Vì sao trẻ em cần được bảo vệ

[HNM] - Một số vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ em do người thân gây ra trong thời gian gần đây là lời nhắc nhở, cảnh báo những người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ cần đặc biệt quan tâm đến trẻ. Việc này bắt đầu từ gia đình, thông qua những hành động cụ thể, thường xuyên, giúp trẻ lớn lên trong môi trường an toàn, yêu thương.

Việc tập trung chăm sóc trẻ em ngay từ mỗi gia đình là giải pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ em.

Hơn 90% vụ việc do người thân, quen gây ra

Những ngày gần đây, dư luận bàng hoàng, xót xa, phẫn nộ trước vụ việc bé gái N.T.V.A ở phường 22, quận Bình Thạnh [thành phố Hồ Chí Minh] bị chính người sống cùng nhà đánh đập, hành hạ dẫn đến tử vong. Trước đó, vào đầu tháng 12-2021, một bé gái 3 tuổi ở huyện An Minh [tỉnh Kiên Giang] cũng qua đời dưới tay bố dượng sau những trận đòn roi; hay vào tháng 9-2021, cháu L.H.A ở phường Xuân Đỉnh [quận Bắc Từ Liêm] tử vong do hành vi bạo hành của bố đẻ...

Dẫn chứng nêu trên là những vụ việc điển hình về hành vi bạo hành trẻ em từ chính người thân, trong môi trường gia đình. Theo Cục Trẻ em [Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội], trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện khoảng 2.000 vụ bạo hành trẻ em, trong đó hơn 90% số vụ việc xảy ra do người thân, quen với nạn nhân gây ra... Những vụ việc được đưa ra “ánh sáng” thường có hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Còn rất nhiều vụ việc có biểu hiện xâm hại, bạo hành trẻ em chưa được phát hiện, xử lý.

Phân tích nguyên nhân, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Ninh Thị Hồng chỉ rõ, một bộ phận không nhỏ những người có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em còn quan niệm “yêu cho roi, cho vọt”, nên thường có hành vi quát mắng, dùng roi để dạy dỗ khi trẻ không nghe lời. Còn người xung quanh có tâm lý “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”, nên không để ý hoặc e ngại lên tiếng khi chứng kiến những điều không hay, không phải... Ở góc độ nghiên cứu, Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục [Đại học Quốc gia Hà Nội] Trần Thành Nam cho rằng, những người có nguy cơ bạo lực, bạo hành trẻ em chưa được nhận diện rõ ràng, nên chưa có giải pháp ngăn chặn từ gốc.

Với vai trò phụ huynh, chị Trần Thị Hiên, tổ dân phố 10, phường Thanh Xuân Trung [quận Thanh Xuân] chia sẻ: “Việc trang bị kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ em hiện mới chỉ tập trung ở nội dung đề phòng người lạ, ít có hướng dẫn trẻ em tự lên tiếng khi bị chính người thân bạo lực, bạo hành”.

Trẻ em cần được lớn lên trong môi trường an toàn, yêu thương.

Xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em từ gia đình

Để chăm sóc, bảo vệ trẻ em, ngoài việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em, các bên cần quan tâm xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em, bắt đầu từ gia đình. Anh Nguyễn Phương Nam, ngõ 1194 đường Láng, phường Láng Thượng [quận Đống Đa] cho biết: “Trước những vụ việc đau lòng xảy ra, vợ chồng tôi đã nói chuyện, chia sẻ việc nuôi dưỡng, chăm sóc các con sao cho các con thấy được bố, mẹ yêu thương như nhau, được đối xử công bằng. Chúng tôi cũng thống nhất kiềm chế cảm xúc cáu giận, hạn chế quát mắng hay dùng roi vọt với các con”.

