Các loại thuốc làm giãn phế quản

ĐIỀU CẦN NHỚ KHI DÙNG THUỐC GIÃN PHẾ QUẢN. 

suckhoedoisong.vn – Thuốc giãn phế quản giúp người bệnh có thể cắt cơn khó thở ngay sau khi sử dụng nên được coi là một trong những nhóm thuốc chính điều trị bệnh hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Tuy nhiên, bên cạnh tác dụng mà nó mang lại, thuốc có thể gây ra một vài tác dụng phụ nguy hiểm cho cơ thể người bệnh nên khi dùng cần lưu ý…

Thuốc được dùng trong trường hợp nào

Thuốc làm giãn phế quản là loại thuốc được kê theo toa, nghĩa là phải có sự chỉ định của bác sĩ mới được sử dụng. Tác dụng chính của thuốc là làm giãn cơ trơn phế quản, do đó làm tăng khẩu kính đường thở. Luồng không khí lưu thông được dễ dàng hơn, không khí vào và ra khỏi phổi dễ dàng hơn, nên người bệnh hết cảm giác khó thở.

Các thuốc giãn phế quản nhìn chung được chỉ định cho những trường hợp có co thắt phế quản gây khó thở cho người bệnh. Các bệnh lý thường được chỉ định thuốc giãn phế quản bao gồm: hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản trong đợt cấp [thường có co thắt cơ trơn phế quản]. Ngoài ra, thuốc giãn phế quản cũng có thể được chỉ định trong một số trường hợp đặc biệt như nhịp chậm xoang.

Mỗi loại thuốc làm giãn phế quản sẽ hoạt động theo cách khác nhau, bao gồm:

Nhóm thuốc chủ vận beta 2: Giúp các cơ trơn xung quanh đường thở được thư giãn, từ đó cải thiện luồng không khí ra vào phổi để hết khó thở.

Nhóm thuốc kháng cholinergic: làm ức chế hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine để khiến đường thở của bệnh nhận được thư giãn.

Nhóm xanthine: Chủ yếu dạng thuốc uống [theophylline] và dạng tiêm truyền tĩnh mạch [diaphyllin]. Tác dụng giãn phế quản của theophylline không mạnh bằng các thuốc chủ vận beta 2, trong khi nguy cơ xuất hiện các tác dụng không mong muốn khá cao, vì vậy theophylin không phải là lựa chọn đầu tiên trong cắt cơn hen.

Cần lưu ý các tác dụng phụ

Cũng như tất các loại thuốc khác, thuốc giãn phế quản cũng có một số tác dụng phụ. Mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ phụ thuộc vào liều dùng. Liều dùng càng cao thì càng có khả năng xảy ra những tác dụng không mong muốn. Song, ở nhiều trường hợp, tác dụng phụ cũng có thể xảy ra ngay cả với liều lượng thấp. Những tác dụng phụ thường gặp bao gồm:

Ngộ độc: Là tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra với các thuốc theophylline vì thuốc này có liều điều trị và liều gây ngộ độc khá gần nhau. Liều thương dùng từ 10-20mg/l mới có hiệu quả, nhưng cũng chính từ nồng độ 20mg/l hoặc vượt hơn một chút đã có thể gây độc. Các biểu hiện lâm sàng của tình trạng ngộ độc thuốc là nhịp tim nhanh, lo lắng, hồi hộp trống ngực, buồn nôn, nôn, vật vã…

Dị ứng: Một số thuốc giãn phế quản dạng hít cũng có thể gây dị ứng, trong đó biểu hiện dị ứng cần lưu ý là khó thở tăng khi dùng các thuốc dạng phun – hít để chữa khó thở, khi đó, cần dừng ngay và chuyển sang dùng thuốc khác.

Ngoài ra, tác dụng phụ cũng có thể khác nhau tùy thuộc vào các nhóm thuốc, như: Tăng nhịp tim, run chân tay, khô miệng, buồn nôn, đau đầu, hạ kali máu. Trong những trường hợp hiếm hoi, thuốc làm giãn phế quản còn có thể gây tác dụng ngược là làm đường thở của bệnh nhân co thắt nặng hơn.

