Tại sao giới trẻ quay lưng lại với truyền thống

Câu trả lời ấy không chỉ đặt ra vấn đề là vì sao giới trẻ thiếu hiểu biết về VHTT, mà còn gợi mở vấn đề lớn là làm gì để bồi đắp VHTT cho giới trẻ?

Trung tướng Lê Nam Phong, một vị tướng trưởng thành từ trận mạc, dù chẳng có học hàm, học vị gì cao siêu nhưng ông đã tham gia giáo dục VHTT rất hiệu quả. Mấy năm trước sức còn khỏe, vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ông đi kể chuyện về truyền thống anh hùng của dân tộc, của quân đội cho thanh niên, học sinh nghe; Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ông nói chuyện về sự lãnh đạo tài tình của Đảng quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông là nhân chứng tái hiện thời khắc hào hùng, thiêng liêng khi lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc dinh Độc Lập… Nghe ông kể chuyện, hàng nghìn học sinh, sinh viên im phăng phắc, chăm chú lắng nghe như nuốt từng lời. Và ông tâm đắc: Vậy là buổi nói chuyện thành công.

Ảnh minh họa. TTXVN.

Đem câu chuyện đó kể với TS Phạm Đăng Khoa, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn [quận 3, TP Hồ Chí Minh], anh chia sẻ: “Những điều Trung tướng Lê Nam Phong làm chính là giáo dục lòng yêu nước, căm thù giặc, niềm tự hào dân tộc, tinh thần dũng cảm, đoàn kết của người Việt Nam… Hay nói cách khác, đó chính là bồi đắp tình yêu VHTT cho giới trẻ. Ngày nay, những ngườitrẻ có quá nhiều lựa chọn, nên bồi đắp tình yêu VHTT cho họ cũng phải có cách làm mới mẻ, đơn giản nhưng hấp dẫn và dễ tiếp thu, không nên hàn lâm quá!”. Nói rồi anh kể: Để giáo dục và bồi đắp VHTT cho học sinh, nhiều năm nay Trường THCS Lê Quý Đôn thường xuyên tổ chức các hoạt động, như: Hội thi biểu diễn trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam; liên hoan hát ru, hát dân ca; sưu tầm giá trị, sản phẩm đặc trưng văn hóa vùng miền; thành lập câu lạc bộ hát chèo, cải lương, đờn ca tài tử… Nhà trường chủ động lồng ghép nội dung giáo dục văn hóa dân tộc, con người Việt Nam vào các hoạt động tập trung; tổ chức chương trình ngoại khóa tại bảo tàng, di tích lịch sử, nhà rông, nhà dài của đồng bào dân tộc thiểu số; cho học sinh trải nghiệm, thử sức với các loại hình nghệ thuật dân tộc; mời chuyên gia văn hóa, nghệ nhân dân gian về nói chuyện, định hướng tư tưởng, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, trân trọng giá trị văn hóa, nghệ thuật và phong tục tập quán vùng, miền cho học sinh…

Nhờ những cách làm mới mẻ, tự nhiên ấy mà học sinh hiểu hơn về giá trị VHTT, hình thành tình cảm trân quý, hào hứng và đam mê. Đó là sự thẩm thấu từ từ bằng những hình thức, biện pháp đa dạng, nhẹ nhàng nhưng hiệu quả.

Giới trẻ ngày nay không quay lưng với VHTT.Bồi đắp tình yêu VHTT cho thế hệ trẻcũngkhông quá khó khăn, chỉ có điềuphải biết lựachọn cách nàođểđạt được kết quả tốt nhất.Dân tộc trường tồn nhờ “dây neo” văn hóa,mà nền tảng là VHTT, đậm đà bản sắc dân tộc. Để giới trẻ biết yêu, biết quý và phát huy VHTT cần có cách tuyên truyền, giáo dục sáng tạo, phù hợp; chủ động đưa VHTT đến với giới trẻ bắt đầu từ các trường học, trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi… Có vậy, “dây neo" văn hóa mới vững bền và ngày càng phát triển.

CHÂU GIANG

Có lẽ người Việt nào cũng lớn lên trong câu hát ru ầu ơ “cái cò, cái vạc, cái nông…” của bà, của mẹ. Lớn thêm một chút, ta học thêm những khúc đồng dao, những câu vè rộn ràng với chúng bạn. Thêm vài tuổi nữa, ta hát khúc dân ca, những giai điệu cách mạng hào hùng hay khúc ca quê ương đằm thắm. Nhưng hình như, tuổi thơ ấy chỉ còn đẹp trong kỉ niệm của nhiều thế hệ; từ khi nào, tuổi thơ của người Việt sống cùng với âm nhạc ngoại quốc. Có phải người trẻ đang dần quay lựng lại với âm nhạc dân tộc?

