Thuốc dạng corticoid là gì

Corticoid là tên gọi chung của những hoạt chất tự nhiên hoặc tổng hợp có nhân steroid, được dùng với mục đích chống viêm, giảm đau, giảm dị ứng, ức chế miễn dịch… Đây là nhóm hoạt chất có nhiều lợi ích trong điều trị lâm sàng nhưng cũng tiềm ẩn vô số tác dụng phụ nguy hiểm, cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Dưới đây là những thông tin cơ bản về Corticoid [Corticosteroid].

Cấu trúc hóa học của nhân Steroid

Tên gốc: Corticosteroid [gọi tắt Corticoid]

Phân nhóm: Nhóm thuốc kháng viêm có steroid

Corticoid hay Corticosteroid là hormon được tiết ra bởi vỏ thượng thận có vai trò quan trọng trong điều hòa chuyển hóa muối, đường, mỡ, chất đạm và duy trì các chức năng sống của cơ thể.

Ở điều kiện sinh lý bình thường, vỏ thượng thận bài tiết ra 2 loại hormon là:

  • Glucocorticoid: Còn gọi là hormon điều hòa glucose, được tiết ra bởi vùng bó và vùng lưới ở phía trong, dưới tác động kiểm soát của ACTH tuyến yên.
  • Mineralocorticoid: Hormone điều hòa điện giải, đại diện là Aldosteron, chịu sự kiểm soát của hệ Renin – Angiotensin.

Trong lâm sàng, thường sử dụng Glucocorticoid nên bài viết dưới đây chỉ trình bày về nhóm thuốc này.

Hormon điều hòa glucose – Glucocorticoid [thường được gọi tắt là corticoid hay GC] gồm 2 chất: Cortisol và Hydrocortison, do vỏ thượng thận tiết ra trong điều kiện sinh lý bình thường. Hiện nay, người ta dựa vào công thức của Hydrocortison để sản xuất ra các loại corticoid tổng hợp như Prednisolon, Methylprednisolon, Dexamethason, Betamethason… Những hoạt chất này có mức độ hoạt lực khác nhau, được dùng với mục đích kháng viêm và điều trị các bệnh liên quan đến miễn dịch. Nhờ đó, corticoid hiện này được đưa lên hàng thuốc được sử dụng phổ biến nhất thế giới.

Tùy thuộc vào mức độ hoạt lực chống viêm, các loại corticoid được chia vào 3 nhóm:

  • Nhóm 1: Bao gồm các Cortisol, Hydrocortison và Prednisone. Nhóm này có thời gian tác dụng ngắn, tác dụng chống viêm, chống dị ứng, giảm phù nề thấp, liều dùng cao. 
  • Nhóm 2: Gồm Prednisolone và Methylprednisolone. Nhóm này có thời gian tác dụng trung bình, hoạt lực chống viêm vừa, ít gây giữ muối, nước, ít gây nhược cơ, yếu cơ.
  • Nhóm 3: Betamethasone, Dexamethason, Triamcinolon… hiệu lực chống viêm cao, không giữ nước, liều dùng thấp.

Các chế phẩm sử dụng Corticoid thường được bào chế dưới các dạng sau:

  • Dạng uống: thuốc viên, siro, hỗn dịch…
  • Dạng tiêm
  • Dạng bôi ngoài: kem, mỡ, gel…
  • Dạng xông, phun, hít, khí dung
  • Dạng nhỏ mắt
Corticoid được sử dụng phổ biến với nhiều dạng bào chế khác nhau phù hợp với từng bệnh lý

Corticoid có cả tác dụng sinh lý và tác dụng điều trị. 

Về sinh lý, các corticosteroid tham gia vào các quá trình:

  • Chuyển hóa: glucid, protid, lipid, phospho, calci, chuyển hóa nước và điện giải. 
  • Tác động lên thần kinh trung ương: thay đổi tính tình, giải tỏa căng thẳng, gây thèm ăn
  • Tim mạch: Giữ muối nước, tăng nhịp tim
  • Tiêu hóa: Tăng tiết dịch vị, giảm tiết chất nhày [do đó làm tăng nguy cơ các bệnh loét dạ dày, tá tràng]

Trong điều trị, người ta thường sử dụng các chế phẩm chứa corticoid với tác dụng chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch:

Tác dụng chống viêm

Các corticoid tác dụng trên nhiều giai đoạn khác nhau của quá trình viêm bao gồm:

