Khi lỗi thuộc về những vì sao Trích dẫn

“Vấp ngã ư? Chẳng vấn đề

Dù thế nào ta vẫn có thể đứng lên

Lúc vấp ngã, hãy nhìn lên bầu trời cao xanh kia

Có thấy nó đang mỉm cười với bạn không?

Bạn đang còn sống.”

Đây là trích dẫn nằm ở cuối cuốn sách “Một lít nước mắt” nổi tiếng mà rất nhiều người đã từng đọc hoặc đã từng xem phiên bản điện ảnh hay ít nhất từng một lần nghe nói tới. Đây cũng là một trong số những trích dẫn từ sách ưa thích nhất của mình. Lí do mình đưa nó lên đầu bài viết này thì sẽ nói đến ở phần sau.

Có một thời gian, mình hay lượn lờ lên các trang web chia sẻ ảnh như instagram hoặc weheartit và thấy rất nhiều bức ảnh chụp một cuốn sách màu blue rất đẹp và nổi bật. Nếu không thì cũng là ảnh hai đám mây trên nền trắng- xanh với dòng chữ “okay?” “okay”. Mình khá tò mò vì đây có vẻ như là một cuốn sách đang gây bão. Chừng hai tháng sau đã thấy sách được NXB Trẻ mua bản quyền dịch và xuất bản ở Việt Nam, đủ thấy “cuốn sách màu xanh” này vô cùng hot. Sách còn có Vietnam fanpage, ngoài cung cấp những thông tin thú vị về sách và phim thì các bạn ấy còn dịch và chỉ ra các lỗi sai [vô số] trong bản dịch của Nhà xuất bản Trẻ [nếu ai đọc ebook thì có thể đọc bản của các bạn ấy]. Biết trước là có nhiều lỗi sai nhưng mình vẫn mua bản Tiếng Việt vì điều kiện kinh tế không cho phép mua bản gốc 😦 Ngoài ra còn vì một lí do khá “hèn hạ” là tuy khả năng Tiếng Anh không tệ nhưng mình vẫn rất sợ đọc sách nguyên bản, nhất là những cuốn sách kinh điển ra đời từ cách đây mấy trăm năm hay những cuốn đề tài phức tạp một chút, nhiều thuật ngữ lạ. Đọc sách là một cách học tiếng rất tốt, tuy nhiên mình thích  học bằng cách xem phim phụ đề hơn 🙂

Và đây là cuốn sách của ngày hôm nay, The Fault in Our Stars của tác giả John Green. Vì sách quá đẹp nên ngoài ảnh tự chụp mình còn đi lượm lặt thêm một số bức ảnh được chia sẻ trên các trang mạng xã hội.

Điều trước tiên là mình thích cách dịch tên sách của Nhà xuất bản Trẻ, nghe thuận tai. Sách cũng được giữ nguyên thiết kế bìa khi về đến Việt Nam- một điều đương nhiên khi mà bìa gốc đẹp đến như thế :”> Ban đầu mình nghĩ đây chỉ là một cuốn sách về tình yêu thông thường nhưng không phải. Nội dung cuốn sách, nói một cách chủ quan thì xoay quanh đề tài ung thư [nghe có vẻ u ám quá]. Căn bệnh đáng sợ này có thể là hậu quả khi con người ta tự hủy hoại sức khỏe của mình bằng nhiều cách, nhưng đối với nhiều người khác thì ung thư là thứ đã gắn với cơ thể họ một cách vô lý ngay từ khi vừa mới sinh ra.

