Học tiếng Anh giao tiếp bắt đầu từ đâu

Tiếng Anh giao tiếp đã và đang trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống và công việc của nhiều người. Việc có thể giao tiếp thành thạo tiếng Anh có thể đem đến cho chúng ta vô vàn lợi ích. Chính vì vậy, rất nhiều người đang không ngừng nỗ lực để cải thiện việc học tiếng Anh giao tiếp bằng rất nhiều cách khác nhau.

Tuy nhiên, bạn có chắc chắn rằng phương pháp tự học Anh văn giao tiếp của mình đã thật sự khoa học và hiệu quả? Để giúp bạn tự tin và vững vàng hơn trên con đường chinh phục tiếng Anh, TalkFirst xin gửi đến bạn bài viết tổng hợp những điều cần lưu ý và những cách học tiếng Anh giao tiếp hiệu quả nhất 2022!

Tiếng Anh thật sự là một kỹ năng quan trọng hàng đầu trong thế kỷ 21

1. Học tiếng Anh giao tiếp có quan trọng không?

Mỗi người đều có một hoặc nhiều mục tiêu riêng khi quyết định học một ngôn ngữ nào đó. Có người muốn học ngoại ngữ để có thể tìm hiểu thêm các tài liệu nước ngoài và phục vụ cho việc học hoặc công việc. Có người lại cần chuẩn bị vốn ngoại ngữ để đi định cư.

Nhưng dù lý do học ngoại ngữ có đa dạng như thế nào thì có một điều không thể phủ nhận là phần lớn đều muốn có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong giao tiếp. Bởi việc có thể giao tiếp tốt bằng ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng có thể đem lại rất nhiều lợi ích như sau:

1.1. Giao tiếp tiếng Anh tại Quốc gia sử dụng tiếng Anh

Nếu bạn đang có dự định đi du học hay định cư ở nước ngoài, đặc biệt là các nước có sử dụng tiếng Anh thì kỹ năng nói tiếng Anh là một hành trang không thể thiếu.

Khi bạn sống trong một cộng đồng, dù muốn hay không bạn cũng không thể tránh được việc giao tiếp với những cá nhân khác. Việc không nói cùng một ngôn ngữ với họ giống như việc tự cô lập bản thân vào trong một căn phòng kín vậy. Bạn không thể nghe được những gì người ở bên ngoài nói và cũng không thể nói cho họ hiểu những điều bạn muốn biểu đạt.

Ngược lại, họ cũng “mất liên lạc” với bạn. Khi đang ở một quốc gia chuyên nói tiếng, việc thiếu kỹ năng giao tiếp tiếng Anh sẽ khiến những việc đơn giản hằng ngày như hỏi đường, mặc cả, gọi món,… cũng trở nên rất khó khăn với bạn.

1.2. Giao tiếp tiếng Anh tốt tại trường học – Tăng hiệu quả học tập

Có nhiều người cho rằng, với cách học tiếng Anh để phục vụ cho việc học thì chỉ cần nắm nhiều từ vựng và có kỹ năng đọc-hiểu tốt để nghiên cứu tài liệu ngoại văn là được rồi. Điều này sẽ đúng nếu bạn không học trong một môi trường 100% tiếng Anh và chỉ muốn dùng tiếng Anh để tự nghiên cứu.

Khi học trong một môi trường 100% tiếng Anh tại Việt Nam hay khi bạn đi du học, bạn cần có kỹ năng tiếng Anh tốt để dễ dàng hòa nhập với bạn bè, thảo luận khi làm việc nhóm và quan trọng nhất là trao đổi với giao viên. Trong những trường hợp này, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh có tác động rất nhiều đến hiệu quả học tập của bạn.

1.3. Giao tiếp tiếng Anh tốt nơi công sở – Thăng tiến trong công việc

Bạn đang làm việc tại một công ty đa quốc gia với nhiều đồng nghiệp, cấp trên là người nước ngoài? Bạn cần tiếp nhiều khách hàng nước ngoài và ngôn ngữ dễ dàng nhất để trao đổi với họ là tiếng Anh?

Hay hiện tại bạn mới đang mong muốn làm việc cho một công ty đa quốc gia?

Nếu ít nhất một trong những điều trên đúng với trường hợp của bạn thì bạn nên bắt đầu quan tâm đến kỹ năng giao tiếp tiếng Anh ngay. Khi có thể giao tiếp thành thạo bằng tiếng Anh, bạn sẽ có lợi thế rất lớn khi đi phỏng vấn xin việc vào các công ty đa quốc gia hay những công ty yêu cầu ứng viên có khả năng sử dụng tiếng Anh.

