Thai nhi 28 tuần phát triển như thế nào

Thai nhi 28 tuần nghĩa là bạn đang mang thai ở tháng thứ 7 và đã bước vào tuần đầu tiên của tam cá nguyệt thứ ba. Vào các tuần cuối thai kỳ, thai nhi phát triển và tăng cân nhanh chóng khiến không gian bên trong tử cung ngày càng trở nên chật chội hơn.

Trong giai đoạn này, mẹ đừng quá lo lắng nếu thai nhi chưa quay đầu. Tham khảo những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết sau để hiểu thêm về sự phát triển của bé ở tuần 28 và những lưu ý mà mẹ bầu cần biết nhé!

Sự phát triển của thai nhi 28 tuần tuổi

Thai nhi 28 tuần nặng bao nhiêu?

Bé lúc này có kích thước của một bắp cải thảo, nặng khoảng 1.026 – 1.368 kg và dài khoảng 37.6 cm tính từ đầu đến gót chân.

Thai nhi 28 tuần phát triển như thế nào?

Bộ não và hệ thần kinh của bé

Trong tam cá nguyệt thứ 3 này, não bộ của bé sẽ tăng gấp ba lần trọng lượng. Não sẽ phát triển các rãnh sâu, phức tạp để tạo thêm diện tích bề mặt mà không chiếm nhiều chỗ trong hộp sọ.

Ở tuần thứ 28, hệ thần kinh thực vật (hệ thần kinh tự chủ) của thai nhi đang đảm nhận các nhiệm vụ mới, chẳng hạn như: bắt đầu kiểm soát nhiệt độ cơ thể của bé, quản lý các chuyển động thở nhịp nhàng, giúp phát triển và củng cố phổi của bé.

Các giác quan của bé

Thai 28 tuần, các giác quan thính giác, khứu giác và xúc giác của bé đã phát triển và hoạt động tốt.

Bé có thể đang mơ

Thai nhi 28 tuần bắt đầu trải qua giấc ngủ REM (chuyển động mắt nhanh), điều đó có nghĩa là rất có thể con bạn đang mơ!

Bé có thể chớp mắt

Cho đến trước tuần 28 của thai kỳ thì mắt bé vẫn nhắm chặt. Giờ đây, bé yêu đã có thể mở và nhắm mắt. Lông mi mắt cũng đã xuất hiện.

Le lưỡi

Thai nhi thường thè lưỡi ở độ tuổi này. Không ai biết chính xác lý do tại sao, nhưng có thể em bé đang nếm nước ối của bạn.

Ngoài ra, da bé vẫn tiếp tục có thêm lớp mỡ và trẻ vẫn đang tiếp tục mọc tóc.

Có thể bạn quan tâm

Nếu bạn có đi khám thai vào thời điểm thai nhi được 28 tuần tuổi, bác sĩ có thể cho mẹ biết liệu bé đang ở ngôi thai thuận hoặc ngôi thai ngược. Những bé ở tư thế ngôi ngược cho đến cuối thai kỳ có thể cần phải mổ lấy thai. Tuy nhiên, bé vẫn còn 12 tuần để thay đổi vị trí, vì vậy đừng lo lắng nếu bé của mẹ đang ở tư thế ngôi không thuận trong tuần này.

Sự thay đổi trên cơ thể của mẹ ở tuần thai thứ 28

Thai nhi 28 tuần phát triển như thế nào

Mang thai 28 tuần, cơ thể mẹ thay đổi như thế nào?

Nhiều mẹ bắt đầu cảm thấy nặng nề, khó chịu hơn trong tam cá nguyệt thứ ba. Mẹ có thể bị đau lưng, chuột rút ở chân, khó tiêu, ợ nóng, đau thần kinh tọa. Tay và chân cũng có thể bị sưng phù gây đau nhức. Vì vậy, mẹ nên tháo bất kỳ đồ trang sức nào bị chật khi đeo nhé!

Ngủ nghiêng khi thai kỳ phát triển cũng rất quan trọng, đặc biệt là từ tuần 28. Nằm ngửa sẽ gây áp lực lên các mạch máu lớn. Điều này có thể làm giảm lưu lượng máu đến tử cung của bạn và hạn chế nguồn cung cấp oxy cho em bé. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nằm nghiêng khi ngủ có thể giảm một nửa nguy cơ thai chết lưu.

Rò rỉ sữa non

Trong tam cá nguyệt thứ ba, bạn có thể nhận thấy những chấm nhỏ chứa chất màu vàng xuất hiện bên trong áo ngực. Đây là sữa non, loại sữa đầu tiên mà cơ thể bạn tạo ra khi mang thai và sinh con. Sữa non rất giàu kháng thể và chất dinh dưỡng nên còn được gọi là “vàng lỏng”.

