Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa năm bảo nhiều

Một số đánh giá về 40 năm cải cách mở cửa ở Trung Quốc

29/03/2020

NGUYỄN BÌNH GIANG*

Tóm tắt: Bài viết điểm lại một số đặc điểm nổi bật trong phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa từ cuối năm 1978 tới nay, tập trung vào mô hình tăng trưởng và đặc trưng của Trung Quốc trong đường lối phát triển các hình thức sở hữu kinh tế. Mô hình và đặc trưng này, một mặt đem lại những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, giúp Trung Quốc từ chỗ là một bệnh phu vươn lên thành một thế lực kinh tế thách thức cả Mỹ. Chúng, mặt khác, cũng dẫn tới các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường nhức nhối đối với Trung Quốc.

Từ khóa: Thị trường, kinh tế nhà nước, cải cách kinh tế, phát triển bền vững.

1. Một số thành tựu trong phát triển kinh tế ở Trung Quốc

1.1. Tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo

Từ khi cải cách mở cửa sau hội nghị trung ương ba khóa XI của Đảng Cộng sản Trung Quốc [tháng 12/1978] đến nay, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc rất nhanh. Nhờ tốc độ tăng trưởng cao, quy mô tổng sản phẩm nội địa của Trung Quốc theo giá hiện hành tăng lên nhanh chóng, từ chỗ xấp xỉ 305,4 tỷ USD năm 1980 tăng 44 lần lên 13.457,2 tỷ USD năm 2018. Nếu vào thập niên 1980, quy mô GDP của Trung Quốc đứng thứ tám thế giới, thì đến năm 2010 đã đứng thứ hai thế giới. Đó là xét theo GDP giá thực tế, còn nếu xét theo GDP ngang giá sức mua, kinh tế Trung Quốc đã vượt qua kinh tế Mỹ từ năm 2014. Tỷ trọng của kinh tế Trung Quốc trong kinh tế toàn cầu cùng thời gian tăng xấp xỉ 5,8 lần, từ chỉ khoảng 2,7% lên gần 15,9% [IMF, 2017].

GDP bình quân đầu người của Trung Quốc tăng hai lần mỗi tám năm, hơn hai lần mỗi mười năm. Hiện nay, Trung Quốc được Ngân hàng Thế giới xếp vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao. Khi thu nhập được cải thiện nhanh chóng, tỷ lệ nghèo ở Trung Quốc cũng đã giảm rất nhanh. Tỷ lệ nghèo ở nông thôn từ mức khoảng 96% năm 1980 đã giảm 16 lần, xuống chỉ còn 6% vào năm 2015 [OECD, 2017].

Mô hình tăng trưởng của Trung Quốc từ 1978 tới nay là mô hình tăng trưởng dựa vào đóng góp của vốn con người, đầu tư nhờ tiết kiệm cao, năng suất tổng nhân tố tăng nhanh, xuất khẩu thông qua cạnh tranh, và thúc đẩy cạnh tranh trong nước thông qua độc quyền nhóm.

Đóng góp của vốn con người trong tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc đặc biệt cao. Đó là nhờ ngay từ khi mới cải cách mở cửa, người Trung Quốc đã có một nền tảng giáo dục rất tốt. Giáo dục ngày càng được chú trọng trong thời gian từ cải cách đến nay. Vốn con người có thể đã đóng góp tới 40% vào tăng trưởng GDP bình quân đầu người ở Trung Quốc từ năm 1978 đến năm 2014 [Li et al., 2017; Whalley & Zhao, 2010].

Trung Quốc vốn có truyền thống tiết kiệm cao. Nếu trước cải cách, tiết kiệm chủ yếu là từ các xí nghiệp quốc doanh, thì từ khi cải cách tiết kiệm chủ yếu là từ các hộ gia đình. Đầu tư của Trung Quốc chủ yếu là của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy khu vực tư nhân ở Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn.

Năng suất tổng nhân tố tăng nhanh là do các cải cách theo hướng thị trường hóa đã giúp phân bổ nguồn lực ngày càng tốt hơn, cả trong nông nghiệp lẫn công nghiệp. Sự phát triển mạnh mẽ của khu vực tư nhân cũng góp phần làm năng suất tổng nhân tố của nền kinh tế tăng nhanh thông qua cạnh tranh và nâng cấp quy trình sản xuất. Nhờ độ lớn của thị trường, cạnh tranh nội địa ở Trung Quốc còn được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh giữa các địa phương. Các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã cạnh tranh lẫn nhau khốc liệt thông qua tập trung đầu tư và tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn đối với doanh nghiệp [Boltho1 & Weber, 2009].

Quy mô khổng lồ của thị trường tiềm năng ở Trung Quốc cho phép Trung Quốc phát triển đồng thời nhiều ngành. Sức mạnh cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc dựa nhiều vào doanh nghiệp FDI và một phần nào vào khu vực xí nghiệp hương trấn thời kỳ những năm 1980 và đầu những năm 1990. Các doanh nghiệp FDI đã tận dụng sự năng động và kỹ năng trong thương mại của Hoa kiều, môi trường đầu tư hấp dẫn và lao động rẻ ở các tỉnh ven biển để sản xuất hàng xuất khẩu. Các doanh nghiệp một trăm phần trăm vốn FDI được yêu cầu xuất khẩu toàn bộ sản phẩm. Chỉ có các doanh nghiệp liên doanh với doanh nghiệp địa phương mới được tiếp cận thị trường nội địa. Nhà nước Trung Quốc đã khôn ngoan ép các doanh nghiệp FDI phải chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp địa phương để đổi lấy việc tiếp cận thị trường nội địa này. Ngoài ra, cạnh tranh trong xuất khẩu của Trung Quốc có được một phần quan trọng là nhờ phá giá tiền tệ.