Hơn thế nữa, trong quá trình làm việc, bạn sẽ dễ dàng trao đổi với các đồng nghiệp, cấp trên và khách hàng ngoại quốc. Điều này không chỉ giúp bạn tự tin và suôn sẻ hơn trong công việc mà còn khiến cánh cửa thăng tiến rộng mở hơn với bạn.

2. Cách học giao tiếp tiếng Anh cơ bản hiệu quả

2.1. Cách học kỹ năng nghe – hiểu tiếng Anh

Làm thế nào để cải thiện kỹ năng nghe-hiểu hiệu quả?

  • Ta có thể thấy, kỹ năng nghe-hiểu ở đây bao gồm 2 phần là nghe được và hiểu được. Để nghe được người khác đang nói gì chúng ta cần rèn luyện các cơ quan, bộ phận, v.v. tham gia vào quá trình nghe và nhận diện từ. Để hiểu được, chúng ta cần có sự am hiểu về ngữ pháp và vốn từ vựng nhất định để có thể xử lý và dịch nghĩa những câu, từ tiếng Anh người khác nói.
  • Để rèn luyện một trong hai hoặc cả hai kỹ năng trên, bạn có thể tham khảo các phương pháp và những lời khuyên bên dưới.

Các nguồn luyện nghe tiếng Anh hiệu quả

Có nhiều người học hay phân vân không biết khi luyện nghe nên chọn nghe qua file nghe truyền thống, ứng dụng học tiếng Anh, nghe podcast hay học qua các loại video như vlog, phim ảnh, v.v. Thực chất, bạn có thể luyện nghe qua ba nguồn nghe này cùng một lúc để cách luyện tập trở nên đa dạng và thú vị hơn.

Tuy nhiên, có một điều bạn cần lưu ý đó là những file nghe, podcast và video đó cần phù hợp với trình độ của bạn ở mỗi thời điểm. TalkFirst gửi đến bạn phân tích về độ khó của các nguồn luyện nghe như sau:

Học tiếng Anh giao tiếp qua file nghe và podcast:

So với việc luyện nghe qua vlog, phim ảnh, v.v., luyện nghe qua file nghe và podcast có thể linh hoạt đáp ứng nhu cầu của nhiều trình độ hơn. Hiện tại, các file nghe và file podcast đều rất đa dạng về mức độ khó dễ. Nhờ vậy, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm các file có độ khó phù hợp. Đặc biệt, trong phần lớn podcast, phần nội dung nghe còn được đánh ra thành chữ [được gọi là ‘transcript’] và được hiển thị lần lượt theo phần âm thanh vang lên.

Nhiều file podcast và nền tảng học qua podcast còn cung cấp cả transcript song ngữ. Bạn có thể tắt phần transcript này đi khi muốn thử thách bản thân. Ngày nay, nhiều file nghe truyền thống đã được làm thành dạng video với phần transcript [thường là song ngữ] xuất hiện trên màn hình. Đây cũng là một nguồn tài liệu lý tưởng cho việc luyện nghe. Tuy nhiên, một điểm trừ của chúng là ta không thể tắt phần transcript đi như podcast được.

Học tiếng Anh qua các loại video:
  • Luyện nghe qua các loại video như vlog, phim ảnh, v.v. thường phù hợp với trình độ từ trung bình khá trở lên vì khá khó khăn để tìm kiếm được các vlog, bộ phim, v.v. mà trong đó các nhân vật nói thật chậm rãi và rõ ràng. Và không phải nền tảng chiếu phim hay vlog nào cũng cung cấp phụ đề hoặc phụ đề song ngữ.
  • Tuy nhiên, cũng có một số nền tảng hoặc cá nhân cung cấp những vlog hay những bộ phim được sản xuất ra để phục vụ cho người học tiếng Anh. Trong những video này có nhiều yếu tố hỗ trợ bạn dễ dàng học hơn như tốc độ nói vừa phải, phụ đề, v.v.
  • Khi luyện nghe, đừng chỉ tập trung vào phần nghe mà hãy để ý đến những từ vựng và những cấu trúc ngữ pháp mà người nói sử dụng bạn nhé. Đây chính là nguồn tư liệu đáng giá giúp bạn củng cố vốn ngữ pháp và từ vựng của bản thân đấy.

