Dân số thế giới 2050 và bài toán nông nghiêp

– Theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc “Viễn cảnh dân số thế giới: nhìn lại năm 2012” công bố ngày 13/6 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York [Mỹ], dân số thế giới hiện ở mức 7,2 tỷ người sẽ tăng lên gần 1 tỷ trong vòng 12 năm tới đây, lên 8,1 tỷ vào năm 2025 và 9,6 tỷ vào năm 2050.

Dân số thế giới sẽ tăng lên 9,6 tỷ người vào năm 2050. [Ảnh: Internet]

Các khu vực đang phát triển sẽ ghi nhận tốc độ gia tăng dân số lớn nhất, từ 5,9 tỷ người vào năm 2013 lên 8,2 tỷ vào năm 2050. Trong cùng giai đoạn này, dân số của các khu vực phát triển sẽ không thay đổi nhiều và ở mức khoảng 1,3 tỷ người.

Theo báo cáo, mức tăng dân số sẽ diễn ra nhanh nhất trong 49 quốc gia kém phát triển nhất, dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi, từ khoảng 900 triệu người vào năm 2013 lên 1,8 tỷ người vào năm 2050.

Các dự báo mới cũng cung cấp những hiểu biết thú vị ở cấp quốc gia. Theo đó, Ấn Độ dự kiến ​​sẽ vượt qua Trung Quốc vào khoảng năm 2028, khi cả hai quốc gia có dân số khoảng 1,45 tỷ người. Dân số Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển trong nhiều thập kỷ để lên tới con số 1,6 tỷ người, sau đó giảm dần và ổn định ở mức 1,5 tỷ vào năm 2100. Dân số của Trung Quốc, trong khi đó, sẽ bắt đầu giảm sau năm 2030, đạt 1,1 tỷ người vào năm 2100.

Nigeria sẽ vượt Mỹ trước năm 2050 và vào cuối thế kỷ này, sẽ cạnh tranh với Trung Quốc là nước đông dân thứ hai. Vào năm 2100, một số nước khác được dự kiến ​​sẽ có hơn 200 triệu dân, cụ thể là: Indonesia, Tanzania, Pakistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Uganda và Niger.

Bản báo cáo cũng cho thấy hơn một nửa tốc độ tăng trưởng dân số thế giới trong giai đoạn từ nay đến năm 2050 dự kiến ​​sẽ diễn ra ở châu Phi. Dân số của châu lục này sẽ có thể tăng hơn gấp đôi vào năm 2050, từ 1,1 tỷ hiện nay lên 2,4 tỷ người vào năm 2050 và lên tới 4,2 tỷ vào năm 2100.

Trong khi dân số thế giới dự kiến ​​sẽ tăng hơn 10% trong giai đoạn 2013 – 2100 thì dân số châu Âu lại có thể sẽ giảm 14% do tỷ lệ sinh giảm trong gần như tất cả các nước châu Âu.

Cuối cùng, báo cáo chỉ ra rằng tuổi thọ dự kiến ​​sẽ tăng trong những năm tới, tiếp tục một xu hướng nổi lên trong thế kỷ XX khi tăng từ 47 tuổi trong giai đoạn 1950 – 1955 lên 69 tuổi trong giai đoạn 2005 – 2010. Trong 40 năm tới, tuổi thọ trung bình trên toàn cầu dự kiến ​​sẽ đạt 76 tuổi trong giai đoạn 2045 – 2050 và 82 tuổi vào giai đoạn 2095 – 2100.

Ông John Wilmoth, Giám đốc Văn phòng các vấn đề kinh tế xã hội Liên hợp quốc [DESA] – cơ quan công bố báo cáo, cho biết trong tương lai tỷ lệ tử vong và di cư sẽ đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng tới xu hướng dân số thế giới./.

Đôi khi khó mà lường được rằng thế giới của chúng ta thật sự sẽ còn đông đúc hơn nữa – nhất là khi chen giữa một khu chợ tấp nập ở Delhi, xô đẩy trong dòng người băng qua một giao lộ náo nhiệt ở Tokyo hay giành không gian để thở cùng với những hành khách khác đẫm mồ hôi chen chúc trên một chuyến tàu điện ở London.

