Đầu thế kỷ 20 người Cộng sản Việt Nam đầu tiên tiếp thu lý luận cách mạng Tháng 10 Nga là

Cách mạng Tháng Mười Nga và sức sống của chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay

Võ Văn Thưởng
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư

Vào ngày 7-11-1917, cách đây 100 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích Nga, đứng đầu là V.I.Lê-nin vĩ đại, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã nhất loạt khởi nghĩa, lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản và phản cách mạng, lập nên Nhà nước Xô-viết - nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, mở đầu thời đại mới trong lịch sử nhân loại - thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội [CNXH] trên phạm vi toàn thế giới. Với thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, lần đầu tiên khát vọng của nhân loại về một xã hội tự do, công bằng, bình đẳng, dân chủ đã trở thành một hiện thực trong xã hội, có sức mạnh vô cùng to lớn lôi cuốn hàng nghìn triệu người vào hành động cách mạng, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội[1]. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ mở ra con đường giải phóng dân tộc cho tất cả các dân tộc thuộc địa, mà còn thức tỉnh, cổ vũ giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới đứng lên đấu tranh tự giải phóng và lựa chọn con đường giành tự do, dân chủ. Sau Cách mạng Tháng Mười, đã có nhiều nước ở châu Á, châu Phi và Mỹ la-tinh vùng lên đấu tranh đánh đổ ách thống trị của thực dân và giành được độc lập, tự do cho dân tộc, đưa nhân dân từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.

Một thế kỷ trôi qua song chưa một sự kiện nào lại có ý nghĩa lớn lao và tính chất quốc tế sâu rộng như cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Nhìn lại thế kỷ 20, hầu hết các sự kiện lịch sử trọng đại cũng như xu hướng vận động của thế kỷ này đều bắt đầu hoặc ít nhiều chịu ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế[2].

Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, không chỉ đánh dấu sự ra đời của nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, mà còn tạo tiền đề cho sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa, một chế độ xã hội xóa bỏ mọi áp bức, bất công, đem lại công bằng, bình đẳng, tự do cho con người, đối lập với các chế độ của giai cấp bóc lột trước đó. Sự ra đời của Nhà nước Xô-viết và bước phát triển to lớn của Liên Xô trong những thập niên đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, thể hiện đầy đủ sức mạnh và tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội.

Sự thật không thể phủ nhận, nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới - Nhà nước Xô-viết, được khai sinh từ cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, sau một thời gian ngắn xây dựng chủ nghĩa xã hội, tuy phải đương đầu với các âm mưu và thủ đoạn chống phá vô cùng tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch, nhưng Liên Xô đã đạt được những thành tựu vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh, nhanh chóng trở thành cường quốc trên thế giới vào những năm 50 - 70 của thế kỷ 20; đồng thời có những đóng góp to lớn vào tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Trong nhiều thập niên, Liên Xô là thành trì của chủ nghĩa xã hội, là chỗ dựa vững chắc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Sức mạnh toàn diện và tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô đã khẳng định và tôn vinh giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Mười, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của các phong trào cách mạng trên thế giới trong thế kỷ 20.

Chủ nghĩa xã hội hiện thực từ thắng lợi ở một nước đã phát triển trở thành hệ thống thế giới. Tiếp sau Liên Xô, nhiều nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ la-tinh đã lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa cho sự phát triển, hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, đóng vai trò chi phối nhiều vấn đề và sự kiện quan trọng của thế giới hiện đại.

Tuy nhiên, từ cuối những năm 80 của thế kỷ 20, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu bước vào thời kỳ khủng hoảng, rồi sụp đổ trong những năm 1989 - 1991. Sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội mà là sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội giáo điều, xơ cứng, chậm thay đổi với những biến chuyển to lớn của thời cuộc; khi cải tổ, cải cách lại xa rời các nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với nhà nước và xã hội. Sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội Xô-viết xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có cả chủ quan lẫn khách quan, đã tác động rất sâu sắc đến mọi mặt của đời sống chính trị thế giới, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự vận động và phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực thế giới. Nhưng chính từ thực tiễn đó đã để lại những bài học quý giá, là cơ hội cho mỗi quốc gia nhận thức rõ hơn, đúng hơn quy luật vận động, phát triển lên chủ nghĩa xã hội, phù hợp với đặc điểm dân tộc mình và xu thế của thời đại.