Cách luyện nghe nhiều kiểu giọng tiếng Anh

Trên thực tế khi giao tiếp tiếng Anh, không phải lúc nào bạn cũng được tiếp xúc với chất giọng Anh-Anh mà bạn có thể sẽ tiếp xúc với rất nhiều kiểu giọng như Anh-Mỹ, Anh-Úc, Anh-Pháp, Anh-Ấn, Anh-Nhật, v.v. Chính vì vậy, khi luyện nghe bạn hãy cố gắng tiếp xúc với nhiều kiểu giọng nhất có thể.

Sự khác nhau trong cách sử dụng giữa Anh – Anh & Anh – Mỹ

Khi tự luyện nghe, nhiều người học hay có xu hướng tự yêu cầu bản thân phải nghe và hiểu hết những gì các nhân vật trong file nghe hoặc video nói. Tuy nhiên, có một thực tế là kể cả khi giao tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, bạn cũng nhiều lần phải hỏi lại xem người đối diện vừa nói gì.

Chính vì thế, đừng quá khắt khe về việc bản thân bạn có hiểu hết được nội dung nghe hay không. Hay để cho chính bạn có nhiều thời gian để cải thiện và đừng nhụt chí.

2.2. Cách luyện kỹ năng nói và phản xạ nhanh khi học tiếng Anh giao tiếp

Luyện tập kỹ năng nói

Khi bàn đến kỹ năng nói ta cần lưu ý đến 2 kỹ năng đó là kỹ năng lập câu & kỹ năng phát âm.

Để phát triển kỹ năng lập câu, ta cần lưu ý những điều sau:

  • Nắm thật vững ngữ pháp, đặc biệt là những điểm ngữ pháp cơ bản hay sử dụng khi giao tiếp tiếng Anh hoặc những điểm ngữ pháp mà tự bản thân bạn thấy là bạn hay cần dùng đến.
  • Sau khi học một điểm ngữ pháp mới, hãy dùng nó để thực hành nói thành câu ngay. Đừng để ngữ pháp chỉ là kiến thức trên mặt giấy.
  • Sau khi học các từ vựng mới, bạn cũng nên áp dụng chúng để nói thành câu. Cách này sẽ giúp bạn nhớ từ lâu hơn và giúp bạn biến từ vựng đó thành từ vựng chủ động [từ vựng mà bạn có thể linh hoạt sử dụng].
  • Để ý đến ngữ pháp và từ vựng mà các nhân vật trong file nghe, podcast, vlog, phim ảnh, v.v. sử dụng và tiếp thu chúng để mở rộng vốn ngữ pháp và từ vựng của bản thân.
  • Áp dụng phương pháp Shadowing: Nghe và lặp lại giống nhất có thể từng đoạn nhân vật trong file nghe, video, v.v. nói. Phương pháp này sẽ giúp chúng ta cải thiện phát âm, tích lũy thêm từ vựng và hình thành ý thức về các cấu trúc câu chuẩn.

Để cải thiện phát âm của bản thân, bạn nên lưu ý những điều sau:

  • Chú ý đến cách phát âm đúng của một từ ngay khi mới học nó. Thay vì học từ bằng cách chỉ viết ra giấy để nhớ mặt chữ rồi đoán mò cách phát âm một từ dựa trên mặt chữ. Bạn nên nghe từ điển máy phát âm một cách thật cẩn thận, kỹ càng sau đó phát âm theo cho chính xác. Có thể áp dụng phương pháp Shadowing được nhắc đến ở trên.
  • Áp dụng một số công cụ có chức năng kiểm tra độ chuẩn của phát âm như ELSA Speak, Say2me, Izy Speak, v.v.

Luyện tập phản xạ nhanh

Kỹ năng phản xạ nhanh là kỹ năng khó luyện nhất khi tự học vì chúng ta không có ai để tương tác. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể khắc phục vấn đề này bằng các cách sau:

  • Tự đặt trước một số câu hỏi cho bản thân và thu âm lại. Sau đó, bạn phát các câu hỏi theo thứ tự ngẫu nhiên và tự trả lời chúng.
  • Tìm những đoạn video mà trong đó các nhân vật phỏng vấn hay đặt câu hỏi cho nhau về những vấn đề, chủ đề mà bạn cũng có thể trả lời. Mỗi khi một nhân vật đặt câu hỏi xong, bạn sẽ dừng video và trả lời như thể bạn là người được hỏi. Sau khi trả lời xong, bạn phát tiếp video để nghe câu trả lời của nhân vật được hỏi trong video. Qua đó, bạn có thể tham khảo được nhiều điều về ý tưởng, ngữ pháp, từ vựng và phát âm.
  • Bên cạnh đó, bạn cũng nên không ngừng luyện tập nói thành câu. Chỉ có luyện tập thường xuyên mới giúp bạn đẩy nhanh tốc độ lập câu khi nói và tốc độ phản xạ với câu hỏi.

