Dĩ bất biến ứng vạn biến là gì

Biên bản cuộc họp Hội đồng Chính phủ ngày 6/3/1946. [Nguồn: Trung tâm lưu trữ Quốc gia III]

Sau thắng lợi cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên - Quốc hội lập hiến của nước Việt Nam diễn ra từ ngày 6/1/1946 trong cả nước, đến ngày 2/3/1946, đã diễn ra tại Hà Nội, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong phiên họp toàn thể đầu tiên này, Quốc hội Việt Nam đã bàn và quyết định nhiều vấn đề trọng đại của quốc gia trong đó có việc thông qua Bản Tuyên ngôn của Quốc hội khẳng định: “Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể nhân dân Việt Nam”, nhất trí bầu Hồ Chí Minh là Chủ tịch Chính phủ liên hiệp kháng chiến và trao cho Người quyền thành lập Chính phủ mới, thông qua thành phần của Tối cao Cố vấn đoàn và Kháng chiến uỷ viên hội…

Liền sau đó, trong các ngày từ 4-6/3/1946, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam đã có 3 phiên họp bàn và giải quyết những việc đối nội, đối ngoại to lớn trước mắt trong đó vấn đề cấp thiết là về mối quan hệ Việt Nam và Pháp.

Ngày 5/3/1946, Hội nghị bất thường Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Vân Canh [lúc này Đảng đã lui vào hoạt động bí mật với danh nghĩa Hội nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác ở Đông Dương], thông qua chủ trương “Hoà để tiến” quyết định tạm thời hoà hoãn với thực dân Pháp để có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng và để loại bớt một kẻ thù nguy hiểm là Tưởng Giới Thạch.

Sáng ngày 6/3/1946, tại Bắc Bộ phủ, Hội đồng Chính phủ họp phiên toàn thể mở rộng bàn về nội dung quan hệ với Pháp. Đặc biệt, các thành viên tham gia phiên họp này có đại diện Ban Thường trực Quốc hội, Tối cao cố vấn Đoàn và Ủy ban Kháng chiến đã cùng ký tên vào một biên bản tán thành việc ký Hiệp định đình chiến và mở cuộc đàm phán chính thức với Chính phủ Pháp.

Lúc 16h30 phút cùng ngày, tại trụ sở Bộ Lao động, [nay là số nhà 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội], với sự chứng kiến của đại diện các nước Mỹ, Trung Hoa Dân quốc, Anh… Chủ tịch Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh, đại diện Chính phủ Việt Nam và ông J. Sainteny, đại diện Chính phủ Cộng hoà Pháp, đã ký bản Hiệp định Việt-Pháp [Hiệp định Sơ bộ].

Theo đó, Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một quốc gia tự do nằm trong khối liên hiệp Pháp. Nước Việt Nam có Chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Việc thống nhất đất nước sẽ được quyết định bằng trưng cầu ý dân. Chính phủ Việt Nam đồng ý để 15.000 quân Pháp vào thay quân Tưởng. Quân Pháp phải rút khỏi Việt Nam sau 5 năm. Quân đội hai bên ngừng bắn và ở nguyên vị trí. Hai bên sẽ mở cuộc đàm phán…

18h cùng ngày, tại Bắc Bộ Phủ, trong buổi họp báo, sau tuyên bố về bản Hiệp định Sơ bộ vừa được ký, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Như quốc dân đã biết, trước đây đã có những cuộc đàm phán giữa đại biểu chính phủ Việt Nam và đại biểu chính phủ Pháp. Hôm nay đã có kết quả của những cuộc nói chuyện đó. Hai bên đã ký với nhau một bản Hiệp định Sơ bộ. Tất cả sẽ tuyên bố với quốc dân trong ngày mai.

Liền sau đó, từ ngày 7/3/1946, các tờ báo ra hàng ngày và cách ngày, hàng tuần phát hành trên toàn cõi Việt Nam đã đăng nội dung Hiệp định Sơ bộ, nêu rõ cuộc đàm phán Việt Nam và Pháp đã bắt đầu.

Báo Cứu quốc nhắc lời Tuyên bố: Chỉ có chính phủ Việt Nam mới có tư cách định đoạt những quyền lợi mọi mặt của Việt Nam. Trong Thông cáo trên báo cùng ngày, Tổng bộ Việt Minh chỉ rõ: Bản Hiệp định ngày 6 là một sự giảng hòa nhưng đó là hòa để tiến tới. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Hồ Chủ tịch chúng ta sẽ thắng. Việt Nam độc lập muôn năm!

