Xây dựng gia đình Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay

Hội thi nấu ăn “Gia đình điểm 10” tại huyện Định Hóa

      Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 01/02/2005 của Ban Bí thư khóa IX về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” [Chỉ thị số 49-CT/TW], công tác gia đình của Định Hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: phong trào xây dựng gia đình văn hóa được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, thực hiện và sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Chất lượng phong trào ngày càng được nâng cao. Năm 2019 tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 89,6%; thôn, xóm văn hóa đạt 82,99%. Tình trạng bạo lực gia đình có xu hướng giảm dần [từ 12 vụ năm 2015 xuống còn 9 vụ năm 2019]; các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình và các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững ngày càng được nhân rộng, triển khai phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Toàn huyện có 168 mô hình câu lạc bộ với 9.202 thành viên tham gia, trong đó có 229 thành viên là nam giới. Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình từ huyện đến cơ sở ngày càng tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Các hộ gia đình tự giác tham gia hoạt động xây dựng gia đình văn hóa, ấm no, hạnh phúc, phát triển bền vững. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không ngừng được nâng lên. Công tác tuyên truyền, vận động được tăng cường đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong việc xây dựng gia đình thời kỳ đẩy mạnh CNH -HĐH đất nước. Nhiều phong tục, truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam được bảo tồn và phát huy như: lòng yêu nước, yêu quê hương, tinh thần đoàn kết, thủy chung, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường trong đấu tranh vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Truyền thống chung thủy, hiếu nghĩa, hiếu học, kính trên, nhường dưới... được đa số gia đình bảo tồn và phát huy. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Kết quả công tác gia đình trên địa bàn huyện trong những năm qua đã thực sự góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của Đảng bộ huyện.
      Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình ở huyện Định Hóa vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, đó là: một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm vào cuộc, chưa thường xuyên, sâu sát đến công tác gia đình; sự phối hợp liên ngành trong quá trình thực hiện công tác gia đình có lúc, có nơi chưa thực sự đồng bộ, nhịp nhàng; việc kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện các chính sách về gia đình đôi khi chưa thường xuyên; đội ngũ cán bộ phụ trách công tác gia đình phần lớn là kiêm nhiệm nên việc đầu tư thời gian và tâm huyết cho công việc này chưa được thỏa đáng; ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, tư tưởng “trọng nam” vẫn còn ở một số gia đình, cặp vợ chồng, biệt gia đình còn có điều kiện vẫn còn tình trạng lựa chọn giới tính và sinh con thứ 3.
      Phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế còn tồn tại, thời gian tới huyện Định hóa sẽ triển khai có hiệu quả các giải pháp sau: Tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Chỉ thị số 49-CT/TW; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, công tác quản lý điều hành của chính quyền đối với công tác gia đình; phát huy vai trò và trách nhiệm của Ủy ban MTTQ, các đoàn thể, tổ chức xã hội và cộng đồng trong thực hiện chính sách về gia đình; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc xây dựng gia đình văn hóa; thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, tạo điều kiện để gia đình chăm sóc, giáo dục trẻ em, người cao tuổi, ổn định cuộc sống; xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình, lựa chọn giới tính thai nhi, vi phạm chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ; phát triển các dịch vụ xã hội đáp ứng nhu cầu cần hỗ trợ của các gia đình; từng bước hoàn thiện chế độ chăm sóc người cao tuổi…
      Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng nhiệt tình của mỗi người dân, công tác xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên quê hương Định Hóa sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đề ra là gia đình ổn định, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi con người và là tế bào lành mạnh của xã hội./.

Đoàn Yến
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt”1.

Gia đình là một hình thức cộng đồng xã hội đặc biệt, được hình thành, duy trì và củng cố trên cơ sở hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng. Quan hệ thuyết thống và tình cảm [giữa vợ với chồng, cha mẹ với con, anh chị em với nhau...] là nét bản chất nhất của gia đình.