3. Lộ trình học tiếng Anh giao tiếp cho người mới bắt đầu

Có thể nói, để vạch ra một lộ trình học tập phù hợp 100% với mọi cá nhân là một điều gần như không thể vì mỗi người học đều có trình độ khởi điểm, năng lực tiếp thu và năng khiếu ngôn ngữ khác nhau. Chính vì vậy dưới đây, TalkFirst sẽ gửi đến bạn lộ trình tự học tiếng Anh cho người mới bắt đầu và có khả năng tiếp thu cùng năng khiếu ngôn ngữ ở mức trung bình [kéo dài trong một năm].

4 tháng đầu khi học giao tiếp tiếng Anh cơ bản

Ngữ pháp:

Các điểm ngữ pháp căn bản nhất:

Từ vựng:

  • Các từ vựng đơn giản nhất thuộc lĩnh vực bạn cần giao tiếp.
  • Mỗi nét nghĩa chỉ nên học một từ.

Luyện kỹ năng nghe-nói:

  • Nắm vững cách phát âm s/es
  • Luyện nghe với những file nghe có tốc độ chậm và có phần transcript song ngữ Anh-Việt.
  • Dùng các cấu trúc, quy tắc ngữ pháp và từ vựng đã học để nói thành câu.
  • Học phát âm theo hệ thống phiên âm quốc tế IPA của mỗi từ.

4 tháng học tiếng Anh tiếp theo

Ngữ pháp:

Các điểm ngữ pháp phức tạp hơn:

  • 3 thì hoàn thành và hoàn thành tiếp diễn. [Các thì hoàn thành tiếp diễn không cần được chú ý quá nhiều vì chúng ít được sử dụng. ]
  • Lập câu phức với các loại liên từ.

Từ vựng:

  • Tiếp tục học các từ vựng đơn giản nhất thuộc lĩnh vực bạn cần giao tiếp.
  • Mỗi nét nghĩa chỉ nên học một từ.

Luyện kỹ năng nghe-nói:

  • Học thuộc các quy tắc phát âm ed, các quy tắc trọng âm
  • Có thể luyện nghe những file nghe có tốc độ nhanh hơn. Có thể thử tắt phần transcript nếu tự tin.
  • Có thể bắt đầu tập nghe bằng cách xem vlog, xem phim, v.v. nhưng nên chọn những video có phụ đề [song ngữ càng tốt] và nhân vật trong đó nói rõ và không quá nhanh.
  • Dùng các cấu trúc, quy tắc ngữ pháp và từ vựng đã học để nói thành câu phức.

4 tháng học tiếng Anh cuối

Ngữ pháp:

  • Các điểm ngữ pháp phức tạp hơn: bị động, mệnh đề quan hệ, câu điều kiện v.v.
  • Có thể bạn sẽ thấy một số điểm ngữ phát sẽ không cần thiết và bạn hoàn toàn có thể không dùng chúng khi nói. Tuy nhiên, bạn vẫn cần nắm sơ chúng để có thể hiểu khi người khác sử dụng lúc nói

Từ vựng:

  • Học những từ dài và khó nhớ hơn.
  • Học các loại từ vựng đặc biệt như phrasal verbs, idioms, Linking verb v.v.
  • Học thêm những từ vựng khác để diễn tả một nét nghĩa. Tìm hiểu sự khác biệt giữa chúng.

Luyện kỹ năng nghe-nói:

  • Tiếp tục luyện nghe những file nghe có tốc độ nhanh hơn. Có thể thử tắt phần transcript nếu tự tin.
  • Tiếp tục tập nghe bằng cách xem vlog, xem phim, v.v. Video vẫn nên có phụ đề song ngữ nhưng bạn có thể thử tắt đi. Tốc độ nói của nhân vật trong video có thể nhanh hơn.
  • Dùng các cấu trúc, quy tắc ngữ pháp và từ vựng đã học để nói thành câu dài và phức tạp hơn.

Xem thêm: Mẹo học tiếng Anh giao tiếp cấp tốc cho người mất gốc

4. Các mẫu câu giao tiếp tiếng Anh cơ bản hàng ngày

Sau đây là các mẫu câu giao tiếp tiếng Anh cơ bản chủ đề tự giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh. Các bạn tham khảo và nắm rõ các mẫu câu này cũng là một cách học từ vựng tiếng Anh hiệu quả mà còn đơn giản, dễ nhớ.