Lời khuyên của thầy thuốc

Những lợi ích mà thuốc giãn phế quản mang lại là không thể phủ định, tuy nhiên thuốc cần được dùng đúng và không lạm dụng để tránh những hệ lụy đáng tiếc. Cần ghi nhớ thuốc giãn phế quản giúp làm giãn cơ trơn để điều trị các trường hợp phế quản bị co thắt, gây khó thở. Còn các trường hợp khó thở khác thuốc sẽ không có tác dụng thậm chí gây nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh cần đi khám chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc giãn phế quản về uống.

Khi được chỉ định dùng thuốc, người bệnh cần tuân thủ điều trị, sử dụng đúng liều lượng và tái khám đúng hẹn, thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ.

Những người có bệnh lý tim mạch, loạn nhịp tim, đái tháo đường, cường tuyến giáp, cao huyết áp… cần đặc biệt thận trọng khi sử dụng thuốc.

Cần nắm rõ cách sử dụng của từng loại thuốc. Đối với các thuốc dạng phun hít, cần dùng đúng kỹ thuật. Thông thường bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh cách dùng bình phun hít thuốc, người bệnh cần quan sát để thực hành cho đúng thao tác hoặc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Việc dùng không đúng kỹ thuật cũng sẽ khiến bệnh không được kiểm soát tốt.

Trong khi sử dụng thuốc giãn phế quản, nếu xảy ra tác dụng phụ không mong muốn thì cần phải báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời./.

——-

Nguồn: Suckhoedoisong.vn – SỨC KHỎE & ĐỜI SỐNG – CƠ QUAN NGÔN LUẬN CỦA BỘ Y TẾ – DS. Nguyễn Phương Thảo.

Thuốc giãn phế quản dạng uống là loại thuốc được dùng để điều trị các vấn đề hô hấp trong bệnh hen suyễn và các bệnh liên quan đến phổi khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ở Anh, có hai nhóm thuốc giãn phế quản dạng uống được phép kê đơn là nhóm thuốc đồng vận beta-2 [salbutamol, albuterol và terbutaline] và nhóm methylxanthine [theophylline và aminophylline]. Thuốc giãn phế quản giúp giảm các triệu chứng như ho, khò khè và khó thở, bằng cách làm thông các đường dẫn khí trong phổi để không khí có thể đi vào phổi dễ dàng hơn.

Thuốc giãn phế quản dạng uống là gì?

Thuốc giãn phế quản dạng uống là loại thuốc được dùng để điều trị các vấn đề hô hấp trong bệnh hen suyễn và các bệnh liên quan đến phổi khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính [COPD]. Thuốc giúp giảm các triệu chứng như ho, khò khè và khó thở.

Có 2 nhóm thuốc giãn phế quản được phép kê đơn ở Anh. Đó là:

  • Nhóm thuốc đồng vận beta-2 [salbutamol, bambuterol và terbutaline].
  • Nhóm Methylxanthines [theophylline và aminophylline].

Aminophylline là một hỗn hợp tỷ lệ 2:1 của theophylline và ethylenediamine. Ethylenediamine được thêm vào để cải thiện khả năng tan trong nước của theophylline. Thuốc giãn phế quản dạng uống thường được bào chế dưới dạng viên nang, viên nén và dung dịch uống. Aminophylline còn được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm, thường sử dụng ở bệnh viện. Các biệt dược cho nhóm thuốc này khá đa dạng.

Hai thuốc giãn phế quản khác cũng được cấp phép sử dụng ở Anh là ephedrine và orciprenaline. Tuy nhiên, hiện nay hai thuốc này rất ít được sử dụng để điều trị các bệnh hô hấp vì chúng có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng như loạn nhịp tim.

Thuốc giãn phế quản còn được bào chế dưới dạng thuốc hít, được dùng phổ biến hơn dạng thuốc uống. Tuy nhiên, phần còn lại của bài viết này chỉ đề cập đến cách dùng của thuốc giãn phế quản dạng uống [đó là các dạng thuốc sử dụng bằng cách uống, như viên nang, viên nén, dung dịch uống]. Xem các bài viết khác để tìm hiểu thêm về thuốc hít dùng cho bệnh hen và thuốc hít dùng cho COPD.