Âm nhạc tồn tại từ thuở hồng hoang, bắt đầu từ nhịp trống đồng bên bếp lửa của người Việt cổ. Trải qua hàng nghìn năm phát triển, âm nhạc Việt Nam đã kết hợp hài hoà ảnh hưởng ngoại quốc và tính bản xứ. Âm nhạc dân tộc đại diện cho cách cảm nhận thế giới quan, cách truyền tải nhịp điệu, giai điệu, ý nghĩa ca từ của một dân tộc. Với người Việt Nam, theo GS – TS Trần Quang Hải [người đã giành nhiều giải thưởng quốc tế về các công trình nghiên cứu nhạc truyền thống Việt Nam, châu Á và hát đồng song thanh của Mông cổ], “dạo” và “rao” là nét đặc biệt của âm nhạc Việt Nam so với âm nhạc toàn thế giới.

Âm nhạc dân tộc không chỉ giới hạn trong nền âm nhạc truyền thống mà còn phát triển cả trong nền âm nhạc hiện đại. Âm nhạc truyền thống Việt Nam gồm ba mảng chính: âm nhạc sinh hoạt, tín ngưỡng [đồng dao, hò, vè…], âm nhạc cung đình [tiêu biểu là nhã nhạc cung đình Huế] và âm nhạc sân khấu truyền thông [gồm chèo, cải lương, tuồng..]. Những sáng tác âm nhạc hiện đại Việt Nam bắt mang đặc trưng ngôn từ và cách phối hợp giai điệu truyền thống hoà điệu với âm nhạc cổ truyền tạo nên âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Nhưng, dòng nhạc trẻ Việt Nam hiện nay đang dần tách mình khỏi âm nhạc dân tộc. Những ca khúc sôi động, có biểu diễn vũ đạo hoặc các ca khúc trữ tình với ngôn từ sướt mướt, dễ nhớ, dễ thuộc đã phản ánh thị hiếu âm nhạc của giới trẻ: họ yêu thích dòng nhạc sôi động như R&B, EDM, dance hay dòng nhạc trữ tình như pop, ballad, thậm chí họ yêu thích nhạc Hàn, nhạc Anh Mĩ nhiều hơn nhạc Việt Nam. Âm nhạc dân tộc ở đâu trong dòng chảy âm nhạc Việt? Nó bị “thất sủng”, bị từ chối tiếp nhận bởi số đông người trẻ. Không phải là tất cả người trẻ, nhưng vẫn là con số đáng suy ngẫm. Thực trạng đáng buồn này đã diễn ra một thời gian dài, nhưng vẫn là bài toán khó chưa có lời giải thoả đáng.

Đâu là nguyên nhận cho vấn đề này? Liệu người trẻ có phải là đối tượng nên chịu trách nhiệm hoàn toàn cho việc âm nhạc dân tộc bị quên lãng?

Nhìn ở góc độ khách quan, hiện tượng này là một khó khăn tất yếu đặt ra với mỗi dân tộc trong thời đại mới.

Thế giới đang đẩy mạnh xu hướng toán cầu hoá, đang kêu gọi đổi mới trong mọi lĩnh vực: từ chính trị đến kinh tế, từ y tế đến giáo dục, từ xã hội đến văn hoá văn nghệ, và tất nhiên âm nhạc cũng không nằm ngoài xu thế phát triển chung. Trong các lĩnh vực đời sống, âm nhạc dễ bắt bước sóng hội nhập nhất, bởi âm nhạc không câu nệ ngôn từ, không cân nhắc điều khoản: giai điệu rất dễ dàng, rất tự nhiên đi vào lòng người.

Thế kỉ XXI là thời đại công nghệ số, khi con người đề cao tốc độ công việc lên hàng đầu. Âm nhạc là đại diện cho cách cảm nhận cuộc sống, vì thế thật dễ hiểu khi âm nhạc hiện đại coi trọng giai điệu với tiết tấu nhanh, sôi dộng, bắt tai, ngôn ngữ dễ cảm dễ thấm. Suy cho cùng, đây là thời đại “mì ăn liền” lên ngôi!