Ấy vậy mà dân số thế giới chỉ có tăng lên thêm thôi.

Ngày càng đông

Mặc dù không thể dự đoán chính xác dân số thế giới trong những thập niên tới nhưng có một điều mà các nhà nghiên cứu biết chắc: đó là thế giới sẽ ngày càng đông thêm.

Theo ước tính mới nhất của Liên Hiệp Quốc hồi tháng Bảy thì cho đến năm 2030, mức dân số 7,3 tỷ hiện nay sẽ tăng lên đến 8,4 tỷ người. Con số đó sẽ là 9,7 tỷ người cho đến năm 2050 và lên đến mức giật mình là 11,2 tỷ vào năm 2100.

Vậy mà bây giờ chúng ta đã khó mà tìm chỗ không có người rồi. Lái xe một vài giờ ra ngoài New York City hay San Francisco, chúng ta sẽ thấy đông đảo dân thành thị ken kín các lối đi và các bãi biển.

Ngay cả những nơi xa xôi và được cho là yên ả cũng đang trở nên ngột ngạt.

Giấy phép vào thăm Công viên quốc gia Grand Tetons ở bang Wyoming hết sạch từ trước đó hàng tháng trong khi rừng quốc gia Arches ở bang Utah phải đóng cửa một vài giờ hồi tháng Năm vừa qua do tình trạng kẹt xe trầm trọng.

Đối với những ai có đủ khả năng để đôi khi thoát ra khỏi những nơi đông đúc, họ thường phải lên máy bay đi đến những nơi nào đó thật xa xôi ít người lui tới.

Ấy vậy mà con người đã in dấu chân lên những nơi tưởng chừng như hiu quạnh nhất trên Trái Đất: bạn sẽ gặp những người du mục ở sa mạc Gobi của Mông Cổ, người Berber ở sa mạc Sahara và các nhà khoa học sống ở các khu trại ở Nam Cực.

Vấn đề đặt ra là: khi thế giới ngày càng đông dân thì liệu việc tìm ra một khoảnh đất trống không có sự hiện diện của con người có khả thi không? Có khi nào chúng ta sẽ chiếm hết tất cả không gian còn lại có thể ở được trên hành tinh này hay không?

Tập trung ở thành phố

Các chuyên gia dự đoán rằng sẽ ngày càng có nhiều người chọn sinh sống ở các thành phố. Khi mà nông nghiệp ngày càng trở nên hiệu quả thì người ta có xu hướng từ bỏ ngành nông nghiệp đang thu hẹp và quay sang làm việc trong các ngành sản xuất và dịch vụ ở thành thị.

Đây là xu hướng đã diễn ra trong vài chục năm qua.

Vào năm 1930, chỉ có 30% dân số thế giới sinh sống ở các thành thị nhưng hiện nay con số này là 55%.

Cho đến năm 2050, khoảng hai phần ba dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố.

“Hầu như tất cả sự gia tăng dân số thế giới từ bây giờ cho đến cuối thế kỷ này sẽ diễn ra ở các thành phố,” Joel Cohen, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Dân số tại Đại học Rockefeller và Đại học Columbia và là tác giả cuốn sách có tựa đề ‘Thế giới có thể chứa nổi bao nhiêu người?’, nói. "Cứ từ năm đến sáu ngày lại có thêm một triệu người chuyển tới các thành phố để sống, tính từ nay cho tới năm 2100."

Khoảng phân nửa dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố nhỏ với số dân từ nửa triệu cho đến ba triệu người. Số còn lại sẽ sống ở đại đô thị với sức chứa từ 10 triệu người trở lên.

Những đại đô thị này đa phần nằm ở những nước đang phát triển hoặc mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Nigeria.