Chiều ngày 7/3/1946, tại cuộc mít tinh của nhân dân Thủ đô trước Nhà hát thành phố, cùng với Cụ Huỳnh Thúc Kháng và các thành viên Kháng chiến Ủy viên Hội như Võ Nguyên Giáp, Vũ Hồng Khanh, Trần Huy Liệu..., Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu giải thích ngắn gọn gỡ đi phần nào những băn khoăn trong dân chúng về Hiệp định Sơ bộ.

Người nói: Nước ta đã độc lập thực sự từ tháng Tám năm 1945, nhưng tới nay, chưa một cường quốc nào công nhận nền độc lập của ta. Cuộc điều đình với nước Pháp sẽ mở ra con đường làm cho quốc tế thừa nhận ta, sẽ dẫn ta đến một vị trí ngày càng chắc chắn trên trường quốc tế. Người khuyên hết thảy hãy bình tĩnh, đoàn kết, trọng kỷ luật.

Người khẳng định: Tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt cuộc đời đã cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước. Tại buổi tiếp ông J. Sainteny, Ủy viên Cộng hoà Pháp đại diện chính phủ Pháp ở Bắc Bộ Phủ cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị địa điểm đàm phán Việt-Pháp sắp tới là Paris và tỏ ý muốn sớm được gặp Thượng sứ Georges Thierry d'Argenlieu trước khi sang Pháp.

Ngày 17/3/1946, D'Argenlieu gửi Công hàm tới Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị: Ngày 24/3/1946 sẽ gặp riêng Người trên tuần dương hạm Emile Bertin tại Vịnh Hạ Long với những nghi lễ trọng thể, đồng thời thông báo Chính phủ Pháp mong muốn chính thức mời Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp để đặt quan hệ hữu nghị trên những cơ sở vững chắc giữa hai bên Chính phủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chấp thuận thể thức cuộc gặp do D'Argenlieu đề xuất. Trong buổi hội kiến với Cao ủy Pháp D'Argenlieu trên tuần dương hạm Emile Bertin, có hàng trăm binh sỹ Pháp bồng súng chào. Cùng đi với Chủ tịch Hồ Chí Minh có Nguyễn Tường Tam, Hoàng Minh Giám.

Hai bên bàn bạc và thoả thuận một số nội dung: Một là: Vào trung tuần tháng 4, một phái bộ đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ đi Pháp để tỏ tình thân thiện. Hai là: Một phái bộ Pháp [khoảng 10 người] sẽ sang Việt Nam, cùng phái bộ Việt Nam chuẩn bị những tài liệu cần thiết. Ba là: Hạ tuần tháng 5, phái bộ Việt Nam sẽ qua Pháp mở đàm phán chính thức tại Paris.

Theo thống kê sơ bộ, chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 3 đến tháng 5/1946, với trọng trách được giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hàng trăm các buổi tiếp xúc, họp bàn, trao đổi, ra các sắc lệnh, chỉ thị, quyết định liên quan đến những vấn đề trọng đại của quan hệ Việt-Pháp.

Thực tế, từ 16/4 đến 23/5/1946, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã thực hiện chuyến thăm CH Pháp và Hội nghị trù bị ở Đà Lạt cũng đã họp từ ngày 19/4 đến 11/5/1946 chuẩn bị cho Hội nghị Việt-Pháp tại Fontainebleau theo đúng thỏa thuận trên.

Từ trái sang phải: Hồ Chủ tịch, Thứ trưởng Nội vụ Hoàng Minh Giám, Ủy viên CH Pháp ở Bắc Việt Nam Jean Sainteny, Cố vấn chính trị của Cao ủy Pháp ở Đông Dương Leon Pignon và Bí thư Phân bộ Đảng Xã hội Pháp [SFIO] ở Bắc Việt Nam Luis Caput tại lễ ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946. [Ảnh tư liệu]

Chủ tịch Hồ Chí Minh với câu nói “Dĩ bất biến ứng vạn biến” ngày 31/5/1946

Sáng 27/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ thông qua quyết định cử cụ Huỳnh Thúc Kháng tạm thay Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người đi vắng cùng thời điểm với phái đoàn Chính phủ ta sang Paris đàm phán về bản Hiệp ước Việt-Pháp chính thức.

Ngày 29/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký 12 bản Sắc lệnh về tổ chức các Bộ, ngành như Tài chính, Giao thông, Canh nông, việc giảm thuế điền thổ ở Trung kỳ…trong đó có Sắc lệnh số 81 ấn định danh sách các thành viên đoàn đi Paris và Sắc lệnh số 82 về việc ủy nhiệm các ông: Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ giữ quyền Chủ tịch thay Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh đi vắng và cử các vị thay thế các ông Hoàng Minh Giám, Phan Anh,Tạ Quang Bửu thành viên phái đoàn Chính phủ tham dự Hội nghị Pháp Việt. Tin tức vẫn chưa được công khai.