Ta không thể không kể đến sự phát triển của nền công nghiệp âm nhạc. Khi âm nhạc không chỉ là món ăn tinh thần, mà còn trở thành một mặt hàng, lợi nhuận đôi khi còn đi trước cả giá trị văn hoá và tinh thần. Bài hát muốn được khán giả chú ý phải làm thế nào, đó là suy nghĩ của người làm nhạc. Ở góc độ một người nghe nhạc, tôi cảm thấy âm nhạc Việt đang dần “đại trà” và “bão hoà” ca sĩ mới. Trong một nền âm nhạc như thế, không khó để có thể nhận ra, âm nhạc dân tộc đang lay lắt đến héo mòn.

Thêm vào đó, người trẻ hiện nay tiếp xúc mạnh mẽ với văn hoá phương Tây và văn hoá Hàn Quốc, Trung Quốc. Đó đều là những nền văn hoá đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền âm nhạc Việt. Nhưng nếu nhạc Âu Mĩ, Hàn Quốc, Trung Quốc không hay, không thu hút, liệu người Việt có yêu thích? Dù là người Việt hay mang bất cứ một quốc tịch nào khác, con người vẫn luôn yêu thích và bị hấp dẫn bởi cái đẹp. Lúc đó, ta phải tự đặt câu hỏi: âm nhạc dân tộc Việt Nam không hay nên không thu hút được khán giả trẻ? Điều đó tất nhiên không đúng. Ngược lại, ta có thể tự hào khẳng định rằng âm nhạc dân tộc Việt đẹp từ ca từ đến giai điệu và có cá tính riêng.

Nhưng dòng nhạc dân tộc lại không được phổ biến rộng rãi!

Ta phải quay lại với thực trạng nền âm nhạc bị “bão hoà”, và một hoạt động quảng bá. Không phải chúng ta chưa quảng bá, mà là quảng bá chưa hiệu quả: âm nhạc dân tộc đang là “thương hiệu xuất khẩu” nhiều hơn được quảng bá nội địa. Thậm chí khi được quảng bá nội địa, âm nhạc dân tộc lại bị bóp méo với những hình thức “cách tân” lố bịch. Chuyện mười nghệ sĩ quan họ được mời đến Bình Định hát mừng giỗ lần thứ 220 của Hoàng đế Quang Trung diễn lớp “Bà chúa Thượng Ngàn” dưới hình thức đồng ca và múa lửa không chỉ khiến người yêu nhạc xót xa, mà có lẽ còn khiến người trẻ e sợ tiếp nhận.

Nhìn ở góc độ chủ quan, người trẻ có phần trách nhiệm trước sự mai một dần của vốn âm nhạc dân tộc.

Tuổi trẻ ưa thích sự khám phá, ham trải nghiệm cái mới la, nhất là trong xu thế toàn cầu, họ càng hướng nhiều đến cái hiện đại, hợp thời, hợp xu hướng. Trong hành trình tiếp nhận những điều thú vị và mới lạ ấy, liệu có bao nhiêu người đủ chín chắn để quay đầu nhìn lại cái đã có? Đó dường như là căn bệnh chung của hầu hết những người trẻ, không chỉ riêng thế hệ trẻ Việt Nam.

Thế kỉ XXI là thế kỉ của lối sống vội, sống gấp. Âm nhạc dân tộc không phải món ăn chơi, mà là món ngon cần nghiền ngẫm để hiểu hết thứ hương vị đậm đà Việt Nam. Với tâm thế “nhanh” và “vội”, người trẻ sẽ đâu có đủ thời gian để thưởng thức trọn cái đẹp ấy?

Muốn yêu thích, trước hết ta phải hiểu. Nhưng phần lớn người trẻ không hiểu, họ coi âm nhạc là âm nhạc chứ không phải là tinh hoa dân tộc. Họ không hiểu, vì trước hết không có ai dạy. Bộ môn thanh nhạc trong nhà trường ngập tràn kiến thức nhạc lí với nốt và khuôn, còn những trang giới thiệu về âm nhạc dân tộc chỉ là bài đọc thêm. Về đến gia đình, nhất là trong một gia đình hiện đại với cha mẹ mải mê công việc, ai sẽ là người dạy cho thế hệ tương lai đất nước về âm nhạc truyền thống? Nếu có ai từng đăng kí phỏng vấn du học, âm nhạc là tài năng được coi trọng trong bản đăng kí. Nhìn lại Việt Nam, chúng ta coi thanh nhạc là môn học phụ, là môn năng khiếu và đề cao việc học kiến thức hàn lâm. Vậy thì ở đâu đất sống cho âm nhạc dân tộc? Ta không thể trách khi nói rằng người Việt thiếu kiến thức thưởng thức âm nhạc, bởi sai lầm bắt nguồn từ giáo dục và tâm thế của người học.