Do những thách thức về quản trị, dân số các thành phố có thể sẽ không vượt quá mức khoảng 10 triệu. Thay vào đó, những cụm đô thị – tức những nơi bao gồm nhiều thành thị giống như New York City mở rộng hay vùng đồng bằng sông Châu Giang ở Trung Quốc – sẽ trở thành xu thế chính. Các thành phố sẽ mở rộng về mặt địa lý cũng như sẽ có mật độ dân cư dày đặc hơn.

“Con người có thể sống ở những nơi có mật độ dân số cao hơn,” John Wilmoth, giám đốc Bộ phận Dân số của Liên Hiệp Quốc, nói. “Là một cư dân sống ở Manhattan, tôi phải nói rằng đó không phải là điều gì đáng sợ lắm.”

Điều kiện sống có đảm bảo?

Các cơ hội giáo dục, văn hóa và việc làm ở Manhattan – cũng như điều kiện y tế, các quy tắc an toàn và cơ sở hạ tầng tương đối hiệu quả ở khu vực này – tất cả đều góp phần tạo nên chất lượng cuộc sống cao cho người dân ở đây.

Tuy nhiên, những điều kiện này lại không phải là những đảm bảo phổ quát ở các đô thị và chúng không thể tự nhiên hình thành khi các thành phố phát triển. Như Adrian Raftery, giáo sư về thống kê và xã hội học tại Đại học Washington, chỉ ra, thì: “Việc gia tăng dân số cần phải được hoạch định.”

Phải cần có những chính phủ và cơ quan có năng lực để cung ứng những dịch vụ, tiện ích căn bản như nước ngọt, vệ sinh và xử lý chất thải.

“Tuy nhiên vấn đề là,” Cohen nói, “thiếu các nhân tài để thực hiện việc quản lý.”

Điều đáng lo là những nơi cần những sự quản lý tốt nhất lại là những nơi mà dân số thế giới dự đoán sẽ gia tăng nhanh nhất.

Đa phần số dân tăng lên trong tương lai là ở châu Phi, vốn sẽ tăng từ một tỷ lên hơn bốn tỷ người tính đến năm 2100.

“Dự đoán tăng dân số ở châu Phi thật sự đáng sợ,” John Bongaarts, phó chủ tịch Hội đồng Dân số, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở ở New York, nói. “Đa phần người dân ở đây sẽ sống trong những khu ổ chuột – vốn không phải là một điều kiện sống tốt đẹp gì.”

Vấn đề là, ông nói tiếp, các thành phố lớn của Phi châu – và ở một mức độ nào đó là các thành phố của Á châu nữa – không được chuẩn bị tốt để tiếp nhận toàn bộ sự gia tăng dân số đó.

Thật vậy, các thành phố như Lagos, Dhaka và Mumbai đã đối mặt những thách thức nghiêm trọng với mức độ dân số như hiện nay.

“Người dân mua nước sạch với giá rất cao từ những người bán lẻ trên đường phố. Đâu đâu cũng tràn ngập chất thải của con người – đó là còn chưa nói gì đến khoảng không gian xanh và chất lượng cuộc sống,” Cohen nói. “Tôi cho là chúng ta chưa chuẩn bị đầy đủ về phương diện sắp xếp và tổ chức hay an ninh chính trị và an toàn môi trường ở những thành phố đang phình ra nhanh chóng.”

Những thách thức chính

Ngay cả ở những quốc gia phát triển, chất lượng cuộc sống có thể cũng sẽ không tiếp tục nâng lên ở mức độ như những năm vừa qua. “Chúng ta đã chứng kiến tăng trưởng kinh tế nhanh ngoạn mục trong một vài thập niên qua với tỷ lệ nghèo đói giảm xuống ở các nghèo lẫn các nước giàu,” Bongaarts nói. “Nhưng điều này sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều trong tương lai.”

Theo ông, có ba nguyên nhân. Ở các nước giàu có, dân số đang trở nên già đi – điều này có nghĩa là tốc độ phát triển và sáng tạo ở những nước này sẽ bắt đầu chậm lại.

