Chợ hà vĩ ở đâu

[HNM] - Chợ gia cầm làng Hà Vĩ [xã Lê Lợi, Thường Tín] được giới truyền thông đặc biệt quan tâm mỗi khi Hà Nội và các tỉnh lân cận xảy ra dịch cúm. Họ gọi chợ gia cầm này với nhiều tên khác nhau như "làng gà", "kinh đô gia cầm"… Tuy nhiên ít ai biết được rằng, chợ gia cầm ấy hình thành hết sức ngẫu nhiên. Và nay mai ở đây sẽ hình thành một chợ đầu mối gia cầm có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á…

Hôm qua…


 


Một góc chợ gia cầm Hà Vĩ.

Nhà nông thường coi "con trâu là đầu cơ nghiệp" nhưng ở Hà Vĩ con gà mới chính là cơ nghiệp của bà con. Họ giàu lên nhờ gà và nhiều gia đình cũng từng khuynh gia bại sản vì gà. Từ đầu những năm 90 thế kỷ trước, khi rộ lên việc nuôi gà công nghiệp, dân Hà Vĩ lục tục xây chuồng trại rồi mua giống về nuôi. Khắp làng đâu đâu cũng nghe tiếng gà. Cuộc sống khá giả hơn khi nhiều nhà nhờ chăn nuôi gà mà mua sắm được ti vi, xe máy, thậm chí xây được nhà mới. "Thừa thắng xốc tới", nhiều gia đình vay vốn, cầm cố nhà cửa, đất đai để đầu tư vào gà. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Năm 1995-1996, hàng nghìn con gà đến kỳ xuất chuồng thì đột nhiên đổ bệnh, mặt khác cung vượt quá cầu, khách buôn không về "ăn" hàng nhiều như trước. Cả làng lúc đó tràn ngập không khí u ám. Những người phụ nữ trong làng nhìn cả cơ nghiệp của mình tàn lụi thì xót của, cố vớt vát bằng cách thử giết mổ vài con mang bán cho các nhà hàng rồi bán rong ở Hà Nội, Hà Đông... Có người năng động, bắt mối được với các khách sạn, nhà hàng, các quán cơm bình dân, số lượng tiêu thụ được có khi đến hàng trăm con. Số gà tồn trong chuồng nhờ thế cứ vơi dần. Từ sau đận ấy, dân Hà Vĩ "cạch" hẳn nuôi gà nhưng họ lại có một nghề mới đầy hứa hẹn đó là đi gom gà ở khắp các địa phương về bán lại cho các thương lái quanh vùng. Tiếng lành đồn xa, các chủ buôn bán gia cầm lớn từ Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Sơn La… cũng tìm về chợ. Làng Hà Vỹ có 700 hộ thì đã có trên 600 hộ chuyển sang giết mổ gia cầm để kiếm sống. Mỗi ngày ở đây còn xuất buôn từ 15.000 đến 30.000 con gia cầm. Họ gọi chợ gia cầm này với nhiều tên gọi khác nhau "làng gà", "kinh đô gia cầm"… Tuy nhiên ít ai biết được rằng, kinh đô gia cầm lớn nhất miền Bắc ấy được hình thành chỉ từ một chợ làng, nằm ngay gốc đa ven đường. Theo năm tháng lớn dần lên, chợ nhỏ, người đông, ô nhiễm môi trường gia tăng… cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thấy bức xúc cần xây dựng chợ mới. Chợ mới từ lúc manh nha cho đến nay sắp khánh thành phải mất 6 năm với rất nhiều lần điều chỉnh vốn đầu tư.