Ở cấp cơ sở, các cơ quan chức năng xây dựng nhiều mô hình chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phát triển các dịch vụ trợ giúp trẻ em tại gia đình, cộng đồng, nổi bật là mô hình “Gia đình văn hóa”, “Gia đình an toàn”, “Gia đình sức khỏe”... Tại Hà Nội, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương cho biết, Hà Nội hiện có gần 90% xã, phường, thị trấn đạt chỉ tiêu xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; hơn 80% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Thông qua mạng lưới bảo vệ trẻ em, năm 2021, các cơ quan đã tiếp nhận hơn 50 thông tin phản ánh về những vấn đề xảy ra đối với trẻ em. Từ nguồn tin nhận được, các bên đã xác minh 51 thông tin đúng và tất cả các vụ việc đều được can thiệp, tư vấn, trợ giúp kịp thời.

Dưới góc độ quản lý, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tập trung triển khai “Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030”; phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tạo dựng môi trường an toàn, yêu thương cho trẻ thông qua việc nâng cao chất lượng xây dựng mô hình gia đình văn hóa. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bên liên quan trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ em qua chương trình giáo dục chính khóa, sinh hoạt ngoại khóa...

Từ thực tế quản lý, Cục trưởng Cục Trẻ em [Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội] Đặng Hoa Nam cho rằng, việc tập trung chăm sóc, bảo vệ trẻ em ngay từ mỗi gia đình là giải pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ em, giúp trẻ được sống trong môi trường an toàn. Khi chứng kiến các vụ việc có dấu hiệu nghi ngờ, những người chứng kiến đừng im lặng, mà hãy chủ động lên tiếng. Không may phải sống trong môi trường bạo lực, dù đó là bố, mẹ, trẻ em cũng nên tìm đến sự trợ giúp. Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và nhiều kênh thông tin khác luôn có người trực để tiếp nhận thông tin và có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho mọi trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

Trẻ em là tương lai của gia đình và xã hội, trẻ em luôn được thương yêu, bảo vệ. Với quan điểm truyền thống “Tre già măng mọc”; “Con hơn cha là nhà có phúc” nên trẻ em luôn được tạo mọi điều kiện để giáo dục, phát triển nhằm tạo nguồn nhân lực cho tương lai.