Trung Quốc là một trong những nước sử dụng chính sách công nghiệp tích cực nhất. Khác với các nước phương Tây và gần giống với Nhật Bản và Hàn Quốc, chính sách công nghiệp của Trung Quốc là chính sách từ trên xuống. Mục tiêu chính trị của chính sách công nghiệp rất rõ ràng, đó là nâng cao tự chủ về kinh tế trong cách nhìn Trung Quốc là nước yếu thế về kinh tế so với phương Tây. Vì thế, mục tiêu của chính sách công nghiệp là tạo ra các doanh nghiệp quán quân có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp phương Tây. Các doanh nghiệp quán quân này được cấp đặc quyền tiếp cận toàn bộ thị trường nội địa, thu mua của chính phủ, bảo hộ trước sự cạnh tranh quốc tế. Tận dụng thị trường rộng lớn trong nước để phát huy lợi thế kinh tế nhờ quy mô và được bảo hộ, nuôi dưỡng, các doanh nghiệp quán quân này trở nên lớn mạnh đáng kể. Trên cơ sở đó, năm 1999 Trung Quốc lại tiếp tục hỗ trợ để họ tiến ra nước ngoài nhằm mục tiêu lập ra các mạng sản xuất quốc tế do các doanh nghiệp Trung Quốc kiểm soát, xây dựng các thương hiệu Trung Quốc ở thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, đảm bảo nguồn cung ứng nguyên liệu thô cho sản xuất, mua lại các tài sản chiến lược, tiếp cận thị trường.

Các công cụ để thực hiện chính sách công nghiệp ở Trung Quốc bao gồm [Poon, 2014]: Ưu đãi tài chính, trợ cấp, hỗ trợ tài chính, hướng dẫn FDI, thu mua của chính phủ, thúc đẩy tiêu chuẩn hóa, sáng chế nội địa, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sáng chế của Trung Quốc, tiêu chuẩn hóa, thu hút Hoa kiều, phát triển giáo dục và đào tạo, phát triển kết cấu hạ tầng, chống độc quyền kiểu Trung Quốc[1]. Các công cụ đầy hiệu quả khác bao gồm: thúc đẩy các cụm liên kết ngành và mạng sản xuất. Hiện nay, việc Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong các ngành luyện thép, luyện nhôm, sản xuất tấm pin mặt trời, sản xuất thiết bị bay không người lái, sản xuất các thiết bị mạng viện thông đều là nhờ chính sách công nghiệp rất tích cực của Nhà nước nhất là thông qua biện pháp tín dụng ưu đãi.

Cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Trung Quốc trong lĩnh vực chế biến chế tạo đã buộc các doanh nghiệp bất kể hình thức sở hữu nào cũng luôn phải nâng cấp cả quá trình sản xuất lẫn sản phẩm và nâng cấp chức năng. Cho đến trước thập niên 2000, các ngành chế biến chế tạo của Trung Quốc đều thâm dụng lao động, hướng tới mục tiêu tạo ra các sản phẩm với số lượng lớn, chất lượng thấp nhưng rẻ. Từ đầu thập niên 2000, tiền công ở Trung Quốc bắt đầu tăng, thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cấp quá trình sản xuất bằng cách gia tăng mạnh đầu tư trang bị máy móc mới, nâng cao tay nghề lao động, cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng hoặc cải tiến chương trình quản lý chất lượng toàn bộ, quản lý chung, tổ chức, Nhờ đó, từ đầu thập niên 2000, các ngành chế biến chế tạo đã chuyển từ thâm dụng lao động sang thâm dụng vốn. Đóng góp và tốc độ tăng đóng góp của vốn trong tăng trưởng của khu vực công nghiệp nói chung và lĩnh vực chế biến chế tạo nói riêng tăng mạnh kể từ đó. Và, kinh tế Trung Quốc hiện nay được xem là nền kinh tế tăng trưởng dựa vào đầu tư. Đồng thời, nhận thức được những hạn chế của tăng trưởng dựa vào đầu tư, từ Đại hội XVII [năm 2007], Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Hồ Cẩm Đào - Ôn Gia Bảo đã bắt đầu triển khai chiến lược phát triển dựa vào đổi mới-sáng tạo. Song song với đó, khu vực dịch vụ bắt đầu đươc chú trọng phát triển để nâng giá trị gia tăng nội địa trong sản phẩm và hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị do doanh nghiệp Trung Quốc dẫn đầu. Nâng cấp sản phẩm [nâng cao chất lượng sản phẩm, sử dụng nguyên vật liệu mới để mở rộng phạm vi sản phẩm] và nâng cấp chức năng [thiết kế, marketing, thương hiệu, phân phối, logistics - tức là các hoạt động gắn với dịch vụ nhiều hơn] bắt đầu được các doanh nghiệp Trung Quốc coi trọng. Từ cuối năm 2007, sản phẩm chế biến chế tạo của Trung Quốc đã chuyển mạnh từ giá rẻ chất lượng thấp sang chất lượng tốt giá cạnh tranh [so với các nước tiên tiến] có thiết kế riêng thương hiệu riêng.

Mô hình đàn nhạn bay của Akamatsu cho rằng cùng với sự thay đổi lợi thế so sánh, sự phát triển công nghiệp sẽ tuần tự chuyển từ nhập khẩu sang sản xuất thay thế nhập khẩu rồi sang xuất khẩu, từ hàng tiêu dùng sang máy móc với mức độ phức tạp tăng dần, qua đó các nước đi sau bám theo sau các nước đi trước [Akamatsu, 1962]. Mô hình này đã được chứng minh ở Nhật Bản và bốn con hổ châu Á, song lại chưa được khẳng định chắc chắn ở Trung Quốc. Nhờ thu hút FDI, Trung Quốc đi thẳng vào xuất khẩu ngay từ khi mới cải cách mở cửa. Trung Quốc đồng thời phát triển nhiều ngành có mức độ sử dụng công nghệ, vốn và lao động khác nhau và dù vẫn còn đang là nước có thu nhập trung bình, song Trung Quốc đang trực tiếp cạnh tranh với các nước tiên tiến ở một số sản phẩm công nghệ cao. Nếu vào đầu thập niên 1990, sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc chủ yếu là các mặt hàng công nghiệp nhẹ [40% kim ngạch xuất khẩu] như quần áo, giày dép, đồ chơi, thì chỉ tới đầu thập niên 2000 các sản phẩm điện tử, máy móc đã chiếm tỷ lệ trên 40% và hàng công nghiệp nhẹ giảm xuống chỉ còn chưa đến 30% [Prasad ed., 2014]. Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã bao gồm các mặt hàng điện tử tinh vi như smart phone, máy tính, vi mạch, thiết bị mạng cho đến các sản phẩm máy móc phức tạp như ô tô và phụ tùng, linh kiện.