  • Ức chế sự di chuyển của bạch cầu về ổ viêm
  • Giảm sản xuất, giảm hoạt tính của các chất trung gian hóa học gây viêm
  • Ức chế giải phóng các men tiêu thể, các gốc tự do, từ đó là giảm hoạt tính cacsu các chất trung gian gây viêm

Tác dụng chống dị ứng

Các Corticosteroid ngăn cản và làm giảm mức độ của các phản ứng dị ứng bằng cách phong tỏa các phản ứng giải phóng các chất trung gian hóa học gây dị ứng: Histamin, Serotonin…

Tác dụng ức chế miễn dịch

Corticosteroid tác dụng chủ yếu trên miễn dịch tế bào, ít gây ảnh hưởng đến miễn dịch dịch thể. Cụ thể:

  • Ức chế tăng sinh các tế bào lympho T, giảm sản xuất Interleukin 1 và 2
  • Giảm hoạt tính gây độc tế bào của các lympho T và các tế bào diệt tự do NK, từ đó ức chế sản xuất Interleukin 2 và interferon gamma.
  • Ức chế sản xuất TNF, giảm hoạt tính diệt khuẩn, gây độc và nhận diện kháng nguyên của đại thực bào

Với những công dụng trên, corticoid thường được chỉ định sử dụng trong các trường hợp:

  • Chống viêm trong thời gian ngắn cho các trường hợp nặng cần chống viêm mạnh
  • Một số bệnh ngoài da: Viêm da, nấm, khô da, các tình trạng có sừng hóa…
  • Hỗ trợ điều hòa, chuyển hóa các chất glucid, protid, lipid, phospho, calci…
  • Hỗ trợ điều hòa chức năng hệ thần kinh trung ương
  • Điều trị một số bệnh miễn dịch như lupus ban đỏ, viêm khớp, viêm khớp dạng thấp, bệnh thấp tim, các bệnh thận, hen…
  • Chống dị ứng mạnh
Corticoid bôi ngoài được sử dụng rộng rãi và phổ biến

Corticosteroid mang lại nhiều lợi ích điều trị, được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới. Tuy nhiên, các loại hoạt chất này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tác dụng phụ nguy hiểm. Điển hình:

  • Tác dụng phụ trên trẻ em: Sử dụng Corticoid liều cao, kéo dài sẽ ức chế sự phát triển của xương và sụn, từ đó làm hạn chế sự phát triển chiều cao của trẻ.
  • Loãng xương: Corticoid gây mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và hủy xương, giảm hấp thu canxi ở ruột. Từ đó làm tăng quá trình hủy xương, gây loãng xương, giòn xương, xốp xương. Người dùng Corticoid kéo dài có thể gặp hiện tượng dễ gãy xương, đặc biệt là các xương ở vùng chịu lực như xương chậu, xương đùi, cột sống và cổ tay…
  • Suy vỏ thượng thận: Ở điều kiện sinh lý, vỏ thượng thận sẽ tiết ra Corticoid trong một khoảng thời gian nhất định. Việc dùng Corticoid không đúng thời gian và liều lượng có thể ức chế quá trình tiết hormon sinh lý này, từ đó làm teo tuyến thượng thận, dẫn đến việc cơ thể không thể sản xuất được corticosteroid tự nhiên.
  • Hội chứng Cushing: Đây là hội chứng thường gặp ở người dùng Corticoid liều cao, kéo dài. Hội chứng Cushing là một hội chứng rối loạn phân bố mỡ. Ở những người mắc hội chứng này, mô mỡ thường tập trung ở vị trí mặt, lưng, ngực, gây hiện tượng “khuôn mặt trăng tròn” và gù trâu.
Hội chứng Cushing do dùng thuốc Corticoid liều cao, kéo dài
  • Loét dạ dày – tá tràng: Tình trạng này thường gặp ở những bệnh nhân dùng corticosteroid kéo dài hoặc kết hợp với NSAIDs do cơ chế tăng tiết dịch vị và giảm tiết chất nhầy tiêu hóa.
  • Tăng đường huyết: Các corticosteroid hoạt động theo cơ chế phân giải Glycogen thành glucose và tăng tân tạo đường từ protid. Do vậy, nếu dùng thuốc lâu dài, người bệnh có thể giảm dung nạp glucose, giảm đáp ứng insulin, tăng nguy cơ đái tháo đường và các bệnh tim mạch kèm theo.
  • Rối loạn dịch và chất điện giải: Corticosteroid liều cao gây giữ natri, nước, tăng thải kali dẫn đến tình trạng phù và nhược cơ.
  • Rối loạn tâm thần: Các rối loạn tâm thần thường gặp là trầm cảm, hưng phấn, mất ngủ, thay đổi tâm trạng thất thường, thay đổi tính cách…
  • Dạng dùng ngoài da: Có thể gây teo da, mỏng da, chậm lành vết thương, gia tăng vết loét, rậm lông, rạn da, giảm sắc tố da, viêm nang lông, giãn mao mạch xuất huyết… tình trạng da nhiễm corticoid chuyển biến nặng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và thẩm mỹ làn da.
  • Dạng xịt họng, phun hít: Gây nhiễm nấm candida họng, khó phát âm, ho kéo dài
  • Dạng nhỏ mắt: Đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp

Lưu ý: Ngoài các dạng thuốc bôi với mục đích điều trị, các corticosteroid hiện nay còn được sử dụng với mục đích làm đẹp, đặc biệt là Corticoid kem trộn. Các dạng mỹ phẩm này mang lại hiệu quả dưỡng trắng hoặc trị mụn “thần tốc” chỉ sau vài ngày đến 2 tuần sử dụng. 

Khi sử dụng mỹ phẩm chứa corticoid [kem trộn], ban đầu da sẽ đẹp lên nhanh chóng, trắng hồng, mờ thâm, giảm mụn… Nhưng chỉ sau 1 thời gian ngắn hoặc khi ngừng thuốc đột ngột sẽ gây ra tình trạng hư hỏng da nặng nề, khó chữa.

Ngoài ra, người sử dụng kem trộn chứa corticoid cũng có thể gặp một số tai biến như khi dùng thuốc đường toàn thân. Do vậy, người bệnh cần cẩn thận khi lựa chọn các chế phẩm làm đẹp chứa corticosteroid, đặc biệt là kem trộn.

Corticoid kem trộn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đến làn da và sức khỏe của người sử dụng

Các corticosteroid dùng tại chỗ cũng có thể gây tác dụng toàn thân như khi dùng đường uống hoặc tiêm, đặc biệt là khi dùng liều cao, kéo dài. Do vậy, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ các quy định dùng thuốc về liều lượng, dạng dùng, thời gian dùng…để tránh những tác dụng không mong muốn.

  • Dùng liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất. Nếu dùng kéo dài, người bệnh cần áp dụng phác đồ giảm liều theo hướng dẫn.
  • Chọn corticosteroid có thời gian bán thải ngắn hoặc vừa [như prednisolon]
  • Liều cao: Dùng 1 lần/ngày vào 8h sáng hoặc ⅔ liều vào buổi sáng và ⅓ liều vào buổi chiều. Liều cao sử dụng cho bệnh nhân nặng, phải dùng thuốc kéo dài.
  • Liều trung bình cách ngày: 1 lần/ngày vào buổi sáng. 
  • Liều nhỏ: Dùng đợt ngắn, dưới 2 tuần
  • Tăng liều khi có stress.
  • Tuyệt đối không ngừng thuốc đột ngột sau 1 đợt điều trị kéo dài [>2 tuần], kể cả khi dùng với liều rất thấp vì có thể gây tử vong.

Hiện nay corticosteroid được sử dụng rất phổ biến trong các chế phẩm bôi ngoài với mục đích điều trị bệnh hoặc làm đẹp. Để tránh tác dụng không mong muốn, người bệnh cần chú ý:

  • Lựa chọn corticosteroid phù hợp với tính chất bệnh lý và vùng da bị tổn thương.
  • Thường bôi ngày 2 lần, đôi khi là  3 – 4 lần nếu có chỉ định cụ thể. Khi bôi mát xa nhẹ để thuốc ngấm vào da
  • Thời gian dùng thuốc bôi: Loại mạnh khoảng 2 tuần, loại nhẹ có thể kéo dài 6 – 7 tuần. Đánh giá lại sau mỗi 2 tuần dùng thuốc.
  • Không bôi corticosteroid trên diện rộng vì có thể gây quá liều, hấp thu và gây tác dụng toàn thân.
Thận trọng khi dùng thuốc chứa Corticoid bôi ngoài da để tránh tác dụng phụ nguy hiểm

