Có nên ngăn cấm tình yêu tuổi học trò

Học sinh yêu sớm: Cấm đoán hay "vẽ đường"?

Học sinh ở độ tuổi vị thành niên bắt đầu có những rung động đầu đời nhưng chưa đủ khả năng để xử lý khi rắc rối xảy ra, rất cần sự đồng hành của phụ huynh và giáo viên

  • Dạy học sáng tạo: Bước chuyển của giáo dục

  • Chàng du học sinh đam mê làm giáo dục

  • Giáo viên bêu riếu học sinh: Phản giáo dục

  • Bồi đắp tình yêu và năng lực tiếng Việt cho học sinh

Theo nhiều chuyên gia, ở lứa tuổi từ 10 đến 16 xuất hiện tình yêu đôi lứa là chuyện hết sức bình thường. Bởi đây là giai đoạn dậy thì, học sinh bắt đầu có những thay đổi rõ hơn về tâm sinh lý. Học sinh nam, nữ đã có những nhận thức mơ hồ về giới tính của mình, cũng như sự hấp dẫn, tò mò về sự khác biệt giữa hai giới. Đây là thời điểm cần nhiều sự quan tâm của phụ huynh, giáo viên để giúp các em đi đúng hướng.

Nhiều hệ lụy nếu không giáo dục đúng

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, cho biết khái niệm yêu chân chính có 3 yếu tố: sự tâm đầu ý hợp về giao tiếp, hòa hợp về tình dục và cam kết. Với lứa tuổi học sinh, có thể các em chỉ có một yếu tố là tâm đầu ý hợp, có cảm giác thích, khi đó các em nghĩ là tình yêu rồi.

Hiện nay, trước sự phát triển của xã hội, học sinh được tiếp cận nhiều nền văn hóa, đọc nhiều trong sách vở và phương tiện truyền thông để hiểu hơn về bản thân. Học sinh đã nhận thấy "yêu" là nhu cầu rất bình thường của một con người. Và nhu cầu được bày tỏ tình cảm, đáp ứng tình cảm của học sinh không xấu. Vì vậy giáo viên, phụ huynh cần nhìn nhận rằng dù có cấm đoán thì các em vẫn sẽ yêu, nên "vẽ đường cho hươu chạy đúng hướng".

Đã có nhiều học sinh bắt đầu có khái niệm "cặp bồ" từ lớp 5, phụ huynh không chấp nhận, la mắng hoặc có những hành động bạo lực. Từ những điều đó, học sinh sẽ hình thành bức tường bảo vệ mình, không chia sẻ với ba mẹ, lén lút yêu đương.

Trong quá trình đó sẽ có nhiều rắc rối xảy đến như chia tay, cãi nhau, ghen tuông… thì học sinh không đủ khả năng giải quyết vấn đề một mình. Chia sẻ với bạn bè cũng không thể định hướng đúng cho học sinh, bởi ở tuổi vị thành niên, các em chưa đủ trải nghiệm, kỹ năng để giải quyết rắc rối.

Khi đó, nhiều vấn đề tâm lý sẽ xảy ra, nhẹ là stress, buồn chán, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, học tập sa sút. Nhưng nếu không được giải phóng khỏi tâm lý đó, lâu ngày học sinh rất dễ bị stress sau sang chấn, trầm cảm nặng, dẫn đến có những hành vi tự hủy hoại bản thân, thậm chí là tự tử.

"Vì vậy, thay vì cấm cản, cha mẹ cần quan sát, chú tâm và đồng hành với học sinh, khi có sự cố, kịp thời xử lý. Khi cha mẹ phát hiện con mình đang yêu thì đừng bối rối, hãy cùng với giáo viên thấu hiểu và trò chuyện với con" - chị Diệu Anh cho hay.

Đừng thờ ơ hay ngăn cấm bằng mọi cách

Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, phụ huynh nên theo sát quá trình phát triển tâm sinh lý của học sinh, vì mỗi em sẽ có sức khỏe sinh lý khác nhau. Đối với học sinh cấp II, các em đang ở khoảng giữa của người lớn và trẻ con, nên còn hạn chế về năng lực nhận thức.

Khi thấy thích một bạn nào đó, các em rất nhanh tiến đến yêu đương nhưng vì thiếu kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết vấn đề nên khi gặp rắc rối, các em sẽ dễ phản ứng theo cách tiêu cực như đánh ghen, bỏ học, tự tử…

Do vậy, cha mẹ và giáo viên không nên thờ ơ trước những biểu hiện bất thường của học sinh, càng không nên ngăn cấm, buộc các em không được yêu. Không có ai định hướng, học sinh sẽ không biết cách bảo vệ bản thân dẫn đến quan hệ tình dục sớm, quan hệ không an toàn và đánh mất cả tương lai.