Thuốc giãn phế quản dạng uống tác dụng như thế nào?

Từ “thuốc giãn phế quản” có nghĩa là làm mở rộng [làm giãn] phế quản. Thuốc giãn phế quản tác dụng bằng cách mở rộng các đường dẫn khí [phế quản và tiểu phế quản], làm không khí đi vào phổi dễ dàng hơn. Hai nhóm thuốc giãn phế quản có cơ chế tác dụng hơi khác nhau.

Nhóm thuốc đồng vận beta-2

Tác dụng bằng cách kích thích các thụ thể beta-2 ở các cơ dọc theo các đường dẫn khí, từ đó làm giãn cơ, mở rộng đường dẫn khí, giúp việc hít thở trở nên dễ dàng hơn.

Nhóm Methylxanthines

Cơ chế tác dụng của nhóm này hiện nay vẫn chưa được biết chính xác. Có giả thiết cho rằng chúng tác dụng bằng cách ức chế một chất trong cơ thể có tên là phosphodiesterase, từ đó làm giãn cơ ở đường dẫn khí, giúp quá trình hô hấp dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý khi phosphodiesterase bị ức chế thì có thể dẫn đến một số tác dụng khác như hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, đau đầu và buồn nôn.

Khi nào thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giãn phế quản?

Như đã nêu ở trên, các loại thuốc này thường được dùng cho những người có vấn đề về phổi với triệu chứng khó thở. Chúng được dùng phổ biến nhất ở bệnh nhân hen suyễn hoặc COPD. Tuy nhiên vì dạng hít cho hiệu quả tốt nên hầu hết bệnh nhân hen suyễn không cần đến thuốc giãn phế quản dạng uống.

Trong một số trường hợp, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người già, bệnh nhân được kê thuốc giãn phế quản dạng viên nén thuộc nhóm đồng vận beta-2 [dung dịch uống đối với trẻ em], nhưng trên thực tế thì dạng thuốc hít vẫn cho hiệu quả cao hơn và mang lại ít tác dụng phụ hơn.

Methylxanthine thường dùng cho bệnh nhân COPD ổn định hơn là COPD đợt cấp. Aminophylline dạng tiêm thỉnh thoảng vẫn dùng tại bệnh viện khi bệnh nhân lên cơn hen nặng.

Sử dụng thuốc giãn phế quản dạng uống như thế nào?

Viên nén salbutamol cần uống 3 hoặc 4 lần trong ngày. Terbutaline cần uống 3 lần trong ngày, trong khi bambuterol chỉ cần uống 1 lần trong ngày, trước khi đi ngủ [chỉ dùng cho người lớn].

Theophylline dạng viên nén hay viên nang có thể uống 1 hoặc 2 lần trong ngày, tùy thuộc vào biệt dược mà bác sĩ kê đơn. Bạn chỉ nên dùng cố định một loại biệt dược theophylline, vì lượng theophylline được hấp thu bởi cơ thể thay đổi đáng kể giữa các biệt dược khác nhau. Nếu bạn dùng một biệt dược theophylline khác với loại mà bạn thường sử dụng thì lượng theophylline được cơ thể hấp thu lúc này có thể quá nhiều hoặc quá ít so với lượng cần thiết. Aminophylline thường được uống 2 lần trong ngày.

Tôi nên dùng liều như thế nào?

Liều thuốc giãn phế quản thường được kê dựa vào khả năng đáp ứng điều trị và tuổi của từng bệnh nhân. Thông thường, bác sĩ sẽ bắt đầu với liều thấp và tăng dần [nếu cần thiết] trong vài tuần cho đến khi tìm được liều phù hợp nhất.

Để chọn được liều theophylline và aminophylline phù hợp không phải là việc dễ dàng. Cơ thể phá vỡ [chuyển hóa] theophylline ở gan. Quá trình chuyển hóa này thay đổi ở mỗi người do đó nồng độ thuốc trong máu có thể rất khác nhau. Điều này đặc biệt đúng ở những người hút thuốc, người có tổn thương hoặc suy giảm chức năng gan và người suy tim.

