Sản phẩm không qua giết thịt là gì

Sản phẩm thịt lợn phải có dấu kiểm dịch của thú y

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, ông Nguyễn Văn Hưng cảnh báo: Việc người dân tự ý giết mổ lợn tại nhà, không đưa vào các cơ sở giết mổ gia súc tập trung hay bán sản phẩm thịt lợn không qua kiểm soát của lực lượng thú y sẽ làm tăng nguy cơ lây lan, khiến việc kiểm soát dịch tả lợn châu Phi [TLCP] gặp khó khăn hơn.

Thêm yếu tố lây lan

 “Vi rút dịch TLCP có sức đề kháng cao, có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt lợn và các chế phẩm từ thịt lợn. Vi rút có khả năng chịu được nhiệt độ thấp, trong các sản phẩm thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao, vi rút có thể tồn tại trong thời gian dài 3-6 tháng; vi rút có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56°C trong 70 phút hoặc 60°C trong 20 phút. Nếu việc giết mổ không đảm bảo kỹ thuật, xử lý chất thải và tiêu độc khử trùng [TĐKT] không đảm bảo, không có sự giám sát của lực lượng thú y sẽ dẫn đến nguy cơ bệnh phát tán ra diện rộng. Việc tự ý giết mổ tại nhà chủ yếu đáp ứng nhu cầu tại chỗ theo hình thức tự sản tự tiêu nên rất khó kiểm soát, cần chính quyền và lực lượng cán bộ thôn, bản vào cuộc tuyên truyền, hướng dẫn, thậm chí xử phạt [UBND xã có thể xử phạt] để hạn chế nguy cơ khiến mầm bệnh lây lan”, ông Hưng nói.

Nghị định số 119/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi ghi rõ: Các hành vi giết mổ động vật ở những địa điểm không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép; giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật khi không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y về cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, nước sử dụng, người tham gia; không đăng ký thực hiện kiểm soát giết mổ với cơ quan thú y sẽ bị phạt ở mức tiền từ 2-3 triệu đồng.

Khảo sát một số chợ trên địa bàn, các sản phẩm thịt lợn được bán đều có dấu kiểm dịch của thú y. Một tiểu thương chợ An Cựu cho hay: "Sản phẩm thịt của quầy đều được lấy tại lò mổ Bãi Dâu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng tôi không dại gì lấy thịt không rõ nguồn gốc để bán, vừa mất uy tín với khách hàng, vừa bị phạt khi bị phát hiện".

Quản lý giết mổ trong vùng dịch

Ngoài những khó khăn trong quản lý hoạt động giết mổ tự phát, giết mổ tại vùng dịch cũng khiến không ít địa phương nan giải. Hương Thủy là địa phương có 100% xã, phường công bố có dịch. Trước tình hình trên, nhu cầu thịt lợn và công suất giết mổ tại các lò mổ trên địa bàn giảm xuống chỉ còn khoảng 20-30%.

Ông Nguyễn Khai, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp [DVNN] Hương Thủy thông tin: Khi công bố dịch TLCP xuất hiện, đồng nghĩa khu vực xảy ra dịch và vùng chịu uy hiếp của dịch [bán kính 3km] sẽ không được nhập lợn từ nơi khác về để giết, mổ, chế biến và lợn tại khu vực đó cũng không được vận chuyển, tiêu thụ ra bên ngoài để làm tránh lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang phát triển mạnh, việc ngăn sông cấm chợ sẽ khiến tổng số đàn lợn bị uy hiếp tăng, lợn đến thời kỳ xuất chuồng không thể "giải phóng", ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi.

Trước thực tế trên, Trung tâm DVNN thị xã vận động những hộ có lợn đến thời kỳ xuất chuồng tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm nếu cho kết quả âm tính với dịch TLCP thì có thể tiến hành xuất chuồng; hộ có kết quả dương tính sẽ tiến hành tiêu hủy theo quy định. Hương Thủy mới có 2 trang trại lớn tiến hành lấy mẫu để giải phóng bớt đàn lợn đến tuổi xuất chuồng dưới sự giám sát của lực lượng thú y. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hầu như không tiến hành lấy mẫu.

Ông Nguyễn Khai lý giải, các trang trại, hộ chăn nuôi có số lượng nuôi lớn mới có điều kiện để lấy mẫu vì chi phí cho một mẫu gần 700 ngàn đồng. Hiện vẫn chưa có giải pháp giảm đàn hiệu quả đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong vùng dịch để hạn chế thiệt hại.

Theo thống kê, toàn tỉnh có 36 điểm, lò giết mổ tập trung, tuy nhiên hiện nay nhiều lò mổ tại các địa phương có dịch phải đóng cửa. Huyện Quảng Điền có 3 lò mổ nhưng chỉ có lò mổ ở Quảng Thành còn hoạt động; Hương Thủy có 4 lò mổ cũng chỉ duy trì 1 lò mổ… Các lò mổ còn hoạt động được giám sát bởi lực lượng thú y từ việc việc xuất, nhập, giết mổ lợn.

Tại lò mổ Bãi Dâu, việc kiểm soát hoạt động giết mổ được duy trì. Trung bình mỗi ngày, lò mổ này nhập từ 400-500 con lợn. Lợn trước khi nhập đều được kiểm tra lâm sàng, giấy tờ kiểm dịch và TĐKT trước khi vào lò mổ, quá trình giết mổ cũng được giám sát… nên cơ bản đáp ứng lượng thịt đảm bảo an toàn đến người tiêu dùng.

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản thông tin, đơn vị đã tiến hành lấy 23 mẫu để tiến hành kiểm nghiệm, tuy nhiên chưa phát hiện sản phẩm thịt lợn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được kinh doanh, bày bán trên thị trường.

Chủ Đề