Khi so sánh với các nước khác, cụ thể là các nước trong khu vực châu Á, ta sẽ thấy hiện tượng tương tự. Hàn Quốc có nền công nghiệp âm nhạc phát triển mạnh mẽ, nhưng âm nhạc truyền thống cũng như ngọn đèn trước gió. Tại Ấn Độ, âm nhạc cũng dần bắt theo xu hướng nhạc Hàn, còn âm nhạc truyền thống như Manganiyar thì dần mai một. Thậm chí với các nền văn minh phát triển sớm như Pháp, Đức, Hà Lan…, nhạc cổ truyền gần như không còn nữa. Có thể nói, việc âm nhạc dân tộc bị “thất sủng” là một vấn đề toàn cầu, nó khiến cho các nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống và những người nặng lòng với thanh âm dân tộc trăn trở.

Trong sự nan giải của bài toán âm nhạc dân tộc, Indonesia có thể coi là một điểm sáng. Trên đảo Bali có khoảng 2-3 triệu dân, nhưng có đến 5000 dàn nhạc Gamelan – một trong những truyền thống âm nhạc lâu đời nhất thế giới, và mỗi làng nhỏ đều có một dàn nhạc cổ truyền. Việt Nam chưa thể đạt tới thành công to lớn ấy. Vậy làm thế nào Việt Nam bảo tồn được âm nhạc dân tộc, thu hút được khán giả trẻ? Làm thế nào để rút ngắn khoảng cách thời đại, đưa người trẻ về với âm nhạc dân tộc?

 Trước khó khăn đó, nỗ lực của nhà sản xuất “Giai điệu tự hào” cho ta một gợi ý. Được Việt hoá theo bản quyền chương trình Nga, “Giai điệu tự ào” đã tạo ra nơi gặp gỡ cho thế hệ trẻ và thế hệ trung niên cùng chia sẻ suy nghĩ về những ca khúc đi cùng năm tháng. Từ những tâm sự của các tác giả, của thế hệ trung niên – những người sống và cảm nhận được hoàn cảnh bài hát ra đời, thế hệ trẻ có cơ hội hiểu được ý nghĩa thực của giai điệu. Nếu cũng có một sân chơi như thế cho âm nhạc cổ truyền có lẽ bài toàn khó kia đã tìm được một ẩn số?

Tình yêu là những cảm xúc bất định, vì thế yêu thôi chưa đủ, âm nhạc dân tộc cần tìm ra  cách thức phù hợp để luôn đổi mới và thích nghi. Ta không thể khóc mãi cho những cái đã qua, mà phải biết ứng biến với sự thay đổi thực tại. Có thể so sánh với một lĩnh vực cùng thuộc mảng văn hoá: thơ ca, và thời kì Thơ Mới 1930-1945. Khi công cuộc Âu hoá tràn vào nước ta, cái tôi thi ca được giải phóng khỏi những ràng buộc bấy lâu. Nhưng ngay trong cái đổi mới ấy, ta vẫn thấy được hồn dân tộc trong một Nguyễn Bính “quê mùa”, một  Huy Cận cổ điển Đường thi và một Xuân Diệu tân kì hiện đại. Nếu thơ khi xưa đối mặt với làn sóng văn hoá Tây phương vẫn phát triển mà không phai nhạt dáng điệu Việt, thì nhạc ngày nay như “nồi lẩu thập cẩm” giữa truyền thống và ngoại nhập. Nhưng ta hãy tin rằng âm nhạc dân tộc sẽ có chỗ đứng riêng có sức sống bền bỉ bên cạnh những xu hướng tân thời. Để làm được những điều đó, ta cần bài trừ những “cách tân” lố bịch. Đổi mới muốn bền vững, cần lắm bản lĩnh để giữ được bản sắc dân tộc.