Cũng trong ngày 29/5, nhiều tờ báo ở Hà Nội đăng tên các thành viên chính phủ tham dự Hội nghị Việt-Pháp. Bên cạnh đó, những thông tin liên quan đến phái đoàn Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức CH Pháp ít được nhắc đến. Trong dư luận, khi đó và ngay cả bây giờ vẫn có nhiều người nhớ hoặc hiểu nhầm rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đi dự Hội nghị Fontainebleau.

Chiều 30/5/1946, Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng mời tiệc trà các thành viên trong hai phái đoàn tại Bắc Bộ Phủ, phần như để chia tay, nhưng có lẽ ẩn sâu và đọng lại trong tình cảm của những người chuẩn bị lên đường lại chính là sự mong muốn gây thêm tình đoàn kết và lòng tin giữa quốc dân và phái bộ trước lúc lên đường làm nhiệm vụ mà cụ Huỳnh muốn chia sẻ rằng sẽ rất khó khăn.

Sau lời chúc thuận buồm xuôi gió, cụ Huỳnh nhắc nhở các thành viên phải đoàn kết chặt chẽ để đem thắng lợi về cho nước, cho dân. Cuối cùng như một thói quen, Cụ đọc liền ba bài thơ chữ Hán và một bài chữ Nôm để tặng phái đoàn.

Sáng 31/5/1946, trang nhất báo Cứu quốc đưa tin bằng cách nêu câu hỏi: Ai thay Hồ Chủ tịch trong khi Người đi Pháp? Và lý giải, trả lời: Đáng lẽ là vị Phó Chủ tịch nhưng trong Chính phủ hiện thời không có Phó Chủ tịch nên theo lý đương nhiên vị thay Chủ tịch chỉ có thể là cụ Huỳnh Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cụ Huỳnh một bậc ái quốc lão thành, thật xứng đáng quyền chức Chủ tịch Nước Việt Nam trong giai đoạn lịch sử khó khăn này. Và hết thảy quốc dân đồng bào cũng tin ở Cụ.

Báo Dân Thanh số 217 ra ngày 1/6/1946 cho biết: Cuộc tiễn đưa phái bộ ngày 31/ 5/ 1946 rất long trọng. Từ 5h sáng các thành viên thường trực Quốc hội, Chính phủ, đại diện các bộ ngành, đoàn tự vệ, thanh niên nhi đồng đã lục tục đi tiễn đưa Hồ Chủ tịch cùng phái bộ Việt Nam sang Paris để mở cuộc đàm phán với Chính phủ Pháp.

Tại Bắc Bộ Phủ cũng giờ ấy, người ta đã thấy cụ Chủ tịch cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đàm đạo với mấy thành viên chính phủ. Các vị tham gia phái bộ lần lượt tới đủ. 6h, Hồ Chủ tịch và cả đoàn phái bộ trước khi ra xe sang trường bay Gia Lâm cùng thề trước mặt mọi người: “Chúng tôi xin thề hết sức đoàn kết làm tròn nhiệm vụ mà đồng bào, Chính phủ giao phó cho”. Đoạn cụ Chủ tịch cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng nắm tay nhau cảm động.

Cụ Huỳnh đọc tặng cụ Hồ mấy chữ “Thực lợi đồ chi” có nghĩa là: Trông thấy lợi hiển hiện hãy mưu làm. Cụ Hồ ứng khẩu cười đọc lại một một câu chữ cổ khác để ngỏ nỗi lòng cùng lão đồng chí Huỳnh “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” có nghĩa là :Lúc nào cũng không rung động tâm để đối phó với các sự biến chuyển.

Báo Độc lập, cơ quan của cơ quan Dân chủ Đảng trong Mặt trận Việt Minh số 161 ra ngày 1/6/1946, trong bài “Điểm qua những lời căn dặn và tuyên bố của Hồ Chủ tịch” ghi: Trước khi lên đường Hồ Chủ tịch có căn dặn: Đồng bào phải đoàn kết, đoàn kết hơn bao giờ hết. Và trong khi trả lời Huỳnh Bộ trưởng, Hồ Chủ tịch có nói một câu rất ý nghĩa: DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN. Đoàn kết! Đoàn kết! Đoàn kết chặt chẽ thành một khối, nhất định ta không e ngại gì. Bình tĩnh đó là lời Người căn dặn ta. Giữ bình tĩnh được tức là đối phó được với mọi biến cố. Nhưng bình tĩnh không phải là buông lỏng, không phải là sơ khoáng. Chỉ có thể bình tĩnh được khi nào ta đã lo tính cẩn thận và sẵn sàng.