1.2. Xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa

Thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc được ghi rất rõ trong nghị quyết hội nghị trung ương ba khóa XIV của Đảng Cộng sản Trung Quốc [cuối năm 1993]: Thành lập thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa nghĩa là để cho thị trường đóng vai trò cơ bản trong phân bổ nguồn lực dưới sự quản lý vĩ mô của Nhà nước ... Hệ thống doanh nghiệp hiện đại lấy chế độ công hữu làm chủ thể là nền tảng của thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa [Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIV, 1993]. Cách hiểu như thế đã được Trung Quốc kiên trì áp dụng ngay từ những ngày đầu cải cách mặc dù tên gọi thể chế này thời gian đầu là kinh tế hàng hóa xã hội chủ nghĩa hoặc kinh tế hàng hóa có kế hoạch. Việc thành lập kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc diễn ra bằng một quá trình thử nghiệm thận trọng ở nông thôn trước thành thị sau [giai đoạn trước 1984], ở đặc khu trước rồi đến các thành phố ven biển [giữa thập niên 1980] rồi đến các thành phố tỉnh lỵ [từ đầu thập niên 1990] rồi mới áp dụng rộng ra cả nước. Cùng với quá trình nói trên, doanh nghiệp nhà nước từ chỗ sản xuất theo kế hoạch hoàn toàn bắt đầu được trao quyền tự chủ [từ cuối 1978 đến cuối 1984], tiếp theo là được phân tách quyền sở hữu và quyền kinh doanh, tổ chức Đảng rút lui khỏi quản lý kinh doanh và thí điểm cổ phần hóa [cuối 1984 đến cuối 1993] và sau đó là tư nhân hóa trong trường hợp là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp lớn không trong các lĩnh vực quan trọng theo phương châm nắm lớn, buông nhỏ [Hoàng Thế Anh chủ biên, 2018].

Chính sách nắm lớn kiểu này là một đặc trưng của kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc và được Đảng Cộng sản Trung Quốc phát huy đến tận hiện nay và theo báo cáo chính trị do Tổng Bí thư Tập Cận Bình trình bày tại Đại hội XIX thì có thể sẽ còn tiếp tục đến tận giữa thế kỷ XXI.

Tuy tuyên bố rằng vẫn giữ doanh nghiệp lớn, nhưng sở hữu nhà nước ở các doanh nghiệp lớn cũng chia làm nhiều loại. Sở hữu nhà nước bao gồm loại sở hữu của Chính phủ, nghĩa là các bộ ngành hoặc các chính quyền địa phương trực tiếp nắm sở hữu, hoặc loại doanh nghiệp có tư cách pháp nhân sở hữu nhà nước trong đó doanh nghiệp nhà nước hoặc thể chế sở hữu nhà nước khác sở hữu. Đối với các doanh nghiệp đã chuyển đổi sở hữu, tùy mức độ quan trọng của doanh nghiệp, Nhà nước có thể nắm quyền sở hữu hoàn toàn, hoặc giữ một cổ phần lớn. Các ngành quan trọng mà Nhà nước thường muốn giữ sở hữu toàn bộ hoặc sở hữu chính các doanh nghiệp lớn là những ngành có liên kết xuôi quan trọng đối với phần còn lại của nền kinh tế, như năng lượng, nguyên liệu thô, luyện kim, điện, hóa chất, cơ khí, xăng dầu và khí đốt, vận tải hàng không, vận tải biển, chế tạo ô tô, ngân hàng.

Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường khẳng định vai trò quyết định của thị trường trong phân bổ nguồn lực. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được coi trọng và hỗ trợ để lớn hơn và mạnh hơn và trở thành những doanh nghiệp khổng lồ quán quân quốc tế. Trung Quốc đã tập trung củng cố khoảng gần 100 doanh nghiệp chủ yếu là trong lĩnh vực công nghiệp để trở thành những quán quân thế giới. Thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa từ thời điểm này thể hiện rõ ở chế độ sở hữu hỗn hợp cho phép các quỹ tài chính của nhà nước và doanh nghiệp nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp tư nhân và như vậy mở rộng sự kiểm soát của Nhà nước trong nền kinh tế.

Với phương châm nắm lớn buông nhỏ để đảm bảo vai trò của kinh tế nhà nước như là cốt tủy của chế độ kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, khu vực doanh nghiệp nhà nước bao gồm doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu toàn bộ hoặc sở hữu phần lớn của Trung Quốc vẫn hiện diện rõ rệt trong một nền kinh tế thị trường có mức độ cạnh tranh cao hàng đầu thế giới, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong danh sách Fortune Global 500. Năm 2017, trong danh sách 500 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất thế giới do Fortune chọn, có 109 doanh nghiệp Trung Quốc và đều là doanh nghiệp do Nhà nước kiểm soát trong số đó có nhiều doanh nghiệp thuộc diện quản lý của Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Quốc hữu [cơ quan có chức năng và nhiệm vụ như Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp của Việt Nam]. Hiện nay, doanh nghiệp nhà nước tuy chỉ còn đóng góp khoảng một phần năm sản lượng [so với bốn phần năm sản lượng lúc mới cải cách], nhưng vẫn nắm giữ tới khoảng 40% giá trị tài sản công nghiệp ở Trung Quốc. Doanh nghiệp nhà nước đã góp phần vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh, ổn định chính trị và kinh tế, đảm bảo các nguồn tài nguyên thiết yếu và phát triển ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài [Hirson, 2019].

