Dạy học trải nghiệm là gì

Học tập trải nghiệm được áp dụng như thế nào trong lớp học?

Nói chung, học tập trải nghiệm là học thông qua thực hành - người học là người tham gia tích cực trong quá trình giáo dục, không phải là nhân chứng thụ động. Trong học tập trải nghiệm, nội dung, ý tưởng hoặc khái niệm được học phải có sự liên quan đến cá nhân người học.

Thật thú vị khi chứng kiến cuộc tranh biện của học sinh trong mùa giải này, học sinh đã làm việc như một đội nhóm và thể hiện sự táo bạo trong các ý tưởng. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ đội nhóm học sinh nào, chúng là các cá nhân với nhiều sở thích, cá tính và năng lực khác nhau. Một số học sinh thực sự chú trọng việc làm sao để cuộc tranh biện diễn ra trơn tru và bám sát kịch bản. Bên cạnh đó, có những học sinh nhạy cảm hơn, tự chủ hơn và hành động ứng biến linh hoạt trong suốt quá trình tranh biện. Dù mỗi người tranh biện theo một hướng khác nhau thì chúng đều có cơ hội được trình bày quan điểm của bản thân.

Vậy tại sao học sinh có thể làm được như thế? Chắc chắn trong đó có vai trò của đội trưởng, nhưng quan trọng hơn hết là mỗi học sinh đã trở nên hoàn thiện bằng cách thực hành, trải nghiệm sự thất bại và liên tục tìm cách để cải thiện và làm tốt hơn.

Học tập trải nghiệm là gì?

Nói chung, học tập trải nghiệm là học thông qua thực hành  người học là người tham gia tích cực trong quá trình giáo dục, không phải là nhân chứng thụ động. Trong học tập trải nghiệm, nội dung, ý tưởng hoặc khái niệm được học phải có sự liên quan đến cá nhân người học. Đó là lý do tại sao, các giáo viên tiếng Anh tranh luận hàng giờ về việc lựa chọn chủ đề tiểu thuyết nào là tốt nhất cho cá nhân từng học sinh. Bất kỳ hoạt động nào cũng phải tạo nên những phản ứng, cảm xúc mạnh mẽ cho người học [hãy nghĩ về cảm xúc mạnh mẽ nhường nào đối với một đứa trẻ để chúng có thể khiến nó tự nguyện ngã xe thêm 20 lần để hiểu thế nào là đạp xe?]. Toàn bộ quá trình này sau đó sẽ thúc đẩy phản hồi, thay đổi và hành động  dưới hình thức các kỹ năng, thái độ, tư duy hoặc thực hành mới.

Theo tự nhiên, học tập trải nghiệm có thể xảy ra ở mọi nơi, nhưng có lẽ dễ nhận biết nhất đối với cha mẹ của trẻ nhỏ. Nó có thể dưới dạng một tour tham quan công viên hoặc vườn thú, một trung tâm khoa học hoặc thư viện với phần thực hành hoặc cho trẻ được dành thời gian làm vườn với ông bà. Tất cả đều là những trải nghiệm mà chúng ta đã kết nối trẻ với thực tế, qua đó hành động sẽ thúc đẩy việc ghi nhớ kỹ năng, kiến ​​thức và cảm xúc.

Các trường học có thể thúc đẩy việc học tập trải nghiệm như thế nào?

Có nhiều cách để các trường thúc đẩy sự thay đổi nhận thức bằng cách giúp học sinh tham gia học tập thực hành:

  1. Tổ chức cho học sinh thực hành, làm các thí nghiệm, các thử nghiệm hoặc tranh biện
  2. Tổ chức thực hành hoạt động kinh doanh
  3. Cắm trại hoặc trải nghiệm bên ngoài trường học. Hoặc đơn giản hơn, học sinh tự chịu trách nhiệm về một số khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày như giặt giũ, quản lý thời gian và học tập
  4. Thực hiện các cuộc thi đấu để phát triển các kỹ năng trong bộ môn thể dục
  5. Các hoạt động cộng đồng, chẳng hạn như các chuyến đi từ thiện, các dự án cộng đồng
  6. Tham quan học tập tại các trường đại học, nơi học sinh được trải nghiệm cuộc sống của sinh viên đại học và làm quen với việc học đại học
  7. Phân tích các bộ phim hoặc tiểu thuyết tiếng Anh, nơi một học sinh bước vào thế giới của câu chuyện và tư duy phức tạp của nhân vật
  8. Mô phỏng các hoạt động của đời thực như tổ chức Hội nghị của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, hay tổ chức các phiên giao dịch trên sàn chứng khoán để kiểm tra các yếu tố đằng sau biến động của thị trường chứng khoán.
  9. Các thí nghiệm khoa học hoặc các nhiệm vụ học tập mang tính mở để học sinh tự xác định nguyên nhân và hệ quả
  10. Nghiên cứu điển hình về sự phát triển đô thị trong môn Địa lý
  11. Nghiên cứu các nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng quan trọng để hiểu động lực cá nhân trong lịch sử
  12. Trò chơi lớp học tương tác, chẳng hạn như Kahoot hoặc Socrative

Làm thế nào để biết việc học tập trải nghiệm có hiệu quả hay không?

Nếu bạn là một giáo viên hoặc đơn giản là một phụ huynh khi đến thăm trường học của con bạn, hãy dành vài phút để thực sự quan sát những gì đang xảy ra. Bạn thậm chí có thể sử dụng những điều dưới đây như một tiêu chí để kiểm chứng tính hiệu quả của việc học theo trải nghiệm. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy cách tiếp cận này mang lại những giá trị bất ngờ với học sinh:

  1. Môi trường có an toàn và thoải mái cho người học tự tin chấp nhận rủi ro trong việc tự mình khám phá không?
  2. Học sinh có được khuyến khích tự khám phá không?
  3. Học sinh có gặp khó khăn khi phải chịu trách nhiệm về việc học tập của mình không?
  4. Phản hồi cho giáo viên có được khuyến khích không?
  5. Học sinh có hiểu lợi ích mà bài học mang lại cho cuộc sống cá nhân của họ không?
  6. Các phần mở rộng của cả nội dung và quy trình có được tìm kiếm hay không?
  7. Các hoạt động học tập được lựa chọn có liên quan đến lợi ích, cuộc sống, giá trị, quan điểm và kinh nghiệm của cá nhân không?
  8. Có sự kết nối giữa lớp học và cộng đồng toàn cầu không?
  9. Học sinh có được tạo điều kiện để suy tư và tự đánh giá việc học của chính mình không?
  10. Người học có được tự do say mê những gì họ đang làm không?
  11. Những người học có bước ra khỏi vùng an toàn cá nhân về mặt thể chất, xã hội hay văn hóa của họ không?
  12. Thái độ của lớp học đối với việc tư duy táo bạo là gì? Thất bại có được coi là một phần quan trọng trong quá trình học tập không?

Các nhà giáo dục từ lâu đã biết rằng việc học tập theo mô hình truyền thống thường hạn chế đam mê của người học và việc học không mang đến những trải nghiệm cá nhân sâu sắc. Một học sinh có thể chỉ mất một ngày để học một bài trong khi học sinh khác phải mất cả tuần  hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào sự phức tạp của nội dung được giảng dạy. Cùng với nhu cầu của cuộc sống trong việc chuẩn bị cho học sinh trở thành một phần của lực lượng lao động toàn cầu, các trường học tốt sẽ phải tìm cách để hướng dẫn học sinh học tập thông qua các hoạt động trải nghiệm, thực hành. Từ đó cho phép học sinh phát triển năng lực thể chất, xã hội, nhận thức, trí tưởng tượng và cảm xúc.

TÁO GIÁO DỤCdịch

Chủ Đề