Sau sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, các nước xã hội chủ nghĩa không tồn tại với tư cách là một hệ thống, nhưng sức sống và giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười, của chủ nghĩa xã hội vẫn tiếp tục được khẳng định trong sự nghiệp đổi mới, cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa.

Kiên định đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, từ cuối thế kỷ 20 đến nay, các nước xã hội chủ nghĩa và các lực lượng cách mạng thế giới tích cực đổi mới tư duy, ra sức cải cách trên mọi lĩnh vực để khẳng định giá trị bền vững và sức sống của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Những nguyên lý và các giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lê-nin được nhận thức đúng đắn hơn; những kinh nghiệm thành công và những hạn chế được nhìn nhận chân thực hơn; xu thế vận động của thế giới đương đại được cập nhật hơn.

Nhìn lại một thế kỷ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội với bao thăng trầm, biến cố, có cả những thành tựu và đổ vỡ, cùng với đó là sự xuất hiện của những trào lưu xã hội chủ nghĩa mới ở khắp các châu lục và ở ngay chính trong lòng các nước tư bản chủ nghĩa, càng khẳng định giá trị vượt thời gian của Cách mạng Tháng Mười. Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng khai sinh ra chủ nghĩa xã hội hiện thực - một kiểu xã hội công bằng, tự do, đem lại quyền làm chủ cho nhân dân lao động, cổ vũ các dân tộc bị áp bức, đứng lên giành quyền độc lập tự do và đã có đóng góp to lớn cho tiến trình lịch sử nhân loại, đó là: đánh bại chủ nghĩa phát-xít và chủ nghĩa quân phiệt, cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa diệt chủng và ách nô lệ; là trụ cột vững chắc, là lực lượng tiên phong đẩy mạnh cuộc đấu tranh vì hòa bình, hợp tác và phát triển; cổ vũ, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, thúc đẩy phi thực dân hóa trên toàn cầu; giúp các dân tộc, quốc gia ngăn chặn các cuộc chiến tranh xâm lược; tạo thêm tiền đề cho các quốc gia, dân tộc tăng cường xây dựng mối quan hệ quốc tế theo hướng bình đẳng, hợp tác, phát triển.

Ngày nay, mặc dù chủ nghĩa xã hội đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhưng theo quy luật, tất yếu loài người sẽ đi tới chủ nghĩa xã hội, bởi chỉ có chủ nghĩa xã hội mới thực sự giải phóng triệt để cho con người, đem lại cuộc sống độc lập, hòa bình, hữu nghị và hợp tác bình đẳng cho các dân tộc. Hướng tới mục tiêu cao đẹp đó, mỗi nước, mỗi quốc gia sẽ có những hình thức và bước đi rất khác nhau trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, như V.I.Lê-nin đã từng chỉ dẫn: Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ[3].

Đối với Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười thành công đã thổi một luồng ánh sáng mới của thời đại - ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, truyền tỏa đến Việt Nam đúng vào lúc phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang có chuyển biến sâu sắc, giai cấp công nhân có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và bước lên vũ đài chính trị; góp phần chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc vào đầu thế kỷ 20. Từ bản Luận cương năm 1920 của V.I.Lê-nin về Vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra kết luận sâu sắc: chỉ có đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười - con đường duy nhất đúng đắn, cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thực sự.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 là kết quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt căn bản của cách mạng Việt Nam. Từ đó, con đường cứu nước và giải phóng dân tộc chỉ có thể là con đường cách mạng vô sản, là con đường gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn cách mạng Việt Nam với xu thế thời đại.