4.1. Mẫu câu giao tiếp tiếng Anh chào hỏi và tạm biệt hàng ngày

Tiếng Anh  Tiếng Việt
Hello/Hi!Xin chào! [“Hi!” kém trang trọng hơn, thường được dùng cho những người thân quen.]
Good morning/afternoon/evening!  Chào buổi sáng/ buổi trưa/chiều/ buổi tối!
Good night!Chúc ngủ ngon! Cách nói này cũng được dùng để chào tạm biệt vào buổi tối [muộn].
Goodbye!Tạm biệt!  
So long!Tạm biệt!  

4.2. Mẫu câu để giới thiệu tên

Tiếng Anh  Tiếng Việt
My name is…  Tên tôi là…
I’m…  Tôi là…
My nickname is…  Biệt danh của tôi là…
You can call me…  Bạn có thể gọi tôi là…

4.3. Mẫu câu để giới thiệu tuổi tác

Tiếng Anh  Tiếng Việt
I’m… [years old].  Tên… tuổi.
I’m in my twenties/thirties/forties/fifties/…  Tôi đang trong những năm 20/30/40/50/… tuổi. [Khi chúng ta không muốn nói rõ tuổi ta có thể dùng cách này.]

4.4. Mẫu câu tiếng Anh để giới thiệu nghề nghiệp

Tiếng Anh  Tiếng Việt
I’m a/an…  Tên là một…
I work as a/an…  Tôi làm việc với tư cách là một…
I work for/at…  Tôi làm việc cho/tại…

4.5. Mẫu câu tiếng Anh để giới thiệu sở thích bản thân

Tiếng Anh  Tiếng Việt
My hobbies are  Những sở thích của tôi là…
I’m interested in…  Tôi hứng thú với…
I’m into…  Tôi hứng thú với…
I’m a big fan of…  Tôi là một fan bự của…
I like…Tôi thích…  
I enjoy…Tôi thích…  

Xem thêm:

5. Tài liệu học giao tiếp tiếng Anh

5.1. Sách học tiếng Anh giao tiếp cơ bản

English Grammar in Use – Raymond Murphy

Một cuốn sách ngữ pháp phù hợp cho người cần sử dụng ngữ pháp cho giao tiếp. Thay vì những kiến thức “cao siêu” và đậm tính học thuật, cuốn sách này tổng hợp những điểm ngữ pháp cơ bản và thường được sử dụng.

Tuy nhiên, vì cuốn sách này được viết bằng tiếng Anh và chưa có bản dịch tiếng Việt nên những người học hoàn toàn bỡ ngỡ với tiếng Anh có thể sẽ gặp một chút khó khăn khi học với cuốn sách này.

English Vocabulary in Use – Michael McCarthy và Felicity O’Dell

Cuốn sách giúp bạn tổng hợp lại các từ vựng thường được sử dụng nhất với cấp độ khó là từ cơ bản đến trung bình-khó. Đặc biệt, cuốn sách này sẽ cung cấp cho bạn những bài tập mà qua đó bạn có thể học từ vựng hoặc áp dụng những từ vựng đã học. Điều này sẽ giúp bạn nhớ từ nhanh chóng và lại lâu quên.

Everyday Conversations English – Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Chỉ cần nghe tên tác giả thôi là bạn đã thấy được độ uy tín của cuốn sách này rồi đúng không nào? Cuốn sách này sẽ mang đến cho bạn những đoạn hội thoại ngắn về cách chào hỏi, nghe điện thoại, giao tiếp khi đi du lịch, giao tiếp khi đi mua sắm, v.v.

Cuốn sách này rất phù hợp cho người học sơ cấp và trung cấp. Với cuốn sách này, bạn có thể cải thiện đáng kể cách học tiếng Anh giao tiếp đặc biệt là về khía cạnh sử dụng văn phong phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể.

Tactics for Listening – Jack C. Richards

Nếu bạn đang tìm kiếm một cuốn sách hướng dẫn kỹ năng nghe tiếng Anh cho nhiều trình độ thì bộ sách này là sự lựa chọn hàng đầu cho bạn vì nó bao gồm 3 cuốn sách cho ba trình độ từ cơ bản đến nâng cao. Mỗi cuốn sẽ bao gồm 24 bài và mỗi bài là một chủ đề khác nhau. Sách có nhiều dạng bài tập đa dạng như: trả lời câu hỏi, ghép hình, điền vào chỗ trống, v.v. giúp bạn không cảm thấy nhàm chán khi học.