Trong thời đại hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của xã hội đã có nhiều vấn đề mới nảy sinh, trong đó vấn đề gia đình cũng xuất hiện những biến đổi rất phong phú. Năm 1993, Liên hợp Quốc đã lấy ngày 15/5 hàng năm là ngày Quốc tế Gia đình”, nhằm nâng cao nhận thức về những vấn đề gia đình trên toàn thế giới. Mỗi năm, Tổng thư ký Liên hợp quốc đều gửi thông điệp về một chủ đề riêng của ngày Quốc tế Gia đình, ví dụ: năm 2017, chủ đề là: “Gia đình, giáo dục và hạnh phúc”, năm 2021, chủ đề là: “Gia đình và các công nghệ mới”... đó là những ý tưởng tốt đẹp của cộng đồng quốc tế nhằm động viên các quốc gia cần chú ý hơn đến việc xây dựng và củng cố gia đình. Qua đó, một lần nữa cho thấy, gia đình đã trở thành một vấn đề thời sự được nhân loại quan tâm.

Nhận thức đúng vị trí, vai trò và chức năng của gia đình trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, năm 1981, Đảng và Nhà nước ta đã chính thức lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam và với phương châm: xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Từ đó yêu cầu các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt thực hiện, thường xuyên quan tâm tuyên truyền, giáo dục cho mọi công dân nâng cao trách nhiệm trong xây dựng gia đình có đời sống mới là một trong những vấn đề quan trọng, thiết yếu ở nước ta.

Việt Nam đã và đang thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, với mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao...; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân...”2. Trong sự nghiệp chung ấy, có sự đóng góp không nhỏ của từng gia đình. Vì vậy, quan điểm Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta tiếp tục xác định: “... thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”3. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách của mỗi cá nhân, nhất là thanh thiếu niên. Đây là một nhận thức, một phương hướng lớn quan trọng và chính xác trong xây dựng gia đình mới, góp phần quan trọng ổn định an ninh chính trị xã hội và phát triển đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”4.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực và trong nước có cả thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhất là đại dịch Covid-19 đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trước hết là từng gia đình ở cả trong công việc làm, học tập, sinh hoạt... không thể không tác động sâu sắc đến gia đình ở nước ta hiện nay. Để mỗi gia đình ở nước ta bền vững, là tế bào lành mạnh của xã hội và “... con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo bệ Tổ quốc”5, con người phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật, cần có sự kết hợp giữa những giá trị của gia đình truyền thống và gia đình hiện đại. Nếp sống của gia đình truyền thống đòi hỏi mỗi người phải đặt tình cảm lên trên hết, con cháu có hiếu với cha mẹ, ông bà, kính trên nhường dưới; bên trong luôn đoàn tụ, thuỷ chung; bên ngoài luôn nhân hậu với người xung quanh, hàng xóm láng giềng… Với gia đình hiện đại, mọi người sống hoà thuận, bình đẳng dân chủ: vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em cùng bàn bạc và quyết định những vấn đề quan trọng, đồng thời tôn trọng những sở thích riêng chính đáng của nhau. Mỗi người cần biết giữ gìn, phát huy và chọn lọc những giá trị của gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình của mình phù hợp với xã hội hiện nay. Đây là trách nhiệm tuyên truyền, vận động của toàn xã hội, nhưng trước hết là công việc giáo dục và thực hiện của từng gia đình, của mỗi người trực tiếp vun đắp cho tổ ấm của mình để hình thành nhân cách cho các công dân của xã hội.