Mọi thứ đúng là như vậy với Hazel, cô bé 16 tuổi và căn bệnh ung thư tuyến giáp đã di căn tới phổi. Sự sống của cô còn kéo dài được là nhờ một thứ thuốc có tên là Phalanxifor [do tác giả tưởng tượng ra]. Khi thấy Hazel gần như không ra khỏi nhà [cùng với giá thép gắn bình oxy!] mà chỉ nằm bẹp trên giường xem chương trình Siêu mẫu Mĩ, mẹ đã bắt cô phải tham dự vào Hội tương trợ- một hội dành cho những bệnh nhi ung thư chia sẻ về căn bệnh của mình và quá trình đấu tranh với bệnh tật [hay quá trình chờ chết!]. Trong một buổi họp mặt tưởng chừng chán ngắt như mọi khi, Hazel đã gặp Augustus Waters- một anh chàng bảnh trai với đôi mắt xanh biếc cứ nhìn cô chằm chặp. Augustus [thường được gọi là Gus] mắc căn bệnh ung thư xương ác tính, bạn gái trước của anh- người trông giống hệt Hazel, cũng đã qua đời vì bệnh ung thư. Anh chàng này có một thói quen kỳ lạ là ngậm điếu thuốc vào mồm nhưng không hút và gọi đó là một phép ẩn dụ: “ta có thể đặt cái thứ giết người này giữa hai hàm răng mà không cho nó sức mạnh để giết ai”. Thuốc lá huỷ hoại cơ thể ta vì ta đã cho nó một cơ hội để làm thế.

Lần đầu tiên gặp nhau, Gus có ấn tượng với Hazel, không chỉ vì trông cô giống hệt bạn gái cũ đã mất, mà còn vì câu trả lời của cô khi được hỏi về “nỗi sợ hãi bị chìm vào quên lãng”[mình cũng rất thích câu trả lời đó, một trong những đoạn yêu thích nhất của mình trong truyện, câu nói khá dài, mình chỉ trích 1 đoạn]:
“Sẽ đến một thời điểm mà tất cả chúng ta đều chết hết… không còn người nào sống và nhớ xem ai đã từng hiện diện trên cõi đời này hay nhớ xem loài người chúng ta đã từng làm được những gì. Sẽ không còn ai sống để mà nhớ đến Aristotle hay Cleopatra, huống chi là nhớ đến bạn… Và nếu cái việc không thể tránh khỏi như bị lãng quên khiến bạn lo lắng thì tôi khuyên bạn chân thành là hãy quên nó đi”

Đoạn này làm mình nhớ đến bộ phim Dead Poet Society, lần đầu tiên gặp học trò thầy Keating cũng nói với họ rằng tất cả chúng ta rồi cũng trở thành thức ăn cho giun thôi, vậy nên hãy “seize the days” đi, đừng quan tâm đến việc người khác nghĩ gì mà hãy sống và theo đuổi đam mê. Mình thích quan điểm đó, nó thật rõ ràng, ta có thể trở thành thức ăn cho giun một cách đàng hoàng sau khi đã sống đúng nghĩa là sống, hoặc trở thành thức ăn cho giun một cách lãng xẹt, cái này thì có nhiều cách để thực hiện lắm [tự dưng lại liên tưởng đến clip nổi tiếng trên youtube There are so many things dumb ways to die :v ai chưa xem thì click vào link nhé, yên tâm là clip hoạt hình vui nhộn hài hước không hề đáng sợ đâu]

Tóm lại là, sau lần gặp đầu tiên đó, Gus và Hazel liên lạc với nhau. Hazel kể cho Gus nghe về cuốn sách yêu thích nhất của cô, cuốn “Nỗi đau tận cùng” của tác giả Peter Van Houten [báo trước để các bạn đỡ mất công tìm kiếm, sách này cũng chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của tác giả thôi, dù là nó “như thật”đến nỗi hầu như ai đọc được một nửa cũng đổ xô lên Google tìm :D]. Cuốn sách có nhân vật chính là một cô bé bệnh nhi ung thư tên Anna, khá giống Hazel, nhưng kết truyện lại là một cái kết mở gần như là bỏ lửng [cảm giác đó đúng là khó chịu]. Mong muốn lớn nhất của Hazel trước khi chết chỉ là được biết cái kết đầy đủ của truyện, và cách duy nhất để thực hiện điều đó là liên lạc trực tiếp với ông tác giả để hỏi cho ra nhẽ. Tuy nhiên điều này không mấy dễ dàng.