5.2. Trang web học giao tiếp tiếng Anh miễn phí

  • Talkirst.vn: Mục Tự học tiếng Anh của TalkFirst cung cấp cho bạn một số lượng lớn các bài học về Anh văn giao tiếp với chủ đề đa dạng: ngữ pháp cơ bản, ngữ pháp, nâng cao, phát âm, cách học tiếng Anh, v.v. Với định hướng biên soạn bài giảng theo hướng chia nhỏ kiến thức, đi sâu vào từng điểm kiến thức nhỏ trong mỗi bài học để người học dễ tiếp thu, những bài học của TalkFirst chắc chắn sẽ đặc biệt phù hợp với những người mới bắt đầu. Bên cạnh đó, TalkFirst cũng cung cấp cách học tiếng Anh theo chuyên ngành như tiếng Anh xuất-nhập khẩu, tiếng Anh cho dân IT,… chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu của những người mong muốn học tiếng Anh để phục vụ cho công việc
  • Podcast in English mang đến cho bạn một chuỗi các podcast phù hợp với trình độ Anh ngữ từ cơ bản đến nâng cao giúp bạn dễ dàng chọn lựa. Bên cạnh các chủ đề thường gặp trong cuộc sống như Facebook, thể thao, v.v., nền tảng này còn cung cấp podcast về chủ đề tiếng Anh thương mại, rất phù hợp cho những người học làm trong lĩnh vực này.
  • Business English Pod: Đúng như cái tên, Business English Pod là một sự lựa chọn tiếng với cho những ai đang muốn rèn luyện kĩ năng nghe-nói tiếng Anh theo chủ đề kinh doanh. Khi sử dụng nền tảng này, bạn sẽ có thể trải nghiệm môi trường tiếng Anh chuyên ngành kinh doanh với một chuỗi các bài nghe xoay quanh những tình huống thường gặp trong kinh doanh.

5.3. Các nguồn học tiếng Anh giao tiếp khác

Kênh Youtube Anh ngữ TalkFirst

Song song với website talkfirst.vn, kênh youtube Anh ngữ TalkFirst cũng sẽ đem đến cho bạn loạt video bài học đầy thú vị. Xoay quanh nhiều khía cạnh của Anh văn giao tiếp như mẹo phát âm chuẩn, cách nói tiếng Anh tự nhiên, những cách diễn đạt người bản xứ hay sử dụng khi giao tiếp, v.v. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể học tiếng Anh qua những bản cover bài hát Việt bằng tiếng Anh đầy sáng tạo của TalkFirst.

Kênh Youtube I’m Marry

Đây là một kênh youtube quen thuộc với nhiều người học yêu thích cách học giao tiếp tiếng Anh thụ động qua việc nghe. Kênh I’m Mary đem đến cho người học những video luyện nghe với phần phụ đề song ngữ chạy trên màn hình theo lời các nhân vật nói. Điều này sẽ giúp bạn kiểm tra những thông tin mình vừa nghe-hiểu được có chính xác không và cũng giúp bạn dễ dàng tích lũy thêm vốn ngữ pháp và từ vựng.

Kênh Youtube English with Lucy

Nếu bạn đang muốn học Anh ngữ với giáo viên có giọng chuẩn Anh-Anh thì kênh English with Lucy là một sự lựa chọn không thể hoàn hảo hơn. Với chất giọng chuẩn Anh-Anh cùng những video chỉnh chu về nhiều khía cạnh trong giao tiếp, cô Lucy chắc chắn đem đến cho bạn những giờ học lý thú và hiệu quả.

Netflix

Nếu bạn đang tìm kiếm một nền tảng giúp bạn vừa học giao tiếp tiếng Anh vừa giải trí thì một tài khoản Netflix chắc chắn là điều bạn cần đấy. Với kho phim nói tiếng Anh đa dạng và dồi dào cùng phụ đề Anh, Việt và cả phụ đề song ngữ, Netflix chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những giây phút vừa học vừa chơi đầy bổ ích.

Tuy nhiên, nền tảng này có một điểm trừ nho nhỏ đó là bạn sẽ phải trả phí hàng tháng để sử dụng. Nhưng với những lợi ích giải trí và học tập nó mang lại thì cũng xứng đáng phải không nào?

6. Lưu ý khi tự học tiếng Anh giao tiếp

Để đảm bảo việc tự học giao tiếp tiếng Anh đi đúng hướng và đạt hiệu quả cao, bạn đừng vội vàng bắt đầu mà hãy thực hiện hoặc lưu ý đến những điều bên dưới !