Thầy Hoàng Sĩ Đăng, giáo viên dạy kỹ năng sống Trường THPT Nguyễn Du [quận 10, TP HCM], chia sẻ nhu cầu được yêu ở lứa tuổi học sinh là điều bình thường. Phụ huynh, giáo viên không thể ngăn cản các em bày tỏ cảm xúc của mình với một người mình yêu mến. Nên giáo dục học sinh cách yêu, cách bảo vệ mình và tư duy tích cực, lắng nghe những tâm sự của các em. Từ đó sẽ hình thành sự tin tưởng ở học sinh, có vấn đề gì phụ huynh và giáo viên cũng dễ dàng nắm được và xử lý kịp thời.

Chị Nguyễn Thị Diệu Anh cũng cho rằng giáo viên nên giáo dục về giới tính cho học sinh, khi phát hiện học sinh yêu nhau thì không nên la mắng hay miệt thị, cần chia sẻ và cảm thông. Bên cạnh đó, giáo viên và phụ huynh đừng thờ ơ trước những biểu hiện của học sinh như đột nhiên ủ rũ, sử dụng điện thoại nhiều, bỏ ăn… vì có thể đó là những biểu hiện trầm cảm khi gặp vấn đề về tình cảm.

Cởi mở để giáo dục giới tính hiệu quả

Về giáo dục giới tính trong nhà trường, chị Nguyễn Thị Diệu Anh cho hay nên cởi mở hơn, cách thức giảng dạy phong phú và thực tiễn. Hiện nay, phương pháp truyền đạt kiến thức giới tính ở nhiều trường còn chưa đồng đều. Theo quan niệm cũ, giáo dục giới tính sớm là cổ xúy cho học sinh yêu đương nhưng với khái niệm khoa học hiện nay, giáo dục sớm giúp học sinh đi đúng hướng, bảo vệ bản thân. Lộ trình dạy cũng cần phù hợp với từng lứa tuổi và nhắc lại thường kỳ.

Nguyễn Thuận

Trong xã hội hiện đại ngày nay, việc học sinh trung học yêu nhau không có gì khó hiểu. Nhìn ở góc độ tâm sinh lý, nó hoàn toàn bình thường, hợp với quy luật phát triển tự nhiên của “tuổi đang yêu”. Có học sinh nhờ tình yêu trong sáng mà học hành tiến bộ nhưng không ít phụ huynh khi biết “chuyện tình yêu của con” ra sức cấm đoán, có phải là phương án tối ưu?

Bằng mọi cách ngăn cản

Sau hơn 2 năm “mật phục” và nhiều lần bắt quả tang con gái mình “song hành” cùng một nam sinh cùng lớp, anh M. bức xúc nhắn tin cho bố bạn trai của con gái mình: “Anh có nói gì đi chăng nữa tôi cũng không chấp nhận chuyện này, vì nếu học hành tốt thì không sao, nhưng giờ càng lúc càng kém. Giáo viên gọi nhắc nhở bố mẹ quá nhiều rồi. Tôi sẽ bằng mọi cách để tách chúng ra. Chào anh”.

Hai năm trước, con trai anh T. và con gái anh M. yêu nhau từ lớp 10. Lúc đó cả hai gia đình đều biết. Gia đình anh T. không ngăn cản, chỉ khuyên “yêu sao cho trong sáng, không quá đà và chăm lo học hành, coi trọng sự nghiệp”. Ngược lại, biết chuyện con gái “yêu sớm”, gia đình anh M. ra sức cấm đoán không cho con gái mình quen bạn trai, thậm chí còn nhắn tin xưng “mày tao” và dọa nạt bạn trai của con gái mình: “cấm cửa, xa con gái tao ra”!

Mặc cho bố mẹ cấm đoán, con gái anh M. vẫn “không từ bỏ” tình yêu. Ngược lại, càng cảm thấy tình yêu của mình là đúng đắn và không “tội lỗi” như bố mẹ “áp đặt” rồi làm “to chuyện”. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, con gái anh M. đến nhà con trai anh T. cùng nhau ôn bài, làm những bài tập khó. Anh T. tâm sự: “Tôi cũng rất quý cháu gái ấy, nó rất ngoan và hiền”. Anh T. còn cho biết thêm, từ ngày có bạn gái, con trai anh học hành tiến bộ hẳn lên. Nếu trước đó môn văn thường xuyên điểm trung bình, thì nay được điểm 8, thậm chí 8,5. Từ chỗ mê game quên cơm, đến chấm dứt và rất yêu đời, siêng năng học tập. Ngược lại, anh M. ra sức cấm đoán, mắng mỏ con gái: “Nứt mắt đã yêu, dẹp”, và thường xuyên “mật phục” hòng “bắt quả tang”. Anh M. còn chuyển chỗ học từ phòng riêng của con ra học ở phòng khách để tiện bề “quan sát”. Chỉ tội nghiệp cho cô học sinh bé bỏng bị ông bố gia trưởng áp đặt chỉ biết buồn khóc.