Hôm nay và ngày mai

Khi Hà Nội có dịch cúm gia cầm H5N1, chợ Hà Vĩ vẫn cơ man là gà, vịt, ngan. Người dân vẫn thản nhiên bên những lồng gà, vịt lớn [mỗi lồng vài chục con] mà không cần đeo khẩu trang. Họ đốt lửa, sưởi ấm ngay cạnh những quầy gà lớn, tranh thủ lúc trưa vắng khách, mấy chị còn tụm nhau lại, nướng trứng gà vừa đẻ ra bóc ăn ngon lành. Gặp trời lạnh, mưa phùn gió bấc, một công đôi việc, vừa sưởi ấm cho gà, cho mình lại vừa có cơ hội nướng trứng gà ăn. Chị Phạm Thị Thanh, một trong những người góp mặt ở chợ này từ những ngày đầu tiên cười bảo: "Ôi dào, cứ bảo dịch cúm nhưng qua mấy đận cả vùng này chả ai làm sao mới tài chứ. Nhà chị ở ngay giữa chợ, hằng ngày ông bà già và hai đứa trẻ con cứ chạy ra chạy vào, vẫn vô tư em ạ. Có lẽ ở đây miễn dịch rồi". Anh Ngà, cán bộ Trạm Kiểm dịch gia cầm Hà Vĩ cho hay, một ngày làm việc bình thường của người dân ở đây bắt đầu từ 2-3 giờ sáng. Ánh đèn sáng trưng ở tất cả các ngõ ngách trong làng. Tiếng nồi niêu, xoong chậu loảng xoảng khiến không khí càng thêm náo nhiệt. Trung bình mỗi đêm, một hộ dân "hóa kiếp" khoảng 40-50 con gà, vịt. Vào đợt cao điểm như dịp lễ Tết, con số đó có thể lên tới hàng trăm. Các hộ hầu như đều huy động hết mọi người vào việc. Nhiều cụ già mắt mờ, tay yếu cũng trở dậy giúp con cái vặt lông, rửa gà hoặc thu dọn nồi niêu, dụng cụ mổ gà. Lũ trẻ đang tuổi ăn ngủ cũng vất vả phụ giúp cha mẹ. Chúng thường phải dậy từ 5 giờ sáng để làm những khâu cuối cùng trong các công đoạn mổ gà. Ngày nào đắt hàng phải dậy sớm hơn. Khoảng 5-6 giờ sáng là giờ cao điểm, những chị em khéo ăn nói cùng nhau chở gà lên nội thành bán ở các chợ, nhà hàng, còn các ông chồng phải ra chợ để "tuyển" gà, vịt, lựa hàng cho buổi chợ sáng hôm sau.

Chợ gia cầm Hà Vĩ mới sắp được khánh thành và đi vào hoạt động. Hà Vĩ sẽ càng nổi tiếng hơn nhờ có một chợ đầu mối gia cầm hoành tráng nhất cả nước với mức đầu tư gần 20 tỷ đồng trên diện tích 1,7ha, rộng gấp năm, bảy lần chợ cũ với đầy đủ hệ thống bảo vệ, tường rào bao quanh bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thú y. Nghe đâu quy mô sẽ là chợ đầu mối gia cầm lớn nhất Đông Nam Á. Chợ có hai khu bán buôn, bán lẻ; toàn bộ việc giết mổ, chế biến sẽ được thực hiện bằng máy với công suất 2 vạn con gia cầm sống/ngày, cùng với đó sẽ có kho đông lạnh để bảo quản thịt gia cầm phục vụ các nhà hàng, siêu thị. Trước ngày chuyển về chợ mới, tâm trạng những thương lái gắn bó với chợ làng gần 20 năm qua, niềm vui, trăn trở xen lẫn cả những lo âu. Với họ, có chợ mới sẽ không phải ngồi vệ đường, ngày nắng thì rát mặt, ngày mưa lấm lem bùn đất… nhưng việc buôn bán liệu có "xuôi chèo mát mái" như thời gian đã qua

[HNM] - Với 162 kiốt bán gia cầm [gà, vịt, ngan], nhưng theo lãnh đạo UBND xã Lê Lợi, huyện Thường Tín [Hà Nội], chợ đầu mối về gia cầm lớn nhất miền Bắc - Hà Vỹ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người buôn bán, do vậy Ban quản lý phải "linh hoạt" tận dụng nốt khu vực đất lưu không ở phía cuối chợ để bà con có chỗ bán hàng...
Đến chợ gia cầm Hà Vỹ những ngày này, ai cũng dễ dàng nhận thấy sự đìu hiu so với cảnh tấp nập của mấy tháng trước. Có thể nói, đây là bước chuyển biến khá tích cực khi cơ quan chức năng siết chặt công tác quản lý đối với việc vận chuyển, buôn bán gia cầm nhập lậu nên nguồn hàng có phần khan hiếm. Nhưng chính sự đìu hiu này lại giúp người ta dễ nhận thấy một nghịch cảnh, đó là trong khi nhiều kiốt được xây dựng theo đúng quy hoạch hay tạm gọi là "chính quy" phải tạm thời đóng cửa vì không có gia cầm bán thì ở khoảng lưu không cuối chợ [nơi mà theo quy hoạch được phê duyệt khi xây dựng chợ mới dành để trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường], lại có tới hơn chục "gian hàng" nhốt gia cầm để bán.