Tuy xét riêng lẻ từng doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hoạt động kém hiệu quả hơn hẳn doanh nghiệp tư nhân, song việc duy trì khu vực doanh nghiệp nhà nước xét ở bình diện toàn thể nền kinh tế vẫn giúp nền kinh tế có hiệu quả bởi lẽ doanh nghiệp nhà nước hoạt động chủ yếu ở khu vực thượng nguồn. Quy mô khu vực doanh nghiệp nhà nước dẫn tới lượng cầu tiềm năng lớn ở khu vực thượng nguồn đối với doanh nghiệp tư nhân, giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển. Đồng thời, khu vực doanh nghiệp nhà nước kiểm soát thượng nguồn đã, dưới sự chỉ đạo của chính phủ, cung cấp nhiều loại năng lượng, nguyên liệu và đầu vào khác một cách ổn định cho doanh nghiệp tư nhân ở hạ nguồn. Mặt khác, việc điều chỉnh mức đầu tư ở các doanh nghiệp nhà nước theo chỉ thị của chính phủ là một cách điều tiết kinh tế vĩ mô có hiệu quả khá nhanh, giúp cho Trung Quốc tăng trưởng cao và ổn định suốt từ giữa thập niên 1990 tới nay. Chỉ số ICOR ở Trung Quốc tăng ngay sau các thời điểm khủng hoảng tài chính châu Á 1997, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 có thể là do gia tăng đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước trong khi hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp này không cao.

Khu vực kinh tế tư nhân ở Trung Quốc, từ chỗ bị cấm trước năm 1979, đến chỗ được cho phép thành lập nhưng bị kiềm chế và phát triển chậm chạp trong thập niên 1980 ở khu vực đô thị ở một số địa phương được chọn để thử nghiệm kinh tế thị trường; rồi có cơ sở pháp lý để hoạt động và không còn bị hạn chế về quy mô lao động từ năm 1988; rồi hoạt động dựa trên Luật Doanh nghiệp từ giữa thập niên 1990; được công nhận là một thành phần quan trọng của nền kinh tế hỗn hợp từ năm 1999. Năm 2005 và tiếp đó năm 2010, chính phủ Trung Quốc đã gỡ bỏ các hạn chế đối với doanh nghiệp tư nhân trong việc tham gia vào các ngành chẳng hạn như vận tải hàng không. Các doanh nghiệp tư nhân dần dần cũng đỡ gặp khó khăn hơn trong huy động vốn do Nhà nước gỡ bỏ dần các hạn chế đối với tiếp cận các khoản vay ngân hàng và huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Suốt bốn mươi năm qua, khu vực doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và tỏ ra hiệu quả hơn hẳn khu vực doanh nghiệp nhà nước [Lardy, 2018]. Trong chặng đường ấy, có một sự kiện đặc biệt, đó là vào năm 2001, nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư Giang Trạch Dân đã công bố thuyết ba đại diện, cho phép chủ doanh nghiệp tư nhân trở thành đảng viên. Từ đây, thành phần của Đảng Cộng sản Trung Quốc bao gồm các đại diện của ba lực lượng là công nhân, nông dân và chủ doanh nghiệp tư nhân.

2. Một số hạn chế, tồn tại trong thực tiễn cải cách kinh tế ở Trung Quốc

Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại kỳ họp thứ năm của Quốc hội Trung Quốc khóa X vào tháng 3/2007 đã cảnh báo: vấn đề lớn nhất của kinh tế Trung Quốc là tăng trưởng không ổn định, không cân bằng, không phối hợp và không bền vững [IMF, 2007]. Ngoài ra, một số hạn chế khác mà dù Trung Quốc nhận thấy tính nghiêm trọng của nó song vì những ràng buộc chính trị nên các hạn chế này ít được đề cập hơn, đó là: mặt trái của doanh nghiệp nhà nước, chủ nghĩa GDP, v.v...

2.1. Không ổn định

Kinh tế Trung Quốc suốt một thời gian dài tăng trưởng quá nóng, dựa quá nhiều vào đầu tư, dựa quá ít vào tiêu dùng nội địa, mức vay nợ cao, lượng tiền mặt trong lưu thông lớn, mất cân bằng cán cân thương mại [De, 2007; Hoàng Thế Anh chủ biên, 2017]. Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao của Trung Quốc rất khó kiểm soát được bằng các sắc lệnh hành chính mà Nhà nước Trung Quốc vẫn dùng. Thêm vào đó, kỹ năng điều tiết kinh tế vĩ mô của Nhà nước không thể có được thông qua các giáo trình hay nhờ kinh nghiệm tích lũy trong một thời gian ngắn ngủi mà phải là kinh nghiệm đau đớn và thấm thía qua cả trăm năm kinh tế thị trường.

Đầu tư ở Trung Quốc luôn cao, giao động trong khoảng 30% đến 40% GDP trong thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, thậm chí đã vượt tỷ trọng của tiêu dùng từ năm 2006 và giao động trong khoảng 40% đến 45% GDP trong thời gian từ 2008 tới nay [Lo, 2016]. Đầu tư quá cao trong khi tiêu dùng nội địa không tương xứng dẫn tới sản xuất dư thừa trong khi Trung Quốc thường xuyên gặp phải tình trạng thiếu cung nguyên liệu và kết cấu hạ tầng không theo kịp. Không dựa vào tiêu dùng nội địa mà lại dựa vào nhu cầu nước ngoài dẫn đến việc kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào tình hình tăng trưởng toàn cầu. Mặt khác do có thặng dư thương mại lớn và nhất là trong quan hệ thương mại song phương với một số nước, nên những căng thẳng thương mại hay nảy sinh mà ví dụ điển hình là căng thẳng thương mại với Mỹ hiện nay.

Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm, vấn đề nợ trở nên được chú ý. Vào năm 2003, nợ của Trung Quốc mới chỉ khoảng 175% GDP và tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc rất cao, nên vấn đề nợ không đáng lo ngại. Song do dựa vào đầu tư để đối phó với tác động của khủng hoảng, nợ đã ngày một tăng và đến năm 2018 đã lên tới 253% GDP trong khi tăng trưởng kinh tế ngày càng chậm lại. Phần lớn nhất trong nợ của Trung Quốc là nợ của doanh nghiệp ngoài ngành tài chính, vào khoảng 123% GDP năm 2014. Thứ đến là nợ công, khoảng 58% GDP cùng năm. Nợ của hộ gia đình khoảng 36% GDP [Edwards, 2016]. IMF cho rằng nợ của khu vực doanh nghiệp ở Trung Quốc gia tăng ở mức nhanh đáng lo ngại. Nguyên nhân của nợ doanh nghiệp tăng nhanh là các doanh nghiệp ở Trung Quốc dựa nhiều vào vốn vay ngân hàng do thị trường chứng khoán còn kém phát triển. Nếu các doanh nghiệp Trung Quốc vỡ nợ thì khu vực ngân hàng của Trung Quốc sẽ lâm vào tình trạng nguy hiểm. Trong nợ công, nợ của chính quyền địa phương đã tăng rất nhanh và đã vượt cả nợ của chính quyền trung ương. Chủ nghĩa GDP là nhân tố quan trọng góp phần gây ra nợ công của chính quyền địa phương.

