Các đợt dân công hỏa tuyến thanh hóa

Ngày ấy, chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, cả nước ùn ùn ra trận. Ở Thanh Hóa, người viết đơn tình nguyện đi bộ đội, người xung phong đi dân công hỏa tuyến với khí thế sục sôi. Cụ Hoàng Tiến Lực, xã Hoằng Sơn [Hoằng Hóa] cũng ghi tên mình trong chiến dịch. Trong một lần trò chuyện cùng cụ Hoàng Tiến Lực, tôi được nghe cụ kể về quá trình tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ của mình: Đêm 30-3-1954, đơn vị cụ Lực nhận được lệnh đánh vào đồi A1, cụ Lực làm nhiệm vụ tải thương nên lúc nào cũng phải theo sát đơn vị chiến đấu. Thời gian này, ở Điện Biên mưa nhiều nên hào giao thông lầy lội, những người làm nhiệm vụ tải thương phải đội cáng lên đầu mới vận chuyển được thương binh và những người đã hy sinh về phía sau mặt trận. Khi quân ta mở đợt tiến công thứ ba, đơn vị cụ Lực cùng 1 đơn vị công binh được giao nhiệm vụ đào hầm ngầm sát với hầm ngầm của quân địch. Khi đào sát đến đáy hầm ngầm của quân địch, quân ta chuẩn bị sẵn 1 tấn bộc phá. Các đơn vị được phổ biến, khi nào nghe tiếng bộc phá nổ đó chính là hiệu lệnh bắt đầu cuộc tổng tiến công. Đúng 17 giờ ngày 6-5-1954, khối bộc phá đặt ở cuối đường hầm trên đồi A1 vang lên, cuộc tổng tiến công bắt đầu. Quân ta từ các hướng lần lượt đánh chiếm các cứ điểm, bẻ gãy những cuộc phản kích của địch. Ngày 7-5-1954, bộ đội ta phất cao cờ chiến thắng, tiến thẳng vào sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa là hậu phương lớn nhất của chiến trường. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, Thanh Hóa đã huy động 5.000 dân công vận tải lương thực, thực phẩm chuẩn bị cho tiến công đợt I. Đợt II tuy đang phải tập trung chống hạn nhưng hàng nghìn dân công Thanh Hóa vẫn qua Hòa Bình, ngược Sơn La đem hàng ra mặt trận. Chiến dịch Điện Biên Phủ càng gần đến ngày chiến thắng càng trở nên quyết liệt. Để chiến dịch giành thắng lợi hoàn toàn, Trung ương Đảng, Chính phủ quyết định tập trung mọi nỗ lực của hậu phương với tiền tuyến. Số dân công Thanh Hóa tham gia đợt III lên tới mức kỷ lục 120.000 người. Cả 3 đợt của chiến dịch, Thanh Hóa đã huy động 178.924 dân công dài hạn và ngắn hạn, gần bằng 70% toàn chiến dịch. Số thanh niên lên đường tòng quân là 18.890 người, bằng cả 7 năm trước đó. Hình ảnh những người con quê hương Thanh Hóa trên khắp các mặt trận Điện Biên Phủ đã để lại những biểu tượng tốt đẹp, ngời sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nổi bật là tấm gương ông Đào Văn Hiếu [Nga Sơn] một trong những chiến sĩ đầu tiên xông vào hầm Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và bắt sống tướng De Castries. Hay tấm gương Anh hùng Tô Vĩnh Diện, quê xã Nông Trường, Nông Cống [nay thuộc huyện Triệu Sơn] lấy thân mình chèn pháo, không để pháo rơi xuống vực thẳm. Ngay tại mặt trận, anh đã được truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhất. Nữ dân công Hà Thị Miên đã anh dũng hy sinh trên tuyến đường vận tải đạn vào mặt trận. Kỷ vật duy nhất của chị còn lại là đôi dép cao su hiện đang trưng bày và giới thiệu tại Bảo tàng tỉnh gây xúc động sâu sắc đối với khách tham quan. Những tấm gương Anh hùng liệt sĩ như Trần Ðức, Lê Công Khai, Trương Công Man... và hàng nghìn dân công hỏa tuyến tỉnh Thanh Hóa ngã xuống trên các nẻo đường của chiến dịch là bản anh hùng ca bất tử tạc vào sử sách, trường tồn với thời gian và luôn vang mãi trong trái tim các thế hệ người dân quê hương xứ Thanh.

Không chỉ là hậu phương lớn chi viện về sức người, Thanh Hóa còn là hậu phương lớn cung cấp lương thực, thực phẩm cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngay trong đợt huy động lần thứ nhất, Thanh Hóa đã vượt chỉ tiêu kế hoạch 150%. Hơn 8.000 tấn lương thực, 2.000 tấn thực phẩm khô đã được lực lượng dân công Thanh Hóa và Nghệ An vận chuyển an toàn về nơi tập kết. Ðợt 2 chiến dịch, từ đầu tháng 3-1954, Thanh Hóa tiếp tục huy động và vận chuyển 1.000 tấn gạo, 165 tấn thực phẩm cho chiến dịch. Khi chiến dịch chuyển sang giai đoạn cuối, do yêu cầu cấp bách cùng quyết tâm “tất cả cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ toàn thắng”, Trung ương giao cho Thanh Hóa trong vòng 20 ngày huy động và vận chuyển thêm 2.000 tấn gạo, 282 tấn thực phẩm cho chiến dịch. Lúc này mặc dù thóc dự trữ của tỉnh không còn, lúa cũng chưa đến ngày thu hoạch, Nhân dân đã “dốc bồ, đổ thúng” để kho quân lương thêm hạt gạo nuôi quân. Người người ra đồng tỉa từng dẻ lúa vàng, chín trước ở đầu bông để có đủ số lương thực, thực phẩm Trung ương giao. Những đoàn thuyền ngược dòng sông Mã; những chuyến xuyên rừng trèo đèo, vượt suối bí mật chuyển hàng về nơi tập kết hay những đoàn xe thồ, dân công gánh bộ nối tiếp nhau rầm rập ngày đêm trên các nẻo đường lên Điện Biên. Tổng kết cả 3 đợt của chiến dịch, số lương thực Trung ương giao cho Thanh Hóa là 28.000 tấn, nhưng tỉnh đã huy động lên tới 34.927 tấn. Số thực phẩm gửi ra chiến trường là 1.300 con bò, 2.000 con lợn, 250.000 quả trứng, 150 tấn đậu, 20.000 chai lọ nước mắm, 450 tấn cá khô cùng hàng trăm tấn rau các loại. Trong suốt chiến dịch, Thanh Hóa đã huy động tới 16.000 chiếc xe đạp thồ, 1.126 thuyền, 31 ô tô và nhiều phương tiện vận tải khác vận chuyển lương thực lên Điện Biên.

Nhiều dân công quê hương Thanh Hóa trở thành kiện tướng vận chuyển như ông Ma Văn Kháng, Cao Văn Tỵ, Trịnh Ngọc... Hình ảnh chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc được đặt ở chính giữa phòng trưng bày của Bảo tàng tỉnh hay chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm, dân công xã Định Liên [Yên Định] tháo gỡ cả bàn thờ gia tiên để đóng xe tải lương phục vụ kháng chiến là những hiện vật độc đáo, được khách tham quan chú ý, ngưỡng mộ.

Trong lần thứ hai về thăm Thanh Hóa ngày 13-6-1957, khi đánh giá về công lao của Nhân dân Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Đó chính là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp, hy sinh của tỉnh Thanh Hóa trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; là động lực để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Chủ Đề