Thứ hai là chúng ta đã sử dụng hầu hết đất đai màu mỡ, đắp đập ở hầu hết những con sông đem lại giá trị về năng lượng cao và đã tận dụng lớp nước ngầm dễ khai thác nhất.

Cuối cùng, sự bất bình đẳng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trong khi thu nhập trung bình của người dân Mỹ không thay đổi nhiều trong vài thập niên qua thì số người thuộc 1% giàu có nhất đang ngày càng giàu thêm. “Điều này sẽ tiếp diễn trong tương lai,” Bongaarts nói.

Thay đổi khí hậu là một lý do khác nữa gây tác động to lớn cho cả các nước phát triển và các nước đang phát triển trong tương lai.

Khoảng 60% các thành phố có hơn một triệu dân cư hiện đang phải đối mặt trước ít nhất một thảm họa thiên nhiên to lớn nào đó, mà đa phần là các thảm họa liên quan đến khí hậu; ngay cả các thành phố được tổ chức tốt, phát triển cao cũng chưa có sự chuẩn bị hoàn toàn cho những mối đe dọa này.

Mặc dù tác động của những vấn đề này sẽ giảm bớt nếu như chúng ta có sự hoạch định tốt, nhưng không có mấy bằng chứng cho thấy điều này đang được thực hiện ngoại trừ ở một số ít các quốc gia tiến bộ.

Nông thôn cũng trở nên đông đúc

Tuy nhiên, các thành phố không phải là nơi duy nhất đối mặt với những tác động lớn trong tương lai do sự gia tăng dân số tạo ra.

Các vùng nông thôn xa xôi không được bảo vệ cẩn thận cũng sẽ chứng kiến sự gia tăng vừa phải số lượng cư dân.

“Với sự kết hợp của biến đổi khí hậu và công nghệ thì chuyện một ngày nào đó Nam Cực cũng sẽ có người không phải là chuyện viễn tưởng, dẫu cho nơi này khó trở nên đông đúc dân cư,” Raftery nói.

Điều này cũng có nghĩa là với những ai có phương tiện và muốn tìm kiếm một góc yên tĩnh không có dấu vết con người, họ sẽ rất khó thực hiện được mong muốn đó.

Tuy nhiên tất cả những điều trên đây đều không có nghĩa thế giới sẽ hết chỗ cho con người sinh sống.

Khoảng phân nửa diện tích thế giới hiện nay chỉ có khoảng 2% dân số thế giới sinh sống, trong khi khoảng 3% khác trên bề mặt Trái Đất lại là nơi cư trú của hơn một nửa nhân loại.

Tuy nhiên, dân số gia tăng sẽ khiến cho số lượng những nơi hoang sơ trên thế giới dần ít đi do nhu cầu sử dụng các nguồn tài nguyên sẽ không ngừng tăng lên nhằm đáp ứng cuộc sống nơi đô thị.

"Tôi muốn nói là sẽ không có nguy cơ các cánh rừng nhiệt đới sẽ biến mất trước sự xâm lấn của đô thị,” Karen Seto, giáo sư về địa lý và đô thị hóa ở Đại học Yale, nói. “Mối đe dọa lớn hơn là tác động gián tiếp của quá trình đô thị hóa đến những vùng đất này.”

Thật vậy, các thànhh phố cần gỗ để xây dựng, cần đất canh tác để sản xuất lương thực, và cần không gian để thải hàng tấn rác mỗi ngày, chưa kể còn cần nhiều thứ khác nữa.

Cuối cùng, dân số thế giới sẽ tới lúc có lẽ sẽ dừng gia tăng, Wilmoth nói.

Ngay cả khi dân số thế giới tăng vọt lên đến hàng tỷ thì sự tăng dân số trong thế kỷ này đang chậm lại và được dự đoán sẽ tiếp tục chậm lại.

Tuy nhiên, trong tương lai gần, Trái Đất của chúng ta sẽ ngày càng đông đúc, dẫu cho điều kiện sống của thế giới rồi sẽ ra sao là điều chúng ta vẫn còn chưa biết chắc.

Chủ Đề