Tham luận về công tác xây dựng chính quyền

Trong năm qua, toàn Đảng ta tập trung giải quyết ba vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI. Có thể nói, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 đã và đang được triển khai thực hiện rất khẩn trương và nghiêm túc. Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành một loạt nghị quyết, kết luận, quy định quan trọng về giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên; về sự gương mẫu của người đứng đầu; về xây dựng quy hoạch cán bộ cấp Trung ương; đã quyết định lập lại Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết; chấn chỉnh ngay một số khuyết điểm; đổi mới ngay một số lề lối, phong cách công tác; xử lý nghiêm một số cán bộ có sai phạm ở các cấp...

Nghị quyết của Đảng cũng đã lan tỏa sâu rộng trong hoạt động của toàn hệ thống chính trị, trong toàn xã hội, trong hoạt động của các cơ quan, bộ máy nhà nước. Một số chủ trương của Đảng đã được thể chế hóa thành luật pháp, chính sách, các chương trình hành động cụ thể. Quốc hội đã thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng, đáng chú ý là Luật Phòng, chống tham nhũng [sửa đổi], Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động nhằm tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó xác định các nhiệm vụ chủ yếu là thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ, nâng cao chất lượng thực thi công vụ; đề cao và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí Các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra đều đang tích cực vào cuộc. Nhiều địa phương đã có chương trình, kế hoạch sửa chữa ngay một số khuyết điểm, khắc phục ngay một số yếu kém, hạn chế những bức xúc.

Tuy nhiên, có thể nói, một số kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI trong năm qua mới chỉ là bước đầu. Công tác xây dựng Đảng còn là vấn đề lâu dài, lắm cam go, phức tạp. Khi mà chúng ta chưa phát huy tốt sức mạnh to lớn của đông đảo quần chúng tham gia công tác này, khi chúng ta chưa có cơ chế, quy định, cụ thể hóa quan điểm dựa vào dân để xây dựng Đảng thì công tác xây dựng Đảng chưa thể quả quyết thành công một cách bền vững. Trong thời gian qua, rất nhiều quần chúng, người dân khao khát được tham gia góp ý kiến xây dựng tổ chức đảng, xây dựng cán bộ, đảng viên, nhưng vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân chưa có cơ chế, quy định cụ thể, thống nhất về công tác này nên chưa có điều kiện đóng góp ý kiến, trí tuệ, sáng kiến của mình với Đảng. Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI Đảng đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, trong đó nhóm nhiệm vụ thứ 6 có ghi rõ: Ban Dân vận Trung ương chủ trì phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ chế để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, trình Bộ Chính trị ban hành. Trong Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành ngày 12-3-2012 cũng đề rõ thời gian trình Bộ Chính trị quy chế, cơ chế nói trên vào năm 2012.

Việc soạn thảo, ban hành một quy chế, quy định liên quan đến đối tượng rộng rãi là quần chúng nhân dân về những vấn đề trọng đại, chưa có tiền lệ, là một việc không đơn giản, dễ dàng, nhưng đối với công tác được coi là cấp bách, mà đến nay chưa ban hành được quy chế, cơ chế để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội giám sát, phản biện xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền như Nghị quyết đề ra, thì đã là chậm, chưa kịp thời đáp ứng sự mong mỏi, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân. Cũng xin nhắc lại rằng, sự chậm trễ này không phải là của năm cũ 2012 mà là từ Đại hội X của Đảng. Trong Nghị quyết Đại hội X có đề ra nhiệm vụ Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ.

Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành đã tạo ra hiệu ứng xã hội rất tích cực. Một số tờ báo, tạp chí, cơ quan thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức chuyên trang, hội thảo, đăng tải nhiều ý kiến xung quanh nội dung này, thu hút sự chú ý đặt ra niềm hy vọng đối với các tổ chức chính trị - xã hội, với đông đảo quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, sau đó, quy chế này chưa được thông qua, ban hành. Lần này, hy vọng trong thời gian trước mắt, sự chậm trễ này sẽ được giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi để quần chúng nhân dân tham gia tốt hơn nữa vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Với tinh thần đó, người viết bài này xin tham gia góp một vài ý kiến góp phần giải quyết sự chậm trễ này trong thời gian tới.

Trước hết,có thể khẳng định rằng, vấn đề giám sát, phản biện xã hội cũng như việc quần chúng nhân dân tham gia ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phê bình cán bộ, đảng viên, không phải là vấn đề mới, chưa phải là các tổ chức đảng, các cấp chính quyền chưa thực hiện. Mà ngược lại, đã có lúc, có nơi, việc này được thực hiện khá sôi nổi, hiệu quả [thường là dưới hình thức dân chủ đại diện] góp phần củng cố, xây dựng các tổ chức đảng, chính quyền trong 83 năm từ khi Đảng ta được thành lập và 68 năm từ khi nước nhà giành quyền độc lập, tự do.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công tác này thực hiện chưa được thật thống nhất, đồng bộ, nền nếp. Cho đến nay, trong điều kiện, hoàn cảnh mới, nhất là trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, trong điều kiện Đảng cầm quyền, với nhiều vấn đề cấp bách đặt ra, trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, thì cần có cơ chế, quy chế, quy định cụ thể thống nhất, đồng bộ, bài bản, cụ thể hơn trong công tác này. Do vậy, các cơ quan chức năng soạn thảo trình Bộ Chính trị ban hành quy chế, quy định về giám sát, phản biện xã hội, góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân, nhất là mở rộng hình thức dân chủ trực tiếp, là rất quan trọng và cấp thiết, có ý nghĩa quyết định tới thành công của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Mục đích của việc giám sát, phản biện xã hội cũng như góp ý không gì khác ngoài góp phần xây dựng, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, kiến nghị nhằm khắc phục những sai sót, yếu kém; sửa đổi những quy định không phù hợp, những nội dung chưa sát, chưa đúng trong các dự thảo văn bản của Đảng, Nhà nước; góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội trong việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, các quyết định quan trọng của Đảng, Nhà nước, các chương trình, dự án, đề án, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; góp phần xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; cụ thể hóa một bước phương châm Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ trong điều kiện, hoàn cảnh mới.

