Chính sách phát triển văn hóa đọc trên thế giới

Phát triển văn hóa đọc, từ chính sách đến xã hội

Có thể nói, xây dựng văn hóa đọc, phát triển văn hóa đọclà những cụm từ được nhắc đến nhiều trong thời gian qua.  Điều này, nhìn từ khía cạnh tích cực, cho thấy sự quan tâm của toàn xã hội đến một trong những vấn đề then chốt của giáo dục khai phóng hướng tới năng lực tự học suốt đời của con người, đồng thời cũng phản ánh một thực trạng đáng buồn về sự thiếu hụt Văn hóa đọc  nền tảng quan trọng hình thành giá trị nhân văn, sáng tạo của một quốc gia.

Câu hỏi đặt ra là, điều gì đã dẫn đến sự thiếu hụt này?

Chúng ta thường cho rằng, kỷ nguyên công nghệ thông tin bùng nổ với văn hoá nghe nhìn đã lấn át và làm mai một văn hoá đọc. Thực tế thì, ở những quốc gia khai sinh ra nền công nghiệp nghe nhìn và là trung tâm của thế giới về các dịch vụ Internet, kỹ thuật số, phim ảnh, ca nhạc  như Châu Âu hay Mỹ, Nhật Bản, người dân đọc trung bình 12-20 cuốn sách/năm, một con số cao hơn gấp nhiều lần nếu so với 0.8 cuốn sách/năm của người dân Việt Nam. Vậy văn hóa nghe nhìn có phải là nguyên nhân sâu xa của việc người dân không đọc sách?

Chúng ta cần nhìn nhận một thực tế rằng, Việt Nam trải qua lịch sử hàng ngàn năm Bắc thuộc và những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm kéo dài dai dẳng, dẫn đến con số kỷ lục 94% dân số mù chữ vào năm 1945. Hệ luỵ nặng nề mà chiến tranh để lại đó là giặc đói, giặc dốt và một nền đọc mỏng kéo dài qua nhiều thế hệ, cùng với việc thiếu các chính sách khuyến đọc trên quy mô quốc gia đã làm mai một văn hóa đọc ngay từ khi còn chưa kịp thai nghén.

Chính sách vĩ mô và sự dịch chuyển xã hội

Các sách vĩ mô giống như bộ khung xương nâng đỡ toàn bộ hệ thống, bộ khung xương có vững chắc thì hệ thống mới vận hành trơn tru. Ở Hàn Quốc, từ những năm 1960 -1970, Bộ Giáo dục đã bắt đầu phát động các chiến dịch khuyến đọc cho thanh thiếu niên trên phạm vi toàn quốc. Đến năm 2006, nhận thấy tầm quan trọng của việc đọc, Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức ban hành Đạo luật Phát triển văn hóa đọc . Đạo luật này đã chỉ thị thiết lập một Chương trình phát triển văn hóa đọc, thành lập Ủy ban Khuyến đọc và yêu cầu tất các cơ quan từ trung ương đến địa phương phải cung câp cơ hội đọc sách bình đẳng cho mọi trẻ em trong đó quy định rõ vai trò của cộng đồng, nhà trường, và thậm chí cả các công ty tư nhân đối với việc khuyến đọc. Tương tự, ở Nhật Bản, Luật Khuyến đọc dành cho trẻ em được thông qua vào năm 2001, là cơ sở để Bộ Giáo dục ban hành Kế hoạch Khuyến đọc trên toàn quốc. Một điểm rất giống nhau giữa hai quốc gia này là bên cạnh việc luật hóa các quy định về khuyến đọc, họ còn chỉ đạo và giám sát chặt chẽ kế hoạch thực hiện của các địa phương. Bài học của Nhật Bản và Hàn Quốc đã cho chúng ta thấy, một chính sách vĩ mô thành công phải kết hợp được tầm nhìn chiến lược của những người đứng đầu quốc gia với các kế hoạch cụ thể, quyết liệt để thúc đẩy hành động ở cấp cơ sở.