6.1. Học giao tiếp tiếng Anh cơ bản bắt đầu từ đâu?

Trước khi bắt đầu, ta nên làm những điều sau:

Xác định [những] lĩnh vực hay khía cạnh cuộc sống mà trong đó bạn cần sử dụng kỹ năng giao tiếp tiếng Anh

  • Để tránh việc học lan man bạn cần xác định rõ xem bản thân sẽ cần giao tiếp bằng tiếng Anh trong lĩnh vực/khía cạnh nào của cuộc sống. Nhờ vậy bạn sẽ giới hạn được kiến thức cần học.
    Tuy nhiên, nếu chia những kiến thức bạn cần nắm thành hai nhóm chính là Ngữ pháp và Từ vựng thì bạn cũng chỉ có thể giới hạn bớt về mặt Từ vựng. Vì dù có giao tiếp về lĩnh vực gì, bạn cũng cần có một vốn Ngữ pháp nhất định thì mới có thể phát triển câu chính xác khi nói.
  • Vậy việc “giới hạn bớt từ vựng” được nhắc đến ở trên cụ thể là như thế nào? Câu trả lời rất đơn giản. Nếu bạn cần giao tiếp chủ yếu trong cuộc sống hằng ngày, hãy tập trung học những từ vựng liên quan đến đời sống hằng ngày như từ vựng về giao thông, các nơi chốn trong thành phố, các loại rau củ bạn hay cần mua, v.v.

    Bạn không cần học những từ vựng liên quan đến những chuyên ngành cụ thể. Một trường hợp khác, bạn làm việc trong lĩnh vực xuất-nhập khẩu và thường xuyên phải làm việc với khách hàng ngoại quốc, nhưng khi trở về cuộc sống thường nhật, bạn không cần hoặc không có nhu cầu giao tiếp bằng tiếng Anh. Như vậy, bạn chỉ cần tập trung học từ vựng chủ đề xuất-nhập khẩu và đặc biệt và những từ bạn hay gặp và cần dùng khi giao tiếp với khách hàng.

  • Số lượng lĩnh vực hay khía cạnh cuộc sống mà trong đó bạn cần giao tiếp bằng tiếng Anh càng nhiều thì số lượng từ vựng bạn cần học càng tăng và ngược lại.

Đánh giá năng lực của bản thân

  • Một điều quan trọng khác bạn cần làm trước khi bắt đầu tự học giao tiếp chính là đánh giá trình độ tiếng Anh của bản thân. Bạn cần phải biết năng lực của mình như thế nào, điểm mạnh và điểm yếu nằm ở đâu thì mới xác định được chính xác phương pháp học phù hợp, những kiến thức cần trau dồi và những kỹ năng cần cải thiện.
  • Tự đánh giá năng lực giao tiếp của bản thân không phải một điều dễ dàng. Chính vì vậy, bạn có thể tham gia vào những bài test kỹ năng giao tiếp tiếng Anh miễn phí trên mạng.
  • Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nhờ sự giúp đỡ từ một số người bạn, người quen hoặc người thân có kỹ năng tiếng Anh khá trở lên. Họ có thể giúp bạn đưa ra những đánh giá thật khách quan.

Chọn ra những nguồn tài liệu và cách học tiếng Anh phù hợp với bản thân

  • Để việc tự học đi theo định hướng rõ ràng và tránh lan man, trước khi bắt đầu học, bạn nên chọn ra các tài liệu và những nền tảng học mà bạn nghĩ sẽ phù hợp với bản thân. Trong quá trình học, nếu thấy tài liệu hay nền tảng nào không phù hợp, bạn vẫn có thể linh hoạt thay đổi.
  • Bạn không nên chọn học quá nhiều tài liệu hay nền tảng học một lúc. Điều này có thể khiến bạn bị rối và “quá tải” về kiến thức.

6.2. Học tiếng Anh giao tiếp cần tránh mắc phải những lỗi này

Để đạt hiệu quả tối đa và tiết kiệm thời gian, bạn hãy lưu ý những lỗi sai mà người học hay gặp phải khi tự học Anh văn giao tiếp nhé.

Mất cân bằng giữa việc học từ vựng và ngữ pháp

Trong qua trình giảng dạy, đội ngũ giáo viên của TalkFirst thường xuyên nhận được những câu hỏi từ học viên như: “Ngữ pháp với Từ vựng cái nào quan trọng hơn?” hay “Khi mới bắt đầu học tiếng Anh và đặc biệt là Anh văn giao tiếp, ta nên tập trung vào Từ vựng hay Ngữ pháp trước?”. Có nhiều bạn học viên đã có luôn kết luận của mình, đó là: “Nên học Từ vựng nhiều hơn Ngữ pháp.”

