Việt nam hằng năm xuất khẩu bao nhiêu tấn gạo năm 2024

Trước nhu cầu lúa gạo của thế giới tăng cao, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục thuận lợi trong năm 2024.

Dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước trên thế giới vẫn tăng trong năm tới. Ảnh: Tân Long

Nhu cầu thế giới tăng, khuyến nghị các quốc gia “đặt hàng” gạo Việt Nam

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn [NNPTNT] Trần Thanh Nam, khi Ấn Độ - quốc gia cung cấp một nửa lượng gạo trên thị trường quốc tế tạm ngừng xuất khẩu gạo trắng, kèm với tình hình chính trị nhiều khu vực trên thế giới diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu khiến thời tiết cực đoan... khiến nguồn nhu cầu nhập khẩu lương thực tăng trong khi nguồn cung lúa gạo khó đoán định.

Do đó, theo kịch bản an toàn nhất mà Bộ NNPTNT tính toán, mỗi năm Việt Nam sản xuất được trên 43 triệu tấn lúa, ngoài số lượng phục vụ các nhu cầu khác nhau trong nước [tiêu dùng nội địa, dự trữ quốc gia, làm giống, chế biến thức ăn chăn nuôi…] mỗi năm Việt Nam còn dư khoảng 13 - 14 triệu tấn lúa - tương đương hơn 7 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu.

Với nguồn gạo vượt nhu cầu tiêu dùng trong nước, ngành nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước để chia sẻ lương thực, ký các bản ghi nhớ về cung cấp lúa gạo trong thời gian dài.

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ lương thực với thế giới. Ảnh: Vũ Long

Tuy nhiên, trong tình hình nguồn cung gạo thiếu hụt so với nhu cầu, các quốc gia nhập khẩu gạo nên đặt hàng trước với Việt Nam bằng việc ký kết các bản ghi nhớ. Điều này sẽ giúp Việt Nam có thêm cơ sở để chủ động nguồn hàng, tiếp thêm động lực để các doanh nghiệp chủ động xây dựng những vùng nguyên liệu chuyên canh phục vụ xuất khẩu, giúp ích trực tiếp cho người nông dân...

Xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trong năm 2024

Theo thống kê, 11 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu tới 7,8 triệu tấn gạo trong khi cả năm 2022 chỉ xuất khẩu 7,1 triệu tấn.

Dự báo về thị trường cuối năm và nửa đầu năm 2024, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam [VFA] Đỗ Hà Nam nhận định: Xuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi do nhu cầu thế giới cao.

Thực tế cho thấy, nhu cầu nhập khẩu gạo vẫn có dấu hiệu tiếp tục duy trì đà tăng cao, đặc biệt là Philippines. Mới đây, Chính phủ Philippines đã yêu cầu các thương nhân trong nước tăng cường nhập khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực.

Indonesia cũng dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn gạo trong năm 2024. Trước mắt, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia [Bulog] đã gửi thông báo mời thầu cung cấp gạo 5% tấm với số lượng lên đến 543.000 tấn, nguồn cung kỳ vọng từ Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Pakistan và Campuchia. Hạn chót nhận hàng vào ngày 30.1.2024.

Cũng theo ông Đỗ Hà Nam, từ nhu cầu của thế giới, VFA đề nghị Bộ NNPTNT tiếp tục tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng bền vững, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng.

Ông Đỗ Hà Nam cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại lập đỉnh mới

Theo VFA, 2 ngày trước đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại vào đợt tăng mới. Sau khi tăng thêm 5 USD/tấn, ngày 18.12 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giao dịch ở mức 668 USD/tấn, nhiều lô hàng xuất lẻ có giá cao hơn mức này, có doanh nghiệp xuất khẩu với giá 680 USD/tấn.

“Nhu cầu nhập khẩu tăng, nhưng nguồn gạo của Việt Nam đang khan hiếm vì đã hết mùa thu hoạch, do đó các thương nhân chủ yếu nhập khẩu gạo từ Campuchia về để xuất đi. Từ trước đến nay các thương nhân vẫn uyển chuyển trong điều tiết lúa gạo giữa 2 quốc gia phục vụ cho xuất khẩu. Lúa chở từ Campuchia về Việt Nam chỉ mất thêm chi phí khoảng 100 đồng/kg, nên việc chuyển hàng từ Campuchia về Việt Nam rất thuận tiện, như vận chuyển lúa giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam” – ông Nguyễn Quang Hòa – CEO Dương Vũ Rice chia sẻ với Lao Động.