Đối với Việt Nam, 2015 có thể được coi là một năm đột phá của ngành giáo dục trong việc nhận thức và ban hành các chính sách liên quan đến phát triển văn hóa đọc. Tháng 9/2015, Bộ GDĐT đã phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời với chủ đề Chung tay xây dựng thư viện, thường xuyên đọc nhiều sách hay. Tiếp theo đó, hội thảo về Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng khu vực miền Bắc được tổ chức vào tháng 11 và ngày 31/12/2015, Công văn 6841/BGDĐT-GDTX đã ra đời đánh dấu bước tiến lớn trong viêc thúc đẩy văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng, giúp xóa dần khoảng cách bất bình đẳng giữa cơ hội được đọc sách của trẻ em nông thôn và thành thị. Công văn 6841 cũng thành công trong việc nối kết các giải pháp dân sự với chính sách vĩ mô và mở rộng cánh cổng trường học để phụ huynh, cộng đồng và toàn xã hội có thể cùng tham gia vào các hoạt động khuyến đọc.

Sau khi văn bản 6841 ra đời, một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình, Hậu Giang đã có công văn chỉ đạo các phòng giáo dục, các đơn vị, trường học trực thuộc triển khai xây dựng mô hình tủ sách phụ huynh trong lớp học và tạo môi trường khuyến đọc cho học sinh. Đặc biệt, UBND Tỉnh Nam Định đã quyết liệt vào cuộc để huy động các nguồn lực xã hội với quyết tâm sẽ phủ kín tất cả các lớp học từ cấp 1 đến cấp 3 với 12.662 tủ sách vào năm 2017. Tuy nhiên, bên cạnh một số ít điển hình tích cực, sự chuyển biến của xã hội nhìn chung còn chậm. Theo một khảo sát mà chúng tôi thực hiện, nhiều Sở Giáo dục vẫn chưa hề có chỉ đạo triển khai công văn 6841 của Bộ và rất nhiều hiệu trưởng, giáo viên vẫn chưa biết đến sự tồn tại của công văn này. Ngay cả đối với một số địa phương đã biết về công văn, thì việc triển khai vẫn còn gặp nhiều lúng túng, vướng mắc. Chúng ta cần nhìn nhận một cách nghiêm túc rằng, hiệu trưởng và giáo viên các trường học nếu không ý thức được đúng vai trò chủ chốt của mình trong việc tạo ra môi trường khuyến đọc cho con trẻ, thì chính họ sẽ trở thành trở lực lớn nhất của quá trình thay đổi. Bởi vây, việc tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện 10 nội dung quy định trong công văn 6841 cho đội ngũ hiệu trưởng và giáo viên cốt cán là một yêu cầu tối quan trọng. Đội ngũ nòng cốt này sau đó sẽ tiếp tục tập huấn lại trên diện rộng, tạo sự thay đổi theo chiều dọc trong bản thân ngành giáo dục, kết hợp với tác động chiều ngang từ các hoạt động đưa sách về nông thôn và khuyến đọc của các nhóm dân sự để tạo nên sự biến chuyển mạnh mẽ trong xã hội.

Lời kết.

Văn hóa đọc chính là cốt lõi của đổi mới giáo dục, đặt nền móng cho sự phát triển xã hội. Dựa trên cơ sở đánh giá tác động và tầm ảnh hưởng của chính sách vĩ mô và vận hành xã hội để có những điều chỉnh và chỉ đạo kịp thời là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, cần hiểu rằng để phá núi đá, chúng ta cần cả thợ khoan, thợ đập đá, thợ bơm nước, thợ nhồi thuốc nổ, xe vận chuyển...Trong công cuộc dỡ phá thành trì ít đọc để xây nên nền móng cho văn hóa đọc, chúng ta cần kiên nhẫn hành động, bởi nó không dễ như phá những núi đá hữu hình. Vũ khí cho công cuộc khai trí là sự tận tâm hành động của hàng triệu con người với những chiến lược rõ ràng và tầm nhìn dài 30-50 năm.

Nguồn tham khảo:

1. Chiến lược quốc gia của Hàn Quốc nhằm Phát triển thư viện và Khuyến đọc cho trẻ em và thanh thiếu niên.

//www.ifla.org/past-wlic/2011/114-lee-en.pdf

2. Các chiến lược khuyến đọc quốc gia từ mạng lưới cấp cơ sở tại Nhật Bản.

//www.ifla.org/files/assets/libraries-for-children-and-ya/publications/Sakabe%20and%20Yoda.pdf

3. Sách hóa nông thôn

Chủ Đề