Lúc sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta cũng luôn có tình cảm yêu thương và quan tâm đặc biệt đến trẻ em. Bác nói rằng: “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Trẻ em là độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, rất cần sự cưu mang, đùm bọc, che chở, dạy dỗ của người lớn để hình thành nên những nhân cách tốt đẹp, có ích cho xã hội. Bác đã có rất nhiều những hoạt động nhằm quan tâm, chăm sóc trẻ em. Do đó, chúng ta phải có những tư tưởng kế thừa và phát huy đến việc chăm sóc, bảo vệ quyền trẻ em. Đảng và Nhà nước ta thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu, luôn coi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em là nội dung cơ bản của chiến lược. Trong giai đoạn hiện nay các tổ chức chính trị - xã hội, nhà trường, gia đình và toàn xã hội luôn quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em, ngày có nhiều hơn những cơ sở chăm sóc, bảo vệ trẻ em cơ nhỡ, lang thang. Xã hội ngày càng phát triển tiến bộ, đời sống vật chất có điều kiện hơn ở mỗi gia đình nên điều kiện quan tâm chăm sóc trẻ em cũng được nâng cao, trẻ em được yêu thương nhiều hơn, được quan tâm chăm sóc đầy đủ hơn từ vật chất đến tinh thần, được học hành đầy đủ. Tuy nhiên ở đâu đó vẫn còn trẻ em phải gánh chịu những nỗi đau, những thiệt thòi, trẻ em vẫn bị đói rét, bị bỏ rơi phải sống lang thang và chưa được đến trường, bị lạm dụng lao động, bị xâm hại tình dục thậm chí là bị giết hại. Thời gian gần đây trong nước xảy ra nhiều vụ bạo lực, xâm hại, lợi dụng lao động, mua bán trẻ em. Đau lòng hơn hết là những người bạo hành, xâm hại trẻ em có thể là những người thân của trẻ em. Do đó cần lắm những biện pháp bảo vệ.  Nhà nước đã ban hành nhiều quy định pháp luật nhằm bảo vệ trẻ em như: Điều 37 Hiếp pháp 2013 có quy định “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc, và giáo dục. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Luật trẻ em năm 2016 cũng quy định đầy đủ, cụ thể về về quyền, bổn phận của trẻ em, nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. Ngoài luật trẻ em thì còn có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật nhằm đảm bảo việc bảo vệ trẻ em như các Nghị định, thông tư, chỉ thị.... Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 hàng năm cả nước có các hoạt động thiết thực nâng tầm công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, vì sự phát triển và bình đẳng cho trẻ em. Đây là những hoạt động thường niên, liên tục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đối với sự phát triển của đất nước.  Để công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được thực hiện tốt, những quy định pháp luật về trẻ em được thực thi đúng với ý nghĩa ươm mầm tương lai cho nguồn nhân lực của đất nước, chúng ta cần chung tay để có những biện pháp thiết thực giải quyết những khó khăn, bức xúc trong đời sống đối với trẻ em, phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em bị bạo hành, ngược đãi hay bị xâm hại, chống lại nạn buôn bán trẻ em:  Thứ nhất, mỗi gia đình nên yêu thương, quan tâm, chăm sóc trẻ em, tạo mọi điều kiện để trẻ em được học tập, phát triển tri thức, cung cấp những kiến thức cơ bản cho trẻ em nhằm chống lại sự lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, chống lại sự xâm hại. Mỗi gia đình là một hạt nhân của xã hội, nên nếu trẻ em của mỗi gia đình đều được thương yêu, bảo vệ, được học hành và phát triển tốt thì tất cả trẻ em trong xã hội sẽ được phát triển và bảo vệ tốt. Thứ hai, nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương, trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành cơ quan trung ương và có sự hỗ trợ tham gia của các tổ chức xã hội. Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan và địa phương nhằm thực hiện tốt hơn quyền của trẻ em theo Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Giáo dục, tuyên truyền cũng như có những biện pháp thiết thực, quan tâm sâu sát đến trẻ em, đến các quyền trẻ em để công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được thực hiện có hiệu quả. Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách thực hiện quyền trẻ em từ phòng ngừa, hỗ trợ đến can thiệp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân để đảm bảo cho trẻ em được an toàn, can thiệp kịp thời khi có nguy cơ hoặc đang bị mua bán, xâm hại; truyền thông, giáo dục, vận động xã hội thực thi quyền trẻ em; lồng ghép thực hiện quyền trẻ em trong các chương trình, kế hoạch, dự án; kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em. Thứ tư, cần những biện pháp quan tâm hơn nữa tới trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em sống trong vùng kém phát triển, điều kiện sống khó khăn, trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ. Mỗi địa phương cần theo dõi sâu sát đối với tất cả các trẻ em gặp khó khăn để có biện pháp giúp đỡ, tạo điều kiện cho trẻ đến trường, vì khi đảm bảo được tất cả các trẻ em trong nước đều được đến trường là tiền để cho sự quan tâm của xã hội và sự đảm bảo phát triển của trẻ em. Thứ năm, đối với những hành vi mua bán trẻ em; bạo hành trẻ em; xâm hại tình dục trẻ em, các cơ quan chức năng cần phải quan tâm và có hình phạt thích đáng, đúng quy định pháp luật nhằm răn đe đối với loại tội phạm này.

Tất cả trẻ em đều có quyền được sống, được yêu thương, bảo vệ. Với sự quan tâm của người lớn, của xã hội mong rằng trẻ em trong tương lai sẽ được yêu thương và phát triển toàn diện về mọi mặt xứng đáng là thế hệ tương lai tốt đẹp của ngày mai. /.


Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc Lượm

Nguồn tin: VKS ND TP Cần Thơ

Video liên quan

Chủ Đề