Chết não nghĩa là gì

Chết não là sự mất mát hoàn toàn chức năng não. Tim, phổi, hệ thần kinh trung ương... ngừng hoạt động, không thể phục hồi.

Bác sĩ Dương Văn Tâm, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết hệ thống MeSH của Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ định nghĩa "chết não" [brain dead] bao gồm chết cả cuống não. Cuống não nằm dưới đại não phía trước tiểu não, nhiệm vụ nối não bộ với tủy sống và kiểm soát các chức năng tự động chẳng hạn như hô hấp, tiêu hóa, nhịp tim và huyết áp. Đây gọi là sự mất hoàn toàn chức năng não, bao gồm hoạt động không tự nguyện cần thiết để duy trì cuộc sống.

Một người được coi là chết não khi hoạt động tim, phổi, hệ thần kinh trung ương ngừng hoạt động, không thể phục hồi, chỉ có các thiết bị hỗ trợ sự sống giúp cho các chức năng này tiếp tục hoạt động.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chết não như chảy máu não, chảy máu dưới nhện, viêm màng não, chấn thương sọ não... Bệnh nhân chết não hoàn toàn sẽ được trả về để gia đình an táng, hoặc gia đình có thể hiến tặng nội tạng của họ.

Chết não là khi chức năng trung tâm cuống não, kiểm soát phản xạ thở, nhịp tim mạch, phản, xạ đồng tử và các phản xạ sống khác không còn nữa. Ảnh: Washington Post.

Thực tế, tại Việt Nam nói riêng và các nước phương Đông nói chung, khái niệm "chết não" [brain dead] vẫn còn khá mới mẻ, chưa có tiêu chuẩn và nguyên tắc cụ thể. Nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện có kết quả xét nghiệm điện não đồ phẳng, não kém, tổn thương cuống não, kèm theo đó là tình trạng vận động căng cứng, chân tay duỗi thẳng, không nhận thức, không phản xạ ánh sáng, cấu véo không đau... Tuy nhiên, cơ thể họ vẫn hoạt động, tim vẫn đập, vẫn có chức năng bài tiết, tiêu hóa... các bác sĩ vẫn chẩn đoán là "chết não".

Những trường hợp như vậy được hiểu là chết não không hoàn toàn, gọi đúng chuyên môn là "duỗi cứng mất não". Ví dụ người có tiểu não chết nhưng có một cuống não sống, khiến nhịp tim và nhịp thở vẫn tiếp tục hoạt động không cần sự giúp đỡ.

"Duỗi cứng mất não" là hậu quả của những tổn thương não rất nghiêm trọng, rối loạn thoái hóa thần kinh, rối loạn trao đổi chất hoặc bất thường bẩm sinh trong não bộ. Bệnh nhân duỗi cứng mất não có thể dẫn tới tình trạng sống thực vật hay hôn mê.

Hôn mê là trạng thái bất tỉnh kéo dài mà người đó không thể được đánh thức, không thể phản ứng một cách bình thường đối với các kích thích đau, ánh sáng hay âm thanh, mất đi chu kỳ thức - ngủ bình thường. Còn sống thực vật là người bệnh luôn tỉnh và mở mắt, tuy nhiên, họ bị mất hết ý thức, không có bất cứ phản ứng nào với mọi kích thích. Họ không nghe, không nói, không cử động, không ăn uống, vẫn có chức nặng bài tiết, tiêu hóa song họ không thể khống chế đại tiểu tiện. Toàn bộ những phản ứng bản năng của người thực vật vẫn được duy trì, bao gồm sự co bóp của tim, hơi thở, phản ứng ho, nuốt, hắt hơi. Một người thực vật có thể sống liên tục nhiều năm bằng nước, sữa và chất dinh dưỡng truyền qua ống thông.

Bệnh nhân bị "duỗi cứng mất não" thường được các bác sĩ trả về, không được chữa trị, sống thực vật trong nhiều năm. Song, theo Đông y, bệnh vẫn có thể điều trị để cải thiện chức năng vận động và các chức năng khác để duy trì nhận thức cũng như sự sống cơ thể. Cách điều trị là kết hợp các phương pháp tác động lên huyệt vị, kinh lạc như: điện châm, thủy châm, xoa bóp, bấm huyệt. Liệu trình điều trị liên tục nhiều đợt và phải kiên trì nhiều năm, kết quả không thể nói trước. Một vài bệnh nhân sau điều trị có thể đi lại vận động được, đồng tử tốt, có biểu hiện nhận thức.