2.2. Không cân bằng

Không cân bằng nghĩa là phát triển không đồng đều giữa nông thôn và thành thị, giữa sâu trong nội địa [miền trung, miền tây] và duyên hải [miền đông]; không đồng đều giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội. Tình trạng khó được đi học, khó được khám chữa bệnh, khó tìm được việc làm thành những vấn đề nhức nhối [De, 2007; Hoàng Thế Anh chủ biên, 2017].

Thực tiễn ở Trung Quốc cho thấy cùng với thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh và giảm nghèo cũng rất nhanh, bất bình đẳng thu nhập lại gia tăng rất nhanh. Bất bình đẳng về thu nhập ở Trung Quốc đạt mức cao nhất vào năm 2008, tức là ba mươi năm kể từ khi cải cách, và bắt đầu giảm dần nhưng chậm từ 2008 đến nay. Tuy nhiên, sự thay đổi này chủ yếu là do tỷ trọng của nhóm 20 phần trăm dân số thu nhập cao nhất giảm và tỷ trọng của nhóm 20 phần trăm dân số thu nhập ở giữa tăng; trong khi đó, tỷ trọng của nhóm 20 phần trăm dân số thu nhập thấp nhất lại không hề tăng [Jain-Chandra et al., 2018]. Nhiều nước phương Tây, Mỹ Latinh cũng có hiện tượng tương tự Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nước Đông Á lại không đi theo mô hình Kuznets như thế. Bất bình đẳng thu nhập ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan giảm trong quá trình công nghiệp hóa mà không trải qua pha tăng nào [Acemoglu & Robinson, 2012].

Trong quá trình phát triển, chênh lệch phát triển vùng miền là không tránh khỏi ở bất cứ nước nào. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, chênh lệch phát triển vùng miền lại lớn hơn hẳn các nước tư bản cũng như các nước đang phát triển khác. Sự chênh lệch này thể hiện cả ở GDP, thu nhập, mức tiêu dùng, cung ứng dịch vụ công, v.v Ngay cả đóng góp của vốn nhân lực vào tăng trưởng cũng có sự chênh lệch lớn giữa khu vực nông thôn với khu vực thành thị do lao động nông thôn không được giáo dục tốt bằng lao động thành thị [Li et al., 2017]. Nguyên nhân của chênh lệch là do điều kiện phát triển kinh tế không đồng đều dẫn tới tốc độ tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa không như nhau. Các chính sách phát triển vùng nông thôn và các vùng sâu trong nội địa được triển khai từ năm 1999 nhất là dưới thời Hồ Cầm Đào và Ôn Gia Bảo nhưng mãi đến giữa thập niên 2000 mới có vẻ phát huy hiệu quả.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy hiện tượng chữ U ngược trong tương quan giữa chênh lệch về thu nhập và mức thu nhập bình quân đầu người được khẳng định ở Trung Quốc. Chênh lệch thu nhập nói chung và chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị lên đến mức cao nhất vào năm 2004 và giảm dần sau đó, nhưng mức độ chênh lệch thu nhập giữa các tỉnh duyên hải với các tỉnh sâu trong nội địa vẫn tiếp tục gia tăng đến tận năm 2009 rồi mới bắt đầu giảm [Kanbur et al., 2017].

2.3. Không phối hợp

Thiếu sự phối hợp giữa ba lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, đồng thời, thiếu phối hợp giữa đầu tư và tiêu dùng [De, 2007; Hoàng Thế Anh chủ biên, 2017]. Ngoài ra, còn thiếu sự phối hợp trong phát triển vùng.

Khu vực dịch vụ ở Trung Quốc được xem là quá nhỏ và không giúp nhiều cho việc hấp thụ lao động dư thừa ở nông thôn, giảm thâm dụng tài nguyên, tăng hiệu quả đầu ra và giúp nâng cao chất lượng sống. Vào thời điểm năm 2013, khu vực dịch vụ chỉ chiếm gần 47% GDP và chỉ 37% tổng số việc làm ở Trung Quốc. Những chỉ số này là thấp so với các nước có thu nhập trung bình nói chung [55 phần trăm GDP] [Rutkowski, 2015; Fang, 2018]. Ngay so với trình độ phát triển kinh tế nói chung của Trung Quốc thì quy mô khu vực GDP cũng là nhỏ [Park & Shin, 2012]. Năm 2013 cũng là thời điểm tỷ trọng của dịch vụ trong GDP bắt đầu vượt tỷ trọng của các ngành chế biến, chế tạo [ngoại trừ các năm 2008-2009 khi khu vực chế biến chế tạo bị ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu].

Có hai nguyên nhân có thể dẫn tới khu vực dịch vụ nhỏ ở Trung Quốc. Một là, có quá nhiều ưu đãi đối với các ngành công nghiệp dẫn tới đầu tư đổ vào công nghiệp hơn là vào dịch vụ. Các ưu đãi đó bao gồm trợ giá đầu vào, các kiểm soát giá và chế độ thuế có lợi cho công nghiệp, các rào cản đầu tư tư nhân vào các ngành tài chính và ngân hàng, hàng không, viễn thông. Hai là, khu vực dịch vụ bị chi phối bởi các doanh nghiệp nhà nước [lớn hơn nhiều so với trong lĩnh vực công nghiệp] khiến tư nhân không thấy cơ hội kinh doanh thuận lợi nào nếu đầu tư vào dịch vụ.

Chính sách phát triển vùng theo triết lý khai thác lợi thế so sánh đã dẫn tới việc tạo các điều kiện thuận lợi cho các địa phương ven biển phát triển trước, sau đó đến các thành phố tỉnh lỵ và thành phố ven sông Dương Tử. Chính vì thế, các vùng Đông Bắc, Trung, Tây và Tây Nam vốn có ít lợi thế cạnh tranh hơn lại càng bị tụt hậu. Đô thị hóa và công nghiệp, dịch vụ ở các địa phương được ưu tiên phát triển hơn hẳn các địa phương còn lại. Hệ quả là, lao động dư thừa ở các vùng không được ưu tiên phải di chuyển lên thành phố ở các địa phương ưu tiên để tìm việc làm. Nhưng chế độ hộ khẩu không được thay đổi đã khiến cho khoảng 250 triệu người Trung Quốc di cư lên thành phố làm việc nhưng không có hộ tịch [tương tự KT3 ở Việt Nam].

Sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, các rào cản đối với khu vực dịch vụ được gỡ bỏ dần nhưng chậm. Nhận ra hệ quả tiêu cực của việc thiếu phối hợp trong cơ cấu ngành kinh tế, năm 2012 Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào cũng từng khẳng định phải phát triển dịch vụ, thúc đẩy cầu nội địa nhất là tiêu dùng nội địa, thúc đẩy bảo tồn tài nguyên và kinh tế tuần hoàn, phát triển có phối hợp giữa nông thôn và thành thị, xem đó là những mục tiêu của nhiệm vụ tăng tốc hoàn thiện kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, các đánh giá của quốc tế về việc thực hiện các mục tiêu này ở Trung Quốc là rất chậm chạp.

2.4. Không bền vững

Không bền vững vì kinh tế Trung Quốc tiêu dùng quá nhiều năng lượng và không thân thiện với môi trường sinh thái [De, 2007; Hoàng Thế Anh chủ biên, 2017]. Điều tra ô nhiễm của Bộ Môi trường sinh thái cho thấy, số lượng các nguồn gây ô nhiễm ở Trung Quốc đã tăng từ 5,9 triệu năm 2010 lên khoảng 9 triệu năm 2018. Trong số 9 triệu nguồn gây ô nhiễm đó, có tới 7,4 triệu nguồn là từ các cơ sở công nghiệp [Kuo, 2018].

Thực tế, không phải Trung Quốc không ý thức được vấn đề môi trường trong quá trình công nghiệp hóa. Ngay từ đầu thập niên 1980, khẩu hiệu văn minh sinh thái đã được nêu ra. Tuy nhiên, chỉ đến khi ô nhiễm môi trường trở nên nhức nhối vào giữa thập niên 2000 thì đến năm 2007, khẩu hiệu này mới được nhắc đến liên tục [Zhang, 2015]. Năm 2007, Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào kêu gọi thực hiện Quan điểm Phát triển Khoa học với mục đích chuyển phương thức phát triển của Trung Quốc sang phát triển bền vững trên đồng thời các mặt kinh tế, xã hội, môi trường. Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và những tác động tiêu cực của nó tới kinh tế Trung Quốc đã khiến cho các cải cách này không diễn ra như kế hoạch. Đầu tư vẫn là một nhân tố tăng trưởng quan trọng và tiếp tục được thúc đẩy. Ngay cả năm 2014, khi Trung Quốc tuyên chiến với ô nhiễm môi trường, những lo ngại rằng chống ô nhiễm môi trường có thể làm nền kinh tế tăng trưởng chậm lại vẫn còn rất rõ [Branigan, 2014].

Dù vậy. phiên bản môi trường của mô hình Kuznets cũng được chứng minh ở Trung Quốc. Mức phát thải CO2 và SO2 của Trung Quốc tăng liên tục từ năm 1978 đến năm 2011 khi GDP bình quân đầu người ở Trung Quốc đạt 99261 yuan rồi chững lại từ đó đến nay [Li et al., 2016]. Chất lượng không khí đã được cải thiện rõ rệt ở một số thành phố lớn của Trung Quốc, nhất là Bắc Kinh.

2.5. Mặt trái của doanh nghiệp nhà nước

Một số vấn đề thường thấy ở các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc là: [i] tồn tại các nhóm lợi ích chi phối doanh nghiệp; [ii] chính quyền can thiệp nhiều vào hoạt động của doanh nghiệp, thậm chí dưới thời Tập Cận Bình, Đảng can dự nhiều hơn nữa; [iii] thể chế và chế độ quản lý tài sản nhà nước chồng chéo, nhiều bất cập, quá nhiều cấp quản lý, tập quyền và gia đình trị; [iv] công tác quản lý giám sát vốn, tài sản nhà nước còn nhiều lỗ hổng mặc dù Trung Quốc đã thành lập Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Quốc hữu vào năm 2003; [v] cơ chế kinh doanh mang đậm màu sắc hành chính, chưa theo kịp nhu cầu của kinh tế thị trường; [vi] cơ cấu ngành nghề của doanh nghiệp nhà nước được xây dựng căn cứ theo bản chất kinh tế kế hoạch, không phù hợp với yêu cầu của môi trường kinh tế; v.v [Hoàng Thế Anh chủ biên, 2018]

Các vấn đề như chế ước ngân sách mềm, ủy thác - nhận thác thường thấy ở doanh nghiệp nhà nước nói chung đã được chứng minh ở Trung Quốc. Việc kết hợp mục tiêu chính trị với mục tiêu kinh doanh ở các doanh nghiệp nhà nước càng làm các vấn đề này nặng nề. Các doanh nghiệp này có xu hướng đầu tư quá mức, hiệu quả kinh doanh tuy không tồi và ngày càng được cải thiện song vẫn thua xa doanh nghiệp tư nhân, tệ tham ô của lãnh đạo doanh nghiệp khá nghiêm trọng [Hoàng Thế Anh chủ biên, 2018].

Sự can dự quá mức của Nhà nước trong nền kinh tế thông qua khu vực doanh nghiệp nhà nước và chính sách công nghiệp kiểu từ trên xuống dẫn tới một số điểm hạn chế mang tính cấu trúc này của mô hình tăng trưởng của Trung Quốc. Tỷ trọng lớn của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế là một trong những nguyên nhân làm cho nền kinh tế bị bóp méo. Tình trạng thiếu phối hợp giữa đầu tư và tiêu dùng, sản xuất dư thừa, thâm dụng tài nguyên đã đề cập ở trên có một phần lớn nguyên nhân là do khu vực doanh nghiệp nhà nước. Các ngành dư thừa lớn gồm: luyện nhôm, luyện thép, sản xuất điện mặt trời, sản xuất điện gió, khai thác than, v.v... Các nguyên nhân có thể là: [i] doanh nghiệp nhà nước được vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại cũng thuộc sở hữu nhà nước nên có xu hướng vay nhiều và đầu tư nhiều, trong khi đó hệ thống phân bổ vốn của Trung Quốc dựa chủ yếu vào kênh gián tiếp là vay ngân hàng thay vì kênh trực tiếp là thị trường chứng khoán; [ii] doanh nghiệp nhà nước được trợ giá đầu vào nên đầu tư quá nhiều; [iii] doanh nghiệp nhà nước nộp ngân sách ít và đem lợi nhuận tái đầu tư nhiều; v.v...