Trao đổi với PV Hànộimới ngày 7-12, nhiều tiểu thương trong chợ Hà Vỹ - những người có hợp đồng thuê kiốt với chính quyền sở tại, cho biết: Những "kiốt tự do" đó là "sản phẩm" của Ban quản lý chợ và chính quyền sở tại "sinh ra" sau một thời gian chợ Hà Vỹ mới đi vào hoạt động. Vẫn biết, "buôn có bạn, bán có phường" , "trăm người bán, vạn người mua" nhưng những gian hàng lưu động đó hoạt động trong chợ là không "công bằng" với chúng tôi - một tiểu thương giãi bày. Theo phản ánh của các tiểu thương, mức phí cho xe máy chở gia cầm vào chợ Hà Vỹ bán ở khu đất trống cuối chợ từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng, ô tô 5 tạ nộp từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng, ô tô 1 tấn trở lên nộp 150.000 đồng… Số tiền trên do nhân viên của Ban quản lý chợ Hà Vỹ thu trực tiếp, không có phiếu thu. Còn ô tô chở gia cầm giao cho các tiểu thương có kiốt trong chợ cũng phải nộp ít nhất 100.000 đồng/xe, tùy trọng tải. Ngoài ra, các tiểu thương còn phải nộp nhiều khoản phí khác, như phí vệ sinh, phí kiểm dịch, … Trao đổi với ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi về việc có hay không sự "thiếu công bằng" đang diễn ra tại chợ Hà Vỹ. Ông Thuận cho biết: Chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ có diện tích khoảng 1,7ha với 162 gian kiốt. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng chợ khoảng 35 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Thế giới hỗ trợ 50%, ngân sách nhà nước 50%. Khi hoàn thành, các kiốt trong chợ được giao cho các hộ kinh doanh gia cầm tại thời điểm đó trong thời hạn 10 năm với giá giao là 110 triệu đồng/kiốt. Đây là chợ cấp 2, do UBND huyện Thường Tín quản lý, nhưng UBND huyện ủy quyền cho UBND xã Lê Lợi quản lý. UBND xã Lê Lợi đã thành lập Ban quản lý chợ tạm thời, với 9 thành viên [1 trưởng ban, 1 phó ban] và 3 nhân viên bảo vệ; Ban quản lý chợ hoạt động theo các quy định về chợ của Nhà nước. Các khoản phí, lệ phí trong chợ, ông Thuận khẳng định thu theo đúng quy định của UBND TP Hà Nội trong Quyết định 34/2009/QĐ-UBND ngày 9-1-2009. Các hộ kinh doanh phải nộp phí cao hơn là do đặc thù của chợ kinh doanh gia cầm nên phải thêm phí kiểm dịch, phun phòng trừ tiêu độc. Theo quy định, mỗi tháng các hộ có kiốt trong chợ phải đóng 15.000đ/m2 nhưng đến nay hầu hết các hộ không đóng - ông Thuận cho biết thêm. Ông Thuận thừa nhận, theo quy hoạch phần đất cuối chợ là để trồng cây xanh nhưng do các hộ chăn nuôi ở các địa phương lân cận không biết chợ Hà Vỹ là chợ chỉ dành cho các tiểu thương có kiốt, mà kể cả họ có biết nhưng vì bán gia cầm tại đây "được giá" hơn những nơi khác nên họ vẫn cứ mang gia cầm về chợ Hà Vỹ bán. Do đó, chính quyền địa phương, Ban quản lý chợ Hà Vỹ đành phải "linh hoạt" sắp xếp chỗ ngồi cho họ ở trong chợ, không lẽ để họ phải mang gia cầm ra về. Ông Thuận cho biết thêm, tổng số phí thu được hàng tháng tại chợ Hà Vỹ khoảng 60-80 triệu đồng. Về việc không đóng phí sử dụng chỗ ngồi kinh doanh ổn định hàng tháng, các tiểu thương có kiốt được hỏi đều bức xúc: "Sở dĩ chúng tôi không nộp khoản phí này là vì đã phải nộp 110 triệu đồng mà vẫn phải chịu phí sử dụng chỗ ngồi kinh doanh ổn định hàng tháng trong khi các tiểu thương kinh doanh cuối chợ đã không phải nộp tiền thuê mặt bằng lại không phải mất khoản phí này".

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, một số chủ "kiốt tự do" cuối chợ không là những nông dân bán gia cầm của nhà nuôi được mà có cả những "tay buôn" chuyên nghiệp. Không biết UBND huyện Thường Tín có biết những bức xúc đang diễn ra tại chợ Hà Vỹ? Dư luận băn khoăn: Thực tế số phí thu hằng tháng tại chợ Hà Vỹ là bao nhiêu, nguồn thu được sử dụng như thế nào?

Video liên quan

Chủ Đề