Với tình trạng hôn mê, bệnh nhân sẽ được duy trì sự sống bằng nhiều cách như giữ thông đường thở, mở khí quản, đặt nội khí quản, thở máy [nếu cần], đảm bảo các chức năng tuần hoàn như dùng thuốc trợ tim, duy trì nhịp tim, duy trì nước điện giải, cân bằng kiềm toan, điều chỉnh huyết áp... Song, rất khó xác định bệnh nhân sẽ hôn mê trong tình trạng này bao lâu, có thể vài giờ, vài tháng, thậm chí vài năm.

Một số trường hợp của Việt Nam và trên thế giới ghi nhận hiện tượng bệnh đang hôn mê bỗng dưng tỉnh lại. Điều đó chỉ có thể gọi là sự kỳ diệu của y học chứ chưa thể giải thích.

Theo vnexpress.net

Khi bộ não của bạn ngừng hoạt động hoàn toàn và không thể phục hồi - bạn được định nghĩa là đã chết. Nhưng ranh giới giữa sự sống và cái chết trong não bộ - giữa việc có thể hay không thể phục hồi một bộ não đã ngừng hoạt động – đến nay vẫn là một chủ đề gây tranh cãi trong y học.

Điển hình cho ví dụ này là chúng ta lúc nào cũng có những bệnh nhân "chết não" trong bệnh viện. Họ nằm trên giường với tứ chi hồng hào và mềm mại, thận vẫn bài tiết nước tiểu và tim vẫn còn đập như thể đang ngủ.

Nhưng không một ai trong số các bệnh nhân này có thể nghe thấy người thân của mình đang gọi. Họ cũng không thể mở mắt hay mấp máy môi. Điện não đồ của họ chỉ là một đường phẳng lỳ, không còn bất kỳ một sóng não nào cả.

Gia đình của bệnh nhân lúc đó sẽ phải đối mặt với một quyết định hết sức khó khăn: Rút ống thở hay không rút ống thở? Họ lúc nào cũng phân vân không biết người nhà mình có thực sự còn sống hay không?

Chết não đã là một khái niệm đã được thừa nhận trong y học từ nhiều thập kỷ. Nhưng định nghĩa về nó hiện vẫn còn chưa thống nhất, Gene Sung, một bác sĩ chăm sóc thần kinh tại Đại học Nam California, Mỹ cho biết. "Chúng ta cần phải có một số hiểu biết và sự đồng thuận nhất định trên toàn thế giới ở thời điểm này. Điều đó sẽ giúp giảm thiểu những sự hiểu nhầm bấy lâu về chết não".

Hãy tưởng tượng điều gì có thể xảy ra khi một bác sĩ nói rằng bệnh nhân đã chết não trong khi bộ não của anh hoặc cô ấy vẫn có thể phục hồi. Quyết định rút ống thở khi đó liệu có được coi là giết người hay không?

Để có thể xây dựng được một sự đồng thuận, bác sĩ Sung và các đồng nghiệp của mình đã mời các bác sĩ từ khắp thế giới tham gia vào một dự án có tên gọi là World Brain Death Project [WBDP]. Họ gồm có các chuyên gia chăm sóc ICU, các bác sĩ thần kinh, bác sĩ phẫu thuật thần kinh, những nhà nghiên cứu não bộ.

Áp dụng chuyên môn của mỗi lĩnh vực và qua các trao đổi liên ngành này, WBDP đã viết lại một khuyến nghị đánh giá tình trạng chết não và đăng trên tạp chí JAMA số tháng 8.

Ngoài các hướng dẫn chính, bài báo của họ còn bao gồm 17 phần bổ sung, giải quyết các khía cạnh pháp lý và tôn giáo, cung cấp danh sách kiểm tra và sơ đồ, thậm chí theo dõi lịch sử của các tiến bộ y tế liên quan đến bệnh nhân chết nào.

"Về cơ bản, chúng tôi đã viết một cuốn sách", bác sĩ Sung nói. Đó là một cẩm nang giúp tất cả các bác sĩ trên thế giới không mắc phải sai lầm chết người khi kết luận một bệnh nhân nào đó đã chết não.

Một buổi tập huấn thực hành kiểm tra phản ứng não bộ của bệnh nhân chết não.