Cách mạng Tháng Mười không chỉ rọi sáng con đường cách mạng Việt Nam, mà còn cổ vũ quần chúng công nông vùng lên làm cách mạng, đánh đổ ách thống trị của thực dân và phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân. Chiến thắng vĩ đại của Hồng quân Liên Xô trong đánh bại quân phiệt Nhật Bản, buộc chúng đầu hàng vô điều kiện vào ngày 15-8-1945, đã tạo tiền đề rất quan trọng cho nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa [nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam], đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội; cổ vũ cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, khởi đầu quá trình ủng hộ, giúp đỡ to lớn và toàn diện của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô đối với cách mạng Việt Nam. Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga và thực tiễn hoạt động của chính quyền Xô-viết đã để lại nhiều kinh nghiệm có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn rất sâu sắc cho Đảng và nhân dân Việt Nam.

Vận dụng sáng tạo, phát triển phù hợp những giá trị phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga vào điều kiện cụ thể của đất nước, cùng với sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Liên Xô, của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để giành được những thắng lợi vẻ vang trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền nam, thống nhất đất nước; là thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía bắc của Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, giữ vững chủ quyền lãnh thổ và vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa.

Trong những thời điểm phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có sự khủng hoảng nghiêm trọng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu đổ vỡ, trước rất nhiều khó khăn, thử thách lớn, cùng với những biến đổi sâu sắc của thời đại và thế giới, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật, Đảng ta kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, kiên trì sự nghiệp đổi mới được khởi xướng từ Đại hội VI [tháng 12-1986] cho đến nay. Hơn 30 năm đổi mới, với tư cách một đảng cách mạng chân chính, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng vẫn luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời không ngừng tiếp thu có chọn lọc và vận dụng phù hợp những giá trị của nền văn minh nhân loại để hiện thực hóa con đường cách mạng mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn.

Những thắng lợi và thành tựu to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta gần chín thập kỷ qua, đặc biệt trong hơn 30 năm đổi mới đã góp phần khẳng định tầm vóc lớn lao, ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng thế giới nói chung và cách mạng Việt Nam nói riêng; đồng thời là minh chứng sinh động tính đúng đắn của con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Đi theo con đường do Lê-nin vĩ đại đã vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lê-nin vĩ đại là vô cùng sâu sắc[4].

Sau 100 năm, lý tưởng cao đẹp và những giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga là: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội vẫn luôn tỏa sáng, vẫn luôn là nguồn động lực thôi thúc và khơi dậy tinh thần cách mạng của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Việt Nam.

Bài học của Cách mạng Tháng Mười, của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy không trở ngại nào, không xu hướng đối lập nào có thể cản trở sự nghiệp phát triển tiến bộ của nhân loại trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã đi vào lịch sử với tính cách đột phá mở đường và dẫn đường, là một thành tựu lớn trong tiến trình của lịch sử nhân loại. Với Cách mạng Tháng Mười và lý tưởng cao cả của nó, cách mạng quốc tế tương lai sẽ xây dựng lên lâu đài xã hội chủ nghĩa của mình[5].

Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga là dịp để chúng ta khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lớn lao và giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga và những cống hiến, đóng góp to lớn của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong lịch sử nhân loại; đồng thời là dịp để chúng ta nhìn nhận, phân tích sâu sắc, khoa học những kinh nghiệm, bài học lịch sử cả về sự thành công và thất bại của chủ nghĩa xã hội hiện thực một thế kỷ qua; làm rõ những nguyên nhân sâu xa dẫn đến trì trệ, khủng hoảng và sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực mô hình Xô-viết sau hơn 70 năm tồn tại và phát triển; từ đó tìm ra những quy luật, những cách thức phát triển mới, nhanh, bền vững, phù hợp với xu thế thời đại trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.12, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 1996, tr.303.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.12, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 1996, tr.300.

[3] V.I.Lê-nin Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mát-xcơ-va, 1981, tập 30, tr.160.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.397.

[5] V.I.Lê-nin, Toàn tập, T.36, Nxb Tiến Bộ, M.1977, tr.473.

Video liên quan

Chủ Đề