Có nên ăn đuôi ốc hương

Ăn ốc cả ruột

Thứ Tư, 12/01/2011 11:16 GMT+7
Quan tâm0
[TT&VH] - Ông bạn khệ nệ bưng một đĩa ốc bươu luộc bốc khói, đặt lên bàn, giọng trịnh trọng: Đãi anh món ốc bươu bầu hương. Đặc sản thượng hạng của quê tôi. Mời dùng thử.
1. Tôi nhìn trìu mến những con ốc to, vỏ màu đen trông rất bắt mắt, nhưng chưa động thủ. Thấy thế, ông bạn nói tiếp: Ăn ốc bươu, anh không nên bỏ khúc ruột phía sau. Nhai khúc ruột phía sau, anh sẽ nghe mùi bùn thoang thoảng. Chính cái mùi bùn này mới là cốt lõi hấp dẫn của đặc sản ốc bươu.
Nghe vậy, tôi cười đồng tình: Cũng như măng tre phải có vị đăng đắng, cũng như cua có mùi gạch khai khai.
Ông bạn cười, gật đầu lia lịa: Đúng thế. Mùi bùn non thoang thoảng là mùi rất đặc biệt chỉ có khi ăn ốc bươu theo kiểu này. Nào, mời dùng thử sẽ rõ.

Ảnh minh họa [Nguồn: Internet]
2. Ốc bươu luộc đã được đập vỡ đuôi nhọn. Dùng tăm xắn vào niệng ốc kéo ra, lôi theo cả khúc ruột. Chấm ngập vào mắm gừng. Cứ thế, nhai nguyên cái. Ừ, ngon thật. Lại hớp một ngụm rượu ngâm củ đinh lăng, rất đặc sắc. Ông bạn lại nói: Đây, có chén đựng nước luộc ốc đây. Anh múc húp một chút. Cứ thế, nhai con ốc, tợp chút rượu, húp chút nước luộc. Cứ thế, bài bản cứ thế.
Tôi thi hành y lời ông ta. Đúng là ngon quá. Phải húp một chút nước luộc ốc đã sắc lại, độ ngon của ốc bươu tăng lên không ngờ.
Ông bạn và tôi chăm chú ăn một hơi, thật đã miệng. Tiếp, chúng tôi chuyện trò và ăn lai rai, nhắm rượu. Rượu cũng ngon thật. Đến nhà ông ta, ăn món gì cũng ngon mặc dù rất đơn giản. Ông bạn nói:
Rượu ngâm củ đinh lăng phải là rượu nhất, ngâm đặc sệt củ đinh lăng, không lẫn thứ gì khác. Ăn nhiều ốc bươu phải uống rượu mạnh ngâm với củ đinh lăng, nếu không sẽ bị hàn và ách bao tử.
Tôi ăn một con ốc nữa, lại tợp một ngụm rượu, lại húp một chút nước luộc ốc. Thực hiện đúng trình tự xong, tôi chép chép miệng, nói: Nghệ thuật ẩm thực có lẽ cũng giống như nghệ thuật văn chương. Càng đơn sơ càng ngon, càng giản dị càng thích. Chính nhờ đơn sơ và giản dị mà thực phẩm và văn chương mới còn dưỡng chất bổ khỏe cho con người.
Nghe thế, ông bạn liền nhìn tôi, rồi nói: Tôi nhất trí với suy nghĩ này của anh. Đơn sơ là giấc mơ của khẩu vị, giản dị là chị của tài ba.
3. Lần này, tôi nhìn sững ông bạn. Ông ta không bao giờ viết văn, cũng không mê sách vở. Ông chỉ mê ẩm thực. Vậy mà ông ta lại cũng nhất trí về chuyện văn chương. Tôi tò mò: Giản dị là chị tài ba? Ông anh cho thí dụ được không?.
Tôi biết mình vừa hỏi câu rất khó đối với ông ta. Nhưng không phải thế, ông ta cười và trả lời ngay:
Giản dị chính là ca dao và tục ngữ của ông bà đấy. Có gì phức tạp đâu, nhưng sao mà hay ho, thâm thúy đến thế. Nghe một lần là nhớ mãi không quên. Ví như: Dao đâm có lúc liền thương tích/ Lời nói theo nhau hận suốt đời. Quá giản dị mà cũng quá sâu sắc đấy chứ?.
Tôi gật gù tán đồng: Cũng như buộc trâu trưa nát cọc, quá đúng, quá hay.
Ông bạn cười thích chí: Đúng thế, nhưng anh cứ chơi đây đến quá trưa cũng được, tôi không nát cọc đâu. Đấy là giản dị. Giản dị cũng chính là kinh nghiệm đúc kết. Nó chính là kim cương lấp lánh có gốc từ than đá ngàn đời phức tạp tối tăm.
Nói xong, như sực nhớ ra, ông liền đi đến tủ gương lấy thêm chai rượu. Vừa rót ra cốc, ông vừa nói dõng dạc: Phải hết chai thứ hai này nhé? Ốc tánh hàn sẽ hóa giải tánh nóng của rượu. Rượu tánh nóng sẽ hóa giải tánh hàn của ốc. Thế là bình bình. Rất tốt.
Tôi tán thành ngay: Vậy là không có vấn đề gì cho sức khỏe. Coi như chưa ăn ốc, chưa uống rượu.
Cả hai cùng cười thoải mái...
Nhà văn Ngô Phan Lưu
Quan tâm0

Video liên quan

Chủ Đề