Trong điều kiện hiện nay, một trong những chức năng quan trọng hàng đầu của gia đình Việt Nam là chức năng giáo dục. Cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu, nuôi dưỡng, giáo dục con cái, chăm lo việc học tập và sự trưởng thành lành mạnh của con cả về thể chất và tinh thần. Nội dung giáo dục gia đình chính là những yếu tố của vấn đề văn hoá gia đình và văn hoá cộng đồng nhằm tạo lập và phát triển nhân cách của con người, như: đạo đức, lối sống, ứng xử, tri thức khoa học, lao động, học tập, dám dấn thân vì sự nghiệp chung của đất nước…

Giáo dục gia đình là một bộ phận của giáo dục xã hội; với chức năng giáo dục, gia đình thực sự góp phần lớn lao vào việc đào tạo thế hệ trẻ và xây dựng con người mới nói chung, vào việc duy trì, phát triển đạo đức, văn hoá dân tộc nhằm “xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”6. Với ý nghĩa đó, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”7. Đề cao trách nhiệm của gia đình và xã hội phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong giáo dục thế hệ trẻ. Đây là việc kết hợp chặt chẽ giữa các môi trường giáo dục [gia đình - nhà trường - xã hội] để tiến tới mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Để xây dựng gia đình mới ở nước ta hiện nay, phải ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực, mạnh dạn lựa chọn và xử lý đúng đắn những yếu tố mới nảy sinh, trong đó quan trọng là tiếp thu có chọn lọc những nội dung tiến bộ của thời đại phù hợp với truyền thống, văn hoá dân tộc và sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy, Đảng ta xác định: “Sớm có chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hoá, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thể hệ trẻ”8. Trong chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, cần tiếp tục đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả; thực hiện nghiêm chính sách và pháp luật về dân số, duy trì mức sinh hợp lý, quy mô gia đình ít con. Làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, giảm mạnh tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng dân số phấn đấu đạt mục tiêu “Chỉ số phát triển con người [HDI] duy trì trên 0,7”9. Bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em, tạo môi trường lành mạnh đẻ trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn bán phụ nữ và bạo lực gia đình. Đẩy mạnh việc tạo điều kiện để phụ nữ tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc, nhiệm vụ, chức năng trong gia đình và xã hội.

Xây dựng gia đình Việt Nam là tế bào lành mạnh của xã hội là chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, là nguyện vọng của tất cả mọi người. Một trong những biện pháp lớn để thực hiện chủ trương đó là “nâng cao nhận thức và thực hiện nghĩa vụ gia đình đối với mọi công dân”, xã hội hoá việc xây dựng gia đình dưới chủ nghĩa xã hội, thực hiện Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Chủ nghĩa xã hội phải thực hiện xây dựng gia đình mới khác về nhiều mặt so với gia đình truyền thống. Gia đình mới, hình thành phát triển gắn liền với sự phát triển toàn diện của chủ nghĩa xã hội; đây là sự cố gắng chung của từng thành viên, từng gia đình, của Nhà nước, địa phương và các tổ chức xã hội thì mới có thể có gia đình “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”.

Lịch sử xã hội loài người đã chứng minh gia đình luôn là yếu tố quan trọng ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia - dân tộc. Bởi chúng ta biết rằng gia đình là “hạt nhân” của xã hội. Tuy nhiên, trên thế giới không phải quốc gia nào, giai cấp cầm quyền nào cũng nhận thức đúng như vậy. Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, với bối cảnh “Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu, tạo khung khổ quan hệ ổn định và bền vững với các đối tác”10 và toàn cầu hóa hiện nay, Đảng ta càng nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của gia đình với tư cách là “tế bào” vững chắc của xã hội, là môi trường lành mạnh để xây dựng nguồn lực con người; coi xây dựng gia đình mới xã hội chủ nghĩa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Với tinh thần đó, mỗi chúng ta luôn tin tưởng rằng vị trí, vai trò của gia đình ở nước ta ngày càng được khẳng định và các gia đình Việt Nam ngày càng “ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh” hơn để giữ vững là hạt nhân xã hội, nâng cao chất lượng và cung cấp nguồn nhân lực, góp phần “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”11.

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1996, tập 9, tr. 523.

2,3,4,5,7,9,10,11. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2021, tr. 56, 69, 112, 116, 143, 144, 170, 217, 219.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr. 223.

Phạm Văn Nghĩa

TS, nguyên cán bộ Học viện Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng

Video liên quan

Chủ Đề