Sáng kiến kinh nghiệm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân

Nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Ngày đăng: 27/09/2013 03:54
Mặc định Cỡ chữ

Đại hội lần thứ VI của Đảng đã tổng kết bài học kinh nghiệm số một của cách mạng Việt Nam là: trong toàn bộ hoạt động của mình Đảng quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động. Phê phán tệ quan liêu, mệnh lệnh xa rời quần chúng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII khẳng định: chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng.

Tư tưởng, quan điểm lấy dân làm gốc, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân đã được thể chế hoá trong các văn bản pháp luật của nhà nước và ngày càng hoàn thiện hơn. Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và được cụ thể hoá trong Luật Khiếu nại, tố cáo và các văn bản pháp luật khác, tạo cơ sở pháp lý cho công dân và cơ quan nhà nước thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Tổ chức tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân là một trong những biện pháp quan trọng góp phần bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; thể hiện bản chất của nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân; đồng thời là một kênh thông tin quan trọng góp phần giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát với tình hình thực tế. Ngày 21/10/1983, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 27-QĐ/TW về việc giải quyết đơn thư khiếu tố, kiến ­­nghị của cán bộ, đảng viên và nhân dân, quy định: mọi đơn, thư của cán bộ, đảng viên và nhân dân gửi đến các cấp uỷ đảng, các cơ quan nhà nước, các đoàn thể để góp ý kiến vào công việc chung hoặc đề nghị xem xét việc riêng đều phải được xem xét, giải quyết chu đáo, kịp thời. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương và biện pháp chỉ đạo xử lý khiếu nại, tố cáo của công dân. Các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong công tác tiếp dân, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, triển khai thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Từ khi Luật Khiếu nại, tố cáo được ban hành, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã có bước chuyển biến đáng kể. Các cấp uỷ đảng, chính quyền đã quan tâm hơn đến công tác này, góp phần phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, bảo đảm giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế.

Trong thời gian gần đây, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có những diễn biến không bình thường, số lượng đơn thư vượt cấp, số vụ việc khiếu kiện đông người, vượt cấp lên tỉnh, lên trung ương có chiều hướng gia tăng, tính chất phức tạp. Từ năm 2001 đến hết năm 2007, Văn phòng Trung ương Đảng đã nhận 126.810 đơn, thư; Trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước đã tiếp 107.203 lượt người, tiếp 2.578 lượt đoàn từ 5 người trở lên. Nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện chính sách - xã hội. Trong số những người khiếu nại, có người khiếu nại đúng, mong muốn được pháp luật giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; song cũng có một số người mặc dù đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, khiếu kiện theo đúng quy định của pháp luật nhưng vì thiếu hiểu biết hoặc do một số phần tử quá khích hoặc các thế lực thù địch xúi giục, dụ dỗ mua chuộc nên tiếp tục khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, nhất là vào dịp Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp.

Một số nguyên nhân khiếu nại kéo dài, vượt cấp:

- Một số văn bản pháp luật còn bất cập. Ví dụ, trong một số trường hợp, giá đền bù khi thu hồi đất chưa sát với thực tế nên mặc dù các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết đúng nhưng người dân vẫn khiếu nại. Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005, các khiếu nại về đất đai, sau khi có quyết định giải quyết lần hai của cơ quan có thẩm quyền, người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại toà án. Nhưng căn cứ vào Luật Đất đai năm 2003 và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 2006 thì người khiếu nại không có quyền khởi kiện ra toà án và người dân có tâm lý không muốn khởi kiện ra toà án do phải nộp án phí và ngại mang tiếng nên tiếp tục khiếu nại kéo dài, vượt cấp.

- Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa thường xuyên, sâu sát, có nơi còn xem nhẹ công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nên các vụ việc khiếu kiện không được giải quyết kịp thời, dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, để tích tụ lâu ngày trở thành khiếu kiện đông người, thậm chí trở thành điểm nóng. Một số phần tử cơ hội lợi dụng việc khiếu nại tố cáo để gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự.

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo là công việc tương đối khó khăn, phức tạp, trong khi đó trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; kinh phí cho hoạt động này còn hạn chế; chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ này còn bất cập,... là một trong những nguyên nhân làm cho hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa cao.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác tiếp dân giải quyết khiếu nại, tố cáo:

- Các cấp uỷ đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện Thông báo số 130-TB/TW ngày 1/1/2008 của Bộ Chính trị về tình hình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2006 đến nay và giải pháp trong thời gian tới; cụ thể hoá thành chương trình hành động và tổ chức thực hiện có hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực. Thường xuyên kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 6/3/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay; Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 27/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật, khắc phục những bất cập, chưa đồng bộ. Sớm quy định khung giá đền bù khi thu hồi đất một cách hợp lý; xây dựng Luật Khiếu nại và giải quyết khiếu nại, Luật Tố cáo và giải quyết tố cáo, trong đó quy định chế tài khen thưởng, kỷ luật đủ mạnh, đồng thời bảo đảm cụ thể, rõ ràng, dễ áp dụng nhằm khuyến khích, động viên cá nhân, tổ chức tích cực giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu dân, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

- Thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo mô hình "một cửa liên thông giữa cấp xã với cấp huyện trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc giao dịch với chính quyền. Sớm hoàn thiện hệ thống tiếp dân hợp lý, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Gắn công tác tiếp dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, qua đó người dân thấy được chính quyền thực sự là của dân, do dân và vì dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

- Tổ chức nhiều hơn các cuộc đối thoại trực tiếp giữa những người đứng đầu cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện với công dân, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm đúng mức tới công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để tồn đọng đơn, thư khiếu nại của nhân dân, xem đây là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình công tác của cơ quan, đơn vị. Kiên quyết không để xảy ra khiếu kiện kéo dài, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự. Trường hợp giải quyết nhiều lần chưa dứt điểm được thì tổ chức đối thoại trực tiếp giữa nguyên đơn và bị đơn; tăng cường công tác hoà giải ở cơ sở; không xem nhẹ những mâu thuẫn nhỏ mới phát sinh từ cơ sở.

- Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến từng người dân theo hình thức lồng ghép với các chương trình khác, phù hợp với từng thời điểm, từng đối tượng, nội dung phong phú, thiết thực để thu hút được nhiều người tham gia nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đầu tư xây dựng tủ sách pháp luật đến từng xã, phường, thị trấn, cung cấp đủ các văn bản quy phạm pháp luật, sách tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ đối với chính quyền cơ sở.

- Quan tâm hơn nữa đến chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ở các cấp. Tăng cường tổ chức bồi dưỡng kiến thức, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ở trung ương cũng như ở các địa phương, tổ chức trao đổi kinh nghiệm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo vùng, miền nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này.

Nguyễn Văn Quý - Vụ Thư từ-Tiếp dân, Văn phòng Trung ương Đảng / Tạp chí Tổ chức Nhà nước Số 12/2008

Về trang trước
Gửi email In trang

Video liên quan

Chủ Đề