Trong một số trường hợp, quá trình phân hủy thuốc giảm và nồng độ thuốc trong máu tăng lên. Ở một số trường hợp khác, sự phân hủy lại tăng lên làm giảm nồng độ theophylline trong máu. Điều này rất cần chú trọng, vì liều gây độc [nguy hiểm] của theophylline cao hơn không nhiều so với liều điều trị. Khi bạn bắt đầu điều trị với một thuốc trong nhóm này, bác sĩ sẽ cho làm một số xét nghiệm máu để chắc chắn rằng bạn đang nhận được liều điều trị thích hợp, xét nghiệm này giúp định lượng được hàm lượng theophylline trong máu. Hàm lượng theophylline trong máu lý tưởng nhất là từ 10 đến 20 mg/l. Nếu bạn điều trị lâu dài, bác sĩ có thể cho làm nhiều xét nghiệm máu liên tục để theo dõi nồng độ theophylline trong máu của bạn.

Quá trình điều trị thường kéo dài bao lâu?

Nếu thuốc giãn phế quản làm giảm được các triệu chứng của bạn thì chúng thường được sử dụng lâu dài. Bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ theo dõi vấn đề hô hấp của bạn thường xuyên để xem xét có nên sử dụng tiếp các loại thuốc này hay không.

Những tác dụng phụ có thể xảy ra là gì?

Như tất cả thuốc khác, thuốc giãn phế quản dạng uống cũng có một số tác dụng phụ. Dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến:

  • Nhóm thuốc đồng vận beta-2 – tác dụng phụ phổ biến bao gồm: run [ví dụ, run bàn tay], căng thẳng thần kinh, đau đầu, chuột rút, cảm giác tim đập mạnh liên hồi [đánh trống ngực].
  • Nhóm Methylxanthines – tác dụng phụ phổ biến bao gồm: đánh trống ngực, cảm giác ốm [buồn nôn], nhức đầu, loạn nhịp tim, co giật.

Để biết các thông tin chi tiết hơn, vui lòng xem trên các tờ rơi đi kèm với thuốc.

Tôi có thể sử dụng các loại thuốc khác khi đang sử dụng thuốc giãn phế quản hay không?

Hầu như tất cả các thuốc đều có thể dùng cùng với salbutamol. Tuy nhiên, có một số thuốc có thể ảnh hưởng đến theophylline. Ví dụ, cimetidine, ciprofloxacin, erythromycin, fluvoxamine, và dịch chiết của cây St John có thể làm tăng nồng độ theophylline trong máu. Ngoài ra, phenytoin, carbamazepin, hoặc rifampin lại làm giảm nồng độ theophylline trong máu.

Khi bạn bắt đầu sử dụng một thuốc có ảnh hưởng đến nồng độ theophylline trong máu, bác sĩ sẽ cần điều chỉnh tăng hoặc giảm liều theophylline [hay aminophylline] của bạn.

Nếu bạn dùng thuốc nhóm methylxanthine như theophylline hay aminophylline, hãy luôn nhớ hỏi dược sĩ trước khi dùng để được tư vấn về các loại thuốc an toàn khi sử dụng đồng thời.

Hút thuốc lá

Nếu bạn đang hút thuốc và quyết định bỏ hút, bạn cần phải được điều chỉnh giảm liều theophylline và aminophylline. Điều này là do ở những người hút thuốc, chuyển hóa những thuốc này khá nhanh [so với những người không hút thuốc] nên thường được kê với liều cao hơn so với những người không hút thuốc. Điều dưỡng hoặc dược sĩ sẽ tư vấn cho bạn trong trường hợp này.

Tôi có thể tự mua thuốc giãn phế quản dạng uống được không?

Không – bạn không thể tự mua thuốc giãn phế quản dạng uống; bạn cần phải được kê đơn để có những loại thuốc này.

Trường hợp nào không dùng được thuốc giãn phế quản dạng uống?

Phần lớn mọi người đều có thể dùng được ít nhất một loại thuốc giãn phế quản dạng uống.

Tài liệu tham khảo

//patient.info/health/oral-bronchodilators

Video liên quan

Chủ Đề