Đầu năm 2023, mục tiêu của VN xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo [tương đương với năm 2022 là 7,1 triệu tấn] nhưng đến hết tháng 11 đã đạt tới 7,8 triệu tấn. Nhiều người tin rằng kết quả cả năm sẽ cán mốc lịch sử 8 triệu tấn, giá trị ít nhất 4,6 tỉ USD. Do sản lượng xuất khẩu cao kỷ lục, nên gạo hàng trong dân không còn nhiều. Doanh nghiệp [DN] nào còn nợ hợp đồng phải trả thì buộc mua lúa, gạo nguyên liệu với giá cao. Cụ thể, lúa thường tại ruộng khoảng 9.000 đồng/kg, gạo nguyên liệu từ 15.500 - 16.000 đồng/kg. Cũng vì giá quá cao, phần lớn các DN không dám ký hợp đồng mới trong khi nhu cầu mua gạo từ các nước vẫn cao đặc biệt là Philippines và Indonesia.

Xuất khẩu gạo của VN cả năm 2023 dự báo 8 triệu tấn, kim ngạch 4,6 tỉ USD

CÔNG HÂN

Ở chiều ngược lại, người dân ĐBSCL đang tranh thủ xuống giống vụ lúa đông xuân với tinh thần "càng sớm càng tốt, để tận dụng cơ hội giá cao".

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An [TP.Cần Thơ], cho biết: "Công ty chúng tôi cũng vừa xuống giống vụ đông xuân cách đây 2 - 3 ngày, trên vùng nguyên liệu rộng 800 ha ở H.Hòn Đất [Kiên Giang]. So với thông thường những năm trước, thời điểm này cũng sớm hơn khoảng một tuần đến 10 ngày. Sau khi gieo sạ, chỉ khoảng 90 ngày nữa là đến vụ thu hoạch". "Nói như vậy, không có nghĩa là ĐBSCL hết gạo. Chúng ta vẫn còn một phần diện tích lúa đông xuân sớm và lúa theo mô hình lúa tôm ở vùng ven biển như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… đang thu hoạch. Lúa trồng theo mô hình này là lúa đặc sản chủ yếu giống ST nên giá trị cao", ông Bình cho hay.

Xuất khẩu gạo cao nhất từ trước tới nay

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng ở Tiền Giang, thông tin: Hiện tại nhu cầu thị trường thế giới vẫn cao nhưng các DN phải chờ vụ thu hoạch mới. Từ nay đến cuối năm chỉ còn một số đơn hàng nhỏ với số lượng vài container một chuyến. Trong số này, có thể là các DN trả đơn hàng theo hợp đồng hoặc xuất khẩu các mặt hàng cao cấp. Giá gạo xuất khẩu của các nước tăng nhưng chúng ta không tăng vì không có nguồn hàng để giao dịch.

Theo các DN, vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân năm nay sẽ rơi vào giai đoạn sau Tết Nguyên đán. Vào thời điểm "đông ken", sản lượng lớn giá có thể giảm nhẹ một chút, gạo 5% tấm xuất khẩu còn khoảng 640 USD/tấn. Sau đó có thể tăng nhẹ trở lại và duy trì mức cao đến ít nhất là giữa năm 2024.

Vì sao thế giới "mê" gạo Việt ?

Có thời điểm trong tháng 11, giá gạo VN cao hơn Thái Lan đến 100 USD/tấn. Tuy nhiên thời gian gần đây, giá gạo các nước đặc biệt là Thái Lan liên tục tăng đã rút ngắn khoảng cách đáng kể với gạo VN. Cụ thể, theo Hiệp hội Lương thực VN [VFA], trong 2 tuần gần đây, giá gạo các nước đặc biệt là Thái Lan liên tục tăng hiện gạo 5% tấm mức 632 USD/tấn, tăng khoảng 50 USD so với giữa tháng 11. Gạo cùng phẩm cấp của Pakistan khoảng 600 USD/tấn. Trong khi đó, gạo VN đứng yên mức 663 USD/tấn và cao hơn gạo Thái Lan khoảng 30 USD.

Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan [TREA], thừa nhận một trong những lý do khiến giá gạo Thái Lan tăng mạnh trong thời gian gần đây là do nguồn cung của VN hạn chế. Các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan nhận thêm hợp đồng mới từ các khách hàng "bất ngờ" như Philippines và Brazil.