Là người chứng kiến phút giây chia tay này, đồng chí Võ Nguyên Giáp kể: Trước khi đi, Bác Hồ có bàn với cụ Huỳnh việc giao quyền Chủ tịch nước cho Cụ và để lại cho Cụ mấy chữ: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" vì biết tình hình sẽ rất khó khăn. Trong báo chí công khai chỉ nói chừng ấy, nhưng tôi xin nói thêm rằng lúc Bác Hồ nói với cụ Huỳnh câu "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" thì cả tôi và anh Trường Chinh đều có mặt. Bác Hồ dặn chúng tôi: Các chú ở nhà làm sao mà Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Trung ương làm việc với Cụ phải bàn bạc, thuyết phục, không có cái gì được ép buộc. Phải làm sao cho Cụ đồng tình để cùng làm việc thì mới đạt kết quả tốt được.

Tuần báo Đồng minh, cơ quan truyên truyền của Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội số 44, ra ngày Chủ nhật, mùng 2/6/1946 viết: Sáng 31/5/1946, vị Chủ tịch thân mến Hồ Chí Minh đã cùng phái đoàn Việt Nam cưỡi gió vượt mây sang kinh thành Paris. Phái đoàn chính thức này có cả một nhiệm vụ quan trọng và một trọng trách lớn lao…

Trên sân bay Gia Lâm, cụ Huỳnh Thúc Kháng vỗ vai cụ Hồ mà nói “Thiệt lợi đồ chi” nghĩa là dùng lời khéo mưu việc lợi cho nước. Cụ Hồ ứng khẩu đáp “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” nghĩa là bình tĩnh để đối phó với việc biến thì có lo gì. Rồi báo kết luận: “Thật là nho nhã như những cuộc đi sứ ngày xưa”.

Nhớ lại chuyện xưa của cụ Huỳnh Thúc Kháng: Sinh năm 1876, lên 8 tuổi đi học chữ Nho, 13 tuổi nổi tiếng trong vùng vì văn hay chữ tốt. Thi đậu Giải nguyên kỳ thi Hương năm Canh Tý 1900. Năm Giáp Thìn 1904, đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, đã từng được xưng tụng là một trong Thập Ngũ Phụng Tề Phi của đất Quảng Nam xưa. Là một nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân, bị bắt đày đi Côn Đảo. Ra tù trở về với dân, ông đắc cử và là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, sáng lập báo Tiếng Dân, một tờ báo nổi tiếng vì thu hút được sự quan tâm của bạn đọc.

Cách mạng Tháng Tám thành công, biết tiếng cụ Huỳnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần mời cụ Huỳnh mới nhận lời tham gia chính phủ. Về tuổi tác, cụ Huỳnh kém cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc 8 tuổi, về học vấn và tinh thần yêu nước hai vị đều là những bậc túc nho để nhiều danh thơm cho đời.

Cụ Huỳnh thực sự “là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan".

Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập. Đến nay nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành lập, Chính phủ ta mời cụ ra. Tuy đã hơn 7l tuổi, nhưng cụ vẫn hăng hái nhận lời. Cụ nói: ''Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già trẻ, trai, gái, ai cũng phải ra sức phụng sự Tổ quốc''.

Trong lý trí và tình cảm của mình, cụ Huỳnh luôn dành sự trân trọng đối Chủ tịch Hồ Chí Minh vì theo Cụ: “Ông Hồ không phải như nhiều người khác mượn hai tiếng cách mạng để rồi làm giàu hoặc làm quan to. Ông Hồ không đồng xu dính túi. Nói về bằng cấp thì ông Hồ không là tiến sĩ, phó bảng gì cả. Nhưng nói về tri thức và sự nghiệp cách mạng thì chắc chắn lớp chúng ta cũng như lớp trước chúng ta không ai bằng kịp. Sự hiểu biết của ông Hồ rất xa, rất rộng, chẳng những việc trong nước mà cả việc thế giới nữa. Nước này tương lai sẽ đi về đâu? Nước kia rồi đây sẽ thế nào? Ông nói rất rành rọt, mạch lạc, nghe không chán''.

Chỉ cần biết vậy thôi, hôm nay chúng ta dễ lý giải được câu hỏi: Tại sao một câu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với cụ Huỳnh năm xưa lại trở thành chỉ nam và là nguồn cảm hứng để nhiều thế hệ sau tìm đến, ghi nhớ và muốn làm theo suốt đời.

Video liên quan

Chủ Đề