biển trong việc trồng lúa để cung cấp lương thực tại chỗ. Cần chú ý không nên phá vỡ tầng đế cày của đất.

6. Đất phù sa úng nước [Stagni Dystric Fluvisols]: Diện tích 2.200 ha, chiếm 0,44% diện tích tự nhiên của tỉnh. Là một loại đất trong nhóm đất phù sa, nhưng phân bố ở địa hình trũng dạng lòng chảo khó thoát nước, được coi là địa hình tích đọng, đất ngập nước quanh năm nên hạn chế quá trình khoáng hóa, quá trình tích lũy mùn mạnh, nên giàu mùn, đất bị glây mạnh, rất chua, đạm tổng số giàu, nhưng nghèo lân và kali tổng số cũng như dễ tiêu. Đây là loại đất có nhiều yếu tố hạn chế, không chỉ do ngập úng mà trong đất chứa nhiều chất độc cho cây như: Al3+ di động, H2S, CH4,... vì thế đất thường cho năng suất lúa thấp, không ổn định.

7. Đất phù sa ngòi suối [Dystric Fluvisols]: Diện tích 590 ha, chiếm 0,12% diện tích tự nhiên của tỉnh, phân bố tập trung ở Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông. Đất hình thành do sự lắng đọng của phù sa suối, nên thành phần cơ giới thường thô, nhẹ, lẫn nhiều khoáng vật nguyên sinh bền. Độ phì nhiêu tự nhiên tùy từng nơi mà rất khác nhau, nhưng nói chung đất có phản ứng chua đến rất chua, hàm lượng mùn trung bình, đạm tổng số khá, lân và kali nghèo. Tuy là diện tích không nhiều, nhưng loại đất này có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết lương thực trên địa bàn miền núi, nhưng do thường thiếu nước nên năng suất lúa thấp và bấp bênh, có nơi chỉ trồng được 1 vụ lúa, 1 vụ màu.

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Tự nhiên

[Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005]

Video liên quan

Chủ Đề