Thứ hai,về thể thức văn bản cũng cần cân nhắc, lựa chọn để xác định phạm vi, đối tượng, hình thức giám sát, phản biện, góp ý sao cho hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cồng kềnh, lãng phí, không rõ trách nhiệm. Căn cứ vào nội dung nhiệm vụ mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI yêu cầu thì có thể hình dung có 3 loại văn bản quy định cần chuẩn bị, ban hành. Thứ nhất, Quy chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Thứ hai, Quy chế phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Thứ ba, cơ chế để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tuy nhiên, trong Nghị quyết lần này chưa nói rõ giám sát những gì, giám sát ai; phản biện những nội dung gì, phản biện tổ chức, cơ quan nào; góp ý cho ai, hình thức góp ý cũng như việc tiếp thu, trả lời của các tổ chức, cơ quan, cá nhân được giám sát, phản biện, góp ý.

Đối với vấn đề giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội, cần có các điều khoản quy định Quy chế giám sát và quy định Quy chế phản biện xã hội, trong đó quy định rõ đối tượng giám sát và đối tượng bị giám sát. Nhưng dù có quy định thế nào chăng nữa đối tượng giám sát nhất thiết phải có quần chúng nhân dân chứ không chỉ có những người đại diện cho quần chúng nhân dân là Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, đồng thời tăng cường, mở rộng hình thức dân chủ trực tiếp. Theo đó, sau khi có Quyết định ban hành của Bộ Chính trị thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết, Chính phủ có nghị định hướng dẫn thi hành trong toàn quốc như đối với Quy chế Dân chủ ở cơ sở cách đây 13 năm về trước. Và như vậy thì cần rút kinh nghiệm từ việc xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở để việc thực hiện Quy chế giám sát, phản biện xã hội nhanh chóng đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả tốt hơn.

Đối với việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thì sẽ có Quy định kèm theo Quyết định của Bộ Chính trị, từ đó Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng đoàn các đoàn thể chính trị - xã hội, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, các cơ quan Trung ương Đảng lãnh đạo, tổ chức, hướng dẫn thi hành Quy định này.

Thứ ba,có rất nhiều vấn đề quan trọng, cần thiết cần được quy định một cách cụ thể trong Quy chế giám sát, phản biện xã hội, góp ý của các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước, như đối tượng, nội dung, phạm vi, hình thức, phương pháp, quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân giám sát, phản biện cũng như của đối tượng bị giám sát, hình thức phản biện, góp ý. Đối tượng, nội dung của công tác giám sát, phản biện, góp ý là rất rộng lớn, phạm vi rộng lớn, nội dung toàn diện, hình thức cũng đa dạng phong phú phù hợp với từng đối tượng, loại hình, địa bàn hoạt động, công tác; kết hợp chặt chẽ giữa hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp,... Thế nhưng, điều quan trọng hàng đầu để xây dựng và thực hiện tốt các quy chế, quy định là phải phát huy dân chủ trong Đảng và để thực hiện dân chủ trong Đảng, thì trước hết, các cơ quan kiểm tra, giám sát, phản biện phải có thực quyền và tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên phải thật sự cầu thị, tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến nhân dân. Thứ nữa là, Đảng phải công khai, minh bạch, chấp nhận tranh luận. Công khai, minh bạch là một trong những điều kiện tiên quyết để phát huy dân chủ, nhất là công khai, minh bạch, chấp nhận công khai tự phê bình và phê bình trên các phương tiện thông tin đại chúng, trước quần chúng nhân dân. Khi tổ chức đảng, các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước hoạt động trong điều kiện có quyền quyết định chủ trương, quyết định công tác cán bộ, quyết định cả tiền bạc mà nếu chỉ bằng tự phê bình và phê bình không thôi thì chưa thể mang lại hiệu quả như mong muốn. Đảng phải thực sự tuân theo Hiến pháp, pháp luật và mọi việc đều phải làm theo luật pháp, đặt mình trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật, chứ không thể có chuyện nghị quyết, quy định của Đảng có hiệu lực hơn cả pháp luật. Nếu đã công nhận Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì đảng viên dù ở cấp nào cũng phải chịu sự phán xét của pháp luật. Không làm như vậy sẽ giảm niềm tin nơi quần chúng nhân dân, kể cả đông đảo cán bộ, đảng viên vào sự lãnh đạo của Đảng.

Nói một cách ngắn gọn là Quy chế giám sát, Quy chế phản biện xã hội, Quy định góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đều nhằm mục đích thu thập ý kiến của quần chúng, nhân dân qua công tác giám sát, phản biện, góp ý để xây dựng Đảng. Những quy chế, quy định này có đi vào cuộc sống một cách có hiệu quả hay không phụ thuộc vào yếu tố mang tính quyết định là quần chúng nhân dân. Điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta viết trong tác phẩmSửa đổi lối làm việcnăm 1947 vẫn còn nguyên giá trị với thực tiễn hiện nay: Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta./.

Vũ Lân

Nguồn://www.tapchicongsan.org.vn/

Video liên quan

Chủ Đề