Không phải tất cả phụ nữ mang thai đều rò rỉ sữa non nhưng nếu bầu ngực của bạn đang tiết ra sữa non khi mang thai 28 tuần thì đây không phải là điều cần lo lắng. Cơ thể bạn đã sẵn sàng cho việc nuôi con bằng sữa mẹ và hormone prolactin đang hoạt động. Nếu tình trạng rò rỉ gây khó chịu, hãy dùng đến sự trợ giúp của miếng lót thấm sữa.

Da mẹ bầu trở nên nhạy cảm hơn

Tình trạng da nhạy cảm có thể xuất hiện khi mang thai ngay cả ở những người không hề có làn da nhạy cảm. Một số bộ phận trên cơ thể có thể bị khô và bong tróc, một số khác do phát ban do nhiệt hoặc chất kích thích bên ngoài.

Thông thường, vùng da nhạy cảm nhất là bụng, hông, đùi vì khu vực này đang không ngừng căng ra.

Nội tiết tố thai kỳ có thể khiến bạn nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với các chất thường không ảnh hưởng đến bạn, chẳng hạn như ánh sáng mặt trời, nhiệt độ, chất tẩy rửa, clo và thậm chí một số loại thực phẩm quen thuộc. Nếu bị bệnh chàm, bạn có thể gặp phải một số đợt bùng phát nghiêm trọng khi mang thai.

Để giảm ngứa, bạn có thể thoa một chút kem dưỡng da calamine. Nếu phát ban hoặc kích ứng kéo dài hơn một vài ngày, khi đi khám hãy trao đổi với bác sĩ để có giải pháp phù hợp. Lưu ý là mẹ bầu cần tránh các sản phẩm chứa nhiều chất phụ gia, thuốc nhuộm hoặc hương thơm, bất kỳ chất nào trong số đó đều có thể làm trầm trọng thêm tình trạng da.

Những giấc mơ kỳ lạ

Sự thay đổi nội tiết tố cộng với giấc ngủ bị gián đoạn khi mang thai có thể khiến mẹ bầu có những giấc mơ kỳ lạ. Những giấc mơ kỳ lạ là một phần bình thường của thai kỳ. Những giấc mơ ấy có thể mang lại cảm giác khác biệt và sống động hơn so với những gì bạn từng mơ. Bên cạnh đó, nhờ lưu lượng máu đến bộ phận sinh dục của bạn tăng lên trong vài tháng cuối của thai kỳ, những giấc mơ về tình dục xuất hiện thường xuyên cũng là điều bình thường!

Những điều mẹ cần lưu ý là gì?

Mẹ bắt đầu có những triệu chứng sưng phù từ tuần thứ 26. Để giảm sưng, mẹ hãy dùng một số mẹo sau đây:

  • Hãy cho đôi chân và mông của mẹ được nghỉ ngơi
  • Gác chân lên khi mẹ đang ngồi
  • Thỉnh thoảng hãy nghỉ ngơi bằng cách nằm nghiêng một bên
  • Mặc quần áo thoải mái
  • Duy trì thói quen tập thể dục
  • Uống nhiều nước
  • Mẹ nên mang vớ y khoa hỗ trợ chân vì chúng rất hiệu quả trong việc làm giảm sưng.

Lời khuyên của bác sĩ về thai kỳ 28 tuần

Thai nhi 28 tuần phát triển như thế nào

Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ?

Vào tuần thai thứ 28, nếu tình trạng sưng phù của bạn trở nên nghiêm trọng hơn, hãy đi khám để trao đổi với bác sĩ nhằm tìm cách điều trị. Tình trạng sưng phù quá mức có thể là một dấu hiệu của tiền sản giật nếu nó đi kèm với một loạt các triệu chứng khác như tăng cân đột ngột không giải thích được, huyết áp cao và có đạm trong nước tiểu… Nếu huyết áp và nước tiểu của mẹ bình thường (thường được kiểm tra mỗi lần khám thai), thì không có gì phải lo lắng về việc này.

Những xét nghiệm nào mẹ cần biết?

Bác sĩ có thể cho mẹ xét nghiệm máu sớm trong giai đoạn thai 28 tuần. Một yếu tố mà các xét nghiệm máu xét đến là Rh – một chất được tìm thấy trong hồng cầu của hầu hết mọi người. Nếu máu của mẹ âm tính với Rh nhưng bé lại có Rh dương tính thì bé sẽ có nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như vàng da và bệnh thiếu máu. Bác sĩ có thể ngăn chặn những vấn đề này bằng cách cho mẹ tiêm một mũi miễn dịch Rh globulin vào tuần thai thứ 28 và sau khi sinh.