Sự hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nghiệp nhà nước dẫn tới những thua thiệt cho các doanh nghiệp tư nhân. Trong khi doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn trong tiếp cận tài chính, phải đóng thuế suất cao hơn so với doanh nghiệp nhà nước trong cùng một lĩnh vực, thì doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi về thuế, ưu đãi về lãi suất cho vay, được cấp vốn, được trợ cấp, được cung cấp năng lượng giá rẻ hơn, v.v Ví dụ, năm 2016, 83% các khoản cho vay ngân hàng mới là dành cho doanh nghiệp nhà nước, chỉ có 11% dành cho doanh nghiệp tư nhân [Hirson, 2019]. Điều này dẫn tới một hiện tượng mà ở Trung Quốc gọi là nhà nước tiến thì tư nhân thoái. Đây cũng là một điểm mà các nước tiên tiến phê phán gay gắt và là một điểm khó thương lượng được trong đàm phán giải quyết xung đột thương mại Mỹ - Trung hiện nay.

2.6. Chủ nghĩa GDP

Chủ nghĩa thành tích [hay chủ nghĩa GDP như cách gọi ở Trung Quốc] dẫn tới một số vấn đề sau: cạnh tranh khốc liệt giữa các chính quyền địa phương, sản xuất dư thừa, nợ của chính quyền địa phương.

Hệ thống phân cấp hành chính của Trung Quốc có đặc trưng là tập quyền ở trung ương và tản quyền cho địa phương - một hệ thống mà những người quan sát phương Tây gọi là chủ nghĩa liên bang mang đặc sắc Trung Quốc. Các chính quyền địa phương được trao nhiều quyền tự chủ. Về mặt kinh tế, chính quyền trung ương quản lý địa phương theo một cơ chế tương tự khoán mặc dù không chính thức. Trung ương đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế quốc gia và các địa phương được kỳ vọng sẽ phải tăng trưởng tốt hơn thế. Năng lực và cống hiến của các lãnh đạo địa phương được trung ương đánh giá qua thành tích tăng trưởng kinh tế địa phương. Điều này dẫn tới các chính quyền địa phương đua nhau đặt ra các chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn với hy vọng nhận được sự chú ý của trung ương.

Việc chính quyền địa phương chú trọng tới mặt lượng của tăng trưởng hơn là mặt chất còn là vì họ cần nguồn thu từ thuế. Chế độ phân cấp tài chính ở Trung Quốc có đặc trưng là tới 80 phần trăm các nhiệm vụ chi là do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm, song chỉ có khoảng 50% số thu từ các nguồn thuế là thuộc về địa phương. Thúc đẩy tăng trưởng sẽ giúp phát triển nguồn thu và tăng thu cho chính quyền địa phương. Vì vậy, các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đều tự đặt ra các chỉ tiêu tăng trưởng rất cao.

Để đạt được chỉ tiêu tự đề ra, các chính quyền địa phương khai thác nhiều nhân tố tăng trưởng khác nhau song nhân tố được khai thác nhiều nhất là đầu tư. Chỉ một số thành phố ven biển là có nhiều thanh khoản cho mục đích đầu tư, còn các địa phương sâu trong nội địa thì thường thiếu vốn. Để có ngân sách đầu tư, chính quyền địa phương lại đi vay mà hệ quả là nợ công ngày một lớn.

Đồng thời, để giữ nguồn thu của mình không bị giảm, các chính quyền địa phương có xu hướng không đóng cửa các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ vì họ vẫn thu được thuế giá trị gia tăng từ sản phẩm của các doanh nghiệp này. Việc cải cách doanh nghiệp nhà nước chậm chạm đến mức làm Thủ tướng Lý Khắc Cường nổi giận có thể có phần từ nguyên nhân này [Epoch, 2016].

Trước thực tế nói trên, giới lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách khắc phục. Tổng Bí thư Tập Cận Bình trong báo cáo chính trị trước Đại hội XIX [năm 2017] đã không còn đề cập đến các chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể [Lau, 2018]. Chính quyền thành phố Thượng Hải là chính quyền địa phương đầu tiên bỏ tiêu chí tăng trưởng GDP trong các kế hoạch của mình và họ làm điều này từ năm 2015 [Cai, 2015].

Lời kết

Qua bốn mươi năm cải cách, mở cửa kinh tế, Trung Quốc đã đạt những thành tựu ngoạn mục trong phát triển. Mặc dù vẫn còn là nền kinh tế đang phát triển, nhưng Trung Quốc đang cùng với Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu tạo thành tam mã lôi kéo tăng trưởng toàn cầu. Thành tựu to lớn này là nhờ Trung Quốc đã nhận thức rõ các điều kiện của mình và nắm bắt tốt thời cơ để điều chỉnh phương thức phát triển kịp thời qua các giai đoạn khác nhau. Bốn mươi năm cải cách kinh tế theo hướng thị trường hóa, vai trò của kinh tế Nhà nước nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng ở Trung Quốc không những không suy giảm mà ngày càng được quan tâm hơn. Tuy nhiên, phương thức phát triển và thể chế kinh tế của Trung Quốc bốn mươi năm qua cũng đã bộc lộ những hạn chế và tồn tại. Trong khi các vấn đề không cân bằng, không phối hợp, không bền vững và chủ nghĩa GDP đã bước đầu được khắc phục và cải thiện, thì tính chất không ổn định và mặt trái của doanh nghiệp nhà nước vẫn đang là hai thách thức lớn. Hai thách thức đó sẽ vẫn còn tồn tại chừng nào Trung Quốc vẫn chấp nhận rủi ro và đánh đổi giữa ổn định với tăng trưởng nhanh, giữa những tồn tại của doanh nghiệp nhà nước với việc dùng doanh nghiệp nhà nước để đạt được các mục tiêu chính trị trong nước và quốc tế.