Yêu cầu tối thiểu để xác định chết não là "một cuộc kiểm tra lâm sàng tốt, kỹ lưỡng", bác sĩ Sung nói. Trước khi cuộc kiểm tra diễn ra, các bác sĩ phải xác minh bệnh nhân của mình có nguy cơ chết não trong tình trạng nào, họ trải qua chấn thương thần kinh hay một điều gì khác?

Kế đó, các bác sĩ lâm sàng cần loại trừ mọi nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng bệnh nhân sống thực vật, gần giống với chết não nhưng thực sự không phải. Nghĩa là bệnh nhân này có thể hồi phục được.

Chẳng hạn, báo cáo của WBDP chỉ ra quá trình hạ nhiệt cơ thể trong phẫu thuật tim, một số loại thuốc, rượu hoặc chất độc có thể khiến chức năng não bộ tạm thời biến mất, nhưng sau đó có thể quay trở lại.

Sau khi loại trừ được các khả năng này, đánh giá tử vong của não tiếp tục phải được thực hiện với một loạt các bài kiểm tra phản ứng thể chất. Đây là các kiểm tra đòi hỏi một bộ não phải hoạt động, chẳng hạn như chuyển động của mắt, phản ứng đau và phản ứng nôn.

Các bác sĩ cũng phải xem liệu bệnh nhân của họ có đang cố gắng thở độc lập hay không. Nếu họ còn cố thở độc lập, chứng tỏ thân não của họ vẫn hoạt động được. Chỉ khi bệnh nhân không còn bất kể dấu hiệu phản ứng nào, họ mới được xác nhận là chết não.

Các mô hình sóng não của bệnh nhân chết não cũng khác nhau.

Ngày nay, có rất nhiều bác sĩ chỉ dựa chủ yếu vào các xét nghiệm như lưu lượng máu hoặc đo điện não để xác định chết não, nhưng bác sĩ Sung cảnh báo các bài kiểm tra này không phải lúc nào cũng đúng.

Đặc biệt, trẻ em có não bộ rất linh hoạt. Một đứa trẻ được xác nhận là chết não vẫn có thể hồi phục sau một khoảng thời gian. Do đó, nhóm chuyên gia của WBDP khuyến cáo những đứa trẻ nên được kiểm tra y tế ít nhất hai lần, so với chỉ 1 lần ở người lớn.

"Khác với người trưởng thành, trẻ em có thể phục hồi sau rất nhiều chấn thương nghiêm trọng", bác sĩ Sung nói. "Chúng tôi chỉ muốn thực sự chắc chắn".

Việc xác định chắc chắn được tình trạng chết não ở một bệnh nhân không chỉ giúp các bác sĩ hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc của mình, mà còn giúp gia đình bệnh nhân nhẹ nhõm hơn trong các quyết định, chẳng hạn như họ muốn người nhà mình sẽ tiếp tục sống thực vật hay sẽ giải thoát cho phần cơ thể còn lại hoặc hiến tạng.

Sự đồng thuận giữa các chẩn đoán cũng vô cùng quan trọng. Chẳng hạn như ngay giữa các tiểu bang của Mỹ, một bệnh nhân được coi là chết não bởi các bác sĩ ở tiểu bang này nhưng khi mang sang tiểu bang khác thì quyết định lại được trao về cho gia đình dựa trên niềm tin hoặc tôn giáo của họ.

Quy trình xác định chết não cần được đồng thuận trên toàn cầu.

Sự mất đồng thuận này dẫn đến rất nhiều rắc rối mang tính đạo đức và pháp lý. Các bệnh viện khác nhau và các quốc gia khác nhau hiện cũng đang có các quy trình xác định chết não khác nhau.

Vì vậy, dự án của WBDP mong muốn họ có thể đồng bộ tất cả các quy trình này về làm một và nó sẽ liên tục được cập nhật từ các dữ liệu khoa học mới nhất trong các lĩnh vực liên ngành liên quan.

"Chúng tôi luôn muốn học hỏi thêm", bác sĩ Sung nói. "Khi chúng tôi tìm hiểu được thêm điều gì đó mới, chúng tôi sẽ thay đổi các đề xuất của mình. Nhưng hiện tại thì đây là những khuyến cáo tốt nhất mà chúng tôi có".

Tham khảo Sciencenews

Những cái chết thầm lặng vì nhiễm prion: Phân tử "thây ma" âm thầm biến não bộ thành bọt biển

Video liên quan

Chủ Đề