Thực chất, việc tập trung học mỗi từ vựng chỉ giúp ta nghe-hiểu được một số từ khóa trong câu người khác nói và từ đó đoán nghĩa của câu. Vai trò và mối quan hệ giữa ngữ pháp và từ vựng như khung xương và các múi cơ, nội tạng trong cơ thể. Nếu không có một khung xương ngữ pháp vững chắc, chúng ta không thể nào gắn các múi cơ và nội tạng vào để tạo nên một cơ thể hoàn chỉnh và khỏe mạnh được.

Chính vì vậy, Ngữ pháp và Từ vựng song hành với nhau và có tầm quan trọng ngang nhau. Thậm chí, ngữ pháp còn cần phải được “chăm chút” nhiều hơn vì nếu không có bộ khung ngữ pháp vững vàng, ta sẽ không biết phải sắp xếp các từ vựng vào thế nào cho đúng. Vì vậy, khi tự học tiếng Anh nói chung và tiếng Anh giao tiếp nói riêng, bạn đừng “thiên vị” từ vựng hay ngữ pháp mà hãy học chúng song song nhé.

Quá chú trọng đến số lượng mà bỏ quên chất lượng

Một sai lầm nữa mà nhiều người học hay mắc phải khi tự học chính là việc cố gắng nhồi nhét quá nhiều kiến thức một lúc. Việc này có thể khiến cho bản thân người học bị “quá tải” và dễ quên những kiến thức đã học.

Thay vì tập trung vào lượng kiến thức bạn học được, hãy giảm số lượng kiến thức bạn nạp vào một lúc và hãy nghiền ngẫm chúng thật kỹ, tìm hiểu về chúng cẩn thận và thực hành với chúng để đảm bảo rằng bạn sẽ sử dụng chúng chính xác và nhớ chúng trong một thời gian dài.

Học mà quên đi đôi với hành

Bên cạnh hai lỗi sai trên, khi tự học, người học cũng hay đi vào lối mòn là chỉ học để nhớ kiến thức mà quên thực hành. Trong khi đó, giao tiếp vốn bao gồm hai kỹ năng là nghe và nói – hai kỹ năng đòi hỏi người học phải thực hành và luyện tập thật nhiều. Do đó, khi học ngữ pháp hay từ vựng, bạn không nên chỉ viết chúng ra giấy rồi cố gắng ghi nhớ chúng, mà bạn hãy ngay lập tức dùng chúng để nói ra thành câu. Việc thực hành là rất quan trọng với việc học tiếng Anh giao tiếp. Vì thế, bạn không nên chỉ tập trung vào việc nạp kiến thức mà quên mất việc thực hành bạn nhé.

7. Khóa học tiếng Anh giao tiếp ở đâu chất lượng?

Học tiếng Anh là việc đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Để có được lộ trình học tiếng Anh hiệu quả, ngay từ đầu bạn nên tham khảo những khóa học tại các trung tâm Anh ngữ uy tín. Vậy khóa học tiếng Anh giao tiếp ở đâu TPHCM uy tín?

Anh ngữ TalkFirst chính là một trong những trung tâm được đánh giá cao nhất với chất lượng, hình thức giảng dạy khoa học cùng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao. Học viên sau khi tham gia các khóa học đều có những phản hồi tích cực và cực kỳ thích thú đặc biệt với khóa Tiếng Anh Giao Tiếp Ứng Dụng tại TalkFirst.

Lựa chọn được khóa học tiếng Anh giao tiếp sẽ giúp lộ trình học tiếng Anh của bạn được rõ ràng và nhanh chóng đạt được hơn. Tuy nhiên hơn tất cả là tuỳ thuộc vào nỗ lực và sự cố gắng của mỗi cá nhân. Vì vậy hãy nỗ lực hết sức mình với mục tiêu đã đề ra từ ban đầu bạn nhé!

Trên đây là những thông tin về việc tự học giao tiếp tiếng Anh cơ bản cho người mới bắt đầu mà TalkFirst muốn chia sẻ với bạn. Chắc hẳn là sau bài viết này bạn đã nắm chắc trong tay những điều quan trọng và cần thiết về cách học tiếng Anh rồi phải không? Đừng quên luyện tập tiếng Anh mỗi ngày từ những tài liệu đã được chia sẻ ở trên và ghé thăm mục Tự học tiếng Anh để cải thiện trình độ tiếng Anh nhé!

Video liên quan

Chủ Đề