CHÚ THÍCH:

* TS., Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Bài viết này là kết quả của nhiệm vụ cấp bộ "Bốn mươi năm cải cách mở cửa kinh tế của Trung Quốc và một số gợi mở đối với Việt Nam" do TS. Hoàng Thế Anh làm chủ nhiệm.

[1] Trung Quốc ra luật chống độc quyền từ năm 2008, theo đó các doanh nghiệp có vị trí chi phối thị trường bắt buộc phải cấp phép sử dụng quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp khác. Điều này giúp Trung Quốc ép nhiều công ty đa quốc gia phải cấp giấy phép công nghệ cho doanh nghiệp Trung Quốc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Akamatsu, Kaname [1962], "A historical pattern of economic growth in developing countries", Journal of Developing Economies, no. 1[1], MarchAugust, pp.325.

2. Boltho1, Andrea and Weber, Maria [2009], Did China follow the East Asian development model? The European Journal of Comparative Economics, vol. 6, no. 2, pp. 267-286.

3. Acemoglu, Daron and Robinson, James A. [2002], The Political economy of Kuznets Curve, Review of Development Economics, no. 6[2], pp. 183-203.

4. Branigan, Tania [2014], Chinese premier declares war on pollution in economic overhaul, The Guardian, 5 March.

5. Cai, Peter [2015], Is China bidding farewell to 'GDPism'? The Australian Business Review, 28/01/205.

6. De, Hua [2007], Bù wěndìng bù pínghéng bù xiétiáo bùkě chíxù, Qianxian, 9/5/2007.

7. Edwards, Jim [2016], How China accumulated $28 trillion in debt in such a short time. //www.goldismoney2.com/threads/ how-china-accumulated-28-trillion-in-debt-in-such-a-short-time.87436/, ngày truy cập 01/3/2019.

8. Epoch [2016], Guóqǐ gǎigé nán tuīdòng Lǐ Kèqiáng pī zhǐ zhènnù, Dàjìyuán, 22/5. //www.epochtimes.com/gb/16/5/ 22/n7918326.htm, ngày truy cập 01/3/2019.

9. Fang, Cai [2018], How has the Chinese economy capitalised on the demographic dividend during the reform period? p. 248. In Ross Garnaut, Ligang Song and Cai Fang [2018, eds.], Chinas 40 years of reform and development 19782018, Australian National University Press.

10. Hoàng Thế Anh [chủ biên, 2018], Cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc và gợi mở đối với Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.

11. Hoàng Thế Anh [chủ biên, 2017], Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.

12. Hirson, Michael [2019], State Capitalism and the Evolution of China, Inc. Testimony before the U.S.-China Economic and Security Review Commission on Chinas Internal and External Challenges, February 7.

13. IMF [2018], World Economic Outlook Database, October.

14. IMF [2007], IMF Survey: China's Difficult Rebalancing Act. // www.imf. org/en/News/Articles/2015/09/28/04/53/socar0912a, truy cập ngày 01/3/2019.

15. Jain-Chandra, Sonali & Khor, Niny & Mano, Rui & Schauer, Johanna & Wingender, Philippe & Zhuang, Juzhong [2018], Inequality in China Trends, Drivers and Policy Remedies , IMF Working Papers, WP/18/127.

16. Kanbur, Ravi and Wang, Yue and Zhang, Xiaobo [2017], The great Chinese inequality turnaround, BOFIT Discussion Papers, no. 2.5.2017, Bank of Finland.

17. Kuo, Lily [2018], China 'environment census' reveals 50% rise in pollution sources, The Guardian, 31 March.

18. Lardy, Nicholas [2018], Private sector development. In Ross Garnaut, Ligang Song and Cai Fang [2018, eds.], Chinas 40 years of reform and development 19782018, Australian National University Press.

19. Lau, Stuart [2018], Xi Jinping deliberately skipped GDP target during epic congress speech, aide admits, South China Morning Post, 20/7.

20. Li, Hongbin & Loyalka, Prashant & Rozelle, Scott & Wu, Binzhen [2017], Human Capital and Chinas Future Growth, Journal of Economic Perspectives, vol. 31, no.1, pp. 2548.

21. Li, Tingting & Wang, Yong & Zhao, Dingtao [2016], Environmental Kuznets Curve in China: New evidence from dynamic panel analysis, Energy Policy, no. 91, pp. 138-147.

22. Lo, Chi [2016], What Does BREXIT Mean for China? The SWIFT Institute. //swiftinstitute.org/2016/07/what-does-brexit-mean-for-china/, ngày truy cập 01/3/2019.

23. OECD [2017], "China 2017 OECD Economic Survey More resilient and inclusive growth". //www.slideshare.net/oecdeconomy/china-2017-oecd-economic-survey-more-resilient-and-inclusive-growth, truy cập ngày 01/3/2019.

24. Park, Donghyun and Shin, Kwanho [2012], The Service Sector in Asia: Is It an Engine of Growth? Asian Development Bank Working Paper, no 322, p. 7.

25. Poon, Daniel [2014], Chinas Development Trajectory: A Strategic Opening for Industrial Policy in the South, UNCTAD Discussion Papers, no. 218.

26. Prasad, Eswar [ed., 2004], Chinas Growth and Integration into the World Economy: Prospects and Challenges, Occational papers, no. 232, p. 7.

27. Rutkowski, Ryan [2015], Service Sector Reform in China, Policy Brief, no. PB15-2, Peterson Institute for International Economics, p. 2.

28. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIV [1993], Nghị quyết Hội nghị Trung ương ba khóa XIV Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số vấn đề xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, ngày 14/11/1993.

29. Whalley, John & Zhao, Xiliang. [2010], The Contribution of Human Capital to China's Economic Growth, NBER Working Papers, no. 16592.

  1. Zhang, Chun [2015], China's New Blueprint for an 'Ecological Civilization', The Diplomat, 30 September.

Nguồn:Tạp chí NGHIÊN CÚU TRUNG QUỐCsố 2 [210] 2019

In bài viết
Gửi Email
Các tin đã đưa ngày:

Video liên quan

Chủ Đề