Âm nhạc dân tộc Việt Nam không hề bị quên lãng, nhưng chưa được phổ biến rộng rãi. Vì thế, ta cần sự quảng bá, và quảng bá đúng cách. Những chương trình truyền hình như “Những bài hát còn xanh” hay “Thần tượng Bolero” với sự góp mặt của những ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng được giới trẻ yêu thích là sự sử dụng thông minh phương tiện truyền thông để khơi dậy niềm yêu mến âm nhạc truyền thống của các bạn trẻ. Cũng như thế, việc đem âm nhạc truyền thống đi quảng bá tại “Đại hội âm nhạc truyền thống Toàn cầu lần thứ ba” tại Sydney không chỉ giới thiệu nét Việt đến bạn bè quốc tế, mà còn nhắc nhớ những người con xa xứ về vẻ đẹp dân tộc. Trong công cuộc phổ biến âm nhạc dân tộc, ta không thể không kể đến những cá nhân tiêu biểu – những người trẻ tâm huyết với việc giữ gìn giai ngân này: ca sĩ Tùng Dương, nhóm xẩm Hà Thành, nhạc công đàn độc huyền Trịnh Duy Tiến, nhạc công đàn nhị, đàn bầu, đàn môi, k’ni, trống dân tộc… Ngô Hồng Quang. Họ là đại diện cho thế hệ “tre già măng mọc” đang nối tiếp con đường quảng bá âm nhạc Việt Nam. Nhưng quảng bá hiệu quả cần “đúng mực” và được đầu tư hợp lí. Âm nhạc không nên mãi là “mặt hàng chào khách”; chỉ khi được khán giả trong nước, đặc biệt là khán giả trẻ tiếp đón, âm nhạc dân tộc mới trường tồn.

“Để âm nhạc dân tộc được bảo tồn và phát huy, cần tạo ra môi trường diễn xướng. Cho nên, việc hướng dẫn giáo dục thị hiếu thẩm mĩ âm nhạc là nhiệm vụ cấp bách, đồng thời đào tạo thế hệ trẻ biết yêu, biết đàn hát dân ca là vô cùng cần thiết.” Đó là lời phát biểu của Thứ trượng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch năm 2013 Vương Duy Biên, đồng thời cũng là giải pháp cần thiết cho nền âm nhạc dân tộc hiện nay. Nhưng nhìn lại số lượng học viên trong khoa âm nhạc dân tộc ít hơn các khoa khác, tôi tự hỏi nếu việc giáo dục âm nhạc dân tộc được thúc đẩy sớm hơn thì hiệu quả có đổi khác? Nếu trong lộ trình cải cách sắp tới, khi mĩ thuật, âm nhạc trở thành môn học tự chọn xuyên suốt, khi yêu cầu của các môn khoa học bớt nặng nề và âm nhạc dân tộc có thể được giới thiệu và dạy học với đầy đủ giáo cụ trực quan, thì vấn đề hiện tại có thể chuyển biến hay không? Nếu chương trình giáo dục thay đổi, thì tâm thế người học cũng cần đổi khác: âm nhạc không nên chỉ là môn phụ, mà còn cần là môn học bình đẳng góp phần giáo dục bản sắc văn hoá dân tộc.

Đã là đoá hoa cúc, không thể ép chúng nở vào mùa hè. Đã là sở thích cá nhân, lại càng không thể gò ép. Vì thế, hãy cứ để tuổi trẻ đam mê những thứ mới lạ. Sở thích của người trẻ sẽ còn thay đổi nhiều theo trải nghiệm cuộc sống. Và tôi tin, sự thay đổi ấy cuối cùng cũng sẽ tiệm cận lại giá trị văn hoá dân tộc, bởi  người trẻ cũng có lòng tự tôn dân tộc, và dòng máu Lạc Hồng luôn âm ỉ trong bầu huyết quản của họ. Nhưng xin đừng lấy số đông mà vội vàng bỏ qua công sức của bao nhiêu người trẻ khác đang đốt tiếp ngọn lửa dân tộc.

“Âm nhạc dân tộc chưa đến được với các bạn trẻ, thanh thiếu niên thì coi như thiếu một phần sức sống”- đó là lời tâm huyết của GS.TS Trần Văn Khê – người đã dành cả cuộc đời nghiên cứu sâu âm nhạc dân tộc. Âm nhạc dân tộc là tinh thần dân tộc, nó không thể sống nửa linh hồn. Người trẻ là tương lai đất nước, mà có tương lai nào vững chắc khi quá khứ chết dần? Người trẻ, đừng quay lưng lại với nguồn cội của mình, hãy hướng trọn vẹn trái tim nơi ta thuộc về.

Video liên quan

Chủ Đề