Ở lứa tuổi của Đăng, sinh viên đại học, yêu là quá bình thường, song lại bị mẹ cấm đoán “không yêu đương gì hết. Học trước đã, ra trường rồi yêu cũng chưa muộn”.

Do bị mẹ cấm đoán, nên mỗi lần về thăm bố mẹ, Đăng đành “bí mật” gặp bạn gái ở bãi biển, hay nhà sách để nói chuyện. Mặc dù đã “cảnh giác cao độ”, song mấy lần Đăng cũng bị mẹ bắt “tại trận” vì đi chơi với bạn gái mà “không xin phép”. 

Sai lầm khi cấm đoán con yêu

Nhìn ở góc độ xã hội học, việc bố mẹ cấm đoán con cái yêu đương đều sai, bởi bản chất tình yêu không có lỗi. Con người là chủ thể của tình yêu. Yêu đúng đắn, trong sáng sẽ là động lực tiến bộ để hai người yêu nhau cùng nhìn, đi và hành động về tương lai phía trước. Ngược lại, bố mẹ cấm đoán con cái yêu, không chỉ là sự “kìm hãm” tình cảm tâm sinh lý tự nhiên, mà còn “chặn đứng, cắt đứt, chia lìa, thậm chí hủy hoại” tình cảm của con cái. 

Thời buổi hiện đại, việc nhận thức về tình bạn, tình yêu và quan niệm xã hội khác rất nhiều với thế hệ sinh ở những lứa tuổi trước đây. Thế hệ trước quan niệm cứ trưởng thành mới được yêu, học sinh trung học yêu là không được yêu. Thế hệ trước cũng không hiểu tường tận việc phát triển thể chất, tâm sinh lý của lớp trẻ hiện nay cách xa “một trời một vực” so với trước.

Trước đây, đời sống của thế hệ trước còn khó khăn. Việc thức ăn rau, cá là chủ yếu. Các chất bổ, béo là sữa bò đã là khá giả. Còn nay, đời sống nâng cao, học sinh uống các loại sữa tươi, khoáng chất hàng ngày. Các loại sữa ấy, có nhiều hợp chất tăng trưởng hóc môn, làm cho “độ lớn” của trẻ tăng nhanh hơn. Mà thể chất phát triển nhanh thì tâm sinh lý cũng phát triển nhanh, nên việc người trẻ bây giờ yêu sớm hơn là khách quan.

Trở lại với câu chuyện của con gái anh M. và con trai anh T.; hay chuyện yêu của chàng sinh viên tên Đăng bị mẹ cấm yêu. Phải công bằng và khách quan mà nói, anh M. cấm đoán con gái yêu là “cổ hủ, lạc hậu” so với nhận thức thời hiện đại. Anh M. phải hiểu rằng, ở lứa tuổi học sinh cấp 3, chuyện yêu hết sức bình thường. Hãy quan tâm đến “yêu sớm” của con gái hơn là sự cấm đoán. Bởi anh M. cấm đoán không chỉ không đem lại hiệu quả, mà ngược lại “có hại” cho con, ít nhất cũng làm “thương hại” tình cảm của con gái.

Không ít trường hợp do bố mẹ cấm đoán tình yêu, con gái đã cùng bạn trai bỏ nhà đi. Không ít trường hợp vì sự ngăn cấm của bố mẹ không cho yêu mà con cái tự tử - một thảm kịch đau lòng. Tình yêu đầu đời của các cháu thiêng liêng và trân trọng, bố mẹ đừng “dập tắt” tình yêu ấy. Cấm đoán chẳng đem lại kết quả gì, chỉ làm con cái khổ hơn, cực đoan và mất niềm tin hơn. Khi con cái “yêu sớm”, trong cái “lo”, bố mẹ cũng phải mừng vì con mình phát triển bình thường, thậm chí phát triển nhanh, trước so với bạn bè trang lứa, dĩ nhiên bố mẹ không “cổ súy” và “kích cầu” cho việc con yêu sớm.

Trước khi cấm con yêu, bố mẹ phải đặt “mình vào con” và trả lời câu hỏi: “mình có đau khổ khi bị bố mẹ cấm đoán”, “ngày xưa bố mẹ có cấm đoán mình không mà giờ mình cấm đoán con”? Hãy “đọc”, “nhìn” cảm xúc của con mà hành động chứ đừng lấy cảm xúc của mình mà áp đặt cho con.

MAI THẮNG

cấm đoánYêu ở tuổi học trò chuyện tình yêu của con

Video liên quan

Chủ Đề