Mặt khác, một vài xét nghiệm mới sẽ được tiến hành trong lần kiểm tra sức khỏe của tháng này và sẽ được so sánh với các chỉ số cũ. Ở ba tháng cuối cùng của thai kỳ, mẹ bầu cần được:

  • Đo cân nặng và huyết áp
  • Kiểm tra nước tiểu, máu để đo lượng đường và đạm
  • Siêu âm thai
  • Kiểm tra nhịp tim của thai nhi
  • Kiểm tra tình trạng giãn tĩnh mạch chân, sưng bàn tay và bàn chân
  • Xét nghiệm tầm soát nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ…

Ngoài việc làm các xét nghiệm, trong giai đoạn này mẹ cũng cần đảm bảo tiêm vắc xin phòng cúm, vắc xin Tdap (uốn ván – bạch hầu – ho gà) và vắc xin COVID-19 hoặc mũi nhắc lại.

Sức khỏe của mẹ và thai nhi ở tuần 28

Thai nhi 28 tuần phát triển như thế nào

1. Bổ sung sắt khi mang thai

Thai nhi hấp thụ phần lớn lượng sắt dự trữ cần thiết cho cơ thể trong tam cá nguyệt thứ ba. Do đó, mẹ bầu hãy bổ sung các thực phẩm giàu chất sắt như thịt gà, đậu, rau bina, đậu phụ, thịt bò và ngũ cốc giàu chất sắt…

Vitamin C là loại vitamin có thể giúp cải thiện sự hấp thu sắt của cơ thể. Do đó, bạn có thể thêm thực phẩm giàu vitamin C để tận dụng lợi ích này nhé!

2. Theo dõi chuyển động của bé

Thai nhi 28 tuần ngày càng lớn hơn và khỏe mạnh hơn nên con cũng trở nên năng động hơn, những cú đá/đạp của con đã mạnh hơn rất nhiều. Do đó, thời điểm này của thai kỳ, các mẹ bầu nên theo dõi và đếm cử động thai để biết bé có đang ổn hay không.

Nếu nhận thấy các cử động của bé giảm rõ rệt, nhất là trong vòng 2 giờ bạn không đếm được bé có trên 19 cử động, hãy đi khám để được chẩn đoán càng sớm càng tốt. Việc các chuyển động của bé giảm đột ngột có thể là một dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.

3. Sử dụng giày cao gót

Việc đi giày cao gót (kể cả giày đế xuồng) không phải là một ý tưởng hay trong quá trình mang thai. Đặc biệt là trong giai đoạn thai nhi 28 tuần tuổi, trọng lượng của mẹ sẽ tăng lên cùng sự thay đổi hình dạng cơ thể và trọng tâm cơ thể sẽ làm mẹ có dáng đi khác đi và kém vững chãi hơn. Ngoài ra, dây chằng của mẹ còn có xu hướng nới lỏng trong khi mang thai, điều này có thể dẫn đến sự mất ổn định chung và căng cơ.

Việc té ngã trong khi mang thai có thể làm tổn thương mẹ và em bé, vậy nên hãy suy nghĩ kĩ trước khi mang giày cao gót. Nếu mẹ quyết định mang giày cao gót, hãy xem xét độ cao của giày theo sự tiến triển của thai và nhớ là phải đặt sự thoải mái và an toàn lên trên yếu tốthời trang nhé.

Thai nhi bao nhiêu tuần thì phát triển phôi?

Tuần thứ 37 Mặc dù trẻ sinh non 37 tuần vẫn có khả năng phát triển tốt, nhưng sẽ là lý tưởng nhất nếu bé ở lại trong bụng mẹ thêm vài tuần nữa. Đây là khoảng thời gian cần thiết cho não và phổi trưởng thành hoàn toàn.

Thai nhi 27 tuần tuổi phát triển như thế nào?

Ở tuần 27 của thai kỳ, em bé của bạn hiện đang lớn bằng một bông cải trắng. Trung bình, bé nặng tầm 1 kg và dài khoảng 36,6 cm. Do tốc độ tăng trưởng nhanh, đầu bé phát triển nặng hơn theo thời gian, cùng với tác động của trọng lực, hướng không gian của em bé sẽ bị thay đổi.

Tuần thứ 29 thai nhi phát triển như thế nào?

Khi được 29 tuần tuổi, thai nhi trở nên hiếu động hơn, thường đạp vào bụng mẹ. Thời gian này, não bộ phát triển cực kỳ nhanh chóng, đó là lý do vì sao em bé cảm nhận và phản ứng được với tiếng động hoặc ánh sáng.

Thai nhi 32 tuần tuổi phát triển như thế nào?

Cân nặng chuẩn khi 32 tuần là 1.755 kg, chiều dài đo từ đỉnh đầu tới gót khoảng 43 cm. Lúc này, với không gian chật hơn, bé không còn "quậy" mạnh như trước, nhưng mẹ sẽ vẫn cảm nhận được những chuyển động của cơ thể trẻ. Thai nhi lúc này đã có thể nhắm mở mắt, nheo mắt, nhấp nháy và luyện tập điều tiết mắt.