Gus và Hazel yêu nhau, hẳn nhiên, vì đây vẫn là một cuốn tiểu thuyết cơ mà. Chỉ có điều đặc biệt là cả nam chính lẫn nữ chính đều chẳng còn nhiều thời gian để sống. Và khoảng thời gian còn lại của họ thì luôn bị trói buộc bởi những thiết bị y tế, những liệu trình hóa trị, những giọt nước mắt của bố mẹ và những ánh nhìn thương cảm từ những người xung quanh. Giữa Gus và Hazel có một thông điệp được “mã hóa” rất đặc biệt, không phải “i love you” mà là “okay?” “okay”. Gus biết về ước mơ của Hazel nên đã dùng Điều ước duy nhất của mình [trong truyện có một tổ chức tên là The Genies chuyên tặng một điều ước cho những trẻ em mặc bệnh hiểm nghèo, ở ngoài đời tổ chức này có tên là Make a Wish] để đổi lấy một chuyến đi đến Amsterdam cho Hazel- nơi cô có thể gặp gỡ nhà văn Van Houte và hỏi ông về cái kết của cuốn sách cô yêu thích.

Mình sẽ không kể tiếp mà muốn để dành cho các bạn đọc và cảm nhận truyện theo cách riêng của mình. Quay lại với lời mở đầu, chắc nhiều người cũng nhận ra điểm chung giữa TFIOS và “Một lít nước mắt”. Mỗi khi gặp khó khăn, tự cảm thấy bản thân sao mà kém may mắn, mình lại nhớ đến câu trích dẫn ấy để lấy lại tinh thần vì trong khi mình đang buồn bực vì những chuyện không đâu thì vẫn có những người mà ước mơ duy nhất của họ chỉ đơn giản là được sống, được mạnh khỏe hoặc ít nhất cũng không trở thành nỗi đau và gánh nặng cho cha mẹ.

Trong truyện có rất nhiều chi tiết hay, mà nếu viết hết chắc bài viết sẽ phải dài rất dài. Mình chỉ chọn ra một vài chi tiết nữa để nói thôi, một trong số đó là bài điếu văn dành cho Gus. Thông thường điếu văn chỉ được đọc trong đám tang, nhưng Gus đã đề nghị Hazel và Issac đọc cho cậu nghe trước, bởi chết rồi thì không thể nghe được những lời hay ý đẹp ấy nữa. Hàng loạt lời chia buồn sáo rỗng trên Facebook của những người chỉ quen biết sơ, tất cả đều chẳng mang ý nghĩa gì nếu khi sống ta không thể nói với nhau được một lời tốt đẹp. Mình cũng cảm nhận nỗi đau của cha mẹ Hazel và Gus, họ đã hy sinh tất cả vì con cái và phải chịu đựng nỗi đau làm người ở lại. Mẹ Hazel đã bỏ việc chỉ để đi theo chăm sóc cô khắp mọi nơi, vậy nên chi tiết khi bà tiết lộ rằng trong thời gian đó bà đã học thêm về công tác xã hội để sau này có thể giúp đỡ cho những gia đình có bệnh nhân ung thư khiến cho không chỉ Hazel và cả mình cũng cảm thấy hài lòng.

Câu quote nổi tiếng trong truyện: “Thế giới này không phải là công xưởng sản xuất điều ước”

Truyện đã được chuyển thể thành phim [again, với một tốc độ chóng mặt], mình thì chưa được xem phim nhưng có vẻ bản phim cũng thành công không kém gì sách gốc. Gus và Hazel thì không giống lắm với những tưởng tượng của mình nhưng cũng được. Xem phim giống như là đọc lại sách một lần nữa, nhưng là dưới một góc độ khác và thường sẽ mang lại những cảm xúc và những nhìn nhận khác. Chờ xem phim thôi 😉

Update: Phim đã có bản đẹp rồi đấy mọi người 🙂 Link down tại đây và vietsub

Video liên quan

Chủ Đề