Vậy điều gì làm khách hàng thế giới "mê" gạo VN dù giá cao ngất? Theo ông Đôn, trong thương mại thì giá trị thường đi đôi với chất lượng. Giá gạo VN cao nhất thế giới cho thấy người tiêu dùng công nhận chất lượng của chúng ta tốt nhất trong phân khúc. Ngoài chất lượng, các nước thích mua gạo VN vì độ tươi mới. Sản phẩm của VN xuất khẩu toàn bộ ngay sau thu hoạch xong. Điều này rất phù hợp với thị trường nhờ chất lượng tốt và thời gian dự trữ kéo dài. Còn xét về cung cầu thì do Ấn Độ tiếp tục ngừng xuất khẩu trong khi sản lượng gạo xuất khẩu bình thường của Ấn Độ bằng Thái Lan, VN, Pakistan và Myanmar cộng lại. Nay các nước ngưng xuất khẩu tất yếu sẽ dẫn đến sự thiếu hụt toàn cầu. Bên cạnh đó là sự tác động của các yếu tố thời tiết khô hạn do hiện tượng El Nino gây ra.

Các phân tích cho thấy nhu cầu gạo thế giới tiếp tục duy trì mức cao. Philippines là khách hàng truyền thống của VN và là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, tính đến thời điểm hiện tại vẫn đang có nhu cầu. Mới đây, để đảm bảo kho dự trữ cho an ninh lương thực quốc gia chính phủ Philippines đã yêu cầu các thương nhân nước này tăng cường nhập khẩu gạo. Sản lượng ít nhất 1 triệu tấn trong tháng cuối cùng của năm 2023. Nếu các DN không chấp hành tốt sẽ bị đưa vào "danh sách đen". Trong khi đó, quốc gia đông dân nhất khu vực Đông Nam Á là Indonesia cũng dự báo thời điểm thu hoạch vụ lúa đầu tiên trong năm 2024 có thể bị trễ đến 2 tháng so với thông thường là vào tháng 3 - 4. Chính vì vậy, nước này sẽ phải nhập khẩu một lượng lớn gạo để đảm bảo an ninh lương thực và dự báo lượng nhập khẩu cả năm 2024 khoảng 2 triệu tấn.

Đối với nguồn cung gạo, tờ The Hindu business line mới đây dẫn nguồn từ các cơ quan nghiên cứu của Ấn Độ cho biết: Các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo sẽ không được nới lỏng trước kỳ bầu cử vào tháng 4 - 5. Đặc biệt, giai đoạn này thế giới sẽ có nhiều tác động về tình trạng khô hạn do El Nino. Hai yếu tố đó sẽ góp phần quan trọng để giá gạo giữ vững mức cao đến giữa năm 2024.

Trong khi đó, tháng trước Ngân hàng Thế giới [WB] dự báo giá gạo "sẽ không giảm đáng kể" trước năm 2025. Cũng để đối phó với cơn sốt giá gạo đang lên trên toàn cầu, ngay một nước xuất khẩu gạo như Thái Lan cũng ban hành chính sách hỗ trợ vốn và lãi suất để người dân tạm trữ ít nhất 5 tháng thay vì bán ngay sau khi thu hoạch.

Ban tổ chức khẳng định "gạo ST25 ngon nhất thế giới năm 2023"

Ngày 5.12, Ban tổ chức cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới lần thứ 2 ra thông cáo báo chí khẳng định Gạo ST25 do Doanh nghiệp Hồ Quang Trí phát triển là giống gạo chiến thắng cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới" năm 2023.

Theo đó, ST25 là gạo duy nhất của VN vào top 3 chung cuộc cùng với gạo của Ấn Độ và Campuchia. ST25 là giống lúa được phát triển bởi nhóm nghiên cứu do ông Hồ Quang Cua đứng đầu. Đây cũng là giống gạo chiến thắng ở cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm 2019.

Lý do mà Ban tổ chức cuộc thi phải đưa ra thông cáo báo chí lần 2 là vì: "Một số ý kiến cho rằng, tất cả các giống ở VN tham gia cuộc thi gạo ngon năm 2023 "đều là người chiến thắng". Nếu ở tất cả các giống của VN đều thắng thì các giống gạo khác trên thế giới sẽ như thế nào và sẽ không khuyến khích những nhà nghiên cứu dành cả đời trên đồng ruộng để chọn lọc những giống lúa chất lượng đặc biệt. Nếu mọi thứ đều có chất lượng thì không có nỗ lực nào để hướng tới sự xuất sắc", thông cáo báo chí nêu rõ.

Chủ Đề