Cũng giống như nhiều loại thuốc điều trị khác, corticosteroid cũng có thể gây tương tác với các thuốc điều trị cùng. Cụ thể:

  • Một số loại thuốc như troleandomycin [TAO], erythromycin, clarithromycin và ketoconazole [Nizoral] có thể làm giảm khả năng chuyển hóa của corticosteroid. Do đó làm giảm hoạt lực và tác dụng phụ của corticosteroid trong cơ thể. 
  • Phenobarbital, ephedrine , phenytoin và rifampicin có thể làm giảm nồng độ corticosteroid trong máu bằng cách tăng sự phân hủy của corticosteroid ở gan. Do đó cần tăng liều corticosteroid khi sử dụng kết hợp.
  •  Estrogen
  • Thuốc chống đông máu Warfarin [Coumadin]
  • Thuốc hạ kali máu [thuốc lợi tiểu, amphotericin B]: khi dùng kết hợp có thể làm hạ kali máu và tăng nguy cơ suy tim
  • Thuốc anticholinesterase [Physostigmine]: tăng tác dụng phụ nhược cơ khi được kê đơn với corticosteroid.
  • NSAIDs [Celecoxib, Diflunisal, Etofenamate, Etoricoxib, Felbinac, Fenoprofen, Ibuprofen, Indomethacin, Ketoprofen, Ketorolac..] tăng nguy cơ viêm loét dạ dày – tá tràng
  • ….

Thể trạng của bệnh nhân có thể ảnh hưởng đến hiệu quả tác dụng của thuốc. Bao gồm:

  • Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải [AIDS]
  • Nhiễm nấm
  • Nhiễm herpes simplex ở mắt;
  • Nhiễm trùng virus gây suy giảm miễn dịch ở người [HIV]
  • Nhiễm trùng tại vị trí điều trị
  • Phẫu thuật gần đây hoặc chấn thương nghiêm trọng
  • Nhiễm giun lươn
  • Bệnh lao
  • Tình trạng khác: Đậu mùa, tiểu đường, sởi…

Ngoài ra, các Corticoid còn có thể gây tương tác với một số thức ăn, chất kích thích như rượu bia, thuốc lá. Do vậy, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ về những thực phẩm, đồ uống có thể sử dụng trong quá trình điều trị bằng Corticoid. 

Sử dụng Corticoid cần thận trọng trong một số trường hợp sau:

  • Trẻ em
  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con hú
  • Người cao tuổi
  • Bệnh nhân có mắc các bệnh lý viêm loét dạ dày, suy gan, suy thận, suy giảm miễn dịch… kèm theo
  • Đái tháo đường và tăng huyết áp
  • Người dị ứng với Corticoid
  • Các trường hợp nhiễm khuẩn và nấm chưa có điều trị đặc hiệu
  • Loãng xương
  • Bệnh nhân viêm gan A, B

Để sử dụng Corticoid an toàn và hiệu quả, người bệnh cần chú ý một số vấn đề sau:

  • Tuân thủ tuyệt đối các hướng dẫn điều trị của bác sĩ, đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất in trên bao bì sản phẩm trước khi sử dụng, đặc biệt là với thuốc bôi ngoài.
  • Ăn nhạt, hạn chế các đồ ăn, thức uống chế biến sẵn, nhiều đường muối
  • Chế độ ăn: nhiều protein, canxi, kali, ít muối đường và lipid. Có thể dùng thêm vitamin D.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: nước tiểu, huyết áp, điện quang dạ dày, cột sống, đường máu, kali máu, thăm dò chức năng não – tuyến yên -tuyến thượng thận.

Corticoid nên được bảo quản bằng cách:

  • Bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng trực tiếp
  • Không bảo quản trong phòng tắm, ngăn đá tủ lạnh
  • Đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì
  • Tránh xa tầm tay trẻ em và động vật nuôi trong nhà.
  • Không vứt thuốc vào đường ống sử dụng và toilet.

Trên đây là những thông tin về hoạt chất Corticoid. Đến nay, việc sử dụng Corticoid trong lâm sàng để điều trị còn nhiều tranh cãi. Do đó, người bệnh cần tuân thủ liều lượng, thời gian dùng thuốc của bác sĩ, không tự ý ngừng dùng thuốc đột ngột để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Video liên quan

Chủ Đề